Chi hội thơ Đường luật Hải Phòng thuộc Hội thơ Đường luật Việt Nam, được thành lập từ năm 2005 và đã qua 3 lần đại hội (2005, 2011, 2014). Hiện nay, Chi hội có gần 60 hội viên tham gia sinh hoạt.
Mười năm qua, Chi hội đã cho ra mắt bạn đọc nhiều tập thơ: Đường thi Hải Phòng (2005), Đường thi Hải Phòng (2011), Hải Phòng qua những áng thơ Đường (2012) và Tình yêu qua những áng thơ Đường luật (2014).
Chi hội thơ Đường luật Hải Phòng thuộc Hội thơ Đường luật Việt Nam, được thành lập từ năm 2005 và đã qua 3 lần đại hội (2005, 2011, 2014). Hiện nay, Chi hội có gần 60 hội viên tham gia sinh hoạt.
Mười năm qua, Chi hội đã cho ra mắt bạn đọc nhiều tập thơ: Đường thi Hải Phòng (2005), Đường thi Hải Phòng (2011), Hải Phòng qua những áng thơ Đường (2012) và Tình yêu qua những áng thơ Đường luật (2014).
Nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong tháng 5 lịch sử của đất nước nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng, sáng 23/5/2015 tại Nhà Văn hóa phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, Chi hội thơ Đường luật Hải Phòng đã tổ chức Chương trình Giao lưu thơ và giới thiệu tập thơ “Tình yêu qua những áng thơ Đường luật”. Tới dự lãnh đạo BCH Hội thơ Đường luật Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, Hội Nhà văn Hải Phòng và 14 đoàn đại biểu của 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc cùng với 26 CLB thơ của Thành Phố Hải Phòng.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Công Xình về tập thơ “Tình yêu qua những áng thơ Đường luật”.
Tác giả Công Xình và ông Quang Khải, Chủ nhiệm Chi hội thơ Đường luật Hải Phòng.
NỒNG NÀN TÌNH THƠ
Năm 2012, tập “Hải Phòng qua những áng thơ Đường” ra mắt bạn đọc đã để lại dư âm tốt trong thành phố ta.
Năm 2014, Chi hội thơ Đường luật Hải Phòng lại phát động, đã gom kết hàng trăm bài thơ Đường luật viết về tình yêu lứa đôi của các tác giả trong và ngoài Chi hội để xuất bản tập thơ “Tình yêu qua những áng thơ Đường luật”. Tập thơ được đánh giá cao cả về hình thức và nội dung. Đây thực là một sự cố gắng, sự phát triển, gặt hái không nhỏ cả về số tác giả, cả về lượng bài và chất lượng thơ được nâng lên đáng kể.
Tình là cảm xúc của thơ. Đó là những cảm xúc mãnh liệt của người viết. Nó không thể là sự giả tạo, tưởng tượng, màu mè, vay mượn sáo mòn. Nó phải xuất phát từ tần số rung động của người viết. Lê Quý Đôn cho rằng: “Thơ phải từ lòng người”.
Trong tập thơ “Tình yêu qua những áng thơ Đường luật”, người viết đã thể hiện cảm xúc rất đa dạng, đa chiều, có thể nói là trăm hoa trăm hương sắc.
Từ chuyện oan tình Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ:
Triều đình lắm kẻ lòng ghen tỵ
Để Lệ Chi Viên hận nước non.
(Trần Xuân Lịch)
Từ tình hận Mỵ Châu “Một tượng không đầu xót sử xanh” của tác giả Nguyễn Quý Cử. “Tượng đá oan khiên chịu cụt đầu” của tác giả Bùi Đình Bằng, nhắc nhở đời sau những chuyện tình mất cảnh giác làm tan nhà, mất nước.
Chúng ta còn thấy “Tình oan khiên” mà tác giả Trần Hoài Hưng đưa ta về Đồ Sơn cùng cảm lòng trước chuyện tình Bà Đế:
Một mối oan khiên tình thuở ấy
Ai người thấu hiểu tấm lòng son.
Với bài thơ “Huyền thoại vọng phu” tác giả Phạm Cao Đàm ngợi ca tình thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam:
Thân vẫn trơ trơ cùng nhật nguyệt
Tình nàng cảm động khắp non sông.
Đẹp như Thúy Kiều mà duyên nợ sao lận đận:
Lỗi hẹn ba sinh đền chữ hiếu
Trăng thề ngàn dặm đáp tình sâu.
(Nguyễn Thị Như Kiêm)
Tài năng như bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương mà duyên trời sao cứ bỡn cợt, để bà luôn phải chịu:
Nổi tiếng tài tình mà phận bạc
Ông tơ sao nỡ cợt Xuân Hương.
(Lã Đắc Phước)
Xấu tưởng không còn ai xấu hơn Thị Nở, thế mà tác giả Nguyễn Ngọc Loan mô tả mới hấp dẫn làm sao:
Váy nơm vấn lệch nhìn mà thích
Môi vểnh ăn trầu ngắm cứ tươi.
Tình yêu lứa đôi trong cuộc sống hiện đại nó tân tiến, nó lốc xoáy và thực lắm, bởi vậy nó mới nồng cháy, bay bổng và mãnh liệt ghê gớm. Nó mãnh liệt như là:
Yêu như thác đổ tìm về bến
Yêu dậy sóng tình nổi bão giông.
(Hồng Nguyễn)
Nó nồng say đến độ:
Mỗi lần giáp mặt quên trời đất
Bởi mối tình ta chất chứa men.
(Trần Xuân Tích)
Hoặc như tác giả Nguyễn Khắc San trải lòng:
Khao khát chờ mong ngày gặp lại
Em về nồng ấm một con tim.
Nó làm cho con tim bùng cháy:
Tình gieo từng mảnh cháy muôn nơi.
(Trần Đức Trí).
Còn tác giả Hoàng Xuân Hợp thì:
Trăm năm vấn vít tình như thể
Cháy cạn niềm yêu nợ cả đời…
Khi yêu nhau, người ta giao thoa, người ta đồng cảm, người ta nguyện ước bằng nhiều cách, qua nhiều kênh: Thông tin linh cảm và thông tin vật chất. Có khi chỉ qua đôi mắt trao nhau như tác giả Vũ Phương Thắng viết:
Tôi đọc câu thơ trong mắt em
Có trời nắng hạ đổ nghiêng nghiêng.
Còn tác giả Lê Khắc Nhẫm:
Nghĩa tình nhân ái xây nên mộng
Ai thả vầng trăng xuống mắt nàng.
Có khi trao nhau bằng cả ánh mắt, bằng cả làn môi ấm như tác giả Nguyễn Thanh Thủy cảm nhận:
Một làn môi ấm vương sương gió
Một ánh mắt buồn chan chứa… yêu.
Tác giả Diên Hùng lại muốn yêu phải trao cả trái tim:
Anh muốn em đừng đưa mắt biếc
Anh trao em cả trái tim hồng.
Tác giả Đỗ văn Thứ qua chiêm nghiệm từng trải, cho ta thấy sức mạnh của nụ hôn tình yêu:
Mới trao tới nửa nụ hôn thôi
Đã thấy vừng dương tỏa sáng ngời.
Và nó còn làm: Cháy tan trời đất giữa vành môi.
Tình yêu không những làm xiêu đình đổ quán mà còn:
Uốn quanh sườn dốc tràn hương cỏ
Ngây ngất trao nhau cả đất trời.
Như tác giả Nguyễn Quang Khải nhận xét. Khi ta yêu nhau, gần thì đắm say, xa thì da diết nhớ nhung:
Đắm say như Bùi Công Cẩn:
Anh chất hương đời gom nắng ấm
Anh trong hạnh phúc thắm đôi bờ.
Hoặc như tác giả Đoàn Đình Duẩn:
Ta yêu chưa nói để trong lòng
Tác giả Phạm Trung Hiếu thì thật là mãn nguyện, bởi tình yêu như là:
Ai đem rắc lộc nơi hò hẹn
Lối cũ ta về thỏa ước mong.
Tác giả Lê Minh Tứ tự hào với tình yêu đẹp đẽ và mãi mãi của mình:
Niềm vui gửi gắm bao ngày tháng
Điệp khúc tình yêu mãi vẹn đầy.
Tình yêu mới chớm, còn thầm kín bất chợt trời cho như tác giả Tường Văn đã từng hạnh ngộ:
Gió thoảng khơi tung tà áo mỏng
Hương thầm khẽ lộ nét thanh tao.
Ai đã từng qua những năm tháng nghèo khó, mà tình trao nhau thật mặn nồng, chân thật như bài thơ “Chuyện tình thời bao cấp” của tác giả Nguyễn Trọng Nguyên:
Hoa gạo trên đồi chàng hái gửi
Cháy cơm dưới chảo thiếp trao sang.
Với tác giả Thiên Lý thì Yêu lắm muôn lần thắm thiết yêu.
Bên nhau thì thế, xa nhau thì nhớ, nhớ ở nhiều trạng thái, hoàn cảnh, thổn thứ, ngóng trông và thề nguyền son sắt như Bùi Đình Bằng nhớ: Mây vờn chốn ấy nhớ thâu đêm. Như Nguyễn Cao Đàm: Thao thức nhớ em bạc cả đầu.
Có khi nhớ đấy mà cứ bâng khuâng vô định như tác giả Đoàn Thế Tần:
Gặp nhau cho thỏa niềm khao khát
Ai nhớ, nhớ ai, nhớ não lòng.
Nhớ đến phát điên, mà điên vẫn cứ nhớ như tác giả Vũ Ngọc Kha:
Nhớ đến cuồng điên, điên vẫn nhớ
Nhớ ai, ai nhớ, nhớ ai không.
Mong nhớ như tác giả Thanh Hà thì không còn kẽ chờ cho tình cảm khác:
Hết sáng qua trưa, chiều lại tối
Hỏi ai có thấu nỗi mong này.
Tác giả Huy Hẹn vợ vắng vài ngày đã mong mau chóng về bên:
Thiếu vắng nửa thôi đời tẻ nhạt
Mong sao chong chóng vợ về bên.
Tác giả nhớ anh đến mức héo hắt con tim:
Chia tay ngày ấy sầu ly biệt
Thờ thẫn nhớ anh tim héo nhầu.
Trong chiến tranh có biết bao cuộc tình phải chia xa để đằng đẵng nhớ thương, đợi chờ, hy vọng:
Chín năm xa cách bao nhung nhớ
Vẫn giữ bên mình một chữ thương.
(Hồ Xuân Thiêm).
Có người còn quá nhớ, nhớ đến ảo mộng như tác giả Bùi Đình Thạo:
Ôm hẫng bờ vai choàng tỉnh mất
Hóa mình lạc cảnh giấc mơ tiên.
Tác giả Trần Đình Hòa nhiều khi cũng ảo giác như thế:
Hàng cau xột xoạt xông hương đất
Ngỡ bóng em yêu động bức rèm.
Khi yêu nhau, muốn đến với nhau người ta tỏ tình bằng nhiều cách, ướm lời bóng gió, thăm dò qua những cử chỉ va chạm như vô tình, hoặc chăm sóc nhau có gì đó khác thường (Tất nhiên nhắn tin, gọi điện, viết thư, hẹn hò trên ghế đá vườn hoa vẫn là nhiều…).
Tác giả Đỗ Bá Cung là một dạng tỏ tình:
Muốn làm con bướm bay theo đậu
Mong hóa giọt ngâu đến níu cài.
Tác giả Minh Ngọc hiện đại hơn:
Truyền Cảm ấm êm trong điện thoại
Trái tim rộn nhịp thật không ngờ.
Tác giả Lưu Xuân Đồng thả tình mình theo cánh diều vờ để tuột dây sang nhà cô hàng xóm:
Quyết tử buông dây diều tới đó
Thế là cô đón – tỏ tình yêu.
Cũng có khi không kìm nén nổi, ước muốn phải buông lời nói thẳng như tác giả Vũ Phán:
Không hiểu vì sao vẫn ngại ngùng
Chưa mang góp gạo thổi cơm chung.
Khi đã loamn phượng kết đôi, vợ chồng duyên thắm, người ta luôn cầu mong vun trồng tình yêu bền chặt đến đầu bạc răng long, như tác giả Nguyễn Thu Mùi ước muốn: Hạnh phúc bên nhau mãi dạt dào.
Tác giả Ngọc Vân cũng mong muốn: Đầu bạc răng long vẫn mặn nồng.
Tác giả Nguyễn nhiệm mới chỉ trải qua, mới chỉ thỏa lòng ba mươi năm vợ chồng:
Ba mươi năm đẹp duyên chồng vợ
Hạnh phúc vô ngần bể ái ân.
Chứ tác giả Trúc Đường thì đã trải qua dài hơn nhiều:
Tóc bạc da mồi còn thắm thiết
Duyên nồng gắn bó đến mai sau.
Tác giả Xuân Chiêm bởi lạc thú trần gian mà sáu chục cái lá vàng rơi vẫn còn thấy xuân tình lắm:
Trần gian lạc thú nên ai cũng
Sáu chục vàng rơi cứ tưởng là…
Không phải sáu chục lá vàng rơi mà như tác giả Trịnh Toại mong cầu mọi người đều được:
Ngoại chín mươi xuân còn khỏe mạnh
Gần tròn trăm tuổi vẫn tinh thông.
Tình yêu sẽ làm cho con người ta xuân sắc mãi. Chẳng thế mà tác giả Đào Đức kiên cho ta thấy đâu chỉ có “Gái một con trông mòn con mắt” mà:
Thấm thoát chúng mình đã bốn con
Nhìn em vẫn giữ nét tươi giòn.
Được như thế, chúng ta hãy cùng tác giả Đức Chính giữ gìn tình yêu, hạnh phúc lứa đôi sao cho:
Thủy chung như thể cây cùng đất
Hạnh phúc nào bằng anh có em.
Tình yêu đẹp thế!
Nhưng tránh sao được những cảnh chia xa do đổ vỡ chủ quan, do biệt ly hoàn cảnh và quy luật luân hồi tạo hóa trớ trêu để rồi kẻ đi người ở, kẻ mất người còn, đôi nơi cách biệt.
Biệt ly để người vợ thủy chung đóng cửa cài then thờ chồng trọng kiếp như “Tiết hạnh” của tác giả Trần Quang Tuân:
Mặc chốn phồn hoa nơi phố chợ
Tim yêu trọn vẹn mãi thờ chồng.
Hoặc như tác giả Đỗ Ngọc Mai thổn thức nhớ thương người xa vắng:
Buồn vướng mây tuôn trên bến đợi
Sầu vương sóng lướt vượt sông dài.
Cũng có khi nồng thắm mà rồi đành tan vỡ để lại cô đơn như tác giả Đặng Văn Phồn:
Lang thang dạo gót trên đường vắng
Lững thững nhìn mây phía cuối vườn.
Thậm chí tan nát cõi lòng như tác giả Đỗ Văn Hiến:
Tiếc công gắn bó giờ tan nát
Chôn chặt tình đầu dưới đáy sông.
Một thực tế khắc nghiệt không tránh khỏi quy luật sinh tử, dầu tình thắm duyên nồng, hợp hòa son sắt vẫn phải cảnh loan phượng chia lìa để người thơ canh cánh nỗi niềm như tác giả Vũ Kề:
Dẫu biết sinh ly là định sẵn
Mà khi tử biệt vẫn khôn khuây.
Tác giả Hà Xuân Khuê thốt lên như gào xé cõi lòng khi thuyền xa bến: Mất em giông tố mãi quay cuồng.
Cũng có khi âm thầm chịu đựng mà đâu kém phần giông bão khi rơi vào cảnh của tác giả Lê Viết Vinh:
Chăn đôi một bóng tình se lạnh
Gối kép đơn tình giọt lệ rơi.
Với phạm trù tình yêu, lại là tình yêu đôi lứa trong thơ ca thật muôn hình muôn vẻ, cô tận ý lời, như tác giả Hoàng Gia Điều đã đúc kết:
Chỉ một chữ tình vạn khát khao.
Chữ tình ấy được thể hiện trong tập thơ Đường luật 2015 của Hải Phòng mới chỉ có 244 bài thơ của 55 tác giả, nó chưa thể đại diện và chưa thể diễn đạt hết cái mênh mang, cái rực rỡ, cái ngạt ngào hương vị hoa tình yêu đất Cảng – miền đất đẹp cảnh đẹp người, đẹp tình, đẹp nếp sống văn hóa lâu đời.
Song “Tình yêu qua những áng thơ Đường luật” Hải Phòng 2015 đã thực sự là vườn hoa đẹp nở giữa quê hương Hải Phòng để mừng Xuân – mừng Đảng – mừng Đất nước và Thành phố năm 2015, một năm có nhiều ngày hội lớn, một năm hứa hẹn nhiều triển vọng, hội nhập phát triển, văn minh và giàu đẹp.
Tuy nhiên cũng còn một số vấn đề về nội dung chủ đề. Về tứ thơ, nhất là một số lỗi cần tránh về nhạc điệu, về vần luật, đối đăng ngôn ngữ… Chúng ta cần có dịp trao đổi kỹ để một áng thơ Đường luật viết ra ngày càng chỉn chu, càng vươn tới tầm hay hơn, đẹp hơn, đi vào lòng người hơn, để thơ Đường luật của chúng ta ngày càng chất lượng và hiệu quả.
Tháng 4/2015
Công Xình
ĐT: 01253.759.770