Đônkihotê – nhà quí tộc tài ba xứ Mantra (kì 17)

Carđêniô đã kể xong câu chuyện tình buồn thảm của mình. Cha xứ định tìm lời an ủi bỗng đâu có tiếng người than thở thảm thiết vang lên như sẽ kể trong phần bốn tiếp theo. Tới đây, nhà viết sử thông thái và thận trọng Amêtê Bênenhêli kết thúc phần ba của cuốn sách này… (Tiếp kì 17)..

Carđêniô đã kể xong câu chuyện tình buồn thảm của mình. Cha xứ định tìm lời an ủi bỗng đâu có tiếng người than thở thảm thiết vang lên như sẽ kể trong phần bốn tiếp theo. Tới đây, nhà viết sử thông thái và thận trọng Amêtê Bênenhêli kết thúc phần ba của cuốn sách này. (Tiếp kì 17)

Chương 27

CHA XỨ VÀ BÁC PHÓ CẠO ĐÃ LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT MỤC ĐÍCH, CÙNG NHỮNG SỰ VIỆC KHÁC ĐÁNG ĐƯỢC KỂ LẠI TRONG CUỐN TRUYỆN TRƯỜNG THIÊN NÀY

Bác phó cạo thấy ý kiến của Cha xứ không dở mà lại rất hay, và hai người bắt tay vào việc ngay. Họ hỏi mượn bà chủ quán váy và khăn trùm đầu; Cha xứ gửi lại làm tin cái áo thầy tu còn mới nguyên. Bác phó cạo lấy bộ lông đuôi màu hung hung của một con bò – mà chủ quán vẫn dùng để cài lược chải đầu[43] – tết thành bộ râu dài. Bà chủ quán hỏi vì sao lại phải mượn những thứ đó. Cha xứ kể vắn tắt về bệnh điên của Đôn Kihôtê, vì thế hai người phải dùng tới mưu kế này để đưa chàng ra khỏi núi. Vợ chồng chủ quán đoán ra ngay người điên đó là ông khách trọ có môn thuốc thần, chủ của anh giám mã đã bị tung hê lên trời; họ bèn kể lại cho Cha xứ về những chuyện đã xảy ra, kể cả sự việc Xantrô muốn giấu. Sau đó, bà chủ quán ra tay hóa trang giúp Cha xứ, mặc cho Cha một cái váy dạ có những sọc nhung đen thưa bề ngang bằng một gang tay, một chiếc áo nhung xanh viền sa-tanh trắng, cả váy lẫn áo không biết may từ thời tám hoánh nào. Không muốn để người khác quấn tóc hộ, Cha xứ tự mình đội một cái mũ trùm đầu bằng vải trắng vẫn dùng để ngủ đêm, quấn mấy vòng lụa đen quanh trán, lấy một miếng lụa khác làm cái mạng che kín mặt và râu; xong đâu đấy, ông chụp chiếc mũ thầy tu to vành lên đầu, dùng làm dù che nắng, khoác áo choàng lên người rồi leo lên con la theo cách của phụ nữ; bác phó cạo cũng nhảy lên lưng con la khác, bộ râu giả dài đến tận thắt lưng, nửa trắng nửa đỏ vì làm bằng lông đuôi của một con bò lang.

Xong xuôi, Cha xứ và bác phó cạo từ biệt mọi người trong quán; cô hầu Maritornêx tốt bụng hứa sẽ đọc một bài kinh cầu cho hai người đạt được kết quả tốt đẹp trong công việc rất khó khăn nhưng cũng rất hợp ý Chúa của họ. Vừa ra khỏi quán trọ, Cha xứ lại có ý kiến mới: ông nghĩ rằng mình là nhà tu hành, mặc giả gái, e bất tiện mặc dù ý đồ thì tốt; ông bèn ngỏ ý đó với bác phó cạo; ông nói:

– Này bác phó ơi, ta hãy đổi quần áo cho nhau, bác đóng vai cô tiểu thư bất hạnh đúng hơn, tôi sẽ đóng vai giám mã để khỏi xúc phạm đến tư cách nhà tu hành của tôi. Còn nếu bác không ưng thuận, tôi nhất quyết không tiến hành việc này nữa dù cho Đôn Kihôtê bị quỷ tha ma bắt đi.

Xantrô đi tới; nhìn hai người cải trang, bác không nín được cười. Thấy bác phó cạo vui lòng đổi vai, Cha xứ dặn bác cách thức phải làm và nói năng để thúc đẩy Đôn Kihôtê dời bỏ nơi chàng đã chọn để tự hành phạt một cách vô ích. Bác phó cạo đáp: “Dù ông không bảo, tôi cũng biết cách làm thôi”. Bác phó muốn đợi đến khi nào sắp gặp Đôn Kihôtê mới bắt đầu cải trang, hai người bèn gấp quần áo và râu ria rồi theo Xantrô lên đường. Vừa đi, bác giám mã vừa kể lại cho họ nghe về cuộc gặp gỡ của thầy trò bác với anh chàng điên Carđêniô, nhưng không hề đả động tới chiếc rương cùng những vật dụng đã tìm thấy trong đó vì, tuy ngu đần, bác cũng không chê của.

Ngày hôm sau, ba người đi tới chỗ có những cành kim tước do Xantrô đánh dấu để tìm lối về với Đôn Kihôtê. Bác giám mã bảo Cha xứ và bác phó cạo: “Đã bắt đầu vào núi rồi, xin hai ông hãy mặc quần áo nếu việc làm đó có thể giải thoát cho ông chủ tôi”. Trước đó, bác đã được hai người giải thích rằng chỉ có dùng mưu cải trang mới có thể cứu chủ bác ra khỏi tình cảnh bi đát mà chàng đã tự chuốc lấy; họ còn căn dặn bác không được để cho Đôn Kihôtê biết tung tích của họ, nếu có hỏi thì bảo là không quen biết; nếu Đôn Kihôtê hỏi đã trao thư cho Đulxinêa chưa (chắc chắn chàng sẽ hỏi), hãy trả lời là trao rồi nhưng vì không biết đọc biết viết, nàng chỉ nhắn miệng bảo chàng phải tới trình diện ngay vì có việc rất cần, nếu không đến sẽ bị khiển trách. Nếu bác làm đúng như vậy và hai người cũng thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra, chắc chắn họ sẽ đưa Đôn Kihôtê ra khỏi cảnh khổ ải hiện tại để cho chàng có thể lên đường mưu cầu trở thành vương đế; Cha xứ khuyên bác không nên lo ngại gì vì chàng sẽ không làm tổng giám mục đâu. Xantrô nghe và ghi sâu những lời của Cha xứ trong đầu; bác hết sức cảm ơn hai người đã có ý tốt muốn khuyên chủ mình làm hoàng đế hơn là làm tổng giám mục vì bác nghĩ rằng các vị hoàng đế có khả năng ban cho giám mã của họ nhiều bổng lộc hơn các vị tổng giám mục giang hồ. Bác ngỏ ý muốn đi gặp Đôn Kihôtê trước; theo như kế hoạch đã định, bác sẽ bảo chàng rằng nàng Đulxinêa muốn gặp; nếu chàng chịu nghe theo và rời bỏ chốn này thì sẽ đỡ công cho Cha xứ và bác phó cạo. Hai người thấy ý kiến hay và họ quyết định chờ cho tới lúc Xantrô quay trở lại sau khi đã gặp chủ.

Sau đó, Xantrô đi vào trong núi; Cha xứ và bác phó cạo ở lại chờ trong một thung lũng có một dòng suối nhỏ chảy qua và có bóng mát của núi cao cây to xung quanh. Lúc này đang giữa tháng Tám và vào mùa này, ở trong núi rất nóng, nhất là vào khoảng ba giờ chiều; tuy nhiên, chỗ hai người dừng lại nghỉ vẫn mát mẻ khiến họ có thể chờ Xantrô một cách thoải mái. Đang lúc hai người nghỉ ngơi dưới bóng mát, bỗng đâu vẳng lại một tiếng hát trong trẻo êm ái, không có đàn đệm theo. Họ lấy làm ngạc nhiên lắm vì nghĩ rằng ở nơi này, làm gì có người hát hay như vậy. Tuy người ta vẫn thường bảo rằng ở chốn sơn lâm có những người chăn cừu có giọng rất tốt nhưng đó chẳng qua chỉ là các nhà thơ nói quá mà thôi. Hai người càng kinh ngạc khi nhận thấy lời ca là một bài thơ do những người ở thị thành chứ không phải do những người chăn cừu cục mịch soạn ra. Dưới đây là những câu thơ họ đã nghe được:

“Ai làm nhục cuộc đời ta? Sự khinh miệt. Ai làm ta thêm đau khổ? Sự ghen tuông. Ai thử thách lòng kiên nhẫn của ta? Sự xa vắng. Nếu vậy, không thuốc nào chữa khỏi nỗi đau buồn của ta vì sự khinh miệt, sự ghen tuông và sự xa vắng giết chết niềm hy vọng trong lòng ta.

Ai gây cho ta nỗi đau khổ này? Tình yêu. Ai tước bỏ vinh quang của ta? Sự may rủi. Ai muốn ta buồn phiền? Trời xanh. Nếu vậy, ta e rằng tai họa kỳ lạ này sẽ khiến ta phải chết vì tình yêu, sự may rủi và Trời xanh đều mang lại cho ta sự bất hạnh.

Ai sẽ làm cho số phận ta đỡ khổ đau? Cái chết. Ai được hưởng hạnh phúc của tình yêu? Sự phụ bạc. Ai chữa khỏi bệnh tương tư? Sự điên rồ. Nếu vậy, thật là ngốc nghếch nếu muốn tiêu diệt dục vọng của con người một khi những vị thuốc là cái chết, sự phụ bạc và sự điên rồ”.

Thời gian, cảnh hoang vắng, âm thanh trong trẻo và tài nghệ của người hát, tất cả khiến cho hai thính giả phải khâm phục và sướng tai. Họ chờ đợi được nghe một bài khác; chờ mãi không thấy gì, Cha xứ và bác phó cạo định đứng dậy đi tìm con người có một giọng ca hay như vậy bỗng đâu tiếng hát lại vang lên:

“Hỡi tình bằng hữu thiêng liêng, bằng đôi cánh nhẹ nhàng mi đã bay bổng lên thiên đàng sống giữa những linh hồn đã được hưởng phúc lành, và dưới trần gian này chỉ còn lại cái vỏ bề ngoài của mi thôi.

Từ trên thượng giới, đôi lúc mi phác họa cho chúng ta một cuộc sống hòa hợp, và qua bức màn mỏng hiện ra những cảnh tượng yên vui nhưng trong thực tế rất buồn thảm.

Hỡi tình bằng hữu, hãy từ giã cõi trời xuống đây, đừng để lũ ác nhân đội lốt mi hãm hại những người lành.

Nếu mi không bắt chúng lột bỏ cái vỏ bề ngoài của mi ra, chẳng bao lâu thế giới này sẽ trở lại thời kỳ hỗn mang buổi sơ khai”.

Tiếp theo bài hát có những tiếng thở dài não nuột. Hai người lại lắng tai chờ một bài khác nhưng chỉ nghe thấy những tiếng thở dài thườn thượt. Rất muốn biết con người có giọng hát hay và những lời than vãn thảm thiết đó là ai, họ bèn đi tìm; đi được một quãng, vừa mới vòng một quả núi bỗng thấy một người hình dạng mặt mũi giống như Xantrô đã tả khi kể chuyện về chàng Carđêniô. Chợt nhìn thấy Cha xứ và bác phó cạo, người này không hề tỏ ra ngạc nhiên; chàng chỉ lặng yên cúi gục đầu tỏ vẻ suy nghĩ. Nhận ra Carđêniô và đã biết câu chuyện bất hạnh của chàng, Cha xứ, vốn nói năng lịch thiệp, bèn tiến lại gần lựa lời khuyên chàng hãy từ bỏ cuộc sống khổ cực để khỏi thiệt thân vì không có bất hạnh nào lớn hơn cái chết. Lúc này, Carđêniô đang tỉnh táo, đầu óc không bị những cơn điên làm cho phát rồ dại; thấy có hai người quần áo tinh tươm khác hẳn những người dân trong vùng núi hoang vu này, chàng cũng lấy làm ngạc nhiên lắm, nhất là khi thấy họ biết chuyện riêng của mình khá tường tận (qua những lời Cha xứ vừa nói) Chàng bèn đáp:

– Thưa hai ngài, tôi không quen biết hai ngài, nhưng rõ ràng Trời kia thương kẻ lương thiện – và nhiều khi cả những kẻ bất lương nữa – nên đã phái các ngài tới nơi thâm sơn cùng cốc không một bóng người này để gặp tôi mặc dù tôi không xứng đáng được hưởng ân huệ đó; bằng những lời lẽ chí tình, các ngài đã chỉ cho tôi thấy rằng tôi đang sống một cách điên rồ, và đang muốn giúp tôi trở về một cuộc sống yên lành. Nhưng có một điều mà các ngài chưa rõ, đó là một khi thoát khỏi tình cảnh khổ cực này, tôi sẽ lại gặp một sự bất hạnh lớn hơn. Tôi nói vậy, chắc các ngài cho tôi là một người nói năng quàng xiên, thiếu suy xét. Thực ra, điều đó không có gì lạ cả vì tự tôi cảm thấy rằng những nỗi bất hạnh của tôi luôn luôn ám ảnh tôi và có thể đưa tôi tới chỗ hủy diệt không sao tránh khỏi, khiến con người tôi trơ như đá, mất hết trí khôn.

Tôi cũng hiểu được sự thật mỗi khi có người chỉ cho tôi biết những việc tôi đã làm trong lúc lên những cơn điên khủng khiếp; tôi chỉ còn biết than thân trách phận và trình bày rõ nguyên nhân để thanh minh với họ về những hành động rồ dại của tôi. Gặp những người hiểu biết, họ sẽ thông cảm sự điên rồ của tôi một khi đã rõ nguyên nhân, và nếu họ không có cách gì cứu vớt tôi, ít ra họ cũng không chê trách tôi; trước những hành động điên rồ của tôi, họ chỉ biết thương xót nỗi bất hạnh của tôi. Nếu hai ngài tới đây cũng với ý tốt như vậy, trước khi nghe những lời vàng ngọc của hai ngài, xin phép cho tôi được kể hầu hai ngài về câu chuyện bất hạnh của tôi; có lẽ sau khi nghe, các ngài sẽ thấy không cần phải an ủi một nỗi buồn đau mà không một lời khuyên nhủ nào có hiệu lực cả.

Cha xứ và bác phó cạo đang rất muốn nghe Carđêniô kể rõ sự tình, bèn mời chàng kể ngay, hứa sẽ làm đúng theo yêu cầu, dù là để cứu chữa hay để an ủi chàng. Carđêniô bắt đầu kể câu chuyện thương tâm của mình; chàng cũng kể tỉ mỉ như đã kể cho Đôn Kihôtê và ông lão chăn dê nghe mấy hôm trước; chỉ có điều là lần trước chàng mới kể tới đoạn nói về ông thầy thuốc Êlixabát thì Đôn Kihôtê ngắt lại vì muốn bảo toàn danh dự cho giới hiệp sĩ. Lần này, Carđêniô kể được hết đầu đuôi câu chuyện vì may sao chàng không lên cơn điên đột xuất nào. Khi nhắc tới lá thư mà Đôn Phernanđô tìm thấy trong quyển Amađix nước Gôlơ, Carđêniô đọc lại nguyên văn như sau:

“Luxinđa gửi chàng Carđêniô,

Mỗi ngày em lại tìm thấy ở chàng những đức tính mới khiến em càng thêm quý trọng chàng. Nếu như chàng muốn em trả được món nợ này mà không phạm tới danh dự của em, chàng có thể làm được không khó khăn gì. Cha em biết chàng và rất thương em; nếu quả thật chàng quý mến em như chàng đã nói và như ý em nghĩ, cha em sẽ chiều theo ý muốn chính đáng của chàng, và đó cũng là điều mong muốn của em”.

– Như tôi đã kể, Carđêniô nói tiếp, bức thư đó đã thúc đẩy tôi xin cưới Luxinđa làm vợ; chính bức thư đó khiến cho Đôn Phernanđô đánh giá Luxinđa là một người đàn bà khôn ngoan hiểu biết nhất đời, và cũng chính bức thư đó đã thúc giục y tìm cách hãm hại tôi trước khi tôi thực hiện được ý định của mình. Tôi nói với Phernanđô rằng cha Luxinđa còn muốn cha tôi phải đến hỏi, riêng tôi không dám yêu cầu cha tôi làm việc đó sợ người không chấp nhận. Thực ra, không phải cha tôi không biết rằng phẩm giá, đức hạnh, từ tâm và nhan sắc của Luxinđa có thể làm rạng rỡ bất cứ một dòng họ nào ở nước Tây Ban Nha này, nhưng tôi hiểu rằng cha tôi chưa muốn cưới vợ sớm cho tôi chừng nào chưa biết ý đồ của ngài công tước Ricarđô đối với tôi. Cuối cùng, tôi nói với Đôn Phernanđô rằng tôi không dám trình bày với cha tôi vì lý do đó và những lý do khác nữa mà tôi cũng không biết rõ, nghĩ rằng điều mong ước của tôi không bao giờ được thực hiện. Nghe tôi nói, Đôn Phernanđô hứa sẽ nói lại với cha tôi và thuyết phục người đến nói chuyện với cha Luxinđa. Hỡi Mariô đầy tham vọng, hỡi Catilina tàn ác, hỡi Xila nham hiểm, hỡi Galalon dối trá, hỡi Vêiđô phản phúc, hỡi Hulian hằn thù, hỡi Giuđa tham tàn! Hỡi tên phản phúc, tàn ác, hằn thù và dối trá kia! Con người đáng thương đã vô tình thổ lộ hết can tràng với mi có làm gì hại mi đâu? Ta có xúc phạm mi đâu? Phải chăng những câu ta nói hoặc những lời ta khuyên mi chỉ làm tăng danh giá thể diện của mi? Nhưng thôi, than vãn nỗi bất hạnh làm chi! Trước một số mệnh tàn ác phũ phàng trút xuống đầu ta, không một sức mạnh nào trên đời này có thể cản nổi và cũng không ai có tài gì chống đỡ được. Ai có thể ngờ rằng Đôn Phernanđô, một hiệp sĩ xuất sắc, tài hoa, đã chịu ơn ta, một con người có đủ khả năng để đạt được tất cả những mong ước về tình yêu, lại có dã tâm chiếm đoạt người tình độc nhất của ta mà chính bản thân ta cũng chưa làm chủ. Nhưng thôi, ta hãy miễn nói dài dòng và hãy kể nốt câu chuyện bất hạnh này. Thưa hai ngài, hình như Đôn Phernanđô cảm thấy sự có mặt của tôi làm trở ngại cho mưu đồ xấu xa của y nên y đã phái tôi đi gặp anh trai của y với lý do nhờ tôi xin tiền để mua ngựa; y đã hỏi mua sáu con ngựa đúng vào cái ngày y hứa sẽ nói chuyện với cha tôi. Thực ra y đã cố tình đẩy tôi đi xa để dễ bề thực hiện ý đồ đen tối. Tôi có đoán ra sự phản bội đó không? Có lúc nào tôi phảng phất nghĩ tới không? Hoàn toàn không. Tôi nhận lời rất vui vẻ và mừng cho y đã mua được một món hời. Đêm hôm đó, tôi gặp Luxinđa và kể lại cuộc trao đổi giữa Đôn Phernanđô với tôi: tôi bảo nàng hãy tin chắc rằng những điều mong ước tốt lành và chính đáng của nàng cũng như của tôi sẽ thành sự thật. Cũng như tôi, nàng không hề nghĩ rằng Đôn Phernanđô mang lòng phản trắc và nàng chỉ dặn tôi đi cho nhanh chóng vì sau khi cha tôi đến gặp cha nàng, những mong muốn của chúng tôi sẽ được thực hiện ngay. Không hiểu sao, dặn dò tôi xong, tự nhiên nàng ứa nước mắt, cổ họng nghẹn lại, không nói thêm được điều gì với tôi nữa trong lúc hình như nàng còn đang muốn nói nhiều. Tôi lấy làm ngạc nhiên lắm vì xưa nay, tôi chưa hề thấy nàng như vậy bao giờ. Trước kia, mỗi lần chúng tôi gặp nhau – do sự may mắn hoặc tài tháo vát của tôi – trong câu chuyện giữa hai người không bao giờ xen lẫn những tiếng khóc than hoặc những ý nghĩ ghen tuông, lo sợ. Những lần đó, tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc tràn đầy vì Chúa đã ban cho tôi một người yêu như nàng; tôi ca ngợi nhan sắc, đức hạnh và trí tuệ của nàng; nàng cũng ca ngợi tôi bằng những lời xưa nay người ta vẫn thường dành cho người mình yêu dấu nhất. Rồi chúng tôi kể cho nhau nghe không chán tai những chuyện vu vơ, những chuyện về ông hàng xóm này hoặc bà láng giềng nọ. Trong những phút đó, qua chấn song cửa, tôi chỉ dám mạnh bạo tới mức cầm bàn tay xinh xắn và trắng muốt của nàng đưa lên môi, mặc cho nàng cưỡng lại. Đêm trước hôm tôi ra đi, nàng khóc than rền rĩ rồi bỏ vào phòng khiến tôi bàng hoàng, bối rối, lo âu vì thấy nàng lần đầu tiên tỏ ra buồn rầu, đau khổ. Tuy nhiên, tôi vẫn nuôi hy vọng, nghĩ rằng chỉ vì nàng quá yêu tôi, vả chăng xưa nay sự xa cách vẫn làm cho những cặp tình nhân đau khổ. Tôi buồn rầu ra đi, lòng đầy những ý nghĩ lo âu, nghi ngại mà không hiểu vì sao. Đó cũng là những triệu chứng báo hiệu một sự bất hạnh đang chờ đợi tôi.

Tôi tới gặp anh trai Đôn Phernanđô và trao thư cho ông ta; ông ta giữ tôi lại tám ngày ở một nơi kín đáo, không cho ngài công tước biết vì trong thư, Đôn Phernanđô dặn anh đừng để cho cha biết chuyện xin tiền. Tất cả chỉ do mưu mô của tên Đôn Phernanđô quỷ quyệt vì thực ra ông này có sẵn tiền và có thể đưa cho tôi mang về ngay được. Tôi đã định cưỡng lại vì không thể chịu được tám ngày xa cách Luxinđa, nhất là khi tôi ra đi, nàng đang buồn phiền như đã kể trên. Tuy nhiên, tôi đã phục tùng như một người đầy tớ trung thành mặc dù biết rằng điều đó sẽ mang lại cho tôi chuyện chẳng lành. Bốn hôm sau, có một người đến tìm tôi và trao cho tôi một bức thư; nhìn chữ ghi địa chỉ, tôi biết ngay là thư của Luxinđa. Tôi lật đật mở, đoán chừng có chuyện gì quan trọng đã xảy ra khiến nàng phải viết thư trong lúc xa nhau, vì xưa nay nàng rất ít viết thư khi chúng tôi ở gần nhau. Trước khi xem, tôi yêu cầu người mang thư cho biết ai đã nhờ mang bức thư đó và đi đường hết bao lâu. Ông ta trả lời là một buổi trưa đang đi ngoài phố bỗng có một người con gái đứng ở cửa sổ gọi lại; cô ta vừa khóc vừa vội vàng nói: “Anh của tôi ơi, nếu anh là một tín đồ Kitô giáo, hãy vì Chúa mang ngay thư này tới địa chỉ ghi ngoài bì mà ai cũng biết. Anh sẽ làm một việc phúc đối với Chúa. Xin hãy cầm món tiền nhỏ bọc trong chiếc khăn tay này để dùng trong khi đi đường”. Nói xong, người mang thư kể tiếp, cô ta ném qua cửa sổ chiếc khăn tay trong có một trăm đồng tiền và một chiếc nhẫn vàng mà tôi đang đeo đây, cùng với bức thư này. Sau khi thấy tôi đã cầm thư và chiếc khăn tay và ra hiệu rằng tôi nhận lời làm việc đó, cô ta biến mất sau cửa sổ. Về phần tôi, vì được trả công hậu hĩ, nhìn địa chỉ thấy ông cũng là người quen biết, vả chăng động lòng trước những giọt nước mắt của cô gái xinh đẹp, tôi đã mang thư này đến cho ông không nhờ ai cả; trong mười sáu tiếng đồng hồ sau khi cô ta gửi tôi bức thư, tôi đã vượt qua mười tám dặm đường để tới đây”. Trong lúc người mang thư tốt bụng kể, tôi hết sức chăm chú nghe, hai chân run bần bật hầu như đứng không vững. Tôi mở thư ra thì thấy những hàng chữ sau đây:

“Đôn Phernanđô hứa với chàng rằng y sẽ bảo cha của chàng đến nói chuyện với cha em, nhưng thực ra y đã làm việc đó cho bản thân. Xin báo để chàng biết rằng y đã xin cưới em làm vợ. Cha em tưởng Đôn Phernanđô xứng đáng hơn chàng nên đã nhận lời. Tình hình gay go vì trong hai ngày nữa sẽ làm lễ thành hôn, làm rất kín đáo, chỉ có Trời và một vài người thân thuộc biết thôi. Chàng hãy tưởng tượng tâm trạng em lúc này ra sao. Nếu chàng thấy cần trở về, xin chàng định liệu. Lòng em đối với chàng như thế nào, xin hãy chờ sự việc trả lời. Cầu Chúa cho thư này tới tay chàng trước khi em buộc phải đặt tay em vào tay của kẻ đã bội ước”.

Những lời lẽ trong thư thúc tôi lên đường ngay, không chờ trả lời và tiền nong gì nữa. Tôi hiểu rằng Đôn Phernanđô phái tôi đi gặp anh trai của y không phải để lấy tiền mua ngựa mà trái lại, để cho y thỏa mãn sở thích. Phần căm giận Đôn Phernanđô, phần lo mất một vưu vật mà tôi đã giành được sau bao năm khó nhọc, tôi như có cánh bay và ngày hôm sau đã về tới tỉnh nhà đúng vào lúc có thể đi gặp Luxinđa được. Không để cho ai biết, tôi gửi con la thuê tại nhà người đã mang thư hộ rồi đi gặp Luxinđa. May sao, nàng đang đứng bên song cửa, nơi hẹn hò cũ của chúng tôi. Luxinđa nhận ra tôi ngay và tôi cũng nhận ra nàng, nhưng thái độ của hai người không giống như mọi ngày. Than ôi! Thử hỏi có ai trên đời này dám vỗ ngực tự khoe rằng mình đã hiểu thấu lòng dạ đàn bà? Chắc chắn không có ai. Trông thấy tôi, Luxinđa nói: “Carđêniô, em khoác áo cưới rồi. Tên phản bội Đôn Phernanđô và người cha tham lam của em cùng một vài người làm chứng đang chờ em trong phòng, nhưng họ không được chứng kiến lễ cưới của em đâu mà sẽ chứng kiến cái chết của em. Anh ơi, chớ buồn làm chi; hãy có mặt trong giờ phút hy sinh của em. Nếu những lời nói của em đã vô hiệu quả, lưỡi dao em giấu trong người đây sẽ chặn được quyền lực của những kẻ khác bằng cách kết liễu cuộc đời em để anh hiểu cho tấm lòng của em đối với anh trước kia cũng như bây giờ”. Tôi cuống cuồng đáp vì sợ không còn thời gian: “Em ơi, hành động của em sẽ chứng minh cho những lời nói đó. Em có dao để giữ vững lời hứa, anh cũng có gươm để bảo vệ em hoặc để tự sát nếu số mệnh không ủng hộ chúng ta”. Tôi không biết nàng có nghe rõ lời tôi nói không vì bên trong thấy có người gọi nàng ra, kẻo chú rể đang chờ. Từ lúc ấy, đêm tối của sự đau khổ đã xuống với tôi và mặt trời của hạnh phúc đã tắt trong lòng tôi; mắt tôi như không trông thấy ánh sáng nữa và đầu óc tôi trở thành vô tri vô giác. Tôi không tìm ra lối vào nhà nàng và cũng chẳng biết đi đâu, nhưng chợt nghĩ rằng sự có mặt của tôi rất quan trọng trong giờ phút gay go này, tôi cố sức trấn tĩnh và bước vào nhà nàng. Tôi quen thuộc đường đi lối lại, vả chăng trong nhà mọi người đang bận rộn, nên tôi vào lọt trong phòng không ai biết; tôi nấp trong một góc cửa sổ có hai bức rèm che và từ chỗ đó, tôi nhìn được khắp phòng mà không bị lộ. Có ai biết tim tôi đập mạnh như thế nào trong lúc đứng ở đó không? Và tôi đã suy nghĩ gì, có những nhận xét gì? Tôi đã nghĩ tới nhiều chuyện lắm, thiết tưởng không nói ra hết được, và cũng không nên nói làm chi. Chỉ cần biết rằng khi đó chú rể bước vào phòng, y phục bình thường như mọi ngày. Người thay mặt cho nhà trai là anh con bác ruột của Luxinđa; trong phòng không có ai lạ ngoài đám gia nhân. Mấy phút sau, từ trong một phòng nhỏ, Luxinđa bước ra cùng với mẹ và hai cô người hầu. Y phục và đồ trang sức của nàng thật xứng với dòng dõi và nhan sắc của nàng, và cách trang điểm cũng thật là khéo. Thú thực, khi đó tôi không còn tâm trí để phân biệt nàng mặc và đeo những gì, chỉ thấy màu đỏ và trắng cùng những ánh lóng lánh của châu báu trên người nàng, mớ tóc vàng của nàng óng ánh một cách khác thường, làm át cả những viên ngọc quý và bốn bó đuốc đang cháy trong phòng. Ôi, ký ức, kẻ tử thù của sự yên tĩnh trong lòng ta! Gợi lại làm chi nữa hình ảnh tuyệt diệu của kẻ thù yêu dấu của ta! Ký ức độc ác! Hãy gợi lại cho ta những hành động xấu xa của con người đó; nếu ta không trả được thù này, ít ra ta cũng vui lòng đi tìm cái chết. Thưa hai ngài, mong rằng những câu nói lạc đề của tôi không làm nhàm tai hai ngài. Nỗi đau khổ của tôi quá lớn, không thể kể vắn tắt được, và tôi cảm thấy mỗi sự việc đều đáng được nhắc lại một cách tỉ mỉ.

Cha xứ vội đáp lại rằng không những họ không thấy nhàm tai mà trái lại, họ rất muốn nghe vì những chi tiết đó đáng được kể lại và cũng đáng chú ý như toàn bộ câu chuyện.

Carđêniô kể tiếp:

– Khi mọi người đã có mặt đầy đủ trong phòng, Cha xứ bước vào; ông cầm tay hai người theo thủ tục phải làm trong các buổi lễ như vậy, và hỏi: “Bà Luxinđa, bà có muốn nhận ông Đôn Phernanđô là chồng chính thức theo thể thức của Giáo hội không?” Khi đó, tôi thò cả đầu cả cổ ra khỏi bức rèm che để nghe Luxinđa trả lời; hai tai tôi giỏng ra, lòng dạ bối rối, vì câu trả lời đó sẽ quyết định sự sống chết của tôi. Ôi, giá như lúc đó tôi bước ra khỏi chỗ nấp và nói: “Luxinđa, Luxinđa, hãy suy nghĩ kỹ và nhớ đến mối tình của đôi ta; hãy nghĩ rằng em đã thuộc về anh chứ không thuộc về người nào khác cả. Nếu em trả lời có tức là em kết liễu đời anh. Còn mi, hỡi tên Đôn Phernanđô phản trắc, kẻ chiếm đoạt hạnh phúc của ta, kẻ giết hại cuộc đời ta! Mi muốn gì? Mi mưu đồ gì? Hãy nhớ rằng Giáo hội không để cho mi như ý sở cầu đâu vì Luxinđa là vợ ta và ta là chồng nàng”. Tôi điên rồi! Bây giờ, khi sự việc đã qua, tôi mới thấy rằng tôi đã không làm một việc đáng lẽ phải làm lúc đó. Mãi tới bây giờ, sau khi đã bị cướp mất của quý nhất, tôi mới nguyền rủa kẻ chiếm đoạt mà tôi có thể trả thù được nếu khi đó tôi cũng có đủ can đảm như hiện giờ tôi có đủ can đảm để khóc than! Thôi, tôi đã tỏ ra hèn nhát và ngu xuẩn nên cũng đáng chết nhục nhã, mang theo một mối hận lòng.

Thấy Luxinđa chậm trả lời, Cha xứ vẫn đợi; giữa lúc tôi tưởng nàng sẽ rút dao ra để thực hiện lời hứa, hoặc sẽ nói lên sự thật để khỏi phụ lòng tôi, bỗng đâu tôi nghe thấy một tiếng nói run run, yếu ớt: “Có, tôi muốn”; sau đó, Đôn Phernanđô cũng trả lời theo; y đeo nhẫn cưới vào tay nàng và thế là hai người đã chính thức kết duyên. Chú rể định ôm hôn cô dâu thì thấy cô ta để tay lên ngực rồi ngất đi, ngã vào lòng bà mẹ. Bây giờ, xin kể về tâm trạng tôi lúc đó. Sau khi nghe Luxinđa trả lời có, tôi cảm thấy mọi hy vọng tiêu tan và những lời hứa của cô ta chỉ là giả dối; tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ lấy lại được hạnh phúc mà tôi vừa mất. Tôi như người mất trí, tưởng đâu đã bị trời đất ghét bỏ, không khí không đủ để than thở, nước không đủ để khóc lóc; chỉ có lửa cháy bùng dấy lên trong lòng tôi nỗi căm giận, hờn ghen. Thấy Luxinđa ngất, mọi người đều cuống quýt; mẹ nàng vội nới áo ra cho nàng khỏi ngạt thở thì thấy trên ngực nàng có một phong thư dán kín; Đôn Phernanđô bèn cầm lấy và đi lại gần một bó đuốc để đọc; đọc xong, y ngồi phịch xuống ghế, tay tì má có vẻ nghĩ ngợi, không hề để ý đến những người xung quanh đang chữa chạy cho Luxinđa hồi tỉnh.

Thấy mọi người đang bận rộn, tôi bỏ ra ngoài, không cần biết có ai nhìn thấy mình không, sẵn sàng làm một hành động điên rồ để cho mọi người hiểu rằng một sự phẫn nộ chính đáng đã thúc đẩy tôi trừng phạt tên Đôn Phernanđô phản bội và cả con người còn đang mê man bất tỉnh kia. Nhưng có lẽ ngôi sao chiếu mệnh của tôi muốn dành cho tôi những sự bất hạnh lớn hơn – nếu trên đời này còn có bất hạnh nào lớn hơn – nên tự nhiên lúc đó, và cũng chỉ có một lúc đó thôi, đầu óc tôi trở nên tỉnh táo; đáng lẽ phải trừng phạt những kẻ thù không đội trời chung của tôi (một việc dễ làm bởi không ai để ý tới tôi), tôi đã tự trừng phạt mình một cách nghiêm khắc hơn nhiều. Nếu những kẻ thù của tôi bị tôi giết chết, chúng chỉ phải chịu đựng hình phạt trong phút chốc thôi; trái lại, tôi phải chịu đựng một sự giày vò dai dẳng, sống cũng như chết. Cuối cùng, tôi bỏ ra đi và tới nhà người mang thư để lấy con la. Tôi nhờ ông ta thắng yên cương hộ rồi leo lên, không buồn chào ông ta nữa. Tôi ra khỏi tỉnh, không dám quay đầu lại nhìn. Khi tới một cánh đồng, một mình giữa đêm khuya thanh vắng, không có ai nghe và nhìn thấy, tôi không tiếc lời nguyền rủa Luxinđa và Đôn Phernanđô như để trút hết nỗi hận lòng do chúng gây ra. Tôi nhiếc Luxinđa là tàn nhẫn, phụ bạc, dối trá, vô ơn, tham của, thấy Đôn Phernanđô giàu sang đã híp mắt lại, bỏ rơi tôi để đi theo một kẻ gặp may mắn hơn tôi về tiền tài. Sau khi nguyền rủa, nhiếc móc chán chê, tôi lại thấy nàng vô tội vì nàng là một cô gái cấm cung, xưa nay chỉ biết vâng lời, tất nhiên phải chiều theo ý cha mẹ, nhất là người chồng do cha mẹ gả cho lại danh giá, giàu có, khôi ngô, tuấn tú; nếu nàng từ chối, người ta sẽ nghĩ rằng nàng mất trí hoặc đã nặng lời thề thốt với ai, và như vậy còn gì là thanh danh của nàng nữa. Nhưng rồi tôi lại tự bảo: “Nếu nàng thưa với cha mẹ rằng nàng đã yêu tôi, chắc cha mẹ nàng cũng phải nhận rằng nàng biết kén chọn vì trước khi Đôn Phernanđô cầu hôn, ông bà ta cũng đã phải tính toán và thấy rằng không thể gả nàng cho ai hơn tôi được. Vả chăng, đến phút cuối cùng phải trao tay cho Đôn Phernanđô, nàng vẫn có thể bịa ra rằng nàng đã là vợ tôi bởi vì tôi sẵn sàng công nhận tất cả những lời của nàng kia mà”. Cuối cùng, tôi kết luận là vì không có tình yêu với tôi, vì không có đầu óc, vì tham của và danh vọng nên nàng đã quên lời hứa, và những lời nàng nói trước kia chẳng qua chỉ là giả dối để nuôi hy vọng cho tôi mà thôi.

Tôi đi mãi trong đêm khuya tịch mịch với ý nghĩ đó trong đầu và tới sáng thì đến dãy núi này; tôi tiếp tục đi trong ba ngày liền, không có đường cũng đi; cuối cùng tôi tới một cánh đồng cỏ, không biết ở quãng nào; tôi nhờ những người chăn cừu chỉ cho biết nơi nào hoang vu vắng vẻ nhất trong núi; họ chỉ chỗ này; tôi bèn lần vào với ý định kết liễu cuộc đời. Tại đây, con la của tôi bị chết vì mệt và đói, hay có lẽ đúng hơn, nó chết đi để khỏi phải mang trên lưng một gánh nặng không có ích gì cho ai. Tôi đành phải đi bộ, rồi lả đi vì mệt và đói, không có ai và cũng không cần ai cứu giúp. Tôi không biết đã nằm bao lâu dưới đất; khi tỉnh dậy thấy bụng không đói nữa và bên cạnh có mấy bác chăn dê mà tôi đoán chừng là những người đã săn sóc tôi. Họ kể lại là đã thấy tôi nằm mê man bất tỉnh dưới đất, mồm nói những câu lảm nhảm tỏ ra là một người loạn trí. Từ lúc đó, tôi cảm thấy đầu óc không còn minh mẫn mà trái lại, trở nên bạc nhược, rối loạn khiến tôi có những hành động điên dại; tôi xé quần xé áo, kêu gào giữa rừng sâu, nguyền rủa số phận, luôn mồm nhắc tới tên của kẻ thù yêu dấu, với ý nghĩ kết liễu cuộc đời mình bằng những lời than vãn. Khi tỉnh lại, tôi cảm thấy mệt mỏi, rã rời, không buồn nhúc nhích nữa.

Chỗ ở của tôi thường là hốc một cây sồi điển điển, đủ để che tấm thân khốn khổ này. Những người chăn bò và dê ở đây thương tình thường cưu mang tôi; họ để thức ăn trên đường đi và trên những hòn núi, nghĩ rằng tôi sẽ qua và trông thấy. Tuy tôi mất trí nhưng nhu cầu tự nhiên trong cơ thể khiến tôi đói bụng và buộc tôi phải đi kiếm ăn. Khi nào thấy tôi tỉnh táo, họ kể lại rằng có lần tôi xông ra đường cái dùng vũ lực cướp đoạt mặc dù họ sẵn sàng cho tôi những thực phẩm được tiếp tế từ trong làng tới cho họ. Cứ như vậy, tôi sống khốn khổ cùng cực cho tới khi nào Trời bắt tôi phải chết, hoặc làm cho tôi quên hẳn sắc đẹp và sự phản bội của Luxinđa cùng những hành động xấu xa của Đôn Phernanđô. Nếu ông Trời kia xóa sạch những kỷ niệm xưa trong đầu tôi và vẫn cho tôi làm người, chắc rằng tôi sẽ trở lại là một con người biết suy nghĩ; nếu không, tôi chỉ còn biết kêu trời cứu vớt linh hồn cho vì tôi không đủ tinh thần và sức lực để rút ra khỏi chốn rừng núi này mà tôi đã tự chọn làm nơi dung thân.

Thưa hai ngài, đó là câu chuyện cay đắng về nỗi bất hạnh của tôi. Như các ngài đã thấy, làm sao tôi không đau lòng tức giận được khi ôn lại chuyện cũ. Các ngài cũng chẳng nên nhọc lòng thuyết phục, khuyên nhủ tôi làm chi vì mọi lý lẽ đều không giúp ích gì cho tôi cả, khác nào một ông thầy thuốc giỏi muốn bốc thuốc nhưng con bệnh không chịu uống.

Thiếu Luxinđa, tôi không thiết sống nữa; nàng thuộc về tôi hoặc là phải thuộc về tôi, nhưng đã đi theo kẻ khác; đáng lẽ tôi được hưởng hạnh phúc nhưng đã tự chuốc lấy đau khổ. Bằng sự thay lòng đổi dạ, nàng đã buộc tôi phải chết. Bởi vậy, tôi sẽ chết cho nàng mát dạ hả lòng; và sau đây, người ta sẽ bảo rằng những kẻ bất hạnh khác còn may mắn hơn tôi vì họ tìm thấy niềm an ủi trong sự tổn thất không gì an ủi nổi; riêng tôi, sự tổn thất đó gây ra những sự giày vò đau khổ lớn hơn vì tôi nghĩ rằng nó còn đeo đuổi tôi mãi sau khi đã qua đời.

Carđêniô đã kể xong câu chuyện tình buồn thảm của mình. Cha xứ định tìm lời an ủi bỗng đâu có tiếng người than thở thảm thiết vang lên như sẽ kể trong phần bốn tiếp theo. Tới đây, nhà viết sử thông thái và thận trọng Amêtê Bênenhêli kết thúc phần ba của cuốn sách này.

(Còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder