– Thôi, xin ngài để tôi lo kiếm thợ cạo râu, còn ngài hãy lo làm sao chóng trở thành vua và phong cho tôi làm bá tước.
– Sẽ được thôi, Đôn Kihôtê đáp.
Mải chuyện, lúc này chàng hiệp sĩ mới ngước mắt nhìn lên thì thấy những điều mà tác giả sẽ kể trong chương sau… (Tiếp kì 10)
– Thôi, xin ngài để tôi lo kiếm thợ cạo râu, còn ngài hãy lo làm sao chóng trở thành vua và phong cho tôi làm bá tước.
– Sẽ được thôi, Đôn Kihôtê đáp.
Mải chuyện, lúc này chàng hiệp sĩ mới ngước mắt nhìn lên thì thấy những điều mà tác giả sẽ kể trong chương sau. (Tiếp kì 10)
Chương 21
CHÀNG HIỆP SĨ VÔ ĐỊCH ĐÃ CHIẾM ĐƯỢC CÁI MŨ SẮT QUÝ GIÁ CỦA MAMBRINÔ NHƯ THẾ NÀO VÀ ĐÃ GẶP NHỮNG CHUYỆN GÌ KHÁC?
Lúc này, trời bắt đầu mưa nhẹ hạt; Xantrô muốn vào trú trong túp nhà có cái máy nện dạ nhưng Đôn Kihôtê vẫn còn thù những cái chày oái ăm nên không thèm vào. Hai thầy trò rẽ sang tay phải đi vào một con đường cũng giống như đường đi hôm trước. Đi được một đoạn, bỗng Đôn Kihôtê thấy phía trước mặt có một người cưỡi ngựa trên đầu đội một vật gì óng ánh như vàng; chàng vội quay lại nói với giám mã:
– Xantrô, ta cho rằng tất cả những câu tục ngữ đều đúng hết vì đó là những lời được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế, mẹ đẻ của các ngành khoa học, đặc biệt có câu: “Khi cửa này đóng lại, cửa khác mở ra”. Ta nói thế vì nếu đêm qua thầy trò ta gặp phải một cái cửa đóng kín và bị những cái chày kia lừa dối thì lúc này chúng ta đang đứng trước một cái cửa mở toang hứa hẹn một cuộc phiêu lưu mạo hiểm tốt lành hơn. Nếu ta không bước qua được thì lỗi đó tại ta, không thể đổ tại đêm tối hoặc tại chưa thấy cái máy nện dạ bao giờ. Nếu ta không nhầm, người đang đi về phía chúng ta đội trên đầu cái mũ sắt của Mambrinô, cái mũ mà ta đã thề sẽ chiếm bằng được.
– Ngài hãy coi chừng lời nói và càng phải coi chừng việc làm của mình, Xantrô đáp. Tôi không muốn lại bị những cái chày nện dạ khác đập lên đầu.
– Anh là quỷ chứ không phải là người! Mũ sắt có liên quan gì với chày nện dạ?
– Tôi cũng chẳng biết, nhưng chắc chắn rằng nếu tôi được tự do ăn nói như trước, có lẽ tôi sẽ có đủ lý lẽ để ngài thấy rằng ngài đã nói sai rồi.
– Làm sao ta có thể nói sai được, hỡi kẻ phản bội có lương tâm kia! Anh không trông thấy hiệp sĩ đang đi lại đây, cưỡi một con ngựa màu nâu nhạt điểm đốm đen, đầu mang một cái mũ bằng vàng ư?
– Tôi chỉ nhìn thấy một người cưỡi một con lừa màu nâu như con lừa của tôi, đầu mang một vật gì sáng loáng mà thôi.
– Đó chính là chiếc mũ sắt của Mambrinô. Thôi, hãy tránh sang một bên để một mình ta đối phó. Rồi anh sẽ thấy ta kết thúc cuộc phiêu lưu mạo hiểm này một cách nhanh chóng, không phí một lời, và chiếc mũ sắt mà ta hằng mong ước sẽ về tay ta.
– Được, tôi sẽ tránh sang một bên, nhưng tôi nhắc lại: cầu Chúa mang tới điều lành chứ đừng mang những cái chày nện dạ tới.
– Ta đã bảo là chớ nhắc tới những cái chày nện dạ nữa. Ta thề… nện cho anh một trận bây giờ, không nói dài dòng nữa.
Xantrô co rúm người, im bặt, sợ chủ thực hiện lời thề.
Đầu đuôi câu chuyện về chàng hiệp sĩ đội mũ sắt cưỡi ngựa mà Đôn Kihôtê đã nhìn thấy như sau: trong vùng này có hai xóm lân cận, một xóm có thợ cạo[33] còn xóm kia nhỏ hơn nên không có; bác thợ cạo này phục vụ cho cả hai xóm. Hôm đó, trong xóm nhỏ có một người ốm cần trích máu và một người khác muốn cạo râu; bác thợ cạo bèn đi sang xóm đó, mang theo một cái chậu thau cạo râu; đang đi thì trời mưa, sợ hỏng chiếc mũ mới, bác úp chậu lên đầu; chậu mới đánh sạch sẽ thành thử đứng cách xa nửa dặm vẫn thấy sáng loáng. Như Xantrô đã nói, bác thợ cạo cưỡi một con lừa nâu khiến Đôn Kihôtê tưởng là một hiệp sĩ đội mũ sắt cưỡi ngựa màu nâu nhạt điểm những đốm đen; sở dĩ như vậy là vì mỗi khi nhìn thấy một hiện tượng gì, Đôn Kihôtê lại liên tưởng ngay tới những truyện hiệp sĩ điên rồ. Khi thấy bác thợ cạo tới gần, chẳng nói chẳng rằng, chàng thúc ngựa phóng như bay, tay lăm lăm ngọn giáo, rắp tâm đâm suốt qua người địch thủ. Khi đã giáp mặt đối phương, chàng vẫn cho ngựa phi nước đại, mồm hét lớn:
– Tên đốn mạt kia, hãy tự bảo vệ đi, nếu không, phải trao ngay cho ta chiếc mũ sắt mà ta xứng đáng được hưởng.
Bác thợ cạo chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, tự nhiên thấy có một hung thần xông tới, chỉ còn một cách là nhào từ trên lưng lừa xuống đất để tránh đòn, rồi nhanh như một con hoẵng, bác vùng dậy chạy bán sống bán chết bỏ cả chậu thau lại. Thấy đã đạt mục đích, Đôn Kihôtê nói:
– Tên ngoại đạo này khôn lắm; nó bắt chước con hải ly khi bị săn đuổi tự lấy răng rứt hết lông bỏ lại cho người đi săn để thoát thân.
Rồi chàng sai giám mã nhặt chiếc mũ sắt ở dưới đất, Xantrô cầm lên đưa cho chủ và nói:
– Lạy Chúa, cái chậu này tốt quá; nói không ngoa, nó đáng giá tới tám đồng bạc.
Đôn Kihôtê chụp ngay chậu lên đầu, xoay ngang xoay dọc tìm cái vành mũ ở bên trong nhưng chẳng thấy; chàng nói:
– Chắc chắn rằng tên ngoại đạo thửa cái mũ trứ danh này phải có một cái đầu rất to; đáng tiếc là cái mũ chỉ còn có một nửa.
Nghe chủ gọi chậu cạo râu là mũ sắt, Xantrô không nín được cười, nhưng sực nhớ tới cơn lôi đình vừa qua của Đôn Kihôtê, bác vội ghìm ngay lại.
– Xantrô, anh cười gì vậy? Đôn Kihôtê hỏi.
– Tôi cười vì đang nghĩ tới cái đầu to của tên tà đạo chủ nhân chiếc mũ sắt này mà tôi thấy giống hệt một cái chậu thau của ông phó cạo.
– Thế anh có biết ta nghĩ gì không, Xantrô? Ta đoán rằng cái vật trứ danh này, cái mũ sắt màu nhiệm này, do một sự ngẫu nhiên nào đó, đã rơi vào tay một kẻ không biết giá trị của nó và không biết cách sử dụng; thấy nó bằng vàng nguyên chất, kẻ đó đã nấu chảy một nửa để kiếm lời, phần còn lại y gò cái mũ, thành thử trông nó giống một cái chậu cạo râu như anh nói. Nhưng không sao; ta biết giá trị của nó cho nên dù chỉ một nửa cũng chẳng hề gì. Ta sẽ đưa thợ rèn đánh lại tử tế và chắc chắn nó sẽ còn đẹp hơn cả chiếc mũ do thần Vulcanô[34] rèn cho thần Chiến tranh. Trong khi chờ đợi, ta cứ đội vì dù xấu còn hơn không, phòng khi bị đá quăng vào đầu.
– Cũng tốt thôi trừ phi kẻ địch dùng ná bắn đá như trong trận giao chiến vừa qua giữa hai đạo quân khiến ngài rụng mấy cái răng, vỡ cả bình thuốc thần hiệu đã làm tôi nôn cả mật xanh mật vàng.
– Ta không tiếc bình thuốc vì như anh biết, ta vẫn nhớ cách pha chế.
– Tôi cũng nhớ lắm nhưng nếu tôi còn pha chế môn thuốc đó và uống một lần nữa, tôi sẽ hết đời. Vả lại, tôi không nghĩ rằng sẽ phải cần đến nó nữa vì tôi sẽ vận dụng cả năm giác quan ra để không ai đánh mình và cũng không đánh ai cả. Tuy nhiên, tôi không dám chắc sẽ không bị người ta dùng khăn trải giường tung lên vật xuống một lần nữa vì khó mà tránh được những điều không may như vậy, và trong trường hợp đó, tốt hơn cả là rụt cổ, nín thở, nhắm nghiền mắt lại, phó mặc thân mình cho số phận và cái khăn mà thôi.
Nghe Xantrô nói, Đôn Kihôtê kêu lên:
– Anh không xứng đáng là một giáo đồ Kitô vì anh hay thù dai.
Phải biết rằng những người cao thượng và độ lượng không để tâm những chuyện lặt vặt. Anh có đến nỗi bị què chân, gãy xương sườn hoặc vỡ đầu đâu mà vẫn chưa quên chuyện đó? Xét cho cùng thì cũng chỉ là chuyện trêu đùa cho vui thôi, bằng không ta đã quay ngựa trở lại quán trọ giáng cho chúng một đòn trừng trị còn ghê gớm hơn cả đòn trừng trị của người Hy Lạp khi họ bị cướp mất nàng Êlêna; và nếu nàng Êlêna sống vào thời kỳ này, hoặc giả nàng Đulxinêa của ta sống vào thời đó, chắc chắn cả hai người không nổi danh tài sắc đến như thế.
Nói tới đây, Đôn Kihôtê ngửa mặt lên trời thốt ra một tiếng thở dài. Xantrô đáp lại:
– Thôi thì cứ tạm cho rằng họ đùa vì cũng chẳng trừng trị được ai nữa; riêng tôi phân biệt được đâu là thật đâu là đùa, và tôi sẽ không bao giờ quên cũng như lưng tôi còn mãi mãi mang những vết đòn. Nhưng thôi, xếp chuyện đó lại. Bây giờ xin ngài cho biết ý kiến về việc giải quyết con ngựa nâu có đốm đen này; trông nó giống như một con lừa nâu vậy. Anh chàng hiệp sĩ bại trận Martinô kia đã bỏ nó lại và cứ xem cung cách anh ta chạy thục mạng, tôi chắc sẽ không trở lại tìm nó nữa đâu. Kể ra con vật nom hay mắt đấy.
– Ta không hề tơ hào đến của cải của kẻ bại trận và luật lệ của giới hiệp sĩ cũng không cho phép tước ngựa như vậy trừ phi người thắng trận bị mất ngựa trong khi giao chiến; chỉ trong trường hợp chính đáng ấy mới được lấy ngựa của kẻ bại trận, coi như được phép. Bởi vậy, cứ để nó đấy, dù anh muốn gọi nó là ngựa, lừa hay con gì khác. Rồi chủ nó sẽ quay trở lại khi thấy ta đi khỏi nơi đây.
– Tôi muốn dắt đi luôn, ít ra cũng đổi lấy con lừa già yếu của tôi. Kể ra luật lệ của giới hiệp sĩ chặt chẽ thật, đổi con lừa này lấy con lừa khác cũng không được; nhưng chẳng hay có thể đổi bộ yên được không?
– Về điểm này, ta không rõ lắm, nhưng trong khi chờ đợi hỏi cho rõ thêm, anh có thể đổi được nếu xét thấy thật cần thiết cho con lừa.
– Rất cần thiết, Xantrô đáp, như thể cho chính bản thân tôi vậy.
Được chủ cho phép, Xantrô đổi luôn bộ yên cũ lấy bộ yên mới, sang sửa cho lừa của mình bảnh bao hẳn lên. Xong rồi, hai thầy trò ăn nốt những thức ăn đã chiếm được của đám thầy tu, vừa ăn vừa vục nước suối uống. Vì vẫn còn căm thù mấy cái chày đã làm họ sợ hãi cả đêm, hai người ngồi quay lưng về phía con suối có cái máy nện dạ.
Ăn xong, hai người hỉ hả lên ngựa ra đi. Để làm đúng như những hiệp sĩ giang hồ, họ không theo một hướng nào nhất định, để mặc cho con Rôxinantê dẫn đi; con lừa của Xantrô theo sau, có vẻ ăn ý với Rôxinantê lắm lắm. Lát sau, ra tới đường cái quan, hai người vẫn tiếp tục đi không có chủ định gì cả. Xantrô lên tiếng trước:
– Thưa ngài, ngài cho phép tôi được hầu chuyện ngài. Từ lúc ngài cấm ngặt tôi không được nói tới giờ, tôi đành để thối trong bụng bao nhiêu chuyện, nhưng lúc này tôi đang có một chuyện ở ngay đầu lưỡi, không muốn bỏ mất.
– Nói đi, nhưng ngăn ngắn thôi, không hay ho gì những lời lẽ dài dòng đâu.
– Từ mấy ngày hôm nay, tôi có suy nghĩ và thấy rằng cứ đi hết xó xỉnh này đến đầu đường khác tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm, thật chẳng ăn thua gì cả. Dù ta có thắng trong những cuộc phiêu lưu nguy hiểm nhất cũng chẳng ai hay; những chiến công của ngài mãi mãi không được ai nhắc tới, không được ai ca ngợi thích đáng, và ngài sẽ phải chịu thiệt thòi. Trừ phi ngài có cao kiến gì hơn, tốt nhất, theo ý tôi, là ta hãy đi phò tá một vị hoàng đế hay một thân vương nào đang có chiến tranh với một nước khác để ta có thể mang hết trí dũng ra phụng sự. Một khi nhìn thấy công lao của thầy trò ta, chắc chắn các vị đó sẽ phải thưởng cho tùy theo công trạng từng người, và rồi sẽ không thiếu những sử gia viết và làm sống mãi những thành tích của ngài. Tôi chẳng nhắc tới phần đóng góp của tôi làm gì vì dù sao tôi cũng không thể vượt quá giới hạn của một kẻ tôi đòi. Tuy nhiên, nếu có ai viết sách về các giám mã, tôi chắc rằng những thành tích của tôi cũng không đến nỗi bị bỏ xó.
– Xantrô, ý kiến của anh hay đấy, nhưng trước khi làm việc đó, người hiệp sĩ cần phải chu du thiên hạ thử thách, tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm để tỏ mặt anh tài đã. Một khi lập được chiến công rồi, tiếng tăm trở nên lừng lẫy, lúc đó chàng sẽ đến trình diện trước triều đình một vị đại đế. Khi thấy một hiệp sĩ nổi danh đi vào cổng thành, dân chúng xúm lại hô vang: “Đây là hiệp sĩ Mặt Trời” hoặc “Đây là hiệp sĩ Mãnh Xà”, hoặc một danh hiệu nào khác tùy theo thành tích của chàng ta. Họ sẽ kháo nhau: “Hiệp sĩ này trong một cuộc độc chiến đã đánh bại tên khổng lồ Brôcabrunô Cường Tráng; chàng đã giải ách cho đại vương Mamêlucô xứ Ba Tư bị bùa mê trong gần chín trăm năm”. Những chiến công của chàng hiệp sĩ sẽ được truyền tụng từ người này sang người khác tới tai đức vua khiến người phải ra trước cung điện đứng chờ; và vì đã nghe nói về những chiến công hoặc đã trông thấy biểu hiệu ghi trên khiên của chàng, thấy hiệp sĩ tới, đức vua bèn phải lên tiếng: “Tất cả các hiệp sĩ trong triều đình của ta hãy ra tiếp đón tinh hoa của giới hiệp sĩ đang đi tới”. Theo lệnh nhà vua, tất cả các hiệp sĩ ra đón, rồi đức vua bước xuống lưng chừng thềm, ôm chặt lấy chàng, hôn lên mặt rồi cầm tay dắt vào phòng hoàng hậu khi đó đang ngồi với công chúa; công chúa là một trong những tiểu thư xinh đẹp và toàn diện nhất, hiếm thấy trên một phần lớn trái đất. Thấy chàng vào, công chúa kín đáo đưa mắt nhìn, chàng nhìn lại, bốn mắt gặp nhau, nàng tưởng là thiên thần hạ thế, chàng ngỡ đâu tiên nữ giáng trần. Thế rồi, chẳng hiểu ra sao, những sợi dây tình chằng chịt cứ buộc chặt hai người, khiến họ băn khoăn không biết làm cách nào để thổ lộ nỗi lòng cho nhau. Sau đó, người ta dẫn chàng hiệp sĩ sang một phòng khác trang hoàng lộng lẫy, đỡ lấy vũ khí của chàng và đưa chàng khoác một tấm áo sang trọng màu huyết dụ. Chàng mang vũ khí nom đã đẹp nhưng khoác nhung y, trông càng nổi hơn. Tối đến, chàng dự yến tiệc cùng đức vua, hoàng hậu và công chúa. Vừa ăn, chàng vừa đưa mắt liếc trộm nàng, công chúa cũng kín đáo nhìn lại, vì như đã nói ở trên, nàng là con người ý tứ. Tiệc tan, một chú lùn xấu xí bước vào cửa phòng, theo sau có một phu nhân xinh đẹp đi giữa hai anh khổng lồ. Phu nhân bắt đầu kể một câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm do một hiền nhân đời xưa viết, đến nửa chừng ngừng lại và đố mọi người kể nốt đoạn cuối, ai kể đúng sẽ được coi là hiệp sĩ trứ danh nhất. Đức vua ra lệnh cho mọi người có mặt phải tham gia nhưng không ai kể đúng trừ chàng hiệp sĩ mới. Mọi người đều khâm phục chàng, riêng công chúa rất hài lòng vì thấy mình đã biết chọn mặt gửi vàng. Có một điều đáng mừng là nước của ông vua này đang có chiến tranh ác liệt với một nước khác cũng rất hùng mạnh. Biết chuyện đó, mấy hôm sau chàng hiệp sĩ đến gặp đức vua để xin ra trận. Được đức vua vui vẻ nhận lời, chàng hiệp sĩ hôn tay Người để tỏ lòng biết ơn. Ngay đêm hôm đó, chàng đến bên song phòng ngủ của công chúa ở trong vườn để từ biệt nàng; nơi đây, hai người đã cùng nhau tự tình nhiều lần do sự bố trí của một thị nữ tin cẩn. Chàng hiệp sĩ thở vắn than dài, công chúa thì mê man bất tỉnh; cô hầu phải chạy đi lấy nước để đắp vào trán nàng; cô ta lo lắm vì trời sắp sáng và vì danh dự của công chúa, cô không muốn câu chuyện giữa hai người bị lộ. Cuối cùng, công chúa tỉnh lại; nàng chìa đôi bàn tay trắng nõn qua song cửa và chàng hiệp sĩ hôn lấy hôn để, nước mắt tuôn rơi ướt đầm cả tay nàng. Hai người bàn cách báo tin cho nhau, và công chúa dặn chàng cố gắng về sớm. Chàng hiệp sĩ hứa sẽ làm đúng, hôn tay công chúa một lần nữa rồi ra đi, trong lòng buồn rầu khôn xiết tưởng có thể chết ngay được. Chàng trở về phòng nằm vật xuống giường trằn trọc cả đêm vì nỗi buồn biệt ly. Sáng sớm hôm sau, chàng đến chào đức vua, hoàng hậu và công chúa; sau khi chia tay chàng, đức vua và hoàng hậu báo tin là công chúa bị mệt không ra tiếp được. Nghĩ rằng nàng buồn vì phải xa người yêu, chàng thấy đau nhói trong tim, suýt nữa để lộ hết tâm tình của mình. Cô hầu của công chúa có mặt tại đó đã nhìn thấy rõ quang cảnh, quay về kể hết cho chủ; nghe xong công chúa khóc mãi và thổ lộ ra rằng có một điều làm cho nàng rất băn khoăn là không biết chàng có thuộc dòng dõi hoàng gia không. Cô hầu đáp: “Một người lịch thiệp, đáng yêu và dũng cảm như vậy, không thể không thuộc dòng dõi hoàng gia được”. Công chúa nghe xuôi tai, nỗi lo lắng cũng nguôi dần. Để đức vua và hoàng hậu khỏi nghi ngờ, hai ngày sau nàng bước ra khỏi phòng. Ngoài trận tiền, chàng hiệp sĩ đánh bại kẻ thù của đức vua, chiếm được nhiều thành, thắng nhiều trận và trở về triều đình. Chàng lại đến gặp công chúa ở nơi hẹn hò cũ và thỏa thuận với nàng là sẽ xin vua cha gả công chúa để đền bù những công trạng của chàng. Vua cha từ chối vì không biết rõ dòng dõi của chàng. Nhưng không biết chàng hiệp sĩ đã bắt cóc hay làm cách nào, cuối cùng công chúa trở thành vợ chàng, và đức vua cũng rất hài lòng vì người đã phát hiện ra rằng chàng là con trai của một ông vua có tiếng tăm trị vì một nước nào đó không ghi trên bản đồ. Sau đó ít lâu, vua cha băng hà, công chúa nối ngôi và chàng hiệp sĩ lên làm vua. Sau khi lên ngôi, chàng ban thưởng cho giám mã của mình và cho tất cả những người đã có công đưa chàng tới chỗ hiển vinh. Chàng ban cho giám mã một tòa nhà, rồi lại gả thị nữ của công chúa cho làm vợ; tất nhiên đó là cô thị nữ đã xe duyên cho hai người, con gái một vị đại công tước.
– Tôi chỉ mong được như vậy nếu chuyện đó có thật, Xantrô nói. Và tôi cũng tin rằng tất cả những điều nói trên sẽ đến với ngài là hiệp sĩ Mặt Buồn.
– Không có điều gì phải nghi ngờ cả, Đôn Kihôtê đáp, vì các hiệp sĩ giang hồ đều phải qua những bước đường kể trên trước khi trở thành vua hay hoàng đế. Còn một điều cần biết: “ông vua theo đạo Kitô hay tà đạo, đang có chiến tranh với một nước khác, lại có một người con gái xinh đẹp, ông vua đó là ai? Nhưng thôi, ta còn đủ thời giờ để làm việc đó; trước hết, như ta đã nói, cần phải làm cho mình nổi danh trước khi ra mắt triều đình. À, lại còn điều này nữa: trong trường hợp ta đã lập chiến công, đánh bại kẻ địch của ông vua có người con gái xinh đẹp, không hiểu sẽ làm thế nào để ta trở thành dòng dõi hoàng gia, hoặc ít nhất cũng là họ hàng thân thích nhất của hoàng đế, bởi vì ngài sẽ không gả công chúa cho ta nếu không biết rõ điều này, dù cho những chiến công của ta còn xứng đáng hơn thế; cho nên ta lo rằng nếu vấn đề không được giải quyết, bao nhiêu công lao của ta cũng tan ra mây khói cả thôi. Ta vốn dòng dõi quý tộc danh gia, có nhà cửa ruộng vườn, thu lợi cao, và có thể trong khi xác minh nguồn gốc gia đình ta, sử gia sẽ ghi rằng ta là cháu năm sáu đời của một ông vua. Xantrô, anh phải biết rằng trên đời này có hai loại dòng dõi: có những người thuộc dòng dõi danh gia nhưng rồi thời gian xóa nhòa dần, càng ngày càng lu mờ đi; lại có những người tuy xuất thân từ gia đình tầm thường nhưng dần dần mở mày mở mặt và trở nên những ông lớn trong xã hội; thành thử ông trở nên thằng, thằng trở thành ông. Có thể ta thuộc dòng dõi danh gia nói trên, con dòng cháu giống, và sau khi điều tra ra, đức vua bố vợ tương lai của ta sẽ hài lòng. Và nếu không như thế chăng nữa, mặc cho đức vua phản đối, công chúa cũng sẽ vẫn yêu ta và lấy ta, dù nàng biết rõ ta là con một kẻ đi gánh nước thuê. Nếu cần, ta sẽ dùng tới phương kế cuối cùng là bắt cóc mang đi một nơi nào đó, rồi thời gian và tuổi già sẽ làm nguôi nỗi giận của cha mẹ nàng.
Xantrô bèn đáp:
– Nói như vậy khác gì những kẻ bất lương thường nói: “Không việc gì phải cầu xin một khi có thể chiếm đoạt bằng vũ lực”. Nhưng ta nên nói rằng: “Thà phải vượt rào còn hơn nhờ người xin xỏ hộ”. Tôi nói thế vì nếu ông vua bố vợ của ngài không chịu gả công chúa thì như ngài nói, chỉ còn cách bắt cóc nàng đem đi thôi. Có điều đáng buồn là trong lúc người ta sum họp vui vầy, an hưởng vinh hoa phú quý thì anh giám mã khốn nạn kia chẳng xơ múi gì hết, trừ phi cô hầu của công chúa cũng đi theo chủ để anh giám mã cùng cô ta chia sẻ nỗi bất hạnh đó cho tới khi Trời kia rủ lòng thương tới hai người. Tôi nghĩ rằng ông chủ của anh giám mã sẽ vui lòng gả cô hầu cho anh ta.
– Không ai phản đối điều đó, Đôn Kihôtê đáp.
– Nếu thế, ta hãy cầu nguyện Chúa và phó thác cho số phận, Xantrô nói.
– Đúng vậy, hãy cầu Chúa giúp cho thầy trò ta đạt được nguyện vọng; Chúa kia chỉ trừng phạt những kẻ có tội.
– Được lắm, tôi là một kẻ có đạo gốc và tôi cũng chỉ mong chức bá tước thôi.
– Thế đã là quá lắm rồi, nhưng nếu không được cũng chẳng hề chi, vì một khi ta lên làm vua, ta sẽ phong chức cho ngay chẳng cần đến anh phải chạy chọt ai hoặc phụng sự ta lâu dài. Sau khi ta đã ban cho chức bá tước, anh sẽ trở thành một nhà quý tộc; thiên hạ sẽ có kẻ gièm pha đấy, nhưng dù muốn hay không, họ cũng vẫn phải tôn anh lên là một nhà quý tộc.
– Và chắc chắn là tôi sẽ biết sử dụng uy quyền của mình. Có một thời kỳ tôi đã làm phụ thủ của một Thánh hội, mặc áo lễ nom oai đáo để, và mọi người đều bảo tôi có tướng làm Thánh hội trưởng. Nếu bây giờ người ta choàng lên vai tôi một chiếc áo khoác của công tước, hoặc đeo vàng bạc châu báu vào người tôi như những vị bá tước ngoại quốc, chắc phải có nhiều người từ xa hàng trăm dặm tới ngắm.
– Rất có thể, nhưng anh cần phải cạo râu luôn vì nếu cứ để râu ria xồm xoàm, lởm chởm, hai ngày không lấy dao cạo một lần thì từ xa người ta đã nhận ra anh là ai rồi.
– Có gì khó đâu, tôi chỉ cần nuôi một bác phó cạo trong nhà; và nếu cần nữa, đi đâu tôi cũng bắt đi theo sau như kỵ sĩ đi theo hầu một nhà đại quý tộc vậy.
– Sao anh biết các nhà đại quý tộc có kỵ sĩ theo hầu?
– Để tôi nói: trước đây, tôi đã có lần sống một tháng trời tại kinh đô; một hôm, tôi trông thấy một người bé loắt choắt đi ngoài đường; theo người ta bảo, ông này là một vị quan to lắm; sau lưng ông ta có một người cưỡi ngựa; ông ta đi đâu, người này lẽo đẽo theo đó chẳng khác gì một cái đuôi. Tôi hỏi khách qua đường vì sao người cưỡi ngựa không đi ngang hàng mà cứ phải đi đằng sau. Người ta cho biết rằng người cưỡi ngựa là kỵ sĩ theo hầu, và những vị đại gia thường có người đi theo hầu như vậy. Tôi biết từ hồi đó và vẫn nhớ mãi.
– Anh nói đúng đấy; nên có một người thợ cạo đi theo. Những tập quán không xuất hiện cùng một lúc mà có dần dần, và anh sẽ là bá tước đầu tiên có thợ cạo râu theo hầu. Vả chăng, thợ cạo râu cần phải có nhiều tín nhiệm hơn một giám mã.
– Thôi, xin ngài để tôi lo kiếm thợ cạo râu, còn ngài hãy lo làm sao chóng trở thành vua và phong cho tôi làm bá tước.
– Sẽ được thôi, Đôn Kihôtê đáp.
Mải chuyện, lúc này chàng hiệp sĩ mới ngước mắt nhìn lên thì thấy những điều mà tác giả sẽ kể trong chương sau.
(Còn tiếp)