Trước khi quả bom giáo dục Hà Giang phát nổ, người ta đã thấy rợn gáy bởi nó phát ra từ trường bất bình thường, vô lý. Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi thì Hà Giang chỉ có 5500 thí sinh.
ÔNG CHA DỐI TRÁ, PHÁ TAN TIỀN ĐỒ CHÁU CON .
Ngành giáo dục vốn phong ba bão táp, thỉnh thoảng lại xì ra một chuyện, đôi khi lại vỡ bung ra một vụ. Lần này, thì giáo dục Hà Giang như quả bom nổ chậm chứa đựng sự dối trá lươn lẹo đã phát nổ. Tiếng động của nó đã vượt khỏi Hà Giang chấn động cả nước, thậm chí vang xa ra khỏi biên giới quốc gia.
* DỐT NHẤT NƯỚC.
Trước khi quả bom giáo dục Hà Giang phát nổ, người ta đã thấy rợn gáy bởi nó phát ra từ trường bất bình thường, vô lý. Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi thì Hà Giang chỉ có 5500 thí sinh. Số lượng toàn quốc dự thi nhiều gấp gần 170 lần thí sinh ở Hà Giang. Điểm trung bình thi tốt nghiệp phổ thông của Hà Giang thuộc top thấp nhất nước. Chẳng hạn: điểm thi Ngữ Văn, Lịch sử, Ngoại ngữ đứng thứ 63/63 tỉnh thành. Điểm thi Toán, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân đứng thứ 62/63 tỉnh thành. Điểm thi Vật lý, Hóa học đứng thứ 59/63 tỉnh thành. Bức tranh giáo dục Hà Giang mang gam màu xám buồn. Chưa bao giờ Hà Giang là điểm sáng của giáo dục quốc gia.
* ĐỘT NGỘT “SÁNG NHƯ MỘT NIỀM KINH DỊ”
Đột ngột, điểm thi tốt nghiệp của tỉnh phía bắc địa đầu tổ quốc chói sáng, rực rỡ mà ngay những nơi được coi là đất học như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… hay các nơi tập trung nhiều nhân tài vật lực như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng… thèm muốn cái thành tích chói lòa vượt trội của Hà Giang.
Thì đây, điểm thi cao chót vót thế này, địa phương nào chẳng khát khao một lần được như giáo dục Hà Giang: Phổ điểm môn Vật lý, Hà Giang có 65 thí sinh đạt từ 9 trở lên chiếm 6,7% thí sinh dự thi; trong khi thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 39 thí sinh. Tỷ lệ điểm giỏi này gấp 23 lần Hà Nội là nơi có những trường chuyên nổi tiếng như Amstedam, Chu Văn An và Nguyễn Huệ. Môn Toán có 57 bài thi được điểm 9 trở lên, trong khi thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 32 và Nam Định được coi là đất học “tủi phận” chỉ có 13. Khối A1 (Toán, Lý, Anh) toàn quốc có 76 thí sinh có điểm thi từ 27 điểm trở lên, riêng Hà Giang đã 36 em, gần ½ toàn quốc; khối A cũng chiếm 1/3 cả nước. So sánh bằng các con số biết nói, càng khẳng định “phi lý Hà Giang” là có cơ sở. Hà Giang có 65 thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên, trong khi đó chỉ có 28 thí sinh đạt từ 8 điểm đến dưới 9. Còn môn Toán, có 50 thí sinh đạt điểm 8 đến 8,75, nhưng lại có tới 57 em đạt 9 điểm trở lên. Theo quy luật chung của hình chóp nón thì điểm càng cao càng ít, cũng như người bình thường thì rất đông, còn người giỏi lại không nhiều. Sự nghi ngờ về “đỉnh cao” thi cử của Hà Giang càng có cơ sở khoa học. Năm nay, đề thi Toán bị kêu ca, phê phán là khó và dài. Một giáo sư, tiến sĩ khoa học Toán làm còn không đủ 90 phút. Đề văn bị phê phán dữ dội về cách chọn dữ liệu và câu hỏi. Vậy mà, một tỉnh nghèo ở vùng sâu vùng xa, kinh tế, đời sống, giáo dục còn rất khó khăn, số lượng thí sinh dự thi của Hà Giàng ít so với nhiều tỉnh thành… lại có điểm cao bất thường trong kì thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia. Người ta có quyền nghi ngờ về điểm thi cao bất thường ở một nơi vùng trũng giáo dục cũng không có gì lạ.
* CHẲNG QUA LÀ… DỐI TRÁ.
Cái gì đến đã đến. Hóa ra, Ba mươi chưa phải đã là Tết. Vỏ đã vàng ươm, chưa chắc ruột đã chín. Chấm thẩm định mới “lăn đùng ngã ngửa”, không tin được một sự dối trá trơ trẽn liều mạng đến thế:
“Cụ thể, có 102 bài thi Toán đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0 điểm; đã công bố là 9,0 điểm).Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8, 75 điểm). Có 56 bài thi Hóa đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75 điểm; điểm đã công bố là 9,5 điểm). Có 8 bài thi môn Sinh đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,25 điểm; điểm đã công bố là 9,0 điểm). Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5 điểm; điểm đã công bố là 9,75 điểm). Có 3 bài thi Địa lý đã chênh lệch từ 1, 25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm). Có 52 bài thi Tiếng Anh đã chênh lệch từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2 điểm; điểm đã công bố là 9,0 điểm”.
Vô lối! Một sự thật nữa còn đau lòng hơn là sau khi “chấm thẩm định, 3 thí sinh ở Hà Giang thuộc nhóm 11 thí sinh có điểm thi cao nhất nước đều bị giảm điểm. Bất ngờ hơn, một em khác trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt môn Toán”. Một sự thật vô cùng cay đắng. Vậy mà, trước đó, chiều 2/7, tại hội nghị hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đầy tự tin và lạc quan: “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá thành công tốt đẹp”. Vâng! “Tốt đẹp” như “Phi lý Hà Giang” ấy ạ.
*NGƯỜI CỦA SỞ GIÁO DỤC LÀM LOẠN.
Người được cho làm cái việc dối trá lươn lẹo và gây hậu quả nghiêm trọng này là ông Vũ Trọng Lương – Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng – Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Giang. Ông chính là kẻ trực tiếp can thiệp vào kết quả của các thí sinh Bất chấp pháp luật và lương tâm con người. Hơn 100 bài thi Toán được nâng mỗi bài 8 điểm thì “trần ai” dưới gầm trời này chỉ có ông Vũ Trọng Lương, chỉ xảy ra ở Hà Giang làm nổi? Ông Lương đã làm cho lời khẳng định “kì thi tốt nghiệp thành công tốt đẹp” chắc như đinh đóng cột của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với Thủ tướng trở thành… báo cáo sai, thành… mất thiêng.
Cơ quan điều tra bước đầu có kết luận: “Sau khi có kết quả đáp án của Bộ GD-ĐT, ông Lương đã lên mạng tải toàn bộ những đáp án đó về và sau đó chuyển sang phần mềm Ecxel, lưu ở trong máy. Ông ta đã dùng máy tính quét xử lý bài thi trắc nghiệm. Sau khi đã quét được file ảnh và chuyển sang file excel, thì ông Lương lấy kết quả đáp án đã được mình xử lý trước đây copy sang và dán vào file ảnh”. Thủ đoạn khá tinh vi và chỉ những người am tường tin học, internet mới có thể phát hiện. Công an cũng đã chỉ ra rằng: chỉ cần 6 giây ông Lương nâng khống điểm cho 1 trường hợp. 6 giây cho một thân phận, cho 1 cuộc đời. 6 giây để thay đổi một số phận từ bùn đen có thể lên thiên đường mà chẳng cần phải lao tâm khổ tứ đổ mồ hôi sôi nước mắt. Ngoài ông Lương này, còn ông Lượng, hay ông Lưỡng, ông Lưởng nào nữa không?
Trước đó, khi dư luận ầm lên nghi ngờ tính bất thường của thi cử Hà Giang thì ông Vũ Văn Sử – Giám đốc Sở GD&ĐT vẫn cao giọng: “Hội đồng thi đã làm theo đúng quy chế và mọi thứ còn đang được nguyên niêm phong. Một chữ, hai chữ đều phải ký, lập biên bản, tất cả mọi việc đều đúng quy trình và được giám sát 24/24”. Vâng! Xanh vỏ đỏ lòng. Ông không biết ông Vũ Trọng Lương dưới quyền ông đã mở khóa niêm phong, rút bài thi, sửa chữa điểm từ lâu rồi. Ông Sử lại còn ngang nhiên bảo: “… việc chấm thi của địa phương được tổ chức đúng theo quy định, còn điểm như thế nào thì phụ thuộc vào bài làm của các thí sinh, không thể lường trước được… Không phải chỉ vì một số ý kiến trong dư luận như vậy mà Sở tiến hành tổ chức kiểm tra công tác chấm thi”. Ôi trời! Bây giờ tóe tòe loe ra rồi. Cháy nhà ra mặt chuột rồi, ông giám đốc sở có muốn rút lại lời nói đầy sắc thái quan liêu, chủ quan hay cố tình bao che ấy không?
Dù sao thì quả bom giáo dục Hà Giang chứa đầy dối trá đã phát nổ. Hậu quả này rất nặng nề, nó tàn sát lòng tin, nó làm nền giáo dục bị mất uy tín, làm tổn thương các thầy cô chân chính và phụ huynh tử tế. Nó phản ánh một thực trạng giáo dục màu xám. Có một quả bom “Hà Giang phi lý” đã nổ tung, liệu rằng có còn quả bom “Phi lý Hà Giang” nào còn ẩn nấp giấu hình dong ở đâu đó trên mảnh đất hình chữ S nghèo khó này không? Nếu như ông Vũ Trọng Lương không nâng các bài thi lên điểm 9 điểm 10, mà chỉ nâng lên điểm 7, điểm 8 thì có trót lọt? dư luận có xôn xao? Không phải ông Lương dốt, mà bởi “tham thì thâm”, lòng tham tối mắt sẽ mù quáng.
* SAU DỐI TRÁ LÀ… BẤT CÔNG.
Câu chuyện của giáo dục Hà Giang không chỉ mang nỗi buồn học đường mà còn là nỗi đau của cuộc sống.Người lớn, lớn rồi cũng sẽ chết. Người trẻ còn nhiều thời gian hơn, nhìn vào các sự kiện Hà Giang phi lý, họ còn có niềm tin về người lớn nữa không? Người trẻ hồn nhiên trong trắng như tờ giấy trắng, bố mẹ, thầy cô vẽ vào đầu họ cái gì họ mang theo cái đó như một hành trang. Vẽ ông quan thanh liêm chính trực sẽ ra ông quan chính trực thanh liên. Vẽ hổ báo sẽ ra hổ báo, còn vẽ rắn rết độc trong đầu sẽ ra rết rắn độc. Câu chuyện của giáo dục Hà Giang không chỉ mang nỗi buồn học đường mà còn là nỗi đau của cuộc sống. Sự dối trá trong thi cử tạo nên sự bất công vô cùng lớn. Sự bất công này còn đeo đẳng kéo dài suốt đời con người đến lúc chết. Bởi hạnh phúc là cái chăn hẹp, người này kéo thì người kia hở chân, thậm chí có người không được đắp. Số lượng tuyển sinh đại học chỉ bấy nhiêu thôi, người này vào nhập học thì người kia khóc ròng. Học sinh có trí tuệ chăm chỉ học hành lại vào trường đại học lìu tìu, thậm chí trượt; học sinh làng nhàng được nâng điểm lại được vào trường đại học đỉnh. Mất công bằng giữa những em cùng lứa, cùng tuổi nhưng chênh nhau về trình độ, phẩm chất năng lực. Thay đổi điểm số của 114 thí sinh với hơn 330 bài thi cũng có nghĩa là cướp mất 114 cơ hội của các thì sinh giỏi giang, xuất sắc khác. Nếu việc này trót lọt, các em thực điểm chỉ 1, hoặc 2, hoặc 3, 4 điểm ấy sẽ được học đại học, chiếm chỗ của bạn khác. Nếu vào ngành công an, rồi học đại học cũng ra trường, dốt nát như thế đi đánh án, đánh tội phạm không đánh lại đánh người tử tế. Nếu vào học trường Y, cũng thói giả dối của phụ huynh chạy điểm, sinh viên vẫn cứ ra trường, rồi chữa lợn lành thành lợn què. Cái sự giả dối của người lớn và mấy ông quan chức làng nhàng chốt ở các vị trí trọng yếu sẽ tạo ra hàng loại người giả dối, rồi lại đẻ ra hàng lũ con giả dối. Giống nói Việt Nam sẽ đi đâu về đâu trên bản đồ văn minh tiến bộ của nhân loại?
* MỘT MÌNH ÔNG LƯƠNG… ĐỐ LÀM NỔI.
Chuyện gì đến cũng đã đến rồi. Sự thật bước đầu đã phơi bày. Giáo dục Hà Giang cũng đã tai tiếng. Giáo dục toàn quốc cũng đang buồn ngao ngán. Vì đâu ra nông nỗi giáo dục Hà Giang có chuyện phi lý vô lối, bất thường? Ông Vũ Trọng Lương không thể “đơn thương độc mã” làm được, mà còn phải có bàn tay của ai đó sau ông Lương. Thông tin con một số lãnh đạo cũng nằm trong lô 114 học sinh được nâng khống điểm này đang làm dư luận quan tâm. Công an đã tìm được trong điện thoại của ông Lương là tin nhắn, số điện thoại gọi đến nhờ vả…, trong đó có của ông kễnh nào không? Lại hổ phụ sinh hổ tử đây mà. Nhưng, sinh theo con đường tự nhiên, tự vận động, chứ can thiệp bằng tiền nong thì cái vận nó bạc lắm. Tiền bạc mà. Lỗi tại phụ huỵnh nữa. Không có cầu sao có cung. Các vị phụ huynh muốn con em mình đạt điểm giỏi trong khi nó dốt, nó làng nhàng thì phải chạy, phải đầu tư và rất có thể ông Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng là một nơi đầu tư màu mỡ, gặt hái nhanh, kết quả chắc. Đầu tư lâu dài khác với đầu tư sổi. Lẽ ra, cũng số tiền ấy đầu tư cho con em mình học hành tử tế ngay từ thuở mới cắp sách đến trường, thì lại đầu tư theo kiểu cắt ngọn. Vô tình sự lươn lẹo của người lớn vừa sai pháp luật, vừa nhuộm bùn đen bẩn tanh tưởi vào con em mình. Vô tình không biết ông cha dối trá, phá tiền đồ cháu con.
*LỖI TẠI ĐÂU?
Quả bom giáo dục chứa đầy dối trá đã nổ lỗi tai đâu? Tiến sĩ Văn học Chu Văn Sơn đưa ra các phương án: Lỗi tại Hà Giang? Lỗi tại Trắc nghiệm? Lỗi tại kiểu thi 2 trong 1? Lỗi tại quyền lực bá đạo? Hay lỗi gồm cả 4 phương án trên? Các câu hỏi này xin dành cho bạn đọc suy nghĩ. Chỉ biết rằng để không có thêm những quả bom giáo dục dối lừa âm thầm nổ chậm nữa thì cần phải có chìa khóa thần mở cánh cửa bịt lối, phá bom. Chẳng hạn: Giao quyền cho các trường trung học phổ thông tổ chức xét tốt nghiệp. Không cần phải thi tốt nghiệp phổ thông, bởi cái bằng trung học phổ thông bây giờ cũng chỉ bằng cái giấy chứng nhận xóa nạn mù chữ cách đây 60 năm. Chẳng có gì ghê gớm, to tát với cái bằng tốt nghiệp phổ thông mà phải thi cử dềnh dành cho mệt. Chỉ cần một kỳ thi là đủ: Trở lại “Kỳ thi Đại học” như cũ thật nghiêm túc, đúng quy chế, nhưng giao cho các trường tự tổ chức. Sẽ không quá tốn kém mà vẫn giữ được tính nghiêm ngắn và minh bạch trước mỗi số phận con người bước vào đời.
Nhưng, “cách mạng tiến công nhất” là thay đổi bản chất thi, cung cách thi, mục đích thi. Lập tức, sẽ thay đổi cách chọn chương trình, chắc chắn sẽ thay đổi cách dạy và học. Còn cái kiểu cách thi như hiện nay thì không có Hà Giang này sẽ lại có Hà Giang khác!
S.N.M