
Phần 7
Diên Thành hầu phu nhân bệ vệ trên sập gụ khảm ốc lóng lánh. Bộ xiêm áo bằng đại vóc màu hoàng thổ của bà ganh đua cùng vòng vàng xuyến ngọc nổi bật trên tấm gối dựa bọc da cáo đen. Từ người phu nhân toả ra mùi hương sực nức.
Mùi hương này được chưng cất bởi mồ hôi, có khi cả máu của những gia nhân xấu số chẳng may bỏ mạng trên con đường thiên lý đi tìm lọai trầm đắt giá nhất tại bắc phương để ủ cho nhà Diên Thành hầu.
Cứ mỗi năm một lần, những phó quan gia cha truyền con nối của nhà hầu lại phải dẫn một tốp mười ba gia nhân cưỡi ngựa mang bạc thoi vàng nén đi qua xứ Lạng, vượt đường dài sang nước Đại Tống, tới tận Tô Châu lùng mua các loại trầm quí nhất cho phu nhân. Những lò hương được đặt trong mấy gian phòng lớn treo đầy quần áo và cái mùi trầm sang trọng đó cứ toả quanh năm để ướp hương cho quần áo xiêm y của toàn gia Diên Thành hầu.
Cất giọng sang sảng quyền quí, phu nhân nói với viên thư lại đang ngồi trên chiếc đôn thấp với cuốn sổ và chiếc bút lông đẫm mực khư khư trên tay:
– Này Trần Mục… Nhà ngươi vừa nói đến bảng kê biên quà mừng cưới của tri châu Lạng Giang phải không?
Trần Mục khúm núm:
– Dạ bẩm phu nhân… Bảng của tri châu Lạng Giang con đã đọc xong. Hai đôi tay gấu này loại lớn nhất đấy ạ… Lại còn chiếc sừng tê cỡ đại… Con đồ rằng trong ngự y cũng chưa chắc có được…
Phu nhân mỉm cười mãn nguyện. Bà khẽ hất hàm. Trần Mục cúi đầu hắng giọng đọc tiếp:
– Hạ quan, tri phủ Bình Giang là Lê Trường Tích lòng thành cúi đầu dâng lời cầu chúc lễ Tiểu đăng khoa của đại công tử. Tài hèn sức mọn, hạ quan xin có chút lễ sơ sài dâng lên bề trên, những mong được ân trên lượng thứ. Gồm: Trâu năm xoáy. Lợn năm móng. Trầu vàng cau tía ba mâm. Ngự tửu hạ thổ…
Phu nhân thoáng cau mày:
– Chọn ngang lễ nạp thái của Hoàng tử! Tri phủ Bình Giang rõ khéo… Ta biết, từ đời cha hắn đã giỏi việc đoán ý chiều lòng bề trên. Nhưng năm nay phủ Bình Giang mất mùa đói kém lắm hay sao mà quan phụ mẫu chỉ soạn một lễ bạc thế này…?
Trần Mục lét mắt nhìn phu nhân, thưa:
– Dạ bẩm… bảng kê còn dài ạ… Dê béo hai mươi con. Cá chép hai trăm con. Tôm hùm hai trăm đôi. Gạo tám hương hai mươi gánh. Gạo cẩm hai mươi hộc. Gà cẩm kê sống hai đôi. Ngoài ra, bẩm phu nhân. Gấm tía mười hai cây. Lụa điều hai mươi tấm. Vàng thoi năm nén. Ngọc bích ba đôi…
Trên gương mặt của Diên Thành hầu phu nhân giãn nở một nụ cười. Phu nhân khẽ gật đầu. Biết ý, Trần Mục vội nhoai người khom lưng đặt cuốn sổ vào tay phu nhân. Phu nhân liếc vài dòng, rồi chợt cau mày:
– Ta chưa thấy danh tính của tri phủ châu Hoan, châu Ái… Lũ này chết cả rồi sao?
Trần Mục cúi đầu:
– Dạ bẩm… Châu Hoan, châu Ái đường về kinh xa xôi hiểm trở. Dân tình ngang ngạnh… Tri phủ hai châu cũng có lễ vật dâng về. Nhưng tin cấp báo ra chiều qua, nửa đường bị kẻ đói chặn cướp mất một xe vàng lụa, giết ba lính áp tải. Chắc lúc này lũ tri phủ hai châu đang thu thập thêm cho đủ lễ vật dâng về kinh…
Phu nhân thở dồn dập:
– Liệu có tin được lời lẽ của bọn quan bất trí dân bất nghĩa này chăng? Ta tưởng từ khi phu quân ta tâu lên Hoàng thượng cho biếm chức tri phủ của Đinh Xương, cất nhắc Bùi Vĩnh lên thay ở châu Hoan thì đám hào lại ở đây thấm lễ nghĩa hơn…
Bà trừng mắt nhìn Trần Mục:
– Chỉ tại ngươi chậm chạp như một con rùa già. Ta đã nhắc cách đây một tháng, rằng phải xuống trát đàn hặc lũ tri phủ tri châu về tội lười biếng, không để ý gì đến dân trong hạt. Nếu không mau sửa đổi, sẽ bị biếm chức. Lũ đó dù ngu muội, song ngầm ý của những cái trát đó thì mau hiểu lắm!
Trần Mục khúm núm:
– Dạ, bẩm, con đã gửi cách đây cỡ vài chục ngày. Nhưng xin phu nhân bớt giận, đường sá xa xôi, dân tình đói kém, không phải vị tri phủ tri châu nào cũng thu xếp ngay được…
Có tiếng cô hầu gái nhẹ nhàng bước vào:
– Dạ bẩm phu nhân… Có Thái sư phu nhân Lê Văn Thịnh cùng gia nhân đặt kiệu trước phủ để vào mừng lễ Tiểu đăng khoa của đại công tử ạ.
Diên thành hầu phu nhân đưa tay sửa lại món tóc đã điểm bạc rủ xuống trước trán. Phu nhân chưa cần truyền lệnh thì Trần Mục đã biết ý, vội ôm sổ nhanh nhẹn lui bước vào nhà trong.
Diên Thành hầu phu nhân vừa kịp vuốt lại nếp áo quần thì đã thấy một vị mệnh phụ vóc người cao lớn, bước đi nhanh nhẹn mà đài các đang tiến vào nhà. Theo sau là năm gia nô mặc đồng phục, lễ mễ tráp đỏ trên tay.
Gương mặt mệnh phụ tròn vạnh như trăng đêm rằm. Một đường ngôi thẳng tắp chia món tóc trước trán làm hai nửa vẫn giữ màu đen mướt khiến càng tăng vẻ đoan trang, nghiêm nghị. Là vợ một vị Thái sư nhất phẩm, quyền cao chức trọng, lại nhiều tham vọng mà Thái sư phu nhân trang phục thật giản dị. Bộ xiêm áo bằng lụa vân hoa màu xanh nhạt với đường cắt may tinh tế, phần trên ôm vừa khít đủ tôn chiếc cổ cao và bộ ngực thanh nhã, chảy xuôi như một dòng suối chưa tới eo lưng đã dừng lại toả rộng, tha thướt đủ cho thấy sự bộn bề hào hoa của chủ nhân. Tay không vòng xuyến. Đồ trang sức duy nhất trên người bà là một viên ngọc trai màu hồng to bằng quả trứng chim đung đưa trên giải dây lưng lụa bạch, dìu dịu toả sáng ngờm ngợp như có linh hồn. Nghe nói đó là viên ngọc trai quốc bảo của vua Chế Củ nước Chiêm Thành ven biển đông. Những đêm trăng sáng, vua Chế Củ thường mang viên ngọc trai này ra cho uống ánh trăng. Chừng một trống canh, khi trăng viên mãn, viên ngọc bỗng chói sáng, sắc cầu vồng lung linh rực rỡ. Áp viên ngọc trai đã uống ánh trăng đó lên tai thì nghe cả tiếng gió biển âm u, sóng biển rì rào, các thuỷ thần thì thầm trò chuyện với nhau từ đáy đại dương sâu thẳm vọng tới. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1069) Thánh Tông hoàng đế thân chinh đi đánh Chiêm Thành , có Lý Thường Kiệt làm tiên phong, bắt được Chế Củ giải về kinh, thu phục ba châu Đại Lý (Nay là đất Lệ Thủy, Quảng Bình), Ma Linh (Nay là đất huyện Bến Hải, Quảng Trị), Bố Chính (Nay là đất các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa của Quảng Bình). Không hiểu sao viên ngọc trai truyền kỳ đó lại đong đưa bên giải dây lưng của phu nhân quan Thái sư Lê Văn Thịnh.
Thái sư phu nhân cúi đầu thi lễ:
– Khắp kinh thành đang dậy lời đồn đại, tán dương sự hào hoa của đại công tử con quan Diên Thành hầu. Kẻ nghèo hèn này hôm nay may mắn được đích mục sở thị, mới thấy rằng lời ấy chẳng phải ngoa truyền!
Diên Thành hầu phu nhân thoáng nhìn vẻ đoan trang của Thái sư phu nhân, liếc xuống bộ xiêm y rực rỡ mình đang mặc, trong lòng dấy lên chút ghen tị vì biết mình dù có phô ra muôn sự phú quý thì vẫn không địch nổi cái vẻ đĩnh đạc sang cả trong người đàn bà vợ vị trạng nguyên nhất bảng của khoa thi đầu tiên của triều đình mở năm Ất Mão. Nghe nói, Thái sư phu nhân thường dậy vào đầu giờ dần để giúp chồng xem xét, soạn thảo giấy tờ biểu tấu trước khi dâng lên vua.
– Không dám không dám… Thiên hạ quá lời…
Diên Thành hầu phu nhân đáp lại, không giấu nổi nét cười nhẹ mãn nguyện:
– Một người thông tuệ như phu nhân thì còn gì lạ lời đồn thổi từ nhà quyền quý đến đám tiện dân ở chốn kẻ chợ này…
– Có sao… Có sao… Đại công tử nhà ta nức tiếng là con người hào hoa. Tiểu thư nhà nào may mắn lọt vào mắt xanh của đại công tử, đặt chân trước từ đường nhà này thật là đại phúc…
Diên Thành hầu phu nhân miệng vẫn còn giữ nụ cười mà trong lòng xót như chà muối. Phu nhân đã mất biết bao nhiêu công sức để ngăn trở cái lễ Tiểu đăng khoa oan nghiệt này. Nhưng đứa con trai ngang ngược đã bất chấp tất cả. Giờ đây, chính tai phu nhân đang lại phải nghe những lời lẽ mà bên trong chiếc vỏ bọc ngọt ngào đó đang rình rập vô số mũi dao.
Chừng như thấy lời lẽ ý tứ của mình như vậy cũng đã đủ, với nụ cười nửa miệng cao ngạo, duyên dáng, Thái sư phu nhân khẽ đưa mắt sang bên phải, nơi đám gia nhân của bà, trái hẳn với phong cách ăn mặc trang nhã của chủ nhân, ăn mặc phục sức rực rỡ cầu kỳ, để chứng tỏ gia chủ là một người hào phóng. Đám này đang nhất loạt cúi đầu chờ lệnh. Sau cái đưa mắt của bà, ba gia nhân đỡ một chiếc tráp sơn son thiếp vàng phủ lụa điều răm rắp bước lên phía trước.
– Phu quân tôi có chút lễ mọn mừng ngày vui của đại công tử…
Thái sư phu nhân khẽ nghiêng người, tự tay nhấc vuông lụa điều.
– Xin mạo muội mừng lễ Tiểu đăng khoa của đại công tử. Những mong phù hợp với sở thích của phu nhân.
Vuông lụa rơi xuống nằm sõng sượt trên mặt đất, một ánh sáng chói loà đập vào mắt. Diên Thành hầu phu nhân không kìm được tiếng reo kinh ngạc. Một con trâu đúc bằng vàng khối hiện ra. Dáng đồ sộ của khối vàng và những nét chạm trỗ cực kỳ tinh xảo khiến người đã quen mắt với những kỳ trân dị bảo chốn cung đình như Diên Thành hầu phu nhân cũng phải loá mắt.
– Còn đây là quà mừng cô dâu. Mừng cô dâu bay bổng thanh cao…!
Lời nói chưa dứt, sau một tiếng “tách” nhỏ, đáy tráp bỗng bật mở, phô thêm một bảo vật nữa, những người chứng kiến càng kinh ngạc bội phần.
Trước mặt Diên Thành hầu phu nhân là một con rồng kết thành bởi những hạt ngọc màu hồ thuỷ hắt sáng. Viên hồng ngọc được gắn làm mắt rồng hơi lẹm ở phía dưới khiến trông như con rồng đang nhỏ lệ. Đôi lễ vật trâu vàng rồng ngọc đặt cạnh nhau, mới nhìn chỉ thấy thật cân xứng. Trông kỹ hơn một chút, mới nhận ra rằng rồng thì thanh cao uốn khúc hướng lên chín tầng trời, mà trâu thì chỉ vục mặt xuống đám cỏ ở dưới đất, người tinh ý sẽ cười thầm vì sự cọc cạch khôn tả. Diên Thành hầu phu nhân không biết được rành rẽ điều ấy, bà thầm nhầm tính giá trị trâu vàng rồng ngọc, nở từng khúc ruột, quên cả việc người ngồi trước mặt bà đây đã thóc mách đến tận ngọn nguồn về nội tình nhà mình.
Thái sư phu nhân dim mắt liếc nhìn khuôn mặt ửng đỏ của người ngồi trước mắt trước cặp lễ vật mình mang tới. Một sự thoả mãn dâng tràn trong bà. Vốn là con gái một ông đồ nho nổi tiếng vùng hiếu học đất Kinh Bắc, gá nghĩa với chàng học trò Lê Văn Thịnh từ thuở còn hàn vi đêm nấu cháo ngày đồ xôi để chồng dùi mài kinh sử, từ con đường khoa bảng mà làm nên công danh, Thái sư phu nhân vốn coi thường đám thê thiếp trong triều. Bọn họ chỉ biết ỷ vào thế của chồng hoặc ỷ vào dòng họ hoàng tộc mà lên mặt kênh kiệu hơn người, tham lam thu vén cho đầy đụn đầy kho. Cứ như nhà Diên Thành hầu đây vốn nức tiếng giàu sang phú quí, nhưng xem ra đầu óc hạn hẹp, tầm nhìn cũng không hơn là bao so với đám trọc phú chốn quê mùa. Chắc hẳn Hầu phu nhân lần này thừa dịp đám cưới cậu quý tử mà ra sức bóp nặn lũ quan nha dưới quyền.
May sao tiếng đàn sáo nhã nhạc từ bên ngoài vọng vào mỗi lúc một lớn, cắt đứt câu chuyện đã đến lúc khó nói của hai vị phu nhân vốn bằng mặt chẳng bằng lòng mà ở kinh thành này ai cũng biết. Diên Thành hầu phu nhân làm ra vẻ vội vã nhỏm dậy:
– Ấy chết… Đám rước dâu đã về nhà… Xem chừng sớm nửa khắc đấy… Mời Thái sư phu nhân tiện có mặt dự mừng, ban phúc cho đôi trẻ.
– Xin đa tạ… Phu nhân cho tôi được kiếu. Đến gặp được phu nhân như thế này là rạng mặt cho chúng tôi lắm rồi… Còn việc lễ trọng của đại công tử, chúng tôi đâu dám…
Đám gia nhân nhất loạt rạp mình chào Diên Thành hầu phu nhân rồi quì xuống, đỡ Thái sư phu nhân lên kiệu.
Dẫu vậy, trên quãng hoa viên mênh mông dẫn lối ra khỏi dinh thự nguy nga của Diên Thành hầu, Thái sư phu nhân cũng kịp liếc mắt điểm mặt đám kiệu rước dâu dài dằng dặc vừa về đến cổng đang dừng lại để bà già dẫn đường vung những nắm tiền đồng ban phát cho lũ người hiếu kỳ bạo dạn đang đứng chờ xem mặt cô dâu trước dinh thự.
Kiệu vừa dừng trước nghi môn, công tử Lý Câu hớn hở vén rèm. Những người đứng chung quanh sững sờ kinh ngạc vì vẻ đẹp thuần khiết của cô dâu. Gương mặt trắng xanh của Nhuệ Anh tiểu thư như một đoá hoa hàm tiếu dưới chiếc mũ phượng, vươn cao trên cổ áo bát ty màu đỏ thêu hình mặt trời và những con chim phượng đang nhẩy múa. Thân áo bát ty rủ dài êm ả xuống chiếc xiêm cũng bằng đoạn bát ty màu bạch tuyết, phía dưới gấu có đường viền xanh như cỏ chuốt. Dưới những lượn sóng rờn của lụa là gấm vóc, đầu mũi đôi hài nhỏ chập chờn hé lộ. Bên kiệu có sau thị nữ mặc áo mã tiên. Hai người cầm đèn lồng chạm rồng. Hai người cầm cành thiên tuế. Hai người bưng tráp trầu và hộp hương bằng ngọc…
Khoảng cách giữa kiệu của Thái sư phu nhân và kiệu hoa của cô dâu tuy không gần nhưng cũng đủ để cho đôi mắt tinh tường của phu nhân kịp nhận rõ vẻ nhìn xuống vẻ ngoan ngoãn và cam chịu của cô dâu. Vốn đã hỏi han rất kỹ về mối tình của Nhuệ Anh với Từ Lộ, con trai quan Tăng đô án vừa bị sát hại, vụ nghi án vẫn còn đang gây bao lời đồn đại khắp chốn kinh thành, trong lòng Thái sư phu nhân không khỏi chợt dấy lên một chút khinh bỉ về sự bạc bẽo của người con gái đang ngồi trên kiệu hoa kia. Và một người mới nhập cuộc nhưng đã rất thông thạo những nghi thức lễ nghĩa chốn cung đình, Thái sư phu nhân hiểu ngay rằng cậu quí tử nhà này đã ngông nghênh dám dùng y phục nghi trượng trong đám cưới công chúa để làm sang đám cưới y. Thái sư phu nhân nhếch nụ cười nửa miệng. Nhất định bà không bỏ qua sự ngạo mạn này. Phu nhân tự dặn mình rồi cho xe ngựa chạy thẳng về dinh ở hướng Nam kinh thành.
Lúc đó, dưới tấm nghi môn “Diên Thành hầu phủ”, từ noãn các vào tới chính đường, các cánh cửa đều mở toang, phô ra những đôi câu đối sơn son thếp vàng chói lọi. Trước chính đường treo cao bức đại hoành phi bốn chữ khảm vàng: “Diên Thành hầu tôn từ”. Dưới hoành phi là bài vị của Thái tổ hoàng đế. Hai bên tả hữu bàn thờ đặt hai chiếc đôn cẩm thạch, trên có trải nệm lông hắc thử dể hút hơi ấm xua tan cái rét tháng ba. Khoảng giữa hai đôn là một bồn lớn đựng những viên than cháy đỏ toả hơi ấm sực. Diên Thành hầu và phu nhân uy nghi trên đôn. Lại mười tám chiếc kỷ trạm rồng phượng đặt thành hai hàng đối diện nhau. Bên mỗi kỷ là một lò sưởi nhỏ bằng đồng. Ngồi chĩnh chiện trên mười tám kỷ là các bậc huynh trưởng trong hoàng tộc. Cảnh tượng uy nghi là vậy. Nhưng từ Diên Thành hầu đến các bậc huynh trưởng trong họ đều không giấu được cái vẻ gượng gạo trên mặt.
Hai thị nhữ nhẹ đỡ Nhuệ Anh tiểu thư xuống kiệu. Công tử Lý Câu sóng đôi cùng Nhuệ Anh bước đến vái chào song thân, hoàng tộc và bàn thờ gia tiên. Nhuệ Anh nhìn những gương mặt lạnh lùng dàn ra trước mặt nàng. Những ánh mắt như xuyên thấu người nàng, thầm định giá nàng như một đồ vật giữa những đồ tế tụng nghi trượng chói sáng. Nàng đã phải quỳ xuống vái lạy không kể xiết bao nhiêu lần. Thân thể mảnh mai của nàng mỗi lần cúi xuống lại lẩy bẩy muốn ngã nếu không có hai thị nữ luôn dìu dỡ hai bên.
Riêng Lý Câu thì chẳng còn bụng dạ nào để vào những thứ nghi lễ phiền toán và dai dẳng hành hạ hắn lúc này. Chú rể nhổm lên cúi xuống vái lạy như một cái máy. Và mỗi lần ngẩng lên cúi xuống, cặp mắt lại không thể rời được khoảng gáy trần của Nhuệ Anh kề ngay bên vai hắn. Trắng ngần và thon nhỏ như một đài hoa huệ và được khoá lại bởi chiếc kiềng vàng nặng chĩu do chính tay Lý Câu tròng vào, bấm khoá trong lễ tơ hồng ở sân nhà gái. Mỗi lần như thế trong lòng Lý Câu lại cháy rực một nỗi thèm khát điên cuồng được ôm vào trong vòng tay cái thân thể này, ngấu nghiến hôn lên cái gáy mảnh mai trắng ngần này… cho thoả tất cả những nỗi thèm khát nung nấu trong hắn, mỗi ngày mỗi thiêu đốt, ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy Nhuệ Anh trong buổi dâng hương ở sân chùa Từ Đàm. Đôi lúc cái ý nghĩ tàn bạo điên cuồng được ghé miệng cắn nát cái gáy kiêu hãnh đó, vò nát giày xéo lên cái thân thể đồng trinh đó… để trả thù lại bao nỗi uất ức, tủi nhục mà sự cao ngạo của nàng đã gây ra cho một người như hắn, đường đường là một vị đại công tử, tập ấm chức hầu danh giá nhất triều đình.
Từ Lộ đã bỏ đi biệt tăm tích. Nhưng Lý Câu cảm thấy cái bóng của tình địch vẫn thấp thoáng đâu đây, lẩn khuất sau những gương mặt, những đèn nến nghi trượng, những mâm cao cỗ đầy trong tiệc cưới này. Và chỉ cần thoáng thấy bóng Từ Lộ, cái thân thể đồng trinh bên hắn đây, cái gáy trắng ngần thon thả như một đài huệ này sẽ tan nhoà, sẽ biến mất như một ảo ảnh… Ý nghĩ đó nhói lên làm Lý Câu như nghẹt thở. Lý Câu nghiến răng, cố nhìn kỹ mặt Nhuệ Anh. Nét mặt buồn, nhưng cam chịu, ngoan ngoãn thành kính vái lạy cha mẹ và các bậc huynh trưởng. Lý Câu thấy yên lòng. Nhưng đôi môi hắn mím chặt. Con chim nhỏ ngang ngạnh bướng bỉnh đã trở nên biết điều an phận trong lồng son rồi. Nhưng hãy chờ đấy, cái lồng son này cũng sẽ có lúc trở thành chốn địa ngục…
Cuối cùng thì những quy định phiền phức những lễ nghi dai dẳng trong đám cưới công tử của một đại gia đại phú cũng đã xong. Tiếng đàn sáo lại réo rắt vang lên. Từng dẫy đèn lồng thắp lên trong nhà, ngoài vườn. Cô dầu đã được dẫn vào phòng tân hôn chuẩn bị làm lễ hợp cẩn.
Nhưng công tử Lý Câu lúc này lại vẫn ra vẻ không hay biết. Công tử vẫn lượn lờ ngửa cổ nốc từng chung rượu lớn, cười đùa bỡn cợt với đám bằng hữu đang ngồi ngả nghiêng trên chiếu rượu đã gần tàn hoặc chen vai thích cánh trong những chiếu bạc vừa mới mở ra la liệt ngoài sảnh.
Ban sáng, lúc chuẩn bị rước dâu, bà mai đã dặn đi dặn lại Lý Câu về lễ hợp cẩn. Chú rể sẽ phải lấy miếng trầu trăm trong tế tơ hồng để dành trao cho cô dâu một nửa. Rồi rót một chén rượu, hai người cùng uống cạn. Rồi vợ trải chiếu lạy chồng hai lạy. Chồng đáp lại vợ một vái… Lý Câu nhăn mặt cố nhịn, nghe hết những lời ê a thốt ra từ cái miệng móm mém lúng búng đỏ nước cốt trầu của bà mai đã ngoài bảy mươi tuổi.
A ha! Lễ hợp cẩn… Có thế mới nên vợ nên chồng… Công tử Câu muốn phá lên cười. Bây giờ miếng trầu trăm vẫn nằm gọn trong túi áo gấm đây. Đáng lẽ miếng trầu này phải đặt lên chiếc đĩa có hình song phượng trên bàn trong phòng đôi tân hôn. Nhưng Lý Câu muốn làm ngược lại. Lúc lễ tơ hồng trên sân nhà gái, đáng lẽ miếng trầu trăm phải được nâng niu nhấc lên, khe khẽ bọc lại bằng một vuông lụa đào. Nhưng Lý Câu lại đưa tay nhón lấy bỏ vào túi, làm nát cả đôi cánh xanh xinh xinh của miếng trầu. Lý Câu muốn Nhuệ Anh và mọi người biết rằng, trên đời này đại công tử Lý Câu muốn làm gì thì làm, chẳng phải nghe ai, chẳng cần tuân theo luật lệ.
“Ta sẽ móc túi lấy miếng trầu trăm ra, và hỏi nàng có nhớ lễ Vu Lan ở Từ Đàm năm ngoái. Nàng đã từ chối mời ta một miếng trầu. Lại kiêu căng ra sao trước mặt Hầu công tử này. Bây giờ miếng trầu đó đây. Ta không mời ta mà ta cũng chẳng mời nàng. Miếng trầu này cũng như thân phận kiêu sa của nàng đó, từ nay sẽ thuộc về ta, hoàn toàn thuộc về ta. Miếng trầu trăm ta không ăn mà sẽ xéo nát dưới chân như nàng đã làm đối với ta trong lễ Vu Lan ngày đó…”. Những ý nghĩ cứ loé lên, lúc nguội tắt trong đầu Lý Câu.
Chuếnh choáng hơi men, Lý Câu không còn nghĩ gì đến thể diện, sán đến phường con hát đàn địch mua vui cho đám quan lại quý tộc cự phú, lả lơi cười nói, bẹo má, bế cả lên đùi ngồi bỡn cợt. Đám con hát cười như nắc nẻ, rồi chợt bụm miệng sợ hãi vì sực nhớ đang ở giữa lễ Tiểu đăng khoa của công tử. Mãi đến lúc mấy tên gia nhân đầu chít khăn điều hớt hải tìm, nói phu nhân truyền cho đại công tử vào ngay để làm lễ hợp cẩn kẻo lỡ giờ tý tốt lành, Lý Câu mới làm vẻ như buộc phải tuân lời. Và lúc đó, dù chuếnh choáng hơi men, đại công tử họ Lý cũng chợt hiểu ra rằng, không phải Nhuệ Anh mà chính hắn, chính hắn, sau bao nhiêu công sức, cơ mưu để đi tới được ngày hôm nay, thì đến lúc này tất cả sự thèm khát cùng dục tình hàng ngày vẫn ngùn ngụt bốc lên hành hạ tâm can hắn giờ đây lại như cơn thuỷ triều vào độ trăng khuyết. Nước rút đi để lại bờ bãi hoang vắng xác xơ. Hắn chần chừ vì ngại ngùng, sợ hãi phải giáp mặt với nàng.
Lý Câu chệnh choạng theo hai thị nữ cầm đôi nến hồng dẫn đến trước cửa phòng tân hôn. Trong hơi rượu mù mờ đầu óc, hắn bậm môi đoán thầm xem lúc này Nhuệ Anh đang làm gì. Hoặc sẽ là một gương mặt, một cặp mắt phẫn uất căm thù. Hoặc sẽ là một thái độ lạnh lùng nhẫn nhục cam chịu. Cả hai hắn đều không muốn. Như mọi người đàn ông bình thường khác lúc này, cùng với những bước chân gần đến hai cánh cửa ngăn cách kia, trong ngực hắn bỗng nhói lên nỗi niềm khao khát mong đợi được mềm yếu được vuốt ve chiều chuộng yêu thương.
Hai thị nữ dừng lại trước cửa phòng. Cả hai ngước mắt nhìn lên đại công tử, và mỉm cười. Nụ cười cầu tài lấy lòng khiến Lý Câu như chợt tỉnh. Hắn móc túi lấy chút bạc vụn thưởng rồi giật phắt lấy cây nến, gạt hai đứa sang một bên, kiên quyết đẩy mạnh cánh cửa bước vào phòng tân hôn.
Căn phòng trống hoang, lặng ngắt như tờ.
Lý Câu giơ cao cây nến trong tay, đứng ngẩn, hơi men thoắt tan biến.
Mọi thứ vẫn còn nguyên đó. Chiếc giường cao chạm trổ cầu kỳ rèm che chăn rồng gối phượng. Chiếc kỷ nhỏ chân quỳ có đặt bình rượu cẩm và chiếc chén “quân độc ẩm” úp bên. Chiếc chiếu cạp điều cuộn tròn để đợi bàn tay cô dâu trải ra đón lễ hợp cẩn. Phía góc nhà, chân đèn dầu lạc bập bùng ngọn lửa. Lý Câu đã nhìn thấy trên tấm nệm hồng trải giường, chiếc áo lụa bát ty khoác ngoài thêu mặt trời và chim phượng mà Nhuệ Anh vừa mặc.
Những giọt nến hồng nhỏ xuống bàn tay rát bỏng. Nhưng Lý Câu không hay biết. Hắn cứ đứng thế trân trân. Rồi hắn cúi nhặt lên những ngọn trâm cài đầu, những chiếc vòng vàng nhẫn ngọc, đôi hoa tai… Tất cả đồ sính lễ mà hắn đã mang tới cho Nhuệ Anh. Tất cả đều được bỏ lại cùng chiếc kiềng vàng chạm hình rồng đeo cổ. Móc khoá của chiếc kiềng vàng đã bị bàn tay, không phải bàn tay, mà là những vết răng cắn còn vương máu, bẻ gẫy. Gió lạnh lùa vào tung phần phật đôi rèm cửa sổ lụa hồng khiến Lý Câu ngẩng nhìn, bước nhanh tới. Trước mặt hắn là khoảng tối đen của khuôn viên sau lầu cao. Xa hơn nữa là hàng rặng cây mai cây ổi đen sẫm dăng mành hai bên bờ sông Tô. Lý Câu đã nhìn thấy một dải lụa trắng xé từ những lá màn cửa, rèm giường nối nhau xoắn lại thành sợi dai chắc buộc vào song cửa sổ, dòng từ thành cửa gỗ xuống khoảng đen sâu thẳm khuôn viên.
… Nàng đi rồi…! Thế là xong… Thế là hết…! Hết tất cả…!
Những tiếng chói óc vang lên từ trong sâu thẳm tâm trí Lý Câu. Hắn thẫn thờ bước lại bên chiếc kỷ chân quì. Hắn run run đặt cây nến hồng lên mặt kỷ. Ngồi xuống. Bây giờ hắn mới nhận ra những giọt nến nóng chảy đọng lại còn đang bốc khói trên mu bàn tay. Hắn cứ để nguyên thế, gật gù ngắm những giọt nến bỏng như ngắm nghía thưởng thức một vật gì lạ lẫm, tình cờ có được, tình cờ sa vào mu bàn tay hắn.
Bên ngoài, một hồi trống thì thùng dội lên báo hiệu giờ tý đã điểm. Giờ khắc bắt đầu lễ hợp cẩn thiêng liêng của đôi vợ trồng trẻ. Đám con hát cũng tạm dừng để các đào kép, nhạc công cùng hợp sức tấu lên bài ca cầu phúc cho cặp tình nhân được bách niên giai lão, giàu sang phú quý, con cháu đầy đàn. Lại thêm những ngọn đèn lồng, những cây bạch lạp được nối nhau đốt lên khiến trong lầu, ngoài hoa viên càng thêm tưng bừng rực rỡ.
Trong phòng, Lý Câu vẫn lầm lì ngồi bên kỷ. Chiếc chiếu cạp điều đã được trải rộng ở bên. Chén rượu độc ẩm rót ra cạn lại đầy. Lý Câu ngửa cổ dốc vào miệng hết chén này đến chén khác. Thứ rượu cẩm ủ bằng hai mươi hai vị thuốc quý hạ thổ lâu năm thơm ngon có tiếng mới được kén dùng cho lễ hợp cẩn của con trai đệ nhất phẩm Diên Thành hầu mà sao lúc này mỗi chén đắng chát bóp chét lấy miệng, bóp chét lấy cổ họng.
Lý Câu cứ uống. Uống mãi. Tiếng trống điểm canh, tiếng đàn sáo chúc phúc từ ngoài kia vẳng vào mỗi lúc mỗi xa xôi mơ hồ như tiếng ma tiếng quỷ, như tiếng vang vọng vẳng lên từ một đời kiếp nào khác. Bình rượu hợp cẩn đã trắng đáy. Lý Câu nhấc bình lên giơ ra trước mặt hấp háy mắt.
Hết rồi… Thế là hết rồi…! Chó má cái lễ hợp cẩn…!
Một lần nữa những tiếng nói mơ hồ lại vẳng lên trong Lý Câu. Lý Câu gục gặc đầu, mắt rời bỏ bình rỗng, hướng lên và bỗng dừng lâu ở trên tường, nơi có treo kiếm báu gia truyền của hoàng cung. Thanh kiếm đã được chính tay Đức Thái Tổ hoàng đế trao cho cha Diên Thành hầu tức ông nội Lý Câu nhân ngày triều đình dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để tưởng thưởng cho những quần thần đã có công lao trong việc dời đô, định đô. Dòng họ Lý kiêu hãnh với thanh kiếm báu. Hôm trần thiết phòng tân lang, Lý Câu nằng nặc xin cha cho treo thanh kiếm trong phòng. Mọi người gàn quải, như thế sợ làm điều bất kính. Lại nữa, đêm động phòng hoa chúc của vợ chồng trẻ chẳng nên có đao kiếm. Nhưng Lý Câu vốn dĩ ngang ngược, đã muốn là đòi bằng được. Diên Thành hầu buộc phải chiều lòng cậu con trai độc. Hầu tắc lưỡi nói với phu nhân: “Nhà mình, mình biết. Bà có nhớ năm Diên Vũ tròn tuổi tôi, làm lễ định trí, bao nhiêu vật dụng bầy quanh, thằng bé đâu có ngó ngàng tới. Nó đạp chân nhoai người, tay với lên. Một tay nhặt hộp son phấn. Một tay quờ cây kiếm báu…!”.
Lý Câu xô đổ kỳ chân quì vùng đứng dậy. Lại như ngày tròn tuổi tôi năm xưa, giờ đây Lý Câu lại chồm tới thanh kiếm báu.
Roạt… Lưỡi kiếm rút khỏi vỏ, ánh lên thứ ánh sáng xanh rợn của loại thép quí trước ánh đèn và ngọn lửa nhảy nhót trên đỉnh nến hồng. Lý Câu nheo mắt, mím miệng đăm đăm nhìn lưỡi thép.
Lý Câu đang đăm chiêu ngắm lưỡi kiếm thì giật mình vì trống điểm sang canh vọng tới. Giờ sửu bắt đầu. Cái hình ảnh trâu vàng rồng ngọc kề bên nhau, quà mừng của quan Thái sư đầu triều mà Diên Thành hầu phu nhân đã nhanh tay sáng ý cho bầy lên trước bàn thờ gia tiên khi rước dâu vào dinh để khoe thanh thế giàu sang phú quí giờ đây lại ập tới trong đầu Lý Câu. Tay nắm chặt đốc kiếm, Lý Câu ngước đôi mắt vô hồn hướng ra ngoài cửa sổ. Vòm trời tháng ba xa rộng lấp lánh những vì sao chuyển mùa. Trong vùng sâu thẳm của trời đêm, Lý Câu nhắm mắt, lại thấy Nhuệ Anh. Gáy trắng như bông huệ. Xa vời. Kiêu hãnh trêu ngươi.
Lý Câu thẫn thờ đưa đầu mùi kiếm hất chiếc áo choàng lụa bát ty thêu chim phượng. Chiếc áo lụa trơn ngập ngừng trên đầu mũi kiếm một giây, rồi lại lặng lẽ xoãi ra rơi xuống chiếu.
Bất chợt cơn giận dữ ập đến. Một sức mạnh điên cuồng thoắt nhập vào khiến toàn thân Lý Câu tê cứng.
Hừ… mày… à…!
Lý Câu gầm trong họng. Lưỡi kiến dữ dội vung lên. Roạt…! Tấm áo choàng bát ty bị chém đứt phăng thành hai mảnh, một mảnh phật phờ rơi trở lại chiếu, một mảnh văng ra cuốn vào chân ngọn đèn dầu lạc ở góc phòng. Lý Câu rít lên vọt đuổi theo mảnh lụa. Xoảng… Cây đèn bị chém ngang thân, dầu văng tung toé. Những giọt dầu bắn ra loang dần, kéo theo những vệt lửa ngoằn ngoèo như những vệt lân tinh bò lan trên tường, trên nền thảm trải phòng, trên giường hoa nệm gấm cho dâu chú rể còn nguyên nếp và thơm quyện mùi trầm quý.
Lý Câu như người điên. Hắn chống kiếm nhẩy dựng lên, giẫm đạp lên những vòng vàng, xuyến bạc, hoa tai, kiềng, nhẫn. Roạt… roạt…! Lại tấm màn cửa lụa hồng bị chém đứt. Roạt…roạt…! Tấm khăn trải giường bị hất cao, tung lên những lưỡi lửa bay quẩn quanh khắp phòng theo những đường kiếm lượn. Đến lúc Lý Câu mệt nhoài vì chém giết, chống kiếm đứng thở hồng hộc như con thú dữ bị dồn đến cùng đường và những lưỡi lửa hung dữ ăn loang lem lém liếm rộng khắp căn phòng tân hôn ngổn ngang tàn phá thì bên ngoài vẫn không một ai hay biết. Hai thị nữ vẫn chồn chân mỏi gối ngoan ngoãn đứng hầu hai bên cửa phòng. Ngoài hoa viên Hầu gia, đám hát vừa giã. Phu kiệu í ới gọi nhau sắp đòn khiêng đưa những vị khách muộn mằn rời dinh.
Đám cháy dữ dội dã thiêu huỷ toàn bộ dinh cơ lầu gác bên bờ sông Tô Lịch và đám cưới không thành của đại công tử con quan Diên Thành hầu đêm đó đã là câu chuyện bàn tán cửa miệng của người kinh thành Thăng Long suốt bao năm sau.
——————————–
Phần 8
Gió bất chợt cuồng nộ trên sông Gâm. Vòm trời cao xanh thoắt tối sầm. Mưa quật xuống ràn rạt xé rách da người.
Cái bóng bé nhỏ vận đồ đen kín mít bỗng chạy vụt lên mấy bước rồi khựng lại. Và lồng lộn xõa xuống một mái tóc đen dài cũng đang giận dữ như cơn giông. Người đó đứng chôn chân. Nửa thân ngả đổ về phía trước ghìm trong gió vừa như lấy đà để bất chợt lao oà xuống dòng sông. Từ Lộ muốn dụi mắt mà tay cứng đờ. Chàng lẩy bẩy bíu vào cụm nứa định nhổm người lên những không được. “Trời… Nhuệ Anh…?”. Từ vừa lắp bắp vừa thốt lên thì người trên lèn đá đã nhào xuống làm con bè giật mình chòng chành. Bóng áo đen dổ sập toàn thân ướt đẫm xuống chân Từ Lộ. Trong ánh chớp của cơn giông rừng vừa loé lên như một nhát chém sáng loà xẻ ngang vòm trời cùng với tiếng sét dữ dội nổ tung khiến người vật cỏ cây muôn loài chết lặng, bên tai Từ lại vẳng tiếng kêu nghẹn ngào, tiếng gọi tha thiết trỗi lên từ trong vùng ký ức sâu thẳm tưởng chừng đã muôn đời muôn kiếp lãng quên…
*
* *
Từ Lộ gò lưng tì vai chống sào đẩy bè ngược sông Gâm.
Con sông về mùa cạn nước trong vắt có thể nhìn thấu đáy những viên đá cuội nhiều màu ẩn hiện và những đàn cá thân mỏng đuôi dài, hàng vẩy lưng óng ánh màu sắc lượn quanh đi lượn lại qua những cành nhánh rêu xanh đen dưới đáy sông. Nhưng bây giờ là mùa hè. Nước từ thợng lưu ào ạt đổ về các nhánh Nho Quế, Ma Nhi, Pác Nam… Sông quặn mình chảy xiết. Bọt nước sủi sùng sục táp vào hai bên thành bè, tung lên quật ràn rạt vào mái nứa của chiếc cum uốn cong, nơi Minh Không và Giác Hải, hai người bạn của chàng, mặc tiếng thác gầm nước réo vẫn ngủ mê mệt sau một đêm tiếp tay nhau chống bè vượt dòng sông dữ.
Những ngày đầu tì vai lên sào, khom ngực nín thở chân dận ngược đẩy bè vượt lên sóng nước, cái đau nhói chạy lên suốt vai xuyên sống lưng làm tê dại nửa thân Từ. Mảng mo cau già nhúng đẫm nước mà sáng sáng Giác Hải đưa cho chàng áp lên vai chỉ một buổi là bợt ra xơ xác. Máu tụ tím bầm thành những hình tròn như đáy bát ở vai, ở ngực, nơi cọ xát với đầu sào. Mỗi bước đi trên bè chệnh choạng, chênh vênh như bước trên giàn lửa. Từ vẫn nghiến chặt hai hàm răng tì ngực tì vào đẩy sào không một tiếng rên. Cái đau cơ thể lúc này dẫu có ghê gớm cũng không thể so sánh được dù chỉ là phần trăm nghìn so với nỗi đau quặn thắt trong ruột gan tâm trí chàng kể từ buổi hoàng hôn nơi cửa rừng Quí Vũ.
Từ Lộ nhớ lại con đường gian truân đã dẫn chàng tới chốn ma thiêng nước độc này để dấn thân trên nẻo thăm thẳm đầy bất trắc mà đích thì càng ngày càng như xa vời. Sau khi Đại Điên đủng đỉnh bỏ đi, suốt ba ngày ròng Từ đã như bất động trong một hang đá nhỏ giữa rừng cấm. Từ nằm ngửa, mắt nhắm, chỉ thỉnh thoảng há miệng đón những giọt sương lạnh buốt từ nhũ đá trên nóc hang rỏ xuống. Hình ảnh pháp sư Đại Điên, cây thiền trượng buông lỏng trên vai, đủng đỉnh bước một trở vào hội Chen cứ hiển hiện trước mắt. Tiếng cười ngạo nghễ đắc ý của Đại Điên cứ nhức nhối mãi bên tai. Kẻ giết thuê độc ác đó đã ngang nhiên giết cha mẹ chàng, những người xưa nay chỉ biết dùng đạo từ bi mà đối nhân xử thế. Kẻ đó phá nát gia đình chàng, giày xéo lên cuộc đời chàng. Và nỗi thất vọng, bất lực về mình khiến những giọt nước mắt của Từ Lộ lặng lẽ ứa ra, lặng lẽ chảy dài trong bóng tối.
Một ý nghĩ mới hình thành, bám chặt tâm trí của Từ sau ba ngày bất động trong hang nhỏ rừng Quí Vũ. Kẻ thù của chàng là pháp sư, đã từng sang tận ThiênTrúc tìm thầy học được huyền thuật hơn người. Trong cõi nước Nam này không kẻ nào địch lại được Đại Điên. Nếu chàng chỉ đem sức thư sinh mà đọ với hắn thì khác nào trứng chọi đá. Từ nhớ lại tiếng kêu thảng thốt của cha trên rừng Quí Vũ. Suốt ba đêm Từ mơ thấy ông, cái thây dựng đứng ướt đẫm rầu rĩ. Văng vẳng tiếng nghẹn ngào: “Từ Lộ con! Cha đã lầm. Ta chỉ tu thiện, không biết phòng ác mới ra nông nỗi này. Không những chết không nhắm mắt mà còn làm liên luỵ đến vợ con, đắc tội với tổ tiên. Muốn trả thù cho cha mẹ, con hãy kíp nén lòng. Bao giờ thông thạo Lục thông, huyền thuật vượt Đại Điên, khi đó hãy trở lại…”. Nói rồi, cha chàng buông xuôi hai tay, tắt thở. Cái thây rầu rĩ đổ xuống sóng soài trên mặt nước trôi ngược sông Tô.
Sang ngày thứ tư, Từ lầm lũi trở dậy, hứng sương rửa sạch những vệt nước mắt đông cứng trên khuôn mặt hốc hác nhem nhuốc. Từ soi thấy mặt mình trong vũng nước mưa phẳng lặng bé bằng bàn tay. Từ bỗng thấy căm ghét những nét dịu dàng trên khuôn mặt thư sinh dưới đáy nước kia. Từ muốn mình rắn rỏi, sắt đá. Một trái tim quánh đặc máu đen chỉ dành cho việc trả thù.
Lại một gương mặt bất chợt hiện lên dưới đáy nước, sóng sánh bên Từ. Mày là làn khói vương ngang trên khoé thu ba không khóc mà long lanh như rớm lệ. Đôi mắt nhìn chàng chan chứa tình ái lẫn hờn trách và tiếc hận. Toàn thân Từ thốt nóng bỏng nhớ lại những ngón tay lụa là ve vuốt của Nhuệ Anh. Từ nhớ ngôi miếu hoang, nơi chàng cắn răng cố tàn nhẫn xua đuổi Nhuệ Anh, người con gái mà chàng sẵn lòng đổi cả tính mạng để giữ gìn nếu như không có cuộc ân oán này. Dội lên trong ngực một cơn khát. Chàng muốn lập tức chạy về kinh thành để biết được số phận của nàng, được nhìn thấy nàng một lần cuối…Từ vùng dậy vơ nắm cành khô hấp tấp nhóm một đống lửa. Chờ cho những viên than đỏ rực bắt đầu hiện ra, Từ nghiến răng dúi sâu ngón út của bàn tay trái vào giữa đống than. Cái ngón tay thổn thức nhất, cách đây chừng vài khắc vừa ấm lên, run rẩy tưởng chừng những ngón tay mềm mại của Nhuệ Anh vừa chạm vào. Những viên than hồng dính chặt vào da thịt. Cái đau xói lên óc. Từ cất một tiếng thét đau đớn trong họng, ghìm sâu tay trong đống than đỏ. Bốc lên khét lẹt mùi thịt cháy. Khi Từ rút tay ra, ngón tay đã cháy rã thịt, phần xương bên trong bầm dập như một nhánh cây bị tước hết vỏ. Nõi đau đớn do cuộc hành xác mang tới khiến chàng thấy cơn khát trong lòng dịu vơi, dường như trong tim đã chứa đầy máu đen.
Rồi Từ lấy nhựa cây bôi đen mặt mũi, rách rưới như một kẻ hành khất, tay nải lên vai, dò đường tìm đến Thiền viện của Thập Quang Đại sư. Thời cha còn sống, Từ vẫn nghe cha nhắc đến phép thuật cao cường và thiền viện bí ẩn của đại sư nằm cheo leo trong sương trên núi Yên Tử.
Đường lên đỉnh núi lởm chởm đá tai mèo. Hai bên đường là rừng rậm chốc lại rung chuyển bởi tiếng hùm beo gầm gào. Trăn đánh võng trên các cành cây. Rắn phun nọc phè phè lạnh gáy. Đường càng đi càng mất hút dấu chân người. Chỉ còn thấy những vách đá dựng ngược chắn ngang lối. Từ đu mình vào rễ cây mà leo lên. Nhiều lúc thân treo lơ lửng trên vách núi, mười con tay bấu chặt vào đá đến tróc móng, hai cùi tay cố hợp sức ghì chặt lấy một mỏm đá giữ thân mình khỏi rơi xuống vực sâu thẳm đang ngoác miệng chờ trong tiếng kêu hú rợn người của đàn vượn lúc xa lúc gần ma quái… Mây quẩn quanh chân khi mờ khi tỏ như đùa giỡn che khuất đường đi, chỉ lỡ nửa bước là tan xương dưới vực.
Từ không nhớ rõ là đã đi bao ngày, rách nát bao nhiêu đôi giày cỏ. Bàn chân mịn hồng mới đây được ấp ủ trong giày gấm, nay hết tứa máu lại sưng phồng và chằng chịt sẹo. Vậy mà thiền viện của Thập Quang đại sư cứ lúv ẩn lúc hiẹn, có khi tưởng đã trước mặt, hớn hở chạy đến lại chỉ thấy một khóm cây. Có lúc hoàn toàn biến khỏi tầm mắt. Từ càng đi càng hoang mang, luôn thảng thốt rằng mình đã nhầm đường. Mỗi lúc chàng tuyệt vọng, nước mắt lã chã rỏ xuống đôi bàn chân rách nát, những muốn chết đi cho nhẹ nợ, thì thiền viện lại hiện ra như vẫy gọi. Mãi đến khi chàng lần đến được dưới một vách đá chót vót chọc trời, mười ngón chân sưng phồng như quả mận chín, đầu gối trái bị trẹo vì bám hụt vào mớ rễ cây bị đứt, vừa hồi tỉnh sau cơn choáng ngất, ngửa mặt lên thì thấy một ngôi nhà cỏ cheo leo trên vách núi.
Mặt trời đã ngang tầm. Vách đá trước mặt còn cao vời vợi. Từ Lộ neo được một khuỷu rễ thông già dừng lại để thở. Chợt nhìn xuống phía sau thấy một chú đạo sinh trạc mười một mười hai tuổi, áo nâu xốc xếch, tóc trái đào đang gò lưng gùi hai ống bương dài hơn người. Ống bương nước có vẻ rất nặng mà tiểu đạo sinh cứ thế thoăn thoắt nhảy nhót qua tai mỏm đá dựng ngược mà lên, trông như một chú sơn dương đương tung tẩy trên mặt đường bằng phẳng. Nước đầy sóng sánh trên miệng ống mà không một giọt tràn. Đạo sinh líu lô như chim hót:
Tỳ kheo tỳ kheo – nón đeo
Hành cước, hành cước – vượt đèo
Nghiệp từ kiếp trước – thương khéo
Trả lại kiếp này – bóng theo…
Qua mặt Từ Lộ, tiểu đạo sinh không nhìn lại không hỏi han. Đôi chân trần bé nhỏ vẫn thoăn thoắt thoăn thoắt. Chẳng mấy chốc lưng áo nâu với hai ống nước dài đã khuất sau những mỏm đá cao.
Từ Lộ cứ theo hướng tiểu đạo sinh mà leo, bỗng thấy chân mình lẹ làng nhẹ nhõm. Lối đi như rộng ra. Mặt trời quá đỉnh đầu. Càng lên cao sương núi càng âm u khí núi càng lạnh buốt. Leo mãi. Vượt qua một dốc đá trơn chuội có hàng thông trăm tuổi đứng như hàng lính canh đến một bãi đá xanh vân trắng trải dài… Thập Quang thiền viện là đây. Dẫy lều lợp cỏ lau nối nhau phơ phất như tóc bạc. Khoảng hơn hai chục đạo sinh ngồi kiết già hai tay chắp ngực mặt hướng về phía một gốc thông thân trăn mốc thếch, ngọn vươn cao như trọc tới trời xanh. Không biết các đạo sinh này ngồi bất động đã bao lâu. Trên những mái đầu cắt trọc tóc mọc lởm chởm, trên những tấm vai trần bợt bạt vì sương gió bủa vào người bê bết lông chim, phân chim rừng.
Từ Lộ lúng túng chưa biết tính sao thì chú đạọ sinh gùi nước đã quay trở ra bãi đá. Lần này tiểu đạo sinh đến trước mặt, nhìn thẳng vào mắt Từ Lộ, rồi vẫn không nói một lời lại quày quả bước đi. Từ như người chợt tỉnh, vội bước theo tiểu đạo sinh.
Thập Quang đại sư ngồi thiền trên một tảng đá lớn sau gốc thông già. Dái tai rủ chấm vai, mắt lộ môi dầy, cằm vuông trán đứng… Vóc người cao lớn. Thần thái uy nghi… khiến Từ Lộ vừa nhìn thấy đã bủn rủn chân tay, thân thể như không còn xương cốt, quì sụp xuống.
Từ Lộ quì không biết bao lâu. Chàng cố hết sức để không gục xuống. Chân tay tê dại và cái đói khiến cho chàng như mê sảng. Khi chàng ngẩng đầu lên thì trăng đã đứng ngang trời. Khắp bãi đá và cả một vùng rừng núi trời đất mênh mông ngập tràn ánh vàng ngời ngợi trong vắt. Đại sư vẫn ngồi đó. Đôi mắt to tròn xoe như mắt cú rọi thẳng về phía chàng. Cái nhìn như xuyên qua tim.
Từ Lộ lắp bắp. Đại sư đưa năm ngón tay ra hiệu. Giọng Đại sư sang sảng thấu tận vào óc:
– Từ Lộ… Ngươi đã nhọc công đến dây tìm ta. Nhưng thiền viện của ta lập ra không phải để dung dưỡng niềm hận thù Huyền thuật của ta rèn luyện không phải để lấy máu hại người. Vả lại, phép thuật của ta không bằng Đại Điên…
– Thưa đại sư… Con…
– Ta biết nỗi đau đớn oan khiên khôn cùng mà ngươi đã phải gánh chịu. Âu cũng là nghiệp chướng buộc chân con người nơi trần thế. Thế gian này đâu cũng ngun ngún những đống lửa hận thù, hể có gió lẻ là bốc thành núi lửa. Ta cũng nhìn thấy ngùn ngụt lửa hận thù cháy trong mắt ngươi. Mà con đường đến với đức Phật ngắn nhất không phải đi trên những đống xương thù hận.
– Thưa đại sư. Con từng nghe. Nhưng con đã thề trước vong linh cha mẹ và tổ tiên. Thân xác Từ Lộ này kể từ đêm Nguyên tiêu năm nay không còn thuộc về Từ Lộ nữa… Cả đời, song thân con chưa từng làm một điều ác. Tại sao gia đình con lại phải gánh chịu oan nhiệt đến như vậy? Từ Lộ này chỉ sống để rửa hận mà thôi!
– Còn trẻ người non dạ, ngươi chưa hiểu. Có quả ắt có nhân. Âu cũng là nhân quả từ kiếp trước…
– Xin Đại sư xác tội. Vậy nếu con tìm đến đại sư, một mực xin học đạo pháp cao cường để báo oán, ắt cũng không phải do con muốn, mà phải có duyên nghiệp từ kiếp trước. Có bao nhiêu con đường đến với Phật tổ, con chưa có duyên thấu hiểu. Nhưng con thiển nghĩ, nếu khoanh tay trước kẻ ác thì tất vô tình hại người thiện…
Thập Quang đại sư im lặng hồi lâu, rồi buột thở dài:
– … Trong lý lẽ ngông cuồng của kẻ trẻ dại này cũng có đôi chút ánh sáng. Ta không thể dạy huyền thuật cho con. Đại Điên khi xưa đã không quản gian nan cực nhọc sang tìm thầy học đạo tận bên đất Thiên Trúc. Hắn có tài và bền chí. Chỉ tiếc rằng hắn lại dùng tài đó để thoã mãn tham, sân, si… Nay ta chỉ đường cho con sang ThiênTrúc. Con phải bền gan hơn Đại Điên. Nhưng nhập đạo, luyện trí, rèn thân… biết đâu trên con đường hành cước, trong thân phận của một tỳ kheo, con cũng lại ngộ được đôi điều, ngõ hầu làm vơi gánh nghiệp chướng… Trí Thành đâu?
– Dạ!
Chú tiểu đạo sinh vẫn đứng chắp tay hầu bên đài sư nghe gọi tên vội lên tiếng.
– Nhà ngươi đã gặp Từ Lộ, dẫn hắn đến đây. Âu cũng là nợ trần ai. Mà các ngươi cũng còn duyên sau này nữa. Ta cho con xuống núi cùng Từ Lộ đi Thiên Trúc…
– Thưa sư phụ…
– Mọi điều cho chuyến đi, thường nhật ta đã nói. Tuy tuổi con còn nhỏ nhưng bấy lâu luyện rèn cũng đánh được chân hành giả. Từ nay ta dặt pháp hiệu cho con là Minh Không. Ngay sáng mai hãy cùng Từ Lộ xuống núi.
Nói rồi đại sư chắp hai tay trước ngực nhắm mắt. Thân còn tĩnh tại đó nhưng hồn như đã phiêu diêu bồng bềnh tít chốn cao hoang.
Đêm ấy Từ Lộ không ngủ. Chàng cùng Minh Không lo liệu cho chuyến đi. Tại thiền viện đã có sẵn những chiếc bát gỗ cũ kỹ có dây đeo dành cho các tỳ kheo đi khất thực và những cây tích trượng bằng thiếc. Từ Lộ nhạc nhiên thấy Minh Không đem thêm một bộ bát và tích trượng, ngoài bộ đã dành cho hai người. Minh Không đáp lại cái nhìn dò hỏi của Từ Lộ: Dưới chân núi kia, có một kẻ đợi chúng ta vào lúc mặt trời mọc.
Gà gáy canh tư, Minh Không đã hối thúc Từ Lộ. Cái cậu bé để tóc trái đào, trò yêu của Đại sư, nhờ ngót chục năm rèn luyện tại thiền viện, đã thành thạo mọi công việc của một tỳ kheo trên đường hành cước. Cậu bé giục Từ Lộ khoác tay nải lên vai, rồi đi trước dẫn đường, cứ bám rễ cây mà đu, đến khi mặt trời mọc đã thấy một con sông nước đỏ ngầu. Một người trẻ tuổi, vóc dáng tầm thước vạm vỡ, da ngăm đen mắt lòi, đang bồn chồn chờ họ. Đó là Giác Hải, một tay chài lưới trên sông Lô mà Minh Không vẫn thường cùng trò chuyện mỗi khi xuống lấy nước. Giác Hải đã có ba năm lên núi theo học tại thiền viện…
*
**
… Từ Lộ nghiến răng chống sào đẩy bè ngược dòng. Càng lên thượng nguồn nước sông càng chảy xiết. Những mỏm đá ngầm ẩn hiện khắp dòng sông như vô số hàm răng nhọn của lũ thuỷ quái đang rình rập chờ xé tan chiếc bè ra trăm nghìn mảnh. Những thân cây cành cây đổ từ thượng nguồn trôi về lập lờ trên mặt nước như những thây người chết đuối vừa bị hồn quỷ nhập chỉ phăm phăm nhằm thẳng vào bè của chàng mà sầm sập lao tới. Dưới chiếc nón là gồi rộng vành che khuất đôi mắt sáng như đang trong cơn sốt, những giọt mồ hôi đuổi nhau nhảy hối hả chạy vòng qua đuôi mày rậm khiến mắt Từ Lộ cay xè như đang khóc. Những chiếc nón rộng vành đội đầu là đặc điểm để nhận ra các tỳ kheo đang thực hiện các cuộc hành cước trên con đường xa thẳm của họ. Để tìm đường sang ThiênTrúc, Đại sư đã tặng cho mỗi người một cây tích trượng bằng thiếc, có gắn những vòng đồng mà mỗi bước đi lại cất tiếng rung xủng xoảng. Tiếng rung đặc biệt này là để xua đuổi côn trùng biết trước mà tránh xa, không để các tỳ kheo chẳng may giẫm chết thì lại phạm vào sát giới. Tiếng tích trượng cũng còn là để xua đuổi ma quỷ, tà khí dọc đường đi và kêu gọi các thí chủ rộng lòng giúp rập. Theo giới luật Thiền tông, Từ Lộ, Giác Hải, Minh Không đã phải tìm lá gồi kết những chiếc nón dành riêng cho các hành giả. Minh Không nói rằng các hành giả nhất thiết phải đội nón rộng vành. Vành nón rộng không cho người ta phóng mắt lên trời hoặc hoang đãng nhìn ngắm sang hai bên, mắt không tán theo cảnh sắc ben ngoài mà chỉ nhìn sâu vào đáy lòng mình.
Trên sông Gâm, chiếc bè dưới tay sào của Từ Lộ vẫn luồn lách qua những mỏm đá ngầm cây đổ sóng dữ. Từ đã thấm mệt. Mỗi khi rút sào chạy lên đầu bè, chàng phải rướn người tì cả nửa thân lên trên đầu sào để lấy thêm sức đẩy bè đi. Đang đưa ống tay áo lên gạt mồ hôi thì chợt nghe phía sau có tiếng người rổn rảng:
– Bữa nay đường sào của huynh đã thuần nhiều rồi…!
Từ Lộ ngoái nhìn. Giác Hải đã qua giấc lồm cồm chui ra khỏi cum nứa. Mưa nắng như chỉ quét thêm một lớp dầu bóng lên nước da nâu sậm của Giác Hải. Từ thèm thuồng nhìn mỗi bước chân của Giác Hải đặt chắc chắn như đóng cọc xuống mặt bè chòng chành.
Giác Hải vươn vai chui vào còng dây buộc chiếc áo tơi lá, bước đến đỡ con sào trong tay Từ Lộ:
– Thôi, để tôi. Sắp qua thác Cả… Đoạn này dữ lắm. Huynh cứ nhìn những miếu bên bờ sông kia. Mỗi miếu thờ là có mươi mạng người đổ xuống nạp cho thuỷ thần đó..!
Từ chuyển sào cho Giác Hải. Chàng quỳ xuống cởi nón lá hai tay vỗ nước lên mặt. Nước sông ngàu đục nhưng mát rượi nồng vị phù sa và mùi oai oải hăng hắc của thân cây trôi từ thượng nguồn. Đường ngược phương bắc đến ThiênTrúc sơn lam chướng khí vạn dặm hiểm nguy, rắn rết hùm beo, yêu ma quỷ quái. Mới qua ít ngày đường, Từ Lộ đã hiểu ý đại sư ghép ba người cùng vào chuyến đi thật thâm hậu. Minh Không tuổi ít nhưng theo học sư phụ lâu năm, trí khai minh, cân bằng thuận nghịch. Giác Hải đôn hậu tháo vát, sức lực đầy tràn. Hai người đó cộng với chàng, bộ ba mạnh yếu hoà đồng, san sẻ cho nhau mới mong đến được đất ThiênTrúc xa xôi học phép lục thông huyền bí.
Giác Hải thoăn thoắt bước nhanh, nhịp nhàng chống sào đẩy bè băng băng vượt đoạn sông dữ. Dưới tay sào của Giác Hải, chiếc bè như có thêm tai thêm mắt, luồn lách qua những vùng đá đầu sư nhấp nhô, những quầng nước xoáy chóng mặt. Cái dáng lực lưỡng của Giác Hải mỗi nhịp vươn lên, cúi xuống chống sào đẩy thật đẹp. Nắng rực rỡ trên tấm lưng trần như cánh phản in nhẫy bóng mồ hôi. Giác Hải quay nhìn Từ Lộ:
– Gọi Minh Không dậy thôi! Sắp đến bến Đá rồi. Ta ghé vào bờ kiếm thêm chút khoai sắn dự trữ cho đường trường sông nước!
Nhưng không cần gọi, cái bóng bé nhỏ gọn gàng với gương mặt tươi tắn sáng láng của Minh Không đã chui ra khỏi cum nứa. Minh Không đâu có ngủ. Mười hai tuổi, lần đầu tiên được xuống núi đi xa, cái gì đối với chú tiểu đạo sinh cũng lạ. Chú nằm lắng nghe tiếng nước ào ạt vỗ dưới thành bè, nhìn ngắm không chán những bờ đất, cành cây vun vút qua khe nứa bên ngoài. Thỉnh thoảng Minh Không phải nhỏm người vểnh tai dụi mắt. Đó là lúc giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng cây cỏ, chú thoáng nghe có tiếng gà gáy, chó sủa hay nhìn thấy một mái lều lá, một bóng người mờ ảo, lunh linh trên vạt nương sắn nương ngô đất phơi đỏ au bên bờ sông… Minh Không xỏ chân vào đôi giầy cỏ vừa bện chiều hôm trước, nhanh nhảu với lấy cây tích trượng và chiếc nón, bước ra đến đầu bè:
– Bẩy năm trên núi được nghe sư phụ giảng giải mọi nhẽ. Gìơ đi theo nhị huynh mới chỉ quẩn quanh trên mảnh bè này đã thấy thông tai tinh mắt thêm nhiều, nhiều lắm!
Nói rồi cất tiếng cười khanh khách.
Vượt lên khỏi ghềnh đá, dòng sông Gâm trước mặt đột ngột mở ra một vùng bát ngát. Trời cao xanh trong. Những dẫy nương ngô nương sắn mướt xanh rờn rờn sóng nối nhau chạy dọc đôi bờ.
– Huầy à… Huầy!
Giác Hải miệng la to, tay chống sào đảy bè lệch mũi. Con bè như một cánh chim chựng lại rồi từ từ ghếch mũi vào dọc một bên lèn đá trắng ăn lan từ trong nương sắn xanh rờn xuống tận mép nước.
– Bến Đá rồi!
Không đợi Từ Lộ và Minh Không tán đồng, Giác Hải nhảy xuống lội nước oàm oạp cắm sào neo bè.
Minh Không cũng nghếch đầu nghển cổ. Chú tiểu đạo sinh tròn xoe mắt nhìn lên bờ, nơi vừa thấp thoáng bóng người từ những mái nhà lợp cỏ tranh lá gồi, từ các nương rẫy chạy ra hướng về nơi tấm bè vừa neo lại.
Từ ngồi lại trên bè nứa, dửng dưng với cảnh vật trên bờ trước mặt. Chàng chỉ mong cho Giác Hải và Minh Không nhanh chóng đổi được vài thứ cần thiết cho ba anh em rồi bè lại tách bến ngược dòng. Ruột gan Từ cồn cào từng khắc. Ngoài Giác Hải và Minh Không, chàng không muốn nhìn thấy bất kỳ ai. Từ phải sống lẩn lút trên đất kinh thành, nhất là từ ngày rời hội Chen ở Quí Vũ, trong lòng Từ luôn thấp thỏm. Nỗi kinh sợ mỗi ngày một lớn. Chàng kinh sợ con người.
Trên bến Đá dăm bẩy người đang vây quanh Giác Hải, Minh Không. Mùa sóng nước thuyền bè qua lại ít. Nhất là lại có một con bè ngược dòng. Từ Lộ nhìn thấy Giác Hải đang khoát tay chỉ về phía hạ lưu, dáng chừng anh chàng đang kể một câu chuyện gì đó đáp lại những câu hỏi và sự tò mò của mấy người dân sơn dã sống trên đất này, suốt đời ít có ai bước chân ra khỏi mấy mảnh nương rẫy nhỏ hẹp. Từ ngửa mặt lên trời. Tiếng sấm dồn ầm ù trên cao khiến chàng chột dạ. Trận giông rừng có thể kéo đến bất chợt lúc nào cản đường chàng. Từ đứng dậy, đưa cả hai tay lên miệng làm loa thúc gọi giục Giác Hải, Minh Không.
Nhưng một bóng người vừa hối hả tách khỏi đám đông trên bến khiến chàng chú mục, tiếng gọi ngưng giữa chừng. Bóng người nhỏ bé mặc đồ đen, cả chiếc khăn vải trùm đầu cũng màu đen. Bóng người liêu xiêu đi xuống lèn đá trắng hướng thẳng về phía bè nứa của chàng
***
Tiểu thư Nhuệ Anh cũng không còn biết đã bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng trôi qua. Bám vào sợi dây lụa xé ra từ áo cưới, nàng thả mình từ khung cửa lầu cao xuống hoa viên nhà Diên Thành hầu mà tưởng chừng buông tay gieo mình xuống vực sâu thăm thẳm. Chỉ đến khi hai bàn chân trần chạm đất lạnh, Nhuệ Anh mới như chợt tỉnh. Nàng khẽ rên lên một tiếng vì sợ hãi và mừng rỡ. Nhuệ Anh cúi xuống nghiến răng giật đứt vto áo lụa hồng vướng vào cành trúc sau vườn. Bốn phía chói loà chỗ tối chỗ sáng. Nhuệ Anh không biết đường nào mà chạy, cứ nhằm phía bóng tối không có ánh sáng đèn mà lao tới. Càng xa ánh đèn càng thấy nhẹ nhõm như con chim sổ lồng. Đến khi biến hẳn vào vùng đêm, bên tai không còn nghe tiếng người, tiếng đàn sáo huyên náo thì Nhuệ Anh mới chậm bước. Hơi thở cuộn thắt ngang ngực. Nàng định thần, nhận ra mình đã chạy ra xa bờ sông Tô. “Cha ơi… mẹ ơi…” Nhuệ Anh ngồi thụp xuống bưng mặt khóc nức nở.
Nhuệ Anh thiếp đi không biết bao lâu cho đến khi ánh nắng ban trưa lốm đốm lọt qua mái lá thủng của gian miếu thổ thần đánh thức nàng dậy. “Sao ta lại ở đây? Sao lại thế này…?”. Ý nghĩ đó vừa thoáng lên trong đầu Nhuệ Anh thì một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên ngay gần kề khiến nàng giật bắn người: “Tiểu thư cứ nằm nghỉ… Đây là chốn kín đáo có thể yên tâm được”. Nhuệ Anh chống tay ngồi nhích vai lui lại sát tường miếu rêu ẩm mục há miệng định kêu, thì vẫn giọng nói đó: “Tiểu thư đừng sợ… Lão đây!”. “Trời…!” Nhuệ Anh đưa bàn tay lên bịt miệng mình. Nàng đã nhận ra trước mặt nàng là người lão bộc trung thành của nhà Từ Lộ mà nàng đã ít nhiều quen biết. Ngay tức thì, nỗi uất ức tủi thân lại ập đến. Nhuệ Anh cứ vậy úp mặt vào hai bàn tay sần sùi chai sạn của lão bộc mà khóc.
Đêm qua từ bờ sông Tô, Nhuệ Anh đã như một người mộng du quen chân quen bước đến miếu thổ thần. Nàng gục xuống sau cửa miếu vì quá mệt nhọc. Tảng sáng, lão bộc tìm tới. Đêm qua lão đã nhìn thấy dinh cơ của nhà Diên Thành hầu bốc cháy. Lại nghe tin tiểu thư Nhuệ Anh bỏ đi đâu trước lễ hợp cẩn. Tiểu thư có thể đi đâu được trong chốn kinh thành nhan nhản gia nhân, đầy tớ, tai mắt của nhà Diên Thành hầu quyền thế? Hẳn là tiểu thư không thể về nhà cha mẹ đẻ. Lão bộc nghĩ ngay đến gian miếu hoang nơi mà mấy tuần trăng trước đây Từ Lộ vẫn ẩn náu.
Lão bộc hạ giọng thì thào lo sợ:
– Suốt cả buổi nay người nhà Diên Thành hầu lùng sục khắp nơi để tìm tiểu thư. Chúng lần tìm đến tận nhà tiểu thư. Nhưng thân mẫu của tiểu thư thét mắng. Nghe nói phu nhân kiện nhà Diên Thành hầu đã dựng ra đám cháy để ám hại tiểu thư…
Nghe lão bộc nói, Nhuệ Anh thở nhẹ. Mẹ nàng nước sau vẫn là người đàn bà quyền biến, biết thoát ra khỏi ngõ cụt bằng những lối đi bất ngờ. Nỗi lo cho song thân đã vợi. Điều nang sợ nhất khi trốn khỏi nhà Lý Câu là cha mẹ nàng bị liên luỵ. Nhưng sự việc đã đúng như nàng thầm định.
Tiếng thì thào lo lắng của lão bộc vẫn vẳng vào tai Nhuệ Anh:
– Tiểu thư cũng không thể ở nơi này lâu. Trước sau thì lũ cầy cáo nhà Diên Thành hầu cũng tìm tới…
– Thế còn Từ công tử… chàng ở đâu?
Lão bộc nén nỗi cảm phục. Hoạn nạn là thế mà câu hỏi đầu tiên của tiểu thư vẫn là về tiểu chủ của lão… Điều đó khiến lão càng thêm quý trọng.
– Thưa… Lần cuối cùng lão được gặp tiểu công tử cách đây hai tuần trăng…
Rồi lão bộc kể cho Nhuệ Anh nghe về buổi tối đến trước dinh cơ Tăng đô án nay đã thành kỹ viện của tay chân nhà Diên Thành hầu. Từ Lộ đã buộc lão phải đưa bài vị của song thân đến để chàng mang theo trên đường đi tìm Đại Điên. Lão bộc cũng kể rằng lão đã may mắn thoát chết nhờ đàn ngựa sổng chuồng…
Nhuệ Anh cắn môi suy nghĩ hồi lâu, rồi lê tiếng:
– Lão bộc… Ta và Từ công tử may phúc mới có được người tâm phúc như lão. Gìơ ta có một việc phải cậy nhờ. Đêm nay lão mang đến đây cho ta một bộ quần áo của người nam, sao cho ta vận vừa…
– Thưa… tiểu thư định làm gì với thứ đó?
– Ta đi tìm Từ công tử!
Lão bộc kêu lên:
– Dám thưa tiểu thư… nguy hiểm lắm. Từ công tử không còn ở kinh thành. Bây giờ tiểu thư biết công tử phiêu dạt nơi nào mà tìm. Thân gái dặm trường… Xin tiểu thư suy xét lại…
– Lão nghe đây. Ta đã gắn kết với Từ công tử thì ta nguyện sống là vợ chàng, mà nếu chẳng may chết xuống âm phủ thì ta vẫn là vợ chàng.
Im lặng hồi lâu. Rồi lão bộc chắp tay cúi đầu trước tiểu thư Nhuệ Anh:
– Lão xin làm theo lời tiểu thư. Xin nhận một vái này của kẻ tôi tớ trung thành trước bậc tiết phụ của Từ công tử!
Ngay đêm hôm đó lão bộc mang tới miếu thổ thần hai bộ quần áo con trai, một nâu một đen. Một khăn đầu rìu. Đôi quang thùng và chiếc gáo dừa của người bán dầu. Ngườ lão bộc trung thành còn mang tới một thứ mà một tiểu thư nhà quan như Nhuệ Anh không hề nghĩ đến trước khi dấn thân khuê các vào chốn phàm trần. Lão đặt vào tay Nhuệ Anh chiếc túi nhỏ vải nâu đựng hai nén bạc nguyên và ít bạc vụn.
Với quần áo và đồ nghề của lão bộc mang cho, Nhuệ Anh trở thành anh chàng bán dầu dễ dàng ra khỏi kinh thành. Suốt mấy thàng nàng rong ruổi, cứ nghe nơi nào có hội là đến. Nhuệ Anh đã tới hội Chen ở Quí Vũ vào đúng ngày rã hội. Dân làng đã làm lễ an táng cô con gái tộc trưởng. Cả đám hội náo nức giờ bạt ngàn khăn tang như một rừng lau trắng run rẩy trong gió. Giữa bãi cỏ, dấu vết cây thiền trượng của pháp sư Đại Điên cắm xuống vẫn hoăm hoẳm một lỗ sâu hút như xuống tận âm ti. Dân nàng chuyền tay nâng xác cô gái lên cao nối nhau đi một vòng quanh lỗ gậy. Không một tiếng khóc. Không một lời nguyền rủa kẻ gây ác. Im lặng sởn người. Khi đặt cô gái xuống huyệt mới đào, dân làng đồng thời ném xuống lỗ gậy pháp sư xác một con dơi mặt quỉ. Con dơi mà người yêu cô gái hạ bằng một mũi tên căm hờn. Rồi cụ tộc trưởng cha cô gái cắn răng cắm lên dấu vết oan cừu đó một cành phan. Dấu hiệu báo việc ngày hội mở rừng sang năm của đất Quí Vũ sẽ chuyển đi nơi khác.
Nhuệ Anh biết đến đây là mất dấu vết của Từ Lộ. Nhưng nàng vẫn không nản. Vẫn gánh dầu bán rong, nàng ngược lên miền thượng. Một linh cảm mơ hồ khiến nàng hiểu rằng Từ Lộ sẽ đi qua những con đường này. Và mỗi bước, nàng như đang cảm thấy như mình đang đặt chân lên dấu chân của chàng vừa đi qua. Khi đến bến Đá sông Gâm, cảm giác đó càng cồn cào. Nhuệ Anh rửa gáo úp hai thùng gỗ đựng dầu lên cọc rào. Nàng neo lại, chờ một điều gì đó còn đang mơ hồ nhưng bằng vào trái tim tội nghiệp đang thổn thức trong ngực, nàng biết chắc rằng nó đang tới…
*
**
Con bè tuột dây neo từ từ tách bến Đá trôi xuôi. Chỉ còn lại Từ Lộ, Nhuệ Anh. Đứng trên lèn đá nhìn thấy bè rời bến, Minh Không thốt lên một tiếng “ơ” rồi te tái chạy xuống nhẩy theo bè. Nhưng Giác Hải đã nắm áo giữ lại. Giác Hải đưa bàn tay thô nhám xoa xoa cái đầu trọc của mình rồi lại xoa xoa đầu trọc của Minh Không: “Đệ hãy nhìn xem. Trong ba ta chỉ có Từ Lộ tóc hãy còn xanh nguyên. Từ ca nào đã thế phát. Cứ để Từ ca trang trải nợ trần gian. Biết đâu chẳng vì vậy mà Từ ca lại chóng ngộ đạo thoát tục hơn hai ta đó!”.
Nhuệ Anh như một con gà ướt nhẹp nằm gọn trong tay Từ Lộ. Cơn giông núi đã dịu. Nhưng mưa vẫn đổ. Nhuệ Anh không hề thấy cái rét buốt của những giọt mưa đã làm da thịt nàng tê cóng thâm tái khi đứng đợi trên bến ban nãy. Mà ngược lại, những giọt mưa dội xuống thân thể nàng lúc này lại dịu dàng êm ái, mỗi giọt mưa chạm xuống như mang theo một hơi thở nồng nàn sưởi ấm cơ thể nàng. Những ngón tay Nhuệ Anh níu chặt bên vai Từ. Nàng run rẩy áp cặp môi trinh nữ lên vùng ngực trần nóng hổi trong mưa của chàng. Cái mùi đàn ông lạ lẫm, đắng ngắt, ngầy ngậy, bạo liệt như đá rừng toá hơi nóng dưới ánh mặt trời pha lẫn hơi mưa tươi tắn và tinh khiết khiến nàng ngây ngất chợt như lả đi chợt lại như lạc vào cõi phiêu bồng. “Từ Lộ…Em là vợ chàng…!”. Thân thể của Nhuệ Anh quằn quại trong những tiếng lắp bắp đứt đoạn tắc nghẹn, theo những giọt máu ứa ra từ trong tim. Những ngón tay tiểu thư thuôn dài mỗi lúc càng như những mũi kìm thép nhọn bấm sâu vào da thịt người nàng yêu. Cùng với tiếng sấm cuối cùng của cơn giông núi vỡ ra trên vòm trời, nỗi đau da thịt thẳm sâu cũng xé lên trong Nhuệ Anh khiến nàng phải bật ra một tiếng thét. Thân thể nàng lỏng ra. Một cảm giác nghẹn ngào lan toả cùng với nỗi lòng chan chứa biết ơn người mang lại cho nàng niềm khoái lạc miên man và nỗi đớn đau trần thế kỳ diệu.
Chiếc bè dào dạt trôi xuôi. Vòm trời đã trở lại trong xanh cao vút. Sông nước mơn man hai bên thành bè làm bắn lên những bụi mưa li ti mát rượi phủ lên đôi thân thể một màng tơ trong suốt. Gặp quãng bờ bãi phù sa màu mỡ, những hàng cây dâu da, cây vả lúc lỉu quả chín đỏ la đà sát mặt sông rụng xuống lưng Từ Lộ và ngực Nhuệ Anh những chùm quả đỏ ứa mật. Bầy khỉ tíu tít đuổi nhau trên cành. Hươu nai tác tộ gọi đàn. Những chú chim rừng mải mê ríu rít với chùm quả chín rỉa ra những hạt mẩy thơm tho rơi xuống đầu tóc da thịt hai người…
Tới một khúc sông đột ngột rộng ra, chiếc bè dừng lại, đu đưa như ru trong một vũng nước nặng. Từ Lộ xoay mình nằm ngửa mặt nhìn trời. Nhuệ Anh ngủ mê mệt, gối đầu trĩu nặng một bên vai chàng. Miền da thịt mềm mại của nàng gắn vào da thịt chàng. Hơi thở dịu dàng man mác hương hoa của nàng phả nhẹ từng đợt ngọt ngào đằm thắm bên cổ luồn sâu bên gáy chàng. Nắng gió dã làm khô mái tóc dài. Những sợi tóc rợn sóng hứng lấy dòng ánh sáng thả xuống từ trời như sương núi, như tơ trời vuốt ve buồn buồn trên cổ trên vai và vồng ngực chàng. Từ Lộ thấy trong người thênh thang nhẹ nhõm lạ thường. Hình như cùng với niềm sướng vui thuỷ triều dồn dập trút vào thân thể hoà vào da thịt nàng, bao nhiêu căm uất hận thù chứa chất trong lồng ngực, bóp nghẹt trái tim chàng từng ấy ngày đêm cũng theo đó mà tan ra mà mất dạng. Giờ đây nằm sát bên nàng Từ Lộ thấy đất trời vừa như nhỏ lại, vừa như rộng thêm ra. Cái vũ trụ đen đặc căm uất hận thù vẫn ngày đem vò xé trong tim chàng đó bỗng trở nên xa xôi mờ ảo, tưởng chừng như chỉ là chuyện trong một giấc mơ kinh hoàng của cuộc đời bể dâu nào khác.
Một bông hoa gạo đỏ bầm từ trên cao rơi bịch xuống sát bên vai trần khiến Từ Lộ giật mình. Chàng mở mắt nhìn lên. Chàng nhận ra trên đầu mình là rặng cây gạo lực lưỡng nối dài những bông hoa đỏ bầm như những bụm máu. Quãng sông hoa gạo mà chàng và Giác Hải, Minh Không đã vất vả trần lưng oằn vai thay nhau chống sào đẩy bè ngược dòng qua vào buổi chiều hôm trước. Từ Lộ vùng dậy nhìn quanh. Cánh tay trần của Nhuệ Anh vẫn quàng qua ngực chàng. Từ Lộ lay lay.
Nàng chỉ u ơ khẽ trong miệng rồi lại xoay nghiêng người nhắm mắt, miệng hé một nụ cười thơ dại. Nhưng trong lòng Từ Lộ đã cháy rần rật một ngọn lửa khác. Cái ngọn lửa đã giằng chàng khỏi kinh thành và hun đốt chàng chạy tới sông Gâm. Từ cuống lên, chồm hẳn dậy, bế bổng Nhuệ Anh, nhẩy khỏi bè. Từ đặt nàng trên bờ, đắp lên người nàng mớ quần áo còn ướt sũng rồi quay lưng, vồ lấy cây sào vẫn gài bên thành bè nứa gần suốt ngày qua. Và bầm máu đen tưởng đã mất dạng lại tràn về đầy nghẹt lồng ngực, đầy nghẹt trái tim Từ Lộ.
Nhuệ Anh chống tay ngồi dậy. Nàng chớp mắt, ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Chợt nhìn lại thân mình, nàng hốt hoảng với lấy mớ quần áo choàng lên người. Thấy Từ Lộ đang cuống cuồng lao sào đẩy bè quay ngược dòng. Nhuệ Anh vội chạy tới:
– Từ Lộ… Chàng… đi đâu?
– Ta phải trở lại… Phải ngược dòng thôi. Nhuệ Anh…!
– Chàng đưa em đi cùng…!
– Không được!
– Em xin chàng…
– Không!
Nhuệ Anh giữ chặt lấy con sào trên tay Từ Lộ:
– … Bao nhiêu ngày em đi tìm chàng…
– Ta hiểu…Ta hiểu… Nhuệ Anh… Nhưng ta phải đi. Ta không thể mang nàng đi cùng… Xin đắc tội với nàng.
– Không. Không… Em phải đi cùng chàng. Em phải đi…!
Nhuệ Anh quì sụp xuống ôm chặt hai chân Từ Lộ.
Con bè không tay chống bập bềnh quay ngang trên dòng sông.
Từ Lộ nghiến răng gỡ tay Nhuệ Anh. Chàng đạp mạnh chân, lùi người để rộng tay sào.
– Em van chàng… Hãy để em đi cùng… Chàng định bỏ mặc em mà đi ư?
– Đường của một tỳ kheo không có mặt nữ nhi. Con đường báo thù của ta không thể vướng nàng.
Từ Lộ thô bạo giằng mạnh sào.
Nhuệ Anh níu chân Từ Lộ. Tóc xoã tung. Gương mặt ngước lên đầm đìa nước mắt.
Con bè chùng chằng giữa những làn đá chen nhau dăng dăng ngang mặt sông. Từ Lộ bậm môi. Dưới kia là thác Mơ hiểm ác. Con thác đã khiến ngày qua chàng và hai bạn đã phải tháo bè nối nhau khiêng từng bó nứa sũng nước lên đoạn sông phía trên này để ghép thành con bè mới.
– Nhuệ Anh… Ta đã nói cùng nàng… Xin coi không còn ta ở trên đời này. Nàng hãy trở về!
Giọng nói cứng đanh của Từ Lộ, và nhất là mấy tiếng “nàng hãy trở về…” khiến Nhuệ Anh sững người, tay buông rời khỏi Từ Lộ. Đôi mày nàng dựng lên:
– Chàng nói sao? Chàng nói em hãy trở về?
– Ta đã nói. Không còn Từ Lộ trên đời này nữa…!
– Trời!…
Tiếng rền rĩ của Nhuệ Anh tắt lịm. Đột nhiên đôi mắt mềm yếu dịu dàng như mắt nai của người con gái vụt sáng rực. Nhuệ Anh vươn cao người. Chiếc áo vải đen nàng vừa kịp khoác lên đã rơi ruột ra để lộ đôi vai trắng ngần và đôi vú ngời ngợi như hai vầng trăng.
– Từ Lộ… vĩnh… biệt…!
Chưa dứt lời, Nhuệ Anh đạp chân nhoài người lao ra phía dòng sông chảy xiết.
– Nhuệ Anh…!
Từ Lộ buông rơi sào. Chàng vừa kịp kêu lên thế thì mắt mũi tối sầm. Con bè không người chèo chống đã xô vào vách đá ngầm của thác Mơ tan thành từng mảnh, quăng Từ Lộ lên một gờ đá nổi, rồi nước lại ào lên cuốn dìm chàng xuống tận đáy sông.
Khắc sau, trên bờ sông Gâm cạnh thác Mơ hung dữ chỉ còn Từ Lộ. Mảnh vải nâu ướt sũng đóng làm khố che thân, Từ quì rạp người vái theo dòng sông:
– Nhuệ Anh ơi… Ta có tội với nàng. Nhưng nợ báo oán đè nặng hai vai này. Ngày nào trả nợ xong, thề với nàng, ta sẽ quay lại nơi đây theo nàng. Xin hãy đợi ta… Nhuệ Anh…!
Từ Lộ rạp mình vái ba vái nữa rồi mình trần khố vải vác sào dài chạy ngược dòng sông Gâm lên bến Đá phía thượng nguồn. Nơi đó Giác Hải, Minh Không đang nóng lòng sốt ruột chờ đợi chàng.
V.T.H