Đám người đó đều đi về xóm bìa rừng, trừ một cô du kích thì cũng ghé vô cụm tràm với ông lão…
Đám người nghe ông lão dặn thế thì đều dạ. Mặc dù ông lão nói câu nào câu nấy cứ như là hạ lịnh, nhưng ngó bộ ai nấy đều nghe ông răm rắp, chừng như họ có vẻ tin tưởng và kính nể ông dữ lắm.
Đám người đó đều đi về xóm bìa rừng, trừ một cô du kích thì cũng ghé vô cụm tràm với ông lão.
Khoảng rừng tràm cuối cùng bị bom dầu đốt cháy đã được dập tắt. ánh mặt trời nhạt dần trên những ngọn tràm. Sức nóng của một ngày nắng hạ và cháy lửa đã dịu hẳn xuống. Chiều lại đến, buổi chiều bảng lảng của U Minh và biển như đang lặng lờ ve vuốt các đám cháy còn nghi ngút khói. Như đang rờ rẫm những vết thương chưa trút cơn đau của rừng.
Đứng bên cái khoảng rừng bị cháy mới được dập tắt đó, một ông lão đen đúa cứ chống cuốc đứng nhìn trân trối những cây tràm bị cháy trụi gốc. Ông lão ở trần, đầu buộc khăn xước, mặc cái quần không ra quần ngắn mà cũng chẳng thành quần dài. Mồ hôi tươm tươm chảy ướt cả lưng ông lão, tấm lưng cháy nắng, đen thui thủi và dăn deo. Đôi mắt ông lão từ nãy giờ không chớp lấy một cái, mà cả người ông cũng vậy, cứ im nguyên, như tì hẳn lên cái cán cuốc. Quanh ông còn có chừng một chục người đàn bà đứng tuổi, mấy cô du kích khoác súng bá đỏ và ba bốn đứa con nít. Tất cả hình như đều ở dưới quyền chỉ huy của ông lão thì phải, bởi vì sau khi đứng ngó đám cháy một lúc lâu, bỗng thình lình ông lão đá hất cán cuốc, vung cao lưỡi cuốc lên và hô lớn:
– Thôi đi về, đi về!
Đám người kéo đi sau lưng ông lão, men ra phía bờ kinh. Dọc đường, ông lão thộp được mấy con rùa bị bom nóng quá chạy trốn xuống dưới gió. Ông lão gọi mấy đứa nhỏ tới, đưa cho nó. Mấy đứa nhỏ tay bợ rùa, chân bám sát theo ông lão. Hễ hướng mắt ông lão ngó chỗ nào là tụi nó te te chạy tới chỗ đó, kiếm rùa. Đang đi lầm lũi, chợt ông lão quay ra sau nói:
– Nè, ai làm siêng xuống phía dưới gió mấy chỗ bị cháy, thế nào cũng kiếm được rùa ăn… Mẹ cha ba thằng Mỹ, nó cứ chơi cái mửng này đôi ba trận nữa thì rùa rắn gì cũng bỏ đi hết ráo.
Đi tới một cụm rừng tràm có tiếng cò, diệc kêu vang rân, ông lão dừng lại. Trước khi lẩn vô cụm tràm đó, ông lão còn dặn với:
Hừng đông, mấy đứa phải có mặt đông đủ ở chòi của tao nghe. Nhớ đem theo dao phảng để chặt rễ cây.
Đám người nghe ông lão dặn thế thì đều dạ. Mặc dù ông lão nói câu nào câu nấy cứ như là hạ lịnh, nhưng ngó bộ ai nấy đều nghe ông răm rắp, chừng như họ có vẻ tin tưởng và kính nể ông dữ lắm.
Đám người đó đều đi về xóm bìa rừng, trừ một cô du kích thì cũng ghé vô cụm tràm với ông lão.
Ông lão về tới chòi, trời đã sụp tối. Cô du kích theo kịp ông lão luồn trước vào chòi. Trong phút chốc, ánh đèn đã cháy lên. ánh đèn chờn vờn soi rọi gian chòi có sàn lót bằng những cây tràm lột vỏ. Kể ra cái chòi cũng khá tươm, tuy không lớn như cái nhà, nhưng coi gọn ghẽ và kín đáo. Những thân tràm lót sàn lên nước bóng láng. Trong chòi có cả bếp nấu, sống chén, và ở cây cột giữa có treo một cây đờn gáo.
Ông lão dựng cuốc ở hè, nhưng chưa vào chòi. Trong khi cô gái nổi lửa bếp và bắt cá rộng nơi lu đem đập đầu bôm bốp thì ông lão vẫn còn đứng ngoài sân. Bóng tối mỗi lúc một đen thẫm. Thế mà bên trái mái chòi, bên trên đầu ông lão, cò diệc vẫn còn bay loạn xạ. Chúng kêu lên, vỗ cánh soàn soạt. Hình như những con cò con diệc ấy nửa muốn đậu xuống, nửa muốn lìa khỏi cụm rừng. Ông lão đứng trong bóng đêm nhập nhoạng, đưa hai bàn tay nứt nẻ dính đầy tro bụi sờ sờ bấu bấu lên ngực.
– Trời ơi… – Ông lão buột miệng rên rỉ.
Là vì giữa lúc đó, ông lão đau đớn quá. Giữa lúc đó, ông lắng tai nghe thấy được những tiếng đập cánh phân vân, rõ ràng là lũ chim của ông đang không nỡ bỏ đi, nhưng đáp xuống thì lại không dám.
– Chưa có trận nào như vậy, thiệt là chưa có mà!
Ông lão lẩm bẩm tự nói.
Đêm tối trùm phủ cái vườn chim xao xác, trùm phủ bóng ông lão đứng ngước mặt nhìn lên. Tối nay thiệt là một đêm tối khác biệt, có thể nói là một đêm tối tai biến nhất đã xảy ra trong gần suốt bốn mươi năm kể từ khi ông lão tới đây coi giữ vườn chim. Tại góc rừng U Minh hạ miệt giáp biển Hòn Đá bạc này, ông lão đã sống gần trọn một đời. Trong ngót bốn mươi năm, bên mái chòi ông lão ngủ, hầu như không có lúc nào ngừng nghỉ tiếng chim kêu, tiếng chim vỗ cánh, tiếng của những chuyến đi và về của không biết cơ man nào là cò cùng diệc.
Những năm tháng dài dặc đã gắn liền đời ông lão với khu vườn chim. Lâu rồi, ông có niềm vui sướng bình dị của riêng ông là chiều nào lũ chim cũng trở lại với ông, kêu lên những tiếng kêu như tiếng khánh, làm rộn rịp cả cụm rừng và vui vẻ bầu trời. Đời ông lão vất vả cực nhục đã nhiều, cho nên nguồn vui của ông nó cũng đơn sơ: tình ông đối với cái vườn chim này là một, và tình ông đối với bộ đội giải phóng là hai. Thì chính có lần ông đã thốt: – Cái chi tao dứt bỏ được chớ cái vườn chim này với mấy thằng bộ đội thì tao không dứt ra được đâu!
Nói mấy thằng bộ đội tức là trong đó có cả thằng cháu nội của ông hiện tại ngũ, mà chính cô du kích nổi lửa nấu cơm trong chòi là vợ chưa cưới của anh ta.
Cho tới bây giờ, cả xã ít có ai biết tên thiệt ông lão là gì.
Bà con nơi xóm bìa rừng đây thì vẫn thường gọi ông là ông Tư Vườn Chim.
Nay ông Tư Vườn Chim tuổi đã dư sáu mươi rồi đó, thế mà cái vườn chim ông coi giữ đây còn cao tuổi hơn ông nhiều. Theo lời ông thì cò, diệc kéo đến làm tổ ở đây đã lâu, lâu lắm. Khi ông cùng vợ vác nóp tới cắm chòi, cụm rừng tràm này chim cò đã tới nhiều. Ông nói trong buổi đi kiếm đất khai khẩn bị lạc lối, ông leo lên cây cao nhắm hướng, xảy thấy giữa khoảng rừng tràm xanh ngăn ngắt nổi lên một cụm rừng nhấp nhô những cánh chim lên lên xuống xuống, và ông thấy tất cả những ngọn tràm ở đó đều nhuốm trắng, trắng xóa. Bấy giờ tuy còn ôm chặt thân cây nhưng ông đã kêu với vợ đứng dưới:
– Mình ơi, khỏe rồi, vợ chồng mình sống đặng rồi!
Quả là vợ chồng ông Tư Vườn Chim đã sống ngay được từ buổi đầu lặn lội tới U Minh, nhờ ở cái vườn chim trời cho ấy, nhờ ở những con diệc con cò mới ra ràng mà hai vợ chồng cào móc cho rớt xuống, bắt đem bán và đổi gạo. Rõ ràng thiên nhiên U Minh đã khoản đãi ông, đã bù đắp cho ông sự vất vả cực nhục mà thời con trai ông sớm chịu đựng, nhưng chịu đựng riết không nổi phải bỏ làng dắt vợ đi miết tới chốn này. Nhưng hỡi ôi, thiên nhiên nào có khoản đãi ông được lâu. Sau khi vợ chồng ông cắm chòi giáp năm thì bỗng thình lình ngày nọ có mấy người mặc áo “bành tô” vàng ngồi xuống đi từ Xép Biển vô báo cho vợ chồng ông hay rằng cái vườn chim này đã có chủ chớ không phải vườn chim hoang, và người chủ phóng bông tiêu lâu rồi, cớ sao hai vợ chồng dám lỏn vô ở, tự tiện bắt chim đem bán. Ông Tư nghe vậy mới bật ngửa, mồ hôi toát ướt cả người. Khi ông hỏi người chủ là ai, thì mấy người mặc áo bành tô vàng đó không thèm đáp, cứ chắp tay sau đít đi rảo rảo quanh chòi ngó coi chim cò, xầm xì to nhỏ cái chi với nhau. Lúc sắp xuống xuồng về, họ mới nói tạt vào mặt ông là ông không lo sửa soạn đi ở tù còn ở đó gân cổ lên mà hỏi. “Người chủ là ai à? Là ông hội đồng ở bên Phong Thạnh, biết chưa?”.
Cái ông hội đồng ở bên Phong Thạnh mà ông Tư không hề biết mặt mũi ra sao đó, bỗng chốc trở thành ông chủ vườn chim. Còn ông Tư thì cũng chưa đến nỗi đi ở tù. Người ta nói là để giảm tội cho ông, ông phải ở lại chòi mà coi giữ vườn chim, mà bắt chim giao cho ông hội đồng. Tóm lại, đáng ra ông mới chính là chủ vườn, thì trong nháy mắt ông biến thành kẻ đầy tớ. ức quá, ông muốn dắt vợ bỏ đi chỗ khác thử kiếm kế mưu sinh lần nữa, nhưng ngặt vì lúc ấy vợ ông đã có thai. Hơn nữa chốn này kể như là “thủy đã cùng, sơn đã tận” rồi còn biết đi đâu nữa.
Vậy là ông Tư Vườn Chim đành ở coi vườn cho ông hội đồng Phong Thạnh. Về sau ông hội đồng này bán đất cho Tây La Ghi, ông Tư lại là kẻ ở coi chim cho Tây La Ghi. Cách mạng tháng Tám thành công, ông Tư Vườn Chim như người chết đi sống lại. Lúc này vợ ông đã qua đời và đứa con trai cũng đã thành niên. Ông lo cưới vợ cho con. Khi Tây bắt đầu tấn công xuống miệt này, ông liền cho con trai đi Vệ quốc đoàn. Mấy tháng sau, đứa con trai độc nhất của ông hy sinh trong trận Xẻo Rô, để lại vợ và một đứa con, cũng là con trai. Ông Tư Vườn Chim bao bọc cho con dâu và nuôi thằng cháu nội.
Hồi kháng chiến lần trước, vườn chim vẫn thuộc đất giải phóng nên ông Tư là người quản thủ vườn chim cho quốc gia. Hòa bình lập lại, không lâu sau, bọn Diệm đóng đồn lớn ở Xép Biển, luồn sâu tới xóm bìa rừng lập hội đồng hương chính, tổ chức tự vệ hương thôn. Chúng bắt đầu giết người kháng chiến cũ một cách ác hại. Nhưng làm chi thì làm, khu vực vườn chim của ông và các cánh rừng tràm kế cận suốt những năm đen tối vẫn là chỗ tốt nhất cho anh em cán bộ cách mạng lánh né, ẩn náu. Trong mấy năm đó, ông chứng kiến biết bao cảnh thương tâm, và ông lại mất nốt đứa con dâu, một đứa con dâu mà ông lão thương yêu rất mực. Đã nhiều lần, vì cảm thương cho tuổi trẻ góa bụa, ông đã lựa lời khuyên con dâu hãy gây dựng cuộc đời mới. Và cứ để đứa con cho ông nuôi. Nhưng chị vợ góa của người Vệ quốc đoàn ấy chỉ khóc, và cứ như vậy, ngày ngày đi bắt chim với ông lão, nuôi con. Hồi đen tối, chị vẫn thường lẻn đi đem cơm cho anh em cán bộ trốn ngoài vườn tràm. Bọn ác ôn tay sai của Mỹ Diệm bắt được chị giữa lúc chị đi tiếp tế. Chúng mổ bụng chị tại vườn chim, nơi chị sống qua những ngày góa bụa để nuôi con khôn lớn.
… Trời đã tối rồi. Ông lão vẫn còn đứng ở vườn chim của ông. Hai bàn tay ông vẫn sờ bấu lên ngực. Trong phút chốc, ông lão thấy lại như in, từng cảnh đời của ông, của con cái ông.
Sự biến trong vườn chim do bom đạn Mỹ gây nên đêm nay chính là cái nguyên cớ tái hiện trước mắt ông lão mọi sự đời ông đã trải. Nó cấy vào lòng ông nỗi đau xót và phẫn nộ lặng thầm, mỗi lúc một nghiến ngấu, mỗi lúc một sôi sục. Cộng vào đấy là nỗi lo âu không dứt về khu rừng đã bắt đầu bị phá phách, về con đường rừng dẫn ra sông Trẹm mà bộ đội thường đi lại, bấy lâu kín đáo là thế, nay đột nhiên bị chúng thả bom dầu đốt. ý định của bọn giặc đã rõ. Vì bị đánh mạnh bên kia sông Trẹm, bộ đội luồn qua rừng tràm dày bịt này để tiến đánh chúng và rút lui. Thế là từ phận sự coi vườn, ông lão lại cáng thêm phận sự chỉ huy một đội cứu rừng. Hôm giao nhiệm vụ này cho ông, đồng chí trưởng ban quân sự xã bảo:
– Ông Tư à, trách nhiệm của bà con mình ở đây là phải giữ sao cho rừng được kín. Phải giữ lấy địa hình. Rừng không thể để cháy hết được, đây là vấn đề sống chết. Anh em bộ đội trông cậy ở bà con mình, cụ thể là bà con xã mình. Phần ông Tư, tụi tôi tin tưởng ông Tư lắm đó nghe!
Vẫn đứng giữa vườn chim, trong bóm đêm mịt mùng và trong tiếng chim xao xác trên đầu, ông lão từ từ nắm chặt hai bàn tay lại. Ông thấy tay mình hãy còn săn chắc lắm: “Tao đã già, nhưng chưa đến nỗi đâu. Tao sẽ cho tụi bây biết tay. Rừng này là của tao, dòng kinh này là của tao, cả vườn chim này nữa, tất cả đều là của tụi tao hết!”. Ông lão gầm gừ như muốn thét thiệt to những lời ấy.
Trong chòi bếp đã đỏ lửa. Củi tràm cháy kêu nghe lách tách. Cô gái đang nướng cá, và cô đang bện lại tóc. Cơn phẫn nộ trong người ông lão chợt lắng xuống dần. Có cái chi tươi mát lan vào, dìu dịu xoa nhẹ lòng ông. Chợ ông lão có cảm tưởng như nhìn thấy một cảnh cũ. Xưa kia con dâu ông cũng có lúc ngồi chụm bếp như vậy. Nay thì lại đứa cháu dâu rồi. Một lớp người sau nữa rồi.
Ông lão cúi mình bước vào chòi. Cô gái quay lại vui vẻ:
– Cơm cạn nước rồi. Nãy giờ nội ở đâu? Nội ơi, con nướng cá cho nội nhậu đây nè!
Ông lão không nói gì, ngồi xếp bằng giữa sàn nhà, tháo cái khăn xước trên đầu xuống:
– Rượu còn không con?
– Còn. Hồi sáng con mới đem vô một lít. Ba con gởi cho nội. Nghe ba con nói rượu ngon lắm!
Cô gái trở con cá lóc trên bếp lửa rồi đi lấy chai rượu đem ra. Ông lão rót một ly, nhấm nháp. Mùi cá lóc nướng nghe thơm sực khắp chòi. Lát sau, cô gái đem cơm và cá ra. Ông lão nói:
– Con ăn cơm đi. Tối nay con có đi tuần không?
– Có nội à, khuya khuya mấy đứa nó đi ngang sẽ kêu con.
Cô gái đem chén xới cơm, ngồi ăn. Cô gắp bộ lòng cá to đặt vào chén của ông lão. Bên ngoài, vườn chim lao xao thêm một chặp nữa rồi im lắng dần. Thỉnh thoảng, một vài con cò lạc đàn kêu hớt hải giữa thinh không. Ông lão uống rượu chậm rãi. Đến lúc cô gái ăn xong cơm, ông lão vẫn chưa đả động tới chén cơm của ông. Ông trìu mến nói:
– Con bỏ mùng đi ngủ sớm đi. Mai chắc tụi nó lại liệng bom nữa đó. Chừng nào đi tuần, mấy đứa nó kêu, lo gì!
Cô gái dạ, nhưng sau khi rửa chén, cô cũng chưa đi ngủ. Cô soạn lấy áo rách của ông lão đem ra vá. Gian chòi có vẻ ấm cúng hẳn lên. Cái không khí đe dọa của lửa bom gieo rắc trọn một ngày giờ đây như bị xua tan, khi mà các bầy chim đã chọn được chỗ ngủ, khi tiết trời mát dịu về đêm của U Minh đuổi dần hơi nóng của bom dầu, khi trong gian chòi yên tĩnh này có một cô gái ngồi chăm chỉ khâu vá và một ông lão ung dung ngồi uống từng hớp rượu nếp trong veo.
ở phía Hòn Đá Bạc, biển vẫn rì rào vọng tới đây tiếng sóng triền miên không ngớt.
Ông lão chợt hỏi:
– Nè, con có đem mấy cái thơ của thằng Thắng gởi về đó không?
– Dạ có, – Cô gái đáp, rồi hỏi: – Chi vậy nội?
– Con để đó, đem mấy cái thơ ra đọc lại cho nội nghe coi!
Ông lão bảo thế và lại rót rượu ra ly. Cô gái nghe lời ông lão, móc chiếc ví trong túi ra mấy lá thư mà cô xếp rất kỹ sau một tấm ảnh bọc nilông, ảnh một chiến sĩ giải phóng quân vai đeo súng trông vừa hiên ngang vừa chất phác. Đó là cháu của ông lão, người yêu của cô gái.
– Con đọc nghe nội?
– ờ đọc đi. Đọc cho có thứ tự, cái gởi về trước đọc trước, cái gởi về sau đọc sau.
Cô gái khẽ đằng hắng một cái rồi bắt đầu nhỏ nhẻ đọc. Từ lá thư thứ nhất tới lá thư thứ hai, thứ ba, cô đọc đều đều không vấp một chữ. Trong lá thư nào, anh chiến sĩ cũng hỏi thăm sức khỏe của ông lão và cô gái, hỏi thăm vườn chim và xóm bìa rừng. Anh ta hỏi han thiệt là nhiều thứ. Nào là ở vườn dạo này có nhiều chim như trước không, mùa khô vừa rồi có bắt được rùa nhiều không. Anh ta còn hỏi những ống trúm cũ ở nhà đã thay chưa, rồi bảo rằng ở đơn vị rất thèm lươn. Thư anh cũng có kể chuyện đánh chác, nói là đã đánh nhau với lính Mỹ. Anh ta kể lại một trận mới đây, đơn vị anh rình liền ba ngày, hứng tụi Mỹ trên trực thăng đổ xuống như thể hứng sung, hốt sạch không chừa một thằng Mỹ nào kể cả những thằng mới thoạt trông thấy quân ta giương lê ra là nó đã bụm mặt ù té chạy.
Ông lão ngồi nghe đọc thư, cứ gật gù, vê vê chòm râu. Dường như là ông mới nghe đọc những thư ấy lần đầu vậy. Nghe thằng cháu kể chuyện đánh Mỹ, ông lão cứ là mê đi, ông rướn cả người tới, vỗ đùi kêu: “Thiệt là đồ chết nhát mà chỉ giỏi làm phách trên máy bay chớ đối mặt với bộ đội mình thì là đồ khốn!”.
Ông la vậy rồi bưng chén cơm và ăn coi ngon lành.
Ông trệu trạo nhai cơm nói:
– Cái thằng Thắng coi bộ thèm lươn thèm rùa dữ rồi, tao biết mà.
– Thơ nào ảnh cũng nói có dịp thì sẽ ghé, mà chớ có thấy ảnh ghé. Gần giáp năm rồi! – Cô gái nói, có ý trách móc.
Ông lão dừng đũa bảo:
– Nói vậy chứ đâu phải dễ ghé con! Tụi nó đâu có rảnh tay, hết trận này là mần ăn tới trận khác. Lóng rày Mỹ nó qua nhiều, bộ đội phải đánh nó liền giết nó mới kịp chớ!
Cô gái lặng lẽ xếp thư cất vào ví. Ông lão ăn xong bữa cơm, vừa xỉa răng vừa nói:
– Con viết thơ cho nó đi nghe. Nói cho nó biết là xóm mình rừng mình mới bị Mỹ liệng bom, bao nhiêu người chết, chim cò rùa rắn hoảng chạy ra sao, viết cho nó hay đi nghe con!
Ông lão dặn thế đoạn bò vào góc chòi, kéo tấm đệm trải ra. Cô gái đi mắc mùng cho ông lão. Một chốc sau ông lão đã cất tiếng ngáy. Cô gái vẫn còn ngồi bên đèn vá một cái áo. Lúc cô vá xong thì đã nghe tiếng gọi í ới ngoài kinh. Chị em du kích đã gọi cô đi gác. Cô gái đứng dậy khoác súng, thổi tắt đèn và ra khỏi chòi.
Gian chòi chỉ còn lại có ông lão nằm ngủ. Tiếng ngáy của ông nghe rất khỏe. Tới khoảng nửa đêm, chợt có tiếng súng nổ rền ngoài phía sông Trẹm. Ông lão giật mình tỉnh dậy. Ban đầu ông còn nằm, về sau súng nổ dữ quá, tiếng “đêka” nổ nghe “phùm phùm phùm” rồi tiếng đại liên, trung liên cứ rành roạch, rành roạch. Ông lão tức khắc ngồi bật dậy: “Chết cha rồi, đánh rồi!”. Ông lão thầm la lên. Và cứ như một đứa trẻ, ông lão cứ loai choai trên sàn chòi. Sau cùng, nôn quá, ông chui ra khỏi chòi. Đứng ở sân, ông ngó hướng súng nổ. Nhưng rừng tràm che khuất, đâu để ông ngó thấy được cái gì. Thế là ông lọ mọ chạy ra bờ kinh. ở đây, ông lão thấy được những ánh chớp xanh lè lóe lên như thể trời nhoáng chuyển mưa. ánh chớp đỏ lóe lên một đỗi sau thì tiếng “phùm phùm” mới vọng tới tai ông. “Rõ ràng là đêka rồi, chắc đánh ở Biển Bạch!”. Ông lão thầm nghĩ. Khoái quá, ông chạy tới bờ kinh, bật cười kha kha.
Có tiếng xuồng ai dưới kinh đang rẽ nước đi tới. Ông lão quát hỏi. Té ra là xuồng mấy đứa nữ du kích đi tuần về. Tiếng cô cháu dâu hỏi:
– Nội đó hả?
– ờ, tao đây.
– Đánh ở Biển Bạch rồi nội ơi!
– Đánh đồn Biển Bạch hả? Trời đất, tao cũng cầm chắc là đánh Biển Bạch mà!
Vừa lúc mũi xuồng rướn vào bờ, cô gái xách súng nhảy lên lào phào:
– Đúng rồi, đã có thông báo của xã.
– Thông báo gì?
– Thông báo chánh thức đêm nay bộ đội mình tấn công đồn Biển Bạch, xã huy động tất cả lực lượng lát nữa ra bám dài tới bờ sông để sẵn sàng giữ rừng nếu sáng ngày máy bay nó phá rừng nữa.
– Vậy hả? Được rồi, được rồi. Mấy đứa nào dưới xuồng đó bây, về lo chuẩn bị đi!
– Tụi con chuẩn bị hết rồi nội ơi, tính lại rước nội đi luôn thể đây. Bà con trong đội mình hay hết rồi!
Mấy cô gái nói rồi cũng xô nhau nhảy lên hết. Các cô thì thào với ông lão:
– Nội à, nghe đâu mai bộ đội sẽ rút qua đây!
Nghe thấy, ông lão nói như nạt:
– Rút qua đây? ối, không có đâu. Mấy đứa bây làm sao mà biết. Bộ đội người ta có một trăm con đường rút. Chuyện đó làm sao tụi bây biết được!
Tuy nạt thế, nhưng vừa đi trở lên chòi, ông lão nghĩ bụng chừng như mấy đứa nữ du kích nói có lý. Chớ nếu không, sao lại huy động cả xã đến cứu rừng một cách gấp rút như vậy?
Trời vừa rạng sáng, máy bay giặc đã kéo tới vần vũ cánh rừng. Những chiếc phản lực bay rú qua rừng tràm còn ướt sương. Bom dầu bắt đầu nổ “phùm phùm” dọc theo con kinh rừng dài trên mười cây số; một trái bom rơi xuống cách đội cứu rừng của ông Tư Vườn Chim độ hai công đất. Lập tức ông lão vung cuốc ra lệnh mọi người xông tới. Ông lão mở đường để đào mương ngắn cắt ở phía dưới gió. Lúc bấy giờ không biết cái áo trong người ông lão đã liệng đâu mất. Như một viên tướng, ông lão nhảy bổ xông xáo từ chỗ này đến chỗ khác. Trái bom dầu cháy bùng. Hơi bom thổi cái khăn xước trên đầu ông lão bay riệt ra phía sau. Với chiếc cuốc vung lên tới tấp, ông lão cắt mương. Mọi người nối đuôi sau lưng ông, tận lực chém tràm, dọn đất, đào bới. Ngọn lửa khét lẹt từ phía trên gió táp dần xuống phía họ. Mùi xăng nồng nặc tỏa khắp rừng tràm, báo hiệu rằng nó còn tiếp tục cháy rộng ra nữa. Trên đầu mọi người, những chiếc phản lực vẫn vút ngang, hú lên ghê rợn. Súng trường bá đỏ của du kích nổ ầm ầm. Tốp bắn máy bay đều là nữ du kích, trong đó có cô cháu dâu ông lão. Các cô núp dưới những gốc tràm, nghếch nòng súng lên mà bắn đón những con dơi sắt khổng lồ.
Cái mương ngăn cắt ngọn lửa bom trong phút chốc đã thành hình. Cuốc vá xắn đứt những dây choại, dây dớn, những gốc mốp trắng nhểu nước ròng ròng. Đất đào lên được họ xúc đổ dập vào ngọn lửa đang cháy. Được cái đất U Minh này vốn là cội cây mục và lá tràm nên đào cũng không khó. Ông Tư Vườn Chim đưa lưỡi cuốc tới đâu là đất ở đó sụp lở ào ào. Quả là ông cuốc đất dày kinh nghiệm hơn người. Ông cuốc nhanh nhưng không vung cao, do đó ông ít bị mất sức.
ở ven mảng rừng tràm bị phá trống, đội cứu rừng do ông lão chỉ huy dăng ngang đưa mười mấy bộ ngực ra như chống chỏi vầng lửa đang ùa tới. Cái thứ lửa bom này thiệt là hung hiểm làm sao. Nó cháy cuốn tất cả mọi cây tràm tươi, và nếu dại dột đem nước dưới kinh đổ hắt vào thì nó càng cháy lớn hơn. Chỉ có một cách không cho nó cháy lan, là đào mương ngăn cắt.
Cái mương hình vòng cung vây bọc lấy vùng lửa cứ mỗi lúc được đào sâu thêm… Cuối cùng, lúc ngọn lửa phả tới nóng rát, ông Tư thét lớn ra lệnh cho mọi người nhảy lên. Người ta kéo lôi mấy thím nông dân chậm chạp và mấy đứa nhỏ phụ khuân đất ở dưới.
Lửa tràn tới, réo nghe hù hù. Bất ngờ, lửa bị chặn đứng, bởi cái mương vừa đào xong đó. Ông Tư Vườn Chim đưa mắt nhìn ngọn lửa tiu nghỉu la liếm bờ bên kia, thầm nói: “Tao chỉ cho mày cháy một lõm đó thôi, không để mày cháy lần ra đâu!”. Và ông khoái trá nhận ra trái bom vừa rồi không phá hoại được bao nhiêu. Xung quanh ông, rừng tràm vẫn vươn những thân trắng lốp, lá tràm vẫn xanh ngắt che rợp trên đầu. Bọn máy bay phản lực bây giờ không dám rà sát nữa. Từ bên dưới, các cô du kích cứ xoay theo gốc tràm mà nổ súng. Tuy thế, chúng vẫn liệng bom dầu bừa bãi. Mấy trái rơi ngay giữa kinh. Dòng kinh nước U Minh ngầu đỏ như máu ấy sôi lên sùng sục.
Đến lúc trời hửng nắng, bọn máy bay giặc lại mở một đợt tấn công dồn dập. Ba trái bom dầu rơi liền nhau, bốc cháy ở quãng rừng do đội ông Tư coi giữ. Ông lão la lên:
– Theo tôi!
Thế rồi, ông hươi cuốc cho mở ngay một đường theo thế hình rắn lượn, vòng vèo vây chặt lấy chỗ bom cháy. Đám người bám theo ông lão như một đoàn múa rồng rắn. Họ lại đốn gốc tràm, chém rễ cây, đào, cuốc. Đường mương ngăn cắt có dài hơn, nên họ phải rải người ra và cuộc chiến đấu của họ lần này so với lần trước gay go gấp bội. Tưởng chừng lần này ngọn lửa sẽ xô giạt họ và cháy lan rộng ra. Đám người lúc ẩn lúc hiện sau vùng lửa khói. Mùi xăng nồng nặc làm cho họ muốn nghẹt thở. Hơi nóng của bom hực lên. Nhưng rồi cái mương lượn vòng quanh lửa ấy cuối cùng sâu xuống được một lớp đất, một lớp nữa, rồi thêm một lớp nữa. Khi vùng lửa đã bị cái mương kỳ diệu ấy hoàn toàn ngăn lại, mọi người khiêng lên khỏi mương một thím nông dân và một thằng bé. Cả hai bị nhựa xăng phết lên người. Ông lão cho khiêng cả hai về xóm.
Từ đấy đến xế chiều, đội cứu rừng của ông lão còn đối phó tới gần một chục trái bom xăng do hai đợt máy bay giặc liệng xuống. Không có ai bị thương vì bom, nhưng có thêm mấy người nữa lả đi. Lúc mặt trời xế bóng, ông lão cùng mọi người dập tắt một đám cháy cuối cùng. Khi mương đã móc xong, ông lão ngã vật ra. Mọi người xúm lại khiêng ông lão lên. Ông lão bất tỉnh, vì quá mệt và vì trên lưng ông bị phỏng nhiều mảng.
Cô cháu dâu và một cô du kích nữa võng ông lão đi qua quãng rừng tràm bị cháy để về vườn chim. Dọc đường, ông lão tỉnh dậy ngơ ngác hỏi khiêng ông đi đâu. Cô gái bảo là khiêng ông về chòi thì ông vùng choàng dậy nhảy xuống, chạy về phía tuyến rừng của ông khi nãy. Nhưng được có mấy bước, ông lão ngã khuỵu xuống. Hai cô gái lại đặt ông lên võng, khiêng đi.
Về tới chòi, cô cháu dâu chạy vội ra bờ kinh ngắt vội mấy lá môn nước, đỡ ông lão dậy, lót lưng cho ông nằm. Từ đó trở đi, mỗi lần tỉnh dậy, ông lão lại hỏi: “Tụi nó còn liệng bom nữa không?”
Cô gái ứa nước mắt lắc đầu.
Mà thiệt, sau cái đám cháy ông lão cứu chữa rồi ngã xuống đó, máy bay giặc không đến nữa. Ngoài chòi, rừng tràm đã tắt nắng. Hoàng hôn U Minh lại đến, cùng với tiếng sóng biển miệt Hòn Đá Bạc vỗ về không ngớt. Vườn chim không xao xác như chiều hôm trước nữa. Có lẽ cò và diệc đã lánh bớt về những cánh rừng còn yên tĩnh.Cái chòi đắm mình trong buổi chiều đổ xuống, trong tiếng rì rào của rừng tràm xao gió và trong tiếng sóng biển đồng vọng. Sau một ngày chiến đầu tận lực, bây giờ ông lão nằm im giữa chòi, lúc tỉnh lại, lúc thiếp đi. Những vết phỏng ở lưng ông lão không nặng, nhưng ông lão mệt đuối, vì đã ba hôm ròng ông dốc tất cả sức lực của tuổi già để giành giật lại từng khoảng rừng tràm.
Đêm xuống dịu dàng như mọi đêm U Minh tháng hạ. Trong bóng đêm nhập nhoạng gian chòi, ông lão lại thiếp đi. Lần này ông lão mơ thấy những cảnh chưa bao giờ ông hằng mơ thấy. Cả rừng tràm bừng lên một sức sống mãnh liệt. Lá tràm chưa có lúc nào xanh tươi đến thế, hương tràm chưa có lúc nào ngát thơm đến thế. Bông tràm rụng trắng cả mặt kinh. Cái vườn chim của ông thì mới lạ lùng hết chỗ nói, tổ chim cứ đong đưa ken sát nhau đến nỗi khó mà nhìn thấy kẻ trời. Ngoài cò và diệc còn có nhiều loại chim lạ lũ lượt bay về hàng đàn, con nào con nấy lông cánh cũng sặc sỡ muôn màu. Ông lão cảm thấy người mình cứ lâng lâng, thấy như mình không còn ở cõi địa giới nữa mà là đang phiêu diêu tới một miền thần tiên cực lạc. Trong mơ, ông còn tới dự đám cưới của cháu. Chỗ đám cưới coi y như chỗ động tiên. Bộ đội giải phóng mặc quân phục mới tinh đang múa hát và uống rượu múc ở kinh lên, vì khi ấy nước dưới kinh đều biến thành rượu cả. Mấy đứa nữ du kích xã chuyên chuốc rượu, chẳng thiếu một đứa nào. Chúng nó ăn vận đẹp quá. Có điều rất lạ trong đám cưới đó sao chỉ có mình ông lão là ở trần, bịt khăn xước, và tay nắm chặt cây cuốc. Ông nhìn người mình, cũng lấy làm kinh ngạc cho mình. Thế rồi bỗng ông nghe tiếng gì y hệt tiếng bom, ông liền vung mạnh cuốc quát bảo tất cả mọi người đi theo ông cứu rừng. Trong tư thế chạy lao lên ông lão đạp mạnh một cái và bừng tỉnh.
Trước mắt ông lão bây giờ lại là một cảnh mơ nữa. Ngồi sát bên ông là thằng Thắng cháu ông đang nắm tay ông lay gọi:
– Nội ơi, con về đây nè, nội ơi!
Ông lão nhướng mắt nhìn. Đúng thằng Thắng thiệt rồi! Nó mặc quần áo bộ đội, nhưng không phải quần áo mới như hồi nãy, mà là quần áo may bằng vải thô ướt đầm mồ hôi. Hồi nãy ông không thấy nó đeo súng, nhưng bây giờ nó đeo súng, thứ súng gì lạ hoắc ông chưa hề gặp. Trông nó cao lớn hẳn lên. Ông lão cứ ngỡ là mình còn trong chiêm bao. Nhưng không, chỗ ông nằm là chòi chim rõ ràng. Đúng là cái vách lá xé ấy, ngọn đèn bánh ú ấy. Bên cạnh thằng Thắng là vợ chưa cưới của nó. Ông lão trân trối nhìn cháu mình, nghi hoặc. Cô gái run run ôm bàn tay ông lão:
– Anh Thắng, ảnh mới về ngang nội à! Tỉnh lại đi! Nội ơi!
Ông lão chợt thấy lưng mình rát bỏng, đau đớn. Nhờ đó ông mới vỡ lẽ đâu như mình không còn nằm mơ nữa. Trong lúc cô gái lập cập cắt nghĩa cho ông biết là bộ đội từ ngoài sông Trẹm vừa đổ qua rừng, bộ đội đã tiêu diệt đồn Biển Bạch rồi, ông lão ngơ ngác mất một lúc nữa rồi cầm tay đứa cháu:
– Vậy mà… tao cứ tưởng… Tao tỉnh rồi, tỉnh rồi. Thắng ơi, tụi đồn Biển Bạch tan hết rồi hả?
– Tan hết, tụi con còn nhận chìm luôn mấy tàu tiếp vận nữa nội à. Hồi xế, tụi con ở ngoài sông mới bắt đầu băng rừng.
Ông lão nhổm đầu dậy hỏi:
– Sao, rừng còn đi được chớ, chắc chưa cháy hết chớ? Anh em bây giờ có yên không?
– Máy bay rà dữ lắm, nó theo tụi con trọn ngày nay đó nội à. Nhưng tụi con qua rừng bình yên. Máy bay nó đâu có phát hiện nổi. Nhờ rừng mình chưa cháy hết, nhờ rừng còn xanh nhiều. Xã mình giữ rừng hay quá. Nội ơi, nội ở lại rán mạnh, con phải đi ngay bây giờ. Đơn vị con đã lên hết rồi.
Mắt cô gái bắt đầu đỏ hoe, rưng rưng. Ông lão lặng lẽ nhìn cháu. Lát sau ông gật đầu nói:
– ừ, thôi con đi đi, đi cho kịp anh em…
Anh chiến sĩ đứng dậy, xốc lại súng nơi vai. Anh ta nhìn ông lão, nhìn cô gái, và nói với ông lão:
– Con đi nội nghe!
Thình lình anh đưa tay cho cô gái, nhoẻn miệng cười. Hai người bắt tay nhau, người cười người mếu. Anh ta trêu: … “Du kích gì mà khóc?” Khiến cô gái đang mếu bật cười phì ra. Anh chiến sĩ ngó bao quát gian chòi lần nữa, rồi quay lưng bước ra khỏi chòi. Cô gái bật choàng dậy, chạy theo anh.
Chỉ còn lại ông lão, một mình nằm giữa chòi chim. Bây giờ ông lão mở mắt, tỉnh táo hẳn ra. Ông đang lắng nghe tiếng chân bộ đội hãy còn thình thịch đi ngang và tiếng dầm chèo khua chạm vào mạn xuồng ở dưới kinh. Lâu sau, mọi tiếng động đó im đi, xa đi. Đêm U Minh lại trở về với tiếng sóng biển nghe rùng rùng như những hồi trống, với tiếng gió xào xạc những ngọn tràm cao.
Ông lão Vườn Chim lại thiếp đi.
Không biết ông có mơ giấc mơ nào nữa hay không. Nhưng vẻ mặt ông lão bây giờ trông thanh thản, trông như đang cười.
Cô gái đã trở lại chòi.
Quỳ thụp hai gối xuống sàn chòi, cô cầm một chiếc khăn, mím môi và thấm nhẹ những giọt nước vàng chảy rỉ ra ở lưng và vai ông lão.
1965
(Kho tư liệu của Hội NVHP)