– Thế tao thắp nhang cho thằng út ở đâu?
– Tuy chú út mất trong trận đánh bảo về đảo Hoàng Sa năm 1974, nhưng là lính Sài Gòn nên không thể để chung được…
… Họ bảo, đây là căn nhà được xây cho người có danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Nhà bà Năm có chồng và hai con là liệt sĩ, chỉ mua đúng ba bát hương.
– Thế tao thắp nhang cho thằng út ở đâu?
– Tuy chú út mất trong trận đánh bảo về đảo Hoàng Sa năm 1974, nhưng là lính Sài Gòn nên không thể để chung được. Vì khi có các đoàn về thăm cuộc sống của gia đình chính sách, địa phương sẽ đứng ra giấy thiệu nhà ngoại. Nhỡ người ta hỏi: Nhà có ba liệt sĩ, sao lại có bốn bát hương thờ? Lãnh đạo rất khó trả lời…
Vất vả lắm chính quyền địa phương mới xây được căn nhà tình nghĩa cho bà Năm. Song khi khánh thành, bà lại cương quyết không chịu dọn về nơi ở mới. Các vị chức sắc họp bàn lên xuống, dùng nhiều biện pháp mong bà đổi ý. Từ tổ chức thành một đoàn đủ các thành phần, rầm rộ kéo tới thuyết phục. Cho đến những người trong họ tộc xa gần rủ rỉ đêm ngày. Thậm chí còn cử người ra tận Hà Nội, tìm gặp vị cán bộ cao cấp, người đã được bà Năm nuôi nấng trong những năm đen tối nhất của cách mạng nhờ nói giúp. Mong bà thông cảm cho cái khó của địa phương, dọn về ngôi nhà được xây theo sự gợi ý của ông trong một lần trở lại thăm chiến trường xưa. Song không may cho họ, ông đi công tác nước ngoài, chưa biết cụ thể ngày về.
Khi biết mọi người có ý định xây nhà tặng mình, bà Năm đã phản đối với lý do: Tao già rồi, sống được bao lâu nữa, nhà cửa làm chi cho tốn kém, ở đây gần đường ra nghĩa trang hơn. Đám đất, với số tiền ấy đủ xây cho lũ nhỏ một cái nhà trẻ, gom chúng lại mà coi.
Lãnh đạo địa phương ra sức thuyết phục, bà vẫn khăng khăng từ chối. Mãi tới khi nghe cô thư ký uỷ ban – người có họ xa với bà thủ thỉ – Chi phí xây nhà thấm sao được với những gì ngoại đã ủng hộ cách mạng. Sau này ngôi nhà sẽ được mang sử dụng theo ý nguyện của ngoại. Còn bây giờ nếu ngoại không đồng ý, địa phương sẽ chẳng được rót vốn. Số tiền đó lớn lắm! Hơn nữa đám đất ấy, nhiều người có thế lực đang nhăm nhe tranh giành nhau. Chỉ có phân cho ngoại, họ mới chịu từ bỏ mưu đồ giành giật. Ngoại có thể yêu cầu lãnh đạo ghi ngay trong giấy tờ nguyện vọng: Sau khi mất, ngôi nhà sẽ được sử dụng làm nhà trẻ. Ngoại không đồng ý, khác chi việc tạo cho những kẻ khác có cơ hội tranh giành, gây mất đoàn kết nội bộ. Trở thành nguyên nhân của việc tham nhũng. Bà gật đầu đồng ý, sau khi mắng cô gái: “Tổ cha bay! Giống hệt cái thằng cha. Chỉ được cái giỏi lý sự.”
**
Ngôi nhà nằm ngay trung tâm thị tứ, thuận cho mọi người tới thăm và tiện cho công tác tuyên truyền của địa phương. Kinh phí xây dựng được huy động từ nhiều nơi. Ngoài nguồn vốn qui định theo chính sách, còn có các khoản thu khác do doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bà con địa phương tình nguyện ủng hộ. Nhà được xây theo thiết kế của hội kiến trúc sư thành phố, nội thất được trang bị đầy đủ, phù hợp với sinh hoạt của người già.
Trước khi triển khai, lãnh đạo địa phương đã hỏi rất cặn kẽ, được bà Năm gật đầu mới cho tiến hành. Khi hoàn thiện, cô thư ký uỷ ban dẫn bà Năm tới xem, làm quen với nơi ở mới. Mong bà cho ý kiến về những gì chưa phù hợp, hoặc yêu cầu làm thêm điều chi. Trong lúc người có trách nhiệm hướng dẫn giải thích tỉ mỉ, bà lơ đãng gật đầu liên tục. Điều làm bà quan tâm là cái ban thờ được xây chính giữa căn nhà. Đó cũng là yêu cầu duy nhất của bà trước khi khởi công. Ban thờ phải chắc chắn, phù hợp với người già khi thắp hương không phải kê ghế. Bà mân mê các góc cạnh, xoa xoa từng viên gạch ốp. Khi thấy cô cháu gái để lên ban thờ mấy cái đế đặt bát hương làm bằng gỗ, được đánh véc ni bóng nhoáng, trạm trổ cầu kỳ, bà Năm hỏi nhỏ:
– Gì vậy mày?
Cô gái nhìn bà ngạc nhiên:
– Để tôn cao các bát hương.
Bà Năm cười móm mém:
– Sao phải làm thế? Từ trước đến giờ tao toàn đặt trệt – Bà lầm rầm đếm, rồi quay sang chỗ cô gái hỏi tiếp – Này, sao chỉ có chỗ để ba bát?
Cô gái giải thích:
– Tất cả đồ vật trong nhà được mua theo dự toán, chủng loại mẫu mã đều phải được lãnh đạo ký duyệt. Kể cả các bát hương.
– Nhưng ở nhà tao có bốn, một giành cho ông ấy, còn lại của ba thằng. Khi dọn nhà tao sẽ mang theo, không phải tốn tiền sắm cái mới đâu.
Cô gái đưa mắt nhìn quanh, nói nhỏ:
– Khi duyệt đến hạng mục mua những thứ bày trên ban thờ, các lãnh đạo tranh luận với nhau hăng lắm. Sau phải giơ tay biểu quyết như ở đại hội ấy.
– Sao phải tranh luận?
Cô gái cúi đầu thầm thì:
– Họ bảo, đây là căn nhà được xây cho người có danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Nhà bà Năm có chồng và hai con là liệt sĩ, chỉ mua đúng ba bát hương.
– Thế tao thắp nhang cho thằng út ở đâu?
– Tuy chú út mất trong trận đánh bảo về đảo Hoàng Sa năm 1974, nhưng là lính Sài Gòn nên không thể để chung được. Vì khi có các đoàn về thăm cuộc sống của gia đình chính sách, địa phương sẽ đứng ra giấy thiệu nhà ngoại. Nhỡ người ta hỏi: Nhà có ba liệt sĩ, sao lại có bốn bát hương thờ? Lãnh đạo rất khó trả lời.
Bà Năm nói to:
– Nhưng nó là con tao! Mà bọn bay làm nhà cho tao hay xây đền thờ cho lãnh đạo?
Dứt lời, bà bỏ ra về. Mặc cô gái khổ sở đi theo năn nỉ.
**
Ngôi nhà của bà Năm nằm cạnh con đường bí mật dẫn lên cứ trong những năm kháng chiến. Ngày ấy giao liên vẫn ngầm qui ước, lấy đây là điểm liên lạc mấu chốt. Mặc dù không thuộc quân của binh trạm nào, bà Năm luôn có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo sự an toàn của đường dây. Chỉ bằng những qui ước đơn giản, các chiến sĩ giao liên luôn biết được con đường đang yên, hay động. Sau chiến tranh, từ khi ngôi chùa nhỏ Vân Hạ trên đỉnh núi Ngọc được xây lại. Nơi đây trở thành điểm dừng chân của các phật tử hành hương.
Bước chân vào ngôi nhà của mình, bà Năm chăm chú nhìn các bát hương để chông chênh trên ban thờ, chân nhang dày đặc xiêu vẹo. Cái ban làm bằng nắp hòm đựng đạn pháo 105 ly, đặt trên bệ được xây bằng gạch đất trộn rơm xù xì. Bệ làm từ bao giờ chẳng rõ, mỗi khi có chỗ bị bong lở, bà Năm lại lấy đất ba dan trên đồi, nhào với rơm thật nhuyễn đắp bồi vào, rồi xoa cho nhẵn. Màu đất đỏ xẫm xen lẫn đám rêu mốc loang lổ trông như những vết máu. Bà châm hương, chắp tay lầm rầm khấn vái. Những nén hương xiêu vẹo lập loè, hay cặp mắt của các linh hồn đang nhấp nháy. Phải chăng nó cũng giống việc gật gật đầu, giơ tay biểu quyết, hay bỏ phiếu kín của người sống khi được hỏi về các vấn đề khó nói.
Kịch bản chương trình buổi lễ trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách được thông qua, giấy mời đại biểu về dự lễ đã gửi. Các phương tiện thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền sẵn sàng vào cuộc. Nhưng bà Năm cương quyết không chịu rời căn nhà ven đồi. Lãnh đạo vẫn giữ nguyên quan điểm.
Chính quyền địa phương đang lúng túng tìm phương án giải quyết thì nhận được tin, các cụ già của khu đang tụng kinh ở nhà bà Năm, có cả sư cô trụ trì chùa Mây Hạ tham dự. Chính quyền nhanh chóng thống nhất phương án, nhờ sư cô đứng ra làm người thuyết pháp.
Chủ tịch mặt trận tổ quốc cùng cô thư ký được cử làm nhiệm vụ: Truyền đạt ý nguyện của cấp trên, mong sư cô giúp đỡ. Không khí trang nghiêm của buổi lễ, khiến hai người nhìn nhau, lặng im tìm một chỗ trống ngồi chờ đợi.
Sư cô lấy trong tay nải một vật được gói cẩn thận bằng giấy trang kim, giảng giải:
– Chiếc bát hương này được một phật tử làm từ đá lấy trong núi Ngọc tặng nhà chùa. Nay ta trao lại cho thí chủ, kèm theo ba chân nhang được lấy từ ban thờ Phật – quay sang phía bà Năm sư cô hỏi – Trong bốn người thân đã mất, bây giờ thí chủ thương ai nhất?
– Đệ tử thương nhất thằng út!
– Tại sao?
– Tuy cả bốn người nhà đệ tử đều không tìm thấy nơi chôn cất. Song ông ấy và hai đứa kia đều có tên ghi trong tấm bia thờ các liệt sĩ. Vào các dịp lễ hội, vẫn được mọi người thành kính nhắc tới. Hàng ngày biết bao nhiêu người từ mọi miền đất nước đến đây tìm thân nhân, bao giờ họ cũng thắp hương cho cả những nấm mồ liệt sĩ vô danh. Biết đâu trong số đó có cả người thân của đệ tử. Còn thằng út thì…
Thấy bà Năm nghẹn ngào, sư cô nói:
– Nay ta lấy ở mỗi bát hương trên ban, một chân nhang cắm vào đây. Bây giờ thí chủ thắp thêm ba nén nhang vào tất cả các bát. Khi nhang cháy hết, bát cũ đã tròn trọng trách. Còn các hương linh sẽ được qui tụ hết vào chiếc bát hương này. Ta sẽ mang lên chùa tụng kinh theo tâm nguyện của thí chủ.
Mùi thơm cuả hương, của hoa toả ngát căn nhà. Mọi người chắp tay, cúi đầu thành kính. Tiếng mõ xen lẫn tiếng tụng kinh đều đều tràn ngập cả không gian. Bất chợt những bát hương trên ban bùng cháy. Mọi người có mặt xôn xao, sư cô bình thản:
– Như vậy tâm nguyện của chúng ta đã được chấp nhận! – Quay sang phía bà Năm, sư cô nói tiếp – Giờ thì thí chủ có thể an tâm thực hiện nốt những điều cần làm rồi.
Hương trong chiếc bát đá cháy hết, tàn cuộn cong lại, giống như những dấu chấm hỏi.
T.N.D