Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015: Tròn trịa và đẳng cấp – Dương Tử Thành

Có thể nói, bộ giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đẹp đẽ và tròn trịa, giữ được đẳng cấp của một trong những giải thưởng uy tín bậc nhất trong nền văn học nước nhà. Lễ trao giải diễn ra vào 10/10 tại Thư viện Hà Nội…

Có thể nói, bộ giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đẹp đẽ và tròn trịa, giữ được đẳng cấp của một trong những giải thưởng uy tín bậc nhất trong nền văn học nước nhà. Lễ trao giải diễn ra vào 10/10 tại Thư viện Hà Nội.


Thay mặt Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã có một số đánh giá về các tác phẩm được tôn vinh. Theo đó, “Mình và Họ” được nhìn nhận là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Bình Phương, vừa tiếp tục phát triển lối viết phức tạp, đa tuyến đa chiều, vừa đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết đặc hiệu của tác giả lên một mức độ cao. “Trao giải cho tác phẩm này, Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá cao lao động sáng tạo của nhà văn, đồng thời cũng ghi nhận một thành tựu sáng tạo của văn xuôi đương đại nước nhà”, đại diện Hội Nhà văn Hà Nội cho biết.

“Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư được đánh giá đầy khắc khoải và ưu tư trong hành trình tìm về và tìm lại bản thể mình, con người mình, không để bị chìm lấp trong im lặng đám đông; tác giả xoáy vào tâm trí người đọc hơn là nương nhờ cảm xúc.

“Trên đường biên của lí luận văn học” của GS Trần Đình Sử là công trình khoa học về văn học nghiêm túc của một nhà lí luận văn học mác xít trước đòi hỏi của lí thuyết và thực tiễn đời sống văn học mang tính toàn cầu hiện nay.

“Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa là một tác phẩm mang tính hài hước, giễu nhại về một thực tại thảm họa đau thương mà đất nước ông đã trải qua nhưng đến nay vẫn rất cần và vẫn được các nhà văn thể hiện trong các tác phẩm văn chương; nghệ thuật viết của tác giả khiến người đọc cười mà đau, hài mà xót…

Năm nay lễ công bố và trao giải được tách riêng với lễ kết nạp hội viên, vì thế cũng tập trung hơn, các tác giả được tôn vinh trở thành đối tượng trung tâm cũng như thỏa mãn được mọi sự quan tâm xoay quanh giải thưởng. Tiếng nói của những người tham gia các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Hà Nội thực sự có trách nhiệm, chính vì thế nó rất có trọng lượng. Mỗi thành viên hội đồng đều tự hào vì góp phần làm nên một giải thưởng uy tín. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến “tiết lộ” mọi sự nỗ lực để lựa chọn ra một bộ giải “hoàn hảo” lần này như một lời chia tay của BCH Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kì 2010 – 2015 bởi đây là lần xét giải cuối cùng của nhiệm kì này.

Khá hào phóng lời khen dành cho nhà văn Nguyễn Bình Phương khi được mời phát biểu, nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói rằng, Nguyễn Bình Phương là người độc hành trên con đường văn chương. Thậm chí anh còn cho biết, hàng chục năm trước đã từng tuyên bố “bao” Phạm Xuân Nguyên làm tiến sĩ đề tài về Nguyễn Bình Phương nên hôm nay “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương đoạt giải anh thấy có một chút… hả hê. Trong con mắt Phạm Ngọc Tiến, tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đậm chất phương Đông, tính tư tưởng rất vu vơ nhưng là sự quẫy đạp của bản thể.


Nếu như Phạm Ngọc Tiến ở mảng văn xuôi vừa nhìn nhận ở góc độ bạn đọc và góc độ thành viên hội đồng xét giải thì Nguyễn Việt Chiến tương tự như vậy ở mảng thơ. Tác giả “Thời đất nước gian lao” nhấn mạnh yếu tố cách tân trong các giải thưởng thơ, nếu như Trúc Thông với giải thưởng thành tựu trọn đời cho tác phẩm “Trúc Thông thơ” cũng là người khiến “một thế hệ phải giật mình” thì Phan Huyền Thư với “Sẹo độc lập” cũng thể hiện sự cách tân táo bạo. Tặng thưởng cho tác giả trẻ triển vọng lần này cũng là một tác giả thơ. Nguyễn Việt Chiến đã kể lại quá trình đề cử tác giả trẻ Đào Quốc Minh với tập thơ “Những người vũ công Memphis” như một phát hiện mới của văn học trẻ Thủ đô.


Tại lễ trao giải, nhà văn Bảo Ninh lần đầu tiên nhận lời nói đôi câu trong một cuộc vui văn chương nhiều ý nghĩa. Được Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhận xét “viết hay nhưng nói không hay lắm”, Bảo Ninh phát biểu ngắn gọn: “Những giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội luôn mang lại niềm tự hào cho Hội, mang lại cho TP. Hà Nội những vinh quang. Tôi mừng và tự hào vì góp phần vào giải thưởng này”.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương, một trường hợp đặc biệt, hai lần được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội lần lượt cho thơ và văn xuôi nói rằng “không ai sáng tác để tìm kiếm giải thưởng nhưng rõ ràng ở chừng mực nào đó giải thưởng đã mang tới cho tác giả những giá trị nào đó”. Và một tác động cụ thể từ giải thưởng này có thể nhìn thấy được, đó là, Nhà xuất bản Trẻ cho biết, ngay sau đây sẽ tái bản cuốn sách “Mình và họ”.

Được biết đến là một tác phẩm viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, tuy nhiên, trong những phát ngôn ít ỏi về tác phẩm khi được vinh danh, Nguyễn Bình Phương cho biết, “Mình và họ” còn có tham vọng phản ánh một số cá nhân trước việc phải lựa chọn thái độ ứng xử với cộng đồng. Những cá nhân ấy bối rối vì trong quá trình sống họ thường xuyên vấp phải bức tường bạo lực, nó khiến họ hoang mang, thậm chí rối loạn. “Một dân tộc cũng giống như một con người, luôn day dứt băn khoăn giữa bản thân nó với các dân tộc khác, giữa dân tộc Mình và dân tộc Họ”, Nguyễn Bình Phương nói thêm.


Phát biểu sau khi nhận giải, nhà thơ Phan Huyền Thư nói lên quan niệm của chị đối với công việc sáng tạo bằng cách dẫn lời nhà thơ Pháp Paul Valery: “Đến với thi ca không có nghĩa là đến với những lạc thú tầm thường của ngôn ngữ, mà là tìm đến với hội hè của trí tuệ!”. Từ quan niệm ấy, Phan Huyền Thư luôn coi “thơ là một tổ chức ngôn từ siêu ngữ pháp”.

Chị cho biết: “Tôi quan tâm đến vấn đề tu từ học, thi ảnh và kí âm học trong văn bản nên vấn đề “vần” ở đây được cá nhân tôi lượng hóa sang thành âm học trong âm nhạc, có cao độ, trường độ, và vì thế tôi luôn muốn bài thơ của mình tự tìm được cách âm vang trong tâm trí người đọc…”. Có lẽ vì thế mà số lượng tác phẩm của Phan Huyền Thư đến nay chỉ vẻn vẹn 3 tập thơ, dù là mỏng mảnh nhưng theo chị, đó là cả một sự vật vã.


Về công trình tâm huyết được giải của mình, GS Trần Đình Sử nói: “Lí luận văn học mác xít của ta vốn là lí thuyết của Liên Xô cũ trong những năm ba mươi của thế kỉ trước, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nếu muốn tiếp tục đóng góp trong nền văn học mới hôm nay thì nó cần đổi mới các nội hàm; đồng thời dù cho có đổi mới thì nó cũng không thể là toàn bộ lí luận văn học mà bắt buộc phải tiếp nhận thêm nhiều lí thuyết khác nữa để bổ sung, làm giàu cho vốn lí luận của chúng ta, thì lúc đó mới đủ để hiểu văn học và tiến trình văn học”. Chính vì vậy, trong “Trên đường biên của lí luận văn học” GS Trần Đình Sử đã giới thiệu một số lí thuyết hiện đại và hướng vận dụng vào văn học của ta. Nhà văn Việt Nam cần phải được đổi mới về lí luận và cũng cần được biết nhiều thứ lí luận là điều mong mỏi của GS Trần Đình Sử qua công trình của mình.


Nữ TS ngữ văn Minh Thương để lại ấn tượng với sự trẻ trung hiện diện tại lễ trao giải với tư cách dịch giả dịch tiểu thuyết “Kiên ngạnh như thủy” của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa. Chị cho biết, khi sang Trung Quốc du học mới thấy có nhiều tác phẩm giá trị nhưng chưa được giới thiệu ở Việt Nam, và chị đến với tác phẩm của Diêm Liên Khoa như một cơ duyên khi được gặp tác giả trong thời gian học tại Bắc Kinh. “Tác phẩm của Diêm Liên Khoa đã cuốn hút tôi bởi cách xử lí hiện thực đầy mới mẻ, tư tưởng nhân văn và những tìm tòi không mệt mỏi về nghệ thuật thể hiện”. Chị cũng cho biết, ở Việt Nam sách mang tính thị trường nhiều hơn là những tác phẩm văn học kinh điển, và chị muốn đóng góp một phần nhỏ để cải thiện điều này trong việc giới thiệu văn học Trung Quốc tại Việt Nam.

Những tác phẩm được ghi nhận hôm nay đều có hành trình gian nan hoặc khó khăn trên đường đến với bạn đọc. “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương sau khi một đơn vị xuất bản ngoài nước in ấn, Nhà xuất bản Trẻ đã vào cuộc và cho ra mắt bạn đọc trong nước với tên gọi gốc. Trần Đình Sử nói rằng, ông sợ bản thảo “Trên đường biên của lí luận văn học” sẽ gây khó khăn cho Nhà xuất bản. Nhưng rồi cuối cùng tất cả đã xuất hiện suôn sẻ, được ghi nhận và tôn vinh. Điều đó cho thấy một sự cởi mở trong đánh giá, nhìn nhận các tác phẩm văn học cũng như công tác quản lí xuất bản đã có sự mềm mại nhất định. Đối cực với đó chính là sự đón nhận của bạn đọc, và chính những nhà văn nhà thơ đã là những con mắt xanh tôn vinh những tác giả xứng đáng. “Giải thưởng này cho tôi niềm tin vào trật tự của đời sống văn hóa”, GS Trần Đình Sử nói.

D. T. T.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder