Cậu gặp được cháu ta, âu cũng là duyên trời sắp đặt. Hãy cứ gọi ta là bà cho tiện.
Chàng văn ngắm nhìn thiếu phụ sực nhớ mấy câu vừa đọc ở sách kia:
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân …”
Cậu gặp được cháu ta, âu cũng là duyên trời sắp đặt. Hãy cứ gọi ta là bà cho tiện.
Chàng văn ngắm nhìn thiếu phụ sực nhớ mấy câu vừa đọc ở sách kia:
“… Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân …”
GIẤC MỘNG TRÀNG AN
Thăm lại kinh đô, nhớ người thiên cổ. Cưỡi thuyền dọc dải sông xưa, nương gió về miền mộng tưởng, đôi bờ làn chèo len lỏi hương thôn, thấp thoáng bóng gươm lẫn cùng lau cỏ. Soi tìm lâu đài nền cũ, chỉ thấy gạch vụn ngói tan, viếng thăm hương khói đền thiêng, còn nghe vui buồn kể lể. Chạnh lòng trước buổi canh tân, một thoáng Sào Khê danh thắng.
CHUYỆN TRÊN DÒNG SÀO KHÊ
Sức vóc thư sinh, dặm trường hăm hở: mới vừa phen khe lạch, liền một dận sườn non. Leo quỳnh núi, lặn cỏ đầm, lại thức mấy đêm ròng chăm sóc cho con hồng trĩ, chàng văn đổ bệnh. Cũng may nghỉ nhà cha con Trúc Lịch, thầy hay thuốc tốt, chàng chóng phục hồi.
Đang đọc cuốn sách Trúc Lịch đưa cho, thích thú bội phần. Chạnh nghĩ đến hồng trĩ, đêm đậu cành hoang, ngày vờn gió lạ, cùng cảm xúc chuyện thơ mới đọc, bất giác nên lời:
Thế tục khéo bàn chuyện bướm hoa
Soi chi son phấn dấu gương mờ.
Cáo rình suối lạnh mong hình đến,
Chồn nấp đèo hoang đợi bóng qua.
Mắt rót long lanh cho thẹn nguyệt,
Môi cài chúm chím khéo trêu hoa.
Hoa kia đếm thử còn bao cánh
Há để xuân xanh cửa khép già?
Chợt nghe tiếng cười như bạc dỗi pha lê, thoáng thấy nhan sắc như lụa hờn tố nữ.
– Bài thơ cậu vừa đọc thật trúng tâm tư ta vậy. Lâu nay mấy kẻ vỗ ngực “sử gia”, rung đùi “văn sĩ”, đào khoét chuyện tình, thêm pha chính sử, chẳng có chút căn cứ nào để rồi mặc nhiên gán cho ta cái tội sát phu.
Còn ngơ ngác chưa biết thiếu phụ kia là ai, từ đâu tới, chàng văn đã thấy nàng Hồng sau gốc mai nhị độ bước ra.
– Chàng còn không mau chào Thái Hậu.
Thiếu phụ xua tay cười bảo:
– Ta đã từ lâu cung cấm thờ ơ, gió mây vồn vã, chớ rườm rà lễ nghi mà thân sơ phân biệt. Ban nãy gặp người đồng cảm, xúc động bất thường nên đường đột mà chưa giới thiệu. Cậu gặp được cháu ta, âu cũng là duyên trời sắp đặt. Hãy cứ gọi ta là bà cho tiện.
Chàng văn ngắm nhìn thiếu phụ sực nhớ mấy câu vừa đọc ở sách kia:
“… Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân …”
… Vội thi lễ với thiếu phụ, xong , quay sang nàng Hồng định hỏi. Hiểu ý chàng văn, nàng Hồng miệng mủm mỉm, mắt long lanh:
– Em uống hết thuốc của đại sư gửi về là khỏe hẳn. Bà cho đón hai chị em cùng Trúc Lịch sang Am Tiên. Hai người đang ở lại đó, em được bà cho theo cùng đón chàng. Chàng có thích?
Còn phải nói nỗi lòng chàng văn khi đó, nẻo tâm sự vỗ về, lối ngao du thôi thúc. Chàng mau tay bầu rượu nải đồ. Con thuyền nhỏ nhắn mà sang, khoang lợp cỏ thơm, rèm che mành trúc, bên trong khoang có một bàn gỗ nhỏ sắp bộ đồ trà gốm cổ.
Thuyền nhổ neo rời Dục Thúy sơn hải khẩu, theo dòng Vân Sàng mải miết. Qua đền Vũng Trắm đoạn xa, thiếu phụ bất chợt sắc buồn:
– Em dừng thuyền chỗ này cho ta một lát…
Rồi giọng nhả lời thương, mắt vương nét nhớ:
– Đây sông Vân Sàng, nọ bãi Ba Vuông, hỏi mù còn giăng hỏi sương còn đẫm… Bọn ô trọc vô tình nào biết lẽ càn khôn, chỉ nhăm nhe ô ghế tranh giành, luẩn quẩn thịt xôi chia chác, tri kỷ bên mình hắt hủi, bầy đàn danh hão váo vơ. May thay bia miệng trơ trơ mà ngàn năm khối tình của ta truyền tụng. Rồi người thích thú ngâm nga:
“… Xiêm y đai mãng lọng cờ
Mây cuộn xưống đất, gió xô lên trời
Suối vàng có cái trăng trôi…
Gò đào chợt lên sắc thẹn, khóe thu như hé nụ vui, thiếu phụ thoáng ngập ngừng rồi tiếp ngâm nga:
“…Vén mây cho cái trăng vàng lộ nguyên.
Bây giờ mặt nước duyềnh lên,
Mân mê con sóng vỗ trên bóng cành,
Bờ nây nả, gió loanh quanh,
Nước thành lụa dệt, lá thành gấm thêu.
Một khe nước rỉ trong veo
Hai gò thảo mộc trăng trèo lên trên…”
… Chỗ này ngàn năm trước ta đón Lê Đại hành Hoàng đế thắng trận lai kinh. Khắc khoải như núi đè, nhớ nhung như sông cuộn, đất chiều ta mà dâng mù bốn mặt, trời thương ta mà ám nguyệt một vùng. Vận nước một lần trao cho chàng mà vững bền, mẹ con ta một lần gửi mệnh cho chàng mà toàn vẹn. Mệnh trời chẳng đã trao cả đôi sơn hà cho ta gánh vác đó sao. Bọn lũ bằng vay chữ mượn sao dám che chính sử dối lòng dân mà suy luận điều sàm bậy.
Rồi cả cười đọc lớn:
Lẽ đời luẩn quẩn chuyện trăng hoa
Lễ nghĩa quanh co việc tối mờ.
Nhi nữ đâu nề cơn khói lửa,
Trượng phu sao sợ cảnh can qua.
Giang sơn đã dám trao danh tướng,
Vóc ngọc chi cần giấu nét hoa.
Hoa đẹp xưa nay không sợ tuyết,
Hằng Nga há chịu cảnh trăng già.
Đọc xong bài họa lại thơ của chàng văn, thiếu phụ nhắc thuyền đi tiếp. Nàng Hồng pha bình trà cho hai người đối ẩm, rồi cuốn rèm khoang cho ánh nguyệt tràn vào. Con thuyền lướt trong trăng nước, đến ngã ba Vũ Lâm, thuyền bỏ dòng Vân Sàng theo Sào Khê đi sâu vào sơn thủy. Sóng nước lung linh ánh trời vằng vặc, được dịp ngắm kỹ dung nhan thiếu phụ, chàng văn nhớ lời ca tụng sắc đẹp của người trong sách nọ:
“… Đồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn,
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây.
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày,
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn câm…”
Con thuyền đè ánh trăng lướt tới. Nàng Hồng ghé lại ngồi bên chàng du tử:
– Qua Hang Luồn trước mặt là ta vào Thành Ngoại. Hang Luồn được Nguyễn Trãi đặt tên là Xuyên Thủy động. Là cửa ngõ phía nam vào Kinh đô Hoa Lư.
Vòm hang không cao nhưng lòng hang lại rộng, trải dài hơn hai trăm thước. Từ trong thành, qua hang này theo Sào Khê xuôi về phía nam thuận tiện. Thuyền vào đến cửa hang, nàng Hồng chỉ lên nóc hang, chàng văn thấy lờ mờ vách đá phẳng phiu có tạc khoảng hơn chục dòng chữ Hán.
– Là bài thơ của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm khi thăm thú gấm vóc Hoa Lư, xúc cảm trước cảnh sông nước còn tươi, thành xưa đã úa, qua hang Luồn bèn đổi tên là Xuyên Sơn động, cảm tác thơ khắc lên vách đá. Để em đọc cho chàng nghe theo lời dịch của Thi Nham Đinh Gia Thuyết:
“Quay thuyền về tới bến Trường Yên
Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền,
Như tấm lụa chăng, hang dội nước,
Có từng núi mọc, cửa chồng then.
Cổ đô đã mấy hồi thay đổi,
Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền.
Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ
Lòng dân đáng sợ chớ nên quên.”
Cả ba như thả hồn vào cõi đêm tĩnh lặng, tiếng người xưa thổn thức trong lòng. Thuyền vào sâu trong Thành Nội. Trước mặt, bên trái là núi Mã Yên, thoảng nghe thiếu phụ thở dài. Chàng văn như hiểu tâm tư người, lên tiếng:
– Cháu vừa xong bài họa lại bài thơ trên vách Xuyên Sơn động, xin đọc bà nghe, những mong cầu ứng.
Gác mái trông vời núi Mã Yên,
Hỏi thăm tráng sĩ khắp trăm miền,
Núi xây thành quách bao tầng vách?
Hang chặn cửa vào mấy lớp then?
Sông núi nắng mưa còn vững chãi,
Thành trì năm tháng có đâu bền.
Lòng dân, sức nước dìm hay đẩy,
Vận nước như thuyền mỏng, chớ quên!
Thiếu phụ như dứt luồng suy tưởng:
– Nhìn xem gió hát vô tình, trăng đùa thỏa thích, biết đâu nơi ấy cung điện một thời gác tía, lâu đài mấy buổi vàng son. Kinh đô xưa được Đinh Tiên Hoàng đế chọn đặt trên sơn thủy Thung Lau, nơi buổi đầu khởi đại nghiệp, người cùng với các công thần thủ túc, nghĩa sĩ bốn phương, gậy trúc rèn binh, cờ lau tập trận. Ôi còn đâu nữa gấm vóc xưa, cảnh Thung Lau trong ta còn thổn thức:
“…Suối dồn như đổ bạc đi
Động lau phơi nguyệt ấy thì trắng phau…
…Sông đầy cho ánh nguyệt tràn
Non cao cho cái trăng vàng lửng lơ,
Bãi lau râu tóc phơ phơ,
Một con cuốc gõ, mấy bờ mõ rao…
… Mây xô cho núi lượn vòng
Nhấp nhô nước bạc ròng ròng suối khe.
Ngòi Thần nước chảy đề huề,
Suối Thủy Tiên gọi đã nghe lạ lùng…”
Buổi thái bình vừa đến, Tiên đế đã chọn Hoa Lư đây làm chỗ dựng đô. Người giao cho “Công tượng Lục phủ giám sát đại tướng quân” Ninh Hữu Hưng, tổ nghề mộc làm Tổng công trình sư. Còn kia Điện Bách Bảo Thiên Tuế trên núi Đại Vân được Đại Hành hoàng đế cho xây cất. Chính tay nghệ nhân Thủ Thức vẽ kiến trúc và chỉ huy xây dựng. Gỗ quý trăm miền, đá lạ muôn phương, đem ngọc sáng ngà vàng tưới bón mà mọc lên bảo điện.
Còn đây Ghềnh Tháp, ta còn nhớ như in dáng vóc oai phong của hai đấng tiên vương từng ngự trên đó mà duyệt thủy quân tập trận. Thuyền bè như lá, gươm giáo như rừng, cờ lệnh sáng trời, quân reo lở núi…
Rồi người cao giọng ngâm nga:
“…Trống canh điểm, mõ nện ngày
Gác lâu binh đứng, thành dày trượng ba.
Cổng thành tám bức lòa lòa,
Bát quân bộ hộ thế ra trùng trùng…”
Mây kéo thuyền đi, thuyền dìu trăng tới, qua Trường Yên hạ gà điểm canh sương, lại Chi Phong thôn mõ lùa khói nến. Một chốc đã qua hết Tường Vầu.
– Chàng trông kìa, núi Cột Cờ sừng sững, nối với núi Thanh Lâu kéo sang núi Đầm thành dãy Tường Đông bao bọc. Lát nữa thôi, thuyền sẽ đến chân núi Cắm Gươm, còn nhớ buổi đầu nơi đó thiếp cùng chàng gặp gỡ, đã gió mây thăm thú non tiên, cùng thi họa tâm tình trắc ẩn…
– Thôi nào – thiếu phụ chợt vỗ về – để ta ghé Chi Phong có chút việc rồi còn quay về Am Tiên. Trúc Lịch cùng Bạch Nữ, chị em chúng còn chờ bọn ta ở đó.
Rồi lớn giọng: – Ghé thuyền!
Chàng văn giật mình nghe tiếng mạn va nhẹ cọc gỗ neo thuyền. Chợt nhận thấy mình mới vừa thiêm thiếp chõng tre. Quyển sách vừa tụt khỏi tay rớt xuống sàn nhà. Trúc Lịch đứng bên chõng tay bưng bát thuốc còn lên khói thơm nồng.
Vừa uống thuốc, vừa nhớ cảnh nhớ người trong mộng, chàng văn xúc cảm, giấy bút liền tay, mấy dòng ghi lại.
HOA LƯ DANH THẮNG PHÚ
Duyên trời xui:
Mộng gặp cổ nhân
Thấy miền lạc cảnh
Cổ đô Hoa Lư một chốc tàn hoang
Mạch nước Sào Khê ngàn năm chưa cạn.
Nhắc chuyện:
Giao Thủy chài lưới mưu sinh,
Thung Lau nuôi quân chờ vận.
Lau lách thay cờ
Trúc tre dựng lán.
Bến Hoàng Long giáo mác sau lưng
Núi Cắm Gươm rồng vàng cứu nạn.
Số trời đã định
Giúp nhà Đinh, đánh dẹp mười hai sứ quân
Phúc dân Việt, cơ đồ một nền tự chủ.
Thiên hạ thái bình
An cư lạc thú.
Kinh thành phong cảnh sơn mài
Xóm làng bức tranh thủy tú.
Núi chồng núi, lầu son phủ tía tầng tầng
Sông tiếp sông, chèo quế thuyền nan tấp nập.
Lão nương gồng gồng gánh gánh, Bến Chợ thong dong
Thôn nữ yếm yếm khăn khăn, Bến Đền nhộn nhịp.
Yên Thượng thuyền áp mạn, mở khúc chèo quê
Cầu Đông ngựa chen lưng, trảy về cung cấm.
Gieo vàng sườn núi, Thỏ Ngọc chăm chỉ từng đêm
Rắc bạc mặt sông, Kim Ô cần cù mỗi sớm.
Sen níu hạ bâng khuâng
Cúc gọi thu bảng lảng.
Kìa ai trổ “Luyện Năm Cung”, khuyên chàng giũ áo phong trần,
Đâu người buông “Chèo mở lái”, trỗi nhịp theo dòng lãng mạn.
Một thời
Cả nước dân cũng là quân.
Vua tôi đồng cam cộng khổ.
Cột Cờ lừng lững tôn nghiêm
Mã Yên uy nghi dựng án.
Ngang dọc Thung Lau, Cồ Việt định đô,
Xuôi ngược Sào Khê, thủy binh tập trận.
Thuận thủ thuận công
Thoắt hiện thoắt ẩn.
Biến hóa tùy cơ,
Tiến lui cẩn thận.
Gềnh Tháp vươn đầu, hai vua duyệt binh, gươm giáo chói lòa,
Đại Vân dựng điện, trăm thợ trổ nghề, bạc vàng tỏa sáng.
Khói tràng thành chim chóc rụng rời,
Trống thúc trận cáo chồn tán loạn.
Nước mạnh dân giàu
Vua rồng tướng hổ.
Dẹp Đinh Điền Nguyễn Bặc, xuất quân một trận sạch làu
Tóm Quân Biện Phụng Huân, thọc tay lấy đồ trong túi.
Trời nam giỏi bình Chiêm
Đất bắc thường phá Tống.
Vua một đời da ngựa bọc thây,
Dân cả nước ruộng đồng hưng nghiệp.
Xưa nay:
Núi lớn dựng đế vương
Nguồn trong sinh quốc sắc
Quả nhiên:
Nho Quan đất dưỡng giai nhân,
Tràng An trời xây nghiệp đế.
Hoàng Hậu nhị triều, vận nước đòi phen
Đào liễu ghé vai, sơn hà bách tuế.
Bao công đức, đền phủ vẫn thờ,
Khối diễm tình, dân gian còn kể.
Xưa nay:
Ngai vàng, quyền thế nhất thời
Sông núi, lòng dân muôn thuở.
Ngẫm chuyện xưa chẳng khỏi ngậm ngùi,
Trông phong vật chợt lòng phơi phới.
Đi thôi
Cố quận đang mời,
Sông hồ vẫn đợi.
Nghe chàng du tử đọc, Trúc Lịch đượm buồn mắt phượng, đổi sắc khuôn trăng, miệng vẫn đọng cười mà giọt châu lăn dài gò má.
Nhân 1050 năm Đại Cồ Việt khai sinh.
Đinh Tiên Hoàng xưng đế.
L.T.H