Gặp họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Nghiêm – Bài viết của Nguyễn Long Khánh

 

Kết thúc trại sáng tác của hội điện ảnh Việt Nam ở Vũng Tàu, mình về Sài Gòn ở lại ba ngày. Gặp lại bạn bè cũ, những người ở tuổi tri thiên mệnh cả rồi. Một trong những bạn bè tình sâu nghĩa nặng ấy, mình thật vui khi gặp họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Nghiêm, quê ở An Hòa, Vĩnh Bảo, người đồng hương thành phố Hoa Phượng Đỏ của mình. Đi với nhau giữa trưa nắng nóng 38 độ, ngồi sau xe máy cùng Nghiêm len lỏi trên đường phố đông nghẹt xe cộ và người của Sài Gòn thấy nao nao, xúc động vì buổi gặp gỡ đáng nhớ này.

Buổi trưa ngồi với Nghiêm ở một nhà hàng cổ kín đáo, dân dã ở đường Huỳnh Tịnh Của, Nghiêm ưu ái gọi cho mình món lươn chiên giòn và rau bí xào tỏi rất Bắc Kỳ. Ngồi nhâm nhi với nhau nghe kể chuyện về những chuyện đã qua của đời Nghiêm, mình thấy bàng hoàng. Cả tuổi trẻ của Nghiêm ở miền quê trôi qua những cay đắng , oan khiên. Bố Nghiêm một người yêu nước hoạt động bí mật che chở cho cán bộ cách mạng , nhưng cải cách ruộng đất vẫn bị quy nhầm là địa chủ vì ông có ruộng đất, của cải hơn người. Cải cách ruộng đất đã tàn phá gia đình Nghiêm. Vừa học xong cấp 3 thi đại học, cậu con trai 20 tuổi đã phải bỏ nhà ra Hải Phòng để chờ kết quả cuộc thi đại học bởi cậu tin ở khả năng học của mình nên  hi vọng… Một điều không thể xảy ra ở thời kỳ đó. Nghiêm thất vọng cùng cực, cậu tha hương lên Hà Nội lăn lóc sống bằng đủ mọi nghề để tồn tại: đi gánh nước thuê suốt đêm, làm đủ việc lao động chân tay được thuê mướn. Cậu học vẽ truyền thần lang thang sinh sống quanh Bờ Hồ, cậu đọc bất cứ cuốn sách nào tìm được ở nhà trọ, góc phố dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn đường trong bế tắc tuyệt vọng… Vì thế Nghiêm tìm mọi cách để được đi bộ đội, chấm dứt những năm tháng không lối thoát ở Hà Nội. Những năm ở chiến trường trên khắp các nẻo đường trận mạc Nghiêm không quên tự học, ôn bài với mơ ước được vào trường đại học… Và thật không ngờ, ở năm cuối bộ đội Nghiêm được gọi về Hà Nội vào học trường Đại học Mỹ thuật, một câu chuyện cổ tích khó tin đời thường ngày ấy. Nghiêm tốt nghiệp đại học loại ưu trở thành họa sĩ thiết kế đồ họa có tiếng tăm, anh đạt nhiều giải thưởng cao về thiết kế logo cho các công ty, tập đoàn kinh doanh, các ngành, các tỉnh thành (25 giải nhất, nhì) và là giảng viên mĩ thuật một số trường đại học  phía Nam. Nghiêm còn nổi tiếng hơn bởi những bài thơ lục bát của mình viết về thân phận con người, về quê hương đất nước mình (dù anh không muốn làm thi sĩ). Thơ Nghiêm đăng rải rác trên các báo, tạp chí Trung ương và các địa phương, ở sổ tay  của nhiều người yêu thơ Nghiêm cùng chia sẻ với anh. Bạn bè biết anh đều quý mến sự giản dị, khiêm tốn chân thành mà anh dành cho bạn bè, gia đình, quê hương, đất nước mình. Một điều thật hạnh phúc đến với anh như nhà thơ Chế Lan Viên viết: Khi được lúa ta được cả chim trời đến hót/ Hạnh phúc về hạnh phúc hóa thành đôi. Đó là trời ban cho anh người bạn đời Ánh Thu, một cô gái sống ở Sài Gòn nhiều năm nhưng không biết ăn chơi, kể cả uống cà phê. Chị yêu anh giản dị chân thành. Gần chục năm bươn chải với một cửa hàng quần áo thời trang nhỏ chị đã gom góp mua được một căn nhà niềm mơ ước lớn của các đôi vợ chồng nghèo lúc bấy giờ. Ngồi nghe Nghiêm kể và đọc thơ, mình ngạc nhiên thầm hỏi: không biết Nghiêm lấy đâu ra sức mạnh, nghị lực để vượt qua những giông bão cuộc đời khi giáng xuống con người bé nhỏ kia. Nghiêm đã vươn lên như bông hoa giữa đầm lầy để có có hạnh phúc như ngày hôm nay. Biết bao sức mạnh trong con người thầm lặng khiêm nhường kỳ lạ ấy giữa cuộc đời đầy bất trắc, phải chăng đó là tình yêu con người, tình yêu cuộc sống với trái tim nhân hậu của mình? Nghiêm là thế. Từ biệt Nghiêm, thấy yêu thêm những con người biết mà ta gặp ở đâu  đó, họ như những viên ngọc sáng giữa biển đời giúp chúng ta  hướng đi đúng đắn có ích cho chính bản thân.

Chúc Nghiêm và Ánh Thu cùng gia đình hạnh phúc như những bài thơ Nghiêm viết: có hoa có lá có đất có trời có niềm tin hi vọng và hơn tất cả là tình yêu trong cõi người này.

Tháng 5/2019

N.L.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder