Vanhaiphong.com: Nhân lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ VII và kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, VHP xin giới thiệu vài suy nghĩ của nhà văn – dịch giả Ngọc Châu trích trong một tham luận đã đọc tại Hội thảo Báo chí thành phố HP…
Tôi xin được phép có một tham luận nhỏ tập trung vào tiêu đề “Nâng cao giá trị nhân văn của tác phẩm báo chí, tác phẩm văn chương cần hội tụ những yếu tố gì”
Để bàn luận về vấn đề này, tôi nghĩ đầu tiên cần có một sự hòa đồng trong quan niệm về “Giá trị nhân văn” và “Tính nhân văn”. Hiểu theo cách chiết tự thì Nhân là Con người, Văn là văn vẻ, từ điển Hán-Nôm Hanosoft định nghĩa Văn là dấu vết của đạo đức lễ nhạc để lại trong quá trình giáo hóa con người, tạo nên vẻ đẹp rõ rệt được gọi là văn (như văn minh, văn hóa). Do vậy Nhân văn có thể hiểu là những giá trị đẹp đẽ của con người. Một tác phẩm có Tính nhân văn là tác phẩm văn học hoặc báo chí thể hiện con người với những nét đẹp của nó, đặc biệt là những giá trị tinh thần như trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, phẩm cách, hướng đến sự khẳng định và đề cao vẻ đẹp của con người. Tính Nhân văn chính là thước đo giá trị văn học của mọi thời đại và nó được thể hiện trong mọi lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lí học…
Nhân văn và tính nhân văn tuy là chung đối với nhân loại, nhưng có những khác biệt về thời gian, thời đại, đất nước và dân tộc tạo dựng nên giá trị ấy. Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua bao triều đại thịnh rồi suy, suy rồi lại thịnh người Việt mới hun đúc được những giá trị nhân văn để cả thế giới phải tôn trọng. Chủ nghĩa nhân văn Việt Nam như một dòng chảy của dân tộc suốt chiều dài lịch sử, trước thế kỉ XIX là chủ nghĩa Nhân văn Truyền thống, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cho đến nay là chủ nghĩa Nhân văn Cách mạng với đỉnh cao là Chủ nghĩa Nhân văn Hồ Chí Minh.
Chúng ta cùng nhìn lại cội nguồn, hệ thống hóa và nỗ lực hội tụ những yếu tố cần thiết để luôn nâng cao được giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn chương và báo chí, đó chính là trách nhiệm của những người cầm bút của thành phố Hoa Phượng đỏ, dù có mặt hoặc vắng mặt hôm nay.
A- GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TRONG VĂN CHƯƠNG
Khác với báo chí có đặc trưng chủ đạo là phản ảnh Thời sự, văn chương luôn hướng tới những vấn đề của muôn đời, cho nên giá trị nhân văn bao giờ cũng là cốt lõi để định giá một tác phẩm. Thiếu giá trị đó dù một cuốn sách gây giật gân với toàn xã hội, được lăng-xê rộ lên một thời là best-seller chăng nữa thì rồi thời gian cũng sẽ đưa nó về đúng chỗ xứng đáng với giá trị thật của nó.
Có không biết bao nhiêu những định nghĩa đẹp đẽ, những lời có cánh luận bàn về văn chương từ trước đến nay. Văn hào M.Gorki người Nga nói “Văn học là nhân học“, Nữ văn sĩ Pháp Elsa Trisolet định nghĩa “nhà văn là người cho máu”. Diệp Tiếp nước Trung Hoa nói “Thơ là tiếng lòng” …
Còn các bậc tiền bối trong ngôi đền Văn Chương nước Việt chúng ta cũng đã có không biết bao nhiêu câu nói nổi tiếng về văn chương và các giá trị nhân văn. Nguyễn Văn Siêu (hay Thần Siêu) viết “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”
Nam Cao viết “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người. Nó chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng… Nó làm cho người gần người hơn”
Khi bàn về nghệ thuật Nguyễn Đình Thi viết “Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả“, còn nhà văn-chiến sĩ Nguyễn Minh Châu thì quan niệm “Nhà văn phải là người đi tìm hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người…Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, bênh vực cho những con người không còn được ai bênh vực”.
Đó là những tiêu chí rất cao và rất đẹp mà mọi loại hình văn chương cũng như báo chí phải hướng tới. Không đủ thời gian để chúng ta liệt kê những thành tựu của Văn chương Hải Phòng, dẫu chỉ từ thời của bậc tiền bối Nguyên Hồng, nhưng người cầm bút Hải Phòng có thể tự hào với một số tác phẩm mang tính nhân văn cao trong mấy năm gần đây, đơn cử như các tập truyện ngắn của nhà văn Bão Vũ, tiểu thuyết “Mạc Đăng Dung” của nhà văn Lưu Văn Khuê hay truyện kí “Huyền thoại tàu không số” của nhà văn Đình Kính.
Với câu hỏi “yếu tố nào cần hội tụ để nâng cao giá trị nhân văn” của tác phẩm văn học tôi xin phép tập trung vào hai vấn đề là “TÍNH NHÂN VĂN CỦA BẢN THÂN NHÀ VĂN” và “TÍNH NHÂN VĂN THỂ HIỆN QUA DƯ LUẬN XÃ HỘI”. Một người cầm bút (nhất là với những người lập thân bằng văn chương) nếu không viết vì những mục tiêu cao quí như trên, để mình rơi vào cám dỗ của “sự tồn tại”, không có ý thức tự nâng cao phông nền văn hóa, tri thức, nghề nghiệp của chính mình thì làm sao có thể nâng cao giá trị nhân văn của tác phẩm mình viết ra? Vì vậy tôi nghĩ rằng đã là nhà văn, nhà thơ thì việc nâng cao giá trị nhân văn phải là yêu cầu tự thân đối với người cầm bút chân chính.
Yếu tố cân nhắc thứ hai là tính nhân văn thể hiện qua dư luận xã hội. Dư luận xã hội ngày nay có thể nói gần như hoàn toàn rộng mở. Khen hay chê chuyện gì, tán thành hay phản đối vấn đề gì quần chúng có thể biết được ngay, tin tức thuộc “lề phải” hay “lề trái” cũng dễ dàng xác định. Mọi người đều có quyền nêu ý kiến của mình vì hiến pháp và luật pháp đã qui định rõ ràng quyền được thông tin đa chiều, được tham gia phản biện xã hội đối với công dân nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam.
Nhưng cũng vì vậy mà trong nền kinh tế thị trường đang hòa nhập nhanh với thế giới, rất khó xác định giá trị của dư luận xã hội. Qua mạng người ta dễ dàng có ý kiến về tác phẩm nào đó, không cần đợi một cơ quan báo chí hay truyền thông chính thức in ấn hoặc phát thanh như xưa, cho nên có thể thấy nhan nhản những bài bình thơ hay văn của những cây viết thường thường bậc trung, thậm chí là của những người mới tập tọe đua đòi văn chương, chủ yếu là để khen nịnh hoặc tâng bốc lẫn nhau, để lăng-xê một cá nhân nào đó đang muốn tranh giải thưởng văn chương hay xin vào một hội văn học nghệ thuật trung ương hoặc địa phương.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa mới đây trả lời phỏng vấn của báo Văn Nghệ trẻ: “Qua thông tin văn học, đặc biệt là từ internet, có thể thấy tình trạng mạnh ai nấy viết, mạnh ai nấy phán đã làm cho một số chuẩn mực đánh giá văn học sa sút thê thảm, khiến người quan tâm không biết đường nào mà lần. Sự phát triển về số lượng của báo chí không đi cùng với sự trưởng thành nghề nghiệp đã làm báo chí giống như “con ngoáo ộp ăn tạp”, hàng ngày ngốn không biết bao nhiêu thông tin, trong đó có cả thông tin thiếu chọn lọc, không được kiểm chứng, tạo thời cơ để một số cây bút “tay ngang”, vừa thiếu “tầm” vừa thiếu “tâm” , có cơ hội xông vào văn đàn, biến văn đàn thành cái “điếu cày ủy ban, ai cũng có thể hút”!…
Nhà phê bình này trả lời tiếp: So với trước đây, “sân chơi” của văn học đã rộng rãi hơn rất nhiều. Mà “sân chơi” rộng rãi thì cần nhiều bài vở, cần nhiều bài vở thì phải có nhiều người viết. Logic tự nhiên đó sinh ra vô số người viết về văn học, trong đó có vị quanh đi quẩn lại chỉ xài cái vốn liếng lý luận trau dồi từ nửa thế kỷ trước, hoặc đọc báo để bình luận khơi khơi, rồi bốc thơm tác phẩm của bạn bè, tự nhiên thấy mình xứng đáng là nhà phê bình thì gặp cây bút trẻ nào đó là hợm hĩnh hỏi: “Có sách mới đưa anh giới thiệu cho”,… Quá nhiều trò vè đã được trình diễn và sau các tiết mục như vậy, đời sống văn học càng thêm tù mù, hay – dở lẫn lộn, một số tác phẩm được khẳng định như là “tuyệt tác” chỉ sau vài tháng là biến mất tăm!
Đến đây đã có thể thấy rằng một người viết chân chính cần phải tự thân vận động để nâng cao giá trị nhân văn đích thực cho tác phẩm của mình như thế nào giữa cái cái chợ trời văn chương đầy rẫy những kiểu chào hàng với vận động hành lang như vậy!
Tạm gác những lộn xộn của văn học mạng sang một bên để đọc Tình hình trao giải thưởng văn học những năm gần đây qua báo cáo thường niên của Viện Văn Học (Institute of Literature) thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VKHXH). Đây là một bản báo cáo dài, đã được hội đồng gồm các giáo sư-tiến sĩ uy tín của Viện KHXH nghiệm thu và đánh giá là một bản báo cáo xuất sắc. Mở đầu của bản báo cáo như sau:
“ Mười năm qua là giai đoạn diễn ra sự xung đột về giá trị giữa nhiều hệ thống giải thưởng, giai đoạn các giải thưởng chịu sự tác động mạnh của các quan hệ phi văn học; công chúng thờ ơ trước nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng. Độc giả Việt Nam đang đối diện với một thứ văn học “làm hỏng thị hiếu đại chúng”: văn học giải thưởng. Hiện tượng phê bình “văn học giải thưởng” diễn ra phổ biến và ngày càng quyết liệt”…
Từ xưa đến nay các Giải thưởng luôn tác động đến nhiều mặt của đời sống văn học (từ sáng tác, xuất bản đến sự bình phẩm, nghiên cứu) và đến nhiều chủ thể (từ người sáng tác, nhà quản lí văn nghệ, nhà phê bình nghiên cứu đến độc giả phổ thông…)
Nhưng “Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước được xét trao cho một số trường hợp (gần đây) đang có nguy cơ bị thao túng, bị biến thành một sân chơi của quyền lực chính trị và kinh tế. Giới văn nghệ hiện nay cho rằng cần có một Hội đồng cố vấn, thậm chí một Viện hàn lâm quốc gia theo dõi, đánh giá các tác phẩm dự xét tặng hai giải thưởng lớn này”.
Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (gọi tắt là UBTQ) cũng “có sự chi phối của nhiều yếu tố ngoài văn chương”. Năm 2007, Ban Tổ chức và Hội đồng giải thưởng UBTQ công khai thừa nhận chất lượng giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam yếu kém.
Giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam cũng có nhiều vấn đề như nhận xét của bản báo cáo này:
Năm 2005 “Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trên thực tế có khi bị biến thành trò chơi rải thông tin, dùng những thông tin “ổn định” để bọc những tác phẩm mới sẽ được trao giải.”
Năm 2006 thì “Tác phẩm bị dư luận phản đối trao giải là tác phẩm có số phiếu bầu (của Hội đồng xét giải) cao nhất; và tác giả từ chối tặng thưởng lại là người sở hữu tác phẩm có số phiếu bầu giải thưởng thấp nhất…
… Như vậy, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn là giải thưởng coi trọng tính chính trị hơn tính nghệ thuật; một giải thưởng chịu nhiều sức ép, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố bên ngoài văn học, là một giải thưởng mà chất lượng của nó yếu và thiếu trách nhiệm ngay từ khâu sơ khảo”.
Vì thế không lấy gì làm ngạc nhiên khi tác phẩm “HỘI THỀ”, do một nhà văn từng hoạt động nhiều năm ở Hội VHNT Hải Phòng (nay đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh), khi được trao giải A cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 dịp kỉ niệm Ngàn Năm Thăng Long lại bị người đọc cũng như nhiều nhà văn khác la ó và chất vấn, đến mức bản thân tác giả cũng như Ban Giám khảo đành ngồi im chịu trận, hầu như không có một phản ứng nào đáng kể, đợi cho “bão tố” lắng xuống mà thôi.
Nhưng chúng ta cũng vui vì Hải Phòng trong năm qua đã có được hai giải thưởng của Hội Nhà Văn. Mừng hơn nữa là hai giải này (Một là tập thơ BÀU TRỜI KHÔNG MÁI CHE của nhà thơ Mai Văn Phấn và một là truyện kí HUYỀN THOẠI TÀU KHÔNG SỐ của nhà văn Đình Kính) theo suy nghĩ của tôi là hai tác phẩm xứng đáng với tinh thần của giải thưởng, chúng không chỉ vượt qua được sự sàng lọc của Ban Giám khảo mà còn vượt qua được dư luận khắt khe của độc giả khó tính.
Trước khi viết cuốn truyện kí nhà văn Đình Kính đã bỏ rất nhiều công sức đi tìm dấu vết của chiến tích xưa, của những anh hùng vô danh và thân nhân của họ, đã có nhiều phác thảo (mà tôi có may mắn được anh cho đọc từ vài năm trước qua việc trao đổi email với nhau), anh vô cùng xúc động khi nói về những nhân vật trong tập ký của mình: “Một con đường huyền thoại nhưng chỉ có chưa đầy chục người được phong anh hùng. Với tôi, họ tất cả đều là anh hùng.”
Đó là một minh chứng rõ ràng cho việc nếu nhà văn không tự thân hướng tới tính nhân văn, không tận tụy với nghề nghiệp thì làm sao có thể tìm được những hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người, tìm lại được những chứng tích anh hùng đã bị vùi lấp dưới phún thạch hàng nửa thế kỉ, để kể lại và làm rung động tâm hồn độc giả. Và đó mới chính là chân giá trị của một tác phẩm.
Còn khi nhà văn viết vì yếu tố “để tồn tại” hoặc vì hư danh thì dù có đạt được giải thưởng nào hoặc được xã hội ma-ket-ting quảng cáo đến đâu chăng nữa, tác phẩm của anh ta cũng không bao giờ có thể nâng cao giá trị nhân văn thực sự và sống mãi với thời gian.
B- GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TRONG TÁC PHẨM BÁO CHÍ
Có thể nói nhà báo tiêu biểu nhất, người làm báo cao cả và mang đậm tính nhân văn nhất của dân tộc Việt Nam chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung vô cùng sâu sắc và hết sức mẫu mực về hình thức thể hiện, tạo nên một phong cách độc đáo mang tên phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Bản Di chúc của Người cũng chính là một bài báo, để lại cho chúng ta và muôn đời con cháu mai sau một văn kiện lịch sử, một di sản tinh thần vô giá, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người. Nổi bật lên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giá trị nhân văn cao cả – một giá trị vĩnh hằng làm sáng mãi tư tưởng và nhân cách vĩ đại của Người trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Ai cũng biết báo chí là loại hình văn chương thiên về tính thời sự nên khi bàn về nâng cao tính nhân văn của tác phẩm phải chú trọng đầu tiên tới vai trò và chức năng của báo chí. Trích theo Luật Báo chí nhà nước CHXHCN Việt Nam thì báo chí có nhiệm vụ “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân” Mặt khác, báo chí phải “Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”
Do đảm đương cùng lúc hai nhiệm vụ trên nên báo chí thường xuyên phải đối đầu với những tình huống rất tế nhị và phức tạp, nhất là trong xã hội mở với nền kinh tế hội nhập hiện nay. Nâng cao tính nhân văn trong báo chí có nghĩa là người làm báo ngoài nhiệm vụ thông tin trung thực, kịp thời phải quan tâm đến việc nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, bênh vực cho những con người không còn được ai bênh vực”.
Tôi nghĩ rằng nhiều khi nhà báo cần phải có “tâm” và “tầm” cao hơn nhà văn thì mới thực hiện xuất sắc được nhiệm vụ của mình. Khi gặp tình huống xung đột hoặc bi kịch nhà văn có thể tạm thời gác bút, lúc nào đó sẽ tiếp tục viết nhưng nhà báo thì không thể. Vậy trong trường hợp hai nhiệm vụ trên bỗng dưng trái chiều nhau thì cách xử sự nào sẽ giúp cho nhà báo vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa nâng cao được giá trị nhân văn cho tác phẩm mình viết ra?
Cá nhân tôi có suy nghĩ như sau: Trong tình huống tế nhị như kiểu vụ Tiên Lãng thì những người làm báo có tầm và có tâm nên lấy Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI làm kim chỉ nam mà chọn phương thức hành động khôn khéo nhất để có thể hoàn thành cả hai nhiệm vụ.
Nghị quyết TW 4 đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Vậy nên nếu chẳng may một nhà báo rơi vào trường hợp “ý kiến chỉ đạo cấp trên” là do một thành phần thuộc vào “một bộ phận không nhỏ” nói trên mà người làm báo cứ răm rắp thực hiện theo mệnh lệnh, trái với lương tâm của chính mình thì còn nói gì tới việc nâng cao giá trị nhân văn cho tác phẩm báo chí mình sẽ viết ra ?!
Tham luận đến đây đã hơi dài nên tôi xin phép được chốt lại quan điểm của mình là:
1- Muốn “nâng cao giá trị nhân văn của tác phẩm báo chí, tác phẩm văn chương” thì người cầm bút nói chung phải coi đó là yêu cầu tự thân vì nếu không tự thân hướng đến tính nhân văn, không tận tụy với nghề nghiệp, chỉ cầm bút để kiếm sống hoặc vì hư danh, thì không bao giờ tác phẩm có thể tồn tại với thời gian và cũng không thể có độc giả, ngoài dăm ba người tâng bốc nó vì những lí do ngoài văn chương mà thôi.
2- Người cầm bút chân chính cũng phải có sự dũng cảm cần thiết để bảo vệ chân lí.
3- Quốc Hội nên bổ sung thêm điều khoản của Luật Báo chí nhằm bảo vệ và vinh danh những người cầm bút dũng cảm, dám đấu tranh kịp thời với những sai trái nhằm thực hiện thành công nghị quyết TW 4 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI đề ra.
Tham luận xin được dừng ở đây. Xin hết sức cám ơn sự chú ý lắng nghe của các đồng chí và các bạn.
N.C.