Đối thoại về văn học hậu chiến Việt Nam – Bùi Việt Thắng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta đã kết thúc cách đây 40 năm. Văn học Việt Nam đã chuyển sang một thời kỳ mới: Văn học hậu chiến tranh. Mới đây nhà văn Bùi Việt Thắng có trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn hóa Nghệ An về vấn đề này dưới tiêu đề “Đối thoại về Văn học hậu chiến Việt Nam”.

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta đã kết thúc cách đây 40 năm. Văn học Việt Nam đã chuyển sang một thời kỳ mới: Văn học hậu chiến tranh. Mới đây nhà văn Bùi Việt Thắng có trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn hóa Nghệ An về vấn đề này dưới tiêu đề “Đối thoại về Văn học hậu chiến Việt Nam”.

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Nhà văn Bùi Việt Thắng (Ảnh Đinh Thường)

 

– PV: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc 40 năm. Cũng từ đó bắt đầu một thời kỳ mới của văn học Việt Nam – văn học hậu chiến tranh. Chúng tôi xin nói rõ, rằng chúng tôi muốn ông sẽ trao đổi về  văn học Việt Nam sau 30.4.1975, mà chúng tôi tạm gọi là văn học Việt Nam hậu chiến tranh chứ không chỉ là văn học viết về chiến tranh. Thưa ông, quan niệm của chúng tôi  có thuyết phục? Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– Bùi Việt Thắng (BVT): “Văn học tiền chiến” hay “Văn học hậu chiến” là những cách gọi để chỉ văn học Việt Nam trước năm 1945 và sau 1975. Ở khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) hiện chúng tôi đang giảng dạy cho sinh viên ngành Văn học một giáo trình “Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay”. Còn có một cách định danh khác cho văn học Việt Nam sau 1975 là “Văn học đương đại Việt Nam” (nằm trong phạm trù “Văn học hiện đại”). Như vậy có thể nói, một sự vật có thể có nhiều tên gọi khác nhau, điều đó chúng ta vẫn thường thấy. Nhưng xin được lưu ý và nhấn mạnh một vấn đề vừa có tính học thuật vừa có tính nhân tâm thời đại: Nói đến văn học hậu chiến Việt Nam là nói đến nền văn học của cộng đồng người Việt Nam cả ở trong nước và cả ở nước ngoài. Không có lí do gì để chúng ta vô tình hay cố tình quên đi những thành tựu văn học của cộng đồng người Việt ở nước ngoài (với khoảng 4 triệu người). Họ cũng như chúng ta đều là con Rồng cháu Tiên. Là đồng bào của nhau. Và thực sự họ có đóng góp vào nền văn học hậu chiến Việt Nam. Trước đây trong các giáo trình văn học Việt Nam 1945 -1975 (được viết bởi các nhà khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu) chúng ta thường chỉ viết về văn học cách mạng nên đã làm thiếu hụt diện mạo của khái niệm “Văn học Việt Nam”. Tôi thích dùng thuật ngữ “Văn học dân tộc” hoặc “Văn học nước nhà”, như thế đoàn kết hơn, khoa học hơn và có lý, có tình hơn.

Trên tinh thần “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ” chúng ta có thể vui mừng chào đón sáng tác của những tác giả người Việt Nam sống ở nước ngoài có tác phẩm in trong nước như Thuận (định cư ở Pháp) đã in 5 tiểu thuyết tại Việt Nam, Lê Ngọc Mai (định cư ở Pháp) đã in 2 tiểu thuyết tại Việt Nam, Đặng Tiến (định cư ở Pháp) có tác phẩm tiểu luận – phê bình thơ in ở trong nước. Tại CHLB Đức có các nhà văn mà tên tuổi và tác phẩm đã dần quen thuộc với độc giả Việt Nam như Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà, Thế Dũng. Tại Liên bang Nga, lực lượng sáng tác khá hùng hậu, có hẳn tổ chức Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga, có cơ quan ngôn luận (các tạp chí Đất Nước, Người Bạn Đường, Tao Đàn). Cuối năm 2014 Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga đã ra mắt tuyển tập thơ Nối hai đầu thế kỷ, dày hơn 600 trang, với 154 tác giả và gần 300 bài thơ hay. Ở Mỹ hay Canada, cũng đều có những tác giả tâm huyết với nền văn chương Việt và có những tác phẩm in ở Việt Nam có tiếng vang như Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Đức Tùng. Những con số còn khiêm tốn nhưng là những “con số biết nói” gieo vào lòng cộng đồng người Việt niềm tin về một nền văn hóa, văn học thống nhất.

 

– PV: Hành trình văn học Việt Nam 40 năm sau chiến tranh, theo ông có những đặc điểm gì nổi bật nhất?

– BVT: Theo tôi, trước hết đó là tinh thần dân chủ được mở rộng hơn, nhà văn vừa phát huy cao độ tính tích cực xã hội, tinh thần công dân vừa có cơ hội thể hiện tự do sáng tạo của cá nhân. Dân chủ thường đi liền với tự do, nhưng là tự do tất yếu. Ai đó nghĩ như thế nào tôi không rõ, riêng tôi thấy con người Việt Nam nói chung, nhà văn Việt Nam nói riêng bây giờ sống và sáng tác tương đối thoải mái, rộng rãi (như cách nói của tuổi teen là “thoáng”). Cứ trông cách Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho Thân phận của tình yêu (tức Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường năm 1991 thì sẽ thấy rõ. Có dân chủ thì tiểu thuyết Ba người khác của Tô Hoài, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái mới ra mắt bạn đọc được. Năm 2014 nhà xuất bản trẻ đồng loạt in Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh viết sâu và hay về các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, phía  Bắc (lâu nay vẫn được coi là vùng “nhạy cảm”) là bằng chứng của tinh thần dân chủ trong sáng tác văn học. Phải kể đến những tiểu thuyết rất “hot” của Lê Lựu như Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội cũng được xuất bản và tái bản nhiều lần, được dư luận đề cao. Đấy là chưa tính đến “văn học mạng”, khỏi phải nói là tự do vô bờ bến. Nhà văn bây giờ nếu có tiền là tự do in sách của mình chỉ cần không vi phạm Luật Xuất bản. Điều này trước 1975 nằm mơ cũng không thấy.

Tinh thần dân chủ đã là “cú huých” kiến tạo sự phong phú và đa dạng của văn học hậu chiến (về đề tài và chủ đề, về phong cách và bút pháp, về kĩ thuật và kĩ xảo văn học,…). Nhờ tinh thần dân chủ được mở rộng hơn mà văn học có cơ hội “áp sát” đời sống, không có vùng cấm trong sáng tác. Nhờ tinh thần dân chủ mà văn học tiếp cận sâu hơn số phận con người. Nhờ tinh thần dân chủ được mở rộng hơn mà nhà văn có thể vận dụng nhiều phương pháp sáng tác, nhiều phong cách và bút pháp nghệ thuật để tái tạo đời sống trong tính phức tạp và phong phú của nó. Có thể nói tinh thần dân chủ khi được mở rộng hơn đã tạo nên sinh khí mới cho văn học hậu chiến. Các hình thức văn học từ kỳ ảo, kinh dị, huyễn tưởng đến lãng mạn, hiện thực huyền ảo, viễn tưởng thi đua nhau cùng phát triển. Những vấn đề về giới tính (đồng tính nam, nữ), vấn đề sex, những vấn đề của tâm linh, sự tha hương,… được văn học soi rọi trên tinh thần nhân văn đã làm cho đời sống tinh thần con người trở nên thăng hoa hơn. Tuy nhiên cũng cần nói rõ có một số ít nhà văn lợi dụng dân chủ, nhân danh sự đa dạng của văn học để mưu toan những ý đồ riêng không trong sáng.

Trong thời buổi toàn cầu hóa văn học Việt Nam đã từng bước hội nhập được với khu vực và quốc tế. Chúng ta đang cố gắng giảm bớt tình trạng “nhập siêu”, từng bước “xuất khẩu” văn học ra thị trường thế giới. Chưa nhiều nhưng đã có cơ sở để tin tưởng khi tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đã “đổ bộ” vào được những thị trường văn học khó tính như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản,… Các tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Phong Điệp, Mai Văn Phấn,… đã có mặt và chiếm được cảm tình của người đọc các nước sở tại. Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức được ba cuộc hội thảo quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Thành tích và thành tựu trong lĩnh vực này chỉ mới là bước đầu và còn rất khiêm tốn. Nó cần đến một chiến lược văn hóa và một quá trình xã hội hóa toàn diện, lâu dài và bền vững. Nên biết chờ đợi, vì đôi khi chờ đợi cũng là một hạnh phúc.

 

– PV: Nói đến văn học người ta trước tiên hay nói đến nhà văn. Theo ông, đội ngũ nhà văn Việt Nam 40 năm qua có đặc điểm gì?

– BVT: Chưa bao giờ, xét về lực lượng sáng tác, đội ngũ nhà văn Việt Nam lại đông đảo và hùng hậu như thời kì hậu chiến. Có đến bảy thế hệ, theo tôi, kề vai sát cánh sáng tác: Thế hệ tiền chiến, thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, thế hệ trưởng thành sau chiến tranh. Nối dài đội ngũ nhà văn là các thế hệ 7X, 8X, 9X. Nhưng có một thực tế đáng phải suy nghĩ là, bốn thế hệ đầu có sự tiếp nối, kế tục nhau    rõ nét hơn, biện chứng hơn. Bắt đầu từ thế hệ 7X xuất hiện sự đứt gãy, dường như họ muốn “độc lập tác chiến”. Theo quan sát của tôi họ hầu như không đọc và học tập các tác giả cổ điển, các thế hệ trước mình trong nghề viết. Họ tự tin hay tự kiêu? Có lẽ có cả hai!

Hiện nay có đến gần 1.000 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đó là một lực lượng đông đảo về số lượng (tính trên số dân trong nước khoảng 90 triệu). Nhưng mới chỉ là số lượng, chất lượng đang là vấn đề. Năm 2014 Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp 50 hội viên mới các ngành Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình và Dịch thuật. Trong lĩnh vực này, theo tôi, cần “quý       hồ tinh bất quý hồ đa” như cổ nhân dạy. Nói thẳng ra là chúng ta đang thiếu những tài năng văn học (một vài người có dấu hiệu tài năng nhưng bị “tán tài” vì sự vụ hay vì một tham vọng ngoài văn học ), đó là một nguy cơ khiến cho văn học nước nhà khó sánh vai với bạn bè năm châu bốn biển.

 

– PV: Những sự kiện chính trị – xã hội  nào đã tác động mạnh mẽ nhất, làm chuyển biến sâu sắc nền văn học Việt Nam trong hành trình 40 năm vừa qua, theo ông?

– BVT: Văn học mọi thời đại đều không thể đứng ngoài lịch sử và chính trị. Theo tôi trong 40 năm thời hậu chiến (1975-2015) có những sự kiện trọng đại sau tác động đến toàn bộ đời sống mọi mặt xã hội, trong đó có văn học: Hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Tại sao phải nói đến đầu tiên sự kiện này? Là vì nó làm đảo lộn cuộc sống thời bình của đất nước. Là vì nó nhắc nhủ chúng ta không được chủ quan, không được quên bài học về bạn – thù. Là vì chiến tranh và hòa bình luôn luôn là hai mặt của đời sống xã hội loài người, trong đó có dân tộc Việt Nam. Thế giới ngày nay vẫn ngút ngàn khói lửa chiến tranh. Tiếp đến phải kể đến công cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, từ năm 1986, đã thay da đổi thịt cuộc sống của nhân dân, đã xây dựng được hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng một xã hội giàu có và văn minh. Sự kiện thứ ba là việc Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế từ khu vực đến toàn cầu (từ khối ASEAN, đến Liên hợp quốc,…). Sự gia nhập các tổ chức quốc tế chứng tỏ Việt Nam không bị lạc hậu, không bị cô lập, không bị lãng quên trong một thế giới phẳng. Chúng ta đang ở trong xu thế toàn cầu hóa. Chúng ta đã nhận thức được sâu sắc trái đất là ngôi nhà chung của thế giới, nhân loại cần đoàn kết lại trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Nghĩa là chúng ta đang làm một cuộc đổi mới toàn diện, triệt để. Đổi mới theo hướng này là phát triển theo chiều sâu, bền vững. Quá trình hội nhập làm thông thương con đường văn học Việt Nam ra thế giới.

 

– PV: Những biểu hiện mạnh mẽ và cụ thể nhất của sự chuyển biến đó, theo ông?

– BVT: Đó chính là công cuộc đổi mới văn học, được tính từ năm 1986. Cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh với giới văn nghệ sĩ (trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987) được đánh giá như một sự kiện có tính chất vận hội của sự nghiệp đổi mới văn học Việt Nam thời hậu chiến. Nhưng đổi mới nên được xem là một quá trình, không phải bỗng chốc như là sấm sét giáng xuống. Vì thế phải ghi công đầu cho những người dũng cảm mở đường như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Thái Bá Lợi, Nguyễn Duy,… Nói là một cuộc cách mạng trong văn học thì có vẻ đao to búa lớn, nhưng thực chất là như vậy. Nhìn rộng ra toàn xã hội thì thấy, nếu không có đổi mới thì liệu bao giời chúng ta mới thoát khỏi cảnh bao cấp, tem phiếu, bao giờ mới được ăn ngon mặc đẹp, bao giờ mới có nhà cửa xe cộ đàng hoàng như hôm nay?! Có được như hôm nay trước hết là nhờ Đổi mới, nói như thế mới công tâm, công bằng.

Riêng trong lĩnh vực văn học, công cuộc Đổi mới đã “cởi trói” đã giải phóng năng lượng sáng tạo của nhà văn mà trong hoàn cảnh chiến tranh ba mươi năm (1945-1975), vì nhiều lí do văn học đã tự nguyện hi sinh cho công cuộc giải phóng đất nước. Đó là thời kỳ “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến”. Văn học Đổi mới có điều kiện trở lại chính mình theo những quy luật nội tại của nó. Văn học Đổi mới không xa rời chính trị, trái lại chính trị hơn bao giờ hết khi nó vận hết nội lực để phát hiện và bảo vệ các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, phấn đấu một nền văn học vì con người.

Không thể không ghi nhận vai trò của báo Văn nghệ thời kỳ đó đã khích lệ sáng tác theo tinh thần Đổi mới, nói một cách hình ảnh thì đó chính là “giọt nước làm tràn ly nước”. Cho đến tận bây giờ độc giả yêu văn học mỗi lần cầm tờ báo Văn nghệ trên tay lại thầm nhớ về “một thời vang bóng” của tờ báo có uy tín của cả nước khởi sự từ năm 1948.

Cũng nhờ Đổi mới mà văn học Việt Nam thông thương được với thế giới. Trong quá trình giao lưu và hội nhập thì văn hóa, văn học là sứ giả thiện chí nhất mang đến cho nhân loại tiếng nói chung vì hòa bình và hữu ái, hữu nghị giữa các dân tộc.Trống đồng, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi đã là những “sứ giả văn hóa” Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

 

– PV: Nhận thức về chiến tranh của các nhà văn, các thế hệ nhà văn thay đổi như thế nào và họ đã thể hiện trong tác phẩm theo cách nào trong hành trình 40 năm vừa qua, theo ông?

– BVT: Phải nói ngay rằng chiến tranh là một “siêu đề tài” trong văn học hậu chiến Việt Nam. Vì sao như thế? Là vì chúng ta cho đến nay vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến theo nhiều nghĩa. Dư âm và dư vị của chiến  tranh vẫn còn hiện diện giữa đời sống của chúng ta. Hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đang đi đòi công lý, hàng vạn tấn bom mìn đang cần được tháo dỡ (mà theo cách ta làm hiện nay thì phải mất một trăm năm nữa), có đến 4 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài (nó như một “thực thể tha hương”, một hậu quả chiến tranh), vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc đang hiện diện trong mỗi gia đình Việt Nam…

Tuy nhiên nhận thức và tái hiện chiến tranh ở các thế hệ nhà văn, và mỗi nhà văn lại không hề giống nhau. Có những nhà văn dùng hình thức bi kịch để tái hiện chiến tranh kiểu như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Dương Hướng với Bến không chồng, Nguyễn Trí Huân với Chim én bay, Trần Huy Quang với Nước mắt đỏ,… Có những nhà văn dùng hình thức tráng ca để tái hiện chiến tranh như tác phẩm của các nhà văn Hồ Phương với Ngàn dâu, Phan Tứ với Người cùng quê, Nam Hà với Đất Miền Đông, Đặng Đình Loan với Đường thời đại,… Có những nhà văn không trải qua chiến tranh với tư cách người trong cuộc, họ “sinh sau đẻ muộn” nên cảm nhận chiến tranh với ý nghĩa là người bình luận như Nguyễn Đình Tú với Xác phàm, Nguyễn Bình Phương với Mình và họ,… Nhưng theo tôi cho đến nay những tác phẩm viết về chiến tranh của những nhà văn từng tham gia chiến tranh vẫn thuyết phục bạn đọc hơn. Tiếng nói nghệ thuật của người trong cuộc vẫn có quyền uy nhất định. Đơn cử năm 2014 Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cho tiểu thuyết tư liệu-lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo Trần Mai Hạnh.

Nhưng không riêng gì tôi mà bạn đọc nói chúng đều thấy giữa họ, tức các nhà văn thuộc nhiều thế hệ, đều có chung cái nhiệt huyết muốn cắt nghĩa những nguyên nhân sức mạnh tinh thần giúp dân tộc Việt Nam đứng vững trong chiến tranh và chiến thắng kẻ thù. Tuy nhiên họ lại khác nhau ở phong cách và bút pháp thể hiện. Lối viết của thế hệ đàn anh là nghiêng về “tả trận”, tựa vào cảm hứng sử thi và lãng mạn để kể chuyện về chiến tranh.  Lối viết của thế hệ trẻ là nghiêng về ‘nghiền ngẫm” thế sự, có thể dùng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau để tái hiện chiến tranh. Rồi sẽ xuất hiện một thế hệ nhà văn không hề biết đến chiến tranh nhưng lại có thể viết rất hay về chiến tranh nhờ vào trí tưởng tượng phong phú và mãnh liệt.

 

– PV: Sự kiện sụp đổ của Liên xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu đã ảnh hưởng đến văn học hậu chiến Việt Nam như thế nào, theo ông?

– BVT: Những sự kiện chính trị – kinh tế – xã hội tác động đến văn học có khi trực tiếp, có khi gián tiếp. Sự kiện sụp đổ của Liên xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu đã có ảnh hưởng trực tiếp đến văn học hậu chiến Việt Nam. Trước hết khái niệm “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” một thời kì dài được coi là ưu việt nhất đối với nhà văn, đến lúc này có thể nói hết hiệu nghiệm vì tính “duy nhất đúng” của nó không khả thi. Thực tế cho thấy nhà văn Việt Nam hiện nay sáng tác rất tự do. Chẳng hạn rất khó quy văn của Nguyễn Huy Thiệp vào một phương pháp nào, trong khi đa số công nhận là hay. Trước đây văn học của ta tràn trề tính lý tưởng và lồng lộng hình tượng con người mới xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, tất nhiên hai đặc tính đó bị suy giảm rõ rệt, nếu không nói là lu mờ. Văn học hậu chiến có xu hướng trở về với truyền thống hiện thực đã ngự trị trong văn học tiền chiến (trước 1945) và có những thành tựu vang dội với các đại diện ưu tú của nó như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Bùi Hiển,… Nhân vật thời đại trong văn học bây giờ là con người bình thường với những số phận khác nhau, nó rất gần gũi với bạn đọc để có thể trở thành tri âm tri kỉ, không còn kiểu “kính nhi viễn chi” như thời trước nữa.

Cũng cần phải nói thêm là biên độ sáng tác của nhà văn sau sự kiện này được mở rộng. Chúng ta thấm nhuần một cách sâu sắc rằng “ngoài trời còn có trời”. Cái hệ thống lâu nay chúng ta nghĩ là “nhất thành bất biến” hóa ra là có biến. Chúng ta có điều kiện đi vào một hệ thống mở hơn, nói văn vẻ là đi vào một “cuộc chơi” mới có tính toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học.

 

– PV: Tác động của hai cuộc chiến tranh biên giới sau năm 1975, Tây Nam và phía Bắc, cũng đã ảnh hưởng như thế nào đến văn học, theo ông?

– BVT: Theo tôi ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc đến văn học, theo nghĩa đó là những “món nợ” tinh thần của nhà văn với nhân dân mình, đất nước mình. Bởi vì trong hai cuộc chiến tranh đó sự hi sinh của quân dân ta là vô bờ bến. Bởi vì hai cuộc chiến tranh đó cho chúng ta bài học về bạn, thù. Bởi vì hai cuộc chiến tranh đó cho chúng ta những bài học về nhân cách và phi nhân cách. Bởi vì hai cuộc chiến tranh đó cho chúng ta bài học về cái giá của sự ảo tưởng như một nét trội trong tư duy của người Việt nhiều đời. Văn học viết về hai cuộc chiến tranh đó sẽ cho chúng ta một bài học, như văn hào Phu- xich đã viết cuối tác phẩm Viết dưới giá treo cổ: “Hỡi con người, hãy cảnh giác!”.

Viết thành công về hai cuộc chiến tranh đó chứng tỏ một văn mạch chiến tranh luôn cuộn chảy trong dòng chung của văn học Việt Nam hiện đại.

 

– PV: Cảm hứng chủ đạo của nhà văn Việt Nam bây giờ là gì khi viết về chiến tranh, theo ông?

– BVT: Văn học viết về chiến tranh thời nào cũng dựa vào cảm hứng nhân văn, nhân đạo – vì con người , vì sự sống là điều đáng quý nhất. Không có mất mát nào lớn bằng cái chết. Hạnh phúc của con người là được sống, dẫu cho cuộc đời đôi khi cũng lắm “xì xèo”. Tuy nhiên văn học viết về chiến tranh trước năm 1975 nghiêng về miêu tả sự hi sinh, sự xả thân vì nghĩa lớn của con người tham gia chiến tranh, còn văn học sau 1975 nghiêng viết về bảo vệ các giá trị sống, con người dẫu trong chiến tranh cũng cần biết cách sống hơn là biết cách chết. Bởi vì “sự sống chẳng bao giờ chán nản”. Miền hoang (Nxb Trẻ, 2014) của Sương Nguyệt Minh cho thấy nhà văn viết nhiều về cách bảo vệ sự sống của người lính ở chiến trường. Sống để chiến đấu, chiến thắng và trở về chứ không phải chết để chấm hết.

 

– PV: Sự khác nhau rõ ràng nhất giữa các thế hệ nhà văn trưởng thành trong chiến tranh, trước 1975, và thế hệ nhà văn hình thành, trưởng thành sau 1975 là gì, theo ông?

– BVT: Nói đến một thế hệ nhà văn nào đó, theo tôi, trước hết nói đến “cảm hứng sáng tác” của họ. Cảm hứng sáng tác sẽ chi phối sự tìm kiếm chất liệu, ý đồ xây dựng tác phẩm, cách thể hiện chủ đề, lựa chọn hình thức thể hiện,  kĩ thuật viết cũng như ngôn từ. Trước năm 1975 mỗi nhà văn cầm bút sáng tác đều có chung tâm thế, như cách Xuân Diệu thể hiện bằng thơ: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”. Viết là thể hiện cái “tôi” nhưng cái “tôi” trong chiến tranh hòa vào cái “ta” rộng lớn – đó là nhân dân vĩ đại. Thế hệ này có chung tình cảm “sống chết với văn chương”. Nhưng họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.Trong thời hậu chiến, nhà văn cầm bút sáng tác đôi khi dựa vào những cảm hứng rất riêng tư, thậm chí không ít người coi viết văn chỉ là “một trò chơi vô tăm tích”. Mà đã là một cuộc chơi ngôn từ thì không có gì ràng buộc, níu kéo để sống chết với nghề văn. Đặc biệt các thế hệ 8X, 9X họ viết cứ như “chơi chơi”, vì khi người ta trẻ người ta nghĩ khác, vui buồn khác và hành xử khác. Nói tóm lại với người trẻ thì viết là một cách “tự sướng”, để thỏa mãn cái “tôi” lúc nào cũng như Thái Sơn – nên coi đấy là một đặc điểm chứ không phải là một nhược điểm của lớp trẻ bây giờ. Nhưng nếu coi tương lai ở trong tay người trẻ tuổi, riêng trong lĩnh vực văn học, với tôi đôi lúc cũng cứ phấp phỏng lo âu và chờ đợi. Độc giả đang chờ đợi một cuộc “bàn giao” ngoạn mục trên lĩnh vực sáng tạo văn học giữa các thế hệ. Nói như một bộ phim hoạt hình Nga “Hãy đợi đấy!”.

– PV: Và bạn đọc, cách đọc, cách tiếp nhận văn học của công chúng bây giờ có gì khác với bạn đọc thời  kỳ trước 1975, theo ông?

– BVT: Lý thuyết tiếp nhận nghệ thuật làm chúng ta sáng ra nhiều điều. Trước đây người ta nghiêng chú ý về mối quan hệ giữa nhà văn và hiện thực đời sống, nhà văn và tác phẩm. Bây giờ người ta nghiêng chú ý về mối quan hệ giữa tác phẩm và độc giả. Công chúng nghệ thuật nói chung, công chúng văn học nói riêng, đã có những biến đổi hết sức quan trọng, thực tế này đòi hỏi nhà văn cầm bút sáng tác phải ngay từ đầu đặt câu hỏi “người đọc của mình là ai? Ít hay nhiều?”. Trước năm 1975, trong điều kiện chiến tranh, văn hóa đọc là tối thượng và gần như là duy nhất, độc tôn. Một cuốn sách, chẳng hạn Sống như Anh (viết về liệt sĩ – anh hùng Nguyễn Văn Trỗi) của Trần Đình Vân, in ra hàng vạn bản. Người đọc cộng hưởng tình cảm, cộng hưởng tư tưởng nên sự tiếp nhận và bình giá tác phẩm là hoàn toàn thống nhất. Thời đó không có thị hiếu riêng của từng người mà là thị hiếu tập thể, hay gọi là “đám đông”. Thời bây giờ công chúng nghệ thuật không thích những “món ăn dọn sẵn” do các nghệ sĩ bày đặt ra, ép người ta phải dùng. Khách hàng bây giờ là Thượng đế, họ móc hầu bao ra mua sản phẩm nghệ thuật tùy theo túi tiền và cái “tạng” của riêng mình. Nói tóm lại công chúng nghệ thuật ngày nay rất đông đảo nhưng rất phức tạp. Họ thông minh, họ khó tính và thậm chí đôi khi hơi… đỏng đảnh. Cơ chế thị trường và văn hóa đại chúng đặt ra trước nhà văn những yêu cầu thiết thân, thực tế trong quá trình sáng tác. Xét cho cùng tác phẩm văn học cũng là một thứ “hàng hóa”, nhưng là một thứ hàng hóa đặc biệt nên cũng cần được đối xử một cách đặc biệt. Đã có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trước tình trạng văn học đang bị đẩy ra ngoại biên của trung tâm văn hóa, văn hóa nghe nhìn đang lấn sân văn hóa đọc. Đó là một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà có tính chất thế giới. Để cứu vãn tình thế này chỉ có một điều kiện duy nhất – cần đến những tài năng văn học để kéo độc giả trở về với nghệ thuật ngôn từ./.

Hà Nội, tháng 5 năm 2015

B.V.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder