Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra – Truyện của Miguel de Cervantes y Saavedra – Kì 4

Mấy người phụ nữ đáng thương chẳng cần biết Đôn Kihôtê đặt điều kiện gì, cũng chẳng hỏi xem Đulxinêa là ai, hứa bừa rằng kỵ sĩ của họ sẽ thi hành nghiêm chỉnh lệnh của chàng…(Tiếp kì 4)

 

 

Mấy người phụ nữ đáng thương chẳng cần biết Đôn Kihôtê đặt điều kiện gì, cũng chẳng hỏi xem Đulxinêa là ai, hứa bừa rằng kỵ sĩ của họ sẽ thi hành nghiêm chỉnh lệnh của chàng. (Tiêp kì 4)

Chương 8

CUỘC GẶP GỠ RÙNG RỢN QUÁ SỨC TƯỞNG TƯỢNG GIỮA HIỆP SĨ DŨNG CẢM ĐÔN KIHÔTÊ VỚI NHỮNG CỐI XAY GIÓ VÀ NHỮNG SỰ VIỆC KHÁC ĐÁNG GHI NHỚ

Chợt hai thầy trò thấy có ba, bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng; Đôn Kihôtê bèn nói với giám mã:

– Vận may dun dủi khiến cho sự nghiệp của chúng ta tốt đẹp quá sự mong muốn. Này, anh bạn Xantrô Panxa, anh có trông thấy mấy chục tên khổng lồ hung tợn kia không? Để ta xông ra kết liễu đời chúng; với những chiến lợi phẩm thu được, chúng ta sẽ trở nên giàu sang phú quý. Đây là một cuộc chiến đấu chính đáng, quét sạch cái giống xấu xa này khỏi trái đất là phụng sự Chúa đấy.

– Những tên khổng lồ nào cơ? Xantrô Panxa hỏi.

– Những tên mà anh nhìn thấy ở trước mặt kia kìa. Cánh tay chúng rất dài, có cái tới gần hai dặm.

– Xin ngài coi chừng. Cái mà ngài tưởng là khổng lồ chỉ là những cối xay gió, còn cái vật trông giống cánh tay là những cánh quạt, khi có gió chúng sẽ quay tròn làm chuyển cối đá bên trong.

– Quả là anh chẳng hiểu gì về những chuyện phiêu lưu mạo hiểm cả. Đó chính là những tên khổng lồ. Nếu anh sợ thì hãy mau mau lánh ra xa mà cầu kinh trong lúc ta đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh gay go và chênh lệch.

Nói rồi, Đôn Kihôtê thúc con Rôxinantê xông lên, chẳng thèm để ý đến giám mã Xantrô Panxa đang hết lời khuyên bảo chàng rằng đó là những cối xay gió chứ không phải khổng lồ đâu mà đánh. Trong bụng đinh ninh phía trước có những tên khổng lồ, Đôn Kihôtê chẳng những không chú ý đến lời can của Xantrô, mà khi đã tới gần những cối xay, chàng cũng chẳng buồn quan sát. Chàng thét lớn:

– Lũ súc sinh kia, không được chạy trốn! Có ta là hiệp sĩ, một thương một mã đến đọ sức với bọn ngươi đây.

Vừa hay lúc này có một cơn gió nhẹ làm quay những cánh quạt. Thấy vậy, Đôn Kihôtê nói tiếp:

– Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn cả khổng lồ Briarêô[23] đi nữa, các ngươi cũng sẽ phải đền tội.

Rồi vừa cầu cứu nàng Đulxinêa xin nàng hãy giúp cho trong cơn nguy biến này, Đôn Kihôtê lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, thúc con Rôxinantê phi thẳng tới chiếc cối xay gần nhất. Đúng lúc chàng đâm mũi giáo vào cánh quạt cối xay, gió nổi lên dữ dội, cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gãy tan tành, cả người lẫn ngựa ngã chổng kềnh ra đất. Xantrô Panxa vội thúc lừa tới cứu thì thấy chủ nằm không cựa quậy sau cái ngã như trời giáng.

– Nhờ trời cứu giữ! Tôi đã chẳng bảo ngài rằng phải coi chừng việc làm của mình rồi đấy ư? Rằng đó chỉ là chiếc cối xay gió thôi ư? Ai mà chả biết thế trừ kẻ nào đầu óc cũng quay cuồng như cối xay vậy.

– Thôi, im đi, anh bạn Xantrô. Phải biết rằng cái nghề cung kiếm này hơn các nghề khác ở chỗ luôn luôn biến chuyển. Đúng là lão pháp sư Phrextôn trước đây đã đánh cắp thư phòng và sách vở của ta, bây giờ lại biến những tên khổng lồ này thành những cối xay gió để tước mất của ta phần vinh quang chiến thắng. Hắn thâm thù ta như vậy đó. Nhưng rồi pháp thuật của hắn cũng sẽ bị thanh kiếm lợi hại của ta khuất phục thôi.

– Cầu trời phù hộ cho ông chủ.

Nói rồi, Xantrô vực Đôn Kihôtê ngồi lên ngựa; con Rôxinantê cũng bị toạc nửa lưng. Vừa bàn tán về cuộc phiêu lưu mạo hiểm mới xảy ra, hai thầy trò đi về phía cảng Lapixê vì theo Đôn Kihôtê, con đường này có nhiều người qua lại tất sẽ gặp nhiều chuyện mạo hiểm khác. Chàng hiệp sĩ tỏ ra rất buồn phiền vì mất ngọn giáo. Chàng bảo giám mã:

– Ta nhớ có đọc một cuốn sách nói về một hiệp sĩ Tây Ban Nha tên là Điêgô Pêrêx đê Vargax. Bị gãy gươm trong một cuộc chiến đấu, chàng đã nhổ một thân cây sồi làm vũ khí và đã giết được không biết bao nhiêu quân Môrô khiến người ta tặng cho chàng biệt hiệu “hiệp sĩ diệt địch”. Về sau, con cháu của chàng cũng mang tên đó. Sở dĩ ta kể câu chuyện ấy vì có ý định nếu gặp một cây sồi, ta cũng sẽ lấy thân cây làm vũ khí như chàng hiệp sĩ Tây Ban Nha kia. Ta sẽ lập những chiến công phi thường, và anh sẽ là người có diễm phúc được mục kích những sự việc khó có thể tưởng tượng nổi.

– Ngài nói sao tôi cũng tin như vậy, Xantrô nói. Nhưng kìa, ngài ngồi ngay ngắn lên chứ.

Chắc là cái ngã khi nãy làm người ngài vẹo vọ hẳn đi.

– Đúng thế. Và nếu ta không kêu đau là vì các hiệp sĩ giang hồ có bị thương cũng không được rên rỉ, dù sổ cả ruột ra ngoài.

– Nếu vậy, tôi không dám có ý kiến; nhưng có trời biết được tôi nghĩ gì khi thấy ông chủ rên la. Riêng phần tôi, chỉ cần bị gai đâm là tôi kêu đau ngay, trừ phi người ta cấm cả giám mã của hiệp sĩ giang hồ kêu.

Lời nói chất phác của bác giám mã làm Đôn Kihôtê không nín được cười; chàng bảo Xantrô cứ việc rên la vì cho tới nay, chưa thấy sách kiếm hiệp nào ngăn cấm cả.

Tới đây, Xantrô nhắc chủ đã đến giờ ăn. Đôn Kihôtê đáp chưa muốn ăn, còn nếu Xantrô đói thì cứ tự nhiên. Được phép, Xantrô ngồi lại một cách rất thoải mái trên lưng lừa, lấy thức ăn ở trong cái túi hai ngăn, vừa đi theo chủ vừa ăn một cách khoái trá, thỉnh thoảng nghiêng bầu rượu tu một hơi ngon lành khiến tay chủ quán rượu sành sỏi nhất ở Malaga cũng phải phát ghen. Vừa đi vừa nhắm rượu, Xantrô quên cả những lời hứa hẹn của chủ; bác cảm thấy cái nghề đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu này tuy có nguy hiểm song không đến nỗi vất vả.

Đêm đến, hai người ngủ dưới gốc cây. Tiện thể, Đôn Kihôtê bẻ một cành khô, rút cái mũi sắt ở cái cán gãy lắp vào làm thành ngọn giáo. Chàng thức cả đêm để nghĩ tới nàng Đulxinêa, bắt chước những hiệp sĩ ở trong rừng hoặc những nơi thanh vắng thức hàng bao đêm liền tưởng nhớ tới tình nương. Xantrô Panxa thì không thế. Sau khi đánh chén no say, bác làm một giấc đến sáng, và nếu như chủ không gọi, chắc bác cũng chưa buồn dậy, mặc cho ánh nắng chiếu thẳng vào mặt, mặc những tiếng chim hót líu lo đón mừng một ngày mới. Vừa mở mắt, Xantrô đã vớ ngay bầu rượu; bác hơi buồn thấy nó nhẹ hơn hôm trước, mà xem chừng trên quãng đường này khó đào đâu ra rượu để đổ vào cho đầy. Đôn Kihôtê không ăn sáng vì, như ta thường nói, nghĩ đến người yêu cũng đủ no rồi. Hai thầy trò lại tiếp tục lên đường và khoảng ba giờ chiều đã trông thấy cảng Lapixê.

– Anh bạn Xantrô, ở đây chắc chắn không thiếu những chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng anh chớ quên rằng dù có thấy ta gặp cơn nguy biến thì cũng không được vung kiếm lên bảo vệ ta đấy. Chỉ khi nào ta bị những kẻ súc sinh vô lại tấn công, anh mới được phép xông vào ứng cứu, còn nếu những địch thủ của ta là hiệp sĩ thì theo luật lệ của giới, anh không được cứu ta trừ phi anh đã được phong tước hiệp sĩ.

– Thưa ông chủ, điều đó tất nhiên, tôi xin hết sức tuân lệnh. Vả chăng, tính tôi dĩ hòa vi quý, không ưa to tiếng hay xô xát. Của đáng tội, một khi cần phải bảo vệ cái mạng của tôi thì tôi cũng bất chấp những luật lệ đó vì luật trời luật đất gì chăng nữa cũng đều cho phép con người ta tự vệ khi bị tấn công.

– Ta không nói khác; tuy nhiên, anh cũng cần phải kiềm chế bản năng của mình khi thấy ta giao chiến với các hiệp sĩ.

– Tôi sẽ làm đúng như vậy; tôi xin tuân theo lời dạy của ngài như tuân lệnh nghỉ làm việc trong ngày chủ nhật.

Bỗng đâu trên đường cái xuất hiện hai tu sĩ dòng thánh Bênitô; họ cưỡi những con la to như lạc đà, đeo mạng trên mặt và che dù; phía sau họ lại có một cỗ xe ngựa cùng bốn năm kỵ sĩ theo hầu và hai người coi lừa đi bộ; trong xe có một phu nhân đi Xêviia gặp chồng vì ông này sắp sang châu Mỹ nhận một chức vụ quan trọng. Tuy cả đám người nói trên cùng theo một con đường, nhưng hai thầy tu đi riêng. Thoạt trông thấy họ, Đôn Kihôtê nói với giám mã Xantrô:

– Nếu ta không nhầm thì đây là một chuyến phiêu lưu mạo hiểm ly kỳ chưa từng có. Hai bóng đen lù lù kia đúng là hai tên phù thủy đang bắt cóc một nàng công chúa mang đi. Ta phải hết lòng hết sức giải nguy cho nàng ngay.

– Coi chừng, khéo rồi chuyện này còn lôi thôi rắc rối hơn cả những cối xay gió đấy. Hai bóng đen là hai thầy tu dòng thánh Bênitô, còn cái xe ngựa kia chở hành khách đó thôi. Xin ngài cẩn thận cho, chớ để ma quỷ làm lú lẫn ruột gan.

– Đã bảo là anh chẳng biết một tí gì về những chuyện phiêu lưu mạo hiểm cả mà. Ta nói không sai đâu, rồi mà xem.

Rồi Đôn Kihôtê tiến ra giữa đường cái, chờ hai thầy tu đi đến gần, đủ nghe thấy lời, chàng mới thét lớn:

– Lũ quỷ quái thô bạo kia, thả ngay những nàng công chúa quyền quý bị giam giữ trong xe ra, nếu không, hãy chuẩn bị chờ chết. Đó là một sự trừng phạt đích đáng đối với những hành động tội lỗi của các người.

Hai thầy tu lấy làm kinh ngạc trước hình thù và lời lẽ của Đôn Kihôtê; họ dừng lại và đáp:

– Thưa ngài hiệp sĩ, chúng tôi không phải lũ quỷ quái thô bạo nào hết mà là hai nhà tu hành dòng thánh Bênitô. Chúng tôi đi việc riêng, không hề biết trong xe kia có những nàng công chúa nào bị giam giữ cả.

– Đừng hòng khua môi múa mép trước mặt ta, Đôn Kihôtê nói. Lũ súc sinh bất lương kia, ta còn lạ gì bọn mi nữa.

Rồi không chờ họ trả lời, chàng cầm lăm lăm ngọn giáo, thúc con Rôxinantê xông thẳng vào một thầy tu. May sao, nhà tu hành này kịp thời lăn xuống đất, nếu không, ắt bị ngọn giáo quật ngã, không chết cũng trọng thương. Trước tình hình người bạn đồng hành như vậy, thầy tu thứ hai vội phóng la chạy mất, nhanh hơn cả gió cuốn. Lúc này, Xantrô Panxa đã xuống lừa chạy lại chỗ thầy tu nằm dưới đất và bắt đầu lột quần áo của ông ta. Vừa hay hai người hầu của thầy tu tới nơi, thấy thế bèn hỏi Xantrô cớ sao lại lột quần áo nhà tu. Xantrô viện lý do là ông chủ của bác thắng trận nên bác có quyền thu chiến lợi phẩm. Hai anh chàng coi la này không thích đùa và cũng chẳng hiểu chiến lợi phẩm là gì. Thấy Đôn Kihôtê đang mải hỏi chuyện những người ngồi trong xe ngựa, họ bèn xông vào vật Xantrô xuống đất, đánh cho một trận bò lê bò càng, trụi hết cả râu. Ông thầy tu vừa bị đánh ngã sợ cuống cuồng, mặt như chàm đổ, vội leo lên con la phóng thẳng đến chỗ bạn đồng hành đang đứng chờ; rồi hai nhà tu hành chẳng buồn xem câu chuyện kết thúc ra sao, vội tiếp tục lên đường, vừa đi vừa làm dấu thánh liên hồi.

Lúc này, Đôn Kihôtê đang nói chuyện với thiếu phụ ngồi trong xe ngựa:

– Thưa phu nhân, bây giờ phu nhân đã được hoàn toàn tự do vì cánh tay này đã vít cổ tên bắt cóc láo xược xuống đất rồi. Và để phu nhân khỏi mất công tìm hiểu tên người đã giải thoát cho mình, xin tự giới thiệu: Đôn Kihôtê xứ Mantra, hiệp sĩ giang hồ, kẻ nô lệ của nàng Đulxinêa làng Tôbôxô xinh đẹp tuyệt trần. Để trả ơn cho tôi, chỉ xin phu nhân quay xe trở lại Tôbôxô tìm gặp nàng Đulxinêa và kể cho nàng nghe về việc tôi đã giải nguy cho phu nhân.

Có một kỵ sĩ theo hầu xe ngựa, người tỉnh Vixcaia, nghe được hết những lời của Đôn Kihôtê. Thấy chàng không muốn cho xe đi tiếp mà lại yêu cầu quay trở lại làng Tôbôxô, anh ta bèn tiến lại nắm ngay ngọn giáo của Đôn Kihôtê và nói bằng một giọng trọ trẹ, không ra tiếng Caxtiia, cũng chẳng phải tiếng Vixcaia:

– Bước đi, anh hiệp sĩ cà mèng này! Có Chúa biết cho, nếu không để cho xe đi thì ta đập chết bây giờ. Nói thật đấy.

Đôn Kihôtê rất bình tĩnh trả lời:

– Tên khốn kiếp! Tiếc rằng ngươi không phải là hiệp sĩ, nếu không, chắc rằng sự ngu xuẩn và liều lĩnh của ngươi đã bị trừng phạt rồi.

– Sao? Mi dám bảo ta không phải hiệp sĩ ư? Đồ nói láo! Có giỏi thì bỏ giáo xuống chơi nhau bằng gươm xem mèo nào cắn mỉu nào. Ta là một nhà quý tộc chính cống ở tỉnh Vixcaia, mi muốn nói gì cũng là láo tất.

– Được, rồi sẽ biết tay ta.

Dứt lời, Đôn Kihôtê vứt giáo xuống đất, rút gươm, ôm khiên che ngực, lao thẳng tới anh chàng kỵ sĩ, quyết chí hạ thủ đối phương. Thấy Đôn Kihôtê xông tới, anh này định nhảy xuống đất – vì con la anh ta đang cưỡi là la thuê, không đáng tin cậy lắm – nhưng không kịp; anh đành phải ngồi trên lưng con vật, rút gươm, tiện tay vớ luôn cái nệm xe làm khiên che thân. Thế là đôi bên quần nhau, quyết một phen sống mái. Mọi người thấy vậy định can, nhưng không được vì tay kỵ sĩ càn rỡ dọa giết tất, kể cả bà chủ ngồi trong xe, nếu họ không cho hai người tiếp tục đánh nhau. Bà chủ sợ quá vội bắt bác xà ích đánh xe ra xa một chút, khoanh tay ngồi nhìn cuộc đấu võ ác liệt. Lúc này, anh chàng kỵ sĩ chém một nhát trúng vai đối thủ; cũng may Đôn Kihôtê có cái khiên đỡ đòn, nếu không đã bị nhát gươm đó phạt đứt đôi đến tận thắt lưng rồi. Bị miếng đòn hiểm, Đôn Kihôtê kêu to:

– Hỡi nàng Đulxinêa xinh đẹp tuyệt trần, nữ chúa của lòng ta, xin hãy ra tay cứu giúp người hiệp sĩ đang gặp gian nguy vì muốn làm đẹp lòng nàng.

Miệng cầu cứu nàng Đulxinêa, một tay nắm chắc thanh gươm, tay kia ôm khiên che kín người, Đôn Kihôtê nhanh như chớp lao thẳng tới anh chàng kỵ sĩ, quyết phen này hạ thủ đối phương. Đôn Kihôtê quyết tâm bao nhiêu, anh kỵ sĩ cũng quyết tâm bấy nhiêu. Anh dùng cái nệm xe che kín thân; khốn nỗi, con la của anh cứ đứng ì một chỗ không nhúc nhích, phần vì mệt, phần vì cũng không quen cái trò này.

Như trên đã nói, Đôn Kihôtê xông tới giơ cao thanh gươm, quyết chém đứt đôi đối phương; còn anh chàng kỵ sĩ đứng chờ, một tay cũng giơ gươm lên, một tay ôm chiếc nệm. Mọi người xung quanh đều hoảng hồn chờ xem kết quả những ngón đòn ác liệt của đôi bên. Thiếu phụ trong xe và các cô nàng hầu không ngớt cầu nguyện các vị thánh thần cứu vớt cho kỵ sĩ của họ và mọi người qua cơn hiểm nghèo.

Có điều đáng tiếc là tới đây, tác giả để câu chuyện lửng lơ với lý do không tìm thấy tài liệu gì khác ngoài những sự việc đã kể trên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một chuyện hay như vậy không lẽ bị lãng quên, tin tưởng có những người ở xứ Mantra còn giữ được trong tủ sách những văn bản nói về chàng hiệp sĩ cừ khôi. Cho nên, tôi vẫn hy vọng sẽ tìm thấy đoạn cuối câu chuyện này; nhờ Trời giúp cho, tôi đã tìm ra như kể dưới đây.

Chương 9

KẾT THÚC CUỘC CHIẾN ĐẤU KỲ LẠ GIỮA KỴ SĨ DŨNG CẢM TỈNH VIXCAIA VÀ HIỆP SĨ TRỨ DANH XỨ MANTRA

Chương trên kể tới đoạn kỵ sĩ dũng cảm Vixcaia và hiệp sĩ trứ danh Đôn Kihôtê diện đối diện, gươm tuốt trần và giơ cao, sắp sửa giáng cho nhau một đòn ác liệt nhằm xẻ dọc đối thủ từ đầu đến chân như ta bửa một quả lựu làm đôi vậy. Câu chuyện đang hay thì bị đứt quãng, mà tác giả cũng không bảo cho biết phần cuối tìm ở đâu.

Điều này làm tôi rất buồn phiền. Càng thích thú đoạn trên bao nhiêu, tôi càng phiền lòng bấy nhiêu khi nghĩ tới việc phải đi sưu tầm đoạn cuối không thể thiếu được cho một câu chuyện ly kỳ như vậy. Tôi cho rằng đối với một hiệp sĩ tài ba như Đôn Kihôtê, theo lẽ thường, chắc chắn phải có sử gia ghi lại những chiến công có một không hai của chàng, vì ngay những hiệp sĩ giang hồ vô danh tiểu tốt cũng còn được một vài sử gia viết về họ, không những kể lại cuộc đời họ mà còn ghi cả những ý nghĩ nhỏ nhặt và những hành động lố bịch của họ nữa; và một khi hiệp sĩ Platir cùng các hiệp sĩ khác được ghi vào sử sách thì không lẽ gì một hiệp sĩ tài giỏi như vậy phải chịu số phận hẩm hiu. Tôi không thể tin được rằng một câu chuyện hay như vậy bị mất đầu mất đuôi và tôi cho rằng thời gian ác nghiệt – kẻ hủy hoại muôn vật trên đời này – đã khiến cho những tài liệu nói về Đôn Kihôtê phải nằm chết gí ở một xó nào hoặc bị hư hỏng.

Mặt khác, trong phòng sách của Đôn Kihôtê có những cuốn mới xuất bản như Phương thuốc chữa bệnh hay ghen và Những nữ thần và mục phu của Ênarêx, cho nên tôi đoán chừng câu chuyện về Đôn Kihôtê mới xảy ra gần đây thôi, và nếu chưa có ai viết thành sách, chắc rằng trong số những người cùng quê chàng có kẻ còn nhớ. Ý nghĩ đó thôi thúc tôi tìm hiểu sự thật về cuộc đời và những chiến công kỳ diệu của Đôn Kihôtê, hiệp sĩ Tây Ban Nha trứ danh, ánh sáng và tấm gương của giới hiệp sĩ xứ Mantra, người đầu tiên trong thời đại đau khổ này khoác vũ khí lên vai, đi chu du khắp thiên hạ bênh vực kẻ hèn yếu, cứu vớt đàn bà góa, bảo vệ những cô gái lang thang trên lưng ngựa khắp đồi này qua đồi khác mà vẫn giữ vẹn tuyết trinh; thời trước, có những thiếu nữ sống tới tám mươi tuổi, không đêm nào ngủ nhà mà tới lúc chết vẫn nguyên vẹn như mẹ đẻ ra mình, nếu như họ không bị những kẻ ăn bám vô lại hay những tên khổng lồ quái dị cưỡng bức. Cho nên, với những hành động nghĩa hiệp của mình, chàng Đôn Kihôtê dũng cảm của chúng ta xứng đáng được ca tụng nhắc nhở mãi, và người đời cũng sẽ nhớ tới công lao tôi đã phải bỏ ra để tìm kiếm phần cuối câu chuyện lý thú này. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng nếu không có Trời giúp cho và nếu tôi không gặp vận may, thiên hạ sẽ không được hưởng gần hai tiếng đồng hồ thú vị đọc truyện này.

Công việc sưu tầm của tôi đã được tiến hành như sau:

Một hôm tôi đang đi lang thang trong phố Alcana ở Tôlêđô, bỗng đâu gặp một chú bé ôm một mớ sách cũ mang bán cho một nhà buôn tơ lụa. Tính tôi ham đọc, kể cả những mẩu giấy vụn vứt ngoài đường, nên tôi bèn hỏi xem một quyển và thấy ngoài bìa ghi chữ Arập. Không đọc được loại chữ này, tôi nhìn quanh quẩn xem có người Môrô nào đọc được và dịch ra tiếng Tây Ban Nha không. Kiếm một người phiên dịch như vậy không khó lắm vì ngay như tìm một người đọc được ngữ cổ hơn cũng dễ thôi. Vừa hay có một người đi tới, tôi bèn ngỏ ý và đưa cho người đó cuốn sách. Anh ta giở sách ra, mới đọc một đoạn đã cười. Tôi hỏi cười gì, anh đáp là cười câu ghi chú ở lề trang sách. Tôi yêu cầu nói rõ hơn, anh ta vẫn cười và đáp:

– Ở lề trang giấy có ghi: “Người ta đồn rằng nàng Đulxinêa ở làng Tôbôxô, mà tác giả nhắc tới nhiều lần trong truyện này, là người đàn bà muối thịt lợn khéo tay nhất xứ Mantra”.

Nghe thấy nhắc tới tên “Đulxinêa ở làng Tôbôxô”, tôi giật nảy người, đoán chừng cuốn sách cũ này viết về Đôn Kihôtê. Nghĩ vậy, tôi bèn nhờ anh ta xem ngay cho câu đầu. Anh đọc và dịch thẳng từ tiếng Arập sang tiếng Tây Ban Nha như sau: Truyện Đôn Kihôtê xứ Mantra của ngài Amêtê Bênenhêli, sử gia Arập. Tôi phải cố nén nỗi vui mừng khi tai nghe thấy tên cuốn sách đó, và tôi phỗng tay trên của anh bán hàng tơ lụa, mua luôn của chú bé cả mớ sách cũ với giá là năm hào. Nếu thằng bé tinh ý nắm được mưu đồ của tôi, chắc nó sẽ bán với giá trên sáu đồng. Mua xong, tôi dẫn anh chàng người Môrô đến một cái hành lang của ngôi nhà thờ lớn trong tỉnh và nhờ anh dịch tất cả những đoạn nói về Đôn Kihôtê ra tiếng Tây Ban Nha, không thêm không bớt, hứa khi xong việc anh muốn gì được nấy. Anh ta chỉ đòi hai yến nho khô và một tạ lúa mì, hứa sẽ dịch thuật đúng, thật nhanh. Muốn cho công việc được dễ dàng và không để lỡ một dịp may hiếm có, tôi đưa anh về nhà tôi dịch luôn một mạch trong gần hai tháng trời. Nội dung câu chuyện như sau:

Trong cuốn đầu tiên có một bức tranh rất sinh động tả cuộc chiến đấu giữa Đôn Kihôtê với chàng kỵ sĩ tỉnh Vixcaia, cả hai đều vung gươm lên trong tư thế như đã kể ở trên, một người che khiên, người kia che nệm; hình vẽ con la rất giống, đứng xa hàng dặm cũng biết là một con la thuê. Dưới chân chàng kỵ sĩ có ghi mấy chữ: Đôn Xantrô đê Axpêtia – hẳn đó là tên anh ta; dưới chân con Rôxinantê cũng có hai chữ: Đôn Kihôtê. Vẽ con Rôxinantê mới thật là tuyệt: cổ dài ngẳng, thân hình quắt queo chỉ thấy xương, thật hợp với cái tên mà chủ nó đặt cho. Bên cạnh Rôxinantê là hình Xantrô Panxa một tay cầm dây tròng cổ lừa, dưới chân ghi: Xantrô Xancax. Sở dĩ có cái tên như vậy vì trong tranh vẽ một người bụng phệ, mình ngắn, chân chim, do đó mới có biệt hiệu là Panxa[24] hay Xancax[25] mà ta thường thấy gọi trong truyện. Ngoài ra, còn một số chi tiết khác không quan trọng lắm và cũng không ảnh hưởng tới nội dung câu chuyện này, một câu chuyện hay nếu có thật.

Thảng hoặc ta có chút nghi ngờ sự chân thật của tài liệu này thì chỉ có thể đổ tội cho tác giả là người Arập là những người hay nói dối; tuy nhiên, vì thù ghét dân tộc ta, họ chỉ có thể nói bớt đi chứ không tô thêm. Và nếu họ phải cầm bút ca ngợi những chiến công của một hiệp sĩ cừ khôi nước Tây Ban Nha, họ sẽ không làm. Thật ra, điều này không hay ho gì vì nhà viết sử phải chính xác, chân thật, không cảm tính, không vì tư lợi, uy vũ, hằn thù hay sở thích mà tách khỏi chân lý. Lịch sử đòi hỏi những điều cơ bản đó. Nó bất chấp cả thời gian, ghi lại những sự việc đã qua để làm gương cho đời nay và làm điều răn cho đời sau. Tôi biết là truyện này rất hấp dẫn, nếu nó có thiếu sót nào, theo tôi, điều đó do tác giả gây ra chứ không do đề tài câu chuyện. Theo bản dịch, phần hai mở đầu như sau:

Hai chiến sĩ dũng cảm cùng vung gươm lên, sát khí đằng đằng, khiến trời rung đất chuyển. Thanh gươm của chàng kỵ sĩ hăng máu bổ xuống trước với một sức mạnh ghê gớm, tưởng chỉ một nhát đó cũng đủ kết thúc cuộc chiến đấu và cả cuộc đời phiêu lưu giang hồ của chàng hiệp sĩ xứ Mantra. Nhưng thần May rủi còn muốn cho Đôn Kihôtê làm người để chàng lập sự nghiệp lớn hơn nên đã xoay chiều lưỡi gươm, nhờ đó mà Đôn Kihôtê chỉ bị sống gươm chém vào vai; cả một bên áo giáp sắt, một phần cái mũ và nửa tai trái của chàng văng xuống đất, nom thật thảm hại.

Lạy Chúa! Ai có thể tả được hết nỗi tức giận sôi sục trong tim chàng hiệp sĩ xứ Mantra khi thấy mình bị đối xử như vậy. Chàng đứng hẳn lên bàn đạp, hai tay siết chặt thanh gươm, bổ một nhát như cả một trái núi lao xuống đầu đối phương. Tuy đã có cái nệm đỡ đòn rất tốt, chàng kỵ sĩ cũng bị hộc cả máu mồm, máu mũi, máu tai, vội ôm lấy cổ con la cho khỏi ngã, rồi anh ta lả đi, hai chân rời khỏi bàn đạp, hai tay buông thõng. Trước đòn sấm sét, con la cũng hoảng quá chạy lồng lên, vật luôn chủ xuống đất.

Đôn Kihôtê thản nhiên đứng nhìn; tới khi thấy đối thủ ngã lăn dưới đất, chàng mới nhảy xuống ngựa rảo bước tới gần, gí gươm vào giữa trán bắt phải đầu hàng nếu không sẽ chặt đầu. Anh chàng kỵ sĩ cuống cuồng, cứng cả lưỡi, và chắc là anh ta sẽ chết thôi vì Đôn Kihôtê lúc này như điên như dại. May sao mấy người phụ nữ trong xe, từ nãy đến giờ hồi hộp chứng kiến cuộc giao tranh khủng khiếp, chạy vội lại tha thiết van xin chàng hiệp sĩ rủ lòng thương tha tội chết cho kỵ sĩ của họ. Đôn Kihôtê nghiêm giọng đáp với một vẻ đầy tự hào:

– Thưa quý phu nhân xinh đẹp, tôi rất sung sướng thể theo lời yêu cầu đó với điều kiện là anh chàng hiệp sĩ này phải hứa tới làng Tôbôxô trình diện trước nàng Đulxinêa vô song để tùy nàng định đoạt số phận cho.

Mấy người phụ nữ đáng thương chẳng cần biết Đôn Kihôtê đặt điều kiện gì, cũng chẳng hỏi xem Đulxinêa là ai, hứa bừa rằng kỵ sĩ của họ sẽ thi hành nghiêm chỉnh lệnh của chàng.

– Nếu đã hứa thì tôi tha tội chết cho nó, Đôn Kihôtê nói, trừng trị như vậy cũng đủ rồi.

(Còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder