“Ông tiển ông tiên/ Ông có đồng tiền/ Ông giắt mái tai…” – những câu đồng dao từ xa xưa luôn đưa trẻ thơ vào giấc ngủ. Hoặc gợi lên tiếng cười khanh khách, giòn tan trên những khuôn mặt hồn nhiên, trong sáng và đầy thánh thiện…
“Ông tiển ông tiên/ Ông có đồng tiền/ Ông giắt mái tai…” – những câu đồng dao từ xa xưa luôn đưa trẻ thơ vào giấc ngủ. Hoặc gợi lên tiếng cười khanh khách, giòn tan trên những khuôn mặt hồn nhiên, trong sáng và đầy thánh thiện. Tuy nhiên, qua thời gian, đồng dao bị biến dị. Ít nhiều có những dị bản được truyền miệng từ người này qua người khác với những ý tứ thiếu trong sáng. Điều đáng suy nghĩ, những bài đồng dao thường gắn với trẻ em. Nếu thiếu trong sáng sẽ ảnh hưởng đến lứa tuổi ngây thơ này.
Khi “dị bản” đồng dao vào sách
Thông thường, đồng dao thường được truyền khẩu trong dân gian. Đi vào những trò chơi dân gian và những câu chuyện kể. Như những câu đồng dao trong trò chơi chuyền của các bé gái, trong trò thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây… Nhiều lần, đồng dao được trích đưa vào sách giáo khoa dành cho bậc tiểu học và những bộ sách tư liệu, sưu tầm. Ít có bộ sách chuyên đồng dao được xuất bản dành cho một lứa tuổi nào đấy. Gần đây, khi bộ sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” được xuất bản với một số dị bản gây lên sự tranh cãi và băn khoăn về nguyên tác và bản chất trong sáng của thể loại văn học đặc trưng này.
“Đồng dao dành cho trẻ mầm non” là bộ sách tranh 6 tập gồm nhiều bài đồng dao quen thuộc, được họa sĩ Minh Kiên minh họa. Bộ sách do nhà xuất bản Mỹ thuật và công ty Văn hóa Đinh Tị phát hành. Ngay khi đưa ra thị trường, có những ý kiến phản hồi của bạn đọc là cha mẹ học sinh cho rằng sách có những nội dung không hợp lý, không phù hợp với lứa tuổi mầm non. Trong đó có hai bài “Chơi vỗ tay” và “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng” trong quyển 6 với những câu như: “Ở với ai?/ Ở với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng…” hoặc “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro”… Sau khi nhận được phản hồi của bạn đọc, đại diện nhà xuất bản Mỹ thuật ra công văn yêu cầu đơn vị liên kết phát hành là Nhà sách Đinh Tị thu hồi cuốn sách. Theo bà Trần Lệ Thu – Phó giám đốc công ty Văn hóa Đinh Tị, việc thu hồi sách đang được thực hiện tại các nhà sách ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước. Việc nhận sách trả và thu hồi dự kiến tới hết ngày 15-12. Sau đó, toàn bộ cuốn “Đồng dao tập 6” sẽ bị tiêu hủy. Các cuốn khác trong bộ sách này sẽ được rà soát và chỉnh sửa cho phù hợp.
Giữ sự trong sáng và bảo toàn tính giáo dục
Việc bộ sách đồng dao dành cho trẻ em được xuất bản rồi lại gấp rút bị thu hồi là điều đáng tiếc. Nhất là khi sách riêng về đồng dao xuất bản không nhiều. Tuy nhiên, để những hạt sạn không đáng có ảnh hưởng tới nội dung trong sáng của văn học dân gian truyền khẩu là điều đáng tiếc với ê-kíp xuất bản bộ sách này. Đặc biệt khi bộ sách hướng đến nhóm bạn đọc là lứa tuổi thơ ngây, thánh thiện.
Câu chuyện về việc bộ sách đồng dao dành cho lứa tuổi mầm non bị thu hồi đưa ra nhiều những trao đổi về nội dung sách dành cho trẻ em. Không chỉ là vấn đề về các khâu kiểm soát trong xuất bản mà còn là các khâu soạn thảo nội dung. Sử dụng đồng dao để giáo dục trẻ em trong gia đình và nhà trường là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả. Bởi đồng dao dễ thuộc, dễ nhớ, có vần. Những bộ sách đồng dao như thế này còn có thể được sử dụng như cẩm nang của giáo viên mầm non, tổng phụ trách hoạt động Đội tại các trường tiểu học hoặc người quản trò của những hoạt động tập thể dành cho thiếu nhi.
Trong gia đình, người lớn có thể vừa đọc vừa phân tích ý nghĩa của mỗi bài đồng dao. Qua đó, trẻ em dễ tiếp cận với những nội dung cần được truyền đạt. Tuy nhiên, tính chất truyền miệng của những bài đồng dao vần vè chính là điểm cần lưu ý khi soạn thảo sách riêng về đồng giao. Khi soạn thảo thành sách in, cần lưu ý chọn những bài đồng dao vừa trong sáng vừa giàu tính giáo dục thay vì đưa vào cho đủ, cho nhiều…/.
P.T.L