Bài ca tuyệt vọng ơi, xin đừng than vãn trong giờ phút chia tay. Hãy vui lên vì chính nỗi bất hạnh của ta đã là nguyên nhân ra đời của ngươi, và ngay khi đã nằm yên trong mồ cũng chớ buồn làm chi”… (Tiếp kì 7)
Bài ca tuyệt vọng ơi, xin đừng than vãn trong giờ phút chia tay. Hãy vui lên vì chính nỗi bất hạnh của ta đã là nguyên nhân ra đời của ngươi, và ngay khi đã nằm yên trong mồ cũng chớ buồn làm chi”. (Tiếp kì 7)
Chương 14
NHỮNG VẦN THƠ TUYỆT MỆNH CỦA CHÀNG CHĂN CỪU QUÁ CỐ CÙNG NHỮNG CHUYỆN BẤT NGỜ KHÁC
Bài ca của Grixôxtômô:
“Hỡi con người độc ác, mi muốn rằng người đời, từ thế hệ này qua thế hệ khác, kể lại cho nhau nghe về sức mạnh của sự độc ác của mi. Đã vậy, ta sẽ làm sao cho địa ngục truyền vào trong lồng ngực sầu não của ta một giọng bi thảm, khác hẳn tiếng nói bình thường của ta. Từ mong ước nói lên nỗi đau khổ của ta cùng những thành tích của mi sẽ bật ra một tiếng kêu khủng khiếp, và tiếng kêu đó lại càng khủng khiếp vì có xen lẫn những mảnh lòng đau đớn của ta. Mi nghe đây, hãy lắng tai nghe; tự đáy lòng cay đắng của ta không phát ra một âm thanh nào réo rắt đâu; trái lại, đó là một thứ tiếng làm mi phải chối tai, nhưng ta lại thấy vui thích.
Tiếng gầm của sư tử, tiếng hú của sói dữ, tiếng rít khủng khiếp của con rắn có vảy, tiếng thét ghê rợn của một con quái vật, tiếng kêu gở của con quạ khoang, tiếng gào của gió đập vào mặt biển, tiếng rống của con bò mộng trước khi chết, tiếng kêu buồn bã của con chim gáy cô đơn, tiếng rúc thê lương của con cú cùng với tiếng rền rĩ của một bầy quỷ ác độc, tất cả những cái đó hòa vào tiếng than vãn đau đớn của lòng ta, tạo thành một âm thanh làm rối loạn tri giác, vì rằng nỗi buồn đang vò xé tâm can ta cần được mô tả bằng những hình thức mới.
Không, cát vàng ở sông Tahô cùng những cây cảm lãm ở Bêtix sẽ không nghe thấy những tiếng vọng buồn thảm và hỗn tạp đó đâu. Nỗi đau khổ của ta, được mô tả bằng một ngôn ngữ chết và những danh từ sống, sẽ vang lên trên đỉnh những ngọn núi, dưới những vực thẳm, trong những thung lũng tối tăm, trên những bãi biển hoang vắng, ở những nơi không bao giờ có ánh sáng mặt trời, giữa bầy thú dữ trên miền đồng bằng xứ Libia. Những tiếng vọng nghẹn ngào nói lên nỗi đau khổ của ta cùng sự độc ác có một không hai của mi vang lên ở những chốn hoang vu, và do một đặc ân dành cho số phận hẩm hiu của ta, sẽ được truyền đi khắp nơi trên trái đất.
Sự khinh miệt giết chết con người; sự hoài nghi, dù đúng hay sai, cũng khiến cho lòng dạ bồn chồn; sự ghen tuông có sức giết người mạnh hơn; sự xa vắng lâu dài làm rối loạn cuộc sống; và trong nỗi lo sợ bị lãng quên, con người ta mất hết hy vọng. Tất cả đều mang lại chết chóc, một sự chết chóc chắc chắn, không tránh khỏi. Nhưng kỳ lạ thay! Ta vẫn sống để ghen tuông, để xa vắng, để bị hắt hủi, để tin vào những mối nghi ngờ một ngày kia sẽ giết chết ta. Trong sự lãng quên mà ngọn lửa của ta bùng cháy mạnh hơn, giữa bao nỗi đắng cay, không bao giờ ta nhìn thấy một tia hy vọng, và trong nỗi thất vọng, ta cũng chẳng đi tìm kiếm nó làm chi; trái lại, ta sống với buồn thương, thề mãi mãi không ấp ủ hy vọng trong lòng.
Có thể nào con người ta vừa hy vọng vừa lo sợ được không? Có lẽ như thế lại hay khi những nguyên nhân lo sợ đã rõ ràng. Nếu sự ghen tuông hiện ra trước mắt ta, ta có cần nhắm mắt lại không một khi ta phải nhìn nó qua hàng ngàn vết thương đâm vào lòng ta? Còn ngần ngại chi không mở toang cửa đón sự hoài nghi và sự lo âu một khi đã nhìn thấy rõ sự lạnh nhạt, một khi những hoài nghi, ôi đổi thay cay đắng! đã trở thành sự thật, một khi sự thật trong trắng biến thành dối giả. Hỡi sự ghen tuông ngự trị trong xứ sở của tình yêu, hãy xiềng xích đôi tay ta lại! Hỡi sự khinh rẻ, hãy mang đến cho ta một sợi dây. Than ôi! Sự đau khổ đã thắng một cách độc ác và đã bóp chết ký ức.
Thôi, ta đi đây, mãi mãi không bao giờ nuôi hy vọng tốt đẹp nào dù ở bên này hay bên kia thế giới, mãi mãi giữ những ý kiến của ta. Ta sẽ nói rằng kẻ nào yêu là đúng, và tâm hồn tự do nhất là tâm hồn tự trói buộc vào sự hà khắc của tình yêu. Ta sẽ nói rằng kẻ thù muôn đời của ta đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn, rằng sự lạnh nhạt của y do ta gây nên, và chính vì đã gây tác hại cho mọi người nên tình yêu đã vững vàng ngự trị. Với những ý nghĩ đó, và bằng sợi dây oan nghiệt để chóng kết liễu chuỗi ngày đau khổ của ta do mi gây nên, ta sẽ trao cho gió bốn phương cả tâm hồn và thể xác một cách lặng lẽ âm thầm.
Những sự bất công của mi đã chỉ cho ta và buộc ta cũng phải đối xử tàn tệ với cuộc đời đáng ngán mà ta chán ghét. Vết thương làm tê tái lòng ta đã cho mi thấy rõ rằng ta vui lòng chịu đựng sự độc ác của mi, và nếu có lúc nào mi cảm thấy cái chết của ta đáng để cho đôi mắt sáng đẹp của mi nhỏ đôi hàng lệ, ta khuyên mi đừng làm. Ta không muốn mi tỏ ra chút nào thương xót trước cái chết của ta. Trái lại, ta muốn cho tiếng cười của mi vang lên trong những phút bi thảm này để nói lên rằng cái chết của ta đối với mi là một ngày hội. Nhưng ta đã quá ngây thơ dặn mi điều đó vì ta biết rằng mi tự hào về thành tích của mi khi thấy cuộc đời của ta kết thúc một cách nhanh chóng như vậy.
Thôi, đã đến giờ rồi. Nào Tantalô phải chịu đựng cái khát ghê người, nào Xixiphô phải lăn mãi hòn đá lên núi cao, hãy từ vực thẳm lên đây; nào Tixiô, hãy mang con diều hâu lại; nào bánh xe có lửa thiêu cháy Êhiôn, hãy quay mãi đi; nào các nữ thần, hãy làm những việc khổ cực; tất cả hãy mang đến cho ta những hình phạt muôn đời của họ và hãy hát lên những bài buồn thảm (nếu như việc đó có thể làm được đối với một kẻ tuyệt vọng) trước một tử thi mà không ai muốn chôn cất tử tế; hỡi con chó ba đầu canh cửa địa ngục và hàng ngàn quái vật khác, hãy hòa vào sự đau buồn này.
Thật không còn nghi lễ nào xứng đáng hơn đối với một kẻ đã chết vì tình.
Bài ca tuyệt vọng ơi, xin đừng than vãn trong giờ phút chia tay. Hãy vui lên vì chính nỗi bất hạnh của ta đã là nguyên nhân ra đời của ngươi, và ngay khi đã nằm yên trong mồ cũng chớ buồn làm chi”.
Nghe đọc xong, mọi người đều khen hay, nhưng Vivalđô cho rằng nội dung không phù hợp với lời đồn về những đức tính của Marxêla vì trong thơ, Grixôxtômô có nói đến ghen tuông, hoài nghi, xa cách là những điều xúc phạm tới uy tín và thanh danh của cô gái chăn cừu. Là một người nắm được những ý nghĩ thầm kín của Grixôxtômô, Ambrôxiô đáp:
– Để giải đáp thắc mắc của ngài, xin thưa rằng khi kẻ bất hạnh làm bài ca này, chàng không ở gần Marxêla; chàng cố tình lánh xa cô ta, nghĩ rằng sự xa cách xưa nay vẫn làm phai nhạt tình yêu. Nhưng sự xa cách thường làm cho người ta lo lắng, nghĩ vẩn vơ, và vì thế Grixôxtômô thực sự bị giày vò bởi những ý nghĩ ghen tuông, hoài nghi mà chàng đã tưởng tượng ra. Cho nên không ai phủ nhận được những đức tính của Marxêla, và mặc dù cô ta có nhẫn tâm, kiêu kỳ và khinh bạc, ngay những kẻ độc mồm cũng không thể chê trách điều gì.
– Đúng thế, Vivalđô đáp.
Chàng định đọc thêm một bài trong số những bài thơ mà chàng giữ lại được, bỗng đâu một cảnh tượng kỳ diệu (đúng là kỳ diệu) hiện ra trước mắt mọi người: trên đỉnh quả núi nhìn thẳng xuống nơi đào huyệt xuất hiện cô gái chăn cừu Marxêla. Sắc đẹp của nàng còn trên cả lời đồn. Những ai chưa từng gặp nàng đều lặng yên nhìn bằng con mắt thán phục, còn những người đã nhiều lần trông thấy nàng cũng không kém phần ngây ngất. Vừa nhìn thấy, Ambrôxiô đùng đùng nổi giận nói:
– Hỡi con baxilích[30] dữ tợn của núi rừng này! Phải chăng mi tới đây để thử xem sự có mặt của mi có làm cho những vết thương của kẻ quá cố – nạn nhân sự độc ác của mi – ộc máu ra không[31]; hay mi đến để tự hào về những chiến công tàn bạo của mình; để từ trên cao ngó xuống như tên bạo chúa Nêrô đứng nhìn thành Rôma bốc cháy; để giày xéo một cách láo xược lên tử thi bất hạnh này giống như đứa con gái bất hiếu nọ giày lên xác cha nó là Tarkinô? Hãy nói mau cho ta biết mi đến đây làm gì, muốn gì. Lúc còn sống, Grixôxtômô luôn làm đúng ý mi, cho nên bây giờ mặc dù chàng đã qua đời, ta cũng sẽ làm cho tất cả những ai tự coi là bạn chàng phải làm đúng ý chàng.
– Anh Ambrôxiô, tôi đến đây hoàn toàn không phải như anh nói, Marxêla đáp. Tôi đích thân tới đây để thanh minh với những ai, vì quá thương xót cái chết của Grixôxtômô, đã buộc tội tôi một cách phi lý. Tôi xin tất cả các người có mặt tại đây hãy nghe tôi nói. Chắc sẽ không mất nhiều thời giờ và nhiều lời để trình bày một sự thật với những người hiểu biết. Như lời các người nói, ông trời đã phú cho tôi sắc đẹp, một sắc đẹp khiến các người phải rung động và say mê. Và vì yêu tôi, các người nói và muốn rằng tôi phải yêu các người. Với sự hiểu biết sẵn có Trời ban cho, tôi biết rằng tất cả cái gì đẹp đều đáng yêu, nhưng tôi không thể hiểu nổi rằng một người được yêu vì có nhan sắc bắt buộc phải yêu kẻ đã yêu mình. Vả chăng tình hình sẽ ra sao nếu như người yêu mình lại xấu. Không ai yêu một người xấu xí, cho nên làm sao có thể nói được rằng, “Tôi yêu nàng vì nàng xinh đẹp; nàng phải yêu tôi mặc dù tôi xấu xí”. Giả thử đôi trai gái đều đẹp đều xinh cả thì cũng không nhất thiết họ có những mong muốn giống nhau vì rằng không phải sắc đẹp nào cũng làm say lòng người. Có những sắc đẹp đập vào mắt nhưng không chinh phục được ai. Còn nếu cái đẹp nào cũng làm mê mẩn và chinh phục con người ta thì tất cả những ước vọng tản mạn, viển vông sẽ va chạm nhau một cách hỗn độn, không bề giải quyết. Trên đời này, cái đẹp là vô tận và do đó những ước vọng của con người cũng vô tận. Người ta bảo rằng tình yêu thật sự không chia sẻ, cũng không thể bắt buộc được, mà do tự nguyện. Nếu quả như vậy, theo tôi hiểu, tại sao các người muốn tôi phải làm theo ý các người chỉ vì các người nói rằng các người yêu tôi? Bây giờ xin hãy trả lời: Nếu ông Trời kia không phú cho tôi sắc đẹp mà bắt tôi phải xấu xí, tôi có thể trách các người vì các người không yêu tôi không? Vả chăng, hãy nghĩ rằng tôi không cầu mong có nhan sắc. Trời thương phú cho tôi, tôi không hề cầu xin, mong ước. Cũng như con rắn lục có nọc độc làm chết người mà không đáng kết tội vì tạo hóa sinh ra nó như vậy, tôi cũng không đáng trách vì có đôi chút nhan sắc. Một người đàn bà xinh đẹp nhưng nết na ví như ngọn lửa hay thanh gươm nhọn để xa: lửa không thiêu cháy và gươm không đâm ai nếu không ai lại gần. Danh dự và những đức tính là đồ trang sức của linh hồn; thiếu những cái đó, dù thể xác có đẹp cũng không thể coi là đẹp được. Nếu đức hạnh là một trong những đức tính làm tăng vẻ đẹp của thể xác và linh hồn, tại sao một người đàn bà được mọi người yêu vì có nhan sắc lại phải từ bỏ nó để làm đẹp lòng một kẻ, chỉ vì ý thích riêng của mình, dùng mọi cách để buộc người đàn bà kia phải từ bỏ đức tính đó? Tôi sinh ra tự do và để được sống tự do, tôi đã chọn sự thanh vắng của đồng quê. Cây cối trên dãy núi này là bạn tôi; dòng nước trong của những con suối này là gương soi của tôi. Tôi gửi gắm tâm tình và nhan sắc cho cỏ cây và những dòng suối. Tôi là ngọn lửa, là thanh gươm để xa mọi người. Đối với những ai say mê sắc đẹp của tôi, tôi dùng lời lẽ làm cho họ tỉnh ngộ; và nếu những ước vọng của con người ta được nuôi dưỡng bằng hy vọng, có thể nói rằng Grixôxtômô đã chết vì sự mù quáng của chàng, tuyệt nhiên không phải vì tôi độc ác, bởi chăng tôi không hề nuôi hy vọng cho chàng hay bất cứ ai. Còn nếu trách tôi rằng Grixôxtômô là một người tốt, do đó tôi phải đền đáp tấm lòng tốt của chàng, tôi xin trả lời: khi chàng tỏ tình với tôi ở ngay chỗ huyệt này, tôi đã nói rằng tôi muốn mãi mãi sống trong cảnh cô đơn và khi chết, tôi sẽ phó thác tấm thân cho đất bụi. Vì Grixôxtômô vẫn cố tình nuôi hy vọng, bơi ngược dòng nước, mặc dù tôi đã dùng hết lời để chàng tỉnh ngộ, nên chàng đã bị dòng nước xoáy cuốn đi do sự điên rồ của mình. Nếu tôi làm theo ý chàng thì chỉ là giả dối; nếu tôi làm đẹp lòng chàng tức là tôi đi ngược mong muốn thiết tha nhất của tôi. Chàng đã cố tình không chịu tỉnh ngộ, chàng đã thất vọng nhưng không bị ghét bỏ. Anh thử nghĩ xem có nên kết tội tôi là kẻ đã gây ra sự đau khổ cho Grixôxtômô không? Nếu tôi lừa dối thì hãy trách móc; nếu tôi nuốt hẹn, hãy thất vọng; nếu tôi lựa chọn, hãy nuôi hy vọng; nếu tôi nhận lời, hãy tin tưởng; nhưng xin đừng bảo tôi là kẻ độc ác, là kẻ sát nhân một khi tôi không hứa hẹn, lừa dối, lựa chọn hoặc nhận lời ai. Cho tới nay, Trời kia chưa bắt tôi phải yêu theo số mệnh; còn nếu nghĩ rằng tôi kén chọn người yêu là nhầm. Mong rằng những lời nói của tôi tỉnh ngộ được những ai muốn đeo đuổi tôi, và từ nay về sau, nếu có ai vì tôi mà chết, xin hiểu cho rằng không phải vì ghen tuông giận hờn, bởi lẽ một người không yêu ai sẽ không làm cho ai phải ghen, còn những người nào được giác tỉnh không có nghĩa bị khinh rẻ. Kẻ nào gọi tôi là thú dữ và rắn độc, xin hãy tránh tôi như tránh một con vật có hại và xấu xa; kẻ nào bảo tôi bất nhân, xin hãy lánh xa; kẻ nào thấy tôi khó hiểu, xin đừng gần gũi; kẻ nào buộc tôi độc ác, xin đừng đeo đuổi. Con thú dữ đó, con rắn độc đó, con người bất nhân, khó hiểu, độc ác đó không tìm kiếm, thờ phụng, quan hệ, đeo đuổi ai cả. Nếu Grixôxtômô đã chết vì tức giận và vì quá yêu, tại sao lại đổ tội cho thái độ đúng đắn của tôi. Tôi sống trong sạch cùng với cỏ cây; vậy tại sao có những kẻ muốn tôi sống trong sạch cùng với mọi người lại muốn tôi trở nên xấu xa? Như tất cả đều biết, tôi có nhiều của cải và tôi không tham lam của người khác; tôi sống tự do, không thích lệ thuộc vào ai cả. Tôi không yêu, không ghét; tôi không lừa dối người này, cầu cạnh người nọ; tôi không chế nhạo ai cũng không cầu thân với ai hết. Tôi chỉ thích chuyện trò với các cô gái chăn cừu trong làng và chăm nom đàn cừu của tôi. Tôi cũng chỉ muốn sống giữa cảnh núi non này, và nếu còn nguyện vọng nào khác, đó là được ngắm những cảnh đẹp của trời cao, nơi an nghỉ của linh hồn.
Nói xong, không chờ ai trả lời, Marxêla quay ngoắt và biến vào trong quả núi gần đấy, giữa đám cây rậm rạp. Mọi người có mặt đều khâm phục lý lẽ và sắc đẹp của nàng. Có một vài anh chàng vẫn chưa tỉnh ngộ (mấy anh này bị đôi mắt đẹp của Marxêla thu hút), lăm le muốn đi theo nàng. Đôn Kihôtê thấy đã đến lúc phải mang cánh tay hiệp sĩ của mình ra che chở cho những người đẹp trong cơn nguy khốn. Chàng bèn nắm đốc gươm, dõng dạc thét lớn:
– Không ai được theo nàng Marxêla xinh đẹp, bất kể người đó ở địa vị nào và thuộc dòng dõi nào, nếu không sẽ phải chịu sự phẫn nộ của ta. Bằng những lý lẽ rành rọt và đầy đủ, nàng đã chứng minh chỉ có lỗi phần nào hoặc không có lỗi gì về cái chết của Grixôxtômô; thật là một điều lạ lùng nếu nàng phải làm theo ý muốn của những kẻ yêu nàng. Đúng ra, ta không nên theo đuổi và quấy rầy mà phải quý trọng nàng vì nàng đã tỏ ra đầy thiện chí đối với Grixôxtômô.
Phải chăng vì những lời đe dọa của Đôn Kihôtê hay do Ambrôxiô nhắc nhở mọi người hãy làm trọn nhiệm vụ đối với bạn, không một người chăn cừu nào bỏ đi. Họ tiếp tục đào huyệt, hay đốt những trang thơ của Grixôxtômô, rồi đặt thi hài chàng xuống huyệt. Tất cả những người dự tang lễ đều khóc nức nở. Rồi họ úp lên ngôi mộ một phiến đá to trong khi chờ làm xong mộ chí. Ambrôxiô cho biết chàng đã đặt làm, trên mộ chí sẽ ghi những hàng chữ:
“Nơi đây yên nghỉ thân hình lạnh ngắt của một kẻ si tình.
Chàng chăn cừu đó đã chết vì yêu mà chẳng được yêu.
Ghê thay sức mạnh tàn khốc của thần tình ái.
Chàng đã chết bởi bàn tay nghiệt ngã của một sắc đẹp vô tình”.
Những người chăn cừu rắc lên mộ rất nhiều hoa và cành cây, rồi họ chia buồn với Ambrôxiô và chia tay với chàng. Tiếp đến Vivalđô và người bạn đồng hành tới an ủi Ambrôxiô. Đôn Kihôtê cũng chào từ biệt mọi người. Vivalđô và bạn mời chàng cùng đi Xêviia vì đó là một nơi thuận tiện có thể gặp nhiều hơn đâu hết những chuyện phiêu lưu mạo hiểm ở khắp phố phường và ở các xó xỉnh. Đôn Kihôtê cảm ơn lời mời nhiệt tình của họ nhưng chàng cho biết là chưa muốn và cũng chưa thể đi Xêviia được chừng nào chưa trừ hết bọn đạo tặc nhan nhản trên khắp dãy núi này. Trước quyết tâm của Đôn Kihôtê, mọi người không muốn quấy rầy chàng nữa, họ chào từ biệt một lần cuối cùng rồi lên đường, vừa đi vừa bàn tán không ngớt, từ chuyện Marxêla và Grixôxtômô đến những lời nói cử chỉ điên rồ của Đôn Kihôtê. Trong khi đó, chàng hiệp sĩ của chúng ta quyết định đi tìm cô gái chăn cừu Marxêla, những mong mang hết khả năng ra phụng sự nàng. Tuy nhiên sự việc đã không diễn ra theo ý chàng như sẽ kể trong phần sau của câu chuyện có thật này. Tới đây kết thúc phần hai.
Chương 15
CUỘC GẶP GỠ KHÔNG THÚ VỊ GIỮA ĐÔN KIHÔTÊ VỚI NHỮNG GÃ LÁI LA ĐỘC ÁC
Hiền sĩ Amêtê Bênenhêli kể lại rằng sau khi từ giã những người chăn dê và tất cả những người dự đám tang chàng chăn cừu Grixôxtômô, Đôn Kihôtê cùng giám mã đi thẳng vào trong rừng, nơi Marxêla trước đó vừa vào. Hai thầy trò lang thang tìm kiếm khắp nơi trong rừng hơn hai tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy Marxêla đâu cả. Tới một cánh đồng đầy cỏ non, họ dừng lại. Một con suối trong vắt êm đềm chảy qua. Cảnh vật như mời, như buộc hai người dừng chân nghỉ trưa. Lúc này, nắng cũng đã trở nên gay gắt. Đôn Kihôtê và Xantrô bèn nhảy xuống đất, thả lỏng cho con lừa và con Rôxinantê tự do gặm cỏ. Rồi họ mở túi lấy lương khô và, không chút khách khí, chủ tớ cùng ngồi ăn một cách vui vẻ, thân mật.
Xantrô không nghĩ tới việc tròng chân con Rôxinantê lại vì biết nó xưa nay vốn hiền, rất hiếm nổi cơn động tình, đến mức tất cả lũ ngựa cái của sở nuôi ngựa ở Corđôba cũng không làm cho nó nghĩ bậy bạ. Nhưng ma quỷ xui khiến làm sao lại có một đàn ngựa cái của mấy bác lái ở Iangoa đang gặm cỏ trong thung lũng. Đám lái la này thường hay nghỉ trưa và dẫn ngựa đến nghỉ ở những nơi có cỏ non và nước trong, và chính chỗ Đôn Kihôtê đang nghỉ rất phù hợp với họ. Con Rôxinantê đã đánh hơi thấy mấy chị ngựa cái và trái hẳn với tính tình hàng ngày, bỗng nhiên nảy ra ý muốn đùa bỡn với chúng. Thế rồi, chẳng cần xin phép chủ, nó chạy long tong đến gần mấy chị ngựa để tán tỉnh. Nhưng mấy chị này có lẽ thích gặm cỏ hơn nên đã tiếp đón chú Rôxinantê bằng móng sắt và răng, khiến chú ta tuột cả yên cương, trần như nhộng. Nhưng nào đã xong đâu: mấy bác lái la thấy Rôxinantê định cưỡng ép lũ ngựa cái của mình, bèn vác gậy chạy tới phang tới tấp, khiến chú ta ngã chổng cả bốn vó lên trời.
Thấy Rôxinantê bị đòn, Đôn Kihôtê và Xantrô chạy tới; chàng hiệp sĩ bảo giám mã:
– Anh bạn Xantrô, xem ra bọn này không phải là hiệp sĩ mà chỉ là những kẻ cục súc, hạ lưu. Ta nói như vậy có nghĩa là anh có thể giúp ta trả thù cho con Rôxinantê đã bị làm nhục trước mặt chúng ta.
– Trả thù cái quỷ gì mới được chứ, Xantrô đáp. Bọn họ trên hai mươi người, còn ta không quá hai người, mà có khi chưa được một người rưỡi ấy.
– Một mình ta bằng cả trăm người! Đôn Kihôtê đáp.
Nói rồi, chàng rút gươm xông thẳng tới bọn lái la. Noi gương chủ, Xantrô cũng hăng máu xông lên. Thoạt đầu, Đôn Kihôtê chém một nhát trúng một gã lái la làm toạc chiếc áo da và xả cả một mảnh vai của y. Bọn lái la đông hơn, lại thấy đối phương chỉ có hai người, bèn lấy gậy bao vây thầy trò Đôn Kihôtê vào giữa rồi nhè vào người mà vụt túi bụi. Quả thật là sau khi trúng gậy thứ hai, Xantrô ngã lăn ra đất; sau đó tới lượt Đôn Kihôtê, mặc dù chàng đã tỏ ra can đảm và biết tránh đòn. Do một sự ngẫu nhiên, Đôn Kihôtê ngã ngay bên cẳng con Rôxinantê lúc này vẫn chưa dậy được. Thế mới biết gậy gộc trong những bàn tay cục mịch và giận dữ có một sức mạnh ghê gớm. Sau khi thấy mình đã chơi xấu, bọn lái la vội vã cuốn gói chuồn thẳng bỏ mặc hai chàng phiêu lưu nằm trơ giữa cánh đồng.
Người đầu tiên tỉnh lại là Xantrô Panxa; thấy mình nằm cạnh chủ, bác cất giọng yếu ớt, rền rĩ gọi:
– Ngài Đôn Kihôtê! Ôi, ngài Đôn Kihôtê!
– Xantrô, người anh em của ta muốn gì? Đôn Kihôtê đáp lại bằng một giọng không kém lâm ly, sầu thảm.
– Nếu có thể được, xin ngài hãy cho tôi hai liều nước thần nếu ngài có mang theo đây. Có lẽ thuốc đó chữa được gãy xương và các vết thương khác.
– Thật không may cho ta, nếu có thì còn phải nói gì nữa. Nhưng ta lấy danh dự của một hiệp sĩ giang hồ thề với anh rằng nội nhật hai ngày nữa, nếu không gặp vận rủi, ta sẽ có được nước thần, nếu không, đôi tay này sẽ trở nên vô dụng.
– Vậy theo ý ngài, phải bao nhiêu ngày nữa ta mới có thể sử dụng được đôi chân?
– Ta chỉ có thể nói được rằng ta không biết phải bao nhiêu ngày nữa, chàng hiệp sĩ bị đòn đáp.
Nhưng lỗi ở ta cả; đáng lẽ ta không nên rút gươm ra đánh nhau với những kẻ không được phong tước hiệu hiệp sĩ; vì ta không tôn trọng luật lệ của hiệp sĩ đạo nên thần Chiến tranh mới trừng phạt ta. Bởi vậy, anh Xantrô Panxa, ta cần nói để anh biết một điều rất hệ trọng đến tính mệnh của hai thầy trò ta. Hễ anh thấy có những lũ súc sinh như bọn vừa rồi xúc phạm đến chúng ta, đừng chờ ta rút gươm ra đánh lại bọn chúng vì ta sẽ không làm việc đó đâu; bản thân anh hãy dùng gươm thẳng tay trừng trị chúng đi. Nhưng nếu có những hiệp sĩ khác đến giúp đỡ bênh vực chúng, lúc đó ta sẽ ra tay bảo vệ anh và đánh lại. Hẳn anh đã nhiều lần được mục kích sức mạnh ghê gớm của cánh tay này.
Chàng hiệp sĩ đáng buồn của chúng ta muốn khoe khoang thành tích đã đánh bại kỵ sĩ tỉnh Vixcaia trước đây. Nhưng Xantrô Panxa có vẻ không tin vào lời của chủ lắm, bác đáp:
– Thưa ngài, tôi vốn là một người hiền lành, chín bỏ làm mười, và tôi có thể nhịn nhục được vì tôi còn phải nuôi vợ nuôi con. Tôi không dám ra lệnh cho ngài, chỉ xin thưa rằng dù gặp súc sinh hay hiệp sĩ, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ rút gươm ra, và từ nay về sau dù đã bị, đang bị hay sẽ bị ai xúc phạm đến mấy chăng nữa, dù người đó sang hay hèn, giàu hay nghèo, quý tộc hay thứ dân, bất kể kẻ đó ở địa vị nào, tôi cũng tha thứ hết.
Nghe thấy vậy, Đôn Kihôtê nói:
– Anh Xantrô, giá như ta còn hơi sức để nói và xương sườn của ta đỡ đau thì ta sẽ làm cho anh hiểu. Hãy nghe đây, hỡi kẻ có tội kia! Tới giờ, thầy trò ta gặp toàn vận rủi, nhưng nếu rồi đây phong vân gặp hội, con thuyền hy vọng đưa ta cập bến một trong những hòn đảo mà ta đã hứa cho anh, rồi ta chiếm lĩnh được hòn đảo đó và cho anh cai trị, thử hỏi anh sẽ làm ăn ra sao. Phải chăng anh sẽ bó tay vì anh không phải là hiệp sĩ, vì anh không muốn làm hiệp sĩ, lại cũng chẳng có can đảm và quyết tâm đánh trả những kẻ gây hấn để bảo vệ đất đai của mình. Anh cần biết rằng tại những vương quốc và những tỉnh mới chiếm được, dân chúng không thuần và cũng chẳng ủng hộ ngay chủ mới đâu, cho nên họ có thể gây ra những chuyện rắc rối hòng làm thay đổi tình thế. Vì vậy, người chủ mới cần phải có trí khôn để cai trị và lòng dũng cảm để đánh trả và tự bảo vệ trong mọi trường hợp.
– Kể ra trong tình cảnh thầy trò ta lúc này, Xantrô đáp, tôi cũng muốn có được trí khôn và lòng dũng cảm mà ngài nói. Nhưng tôi xin lấy danh dự một kẻ nghèo hèn mà thưa rằng tôi cần thuốc cao hơn những lời nói suông. Nào, xin ngài hãy cố đứng dậy, ta sẽ giúp đỡ Rôxinantê một tay mặc dù nó không xứng đáng vì chính nó đã gây ra nông nỗi này. Không ngờ Rôxinantê lại như vậy; tôi vẫn tưởng nó cũng trong sạch, hiền lành như tôi. Cho hay, như người ta thường nói, cần phải có thời gian mới hiểu được lòng người, và trên đời này không có gì chắc chắn cả. Ai dám bảo rằng sau những nhát kiếm ghê gớm mà ngài vừa giáng cho anh chàng kỵ sĩ vô phúc kia, lại tiếp ngay một trận mưa đòn khủng khiếp đổ xuống lưng thầy trò ta?
– Đổ xuống lưng anh thì còn đỡ vì anh sinh ra để chịu đựng những đòn như vậy, nhưng ta từ thuở tấm bé sống trong cảnh lụa là gấm vóc, cho nên rõ ràng lưng ta đau đớn hơn nhiều. Nếu ta không nghĩ rằng… nói đúng hơn, nếu ta không biết chắc rằng nghề cung kiếm này có nhiều trắc trở thì ta sẽ nằm chết luôn tại đây vì nhục nhã.
Nghe nói vậy, bác giám mã vặn lại:
– Thưa ngài, nếu như tai họa là điều tất nhiên của hiệp sĩ đạo, xin ngài cho biết nó xảy ra luôn hay theo từng thời kỳ nhất định bởi vì, theo tôi, chỉ cần thầy trò ta gặp phải hai lần tai họa thôi là hết đời rồi, không cần đến lần thứ ba nữa nếu Thượng đế đầy lòng từ bi không cứu vớt cho.
– Anh bạn Xantrô, nên biết rằng cuộc đời của những hiệp sĩ giang hồ phải chịu muôn vàn gian nguy, cay đắng, nhưng họ cũng có thể phút chốc trở thành vương đế như kinh nghiệm của nhiều hiệp sĩ khác đã cho thấy. Ta biết nhiều chuyện như vậy. Nếu ta không đang đau đớn quá, ta có thể kể ngay một vài chuyện về những hiệp sĩ đã leo lên những bậc thang danh vọng nhờ vào cánh tay dũng mãnh của mình. Nhưng cũng chính những hiệp sĩ này trước kia và sau đó đã gặp nhiều tai ương bĩ cực, như hiệp sĩ dũng cảm Amađix nước Gôlơ đã bị kẻ tử thù của chàng là pháp sư Arcalao giam cầm, và người ta biết chắc chắn là lão này đã trói chàng vào một cái cột ở giữa sân rồi dùng dây cương ngựa đánh cho hơn hai trăm roi. Lại có một tác giả bí mật, khá nổi tiếng, kể rằng có lần hiệp sĩ Mặt Trời bị trúng bẫy sa xuống một cái hầm sâu trong một tòa lâu đài, chân tay bị trói chặt; sau đó, kẻ thù bắt chàng uống một thứ thuốc rửa ruột làm bằng tuyết và cát khiến chàng suýt chết, và nếu không được một người bạn thân giải nguy cho thì chàng hiệp sĩ khốn nạn đó khó lòng qua khỏi được. Cho nên ta cũng có thể chịu đựng những thử thách như các hiệp sĩ danh tiếng đó vì họ đã qua những cơn nguy biến còn to lớn gấp bội. Hơn nữa, anh Xantrô ạ, ta muốn chỉ cho anh biết rằng những vết thương do những vật có sẵn trong tay gây nên không làm nhục ai cả. Đó là luật lệ có ghi thành văn bản. Tỉ dụ nếu anh thợ giày đánh người bằng cái khuôn giày anh ta đang cầm trong tay thì ta không thể vì thế mà nói rằng người kia đã bị đánh bằng gậy. Cho nên anh đừng nghĩ rằng chúng ta đã bị làm nhục sau trận đòn vừa qua bởi vì những vũ khí chúng dùng để đánh thầy trò ta chẳng qua chỉ là gậy gộc cả thôi; ta nhớ rằng không một tên nào có gươm hay dao găm cả.
– Chúng có để yên cho nhìn đâu cơ chứ, Xantrô đáp. Tôi vừa mới rờ vào thanh gươm thì đã bị vụt ngang vụt dọc vào hai vai, tối tăm cả mặt mày, chân đứng không vững, ngã lăn xuống đây. Tôi chẳng hề suy nghĩ xem những miếng đòn đó có xúc phạm tới tôi hay không mà chỉ buồn phiền vì nó đã làm cho tôi đau đớn ê chề; những vết thương đó sẽ in sâu trên đôi vai cũng như trong trí óc tôi.
– Xantrô, người anh em của ta, phải biết rằng thời gian sẽ làm phai nhạt mọi vết thương lòng và cái chết sẽ làm tiêu tan mọi đau đớn.
– Nhưng còn gì khổ hơn phải chờ thời gian làm cho phai nhạt vết thương lòng và chờ cái chết làm cho hết đau đớn. Nếu chỉ cần hai lá thuốc cao để chữa khỏi nỗi đau đớn này thì còn khá; nhưng tôi cảm thấy rằng tất cả kho thuốc cao của một nhà thương cũng không đủ làm cho chúng ta bình phục được.
– Thôi Xantrô, chớ than vãn nữa, hãy theo ta cứng rắn lên một chút, Đôn Kihôtê nói, rồi cùng ta xem con Rôxinantê ra sao. Tội nghiệp cho nó cũng phải chịu một phần đáng kể trong chuyện không may này.
– Điều đó có gì lạ đâu vì chính nó cũng là một con ngựa giang hồ. Có điều đáng mừng là con lừa của tôi vẫn được bình yên vô sự trong lúc chúng ta bị đánh gãy cả xương sườn.
– Trong cơn bĩ cực, thần Tư mệnh bao giờ cũng dành cho một lối thoát, Đôn Kihôtê đáp. Ta nói thế vì rằng con vật nhỏ bé kia có thể thay Rôxinantê đưa ta tới một lâu đài để ta chữa chạy thuốc thang. Vả chăng cưỡi nó cũng chẳng xấu mặt nào, vì ta nhớ trong sách có kể rằng ông già Xilênô, người đã nuôi nấng dạy dỗ thần Baco vui tính, có một lần đàng hoàng cưỡi một con lừa rất đẹp đi vào thành Bách Môn.
– Chuyện ông già Xilênô cưỡi lừa chắc chắn có thật như ngài nói; nhưng giữa một người ngồi ngay ngắn trên lưng lừa và một người nằm vắt ngang lưng lừa như một bao tải rác, hai cái đó khác nhau xa lắm.
– Bị thương trong chiến trận là một vinh dự, không nhục nhã gì hết. Thôi, anh bạn Panxa của ta, chớ nhiều lời. Hãy cố đứng dậy và đặt ta lên lưng lừa bằng cách nào tốt nhất. Chúng ta hãy đi khỏi nơi hoang vắng này trước khi tối trời.
– Nhưng tôi có nghe ngài nói rằng các hiệp sĩ giang hồ thường ngủ ở những nơi vắng vẻ và coi đó là một điều may mắn lớn cơ mà.
– Điều đó xảy ra khi nào họ không thể làm khác được hoặc khi họ đang say mê một người đẹp nào. Quả thật như vậy; có hiệp sĩ dầu mưa dãi nắng trên một quả núi đá hai năm liền mà chẳng được tình nương biết cho. Một trong những người đó là hiệp sĩ Amađix; chàng đã ra đảo Nghèo, lấy biệt hiệu là Beltênêbrôx. Ta không nhớ rõ câu chuyện này, chỉ biết chàng ở đó tám năm hay tám tháng gì đó để tự đày đọa mình sau khi bị nàng Oriana hắt hủi. Nhưng thôi, Xantrô, hãy xếp chuyện đó lại và hãy đỡ ta lên kẻo lại xảy ra chuyện gì không may cho con lừa này.
– Lại còn thế nữa ư! Xantrô kêu lên.
Vừa không ngớt kêu la, thở vắn, than dài, chửi rủa kẻ đã khiến bác đến nông nỗi này, Xantrô cố gượng dậy nhưng cũng chỉ đứng lom khom như một cây cung Thổ Nhĩ Kỳ, không sao thẳng người lên được, rồi bác đi chuẩn bị lừa cho chủ; con vật được thả lỏng cả ngày đã chạy rông khắp đó đây. Sau đó, bác vực Rôxinantê lên. Giá mà con ngựa này biết rên la như người, chắc chắn cả Xantrô lẫn chủ bác đều thua nó hết. Cuối cùng, Xantrô đặt Đôn Kihôtê lên lưng lừa, buộc Rôxinantê sau đuôi, tay cầm dây tròng cổ con lừa, bước thấp bước cao nhằm hướng mà bác cho là ở đó có con đường cái quan. May sao mới đi được một dặm thì tới đường cái và thấy có một quán trọ. Cũng như mọi lần, Đôn Kihôtê tưởng ngay đó là một tòa lâu đài. Xantrô một mực bảo là quán trọ, Đôn Kihôtê cứ nhất định là lâu đài. Hai thầy trò đã đi tới trước cửa quán trọ mà cuộc tranh cãi vẫn chưa dứt. Xantrô chẳng buồn nói nữa, dắt cả đoàn người ngựa bước vào.
(Còn tiếp)