Đônkihotê – nhà quí tộc tài ba xứ Mantra (kì 21)

– Tất cả những điều ngài nói đều rất đúng, chú bé đáp, nhưng sự việc đã kết thúc ngược hẳn ý muốn của ngài.

– Sao lại ngược hẳn là thế nào? Đôn Kihôtê hỏi. Thế ra tên súc sinh đó không trả tiền công cho con ư?… (Tiếp kì 21)

– Tất cả những điều ngài nói đều rất đúng, chú bé đáp, nhưng sự việc đã kết thúc ngược hẳn ý muốn của ngài.

– Sao lại ngược hẳn là thế nào? Đôn Kihôtê hỏi. Thế ra tên súc sinh đó không trả tiền công cho con ư? (Tiếp kì 21)

Chương 31

CUỘC ĐÀM THOẠI LÝ THÚ GIỮA ĐÔN KIHÔTÊ VÀ GIÁM MÃ XANTRÔ PANXA, CÙNG NHỮNG SỰ VIỆC KHÁC

– Tất cả những điều đó làm ta hài lòng, Đôn Kihôtê nói, hãy kể tiếp đi. Khi anh tới nơi thì bà hoàng của sắc đẹp đang làm gì? Chắc chắn anh thấy nàng đang xâu một chuỗi hạt ngọc hoặc đang dùng chỉ vàng thêu biểu hiệu cho hiệp sĩ nô lệ này của nàng.

– Đâu có, Xantrô đáp, tôi thấy bà ta đang sàng hơn một tạ lúa trong sân nhà.

– Anh phải biết rằng những hạt lúa đó qua tay nàng sẽ trở thành những hạt ngọc. Thế anh bạn có nhìn xem đó là lúa tiểu mạch hay lúa ba trăng không?

– Không phải, đó là một thứ lúa xấu, đỏ hoe.

– Thế mà ta cam đoan với anh rằng sau khi qua tay nàng, thứ lúa xấu đó sẽ làm ra bánh mì ngon, như bằng tiểu mạch vậy. Nhưng thôi, tiếp tục đi: khi anh đưa bức thư cho ta, nàng có hôn và đặt nó lên đầu không? Nàng có tỏ ra trân trọng đối với một bức thư như vậy không? Nàng đã làm gì?

– Lúc tôi sắp sửa đưa thì bà ta còn đang bận tay sàng một đống lúa to, và bà ta bảo tôi: “Anh bạn hãy để thư lên cái bao lúa kia; tôi chưa thể đọc được chừng nào chưa sàng xong đống này”.

– Thật là một con người tế nhị! Đôn Kihôtê nói. Chắc là để sau đó nàng được đọc một cách ung dung và để thưởng thức bức thư. Còn gì nữa? Xantrô? Trong lúc đang dở tay như vậy, nàng đã nói những gì với anh? Nàng đã hỏi gì về ta? Và anh đã trả lời ra sao? Kể nốt, kể hết, chớ bỏ sót một chi tiết nhỏ nào.

– Bà ta chẳng hỏi gì cả, Xantrô đáp, nhưng tôi đã kể lại việc ngài tự chuốc lấy hình phạt để phụng sự bà ta như thế nào, rằng ngài ở trần từ thắt lưng trở lên, sống giữa rừng xanh núi đỏ như một kẻ man di, ngủ dưới đất, ăn không cần khăn trải bàn, râu không cạo, vừa khóc vừa than thân trách phận.

– Anh bảo ta than thân trách phận là sai, Đôn Kihôtê nói; trái lại ta cảm tạ và suốt đời cảm tạ số phận vì nhờ nó mà ta đã được yêu một con người cao cả như nàng Đulxinêa làng Tôbôxô.

– Phải, bà ta cao thật đấy, cao hơn tôi đến một gang tay ấy.

– Sao? Xantrô? Anh đã đứng đo với nàng ư?

– Tôi đo bằng cách như thế này: trong lúc giúp bà ta đặt bao lúa lên lưng con lừa, hai người đứng rất sát vào nhau và tôi đã nhìn thấy bà ta cao hơn trên một gang tay.

– Quả thật trong con người cao cả ấy có chứa đựng muôn vàn nét duyên dáng của tâm hồn! Nhưng này Xantrô, chắc anh sẽ không phủ nhận một điều sau đây: khi anh tới bên nàng, anh có ngửi thấy mùi thơm gì không? Một hương vị và một mùi rất thơm tho mà ta không biết gọi là gì, tựa như ta vẫn thường ngửi thấy ở các cửa hàng bán bít tất tay ấy mà.

– Tôi chỉ có thể nói được rằng tôi đã ngửi thấy một mùi hơi nặng như mùi đàn ông; chắc là vì bà ta phải làm việc vất vả ra nhiều mồ hôi.

– Không phải thế mà vì anh bị sổ mũi hoặc đã hít phải chính cái mùi của người anh. Ta biết rất rõ mùi thơm đó, đó là mùi hoa hồng, hoa huệ, là long diên hương hòa trong nước.

– Có thể lắm, Xantrô đáp; rất nhiều lần tôi đã ngửi thấy mùi đó ở chính người tôi và tôi thấy nó cũng toát ra từ người bà Đulxinêa; nhưng điều đó có gì là lạ vì hai con quỷ tất nhiên phải giống nhau.

– Thế nào, Đôn Kihôtê hỏi tiếp, sau khi đã sàng sảy xong và chuyển lúa đi xay, nàng đã làm gì khi đọc thư của ta?

– Bà ta không đọc thư, Xantrô nói, bảo rằng vì không biết đọc biết viết; trái lại bà ta xé nhỏ bức thư, nói rằng không muốn đưa cho người khác đọc hộ e dân làng biết chuyện riêng tư của mình, rằng nghe tôi kể về mối tình và cuộc tự hành phạt phi thường của ngài như vậy cũng đủ rồi. Cuối cùng, bà ta nhờ tôi nhắn lại với ngài rằng bà ta hôn tay ngài và mong được gặp ngài hơn là viết thư cho ngài, rằng bà ta vừa cầu xin vừa đòi hỏi ngài phải rời khỏi nơi hoang vu rậm rạp này, không được làm những trò bậy bạ nữa, và nếu không có việc gì quan trọng hơn, ngài phải trở về ngay làng Tôbôxô vì bà ta rất mong được gặp ngài. Bà ta đã cười rũ khi tôi kể rằng ngài lấy tên là hiệp sĩ Mặt Buồn. Tôi hỏi bà ta là tên kỵ sĩ Vixcaia có đến trình diện không; bà ta bảo có và còn khen hắn là một người rất chững chạc; tôi lại hỏi về bọn tù khổ sai nhưng bà ta đáp là chưa thấy đứa nào tới cả.

– Tới giờ, mọi việc đều tốt lành, Đôn Kihôtê nói. Nhưng ta muốn hỏi thêm: khi anh ra về, nàng đã cho anh vật gì để thưởng công anh mang tin của ta tới? Theo cổ lệ, các hiệp sĩ giang hồ và các vị tiểu thư thường thưởng công cho giám mã, cô hầu, chú lùn một vật quý khi những người này mang tin đến cho họ – mang tin của tiểu thư cho hiệp sĩ hoặc mang tin của hiệp sĩ cho tiểu thư.

– Có thể như vậy lắm, và tôi cho đó là một tục lệ hay ho; nhưng chắc tục lệ đó chỉ có ở thời trước chứ bây giờ người ta thường chỉ cho một mẩu bánh mì và phó-mát như bà Đulxinêa đã làm; khi tôi ra đi, bà ta đã đưa cho tôi qua hàng rào sân sau; xin nói rõ thêm rằng đó là phó-mát làm bằng sữa cừu.

– Tính nàng vô cùng hào phóng, Đôn Kihôtê nói, và nếu nàng không thưởng cho anh một vật gì bằng vàng, chắc chắn là vì lúc đó nàng không có sẵn trong tay để cho anh thôi; nhưng rồi anh sẽ được dù có chậm một chút ít; ta sẽ gặp nàng và mọi việc sẽ được giải quyết tốt đẹp. Xantrô, anh có biết rằng có điều gì làm ta ngạc nhiên không? Ta tưởng đâu như anh đã cưỡi mây đạp gió để đi và trở về vì con đường từ đây đến làng Tôbôxô dài tới trên ba mươi dặm, vậy mà cả đi lẫn về chỉ mất có trên ba ngày. Ta nghĩ rằng có một pháp sư bạn của ta vẫn quan tâm đến những công việc của ta – nhất định ta phải được một pháp sư phù trợ nếu không ta không thể trở thành một hiệp sĩ giang hồ nổi tiếng -, và vị pháp sư đó đã giúp đỡ anh trong khi đi đường mà anh không hay.

Đã có pháp sư bê cả một hiệp sĩ giang hồ đang ngủ trên giường và không hiểu bằng cách nào, khi sáng hôm sau tỉnh dậy, chàng hiệp sĩ thấy mình đã ở cách xa chỗ ngủ đêm trước trên một ngàn dặm. Nếu không như vậy thì các hiệp sĩ giang hồ không thể giải nguy cho nhau như họ vẫn thường làm; có trường hợp một hiệp sĩ giao chiến với một con quái vật hung dữ hoặc với một hiệp sĩ khác trên một dãy núi ở Armênia và sắp bị nguy khốn, thế rồi bỗng đâu từ trong đám mây hoặc trên một chiếc xe phóng hỏa có một chàng hiệp sĩ xông tới hỗ trợ cứu cho khỏi chết; trước đó ít phút chàng này còn ở bên Anh-cát-lợi, và sau khi đã cứu bạn, ngay tối hôm đó chàng ta đã ung dung ngồi ăn uống ở nhà, nơi nọ cách xa nơi kia tới hai, ba ngàn dặm. Tất cả những sự việc đó đều do sự sắp xếp khéo léo của những vị pháp sư luôn luôn chăm sóc tới các hiệp sĩ dũng cảm. Anh bạn Xantrô, ta không lấy làm khó hiểu rằng trong một thời gian ngắn như vậy, anh đã từ đây tới làng Tôbôxô rồi lại trở về vì, như ta đã nói, có một pháp sư bạn của ta đã mang anh trên mây mà anh không biết.

– Có thể lắm, Xantrô đáp, vì quả thật con Rôxinantê đi chậm như một con lừa có chì trong tai của người Bôhêmiêng vậy.

– Sao lại có chì trong tai là thế nào? Dù có gặp cả một bầy quỷ, các pháp sư đó vẫn đi và giúp người khác đi lại, không ngại gì cả, một khi họ muốn làm. Nhưng thôi, hãy xếp chuyện đó lại. Bây giờ, tình nương của ta yêu cầu ta đến gặp nàng, vậy theo ý anh, ta phải làm gì? Tất nhiên ta phải thực hiện mệnh lệnh của nàng, nhưng ta thấy không thể làm việc đó được vì ta đã nhận lời với nàng công chúa kia rồi, và luật lệ của hiệp sĩ đạo buộc ta phải giữ lời hứa, không được làm theo ý thích riêng. Một đằng lòng mong muốn được gặp tình nương thôi thúc ta, mặt khác lời hứa hẹn và vinh quang mà ta sẽ giành được trong cuộc phiêu lưu sắp tới thúc đẩy và kêu gọi ta. Bởi vậy, ta định đi thật nhanh cho chóng tới chỗ gặp tên khổng lồ; tới nơi, ta sẽ chém đứt đầu nó và trao trả lại đất đai cho nàng công chúa, sau đó ta sẽ quay trở về gặp con người đã soi sáng những ý nghĩ của ta. Ta sẽ thanh minh và nàng sẽ thông cảm sự chậm trễ của ta; nàng sẽ thấy rằng việc làm của ta mang lại cho nàng thêm vinh quang và tiếng tăm, bởi vì mỗi chiến công ta đã, đang và sẽ giành được trên đời này đều do sự giúp đỡ của nàng và cũng do con người của ta thuộc về nàng.

– Ấy chết! Xantrô kêu lên, đầu óc ngài lú lẫn rồi sao! Xin hỏi ngài định làm việc này để rồi phí công vô ích hay sao? Phải chăng ngài định bỏ lỡ một cuộc hôn nhân có một này, hồi môn là cả một vương quốc chu vi dài trên hai vạn dặm với bao nhiêu của ngon vật lạ cần thiết cho cuộc sống của con người, một vương quốc lớn hơn cả Bồ Đào Nha lẫn Caxtiia cộng lại? Vì Chúa, xin ngài đừng nói nữa và hãy xấu hổ về những lời đã thốt ra; hãy nghe lời tôi, hãy tha lỗi cho tôi và tới làng nào có Cha xứ, hãy cưới ngay đi, bằng không đã có ngài cử của chúng ta đây làm việc đó cũng rất tốt. Ngài phải biết rằng tôi cũng đủ già dặn để khuyên nhủ người khác và lời khuyên của tôi đối với ngài rất đích đáng. Thôi, chim con nắm chắc trong tay, còn hơn quạ lớn đang bay trên trời, chớ có thả mồi bắt bóng mà rồi kêu cũng chẳng ai thương đâu.

– Này Xantrô, Đôn Kihôtê đáp, chắc là anh khuyên ta cưới nàng công chúa để ta trở thành vua sau khi đã giết chết tên khổng lồ và để ta ban thưởng cho anh như ta đã hứa chứ gì? Ta nói cho mà biết rằng dù không cưới nàng, ta cũng có thể làm cho anh toại nguyện dễ như bỡn; trước khi lâm trận, ta sẽ giao hẹn là nếu ta thắng, ta phải được hưởng một phần đất đai dù ta không cưới nàng công chúa, và ta muốn cho ai tùy ý; một khi nhận phần rồi, thử hỏi ta không cho anh thì còn cho ai nữa?

– Thế là rõ rồi! Xantrô nói. Nhưng xin ngài chú ý chọn phần đất ở vùng biển vì nếu tôi không thích ở đó, tôi có thể đưa lũ bầy tôi da đen xuống thuyền và giải quyết bọn chúng như tôi đã dự định. Thôi, xin ngài đừng tơ tưởng chuyện đi thăm bà Đulxinêa lúc này làm gì; hãy đi trừ khử tên khổng lồ kia để ta kết thúc việc này, lạy Chúa, một việc sẽ mang lại nhiều danh giá và lợi lộc.

– Xantrô, ta bảo cho mà biết rằng anh ăn chắc rồi, Đôn Kihôtê nói; ta sẽ theo lời anh khuyên, đi cùng với nàng công chúa trước khi gặp nàng Đulxinêa. Nhưng anh không được nói gì với ai, kể cả những người đang cùng đi với chúng ta, về những điều chúng ta vừa bàn bạc và thỏa thuận; nàng Đulxinêa là một người rất kín đáo, không muốn để ai biết những ý nghĩ của mình, và thật là một điều không hay nếu ta hoặc một người khác tiết lộ những ý nghĩ đó ra.

– Đã thế, Xantrô hỏi vặn, tại sao ngài còn bắt những kẻ thua trận đến trình diện trước bà Đulxinêa, vì làm như vậy tức là ngài tự nhận có yêu bà ta và là tình nhân của bà ta? Một khi họ phải quỳ trước mặt bà ta và nói rằng họ được lệnh của ngài đến, làm sao có thể giữ kín được những ý nghĩ của hai người?

– Ôi, anh thật là ngốc nghếch và giản đơn! Đôn Kihôtê nói. Xantrô, anh không nhìn thấy rằng tất cả những chuyện đó làm cho tiếng tăm của nàng thêm lẫy lừng ư? Phải biết rằng trong phong cách của hiệp sĩ đạo, một người đàn bà được nhiều hiệp sĩ giang hồ phụng sự là một điều vinh dự lớn, và những hiệp sĩ đó chỉ có một ý nghĩ là phụng sự nàng vì nàng, với tất cả thiện chí, không yêu cầu một phần thưởng nào, chỉ mong sao được nàng công nhận cho là hiệp sĩ.

– Tôi đã được nghe giảng đạo rằng ta phải yêu Đức Chúa theo kiểu đó, không vì mưu cầu hưởng hạnh phúc hay tránh tai họa cho mình. Tuy nhiên, tôi muốn yêu Chúa và phụng sự Chúa vì một lý do riêng nào đó.

– Anh thật là quỷ quái tinh ma! Đôn Kihôtê nói; đôi lúc anh nói những câu thật chí lý như một người được ăn học vậy.

– Thú thật tôi không biết đọc, Xantrô đáp.

Đến đây, có tiếng bác Nicôlax gọi hai thầy trò Đôn Kihôtê chờ một lát vì những người đi phía sau muốn dừng lại bên bờ con suối nhỏ để uống nước. Đôn Kihôtê bèn ghìm ngựa lại; Xantrô lấy làm mừng lắm vì bác đã chán ngấy phải nói dối chủ và sợ bị lộ; tuy bác biết Đulxinêa là một cô gái quê ở làng Tôbôxô nhưng cả đời bác chưa hề trông thấy mặt bao giờ.

Lúc này Carđêniô đã mặc vào người bộ y phục mà Đôrôtêa đã dùng khi trước để cải trang, tuy cũng chẳng sang trọng gì nhưng so với áo quần của chàng thì còn tươm chán. Mọi người nghỉ chân bên suối; rồi với số lương thực Cha xứ mua được ở quán trọ, họ ăn tạm cũng đỡ đói lòng.

Giữa lúc đó, có một chú bé đi qua; chú ta chăm chú nhìn mọi người đang ăn, rồi chạy xổ tới Đôn Kihôtê ôm lấy hai chân chàng, vừa khóc vừa nói:

– Ngài ơi! Ngài không nhận ra tôi ư? Xin hãy nhìn kỹ xem; tôi là thằng bé Anđrêx bị trói vào cây sồi và đã được ngài giải thoát cho đấy.

Đôn Kihôtê cũng đã nhận ra, chàng nắm tay Anđrêx, quay về phía mọi người và nói:

– Để các vị thấy rằng sự có mặt của hiệp sĩ giang hồ ở trên đời này vô cùng quan trọng vì họ chuyên đi bênh vực người hèn yếu bị những kẻ độc ác ức hiếp, xin thưa rằng trước đây có một hôm tôi đi qua một khu rừng bỗng nghe có tiếng kêu la thảm thiết như có người đang gặp nguy khốn. Vì bổn phận, tôi vội đi về phía có tiếng kêu la vọng lại thì thấy chú bé này bị trói vào một cây sồi. Tôi lấy làm mừng gặp lại chú bé hôm nay vì chú ta sẽ chứng nhận là tôi không nói ngoa điều gì. Tôi xin kể tiếp rằng chú bé bị trói vào một cây sồi, nửa thân trên bị lột trần, và một tên súc sinh đang dùng dây cương lừa quật vào chú tới tấp; tên này chính là chủ của chú bé. Thấy thế, tôi bèn hỏi nguyên nhân vì sao hắn đánh đập chú bé tàn nhẫn như vậy; tên vũ phu kia đáp rằng hắn đánh vì chú bé là đày tớ của hắn và vì những sự mất mát do chú gây ra không phải vì lơ đễnh mà vì muốn lấy cắp. Khi đó, chú bé này nói với tôi: “Thưa ngài, ông ta đánh tôi chỉ vì tôi đòi ông ta tiền công”. Lão chủ vội thanh minh dài dòng, tôi nghe nhưng không để vào tai. Cuối cùng, tôi bắt tên súc sinh phải cởi trói cho chú bé và phải hứa đưa chú bé về trại trả công đầy đủ, kể cả lãi. Có đúng như vậy không, Anđrêx con ta? Con có thấy ta ra lệnh cho lão chủ với một uy lực như thế nào không, và hắn đã khúm núm hứa sẽ làm tất cả những điều ta đòi hỏi yêu cầu không? Con hãy trả lời tự nhiên, không phải sợ hãi do dự gì cả; hãy nói cho các vị ở đây biết sự việc đã xảy ra để mọi người thấy và phải công nhận với ta rằng sự có mặt của các hiệp sĩ giang hồ trên các nẻo đường là hữu ích.

– Tất cả những điều ngài nói đều rất đúng, chú bé đáp, nhưng sự việc đã kết thúc ngược hẳn ý muốn của ngài.

– Sao lại ngược hẳn là thế nào? Đôn Kihôtê hỏi. Thế ra tên súc sinh đó không trả tiền công cho con ư?

– Không những lão không trả mà sau khi ngài đi khỏi khu rừng, còn lại có hai người, lão lại cột tôi vào cây sồi và quật tôi túi bụi, da thịt tôi rách nát như thánh Bartôlômê[51] vậy; mỗi lần quất cho tôi một roi, lão lại nói một câu bông phèng để giễu cợt ngài khiến tôi cũng sẽ phải phì cười nếu lúc đó tôi không đau đớn quá. Tên khốn kiếp đánh tôi bò lê bò càng khiến tôi phải đi nằm nhà thương từ đó tới nay. Chính ngài đã gây ra nông nỗi này bởi vì nếu ngài cứ thẳng đường mà đi, không ai mời không đến, không nhúng tay vào công việc của người khác, thì lão chủ tôi sẽ chỉ đánh tôi chừng một hai chục roi rồi sẽ thả tôi ra và trả số tiền hắn nợ tôi. Nhưng vì ngài làm nhục lão không đúng chỗ và chửi mắng lão quá thậm tệ nên lão nổi nóng, và vì không làm gì được ngài, lão đã trút cả nỗi tức giận lên đầu tôi khiến cho tôi suốt đời không ra hồn người nữa.

– Ta đã sai lầm bỏ đi quá sớm, đáng lẽ ta phải ở đấy cho tới khi hắn trả tiền cho con xong xuôi đã. Do kinh nghiệm nhiều năm, đáng lẽ ta phải biết được rằng không một tên súc sinh nào chịu giữ lời hứa nếu nó thấy rằng việc làm đó bất lợi cho nó. Nhưng này, Anđrêx, chắc con còn nhớ rằng ta đã thề nếu hắn không trả tiền cho con, ta sẽ đi tìm hắn bằng được dù cho hắn có trốn vào trong bụng cá voi.

– Đúng như vậy, Anđrêx đáp, nhưng lời thề đó đã chẳng có tác dụng gì.

– Rồi con sẽ thấy nó có tác dụng hay không!

Nói rồi, Đôn Kihôtê đứng phắt dậy bảo Xantrô chuẩn bị ngựa; con Rôxinantê đang gặm cỏ trong lúc mọi người ngồi ăn.

Thấy vậy, Đôrôtêa vội hỏi xem chàng định làm gì; Đôn Kihôtê đáp:

– Tôi định đi tìm tên súc sinh trừng trị nó về tội đánh người và bắt nó phải trả cho Anđrêx không thiếu một xu, dù cho có bao nhiêu kẻ súc sinh trên đời này tôi cũng không sợ.

– Theo như lời đã hứa, Đôrôtêa nói, chàng không được nhúng tay vào bất cứ chuyện gì chừng nào chưa giải quyết xong việc của thiếp. Vì chàng hiểu điều này hơn ai hết, thiếp dám xin chàng hãy dẹp nỗi tức giận cho tới khi nào thiếp trở lại ngôi báu.

– Nàng nói phải, Đôn Kihôtê đáp, và Anđrêx đành phải chịu khó chờ ta tới khi nàng trở lại ngôi báu như nàng vừa nói; nhưng ta thề và hứa một lần nữa rằng ta chưa nghỉ ngơi chừng nào Anđrêx chưa được trả thù và trả tiền.

– Tôi chẳng tin vào những lời thề đó, Anđrêx nói. Bây giờ tôi mong có đủ tiền ăn đường để đi tới Xêviia hơn là tất cả những sự trả thù trên đời này. Nếu ngài có gì, hãy cho tôi ăn và mang đi đường. Chúc ngài ở lại bình an và cũng xin chúc tất cả các vị hiệp sĩ giang hồ gặp may mắn cũng như họ đã mang lại may mắn cho tôi.

Xantrô lấy ở trong túi ra một mẩu bánh mì và một miếng phó-mát, đưa cho chú bé và nói:

– Này, em Anđrêx, cầm lấy; thế là tất cả chúng tôi đây đều phải chịu một phần đau khổ của em đấy.

– Sao, các ông chịu phần nào? Anđrêx hỏi.

– Phần phó-mát và bánh mì đây, Xantrô đáp. Có Chúa biết cho rằng ta có đủ ăn hay không; ta nói để anh bạn biết rằng bọn giám mã chúng ta đi theo hầu các hiệp sĩ giang hồ thường bị đói khổ và còn gặp nhiều chuyện đau đớn khác mà không dám mở mồm kêu ca.

Anđrêx cầm lấy bánh và phó-mát, rồi thấy không ai cho thêm gì nữa, cắm đầu đi thẳng. Tuy nhiên, trước khi đi, chú bé bảo Đôn Kihôtê:

– Lạy Chúa, thưa ngài hiệp sĩ giang hồ, nếu lần sau ngài có gặp tôi, dù cho ngài thấy người ta đánh tôi nhừ tử, xin chớ ra tay làm chi và hãy mặc tôi vì nỗi đau khổ của tôi sẽ không giảm đi dù có sự giúp đỡ của ngài, một người mà Chúa nguyền rủa cũng như Chúa nguyền rủa tất cả những hiệp sĩ giang hồ sinh ra trên đời này.

Đôn Kihôtê định đứng dậy để trị thằng bé nhưng nó đã chạy mất tăm mất tích. Đôn Kihôtê rất ngượng về chuyện thằng bé Anđrêx, và mọi người thấy cần phải cố hết sức nín cười để chàng khỏi nổi khùng.

bức thư, tôi đã dùng nhiều câu chữ, gọi bà ta là linh hồn, là cuộc sống, là đôi mắt đẹp.

(Còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder