– May thay! Ngài quên rằng tôi không phải là hiệp sĩ ư, hay ngài muốn tôi dốc nốt những gì còn lại trong bụng sau trận nôn mửa đêm qua? Thôi, xin ngài giữ lấy món thuốc quỷ quái đó, để mặc tôi! (Tiếp Kì 8)
Chương 16
NHÀ QUÝ TỘC TÀI GIỎI ĐÃ GẶP NHỮNG CHUYỆN GÌ TRONG QUÁN TRỌ MÀ CHÀNG TƯỞNG LÀ LÂU ĐÀI?
Thấy Đôn Kihôtê nằm vắt ngang trên lưng lừa, chủ quán vội hỏi Xantrô xem chàng đau đớn ra sao. Xantrô đáp là không sao cả, Đôn Kihôtê bị rơi từ trên đỉnh núi xuống, xương sườn rạn nứt đôi chút mà thôi. Chủ quán có một người vợ tính tình không giống những bạn đồng nghiệp. Bà này có lòng từ thiện, thấy người hoạn nạn thì thương. Bà vội chạy tới chăm sóc Đôn Kihôtê và bảo cả con gái đến giúp một tay. Cô này chưa chồng, mặt mũi xinh xắn.
Trong quán trọ còn có một cô hầu gái, quê quán ở Axturia, mặt ngắn, gáy gọt nhẵn thín, mũi tẹt, một mắt chột, mắt kia kèm nhèm. Nói của đáng tội, cô ta có một thân hình cân đối bù vào những thiếu sót trên: người cao bảy gang tay tính từ đầu đến chân, hai vai vì mang vác nặng dô lên khiến cô ta cứ phải nhìn xuống đất quá mức mong muốn. Con gái bà chủ quán và cô hầu đáng yêu này thu xếp cho Đôn Kihôtê một chỗ nằm nom thật thảm hại trong một cái buồng xép xem ra trước đây vẫn dùng để chứa rơm rạ. Nằm cạnh Đôn Kihôtê có một chàng lái la. Tuy giường của hắn ta lót bằng yên lừa và trải vải thô nhưng so với giường của Đôn Kihôtê còn tươm hơn nhiều. Giường của chàng hiệp sĩ gồm bốn tấm ván bào dối đặt trên hai cái mễ lệch, một cái đệm mỏng dính và xù xì như rải sỏi, phải nhìn vào những lỗ thủng mới biết là bằng len, hai cái chăn bằng một loại da dùng để làm khiên và một cái khăn trải giường thưa đến nỗi có thể đếm được từng sợi dệt.
Sau khi đặt Đôn Kihôtê lên chiếc giường tồi tàn đó, bà chủ quán và con gái dán thuốc cao khắp từ đầu đến chân chàng; trong lúc đó, Maritornex – tên cô hầu gái – cầm đèn soi. Nhìn những vết bầm trên người Đôn Kihôtê, bà chủ quán bảo là trông giống vết đòn hơn những thương tích do bị ngã.
– Không phải vết đòn đâu, Xantrô đáp; chả là núi có nhiều đá nhọn, và đá nhọn đã va vào người ông ta làm tím bầm lên đấy.
Rồi bác nói tiếp:
– Thưa bà, xin bà giữ lại vài lá thuốc cao vì còn có nhiều người cần đến. Chính tôi cũng đang hơi đau ở thận.
– Nếu vậy, chắc bác cũng bị ngã.
– Không phải thế. Số là khi thấy ông chủ tôi ngã, tôi giật thót người, đâm ra cũng đau cả mình mẩy như thể bị đánh một nghìn gậy vậy.
– Điều đó rất có thể xảy ra, con gái bà chủ quán nói. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần nằm mê thấy mình ngã từ trên một cái tháp xuống, mãi không rơi tới đất; và khi tỉnh dậy, thấy mình mẩy đau ê ẩm như bị ngã thật.
– Đúng thế đấy. Có điều là lúc đó tôi chẳng mê mẩn gì hết mà còn tỉnh hơn cả bây giờ kia. Thế mà tôi cũng bị tím bầm khắp người chẳng kém ông chủ Đôn Kihôtê tôi mấy tí.
– Ông hiệp sĩ này tên là gì? Cô hầu Maritornex hỏi.
– Đó là hiệp sĩ giang hồ Đôn Kihôtê xứ Mantra, một trong những hiệp sĩ tài giỏi và dũng cảm nhất đời tự cổ chí kim.
– Thế nào là hiệp sĩ giang hồ? Cô hầu lại hỏi.
– Cô còn non yểu lắm sao mà không biết điều đó? Cô em hãy nghe đây. Nói vắn tắt, hiệp sĩ giang hồ là một người lúc này bị đòn, lúc sau trở thành hoàng đế; hôm nay chàng ta còn là một kẻ khổ sở, thiếu thốn nhất đời, nhưng ngày mai sẽ có trong tay hai, ba vương quốc để ban cho giám mã của mình.
Bà chủ quán hỏi:
– Thế sao bác là giám mã của ngài đó mà xem ra cũng chẳng có đất đai gì cả?
– Còn sớm quá, Xantrô đáp. Chúng tôi mới đi phiêu lưu được một tháng và tới nay cũng chưa gặp một chuyện nào đáng gọi là phiêu lưu cả. Đã vậy, đi tìm cái nọ lại gặp cái kia. Chắc chắn một khi ngài Đôn Kihôtê lành các vết thương, hay nói đúng hơn… một khi ngài bình phục sau tai nạn ngã núi và tôi cũng trở lại bình thường, tôi sẽ không đổi những hy vọng của tôi lấy chức tước cao nhất ở nước Tây Ban Nha này.
Từ nãy đến giờ, Đôn Kihôtê vẫn nằm chăm chú nghe. Lúc này chàng mới gượng ngồi dậy, nắm lấy tay bà chủ quán và nói:
– Thưa phu nhân xinh đẹp, bà có thể tự coi là đã gặp may vì được tiếp đón một người như tôi trong quý lâu đài. Sở dĩ tôi không muốn nói hay nói tốt về tôi vì người ta thường bảo rằng sự khoe khoang làm hạ phẩm giá. Nhưng giám mã của tôi sẽ giới thiệu với bà.
Chỉ xin thưa rằng tôi ghi lòng tạc dạ công ơn này chừng nào tôi còn sống trên đời. Lạy Chúa, ví thử tình yêu không trói buộc tôi bằng những luật lệ của nó và con người đẹp phụ bạc kia không bắt tôi phải làm nô lệ thì đôi mắt của tiểu thư xinh đẹp đây sẽ chiếm lĩnh sự tự do của tôi.
Bà chủ quán, cô con gái và cô hầu Maritornex ngơ ngác chẳng hiểu ông hiệp sĩ giang hồ nói gì, như thể họ nghe chàng nói tiếng Hy Lạp vậy. Tuy nhiên họ cũng đồ chừng đó là những lời cảm ơn, khen ngợi; song vì không quen dùng thứ ngôn ngữ này, họ chỉ lặng yên đứng nhìn với một vẻ thán phục, cảm thấy ông khách mới khác hẳn những khách trọ khác. Sau khi đáp lễ bằng những lời nôm na, bà chủ quán và cô con gái rút lui, còn Maritornex ở lại chữa chạy cho Xantrô vì bác cũng cần được chăm sóc không kém ông chủ mình.
Anh chàng lái la đã hẹn hò với cô hầu Maritornex là đêm hôm đó, hai người sẽ gặp nhau chuyện trò, và cô ả cũng đã hứa đợi đến lúc khách trọ và ông bà chủ đi ngủ, cô ta sẽ đến và sẽ thỏa mãn yêu cầu của y. Người ta kể rằng cô hầu này khi đã hứa thì giữ đúng lời dù cô hứa ở trên đỉnh núi không có ai làm chứng, vì cô tự cho mình thuộc dòng dõi quý tộc. Cô ta không hề xấu hổ vì phải làm nghề hầu hạ trong quán trọ và vẫn thường nói rằng những nỗi bất hạnh và những sự việc rủi ro đã đưa cô đến cảnh ngộ này.
Cái giường vừa cứng, vừa hẹp, vừa nhỏ, vừa cập kênh của Đôn Kihôtê đặt ở ngay cửa ra vào của cái buồng xép mái thủng lỗ chỗ nom thấy cả sao trên trời. Bên cạnh là giường của Xantrô do chính tay bác tự thu xếp, gồm có một cái chiếu bồ hoàng và một cái chăn không phải bằng len mà bằng vải thô. Tiếp đến giường của chàng lái la, lót bằng yên lừa và tất cả những đồ trang bị cho hai con lừa hay nhất của bác như đã tả ở trên. Theo lời tác giả truyện này, đây là một trong những lái la giàu có của vùng Arêvalô, có tới mười hai con lừa, con nào cũng béo mập. Tác giả đã kể tường tận về bác lái la này vì biết bác ta rất rõ, thậm chí người ta còn bảo là đôi bên có họ hàng với nhau. Số là sử gia Amêtê Bênenhêli kể mọi sự việc rất tỉ mỉ, chính xác, và người ta nhận thấy rằng những chi tiết dù lặt vặt, nhỏ bé đến đâu, ông cũng không bỏ qua. Các sử gia ít lời nên lấy đó làm gương. Họ kể lại những sự việc một cách quá ngắn ngủi, vắn tắt, chưa đọc đã hết, và không biết vì cẩu thả, xấu chơi hay dốt nát, họ để lại trong lọ mực những nét tinh túy nhất của câu chuyện. Đáng được ca ngợi một ngàn lần tác giả cuốn Tablantê đê Ricamôntê và tác giả cuốn sách kể về những chiến công của bá tước Tômiia. Họ đã tả một cách thật là chính xác!
Lại kể về gã lái la, sau khi đã đi thăm thú đàn súc vật và cho chúng ăn lần thứ hai bèn quay về giường nằm dài chờ cô ả Maritornex tới. Xantrô cũng đã đi nằm sau khi được băng bó, nhưng bác không sao ngủ được vì bộ xương sườn ê ẩm không cho phép. Đôn Kihôtê cũng đau nhức lắm, mắt cứ mở thao láo như mắt thỏ[32]. Trong quán im ắng như tờ, chỉ có một ngọn đèn sáng treo ở giữa cửa chính.
Cảnh vật tĩnh mịch và những ý nghĩ mà chàng hiệp sĩ của chúng ta luôn luôn rút ra từ những sự việc kể trong sách vở – thủ phạm gây ra tai họa cho chàng – đã khiến chàng tưởng tượng ra một câu chuyện điên rồ kỳ lạ. Chàng nghĩ mình đang ở trong một tòa lâu đài nguy nga (như mọi người đã biết, tất cả các quán trọ chàng tới nghỉ đều là lâu đài đối với chàng), còn cô gái con chủ quán là con bà chủ lâu đài; trước những cử chỉ lịch thiệp của chàng, cô này đã xiêu lòng và hứa đêm nay sẽ giấu mẹ cha đến ân ái với chàng. Điều mơ tưởng hão huyền đó đã trở thành sự thật trong đầu óc Đôn Kihôtê, khiến chàng lo lắng suy nghĩ đến giai đoạn gay go sắp tới thử thách lòng thủy chung của chàng; chàng quyết tâm sẽ không lừa dối nàng Đulxinêa làng Tôbôxô, dù cho hoàng hậu Hinêbra và bà bảo mẫu Kintanhôna có hiện ra trước mắt.
Đôn Kihôtê còn đang nghĩ vơ nghĩ vẩn thì đã tới giờ cô hầu Maritornex hẹn đến gặp gã lái la (đối với chàng hiệp sĩ, đó là giờ hung). Mình mặc áo lót, chân đi đất, tóc chụp trong một cái bao bằng vải thô, Maritornex rón rén bước vào phòng ba ông khách trọ để tìm chàng lái la. Nhưng cô ả vừa bước tới cửa phòng thì Đôn Kihôtê nhìn thấy; mặc dù khắp người băng bó và xương sườn vẫn còn đau, chàng ngồi nhổm dậy, dang hai tay ra đón tiểu thư xinh đẹp. Mình thu nhỏ, miệng ngậm tăm, cô hầu gái đang giơ tay sờ soạng tìm người yêu bỗng đâu chạm phải cánh tay Đôn Kihôtê. Chàng hiệp sĩ của chúng ta vội túm chặt cổ tay ả, kéo về phía mình và đặt ngồi lên giường, trong khi cô ả vẫn không dám hé răng nói gì. Rồi chàng vuốt ve cái áo lót của cô, và tuy nó bằng vải bao tải, chàng cảm thấy đó là một loại tơ mỏng rất mềm; tay cô ả đeo một chuỗi hạt bằng thủy tinh nhưng chàng thấy nó phát ra những tia sáng của những viên ngọc quý phương Đông; mớ tóc cứng như rễ tre đối với chàng là những sợi vàng óng ánh nhất của xứ Arabia, có thể làm lu mờ cả ánh sáng mặt trời; hơi thở của cô ả chắc chắn phải nặng mùi vì ăn toàn đồ nguội và thức đêm nhiều nhưng chàng cảm thấy miệng cô phả ra hương thơm ngào ngạt. Tóm lại, chàng đã hình dung một công nương giống hệt như sách kể rằng có một nàng công chúa, cảm kích tình yêu của một trang hiệp sĩ, đã trang điểm lộng lẫy tới thăm chàng trong lúc chàng bị thương. Nhà quý tộc đáng buồn của chúng ta mù quáng đến nỗi mặc dù đã sờ, đã ngửi, đã thấy hết những vật cụ thể trên người cô nàng hầu mà vẫn không tỉnh ngộ. Một người nào khác – trừ lái la – sẽ phát nôn mửa; trái lại, Đôn Kihôtê thấy mình đang ôm trong tay thần Sắc đẹp. Chàng ôm chặt Maritornex và nói bằng một giọng nhỏ nhẻ, tình tứ:
– Công nương xinh đẹp và cao quý, tôi rất muốn được đền đáp công ơn nàng đã cho tôi gặp mặt. Nhưng thần Tư mệnh kia hay trêu ngươi những kẻ lương thiện, bắt tôi phải nằm liệt vị trên chiếc giường này, cho nên mặc dù lòng tôi muốn thỏa mãn nàng nhưng tôi không thể thực hiện được. Hơn thế nữa, còn có một trở ngại lớn hơn. Số là tôi đã thề giữ trọn tình với nàng Đulxinêa có một không hai ở làng Tôbôxô, người đẹp duy nhất trong ý nghĩ thầm kín nhất của tôi. Ví thử không có chuyện đó, chẳng lẽ tôi quá ngu ngốc bỏ lỡ cơ hội mà nàng đã có lòng tốt mang tới cho sao!
Thấy Đôn Kihôtê ôm chặt quá, Maritornex sợ toát mồ hôi. Cô ả không nghe thấy và cũng chẳng buồn nghe những lời tán tỉnh của Đôn Kihôtê, chỉ cố tìm cách thoát khỏi tay chàng. Gã lái la từ lúc đi nằm vẫn mơ tưởng đến Maritornex nên tỉnh như sáo. Khi cô ả bước vào buồng, y đã biết ngay và nghe được hết những lời của Đôn Kihôtê. Tưởng nhân tình của mình đã nuốt lời hứa mà đi với kẻ khác, máu ghen nổi lên, y đến sát bên giường Đôn Kihôtê để nghe xem chàng nói gì. Thấy Maritornex đang cố giằng tay ra, Đôn Kihôtê thì cứ hết sức giữ lại, anh chàng lái la nóng mắt giơ thẳng cánh tay lên, giáng một thoi chí tử vào quai hàm chàng hiệp sĩ si tình làm chàng hộc cả máu mồm. Chưa hả giận, y còn nhảy lên ngực chàng rồi cứ lấy chân dận lên khắp các sương sườn. Cái giường của Đôn Kihôtê đã chẳng vững chãi gì, lại phải chịu đựng thêm chàng lái la, đổ rầm xuống khiến chủ quán tỉnh dậy. Gọi mãi Maritornex không thấy thưa, bác đoán ngay rằng cô ả lại có chuyện gì đây. Bác bèn dậy, thắp một cây đèn rồi đi đến chỗ có tiếng đổ vỡ vừa phát ra. Thấy chủ đi tới, và đã biết tính chủ hung tợn, cô hầu sợ hãi cuống cuồng vội trốn vào giường Xantrô Panxa, nằm ẹp xuống, cuộn tròn người lại; lúc này Xantrô vẫn ngủ. Chủ quán bước vào hỏi:
– Con ranh kia ở đâu? Tao nói không sai, đúng mày là thủ phạm vụ này.
Xantrô chợt tỉnh giấc, thấy có một đống lù lù trên giường, tưởng bị bóng đè, bèn thụi lung tung. Maritornex bị đòn túi bụi, đau quá quên cả sợ lộ, cũng đấm trả lại rất hăng khiến Xantrô tỉnh hẳn. Thấy mình bị đánh mà không biết là ai, bác cố vùng dậy ôm lấy Maritornex, và thế là một cuộc ẩu đả đẹp nhất đời diễn ra. Dưới ánh sáng cây đèn, chàng lái la nhìn thấy rõ tình cảnh của người đẹp, bèn bỏ Đôn Kihôtê chạy lại cứu nguy. Chủ quán cũng xô tới nhưng với mục đích trừng trị Maritornex vì nghĩ rằng chỉ có ả mới tạo ra cuộc gặp mặt vui vẻ này. Thế là, như người ta thường nói: “Mèo đuổi chuột, chuột đuổi dây thừng, dây thừng đuổi cái gậy”, lái la choảng Xantrô, Xantrô choảng cô hầu, cô hầu choảng lại, chủ quán choảng cô hầu, tất cả đều choảng nhau tới tấp, không ngớt tay. Rủi sao, cây đèn của chủ quán tắt phụt, buồng tối om thành thử họ đánh phỏng chừng, đánh thục mạng, trúng đòn nào hiểm đòn nấy.
Tối đó, trong quán còn có một người lính cảnh sát thuộc đội Xanta Ermanđát ngủ trọ. Thấy có tiếng xô xát, y bèn lấy phù hiệu và cái hộp sắt tây trong đựng các giấy chứng minh, rồi mò mẫm đi tới chỗ xảy ra cuộc loạn đả. Y hét to:
– Nhân danh luật pháp và đội Xanta Ermanđát, tất cả dừng tay lại!
Người đầu tiên y túm được là Đôn Kihôtê. Khắp mình đầy vết đòn, chàng hiệp sĩ nằm thẳng cẳng, chết ngất trên đống giường gãy. Viên cảnh sát nắm chặt bộ râu của chàng, mồm hét: “Hãy ủng hộ pháp luật!”. Thấy Đôn Kihôtê không động đậy, tưởng chàng đã chết, còn những kẻ ở trong buồng là lũ sát nhân, y bèn hô to:
– Hãy đóng cửa nhà trọ lại! Không cho đứa nào chạy thoát. Chúng đã giết một người tại đây rồi!
Tiếng kêu làm mọi người giật mình ngừng tay. Chủ quán trở về buồng riêng, chàng lái la về ngủ trên đống yên lừa, cô hầu cũng quay về chỗ nghỉ của mình. Chỉ tội nghiệp cho Đôn Kihôtê và Xantrô không sao nhúc nhích được, nằm bệt tại chỗ. Viên cảnh sát buông bộ râu của Đôn Kihôtê rồi đi ra ngoài tìm đèn để bắt những tên hung thủ. Nhưng chủ quán tinh ma đã tắt phụt ngọn đèn trong lúc trở về phòng; viên cảnh sát đành phải đến lò sưởi, tốn bao thời giờ, công sức mới châm được một cây đèn khác.
Chương 17
THẦY TRÒ ĐÔN KIHÔTÊ CÒN LÀM NHỮNG VIỆC GÌ TRONG QUÁN TRỌ MÀ CHÀNG HIỆP SĨ TƯỞNG LÀ LÂU ĐÀI?
Lúc này, Đôn Kihôtê đã tỉnh; bằng một giọng cũng sầu bi như ngày hôm trước, lúc nằm liệt sau trận mưa đòn, chàng lên tiếng gọi:
– Xantrô bạn ta; anh ngủ ư? Anh ngủ ư, anh bạn Xantrô?
– Rõ khổ chưa, Xantrô đáp bằng một giọng buồn bực, uất ức, làm sao tôi có thể ngủ được một khi bị tất cả loài quỷ quái đến quấy rối như đêm nay!
– Anh nói đúng đấy, không sai đâu. Nếu ta không nhầm, lâu đài này có yêu quái. Anh phải biết rằng… Nhưng, trước khi nghe ta nói điều này, anh phải thề sẽ giữ bí mật cho tới sau khi ta qua đời.
– Tôi xin thề.
– Ta nói thế vì rằng ta không muốn làm cho người khác mất danh dự.
– Tôi đã nói là tôi xin thề sẽ giữ kín cho tới khi ngài chết, và mong sao tôi có thể nói được điều bí mật đó ngay ngày mai.
– Xantrô, ta làm phiền anh lắm sao khiến anh mong ta chết sớm như vậy?
– Không phải thế đâu; số là tôi rất ghét phải giữ lâu những điều bí mật, và tôi không muốn nó sẽ thối rữa trong bụng tôi.
– Thôi được, dù sao ta cũng tin anh là người tốt và có lễ độ. Bây giờ hãy nghe ta kể vắn tắt đây. Đêm nay, ta đã gặp một trong những chuyện phiêu lưu kỳ lạ nhất, không sao tả xiết được. Số là cô con gái chủ lâu đài này, một tiểu thư óng ả, xinh đẹp nhất trên một phần lớn trái đất này, vừa đến với ta. Ta biết nói gì bây giờ về đồ trang sức của nàng? Về sự thông minh sáng láng của nàng? Và còn biết bao những vẻ đẹp thầm kín mà ta không dám đụng đến và kể lại vì không muốn phản bội nàng Đulxinêa của ta. Nhưng con tạo kia thấy ta sung sướng thì ghen ghét, hay có lẽ đúng hơn, lâu đài này có yêu quái, như ta đã nói. Giữa lúc ta cùng nàng rủ rỉ tự tình, bỗng từ đâu tới có một bàn tay – chắc phải là bàn tay một tên khổng lồ quái dị nào đó – giáng xuống quai hàm ta một quả mạnh đến nỗi ta hộc cả máu ra. Rồi cái bàn tay đó cứ nhè ta mà đánh khiến ta còn đau đớn hơn cả hôm qua khi bọn lái la, vì tức giận con Rôxinantê, đã xúc phạm tới thầy trò ta. Bởi vậy, ta đoán rằng có một pháp sư người Môrô nào đó bảo vệ sắc đẹp của nàng, không cho ta đụng chạm tới.
– Không cho cả tôi nữa chứ, Xantrô đáp; bởi vì có tới trên bốn trăm tên Môrô xông vào đánh tôi, nếu đem so sánh thì trận đòn hôm qua chỉ như phủi bụi. Nhưng xin hỏi, làm sao ngài có thể coi đó là một chuyện phiêu lưu hay ho và kỳ lạ được một khi thầy trò ta lâm vào cảnh ngộ này. Dù sao, ngài cũng còn may vì đã được ôm ấp một con người đẹp không ai bì nổi như ngài nói. Còn tôi, thử hỏi tôi được gì ngoài những miếng đòn có lẽ ác liệt nhất mà tôi phải chịu trong đời tôi. Khổ thân cho tôi và cho bà mẹ đã sinh ra tôi chưa! Tôi không phải và cũng sẽ không bao giờ là hiệp sĩ giang hồ, vậy mà hễ cứ xảy ra chuyện gì là y như rằng tôi phải chịu thiệt thòi nhất.
– Sao, anh cũng bị đòn ư?
– Trời tru đất diệt cả họ nhà tôi đi! Tôi đã chẳng nói với ngài rồi sao?
– Anh bạn chớ phiền muộn làm chi. Ta sẽ chế môn thuốc thần và chúng ta sẽ lành ngay tức khắc.
Lúc này, viên cảnh sát đã châm được đèn trở lại buồng khách trọ để xem xét người mà y tưởng đã chết. Xantrô thấy có người bước vào, mình mặc sơ-mi, đầu quấn khăn tay, cầm một cây đèn, mặt mũi nom gớm chết, bèn hỏi chủ:
– Thưa ngài, có phải đây là lão pháp sư người Môrô trở lại trừng trị chúng ta nữa chăng?
– Không phải, vì những pháp sư không để cho ai nhìn thấy đâu.
– Nếu như họ không để cho ai nhìn thấy thì họ cũng để cho người ta cảm thấy, như hai vai tôi đây chứng minh.
– Hai vai của ta cũng có thể chứng minh được. Nhưng điều đó cũng chưa đủ để tin rằng người đang đi tới là một pháp sư Môrô.
Viên cảnh sát tới nơi, thấy có hai người chuyện trò vui vẻ, lấy làm ngạc nhiên lắm. Đôn Kihôtê vẫn nằm thẳng cẳng không nhúc nhích, mình đầy thương tích và băng bó. Viên cảnh sát tiến lại gần hỏi:
– Sao, anh chàng này làm sao?
– Nếu ta là anh, ta sẽ ăn nói có lễ độ hơn. Đồ ngu xuẩn, phải chăng ở cái xứ này người ta thường nói năng như vậy với các hiệp sĩ giang hồ?
Bỗng dưng bị một người bộ dạng khó coi mắng nhiếc, viên cảnh sát không nhịn được, giơ ngay cây đèn đầy dầu phang xuống đầu Đôn Kihôtê, tưởng chừng vỡ đầu, rồi bỏ đi. Gian phòng trở lại tối om.
Xantrô lên tiếng:
– Thôi đúng là tên pháp sư người Môrô rồi, thưa ngài. Hẳn là nó dành nhan sắc của người đẹp cho kẻ khác, còn với thầy trò ta, nó chỉ dành cho những quả đấm và những cây đèn phang vào đầu thôi.
– Đúng thế, Đôn Kihôtê đáp; bởi vậy, ta chớ nên quan tâm đến những yêu thuật đó mà bực tức làm chi.
Đó là những vật kỳ quái vô hình, không biết đâu mà trả thù được. Thôi, Xantrô, hãy gượng dậy đi tìm quan trấn thành và xin cho ta một ít dầu, rượu, muối và lá mê điệt để chế môn thuốc thần. Quả thật lúc này ta rất cần đến nó vì vết thương do yêu ma gây ra làm ta chảy nhiều máu quá.
Xương cốt đau dần, Xantrô đứng dậy mò mẫm đi tìm chủ quán thì lại gặp viên cảnh sát đang đứng nghe trộm xem Đôn Kihôtê nói gì. Bác bảo y:
– Thưa ngài, dù ngài là ai, hãy làm ơn cho chúng tôi một ít lá mê điệt, dầu, muối và rượu; đó là những thứ cần thiết để cứu chữa một trong những hiệp sĩ giang hồ xuất chúng trên đời. Chàng đã bị một tên Môrô ở trong quán trọ này dùng yêu thuật đánh trọng thương và đang nằm trên giường kia.
Thấy Xantrô nói năng như vậy, viên cảnh sát cho bác là một kẻ mất trí. Trời bắt đầu sáng; y bèn mở cửa gọi chủ quán tới và nói rõ yêu cầu của Xantrô. Được chủ quán cung cấp đầy đủ, bác giám mã mang các thứ đó về cho chủ. Đôn Kihôtê đang hai tay ôm đầu, mồm không ngớt oán trách cây đèn đã làm chàng đau đớn; tuy nhiên, chàng chỉ bị sưng có hai cái bướu to trên đầu, còn cái mà chàng tưởng là máu chỉ là mồ hôi toát ra trong lúc sợ hãi.
Đôn Kihôtê trộn cả mấy thứ với nhau, đun một lúc, thấy được mới bắc ra. Chàng hỏi mượn một cái lọ để đựng thuốc nhưng trong quán không có, đành phải đổ vào một cái bình đựng dầu bằng sắt tây do chủ quán tặng cho. Chàng đặt bình thuốc trước mặt rồi đọc các bài kinh Lạy Cha, Kính mừng, Ngợi khen, Tin kính, mỗi bài tới hơn tám chục lần, đọc xong mỗi câu lại làm dấu ban phúc. Xantrô, chủ quán và viên cảnh sát đứng xem từ đầu chí cuối, còn anh chàng lái la đã đi thăm nom đàn súc vật của mình rồi. Công việc xong xuôi, Đôn Kihôtê muốn tự mình thí nghiệm sự thần hiệu của môn thuốc mà chàng cho là rất quý. Chàng bèn uống chỗ thuốc thừa trong nồi (độ lưng một hồ) vì bình đã đầy; vừa uống khỏi mồm đã nôn thốc nôn tháo đến nỗi không còn gì trong dạ dày nữa. Bị nôn mửa hành, mồ hôi trong người toát ra như tắm, Đôn Kihôtê phải nhờ đắp chăn hộ và để cho nằm yên một mình. Sau khi đã đắp chăn cho chàng, mọi người rút lui. Hơn ba tiếng đồng hồ sau, Đôn Kihôtê tỉnh dậy, thấy trong người nhẹ nhõm, khỏi hết đau đớn, tưởng chừng vô bệnh tật. Chàng tin tưởng đã luyện thành công môn thuốc thần và từ nay về sau, nhờ có môn thuốc đó, chàng có thể xông pha nơi chiến trận, dù có nguy hiểm bao nhiêu cũng chẳng ngại ngần.
Thấy chủ bình phục một cách kỳ lạ, Xantrô Panxa bèn xin uống nốt thuốc trong nồi còn lại cũng kha khá. Được Đôn Kihôtê cho phép, bác hai tay ôm nồi, lòng đầy tin tưởng, uống một hơi cũng nhiều gần bằng của chủ. Vì dạ dày của bác có nhiều sức chống đỡ hơn nên bác còn bị vật vã, lợm giọng, toát mồ hôi, quằn quại chán mà chưa nôn ra được, tưởng đâu giờ tận số đã điểm. Trong cơn đau, bác không ngớt lời nguyền rủa môn thuốc thần và kẻ khốn kiếp đã cho bác uống. Thấy vậy, Đôn Kihôtê nói:
– Anh Xantrô, ta nghĩ rằng xảy ra cơ sự này là do anh chưa được phong tước hiệp sĩ đó thôi. Rõ ràng thuốc này không hiệu nghiệm đối với những ai không phải là hiệp sĩ.
– Rõ thật vô phúc cho tôi và cả nhà tôi nữa! Đã vậy, ngài còn cho tôi uống làm gì?
Lúc này, thuốc đã ngấm và bắt đầu hành bác giám mã đáng thương khiến cho bác miệng nôn trôn tháo ngay trên giường, bẩn hết cả chăn chiếu, không còn dùng vào việc gì được nữa. Mồ hôi toát ra như tắm, Xantrô tưởng mình chết đến nơi và mọi người có mặt cũng đều nghĩ như vậy. Sau gần hai tiếng đồng hồ đầy khủng khiếp, bác cảm thấy không đỡ như chủ, mà trái lại thân thể đau đớn rã rời, đứng không vững. Nhưng Đôn Kihôtê, sau khi trở lại nhẹ nhõm lành lặn như trên đã kể, muốn ra đi ngay để tìm kiếm những chuyện phiêu lưu, vì chàng nghĩ rằng trong suốt thời gian ở lại đây, chàng đã xa lánh cuộc đời và những người đang cần tới sự giúp đỡ che chở của chàng. Vả chăng, chàng rất tin tưởng vào môn thuốc thần.
Vì nóng lòng muốn đi, Đôn Kihôtê tự mình thắng yên cương cho con Rôxinantê, đóng cả yên cho con lừa của giám mã, rồi lại giúp Xantrô mặc quần áo và đỡ lên lưng lừa. Xong đâu đấy, chàng nhảy lên ngựa, đến góc sân nhà trọ lấy một ngọn thương dựng tại đấy để dùng làm vũ khí.
Tất cả những người trong quán trọ – khoảng trên hai chục – đứng nhìn Đôn Kihôtê, trong số đó có cả cô con gái chủ quán. Đôn Kihôtê cũng nhìn cô ta chằm chằm, thỉnh thoảng buông một tiếng thở dài phát ra tự đáy lòng. Mọi người, nhất là những người đã được chứng kiến cảnh băng bó Đôn Kihôtê tối hôm trước, lại tưởng chàng xuýt xoa đau đớn vì những vết thương ở sườn.
Khi thầy trò đã ra tới cổng, Đôn Kihôtê mới dừng ngựa lại, mời chủ quán tới và nói bằng một giọng từ tốn, nghiêm trang:
– Thưa quan trấn thành, tôi đã được hưởng rất nhiều ân huệ trong tòa lâu đài này của ngài. Ơn đó, tôi xin ghi lòng tạc dạ suốt đời. Nếu tôi có thể báo đền được bằng cách trừng trị những kẻ láo xược đã xúc phạm tới ngài, dám xin ngài biết cho rằng nghề nghiệp của tôi là bênh vực những kẻ yếu, trả thù cho những ai bị làm nhục, và trừng trị những tên phản bội. Ngài hãy cố nhớ lại và nếu có trường hợp nào như vậy, xin cho được biết. Nhân danh dòng hiệp sĩ của tôi, xin hứa sẽ làm ngài được thỏa mãn như ý muốn.
Chủ quán cũng nghiêm trang đáp lại:
– Thưa hiệp sĩ, tôi không cần ngài trả hộ tôi một mối thù nào cả vì rằng tự tôi cũng biết cách rửa thù khi bị kẻ khác làm nhục. Tôi chỉ cần ngài trả tiền trọ đêm qua, kể cả tiền rơm và lúa mạch cho hai con vật lẫn tiền cơm và tiền giường của hai người.
– Sao! Đây là quán trọ ư? Đôn Kihôtê hỏi.
– Phải, và là một quán trọ rất nổi tiếng, chủ quán đáp.
– Cho tới lúc này, tôi đã nhầm, Đôn Kihôtê nói. Thực tình, tôi cứ ngỡ đây là một tòa lâu đài nguy nga. Nhưng nếu không phải như vậy mà chỉ là một quán trọ thì chỉ có một cách miễn cho tôi việc trả tiền vì tôi không thể vi phạm luật lệ của giới hiệp sĩ giang hồ. Tôi biết chắc chắn rằng dù nghỉ ở quán nào, không bao giờ các hiệp sĩ giang hồ phải trả tiền trọ hoặc một món tiền nào khác vì từ trước tới giờ, tôi chưa hề thấy có sách nào nói ngược lại; họ có quyền được tiếp đón tử tế, đền bù vào công việc nặng nhọc của họ trong lúc đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu mạo hiểm, đêm cũng như ngày, mùa đông cũng như mùa hè, đi bộ hay cưỡi ngựa, chịu đựng đói khát, nóng lạnh cùng bao sự khắc nghiệt và bất tiện của trời đất.
– Điều này không dính dáng gì đến tôi, chủ quán đáp. Hãy trả tiền đi và xếp những chuyện hiệp sĩ lại. Tôi chỉ biết có một việc là thu tiền thôi.
– Ông thật là một kẻ ngốc nghếch và không mến khách.
Nói rồi Đôn Kihôtê thúc ngựa, khoác thương lên vai ra khỏi quán trọ đi thẳng một mạch, không buồn để ý xem giám mã của mình có theo sau không. Chẳng ai giữ chàng lại cả. Chủ quán thấy chàng đã đi mất, bèn chạy lại đòi tiền Xantrô Panxa. Bác giám mã đáp rằng chủ đã không muốn trả thì bác cũng không trả, rằng bác là giám mã của hiệp sĩ giang hồ cho nên đối với bác cũng phải áp dụng các luật lệ như đối với chủ bác, tức là không được đòi tiền nong gì hết.
Tức quá, chủ quán dọa nếu không trả thì y sẽ có cách làm cho biết thân. Xantrô đáp lại rằng dù có mệnh hệ nào chăng nữa, bác cũng sẽ không trả một đồng xu vì tôn trọng luật lệ của giới hiệp sĩ. Bác không muốn vì mình mà các hiệp sĩ giang hồ mất một tục lệ cổ truyền hay ho, để rồi mai sau các giám mã khác có thể chê trách bác đã phá bỏ một quyền lợi chính đáng như vậy.
Rủi thay cho bác Xantrô đen đủi, trong số những khách trọ có bốn tay chuyên nghề chải len ở Xêgôvia, ba tay hàng xén ở Corđôba và hai lái buôn ở hội chợ Xêviia, là những kẻ vui tính, nghịch ngợm và thích trêu chọc. Như thể cùng chung một ý nghĩ, cả bọn họ tiến lại gần con lừa, lôi Xantrô xuống; một người đi lấy một cái khăn trải giường rồi họ ném Xantrô vào. Thấy cái mái nhà quá thấp, không tiện hành động, cả bọn kéo nhau ra sân, ở đó chỉ có vòm trời hạn chế họ thôi. Sau khi đặt Xantrô nằm gọn trong cái khăn trải giường, họ bắt đầu chơi trò tung hứng và lấy làm thú vị như khi họ tung chó trong những ngày hội hóa trang.
Những tiếng kêu thất thanh của bác giám mã bị tung lên trời lọt tới tai Đôn Kihôtê. Chàng dừng ngựa lắng nghe, mới đầu tưởng có chuyện phiêu lưu nào sắp xảy ra. Cuối cùng, nhận ra tiếng kêu của giám mã, chàng quay ngựa lại và bắt con Rôxinantê phi hết tốc lực về quán trọ. Tới nơi, thấy cổng đóng, chàng bèn đi vòng quanh để tìm lối vào; đi được mấy bước, nhìn qua bức tường không cao lắm, chàng thấy giám mã của mình đang vọt lên cao rồi lại rơi xuống một cách nhịp nhàng trong không trung. Giá như lúc đó chàng không tức giận, tôi tin rằng chàng phải cười phá lên. Chàng cố leo từ lưng ngựa lên mặt tường nhưng thân thể chàng còn đang đau ê ẩm đến nỗi xuống ngựa cũng không nổi, đành cứ ngồi trên mình con Rôxinantê ra sức chửi rủa, thách thức những kẻ đang tung Xantrô lên trời, thật không sao kể hết được. Mặc cho Đôn Kihôtê chửi bới, bọn người ở bên trong sân vẫn tiếp tục chơi trò tung hứng, còn Xantrô vừa bay vừa không ngớt mồm kêu la, dọa nạt, van xin mà chẳng ăn thua gì. Cuối cùng, cả bọn mệt quá mới dừng tay lại; rồi họ dắt con lừa tới, đặt Xantrô lên lưng nó và khoác một chiếc áo lên người bác. Thấy bác giám mã mệt lử, cô hầu Maritornex tốt bụng nghĩ là phải lấy cho bác một bình nước; cô bèn ra giếng múc cho được mát. Xantrô đỡ lấy bình nước đưa lên mồm định uống bỗng dừng lại vì nghe thấy tiếng chủ nói:
– Xantrô, con hỡi, chớ uống nước; con ta đừng uống nước đó kẻo mất mạng đấy. Con không biết ta có thuốc thần đây ư? Vừa nói, Đôn Kihôtê vừa giơ cái bình sắt tây đựng thuốc lên. Chỉ cần con uống hai giọt sẽ khỏi ngay.
Nghe chủ nói, Xantrô lác xệch cả hai mắt; bác hét to hơn cả chủ:
– May thay! Ngài quên rằng tôi không phải là hiệp sĩ ư, hay ngài muốn tôi dốc nốt những gì còn lại trong bụng sau trận nôn mửa đêm qua? Thôi, xin ngài giữ lấy món thuốc quỷ quái đó, để mặc tôi!
Nói rồi, Xantrô đưa bình nước lên mồm uống luôn. Nhưng mới được một ngụm, thấy nước lã, bác không uống nữa và yêu cầu Maritornex mang rượu đến. Cô này vui lòng làm ngay và còn bỏ cả tiền túi ra trả. Người ta đồn rằng mặc dù ở trong hoàn cảnh tôi đòi, cô còn mang những tính nết của một người theo Ki-tô giáo. Sau khi Xantrô uống xong, Maritornex mở toang cổng, Xantrô lấy gót chân thúc lừa ra khỏi quán trọ. Bác lấy làm hài lòng vì không phải trả một đồng xu nào và được ra đi theo ý muốn tuy đã phải giơ lưng ra làm bảo lãnh. Thực ra để bù vào khoản tiền trọ, lão chủ quán đã giữ được cái túi hai ngăn mà bác giám mã trong lúc vội vã ra đi không nhớ tới. Thấy Xantrô đi rồi, chủ quán định ra đóng cổng chặt lại nhưng mấy anh chàng vừa chơi trò tung hứng không nghe vì họ coi Đôn Kihôtê không đáng một đồng sứt dù chàng có thuộc dòng hiệp sĩ Bàn Tròn.
(Còn tiếp)