Phố nhỏ ngoại ô đang yên giấc, bỗng bị đánh thức bởi tiếng gầm rú của “ Con quái vật thời tiền sử”. Nó khộc khộc mấy tiếng, sau đó ré lên một tràng dài: phành, phành…, rồi mất hút trong đêm. Phố lục tục trở mình, tiếng trẻ khóc, một khung cửa sổ bật mở kèm theo giọng người đàn ông ngái ngủ văng tục. Nhiều đêm như vậy, dân phố bực bõ cử ông cụm trưởng đến “ Dạy dỗ Con quái vật”. Chủ của nó, lão “Khới ngựa” nhe răng cười rõ tươi, mời ông cụm trưởng ly rượu ngoại, giọng xuề xòa:
– Em biết, em biết. Nhưng lệch múi giờ, không ngủ được, xin cáo lỗi bà con.
Nể tình hôm nọ lão tài trợ cho việc sửa sang cống rãnh trong phố, ông cụm trưởng khẽ khàng:
– Chú thông cảm với bà con, toàn dân lao động cả, thiếu thốn nhiều thứ lắm, cái gì cũng cần, ngủ cũng cần đấy… Ngày mai, còn đoạn đường lội mà chưa có kinh phí kia, không biết thế nào…?
Thấy vậy, Khới ngựa vung tay:
– Khỏi lo, khỏi lo, cứ tiến hành bao nhiêu có Liên Xô chịu (lão dùng từ của thời bao cấp). Khới ngựa là “kiều”, lão lang bạt kỳ hồ ở mãi đẩu đâu, sau cái ngày đánh xe ngựa húc đổ cổng nhà ông Tam, sinh sự, đánh con ông Tam bị thương. Lệnh bắt của Công an, lão trốn biệt… Người ta nghĩ Khới toi rồi, không vì rượu thì cũng vì thói ngỗ ngược của lão. Vợ lão, bà Bèn ở nhà, chạy chợ nuôi ba đứa con, một trai hai gái, khổ đến cùng kiệt. Lần hồi đắp đổi cho đến ngày chúng lớn khôn, tuyệt nhiên không có tăm hơi của lão Khới ngựa. Hàng phố bảo bà Bèn là vô phúc “Bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Bởi thời con gái, bà là cô gái quê đẹp có tiếng, con nhà lành. Chẳng biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà bập vào thằng Khới ngựa.
Ngày ấy, cô Bèn thường gánh hoa lên phố bán. Một buổi sớm mai, đến chỗ ngoặt phía đầu ô, thình lình gặp Khới ngựa, động cỡn, quất ngựa phi nước đại, xô phải cô Bèn, cái càng xe hất tung cô và gánh hàng bắn sang vệ đường, cô Bèn chết giấc, gánh hàng tung tóe dập nát dưới bánh xe. Thằng Khới quát ầm lên: Đồ mù, đi đứng thế hả, bố cho nát bét cả mày bây giờ. Nhưng rồi thấy bóng người nằm đấy là một cô gái, hắn dừng xe đỡ Bèn dậy, xuýt xoa: Khổ, anh đang vội, xin lỗi nhé, anh đền, anh đền tất. Rồi hắn chăm sóc cô hết lòng. Thế là cô Bèn nên duyên nợ với Khới. Ở với nhau được ba mặt con, hắn vẫn chứng nào tật ấy. Cô Bèn thở dài: Cái phận mình nó vậy, đục chịu trong nhờ. Chết nỗi, càng khổ bao nhiêu trông cô lại mặn mà đằm thắm bấy nhiêu.
Sau thời gian lẩn trốn, Khới nhảy xuống thuyền vượt biên. Đến trại tị nạn, người ta phỏng vấn, lão nói đại là: Đánh con ông chủ tịch bị thương do bất đồng chính kiến…??? Lão thoát khỏi trại và đi định cư ở xứ người, thời kỳ đầu lão làm bảo kê cho mấy cửa hàng người Việt. Một buổi nọ, lang thang ở khu vực người bản địa, đang ngơ ngẩn, bỗng một con chó to lớn xồ ra lao vào lão, phát hiện được, lão ngồi thụp xuống, hai tay chống đất, mắt trợn ngược, gầm lên một tiếng rõ to. Con chó giật mình khựng lại, nhìn lão một lát rồi lui dần. Gã chủ chó tiến lại vỗ vai Khới rồi xổ ra một tràng, thái độ có vẻ hài lòng, Khới lõm bõm hiểu: Gã đang cần một người giúp việc. Hóa ra cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy làm thay đổi cuộc đời lão. Đấy là cái trại nuôi và huấn luyện chó, vì chó nuôi, đều phải qua huấn luyện, luật là vậy… Gã chủ trại John Deck là một người quái dị, trông gã như tên cướp biển thế kỷ 19. Đầu hói, râu xồm, có đôi mắt chó ngao xanh thẳm đầy uy lực, ở cổ thắt một cái khăn lụa màu cứt ngựa và phì phèo tẩu thuốc suốt ngày. Khới nhận việc: Ấy là mặc bộ đồ da thô sờn xước trong độn dầy bông và lưới bảo vệ. Công việc hàng ngày là đứng vào chỗ trống, không vật gì che chắn. Gã John xùy chó ra để chúng lao vào Khới mà cắn xé. Lúc đầu Khới cũng sợ và phản vệ, bọn chó càng điên tiết, gã John đứng ngoài ra hiệu cho đến khi nào Khới tả tơi mới thôi. Vài bữa thành quen, Khới bằng lòng với công việc. Bữa ăn thêm được những cốc Uytky chính hiệu làm lão khoan khoái, rồi được chủ tin dùng, lão thành cái bóng của lão John. Gã John có hai người con gái, cô em tên là Berna béo núc ních, có cặp mông vĩ đại như hai cái lồng bàn, mũi khoằm khoằm giống bố như tạc. Berna thích Khới, nàng thích vì tò mò và cũng vì sự lì lợm của Khới. Ý thích tựa như con chó cái thích con đực khác giống. Hôm cưỡi ngựa vào rừng, cái cặp mông vĩ đại ấy đã đè nghiến Khới ra bãi cỏ rồi tru lên như con sói hoang động đực. Đứa bé đầu đen, mắt xanh ra đời làm Berna mừng cuống lên. Gã John cho gọi Khới đến bên bàn giọng khô cứng, lạnh lẽo:
– Thằng chó chết, mày phải ra đi ngay lập tức.
Khới lắp bắp:
– Ồ! Nếu Berna thích những đứa trẻ đầu đen, tôi sẽ cho cô ấy một tá?
Gã John gầm lên, đập vỡ chai rượu, nhằm mặt Khới phóng tới. Một vết xước loang máu, để lại cho lão một cái sẹo trên má phải. Trở về khu định cư của người Việt. Khới đem những điều học được của lão John, mở trại nuôi chó, rồi phát đạt… Lão chơi bời dan díu với đủ loại người, suốt ngày ngụp lặn trong bia rượu và khói thuốc. Cho đến một ngày, đứng trước gương lão bỗng nhận thấy những sợi tóc bạc. Đêm ấy Khới nao nao buồn khi tỉnh cơn say, lão chợt nghĩ đến thằng con trai đầu đen, mắt xanh mà chưa một lần được bế trên tay. Lão thuê luật sư đòi đứa bé về, nhưng luật pháp xứ người không theo ý lão. Lão được phép đến thăm con, thằng bé đã hơn ba tuổi, nó sờ vào mặt Khới, mân mê cái mũi, vạch mắt, vạch mồm xem răng lưỡi như khám phá một vật thể lạ. Berna đã lấy chồng, một tay võ sĩ quyền Anh da màu, trông lực lưỡng như con bò mộng, hắn cao hơn Khới một cái đầu và có một hàm răng trắng đến nỗi làm Khới điên tiết. Hắn bắt tay Khới rất chặt và lắc mạnh như thể chỉ chút nữa là Khới sẽ bay qua hàng rào. Hết! Chấm hết. Tiếng chó tru vào những đêm trăng, những bông tuyết đầu mùa làm Khới da diết nhớ đến một vùng đất chan chan ánh nắng mà từ đấy lão đã ra đi.
Hai đứa con gái bà Bèn đã lớn, trông như đôi “Tịnh điều” và xinh đẹp. Thắm đã có người yêu, lâu lâu lại thấy đôi mắt đỏ nhoèn vì khóc, còn Ngần thì láu lỉnh hơn, tuổi thiếu nữ con nhà nghèo, làm Ngần thèm khát mọi cái của hè đường, Ngần tha đủ thứ về nhà, toàn những đồ xin được vì lỗi mốt. Bà Bèn lo cho hai cô con gái, đến tuổi chồng con mà chẳng có chút dấn vốn gì. Cái Ngần thương mẹ nói: Mẹ khỏi lo, con với chị Thắm gạt ra không hết, hôm nào con dẫn về một xâu cho mẹ chọn.Thế là đùng một cái, Ngần dẫn về một thằng tóc nhuộm vàng nham nhở, vuốt keo dựng đứng lên như người sợ ma. Ngần bảo mẹ:
– Nó là con độc của bà chủ tiệm vàng Kim Anh, sẵn sàng sẻ một nửa cơ nghiệp cho con đấy.
Bà Bèn thở dài lắc đầu. Đến mấy tháng sau, Ngần lại đưa về một tay đầu trọc lốc, mắt trố sau cặp kính cận dày cộp, rồi ghé vào tai mẹ thì thầm: Tiến sĩ đấy mẹ ơi. Bà Bèn hỏi: Tiến sĩ về ngành gì? Nó bảo: Ngành nhân chủng học, hiện đang hành nghề pháp y, nghĩa là chuyên mổ xác chết và đang làm dự án xây dựng giàn thiêu cho nghĩa trang thành phố. Bà Bèn bủn rủn thở không ra hơi. Ngần ngặt nghẽo:
– Mẹ thân mến của con ơi, mẹ khuya quá rồi.
Ngược lại với hai cô em, Đức giống mẹ từ dáng người đến khuôn mặt. Cứ đi làm về lại chúi đầu vào đống sách vở, thi thoảng có rỗi lại chơi với bọn trẻ hàng xóm. Người ta quý mẹ con Đức theo lẽ thường tình. Họ cho rằng thiên hạ nhiều sự ác độc thì mẹ con Đức là phần đối trọng phía bên kia để cân bằng cho cõi đời này, đơn giản như vậy. Lũ con gái ở phố nhìn Đức bằng con mắt ngồ ngộ, nó đồn Đức là pêđê, nên không mặn mà gì mỗi khi gặp Đức. Thời gian qua đi, bà Bèn thảng thốt tìm người mai mối cho Đức. Hôm đến nhà vợ chồng người bán thịt ở cuối phố, nhà có năm cô con gái, cô nào cũng mũm mĩm trắng như con lợn cạo. Theo chân bà mối, chưa vào đến nhà, mới đứng ở ngoài ngõ, đã nghe bà hàng thịt cao giọng:
– Này chị Bèn, dạo này thằng Đức có đi làm không, nếu thất nghiệp đến em nhờ chút việc, đang thiếu người cạo lông lợn đây, chứ mấy đứa nhà này nó lười quá, không biết có thằng chết đâm chết dẫm nào nó rước đi cho không.
– Thế còn ra cái gì nữa. Hỏng việc… Hay lúc ngồi với bà cụ bán trầu vỏ nhà ở đầu phố, bà cụ nhỏ nhẹ với bà Bèn:
– Hay là chị cứ đến chùa xin cho cháu nó quẻ thẻ, xem các ngài phán ra sao, rồi về đây tôi nói với con mẹ nó cho.
Con mẹ nó, tức con gái bà cụ, là mẹ của hai cô gái lòng nhòng gầy vêu, đang hành nghề thú y ở trại giống của huyện, chuyện chưa đâu vào đâu, đã nghe con gái bà cụ lanh lảnh:
– Cháu nó chỉ biết tiêm lợn thôi, chứ có biết gì về ngựa đâu…?
Bà Bèn ngân ngấn nước mắt, ra về vật xuống giường khóc rưng rức. Tin lời bà cụ, bà Bèn sắm cái lễ mọn lên chùa cầu xin trời phật chứng giám cho sự khốn khó, oan ức của bà. Mong ba hồn bảy vía lão Khới ở đâu thì về phù hộ cho mẹ con bà.
***
Thế rồi trời phật thương bà Bèn, phù hộ độ trì cho mẹ con bà. Một chiều đầu đông, trời nhá nhem tối, cả bốn mẹ con đang xì xụp quanh mâm cơm thì nghe có tiếng còi ô tô hét váng lên, rồi tiếng đập cửa thình thình. Cửa mở, có bóng người đàn ông cao lớn hiện ra choáng hết khung cửa. Mọi người đang ngơ ngác thì cái bóng cất giọng:
– Đây có phải nhà mẹ con bà Bèn không nhỉ?
Cái Ngần nhanh nhẹn:
– Vâng đúng rồi, bác hỏi gì ạ?
Cái bóng ấy lao vào nhà, khiến cho bà Bèn đổ vật xuống mâm cơm. Cái bóng ấy gào lên:
– Mình ơi ta đã về đây. Bố đây, bố Khới của các con đây.
Rồi xô đến đỡ bà Bèn dậy. Bà Bèn gục đầu vào vai Khới khóc như mưa, nghẹn ngào:
– Ông bỏ mẹ con tôi đi đâu đằng đẵng từng ấy năm trời, mà không nói lấy một lời.
Cả nhà ôm chầm lấy nhau. Lần đầu tiên những giọt nước mắt hiếm hoi lăn trên khuôn mặt phong trần của Khới ngựa. Vui nhất có lẽ là cái Ngần, nó chạy lăng xăng từ nhà ra ô tô để khuân đồ đạc vào cho bố, toàn những cái va ly mới cứng và nặng chịch. Không khí gia đình và bà con hàng phố, làm Khới như trẻ lại, hơn nữa Khới lại có tiền, rất nhiều tiền. Đầu tiên là ngôi nhà xiêu vẹo được phá bỏ, nhường chỗ cho ngôi nhà bốn tầng lộng lẫy, kiến trúc hiện đại. Nhưng đập vào mắt mọi người lại là những pho tượng đầu Ngô mình Sở, Khới cho đặt ở chỗ ban công tầng ba. Đấy là tượng Nữ thần tự do đứng trên bệ hình con sư tử, tượng thần Alát nửa ngồi, nửa quỳ hai bên, dưới thềm tam cấp là đôi chó becgie đen thẫm nhe răng lè lưỡi. Sự bầy đặt hỗn tạp đó làm cho lão khoái chí, phải thế mới làm cho mọi người nể trọng “ Thằng Khới” đánh xe ngựa ngày xưa… lão moi đâu ra chiếc Hac-lây đời cổ. Lão bảo đấy là cái xe số một trên toàn cõi Đông Dương này, chiếc xe cứ ầm ầm như động cơ phản lực. Bọn choai choai ở phố thích thú ngắm nhìn gã vụt qua, với mũ rộng vành, áo ghi nê, giầy cao cổ, trông hệt như cao bồi trong phim, chúng đặt cho cái xe của Khới cái tên khá chuẩn: “Con quái vật thời tiền sử” và khoảng hai rưỡi sáng nó lại gầm lên, làm cả phố mất ngủ.
Bà hàng thịt mấy lần cho con gái đưa móng giò vào tận bếp cho bà Bèn, rồi cứ líu ra líu ríu mà Đức vẫn thờ ơ như nhà không có người. Bà cụ bán trầu vỏ cho cháu sang để hẹn ngày đi lễ chùa với bà Bèn, Đức nhận tin rồi hờ hững đóng cổng. Con gái phố xuýt xoa: “Chúng mày ơi, kể cả là anh Đức chín vía tao cũng xin tình nguyện về làm dâu bố Khới”. Cái Ngần, váy bò te tua trông rất sành điệu. Nó bỏ anh “ Tiến sĩ nhân chủng học” để đi theo gã “kiều” bạn vong niên của bố Khới. Mọi việc cứ rối tung, sau cái vui là những nỗi lo vu vơ gieo vào lòng bà Bèn. Bà cụ bán trầu vỏ nghe bà Bèn than vãn, rồi bảo:
– Hay là bác lại lên chùa, làm cái lễ giải sao cho bố nó, rồi xem mà tính chuyện lâu dài, chứ đàn ông như con đò dọc, gặp bến nào vui thì cắm sào ở lại…
Ngọt nhạt mãi lão mới chịu đi, vẫn cái bộ dạng cao bồi Têch-jat nhâng nháo phóng qua cổng tam quan. Lúc tụng kinh niệm phật, lão ngồi lơ đãng ngoài hiên hút thuốc rồi nhìn bà Bèn xì xụp khấn vái trong nếp áo nâu sồng, lắc đầu ngao ngán. Xong việc, bà Bèn dẫn lão đi vãn cảnh chùa, cuối cùng ra nghĩa trang vườn chùa, nơi đặt các lăng mộ con nhang đệ tử nhà Phật. Len mãi mới đến được góc trong cùng của nghĩa trang, bà chỉ hai cái lăng mới xây gạch mộc, bà nhìn lão Khới khẽ khọt:
– Lần này ông về, gặp được con cái khỏe mạnh trưởng thành, thế là tròn bổn phận làm cha mẹ, tình cảm vợ chồng đã yên. Tôi với ông cũng mãn chiều xế bóng rồi, trời phật độ cho mình khỏe mạnh sống đến bao giờ thì sống, còn lúc nào nằm xuống đã có chỗ này, tôi với ông về ở bên nhau.
Lão Khới như không hiểu, trừng mắt nhìn bà Bèn, bà vẫn nhẹ nhàng:
– Thì đấy, tôi cũng bớt chút tiền, nói với sư cụ trong chùa để cho chỗ đất này, mãi mới được đấy. Đợi đến lúc tôi với ông quy tiên, đã có sẵn rồi, con cái nó ở xa không phải làm phiền chúng nó.
Lão Khới ngựa tròn mắt nhìn bà Bèn, như lần đầu tiên mới gặp trên trái đất này. Lão văng một câu rõ tục, rồi gầm lên phá vỡ cả không gian tĩnh lặng của vườn chùa:
– Tôi đã được sống đâu mà bà bắt tôi chết…? Tôi đang sống… Tôi còn sống, tôi sẽ sống đến một ngàn năm nữa nghe chưa? Bà thích thì bà vào đấy mà nằm trước đi.
Nói xong lão xắn tay áo, dùng hết sức nâng cái mảng bê tông đậy trên lăng lên cao quá đầu, rồi nhằm chỗ mái cong cong mà giáng xuống. Rầm!…Thế là tan tành. Đập phá một lúc chưa hả cơn giận, lão túm tay bà Bèn lôi xềnh xệch ra khỏi chùa: Tôi đếch cần những thứ này, thần tự do hộ mệnh cho tôi rồi. Bà Bèn lắp bắp:
– Tôi xin ông… Tôi xin ông… Tôi xin…!
Ra đến giữa sân chùa, lão định gầm lên nhưng bị bà Bèn sấn tới bịt mồm lão lại, lão lấy tay gạt ra làm cho bà đổ sập xuống sân chùa. Ra chỗ gửi xe, lão nhảy lên “Con quái vật” rú ga rầm rầm, vụt qua cổng tam quan biến mất. Từ đó bà Bèn nhất quyết không chịu ở ngôi nhà mới của lão Khới. Bà đòi về quê, can ngăn thế nào cũng không được. Đức đành chiều ý, đưa mẹ về.
Ngôi nhà bỗng dưng trống vắng, lão Khới được thả phanh, lão để tóc dài, hết nhuộm đen rồi nhuộm đỏ. Cái ví tiền đeo xề xệ trước bụng, bọn cave đào mỏ bâu vào lão như ruồi. Trong đám bạn nhảy, hay cặp kè với lão nhất là mụ Tân vẹo. Mụ lùn, béo, da trắng bợt như miếng thịt ôi. Mụ đeo đủ thứ lên người như cô đồng, mặc áo liền váy xẻ tà lên tận bẹn trông như cái thùng phi di động. Mụ là chủ quán karaoke “Mây chiều” kiêm vũ sư. Không cần nhón tiền của lão Khới theo kiểu mấy ả cave. Mụ âm mưu làm quả đậm. Mụ bảo lão:
– Anh là đấng tài trai, có tiền, chịu khổ nhiều rồi, sao không tiện thể lúc này kiếm lấy một em xinh tươi để nâng khăn sửa túi. Bên kia thì khó, chứ bên này cứ nhiều “đạn” là xong, em giúp cho.
Lão Khới vân vê bộ ria mép, khoái chí gật gù. Mụ Tân vẹo gãi đúng chỗ ngứa:
– Bây giờ, anh về bảo mụ ấy làm cái giấy ly hôn, đơn giản vì hai mươi năm không ở với nhau rồi, với lại có giấy việc bảo lãnh cho con cái ra nước ngoài mới thuận tiện, cứ bảo mụ ấy là làm giả thôi, xong việc cho các con ra đi, sau đó về đăng ký lại, sống với nhau, thế nào mụ ấy chả nghe. Tôi có con bé cháu, hơi bị đẹp, đại học dở dang vì nhà nghèo, đang cần tiền, ông chỉ cho nhà nó một khoản nằng nặng rồi đăng ký kết hôn, đưa ra nước ngoài là yên chuyện, sau đấy ông muốn xử thế nào thì tùy, chả đi đâu mà thiệt.
Khới đứng dậy hai tay vuốt căng vòng bụng, miệng lắp bắp:
– Có lý, có lý, hợp đồng nhé…. Oke?
Rất điệu nghệ, mụ Tân vẹo thò bàn tay múp míp đeo đầy nhẫn nắm lấy tay lão Khới lắc lắc… cả hai cười hơ hớ.
Ít lâu sau, trong ngôi nhà khang trang của Khới xuất hiện cô gái trạc tuổi cái Thắm, mặt lúc nào cũng son phấn, luôn có mụ Tân vẹo kè kè bên cạnh. Lão Khới vội vã đi về theo màn kịch do mụ dàn dựng. Bà Bèn thấy lão ỏn thót để lo việc cho các con, nên đồng ý ký ngay vào giấy. Thế là hợp đồng với mụ Tân đã giải quyết xong bước cơ bản ban đầu.
Mai Hường là tên cô gái, mụ Tân bảo vậy. Nét mặt ưa nhìn, đôi mắt mở to ngơ ngác như âu lo điều gì đấy. Lão Khới như phát rồ khi trông thấy cô gái, lão tập nói những lời có cánh, nửa tây, nửa ta một cách ngô nghê. Lúc ăn, lão chỉ ngồi uống rượu và nhìn cô gái như con sói nhìn con mồi. Lão vuốt tóc, sửa khuy áo, móc ví để kiểm tra lại số tiền. Lão luống cuống muốn công bố tài sản, nhưng gặp phải con mắt sắc như dao cạo của mụ Tân, lão phải ngồi xuống vờ vịt gắp thức ăn để chữa thẹn. Một ý nghĩ như dòng điện chạy qua đầu lão: “Chao ôi! Chắc ta già mất rồi.” Rồi ngước nhìn lên tầng ba của tòa nhà lẩm bẩm: Xin thần tự do mau chóng ban phước lành cho con…
***
Bà Bèn bảo Đức: Mẹ linh cảm bố con có điều gì chẳng lành?!… Vội vã trở về, Đức tra chìa khóa vào ổ, một tiếng tách nhẹ, hai cánh cổng từ từ mở ra, căn nhà bây giờ như xa lạ với Đức, hai con becgie trừng mắt, nhe nanh nhìn Đức ngạo nghễ. Mở cửa, bước vào phòng khách, Đức gieo mình xuống bộ xa lông lặng lẽ với lấy bình nước, yên ắng quá, có lẽ bố Khới lại đi rồi. Nâng cốc nước lên miệng định uống, bỗng: Cạch!, cánh cửa phòng bật mở, bóng một người con gái xuất hiện sau rèm cửa, cô gái bước ra làm Đức bàng hoàng. Nhìn ra phía ngoài, cô nghi ngại hỏi:
– Anh là ai…là…!?
Đức trấn tĩnh thong thả:
– Thế cô là…là người giúp việc cho bố tôi à…?
Người con gái sững lại, trân trân nhìn Đức một lúc rồi cất tiếng:
– Ôi! Anh là… anh là… anh Đức phải không…!?
– Vâng, tôi là Đức con bố Khới đây, nhưng mà cô là ai…là ai…? Ô kìa! Có phải Thùy đấy không. Trời ơi sao em lại ở đây… sao em lại ở đây!? Mấy năm rồi anh đi tìm em…
Tiến lại phía Thùy. Đức đưa hai tay nắm chặt lấy tay cô gái, hai người từ từ ngồi xuống và tất cả được tái hiện lại như cuốn phim quay ngược thời gian….
Ngày ấy, Đức phải đi sửa chữa một con tàu bị tai nạn trên sông. Công việc cần hoàn thành đúng thời hạn để bàn giao cho chủ tàu, nên phải làm ngày, làm đêm. Nắng tháng bảy hầm hập, trời tuyệt nhiên không một chút gió. Đức đang ngồi trên cái giá treo chông chênh gõ nốt chỗ gỉ để thợ hàn vá lại. Bỗng thình lình một cái xà gỗ từ trên cao lao xuống làm đứt dây treo và lật nghiêng tấm ván đang ngồi. Đức giật mình giơ tay định nắm lấy thanh sắt lan can tàu, nhưng không kịp, mảnh nứt vỏ tàu rạch vào tay Đức đau nhói. Đức rơi xuống mặt nước, chấp chới. Mọi người trên tàu đổ xô lại luống cuống chưa kịp làm gì thì trong bờ đã có người chống sào lao vút con đò ra đón ở phía hạ lưu, vớt Đức lên, đưa vào bờ. Cánh tay phải của Đức một vết thương loang máu, người ấy đã xé vạt áo của mình để băng lại, người ấy chính là Thùy – con gái ông lái đò trên bến sông. Khi ấy Thùy chỉ là cô nữ sinh cấp ba trường huyện. Đội sửa chữa để Đức nghỉ nhờ nhà ông lái đò và chính những ngày ấy đã làm cho hai đứa gần nhau, rồi hai trái tim đã thổn thức vì nhau. Ngày đưa Đức qua bến sông trở về, bọn em nhỏ của Thùy cứ túm chặt ríu ran: Anh Đức ơi, đừng chê nhà em nghèo nhé, thế nào anh cũng trở lại đấy! Đức cầm tay Thùy khi con thuyền chạm bến: Bao giờ em học xong, anh sẽ trở lại bến sông xin phép bố đón em đi….!
Hoàng hôn buông xuống, dòng sông mang mang đậm một ánh vàng lặng lẽ trôi…
Thế rồi Thùy đi học xa. Thế rồi bằn bặt tin nhau. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm… Đức sững sờ nghe chuyện của Thùy: Sau một năm theo học, được tin bố ốm nặng, Thùy phải trở về thay bố chèo chống con đò, chăm sóc đàn em. Cho đến một ngày có người đàn bà diêm dúa bước xuống đò, Thùy đã theo bà ta vì những ngon ngọt cám dỗ, để rồi nhắm mắt đưa chân, phận con gái mười hai bến nước. Chỉ mong làm sao gom được chút gì đấy mang về cho bố, cho em… Lòng Đức như lửa đốt, Đức nắm chặt tay Thùy giọng kiên quyết:
-Không thể thế được, chưa muộn, em vẫn là Thùy của bến sông xưa. Anh sẽ nói với mẹ anh… Anh đã đợi em bao năm rồi… Anh yêu em, Thùy ơi!
Thùy gục đầu vào vai Đức tức tưởi khóc.
Biết bố Khới cùng với mụ Tân lên Hà Nội làm thủ tục giấy tờ hai hôm nữa mới về. Đức quyết định sẽ về thăm mẹ cùng Thùy, sau đó về quê Thùy. Đức chỉ kịp sang nhà hàng xóm nhờ nhắn lại bố Khới như vậy. Chiều hôm ấy họ lên đường.
***
Lúc gần tối, lão Khới cùng mụ Tân vẹo đột ngột trở về, cả hai cười hớn hở. Đẩy cửa bước vào nhà, chưa ngồi xuống ghế, lão đã mở cánh tủ vớ lấy chai sâm panh. Rượu tràn ly, lão Khới và mụ Tân vẹo nâng cốc, giọng lè nhè:
– Anh rất đội ơn em, người trong mộng của anh thời trai trẻ. Sau này anh sẽ đón em sang… Chúng ta sẽ cải đạo… đạo gì nhỉ, đạo gì cho phép một người lấy mấy vợ ấy. Oke! Được lắm.
Lão Khới cầm cả chai dốc ngược, đang định oang oang thì bị mụ Tân vẹo chặn lại:
– Nhớ nhé, không lại qua sông…? Không giữ lời thì chết với con này.
Rồi chợt nhớ đến cô gái, mụ cao giọng:
– Mai Hường đâu? Có ra đây không, chuẩn bị đến thiên đường nhé. Ra đây, ra đây ngay còn e thẹn gì nữa. Ra chào đức lang quân của em này.
Gọi mãi không thấy, lão Khới bổ lên các phòng tìm, vẫn không thấy. Mụ Tân rút điện thoại, không liên lạc được?! Đúng lúc ấy thì bà hàng xóm sang nói những điều của Đức và Thùy dặn lại. Mụ Tân buông mình xuống đi văng rít lên:
– Phải đuổi theo chúng nó, bắt con bé về không hỏng hết việc bây giờ.
Lão Khới lóng ngóng đánh rơi chai rượu:
– Thế ngộ nhỡ mọi người biết chuyện thì sao..? Sáng mai hẵng…?
Mụ Tân đập bàn ra lệnh:
– Không sao với giăng gì, đuổi theo! Đuổi theo!
Thế là “ Con quái vật” lao vọt ra khỏi cổng với lão cao bồi Têck-jat và mụ Tân vẹo phù thủy.
Con đường dẫn ra ngoại thành rộng băng băng. Trăng thượng tuần mênh mang trên cánh đồng lúa sớm, gió vùn vụt thổi, lão Khới chếnh choáng say, lão lơ mơ nhận ra những điều phiền toái, nhưng sự tiếc nuối cô gái thì lớn hơn nhiều. Lão bất chấp và láng máng nghĩ: “ Ồ sao lại là thằng Đức, bố sẽ lấy vợ cho mày, thích đứa nào trong thành phố, kiểu nào bố cũng chiều, bố có tiền cơ mà, để nó cho bố, phải cho bố hưởng chứ…” Ý nghĩ miên man trong đầu, thêm men rượu và mụ Tân vẹo ngồi sau thúc bách “ Con quái vật thời tiền sử” rú ga tăng gấp vòng quay. Hai người bắn đi trên con đường những trăng và gió.
Trăng đêm sáng quá, nó dát bạc lên con đường, lên cánh đồng. Ở đâu cũng chỉ thấy màu trắng loa lóa. Bến đò sang sông kia rồi, loang loáng con nước, loang loáng con đường. Tất cả chỉ còn loang loáng. Mụ Tân hét: “Chậm thế!…Hình như con đường…hình như con đường dẫn tới bến đò. Tại trăng đấy…Hình như con sông… Trăng đấy…., trăng nó làm ra vậy đấy!” Khới rít lên: Đã quá Tân ơi!, Vọt ga. Rồi: Ùm một tiếng. Cả con quái vật, lão cao bồi với con mụ phù thủy lao vọt xuống mặt nước. Ùm, ục ục, ục ục, tiếng máy xe tắt ngấm, hai bóng đen chơi với trên dòng sông trăng. Dòng nước vẫn mải miết trôi xuôi. Nhanh quá, không ai biết, bến đò khuya vẫn tĩnh lặng. Trên bờ, một mái quán còn le lói ánh đèn, văng vẳng lời hát:
.. Sông mấy ngàn năm tuổi, miệt mài chảy mãi không nguôi… Chuyện bao đời sông biết cả, mà sao sông vẫn trẻ mãi không già… chảy đi sông ơi…chảy đi sông ơi…*”
Hải Phòng, tháng 5/2012
N.P.G