Trong số các nhà thơ Hải Phòng, có không ít người đã từng kinh qua lực lượng vũ trang. Một trong số đó là nhà thơ Kim Chuông. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2014), vanhaiphong.com xin giới thiệu chùm thơ “Đêm chiến trường Chính trị viên viết bài thơ chiến sĩ” được ông viết tại chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong số các nhà thơ Hải Phòng, có không ít người đã từng kinh qua lực lượng vũ trang. Một trong số đó là nhà thơ Kim Chuông. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2014), vanhaiphong.com xin giới thiệu chùm thơ “Đêm chiến trường Chính trị viên viết bài thơ chiến sĩ” được ông viết tại chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhà thơ Kim Chuông tại buổi gặp mặt đầu Xuân của Hội Nhà văn Hải Phòng (tháng 2/2014)
ĐÊM CHIẾN TRƯỜNG
CHÍNH TRỊ VIÊN VIẾT BÀI THƠ CHIẾN SỸ
Nhận mệnh lệnh tiến vào đánh địch
đơn vị trườn lên quanh vành trăng đỉnh dốc
đêm chiến trường nghe trời đất bao la
Chính trị viên bồi hồi
mắt nhìn rất xa
đang viết dở bài thơ chiến sĩ
chưa viết được lòng nặng đầy suy nghĩ
đêm trở trăn sao chấm đỏ trời hoa
Chính trị viên ngồi im
nghe đêm thở
trăng nhòa trên ngọn bút
nhìn đồng đội anh ghi thêm chi tiết:
…
Trận đánh địch trên ngọn đồi 81
khẩu đội Một
kéo pháo ra công sự
mang lên đỉnh cao cho đủ sức diệt thù
chiến sĩ Thu
(Anh em gọi nhà thơ đại đội)
quần xắn cao trèo lên bom nổ chậm
ai hỏi
chỉ cười duyên trong mắt
“Chiến sĩ chiến trường là giành giật từng giây”…
Khẩu đội 3 hì hục đêm ngày
bày trận địa dử quân thù đến đánh
anh nuôi Tính
nằm ngửa trên cầu bắn ó Mỹ rơi
“Trợ lý tình cảm”(1)
thay pháo thủ số 2
pháo tắc nòng lấy tay thông đạn
“Xê” trưởng, C3 vươn cao người làm giá bắn…
Chính trị viên dừng lại
chi tiết bộn bề đọc chẳng ra thơ
anh thoảng cười như gió động trăng lu
“Thơ chiến sĩ phải thật là tình cảm…”
Nhưng có lẽ chưa ai viết được
mưa đông giá buốt
tuyết rừng lạnh xương
nắng hạ cháy lưng
gió đèo hun hút
chiến sĩ là Tim
máu hồng Tổ quốc
mà đất nước thở căng trong lồng ngực
chiến sỹ mang đi…
Súng – vươn trước ngực
vai – nặng ba lô
tay – giữ cò ghìm chặt
mắt – dõi hướng tầm xa
chân – đạp bom đạn giặc
tai – nghe tiếng gọi dồn
thấy tim sôi trong ngực…
Viết mãi mà chưa hết
Chính trị viên điền thêm chữ vân vân
nhưng nghe xưa nay
trong thơ
chưa thấy có ai làm
trìu tượng, bao la mà rất gần, rất gần
Chiến sĩ!
chính ta
là ta
như ta…
Chính trị viên nghĩ thêm đoạn kết.
Chiến sĩ ư? Đâu chỉ là chiến sĩ
là vóc tầm thế kỷ
là Ấp Bắc, Điện Biên
là Tây Nguyên hùng vĩ
những Sư đoàn…
Tổ quốc trăm miền
vang lên
chiến sĩ – chiến công
sức ngang tầm lịch sử bốn nghìn năm
mắt dõi nhìn suốt chiều sâu chế độ
vào trận đánh bằng nghìn độ lửa
của căm thù
và tình yêu
dang dở
nợ nần
chiến sĩ – tâm hồn thời đại Nhân Dân
– Và chính là chiến sĩ!
Đoạn cuối bài thơ chính trị viên viết dở
bỗng thấy lưng đèo tiếng súng râm ran
đồn địch cháy chân trời hồng rực
lửa bom lan trong lửa đỏ trăng vàng
Chính trị viên phút giây bỡ ngỡ
nghe ngang đèo tiếng hát bay sang
và,
gió lòng thơ
nổi dậy
mở thêm trang…
Sau những ngày theo E2 – Trung đoàn chiến đấu
Tháng 2/1971
________
(1) Anh em gọi vui chiến sĩ quân bưu
CHỊ NHÀ THƠ
VÀ VÙNG TRỜI HỎA TUYẾN
Nữ thi sĩ nhân chuyến đi hỏa tuyến
Ghé vào trung đoàn pháo thăm em
“Ở đâu, Lê tính ơi, chị đang tìm đến
Đứa em anh hùng đất nước gọi tên”
Giữa chiến trường chị nhà thơ tìm em
Gặp chính ủy dưới lòng địa đạo
Hai người khom lưng bước vội
Theo bậc thang xuống hầm chữ A
Hòm đạn kê làm bàn uống trà
Câu chuyện chợt ngừng vì bên ngoài súng nổ
Xong trận đánh, chị nhà thơ đề nghị
“Chính ủy cho tôi gặp Lê Tính anh hùng”.
Điện thoại kê ở một góc hầm
Quay hồi chuông, Chính ủy cầm ống nói
“Lê Tính đâu? A lô, Lê Tính hả?
Lê trung đoàn.
Mau!”
Chị nhà thơ ngồi chờ hồi lâu
Chợt cửa hầm một người bước đến
Chính ủy giới thiệu”
“Đây, anh hùng Lê Tính”
Chị nhà thơ ngạc nhiên.
Lê Tính đây ư, chị chưa hề quen
Khuôn mặt trái xoan trẻ hơn đôi mắt
Chị xúc động nghe tim đập gấp
Vậy Lê Tính, em trai mình đâu?
Hút gần tàn điếu thuốc D’Rao
Chị nhà thơ sẽ hỏi
“Thưa chính ủy,
“E” đồng chí có “Lê Tính thông tin,” không ạ?
“Lê Tính thông tin, em trai tôi đó”
Chính ủy gất đầu: “Có”
Chợt nhớ ra, chính ủy cười vang
“Trung đoàn tôi, hai Lê Tính anh hùng”
Chị nhà thơ thoáng như lạ lùng
Chuyện tình cờ thăm em nơi hỏa tuyến
Chị đã gặp những chủ đề rất lớn
Đất nước anh hùng, trùng tuổi , trùng tên!
E2 – 1971
K.C