Gia tài của cha – Truyện ngắn: Dương Thị Nhụn

 

Ông Quyết đang lúi húi thu dọn nốt chỗ vỏ lạc còn vương vãi trên nền xi măng nham nhở bỗng giật nảy mình bởi tiếng quát:

– Ông làm gì còn chưa cắm cơm? Cháu đói lắm rồi!

Thôi chết! Thằng Thắng đứng ngay sau ông từ lúc nào.

– Cháu đi học về rồi à? Ông bóc nốt chỗ lạc. Không ngờ muộn thế!

– Ông thì lúc nào cũng không ngờ. Giờ không có gì ăn, ông muốn cháu chết đói à?

– Để ông nấu tạm cho cháu gói mì vậy.

– Sáng ăn mì…Trưa lại ăn mì. Bụng cháu đang sôi lên đây. Ông ở nhà mà không biết tính thời gian. Một giờ chiều cháu phải đi học tiếp rồi.

– Thắng này! Sáng nay ông lấy tiền công bóc lạc. Để ông mua cho cháu bát phở nhá.

Thắng lẳng lặng vào nhà không nói gì. Như thế là nó đã đồng ý. Ông Quyết lật đật lấy bát tất tả ra đầu ngõ.

Ngày Thắng ra đời ông đã vui đến thế nào. Con trai ông là thằng Chiến cũng tỏ rõ sự vui sướng ra mặt. Tuy tốt nghiệp đại học chính quy nhưng thời ấy xin việc khó lắm, nó nhờ vả hết nơi này đến nơi khác vẫn không được. Không phải con trai ông kém năng lực mà bởi không có người bảo trợ. Cuối cùng có một ông cán bộ ở “Tổ chức chính quyền” thương tình, song cái giá phải trả là cô cháu gái ông ấy vừa ở miền núi xuống. Thôi thì cũng được. Cô Thanh không xinh nhưng trông cũng nhanh nhẹn. Bà chê cô ta có cái cằm nhọn song ông gạt đi: “Giờ nó gầy thế chứ con cái xong nó béo lên, má lại phính ra. Bà không phải lo!”. “Tôi chỉ lo cái mặt nó không được tươi.” “Bà đừng điều ra tiếng vào mà hỏng việc nhá. Con nhà mình có chỗ dựa cũng mát mặt”. Ông bà chỉ dám thì thào với nhau chứ mọi việc chúng nó và nhà gái quyết hết.

Đám cưới được tổ chức nhanh chóng. Gần một năm sau thằng Thắng ra đời. Nghe tin con nhắn về ông đã rưng rưng trong lòng. Thế là ông đã có cháu đích tôn. Nhà ông độc đinh ba đời nay, ông cứ mơ hồ sợ rằng nhỡ mình không có phúc thì sao? Vậy nên thằng Thắng đã giải tỏa cho ông rất nhiều.

Bà ra ngoài phố từ lúc con dâu đẻ. Căn phòng thuê hơn chục mét vuông trở nên quá chật hẹp. Ngày đông còn đỡ, ngày hè thật kinh khủng. Bà phải luôn tay dọn dẹp, lau chùi, thậm chí đổ nước xuống nền nhà mà hơi nóng vẫn bốc lên hầm hập. Thằng bé nổi rôm dầy cả người. Nó khóc bất cứ lúc nào vì ngứa ngáy. Điện đóm chỉ có vài ba tiếng vào buổi tối. Nhiều lúc Chiến cáu vì thằng bé khóc nhiều quá, vợ thì suốt ngày kêu ca. Bà phải cắn răng chịu đựng. Cô con dâu chừa lúc không có Chiến ở nhà luôn mồm càu nhàu:

– Nhà mình khổ không bằng con chó con mèo nhà bác Hậu.

Bà an ủi con dâu:

– Bì làm sao được nhà bác Hậu. Bác ấy là cán bộ to. Mẹ nó cố gắng chịu đựng. Sau nay bố nó ăn nên làm ra, thằng Thắng rồi sẽ là cái lộc của nhà này, Thắng nhỉ?

Bà vừa bế cháu vừa cúi xuống vuốt ve cái má non tơ của thằng bé. Tức thì cô con dâu trều cái môi dày về phía bà:

– Gớm! Lại đòi so với bác Hậu. Con trai bà cù lần như cục đất biết đến bao giờ mới mở mày mở mặt? Ơ! Sao bà cứ chà mặt thằng bé thế? Nó xước da thì sao?

Cô con dâu không ưa cách chăm sóc cu Thắng của bà. Ngày xưa bà nuôi bố nó thế nào thì giờ bà làm thế ấy. Nó ăn cơm mớm của bà đến lúc chạy nhanh mà vẫn lớn như thổi lại học giỏi nữa. Thế mà con dâu bảo bà bẩn, lạc hậu. Con cô ta nhiễm bệnh thì khổ.

Tính bà nhẫn nhịn nên không đối lời với cô con dâu đáo để song không qua được mắt hàng xóm. Thỉnh thoảng bà vẫn nhận được những lời cảm thông khi xách làn đi chợ:

– Con dâu bà ở tận miền núi xuống mà lắm điều thế? Cô ta làm như cô ta là mẹ chồng bà không bằng.

Bà cười hiền lành:

– Thì tại tôi cũng lạc hậu, không biết làm những việc ở thành phố.

– Cô ta phải nhẹ nhàng hướng dẫn bà chứ ai lại quát tháo như quát trẻ con vậy.

– Kệ nó bà ạ. Tôi nghe quen rồi.

– Con trai bà không bảo sao à?

– Tôi phải gạt đi đấy. Con dâu mới đẻ sợ nó hậu sản.

– Chẳng lẽ thế gian này mỗi mình nó biết đẻ chắc?

Bà cười xòa cho xong chuyện. Bà nhẫn nại làm hết các việc để con dâu không phải mó tay việc gì. Có đận nhớ cháu quá, ông cũng tay xách nách mang đem gà gạo ra thăm cháu. Đi ra đi vào chỗ nào cũng va phải người, con dâu bà lại nhăn mặt khó chịu. Thằng Chiến mình trần nhễ nhại mồ hôi phành phạch cái quạt nan kêu ra kêu vào:

– Thế này mà cũng gọi là thằng người. Không biết sao đời mình khổ đến vậy nữa. Ông ngồi gọn vào một tí. Nhà nhỏ như cái chuồng gà, quay chỗ nào cũng nóng.

Ông suy nghĩ lung lắm. Nhìn thằng Thắng bé bỏng mặt mũi sáng sủa ông vui thì vui thật song cũng xót xa. Đáng lẽ phải có cái quạt điện như nhà hàng xóm cho thằng bé lúc nào cũng mát mới phải. Muốn ở chơi với cháu vài hôm song sáng sớm hôm sau ông vẫn phải về quê. Trước lúc khoác túi lên vai, ông còn nghe Chiến nói từ sau lưng:

– Nhà mình chắc bán cũng được giá. Bây giờ người ta muốn sưu tầm nhà cổ.  Ông xem bán quách đi. Đằng nào sau này ông cũng phải ở với vợ chồng con.

– Nhưng còn ông bà tổ tiên.

Chiến nhếch mép:

– Người sống thì vẫn phải sống. Mà con cháu đâu ông bà ông vải đấy. Lần này ông về xem có ai mua nhà không. Nếu có người mua ông bảo con về.

– Nhưng tôi lo lắm. Bán nhà ở quê ra thành phố lấy gì mà sống?

– Ông đừng lo. Một tháng lương của con đong được mấy tạ gạo. Hai vợ chồng con cùng đi làm cơ mà. Giàu không có chứ rau mắm thì lo gì. Con lo nhất là chỗ chui ra chui vào đây này. Thời gian này đất thành phố đang xuống giá chứ sau này khó đấy.

Cô con dâu cũng hùa theo:

– Đúng đấy bố ạ! Có chỗ ở rộng rồi bố mẹ chuyển hẳn ra ở với chúng con, cháu Thắng cũng phải có ông bà trông nom chứ.

Ông cảm thấy mấy cái bao tải nặng không kém gì bao gạo hôm qua. Ông biết bán nhà đi mình sẽ đứt đoạn với quê cha đất tổ, việc thờ cúng sẽ bị sao nhãng. Mồ mả cha ông ai trông nom? Nhưng đúng là nếu ông không bán nhà thì vợ chồng con trai ông không biết đến bao giờ mới có cái nhà tử tế để ở. Thôi thì trẻ cậy cha, già cậy con.

Về nhà ông gọi người đến xem nhà. Vừa may ông Tỉnh thoát li mấy chục năm muốn về quê mua một ngôi nhà cổ để làm nơi thờ cúng. Việc mua bán diễn ra nhanh chóng khiến ông thẫn thờ mất mấy ngày.

Đêm cuối cùng trong ngôi nhà đã gắn bó gần hết cuộc đời ông không thể chợp mắt. Từng cái cột, tấm bưng đến đôi câu đối trên xà ngang như muốn đập vào mắt ông. Chỉ mỗi vế đối bên phải Tiền nhân truyền hậu kế thôi cũng khiến ông nhức mắt và thao thức. Gần sáng trong trạng thái lơ mơ ông thấy một bóng người đứng lặng lẽ ngay đầu giường. Cha ông! Đúng rồi! Cái áo tứ thân màu nâu với chiếc khăn xếp trên đầu cha ông hay dùng vào những ngày cúng giỗ vẫn mồn một trong tâm trí ông. Cha ông đứng lặng lẽ hồi lâu rồi lướt qua. Ông cố đưa tay ra nhưng không thể nắm được bàn tay cha. Ông cất giọng gọi song miệng như có ai bịt chặt. Khi bóng cha mờ mờ, ông  hét lên và giật mình choàng dậy.

Chỉ là bóng đêm trùm kín. Người ông toát dã mồ hôi, chân tay run lẩy bẩy. Ông nhìn quanh quất song bóng tối bưng lấy mắt. Sờ đầu giường tìm cái đèn pin, ông lần mò ra gian giữa. Trên ban thờ vẫn là hàng bát hương im lìm. Cha ông đang tư lự trong bức ảnh truyền thần. Ông lập cập thắp hương. Biết ông bà cha mẹ đang trách mình, hai tay chắp trước ngực, ông lầm rầm: “Con vái lạy ông bà tổ tiên tha tội cho con. Vì cuộc sống của cháu Chiến khó khăn quá nên con phải bán nhà. Vợ chồng con xin rước ông bà tổ tiên ra nhà cháu ngoài thành phố.” Lúc ông đang gập người dưới nền nhà bỗng một luồng sáng lóe lên. Như được tiếp lửa, ba bát hương bốc cháy đùng đùng. Ngọn lửa trên cao uốn éo như nhảy múa. Ông hốt hoảng song chẳng biết làm gì, chỉ biết quỳ mọp xuống. Trong chốc lát chỉ còn đám tro bay lả tả. Chẳng có ai để gọi, ông chỉ biết cúi lạy liên hồi, run lẩy bẩy. Tự nhiên người ông chùng xuống như có sức mạnh vô hình xô đẩy. Phủ phục dưới nền nhà, ông bật ra tiếng khóc: “Tại con bất hiếu! Xin các vong linh phạt một mình con!”

Sáng hôm sau, khi chiếc xe tải nhỏ chở chút gia tài ít ỏi nổ máy, ông nhìn lại ngôi nhà của mình. Đau thắt ruột! Hỡi ôi! Sao ông nỡ bỏ nó mà đi?

Chiến mua được ngôi nhà và đám đất trống để trồng rau trong một ngõ nhỏ. Những ngày đầu mối quan hệ của ông bà cùng vợ chồng Chiến còn êm vì ông có thể bế cháu lúc bà đi chợ và nấu nướng. Thằng Thắng đã biết cười toét miệng mỗi khi ông làm trâu bò cho nó cưỡi và tru miệng làm tiếng kêu của gà vịt chó mèo cho nó xem.

Nhưng sự bình yên chỉ được một thời gian. Cô con dâu bắt đầu đá thúng đụng nia mỗi khi bà nấu ăn không đúng khẩu vị. Chiến bắt đầu quát tháo khi ông để chiếc điếu ngay đầu hè khiến thằng Thắng vớ được làm nước điếu chảy ra khai mù. Nếu như vợ chồng nó nhẹ nhàng nhắc nhở thì ông bà sẽ sửa song vẻ mặt của chúng rõ là không mấy thiện cảm. Dần dà những chuyện nhỏ góp lại, chẳng mấy chốc cô con dâu đem cháu đi gửi nhà trẻ tư. “Để người ta dạy dỗ cho có khoa học”. Cô ta nói vu vơ khi bế con đi gửi ngày đầu tiên.

Chỉ còn ông bà trong nhà. Ông ngẩn ngơ. Bà thẫn thờ. Đám rau bà bắt không còn một con sâu và cỏ thì không thể thò ra một ngọn. Thằng cháu khiến ông bà đỡ trống trải thì vợ chồng Chiến đã nhẫn tâm tước mất. Nhìn cháu ông bà có thể quên được nỗi nhớ quê, ông bà có thể chịu đựng sự mát mẻ của cô con dâu đáo để.

Ngày vẫn trôi qua dài đằng đẵng. Ông bà đợi cháu đi học về mỗi ngày để thỉnh thoảng được chơi với cháu. Chỉ là thỉnh thoảng thôi vì về đến nhà là hai mẹ con đóng luôn cửa phòng riêng lại. Thỉnh thoảng Thắng không chịu được chạy ra đòi ông làm trâu cho cháu cưỡi. Lúc ấy mặt ông rạng ngời mặc dù lưng đau nhức vì thoái hóa. Bà vừa nấu ăn vừa nhìn hai ông cháu, nét mặt rạng ngời.

Thắng là cháu ông nhưng do con trai và con dâu ông đẻ ra. Nó muốn cho ông bà chơi bao lâu là do quyền chúng nó. Ông cháu đang say sưa với trò chơi thì Thắng bị mẹ gọi giật giọng:

– Thắng! Không chơi nữa! Đi tắm!

Thắng phụng phịu:

– Con muốn chơi nữa cơ!

– Không được! Chơi thế đủ rồi!

Con dâu bà luôn áp đặt đủ điều và không cần lời giải thích. Và rồi…

Hôm ấy Thắng lừa lúc mẹ đang ngủ chạy ra ngoài chơi với ông bà. Ông đang ngồi nhìn những ngọn măng nhỏ như ngón tay cái đang vươn lên khỏi bụi tre thì Thắng chạy ào ra. Vừa chạy Thắng vừa “hú hú” như trong phim trưởng rồi hét lên:

– Xem ta đây!

Thắng co hai chân định nhảy lên cổ ông nội như mọi khi. Cú nhảy quá bất  ngờ và mạnh khiến ông không kịp đối phó. Ông chỉ thấy mình bị ngã ập xuống bậc xi măng, mặt mũi tối tăm không nhìn thấy gì. Chỉ có tiếng kêu của Thắng và lát sau thì tiếng hét thất thanh của con dâu:

– Thắng! Thắng! Giời ơi! Ông giết cháu rồi!

Cô ta chạy nhào ra chỗ con song ông thấy tay mình đau nhói. Cô ta vội quá nên giẫm phải tay ông.

Bà hốt hoảng:

– Cháu tôi chảy nhiều máu quá! Khổ thân cháu!

– Bà lấy khăn nhanh lên!

Bà luống cuống chạy vào nhà vệ sinh. Thắng phải khâu bảy mũi trên trán và xây xước khắp mặt. Khi về đến nhà, nhìn mặt con Chiến gầm lên:

– Nó trẻ con biết gì. Ông phải cẩn thận chứ.

– Nó nhảy đằng sau thì tôi biết đỡ thế nào.

Ông cố đưa cánh tay để trên đầu gối cho đỡ buốt. Trán ông sưng bằng quả ổi con nhưng chẳng ai bận tâm.

– Thế tôi mới bảo phải cẩn thận. Nhìn nó ông bà có biết xót không?

Mặt cô con dâu sưng lên và luôn miệng trách ông già rồi không biết trông cháu. Không cho gần gũi thì bảo cấm đoán mà cho chơi thì để xảy ra chuyện tày trời thế này đây.

Tội không do ông bà gây ra nhưng là dấu chấm hết trong chuyện chơi với cháu.

Khi cô con dâu không cho bà mó tay vào việc nấu nướng thì bà ốm hẳn. Người bà gầy rộc như con cá mắm. Hàng ngày ông như người mất hồn nhìn lên ban thờ. Vợ chồng nó bảo con cháu đâu ông bà ông vải đấy nhưng mấy khi nó thắp được nén hương. Chính chúng nó sợ mùi hương độc hại ảnh hưởng đến hô hấp của thằng Thắng. Vậy là chờ cho vợ chồng nó đi làm ông mới thắp hương. Ngày nào ông cũng ngồi trước ban thờ như thiền. Bà cũng im lìm trên chiếc ghế nhựa ở góc nhà  hàng tiếng đồng hồ khiến ông sốt ruột:

– Bà không dậy nấu cơm hay sao? Trưa rồi!

– Nấu ra chỉ có tôi với ông ăn buồn lắm. Ông muốn ăn thì nấu gói mì ăn tạm rồi chiều về ăn cơm thể.

– Thế bà không ăn à? Phải ăn chứ.

– Tôi thấy đắng miệng lắm. Ông này! Hay là tôi về quê nhá.

– Làm gì còn nhà đâu mà về?

– Tôi về với dì Huê.

Bà Huê là em gái bà. Chồng bà Huê hi sinh ở chiến trường miền Nam.

– Thế sao tiện. Người ta lại tiếng ra tiếng vào ảnh hưởng đến vợ chồng thằng Chiến.

– Nhưng tôi thấy buồn lắm. Ở quê còn có bà con họ hàng. Ở đây như đi tù. Tôi chỉ thương ông thôi. Ông không có chỗ nào để về. Chẳng nhẽ ở cả nhà dì Huê.

Ông thương bà. Để bà về chứ kiểu này không ổn.

Cơm nước xong ông nói với Chiến:

– Tôi muốn bàn với anh chị việc này!

Con dâu ông bê mâm bát ngoảnh đi. Chiến lùa chiếc tăm sang trái sang phải liên hồi trong mồm rồi thủng thẳng:

– Có chuyện gì mà phải bàn? Ông cứ nói tuột ra.

– Mẹ mày muốn về quê.

– Muốn đi đâu thì đi.

Ông không ngờ đứa con trai độc nhất lại nhẫn tâm và vô tình đến vậy. Máu trong người ông dồn lên mặt:

– Sao mày lại ăn nói thế? Dù sao bà ấy cũng là mẹ mày.

– Nhưng làm gì còn quê nữa mà về? Ông bà cứ giở quẻ để người ta cười cho.

– Thì mày phải hỏi han cho tử tế chứ.

Ông quát lên song mặt Chiến vẫn câng câng:

– Ông bà phải nghĩ cho con cháu chứ! Làm ăn đã khó, về nhà còn bị ông bà sinh sự.

– Bà ấy không chịu được cách đối xử của vợ chồng mày.

Tức thì cô con dâu ngó cổ vào:

– Con không có gì liên quan. Ông đừng lôi con vào. Con báo trước đấy.

Cổ họng ông tắc nghẹn như bị ai bóp chặt. Hai tay ông run run. Từ bé đến giờ ông vẫn coi Chiến như báu vật, thế mà đến nước này thì không thể chịu được.

Từ ngày về quê bà không hề quay lại lần nào. Hai bà già cô đơn dựa vào nhau. Chiến cũng không bao giờ hỏi ông một câu về bà. Thằng cháu nội ông cũng đã lớn. Trước sau ông vẫn nhủ rằng dù sao cũng phải gắn bó với vợ chồng thằng con trai độc nhất. Ông có cháu đích tôn và nhiều lúc muốn giảng giải cho nó chút ít về dòng dõi gia đình nhưng thằng Thắng không chịu nghe. Mỗi khi ông “Thắng này…” là nó lại lúi húi với cái điện thoại. Khi ông nói được vài câu thì nó cũng gắt lên:

– Ông để cháu yên đi! Cháu vừa học bài xong căng thẳng lắm.

– Ông chỉ muốn nói để cháu hiểu.

– Hiểu làm gì hả ông? Người sống còn chẳng ăn ai nói gì đến người chết.

Cô con dâu luôn quan sát sợ ông tiêm nhiễm vào đầu cháu những điều mê tín dị đoan. Nghe ông cháu đối đáp được vài câu cô ta đã xông ra tham gia cuộc đàm thoại:

– Ông đừng tiêm nhiễm những hủ tục vào đầu bọn trẻ. Chúng nó ăn chưa no, lo chưa tới. Rồi sau hãy hay. Ông muốn cháu gìn giữ gia phong chứ gì? Gia phong mình có gì hay đâu mà phải giữ!

Giọng cô con dâu dài ra khiến ông giận sôi lên. Chính những lần đối đáp như thế khiến ông càng bị coi thường trong gia đình. Con ông rồi cả thằng cháu đích tôn cũng coi ông như đồ thừa. Ông không biết phải làm sao?

Ông đã chịu đựng được từng ấy thời gian, từ ngày ông còn sung sức, bây giờ sức khỏe mỗi ngày một yếu mà không có lấy một lời ân cần. Từ ngày bà về ông cố gắng lấy việc đan cái rổ cái rá làm vui, thế mà chúng nó chẳng hiểu, thỉnh thoảng lại lẳng đồ lề ra xó vườn cho bõ tức.

Cuộc sống thay đổi do vợ chồng con trai ông làm ăn được. Chiến không cho ông đan lát nữa, khách vào lại hiểu lầm. Nhưng ông biết làm gì? Ông nhận lạc củ, hạt điều về bóc để thỉnh thoảng còn dúi cho Thắng vài đồng. Mấy ông hàng xóm ghé vào ngồi chơi vì thấy ông lúc nào cũng lọ mọ ngoài sân. Đi làm về nhìn sân vườn bề bộn, cô con dâu nguýt ra nguýt vào:

– Nhà cửa bừa bộn như cái chuồng lợn. Thật không thể chịu được.

Chiến thấy bã thuốc lào và cốc chén vứt lỏng chỏng đã quát tháo ầm ĩ:

– Ông không còn việc gì hay sao? Đang tối tăm mắt mũi mới có miếng ăn mà ông còn lôi người đến bày. Này thì bày này!

Vừa nói Chiến vừa lẳng đồ lề và cốc chén tứ tung. Ông lập cập giữ cái điếu định cất ra góc hiên thì Chiến giằng lấy:

– Đập ra cho khỏi phải dùng. Này thì hút này! Này thì thuốc này!

Cú giật của Chiến khiến ông loạng choạng. Ông chới với rồi chúi về phía trước. Cú ngã ấy chưa kịp tiếp đất thì một tiếng “bốp” vang lên. Cái điếu cày chưa kịp giập nát song vẫn kịp đập nát cái trán của người cha đáng thương. Máu lập tức chảy ròng ròng trên khuôn mặt nhăn nheo. Ông Quyết ngã sấp mặt xuống đất bất tỉnh.

Khoảng một tuần sau sự kiện cái điếu cày, khi nắng đầu mùa chói chang tràn ngập mặt đất, người ta thấy một ông già thất thểu đi trên đường. Ông như bơi trên nắng bởi mặt đường nhựa dưới nắng trở nên lung linh huyền ảo. Ông vác một cái bao tải nhũng nhẵng vắt vẻo theo mỗi bước chân. Trong ấy có ấm chén vỡ, cái điếu cày giập nát, vài ba bộ quần áo cũ. Trong ấy còn cả chiếc đèn dầu ngày xưa Chiến hay ngồi học. Dưới ánh đèn con trai ông đã lớn lên, đã học được thật nhiều kiến thức để bước vào đời. Những đồ vật ấy đã bị méo mó biến dạng từ những cơn giận dữ của Chiến.

Gia tài của ông đấy./.

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder