VHP: Bàn về giải thưởng lý luận – phê bình văn học năm 2019, nhà PBVH Bùi Việt Thắng đã khẳng định: “Qua giải thưởng LLPB văn học Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2019, riêng tôi, cảm nhận một cách rõ ràng và lạc quan về phía trước/ tương lai của ngành LLPB văn học nước nhà. Tại sao không?!”.
Lâu nay người ta vẫn nói đại ý LLPB văn học ở nước ta “vừa yếu, vừa thiếu”! Vậy thì, phải chăng đã tới lúc chúng ta phải xóa đi những mặc cảm ấy?
SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG
Năm 2019, có 26 tác phẩm LLPB tham dự giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam. Theo cách phân loại thông thường, có 19 tác phẩm thuộc thể loại phê bình – tiểu luận: Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học của Phan Trọng Thưởng, Những sinh thể văn chương Việt của Lý Hoài Thu,Cơ sở hình thành các hiện tượng văn học của Văn Chinh, Âm vang từ chiến tranh của Tôn Phương Lan, Đi qua đời tôi của Nguyễn Văn Thọ, Năng lượng của văn chương của Nguyễn Trọng Hoàn, Thơ hay và những lời bình của Vũ Bình Lục, Từ kiếp chữ của Nguyễn Thế Kiên,Tiếp cận mật mã thơ của Nguyễn Vũ Tiềm, Thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác Hồ và lời bình của Lê Xuân Đức, Hà Nội văn chương từ một góc nhìn của Vũ Nho,Văn học Việt Nam đổi mới từ những điểm nhìn tham chiếu của Phan Tuấn Anh, Thời gian và trang viết của Đặng Hiển, Mấy vấn đề lịch sử và lý luận đời sống văn hóa, văn chương Việt của Phong Lê, Chuyện thơ 2 của Hồng Diệu, Tái sinh trong ánh sáng của Lương Kim Phương, Logic của tưởng tượng của Mai Bá Ấn, Những trang sách cuộc đời của Phạm Ngọc Chiểu, Văn học và chiến tranh của Nguyễn Thanh Tú. Ba tác phẩm chuyên khảo/ chuyên luận:Thơ Việt trên hành trình đổi mới – Những vấn đề sáng tác và lý luận của Trần Mạnh Tiến,Tư tưởng và phong cách nhà văn – Những vấn đề lý luận và thực tiễn của Trần Đăng Suyền. Bốn tác phẩm chân dung văn học: Tơ trời chùng chình đón đợi của Vũ Từ Trang, Giấu vàng trong gió thu của Khuất Bình Nguyên, Văn chương và bạn văn của Kim Chuông, Đối thoại với hoa của Nguyễn Thị Minh Thái.
Một số tác giả có tác phẩm được dư luận quan tâm nhưng không dự giải như Nguyễn Bá Thành với Bình và luận, thơ và đời, Lê Hương Thủy với Truyện ngắn Việt đương đại – Tiến trình và động hướng, Trần Lê Hoa Tranh với Văn học di dân (Phác thảo diện mạo nữ nhà văn Vệt Nam tại Hoa Kỳ,… Điều này đặt ra vấn đề trước Hội đồng LLPBVH, Hội Nhà văn Việt Nam cần có con mắt xanh để phát hiện những nhân tố mới, những tác phẩm có chất lượng tốt, để đề xuất, đánh giá đúng những đóng góp của rộng rãi lực lượng người viết LLPB văn học hiện nay. Được thế, bức tranh và sắc màu của hoạt động LLPB sẽ trở nên đa dạng, phong phú hơn, tươi mới hơn.
Thấy gì qua các tác phẩm dự giải thưởng? Dễ thấy, ưu trội là các tác phẩm thuộc thể loại phê bình – tiểu luận. Tác giả thường tập hợp các bài viết trong độ dài thời gian không hạn định, phê bình tỏa ra các thể tài sáng tác (thơ, văn, kịch,…). Chân dung văn học đang bắt mắt người đọc. Nhưng thể tài này không dễ viết vì tác giả vừa phải có lưng vốn văn chương, lại vừa phải chịu chơi (là bạn của nhà văn), đôi khi cần sự thăng hoa nhờ vào độ tinh tế, lịch lãm cả đời, cả văn. Viết chuyên khảo/chuyên luận đòi hỏi tác giả phải công phu trui rèn, tích lũy, nghiền ngẫm, thể nghiệm. Nhiều người tán thành ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu trong Hội thảo Quốc gia về định hướng phê bình VHNT do Hội đồng LLPBVHNT TƯ tổ chức (tại Vĩnh Phúc, tháng 12-2019): “Trong lĩnh vực sáng tác có thể có thần đồng. Nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu – lý luận – phê bình văn học thì phải kiên nhẫn học hỏi, dùi mài kinh sử, suy ngẫm kỹ càng, chịu khó thể nghiệm mới mong có thành quả”. Nên không có gì lạ, trong tổng số tác phẩm dự giải, chỉ có 3 chuyên khảo/ chuyên luận mà tác giả của chúng là các nhà nghiên cứu có thâm niên và thành tựu làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu văn học.
Thấy gì về độ tuổi của các tác giả có tác phẩm dự giải? Trong số 26 tác giả gửi tác phẩm dự giải chỉ có hai người ở độ tuổi 8X (Phan Tuấn Anh, Lương Kim Phương); còn lại là đội hình U70, 80, thậm chí có người còn bước sang ngưỡng U90. Vậy là già! Nhưng gừng càng già càng cay (!?). Song le, những tác giả đoạt giải lại không phải là người trẻ như người ta thường nghĩ (trẻ thì ham đột phá, tìm tòi, cách tân, tiên phong). Nghiệm ra, viết lý luận – phê bình văn học cần sự từng trải (trường văn trận bút đã từng), sự lịch lãm, chín chắn. Vậy nên những người tự xưng “thế hệ f” (gồm những người viết văn thuộc 7X, 8X, có thể cả 9X), qua sự kiện này, hãy lượng sức mình để làm sao cuối cùng tạo nên được các giá trị mới, bởi vì một thế hệ mới xuất hiện đúng nghĩa phải tạo nên được “chân tủy” của nền văn học, nói cách khác phải góp phần vào việc xác lập và tôn vinh các giá trị mới (chứ không phảicái lạ, không phải là cái khác như một số ít người đang nhiệt tình cổ súy).
Nhận xét chung: Nếu căn cứ vào số lượng tác phẩm LLPB dự thi năm 2019, thì đáng mừng. Nếu nói lượng đổi dẫn đến chất đổi cũng có khía cạnh đúng. Nhưng nghệ thuật tuân thủ quy luật khắt khe “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Theo ý kiến cá nhân, tôi vẫn thấy chưa đồng đều, chưa cao về tính chuyên nghiệp của các tác phẩm dự thi. Chưa nhiều tác phẩm có thể lưu giữ trong ký ức người đọc hôm nay vốn rất thông minh nhưng cũng rất khó tính.
TÁC PHẨM ĐƯỢC GIẢI
Trong số 8 tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2019, chuyên ngành LLPB chiếm 3 giải. Đó là một con số biết nói. Đáng quan tâm hơn, chúng thuộc về các cây bút có thâm niên, thành tựu trong lĩnh vực viết lý luận, phê bình: Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học (Tiểu luận) của Phan Trọng Thưởng, Những sinh thể văn chương Việt (Tiểu luận- Phê bình) của Lý Hoài Thu, Nhà văn, tư tưởng và phong cách – Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Chuyên khảo) của Trần Đăng Suyền. Tác giả của các tác phẩm được giải đều có thâm niên nghề văn, đều đã công bố nhiều công trình có chất lượng tốt góp vào thành tựu của nền lý luận, phê bình đương đại. Họ đã và đang làm việc tại các cơ sở đào tạo đại học hoặc viện nghiên cứu. Họ có ý thức đi đường dài, làm việc lớn. Trước hết, tôi muốn nói về Những sinh thể văn chương Việt của Lý Hoài Thu. Có thể khẳng định, Lý Hoài Thu là cây bút nữ viết lý luận phê bình có duyên, nổi giọng điệu hiện nay. Giữa lý luận và phê bình chị đi cân đối, hài hòa, nhịp nhàng. Khởi đầu là lý luận: Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám – 1945 (Thơ thơ và Gửi hương cho gió). Đây là Luận án tiến sỹ (đã in thành sách), sau này chị còn đeo đuổi “ông hoàng thơ tình yêu” nhiều nơi, nhiều lúc. Tiếp sau là các tập tiểu luận – phê bình có biệt sắc nữ tính như Đồng cảm và sáng tạo, Văn nhân Quân đội. Nhưng theo tôi, chỉ đến Những sinh thể văn chương Việt thì cây bút nữ viết phê bình này thực sự tỏa sáng. Giống như thể sự chín muồi, hoàn tất. Đọc kỹ, lại vẫn thấy Lý Hoài Thu là người yêu thi ca và thi nhân. Chị dường như xa lạ với các ism (các chủ nghĩa này khác đang mọc lên như nấm sau mưa, theo mode). Chị viết dung dị, tuân theo quy tắc “cái đẹp là sự giản dị”. Hơn thế, đôi lúc như lên đồng khi viết. Như nhập vai chủ thể sáng tác mà viết. Ví như các bài về Hữu Thỉnh (Cây như là sinh mệnh thứ hai trong thơ Hữu Thỉnh), về Lưu quang Vũ (Thơ Lưu Quang Vũ – Gió và tình yêu vẫn thổi trên đất nước tôi), về Phạm Tiến Duật (Không gian Trường Sơn và những giai điệu tình yêu trong thơ Phạm Tiến Duật), về Đoàn Văn Cừ (Ấn tượng thị giác trongThôn ca của Đoàn Văn Cừ), về Hàn Mặc tử (Gái quê và những tín hiệu thẩm mỹ trong trong thơ Hàn Mặc Tử), về Nguyễn Bính (Thơ Nguyễn Bính – Từ ký hiệu sinh thái đến không gian tự tình), về Xuân Diệu (Cái cô đơn mang tên Xuân Diệu),… Tôi dám quả quyết, Lý Hoài Thu thuộc số ít các cây bút viết LLPB gắng gỏi sống với văn chương cùng thời. Lối viết của chị là “bấu chặt” vào thực tiễn văn chương lúc nào cũng “ròng ròng sự sống”. Những sinh thể văn chương Việt của Lý Hoài Thu, có thể nói, vượt trội lên, thuộc số hàng đầu trong số 19 tác phẩm dự thi thuộc thể tài này.
Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học (Tiểu luận) của Phan Trọng Thưởng, theo tôi, đậm màu sắc khác. Anh là người hoạt động văn học trên cương vị lãnh đạo nhiều năm (từng giữ chức Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, hiện nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPBVHNT TƯ). Nhưng anh không cao đàm khoát luận, không lên lớp, không “hàn lâm viện”, không viết những điều trên trời. Mười bảy tiểu luận được đưa vào sách được viết theo tinh thần “nhận diện”,” “lý giải”, “định hướng”, “nhìn lại”, “bàn thêm”. Những tiểu luận sắc nét, chắc khỏe, công phu do anh viết thu hút được sự quan tâm của văn giới như Nhận diện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, Lý giải thành tựu văn học thời kỳ đổi mới, Nhìn lại vấn đề tự do trong sáng tạo văn học nghệ thuật, Văn học nghệ thuật dưới tác động hai mặt của cơ chế thị trường, Bàn thêm về chức năng dự báo của văn học,… Không phải là đường lối, nghị quyết về văn hóa – văn nghệ, nhưng cách viết của tác giả giúp xã hội và văn giới sáng rõ hơn, thấu tỏ hơn những vấn đề vốn không đơn giản của một lĩnh vực hoạt động tinh thần tinh túy nhất của con người. Văn phong Phan Trọng Thưởng có ưu điểm nhuần nhị giữa tư duy logic, trừu tượng đan cài với nguồn năng lượng thực tiễn phong phú mà bản thân tác giả thâu nạp được trong nhiều năm bám sát thực tiễn văn học nước nhà, vừa ở tầm vĩ mô vừa ở tầng vi mô. Có thể đồng cảm khi tác giả chia sẻ: “Tuy sự nhận diện và lý giải các hiện tượng là của cá nhân, mang tính cá nhân, nhưng ít nhiều thể hiện quan điểm chung và định hướng chung trong hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện nay” (Lời nói đầu).
Nếu Lý Hoài Thu duyên dáng, tinh tế trong lý luận – phê bình thì cũng như Phan Trọng Thưởng, Trần Đăng Suyền tỏ ra “vạm vỡ” với chuyên khảo công phu, bài bản: Tư tưởng và phong cách nhà văn – Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Là một nhà giáo giảng dạy đại học lâu năm, là một nhà nghiên cứu có thành tựu, một nhà phê bình điềm tĩnh, tự tin nhưng không kém phần tài hoa. Có thể nói, Trần Đăng Suyền kết hợp được “3 trong 1”. Bàn về tư tưởng và phong cách nhà văn từ góc độ lý luận và thực tiễn, Trần Đăng Suyền không phải là người “khai sơn phá thạch”. Đi trước anh, có nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh cũng “chạm” bút vào lĩnh vực được coi là then chốt, căn cơ và thú vị nhất của sáng tác văn chương. Tác phẩm của Trần Đăng Suyền nổi trội ở phần lý thuyết (Phần thứ nhất Những vấn đề lý luận về tư tưởng và phong cách nhà văn, với 5 chương bài bản về phong cách, cái nhìn nghệ thuật về thế giới và con người, giọng điệu, các biểu tượng nghệ thuật,..) kết hợp nhuần nhị với thực tiễn (Phần thứ hai Tư tưởng và phong cách nghệ thuật một số tác gia, tác phẩm văn học). Riêng tôi, cảm nhận thú vị khi đọc Trần Đăng Suyền ở phần thứ hai anh viết về phong cách Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Hướng. Phần thứ hai tuy tác giả định danh là “khảo luận”, nhưng đọc kỹ cảm thấy thích thú vì nó gần với phê bình chân dung. Ở phần này, tác giả viết kỹ lưỡng, nhiều xúc cảm, nhưng vẫn định hướng viết về tư tưởng và phong cách nhà văn. Bởi vì, sự giàu có của một nền văn học chính là sự đa dạng về phong cách và cá tính sáng tạo.
VĨ THANH
Qua giải thưởng LLPB văn học Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2019, riêng tôi, cảm nhận một cách rõ ràng và lạc quan về phía trước/ tương lai của ngành LLPB văn học nước nhà. Tại sao không?!
Hà Nội, những ngày áp Tết Canh Tý, 2020
B.V.T