Em là cô thanh niên xung phong – Truyện ngắn: Phạm Hoa

 

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Em là cô thanh niên xung phong” của nhà văn Phạm Hoa in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.

NHÀ VĂN PHẠM HOA

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: PHẠM VĂN HOA. SINH NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 1952. QUÊ QUÁN: XÃ VĨNH YÊN, HUYỆN VĨNH LỘC, TỈNH THANH HOÁ. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: TẬP THỂ VÂN HỒ, HÀ NỘI. HỌC XONG PHỔ THÔNG TRUNG HỌC ĐI BỘ ĐỘI (1970). NHIỀU NĂM CHIẾN ĐẤU Ở ĐOÀN 559 (SƯ ĐOÀN 571). NĂM 1979 ĐƯỢC CỬ ĐI HỌC TRƯỜNG VIẾT VĂN NGUYỄN DU (KHOÁ I). TỐT NGHIỆP ĐƯỢC ĐIỀU VỀ LÀM PHÓNG VIÊN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH QĐND. SAU ĐÓ LÀM TRỢ LÝ, TRƯỞNG PHÒNG VHVN RỒI PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC TƯ TƯỞNG – VĂN HOÁ TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ. HÀM ĐẠI TÁ.

 

EM LÀ CÔ THANH NIÊN XUNG PHONG

Cái tức nhất của thằng lái xe là lúc này. Đang chạy số bốn, số năm vù vù, phải dừng lại trước một ngã năm, ngã bảy không biết đi lối nào! Tôi nhảy khỏi buồng lái hậm hực, muốn quát tháo, mắng mỏ một câu cho hả dạ. Nhưng chung quanh tôi nào có ai.
– Trước mặt tôi là ngã ba Xóm Vắng, cái tên người ta gọi và trong bản đồ tác chiến, cũng ghi như vậy. Đây không phải ngã ba, mà là một ngã bảy! Các con đường xòe ra như một bàn tay, lối nào cũng lầy lội, chồng chéo vết xe, vết pháo. Tôi biết đại đội pháo của trung đoàn tôi trả hàng cách còn xa lắm. Từ đây tới biên giới cũng gần. Bọn lính Pôn Pốt vẫn thường bắn pháo lớn quấy rối các làng xóm lân cận.
Biết làm sao, biết trách ai lúc này? Tôi thở dài bực dọc, nghĩ – Tự tìm đường bằng kinh nghiệm con nhà nghề vậy. Tôi nhìn dây điện, ngả nào cũng chằng chịt! Tôi tìm một vệt khói nhoi lên trong rừng: không có một sơi nhỏ gọi là! Tôi cố gắng lắng nghe tiếng động, rừng chìm trong cái yên tĩnh đến phát sợ của hoàng hôn! Xa xa có ánh lửa lập lòe, nhưng đó lại là một xóm nhỏ.
Bỗng từ xa có tiếng chân bước. Tiếng người đi chậm rãi, thong thả. Một người vừa đi vừa suy nghĩ. Tôi châm thuốc, yên trí đợi. Một chốc, càng rõ dần tiếng bước chân lội ào qua các vũng nước. Từ trong một lối mòn, cô gái cắm cúi đi ra, chiếc mũ cứng úp sụp trước mặt.
– Có phải anh trả hàng cho đại đội sáu không?
– Sao cô biết?
– Biết chứ! Bọn em đào trận địa cho đơn vị ấy mà. Cũng sắp đến rồi anh a. Đi em dẫn đường cho.
Cô gái nói mà không nhìn tôi. Lạ, cô thản nhiên mở cửa xe bước lên, không chờ tôi chào mời. Cô không biết lái xe là những người khó tính hay sao? Rất may cho cô, tôi chưa kịp nói câu nào đã nhận ra người con gái này vừa khóc, hai mắt cô đỏ hoe. Tôi ngồi vào ghế, máy nổ xình xịch, sắp chạy, lại nhận thêm ra một điều nữa ở cô: không những khóc, mà cô còn đang đau khổ vì một điều gì đó. Vẻ mặt cô hờ hững, lạnh nhạt. Cô đóng sầm cửa ngồi gọn trong buồng lái, hai mắt mệt mỏi nhìn về phía trước. Từ lúc đến đây, cô vẫn chưa nhìn tôi.
Cô nói, tiếng thủ thỉ, cố gắng nghe mới được:
– Độ hai cây số rẽ phải là tới, anh ạ.
– Cô đi về đâu?
– Em đi thăm bạn em.
– Trai hay gái?
– Bạn gái! Con bé cùng xã anh ạ. Hôm qua, chúng nó bắn pháo sang. Tội nghiệp. Trung đội chạy ra cứu hầm đạn mà chỉ mình nó bị!
– À ra vậy!
Tôi thốt lên, đạp ga cho xe chạy. Tôi lại nghe cô gái khóc nữa. Tiếng khóc lặng lẽ, không thành tiếng. Đi một lát, tôi biết cô là Hạnh. Các cô thuộc trung đội thanh niên xung phong đang phối hợp với đại đội pháo. Người con gái này không chú ý đến tôi, cũng không cần biết tôi là ai. Cô chỉ biết có vết thương của bạn. Cô đang nhớ. Đang thương, đang bị giầy vò về nó. Trông cô thoáng có vẻ tiều tụy, đau thương, mái tóc dày hơi rối dưới vành mũ. Một vài sợi vương xòa trên mặt.
– Nó tốt lắm anh ạ – Cô chợt kêu lên – Nó dũng cảm lắm! Hôm nó đi áp tải một xe đạn vào vùng K1 thì gặp ngay một tốp thám báo Miên. Bọn này bắn hỏng xe ta ngay từ loạt đầu. Anh lái xe núp sau một gốc cây cụt. Nó chạy vòng ra sau xe một đoạn và kêu lên. Nó kêu cốt để tụi lính biết nó là con gái. Tưởng có thể nuốt sống được nó, tụi lính lốc nhốc bò dậy từ tảng đá ven suối. Tên chỉ huy khoát tay ra hiệu bao vây. Chúng chưa kịp tản ra, anh lái xe đã bắn. Hai tay súng quét mấy loạt đạn, một thằng chết, những đứa còn lại chui vào rừng, chạy mất. Trò đời thế đấy anh ạ, nhiều trận đánh ác liệt không sao, trận pháo loàng xoàng, nó lại bị. Một mảnh pháo nhỏ bắn qua thái dương. Có khi mắt phải của nó mù mất, anh ạ.
Câu chuyện làm tôi bỗng nhớ những ngày đánh Mỹ. Trong cuộc chiến tranh vĩ đại lần trước, đất nước đã có biết bao nhiêu người con gái thanh niên xung phong… Họ đã lặng lẽ hy sinh tuổi thanh xuân của mình để có ngày hôm nay. Lần này, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, các cô gái lại tiếp tục có mặt ở tiền tuyến, hai thế hệ đều ra trận, họ có gì khác nhau không?
Hạnh kể lại. Cô kể với giọng thổn thức, tin cậy, không cần biết tôi đang nghĩ gì.
– Suốt đêm qua, nó chả ngủ được anh ạ. Nó bắt em viết thư bảo người yêu nó đang dạy học hãy quên nó đi. Còn nó sẽ chịu thiệt thòi, chả bao giờ yêu ai, chả bao giờ lấy ai nữa. Nó cao thượng quá, nhưng cũng bi quan quá, có đúng không anh? Nó nói với em như vậy, rồi nó khóc. Nó gào lên không cho ông bác sĩ mổ mắt. Nó bắt ông phải chữa khỏi cho nó. Tội nghiệp con bé, hễ thấy tiếng lách tách như tiếng dao kéo nó lại túm lấy em, cứ như em là người có thể bảo vệ được mọi thứ cho nó vậy. Sớm nay, tưởng mệt, nó sẽ thiếp đi. Em hỏi bác sĩ: “Thủ trưởng ơi, một tháng rưỡi nữa, con bạn em có lành không?”. Nó lồm cồm dậy gắt lên với em: “Một tháng là thế nào. Mười lăm ngày nữa tao về!”. Em chạy lại ôm lấy nó, khóc. Nó bịt miệng em lại không cho khóc. Em vẫn khóc nó bực đuổi em về. Một điều không ai ngờ, cũng sáng nay, nó lại gọi bác sĩ đồng ý cho ông phẫu thuật mắt phải.
Hạnh càng kể, tôi càng thấm thía nỗi buồn của cô. Trước đau thương của cô gái, tôi thấy mình như một người có lỗi! Cần nói điều gì với Hạnh trong lúc này? Cần làm việc gì cho các cô, hỡi những cô thanh niên xung phong?
Ý nghĩ lãng mạn ấy của tôi thật không đúng lúc. Điều không ngờ tới đã xảy ra. Xảy ra trong nháy mắt. Bọn địch bắn pháo! Hạnh vụt đứng dậy, mở cửa.
– Nó bắn! Kệ nó anh nhé. Cuống lên là chết cả đấy!
Trái đầu tiên quá tầm vọt ra giữa cánh đồng trống. Quả thứ hai, thứ ba chụm rơi đúng khu vực ngã ba. Chúng bắt đầu bắn hàng loạt, cấp tập. Chớp lửa lòe lên, sạt ngang bên tai. Tiếng đạn bay rú điên loạn. Hạnh bám chắc cánh cửa. Cô ngửa mặt nhìn làn đạn. Một chân cô giẫm lên mép bia, chân còn lại, đạp lên tai xe, thế đứng lao về phía trước, vững trãi! Cô vẫn ngoái cổ, nhìn làn đạn pháo đang rút tầm bắn lùi dẫn về phía sau.
– Bên này! – cô quát lên – Bên kia nữa!
– Theo tay Hạnh, tôi đưa xe vào rừng. Chiếc xe lách qua những gốc cây, những gò đất. Tôi biết mình đã mất bình tĩnh, tay lái không được chính xác cho lắm. Trước Hạnh, thật là nhục nhã nếu mình chứng tỏ là một thằng hèn nhát. Chết cũng phải vững tay lái xe.
Xe của tôi chồm qua những lùm cây, đè nát lau lách.
Hạnh vẫn nhìn đạn pháo chuyển làn, nhìn đường. Nhưng không thể nào kịp được. Chúng tôi đang nằm gọn trong tọa độ bắn của địch.
Một quả nổ sát sạt, hất chiếc xe bổng lên, khối đất lớn ném vào buồng lái. Cùng một lúc, động cơ có tiếng khùng khục. Tôi biết máy đã bị vỡ. Một mảnh đạn pháo to như bàn tay xé buồng lái bắn vào sau lưng tôi. Tôi vừa buông tay lái, chiếc xe đã khựng lại, chết máy.
Hạnh hét lên:
– Anh lái xe! Anh lái xe ơi…
– Cháy rồi… Xe cháy mất rồi…
Rõ ràng có tiếng lửa bén rào rào. Tôi nhăn mặt lắp bắp kêu lên những tiếng cuối cùng. Hạnh hoảng hốt lao vào buồng lái gạt tay tôi đang chới với trước vô lăng. Cô ghé sát vào mặt tôi gọi ầm lên:
– Anh lái xe… Anh lái xe ơi… Anh chết rồi à?
Tôi chưa chết. Tôi vẫn còn nghe Hạnh gọi. Tiếng Hạnh thở hổn hển, hơi nóng từ miệng cô phả ấm mặt tôi. Tất cả tiếng động bỗng nghe xa xăm như trong một giấc ngủ.
Tám, chín năm phục vụ chiến trường, lần này là lần đầu tôi bị thương khá nặng. Đó cũng là kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời bộ đội của tôi. Lúc tôi tỉnh dậy đã là ban đêm. Hai cô gái cáng tôi bước hẫng xuống vũng bùn, chiếc cáng lăng mạnh làm tôi đau điếng, mở choàng mắt. Tôi nhận ra lưng bị trói cứng vì những lần băng dày.
Mùa thu, gió vờn nhẹ trên cánh đồng bỏ hoang phảng phất mùi cỏ tươi. Trời se lạnh. Mảnh trăng nhỏ bỗng như vọt lên cao hơn mọi ngày. Hai cô gái cáng tôi là những người vui tính. Họ vừa đi vừa nói chuyện rúc rích. Theo sau, lẽo đẽo một anh y tá pháo binh. Tôi nghĩ thầm, chắc Hạnh không có ở đây. Hai cô gái này không buồn như Hạnh. Họ vui vẻ lắm, nói to, cười to. Còn Hạnh thì nói nhỏ, nói thầm thì, cười cũng khe khẽ. Hạnh là cô gái trang nghiêm, sâu sắc và rụt rè cơ. Cô đi đầu bỗng cười rúc rích… Cái cổ trắng ngần ló ra thấp thoáng.
– Lái xe như anh này dũng cảm ra phết. Cứ như anh chàng hôm trước nó mới bắn một loạt đạn đã lao xe xuống hố. Bọn mình ra chống lầy, bọn mình quát cho. Ông ấy xấu hổ quá, phát khùng lên. Buồn cười lắm…! Anh này… cháy thì kêu cứu, bị thương cũng không kêu ca. Khá đấy!
– Một thanh niên đẹp trai, rất đáng yêu nữa chứ!
– Ì! Cái con này.
– Tao thấy đẹp, tao bảo đẹp chứ sao? Tao có bảo mày khen anh ta là mày thích anh ta đâu? Gớm, cứ tưởng như đùa một câu đã dính chặt vào nhau ấy.
– Con này bạo thật. Có im đi không nào?
Tôi giật mình, Hạnh à? Thế cô gái đi đầu là Hạnh thật Tôi nhận ra dáng người thon thả của cô. Cười đấy, nhưng lại rụt rè ngay đấy. Họ lại đùa tiếp:
– “Ông” cũng làm bộ lắm cơ! Thế tớ hỏi: đứa nào khóc ban nãy, hả? Khóc cái gì? Khóc là thương, khóc là yêu! Có trường hợp đâm xe đạp vào nhau, kéo nhau vào công an lập biên bản, sau thành quen, thành yêu, thành vợ chồng đấy thôi! Tình yêu thường bắt đầu từ một kỷ niệm mà lại!
– Ờ! Cái con này dơ dáng! Tao cấm mày nói nữa. Anh ấy tỉnh dậy rồi đấy. Người ta lại cười cho xấu hổ cái mặt lũ con gái hay vơ vào!
Hạnh ngoái vào cáng xem tôi ngủ hay thức. Tôi vờ nằm im. Tôi nghĩ, các cô chỉ đùa cho vui thôi. Giữa cánh đồng trống, cần có tiếng cười lắm chứ. Nhưng, Hạnh khóc vì tôi thật sao? Tôi bỗng thấy thương Hạnh lạ lùng. Cô con gái từng chịu vất vả, ác liệt, lại là người phải khóc nhiều vì thương bạn, thương đồng đội đó ư?

II.
Tôi được đưa tới bệnh viện quân y quân đoàn ngay trong đêm. Vào ngày thứ hai, tôi biết tin: xe của tôi bị hỏng nặng đã được kéo vào đại đội pháo trả hàng. Vết thương của tôi không nặng, nhưng chỉ một tí nữa, mảnh pháo lướt nhẹ vào cột sống, cũng đủ để mãi mãi tôi không trở lại đại đội sáu nhận xe, gặp lại Hạnh nữa. Một tin khác cũng quan trọng đối với tôi trong những ngày ấy: chúng nó bắn pháo sang nhiều, nhất là vùng ngã ba Xóm Vắng.
Viện quân y dựng núp trong những vườn cây um tùm của một xóm người Chàm. Có thể nói ở đây rất vui. Đông người ra vào. Các chiến sĩ gái mặc áo blu trắng toát, thấp thoáng trong những đám lá xanh. Trẻ con hay chơi với các chú thương binh, giúp họ tập đi, nghe các chú kể chuyện, dạy hát. Ngày nào tôi cũng đẩy xe lăn ra ngõ nhà mẹ Mát trong xóm Chàm. Ở đây, có lối ô tô rộng chạy thẳng ra ngã ba Xóm Vắng. Tôi ngồi ở đó nhìn bầu trời bề bộn mây trên vùng giáp ranh mà thấy ngày dài khủng khiếp. Bụng như có lửa đốt, nhất là những khi có tiếng pháo lớn bắn loạn xạ. Chớp lửa nháy lên tận chín tầng mây. Những tiếng nổ đì đùng, xa xôi như tiếng sấm của một trận mưa rào.
Tôi nhớ Hạnh! Lắm lúc nghĩ thật lạ. Sợ pháo bắn vào đơn vị, Hạnh sẽ bị thương. Nhưng lại mong một chiếc xe hồng lao vụt đến, đem Hạnh đến cho tôi! Chao ôi! Nỗi nhớ bồn chồn khiến tôi phát ghét cái đồi ở cửa vùng làng Chàm, ghét luôn cô y tá xinh đẹp tận Quảng Bình cũng nhận tôi là đồng hương! Cô ân cần chăm sóc tôi với thái độ khang khác. Thấy tôi gầy rộc đi, cô khóc. Tôi khuyên cô không nên khóc mà trong bụng vừa buồn cười, vừa khó chịu.
Thật là! Tôi đã yêu! Thế ra người ta vẫn có thể yêu một cô gái mà người ta chỉ mới gặp có một lần! Hạnh đã nhen vào lòng tôi cái ngọn lửa tình yêu và nỗi nhớ vừa làm người ta sung sướng, vừa làm người ta khổ sở! Tôi sẽ nói thẳng điều đó cho Hạnh biết, rồi thế nào cũng mặc. Hoặc Hạnh chấp nhận tình yêu của tôi, hoặc cô sẽ ngạc nhiên nhìn tôi rồi phá ra cười cũng được. Nghĩa là tôi sẽ nói ra, thẳng thắn.
Thời gian chậm chạp qua đi từng ngày. Chính những ngày nằm viện rỗi rãi, tôi mới nghĩ Hạnh là một cô gái đẹp. Một vẻ đẹp người ta không thấy hết bằng mắt thường. Hạnh có khuôn mặt trái xoan, trắng trẻo. Lúc Hạnh ghé sát vào mặt tôi gọi ầm lên, tôi bỗng thấy đôi mắt Hạnh sáng kỳ lạ, vừa thảng thốt, vừa trang nghiêm. Đôi mắt ấy thông minh và sâu thẳm. Hạnh có vẻ đẹp rất thực như bất cứ vẻ đẹp tự nhiên nào của các cô gái nông thôn. Cô thanh niên xung phong ấy chỉ biết nghĩ đến người khác, không nghĩ đến mình.
Vào một buổi sáng, cô y tá Quảng Bình lại chạy đến đầu giường tôi. Cô đứng một lúc lâu rồi gọi:
– Anh Kỳ!
– Hả?
– Anh sắp được ra viện!
Tôi lồm cồm bò dậy hỏi với vẻ sốt sắng:
– Thật à? Bao giờ? Tôi sắp được trở về đơn vị thật ư?
– Anh thật là ác!
Không trả lời tôi, cô y tá quát lên giận dỗi, nức nở, chạy vụt ra khỏi lán. Tôi hiểu lòng cô nhưng lại chạy ngay đi tìm đến bác sĩ. Họ cho tôi ra viện thật. Tôi đến quản lý thanh toán giấy tờ. Chưa bao giờ tôi ghét cái bệnh nguyên tắc vặt của mấy ông quản lý đến thế. Tôi cãi nhau với anh ta. Vì phải chia tay, đến chào mẹ Mát nên khá lâu tôi mới ra được con đường lớn.
Bây giờ tôi mới sực nhớ đến cô y tá Quảng Bình. Chao ôi! Tôi thương cô quá. Một bóng áo blu thấp thoáng sau cây lê ki ma thấp lè tè. Một khuôn mặt tức tưởi khóc…
Sẽ viết thư cho bạn, cô y tá thân mến ạ. Tôi nghĩ rồi chúi vào con đường rộng chạy về ngã ba Xóm Vắng. Hạnh, chỉ có Hạnh đang chờ tôi, thôi thúc tôi.
Qua hai tiếng đồng hồ, vừa đi vừa chạy, mồ hôi đầm đìa lưng áo thì ngã ba Xóm Vắng hiện ra. Tôi ngơ ngác chốc lát. Cảnh vật nơi đây đã lạ đi nhiều. Vết xe chạy dày hơn, con đường như tòe ra, sắp phải đắp lại. Hố pháo dày, cày tơi tả cánh đồng trống. Rừng cháy sát sườn núi, trơ ra những tảng đá to bằng gian nhà.
Tôi đã tìm được trung đội thanh niên xung phong. Họ đã tách ra khỏi đại đội pháo đang đào hầm hố, kiến thiết một kho dã chiến. Những ngôi nhà dựng kín đáo dưới lùm cây. Xung quanh, hầm hào từng cụm, chi chít, có một cô nuôi quân đang hì hục trẻ củi nấu cơm. Chị đại đội phó trực tiếp chỉ huy trung đội ân cần tiếp tôi.
– Anh quen Hạnh lâu chưa ạ? – Chị đại đội phó rót nước mời khách, tủm tỉm hỏi.
– Hôm nọ, xe của tôi bị đánh ở ngã ba…
– À… Thế anh là Bình?
– Không! Tôi là Kỳ.
– Anh Kỳ? Thế anh bị đánh hôm nào? Có phải ngày mồng mười?
– Không! Tôi bị đánh cách đây đã một tháng rưỡi rồi cơ. Tôi mới ở Viện ra.
Chị đại đội phó đăm chiêu suy nghĩ.
– Anh thông cảm. Ở đây vừa rồi nó bắn nhiều. Cũng có nhiều xe bị hỏng, không nhớ hết được. Anh cứ yên tâm ngồi chờ, Hạnh sắp đi làm về đấy.
Chị đại đội phó chạy xuống bếp căn dặn chia thêm cho tôi một suất cơm. Quả như lời chị nói, đã có tiếng bước chân đi rậm rịch vào lối mòn. Mọi người cùng về một lúc. Cái sân vắng bỗng ồn ào tiếng người. Các cô xếp xẻng vào một chỗ, ẩy vai nhau, tranh chiếc gáo múc nước. Thật khó lòng nhận ra Hạnh trong đám đông. Cô nào cũng đội mũ, cũng bịt khăn che mặt, cũng nói thanh thanh. Chị đại đội phó len vào, đập tay vào một cô gái, tôi mới biết đó là Hạnh. Hạnh đứng giữa đám đông, chị đại đội phó nói nhỏ với Hạnh, cô nhìn vào nhà, rồi chạy vụt mất.
Nhà bên đã có tiếng trêu chọc. Họ nói to lắm.
– Thích quá đi mất! Đang đói, người yêu đến cũng no. Trưa nay tao ăn suất cơm mày, Hạnh nhé!
– Mình trông mãi, cái anh pháo binh nhà mình cũng không dám sang đây. Người ta xa xôi cách trở vẫn đến thăm nhau. Hạnh mày hạnh phúc quá…
Tôi không thể bình tĩnh được, ngồi thụt vào trong nhà, người nóng ran như sắp lên cơn sốt. Tôi chưa lần nào bị xấu hổ đến như vậy. Rồi sẽ chèo chống ra sao giữa những cô gái nghịch như quỷ này? Tôi vội cúi đầu giấu mặt. Đã có vài cô gái thập thò ở cửa ngó vào. Có cô còn táo tợn giả vờ khát nước vào ban chỉ huy xin một bát.
Hạnh đi ra từ cửa. Trông cô khác hẳn. Cô đã trải tóc. Đã mặc một cái áo cánh hoa. Cô đi sang nhà chỉ huy. Chị đại đội phó nhổm khỏi ghế đón Hạnh. Đến cửa, mặt Hạnh đỏ bừng nhìn tôi, bỗng cô chạy vù ra sân. Cô giẫy lên, đấm túi bụi vào lưng chị đại đội phó cười sặc sụa.
– Chị thì chị “chết” đi nhé. Sao lại lừa em? Hả? Nghe chị bảo, em đã không tin. Anh ấy tận trong Hà Tiên, ra đây sao được. Mặc chị! Em bắt đền chị đấy.
– Ơ! cái con này! Anh ấy hỏi cô mà lại. Hạnh thanh niên xung phong. Ở đây chỉ có mỗi mày?
– Không! Không!… Em bắt đền. Mặc chị. Em không biết anh ấy là ai cả.
Một tình thế thật khó xử! Tôi đến thăm Hạnh. Hạnh không nhận. Tôi đã nhớ cô đến cháy lòng thì lại được đối xử như một người không quen biết! Tôi bước vào sân, thất vọng buồn bã hơn là xấu hổ.
– Hạnh không nhận ra tôi à?
Hạnh không nhớ tôi thật. Cô lặng lẽ nhìn tôi hồi lâu. Tôi phải nhắc lại trận pháo, Hạnh mới à lên. Cô vui vẻ mời tôi vào nhà. Không khí thân mật trở lại.
Lần gặp ấy qua đi. Tôi lái xe phục vụ chiến đấu. Nay đi Xóm Vắng mai qua Ba Trúc, bận rộn không lúc nào nghỉ. Từ đó, tôi chưa gặp Hạnh. Tôi vẫn chưa nói được với người con gái ấy điều tôi quyết tâm ở viện quân y, nhưng mãi mãi tôi sẽ không nói ra được nữa. Không biết những ngày này Hạnh ở đâu? Chúng tôi như những con chim nay đây mai đó, còn Hạnh thì đã rời ngã ba Xóm Vắng. Thế đấy! Khắp một dải đất miền biên giới tây nam Tổ Quốc biết bao giờ chúng tôi sẽ gặp nhau?

Đông Hà, ngày 10 tháng 10 năm 1978
P.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder