Cả hội trường và gia đình nhà văn Phan Khôi cùng lắng lại khi ông Phan An Sa đọc diễn văn nhận giải cho tác phẩm “Nắng được thì cứ nắng”…
Nắng được thì cứ nắng – Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn vừa đoạt giải thưởng ở hạng mục Phê bình Lý luận văn học của Hội Nhà văn Hà Nội. Tác giả của cuốn sách là Phan An Sa, con út nhà văn Phan Khôi.
Trong bài phát biểu, Phan An Sa cho rằng đây không phải là giải thưởng dành riêng cho ông hay cho Phan Khôi, mà là giải cho những người vắng mặt. Ông nói: “Những con người xứng đáng nhận Giải thưởng văn học năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho thể loại phê bình, hôm nay đã không có mặt”.
Trong nhiều năm qua, vai trò và những đóng góp của Phan Khôi chưa được nhìn nhận thỏa đáng. Ông hầu như chỉ được nhìn nhận với vai trò một nhà báo, và tác phẩm về Phan Khôi cũng chỉ có loạt sách Phan Khôi – Những tác phẩm đăng báo của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.
Tập biên khảo Nắng được thì cứ nắng nói về sự nghiệp làm báo và tái dựng cuộc đời Phan Khôi, đặc biệt là quãng thời gian 30 năm cuối đời (1936 – 1959). Trong phần thứ nhất mang tên Ông chủ nhiệm báo Sông Hương đã miêu tả tỉ mỉ, chi tiết việc Phan Khôi quyết liệt, xông xáo trong việc sáng lập, duy trì và viết cho tờ Sông Hương. Bằng cách phân tích các tư liệu, Phan An Sa đã khẳng định thêm phong cách viết báo riêng của Phan Khôi, đó là sự rõ ràng, khúc chiết, thẳng thắn và sẵn sàng tranh luận
Phần hai cuốn sách Đi về phía Việt Bắc kể về hành trình Phan Khôi tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông đã nhượng lại tờ Sông Hương, gia nhập Đoàn văn hóa Kháng chiến năm 1947. Thời kỳ này, Phan Khôi chủ yếu nghiên cứu tiếng Việt, dịch và viết về Lỗ Tấn, ghi chép những thành ngữ, điển tích trong giao tiếp hàng ngày. Phần Nắng được thì cứ nắng kể lại 5 năm cuối đời của Phan Khôi. Trong giai đoạn này ông làm chủ nhiệm tờ bán nguyệt san Nhân văn và vướng nhiều hệ lụy cùng với văn nghệ sĩ trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Trong phần thứ tư, Vĩnh hằng Hợp Thiện – Bạc Hà, Phan An Sa viết về những nỗ lực của gia đình trong việc lo chu toàn cho Phan Khôi khi ông đã khuất.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao về cuốn Nắng được thì cứ nắng: Tác giả Phan An Sa trong cuốn sách này đã làm một công việc khách quan và cần thiết là trình bày Phan Khôi như ông vốn có và thực có để hậu thế có tư liệu đánh giá một con người, một sự nghiệp. Giải thưởng ghi nhận đóng góp này trong quá trình trả lại giá trị đích thực cho một nhân vật lớn của văn hóa và văn học dân tộc”. Cùng với những bài báo của Phan Khôi mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm được, cuốn sách Nắng được thì cứ nắng khẳng định vị trí lịch sử của Phan Khôi trong nền báo chí Việt Nam, và mở thêm một cánh cửa để ông ngày càng hiện diện đầy đủ hơn, đúng đắn hơn trong đời sống văn hóa tinh thần của nước nhà.
Tác giả Phan An Sa chia sẻ ông đã bỏ công sức trong nhiều năm qua để hoàn thành cuốn sách này. “Tôi hồi hộp chờ đợi sự tiếp nhận cuốn sách từ phía công chúng, chứ tuyệt nhiên không dám nghĩ đến bất cứ giải thưởng nào dành cho nó”. Ông An Sa cho biết thêm hiện ông cùng gia đình đang xây dựng một thư viện điện tử mang tên Thư viện Phan Khôi. Đây sẽ là nơi lưu giữ các tác phẩm của Phan Khôi cũng như những tác phẩm viết về Phan Khôi dành cho tất cả độc giả trong và ngoài nước.
Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net