Giữa hai lần gió – Truyện ngắn: Lương Hiền

 

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Giữa hai lần gió” của nhà văn Lương Hiền in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.

Nhà văn LƯƠNG HIỀN

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: NGUYỄN VĂN HIẾU. SINH NGÀY 1 THÁNG 8 NĂM 1934. QUÊ QUÁN: THÔN TRẦN PHÚ, XÃ MINH CƯỜNG, HUYỆN THƯỜNG TÍN, HÀ NỘI. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: HÀ NỘI. ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CSVN. VÀO HỘI NĂM 2000. NĂM 14 TUỔI (1948) ĐI BỘ ĐỘI LIÊN TỤC QUA 3 THỜI KỲ, TỪ CHIẾN SỸ ĐẾN CẤP SƯ ĐOÀN, CỤC TRƯỞNG. HỌC TẠI CHỨC: CÔNG TRÌNH SƯ (1957-1959), ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI (1960-1965), ĐẠI HỌC THUỶ LỢI (1976-1978). TỪNG LÀ PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VHNT HÀ NAM, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ SÔNG CHÂU. VỀ HƯU VỚI QUÂN HÀM ĐẠI TÁ.

 

GIỮA HAI LÀN GIÓ

I.

Nguyễn Văn Cả là người anh lớn, năm 1945 vừa tròn 19 tuổi, là một trong những thanh niên hăng hái tham gia cách mạng nhất ở làng Lễ, là cán bộ Việt Minh, lãnh đạo nhân dân vùng lên cướp chính quyền tại thôn, xã, rồi kéo quân lên huyện, tỉnh tham gia biểu tình, thành lập chính quyền nhân dân trong dịp 19-8 và 2-9-1945. Sau đó anh được kết nạp vào Đảng và trở thành lớp Đảng viên cộng sản đầu tiên ở làng. Khi giặc Pháp quay lại đánh chiếm nước ta, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, anh Cả là trung đội trưởng dân quân du kích xã, tham gia chặn đánh địch, trên đường quốc lộ 5, là một trong những người trực tiếp đánh mìn giỏi, đã lật đổ hàng chục đoàn tầu hoả và xe cơ giới địch được cấp trên khen ngợi, và có nhiều triển vọng trở thành những chỉ huy tài ba ở địa phương. Nhưng sau đó anh mắc phải một khuyết điểm lớn. Ấy là chuyện quan hệ nam nữ.
Anh đã có vợ, bố mẹ cưới cho từ năm mới 10 tuổi, lúc đó người vợ tảo hôn này hơn anh 5 tuổi, họ không hề có tình yêu, sau này lớn lên tuy ở cùng nhà nhưng họ càng xa lánh nhau nên chưa có con. Anh lấy việc tham gia hoạt động cách mạng làm nguồn vui. Nhưng rồi trong những đêm luyện tập dân quân, trong những ngày phục kích đánh mìn, một cô du kích đã theo đuổi anh, họ yêu thương nhau, họ đi lại với nhau trên những bụi bờ nằm chờ địch, cô gái ấy đã có mang. Chuyện vỡ lở; Người ta đưa họ ra hội nghị kiểm điểm, và xử lý kỷ luật nghiêm khắc, khai trừ anh ra khỏi Đảng; hạ cấp từ Trung đội trưởng xuống chiến sĩ và đuổi cô gái ấy ra khỏi hàng ngũ du kích địa phương.
Cả anh, cả chị đều xấu hổ vì bị kỷ luật mất quyền chỉ huy, chị xấu hổ vì chửa hoang. Nên anh chị tìm cách đưa nhau đi khỏi làng. Trong một đêm cùng quẫn không tìm ra lối thoát, họ cùng nhau bỏ làng trốn đi. Mấy hôm sau dân làng đồn ầm lên rằng: “Thằng Cả và con Gái (tên cô du kích ấy) đã “dinh tê” vào thành phố Hải Phòng đầu hàng quân địch”. Chuyện vào thành thì có thật, nhưng đầu hàng thì chưa, họ đã phải chui lủi, vượt qua phòng tuyến canh gác của giặc Pháp, rồi trà trộn vào bọn buôn lậu, mới qua được mắt bọn địch, vào thành phố. Anh nói với người yêu và cũng là tâm niệm của mình: “Ta trốn vào đây để kiếm ăn và nuôi con, chỉ làm người dân lương thiện, quyết không làm gì cho giặc để hại đồng bào, phản bội Tổ quốc”.
Lúc đầu, anh chị xin làm phu khuân vác ở chợ, bến sông và thuê nhà trọ ở xóm nghèo, rồi chị đi buôn thúng bán mẹt, anh xin được việc làm thợ điện, có được đồng lương tằn tiện, chị sinh con đầu lòng, mẹ tròn con vuông. Cuộc sống gia đình dần dần ổn định, anh chị những mong hạnh phúc yên ổn như thế này mãi mãi.
Nhưng cuộc chiến tranh ngày càng phát triển, bọn Pháp đã đánh chiếm được Hà Nội, và mở rộng ra đánh chiếm các tỉnh đồng bằng. Chúng ra sức thực hiện chính sách: Lấy người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Chúng tích cực huy động việc dồn dân, bắt lính. Anh Cả đã nhiều lần trốn tránh các cuộc vây quét bắt lính của giặc Pháp, nhưng vì vướng vợ con, hàng ngày phải kiếm sống nuôi gia đình, không thể bỏ trốn đi xa được. Nên cuối cùng anh vẫn bị chúng tóm được, xung vào lính trong đội quân xâm lược. Lúc đầu, may nhờ có nghề thợ điện, nên chúng cho anh làm lính thợ. Rồi cuộc chiến tranh của bọn giặc đi từ thất bại này đến thất bại khác, quân số bị thiếu hụt, các lính thợ cũng đều bị đẩy ra mặt trận, buộc anh Cả phải cầm súng chiến đấu, trước hết vì đồng lương và tính mạng của vợ con anh, sau nữa là vì chính bản thân tính mạng của anh. Cuộc chiến tranh cứ lôi kéo anh đi, từ không tự giác đến tự giác, từ bắt buộc đến chủ động. Lời tâm niệm của anh bị phản bội, anh lao vào cuộc chiến đấu với những mục tiêu tiền tài và danh vọng. Tuy nhiên anh vẫn còn khôn ngoan né tránh được những cuộc đụng độ nguy hiểm, những cuộc hành quân khốc liệt để giữ được cái đầu. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, giặc Pháp thất bại hoàn toàn, buộc phải ký hiệp định Gineve – 1954. Lúc đó, anh đã đeo lon trung uý nguỵ quân. Trót lao phải theo lao, anh đem vợ con theo giặc vào miền Nam, tiếp tục theo nghề binh nghiệp, rồi Mỹ thay thế Pháp, anh lại tiếp tục phục vụ chủ mới. Bằng con đường khôn ngoan và nỗ lực của mình, anh ra sức học tập và trở thành sĩ quan chỉ huy kỹ thuật, làm việc ở những cơ quan tham mưu quân nguỵ sau gần 10 năm. Cho đến chiến dịch mùa xuân 1975. Trước sự tấn công thần tốc của quân ta, bọn nguỵ tan rã từng mảng, rồi sụp đổ, phải đầu hàng. Đại tá Nguyễn Văn Cả bỏ hàng ngũ, định đem vợ con từ Nha Trang di tản về Sài Gòn chuẩn bị chạy sang Mỹ, nhưng bị Mỹ bỏ rơi rồi bị quân ta bắt được, tống vào trại giam. Nhà cửa, của cải của một viên đại tá nguỵ, đã bị tan tành, mất sạch sành sanh. Một vợ và 6 đứa con, phải trú ngụ ở gầm cầu Sài Gòn đi ăn xin, làm thuê, làm mướn kiếm ăn, cuộc sống vất vưởng.
Sau ba năm cải tạo, vì tinh thần thành khẩn và có ít nợ máu, nên Cả được cách mạng phóng thích cho về. Nhưng không có tiền để về với vợ con, cũng không có tiền về quê thăm mồ mả, ông bà tổ tiên. Nếu không có người em thứ ba, sống ở quê đã kịp thời cứu giúp. Chú Ba gửi tiền cho anh Cả, trước hết có tiền về thăm lại quê hương, thắp hương tạ tội với ông bà tổ tiên, tạ tội với bà con làng xóm. Sau đó, chú Ba còn cho tiền để về Sài Gòn với vợ con. Chú còn cấp cho một số vốn và hướng dẫn cách làm ăn để nuôi sống một gia đình hàng chục người đang bị thất nghiệp.

II
Nguyễn Văn Hai, là người anh thứ hai, kém anh Cả 2 tuổi. Hồi Cách mạng tháng Tám, mới 17 tuổi, còn đang đi học nhưng được anh Cả giác ngộ và bồi dưỡng nên bỏ học tham gia hoạt động cách mạng, là người cầm cờ trong cuộc biểu tình cướp chính quyền ở xã, huyện tháng 8 năm 1945. Rồi trở thành đội viên du kích do anh Cả chỉ huy. Vốn có học hành và đầu óc thông minh, lại được sự hướng dẫn huấn luyện trực tiếp của anh trai nên chẳng bao lâu anh Hai đã là chiến sĩ du kích thành thạo đánh bom mìn. Đã lập được nhiều công, được cấp trên khen thưởng và chuẩn bị được kết nạp vào Đảng.
Nhưng do sự kiện của anh Cả đã bị kỷ luật, rồi bỏ trốn vào thành theo địch nên việc xét kết nạp của người em bị huỷ bỏ vì liên quan. Anh Hai liền xung phong đi Vệ quốc đoàn, tìm một phương hướng lập công mới, sau sáu tháng làm đội viên, do có thành tích chiến đấu dũng cảm nên anh Hai được cử đi học đào tạo tiểu đội trưởng công binh. Rồi trở về đơn vị tham gia chiến đấu hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, trưởng thành từ tiểu đội trưởng đến đại đội trưởng trong kháng chiến chống Pháp, đến tiểu đoàn trưởng trong kháng chiến chống Mỹ. Nhưng vẫn không được kết nạp vào Đảng, vì có liên quan đến người anh trai theo giặc từ hồi đầu kháng chiến, và vẫn đang tồn tại trong hàng ngũ địch. Cứ sau mỗi đợt thất bại người ta lại động viên anh cố gắng lập công cao hơn nữa, để đến kỳ sau sẽ kết nạp. Anh lại cắn răng chịu đựng và kiên trì nhẫn nại, lại lao đầu vào bom đạn, đem hết sức mình để lập công, đã nhiều lần, các cấp chỉ huy của anh bị thua trận, họ buộc phải giao cho anh quyền thay thế chỉ huy, anh đều chiến thắng vẻ vang, do đó không thể không đề bạt cấp chức cho anh, nhưng bao giờ cấp của anh cũng bị thấp dưới 1- 2 bậc. Mãi đến năm 1966, cuộc chiến tranh ở miền Nam đẻ ra nhiều mối quan hệ, trong một gia đình song song tồn tại hai thái cực. Cách mạng và phản động, tội ác và chiến công, chính nghĩa và phi nghĩa, ác ôn và dũng sĩ. Đảng mới sửa đổi tiêu chuẩn đảng viên. Trong gia đình ai có tội người ấy chịu, người khác nếu không trực tiếp quan hệ, thì không có liên quan. Nguyễn Văn Hai, mới được kết nạp vào Đảng trong khi anh đang giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng. Nhưng tưởng đã thoát được rào chắn, anh tha hồ tung hoành lập công và tăng tiến. Nhưng những cái đầu định kiến bảo thủ trong một số cán bộ chủ trì và chỉ huy trực tiếp của anh lại quá nặng nề, họ đố kỵ với tài ba của anh, nên anh không làm sao vượt lên được. Anh đã giữ chức thượng uý tiểu đoàn trưởng hàng chục năm trời, trong khi đó bạn bè cùng lớp đã vượt lên thiếu tá, trung tá và anh đã quá tuổi để đào tạo cấp tá rồi.
Cuối năm 1971, trong khi đang thiếu cán bộ chủ trì cấp tiểu đoàn, dẫn quân đi chiến đấu, anh liền xung phong ngay. Và nhận đi chiến trường xa nhất, vào Tây Ninh. Năm 1972, sau một năm hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, cũng may anh còn giữ được cái đầu, từ chiến trường ra, những tưởng được phong cấp hay đề bạt. Nhưng không ngờ người ta lại trao cho anh quyết định về hưu, vẫn với quân hàm thượng uý (!).
Anh chán nản, buồn rầu, chẳng muốn về quê hương, chỉ đem số lương hưu ít ỏi của mình quẳng về cho vợ con, rồi bỏ đi lang thang suốt 10 năm trời sau đó. Chị Đỗ vợ anh cùng 4 đứa con sống lay lắt ở quê ngoại Thanh Hoá. Bởi anh còn say sưa chiến đấu phó mặc cho chị một mình nuôi con. Đến bây giờ anh mới thấy ân hận thì đã muộn rồi, anh cũng muốn giúp vợ xây dựng lại gia đình, nhưng ruộng nương không có, vốn liếng không, tay nghề cũng chẳng có.
Anh bất lực đánh phó mặc cho trời. Cũng còn may, chị Đỗ là một người vợ đảm đang thực sự chị đã phải gồng thuê gánh mướn, buôn thúng bán mẹt để nuôi con, bữa rau bữa cháo hàng ngày.
Còn anh đi đến các bạn bè đồng đội chiến đấu cũ của mình ăn nhờ ở đợ. Nhiều người thương anh, nhất là chiến sĩ và cấp dưới của anh có mấy người dân chài lưới, họ cho anh một cái thuyền câu, và mấy tay lưới cũ, dạy anh cách kiếm cá, anh đi theo họ vài năm, rồi tự mình bơi đi lang thang khắp các triền sông, khi sông Mã, sông Lèn, lúc sông Hồng, sông Đáy, khi sông Cầu, sông Đuống, lúc sông Luộc, sông Thương… Anh đi thăm lại các bến bờ, nơi anh đã từng bắc cầu vượt sông chiến đấu, thăm lại những kỷ niệm xưa, chiến trường cũ nơi anh đã từng lập công, từng đổ máu, bị thương và hoài niệm nhớ về những người đồng đội đã hy sinh. Nhiều đồng đội trên bến sông thương anh muốn giữ anh lại dăm bữa nửa tháng, nhưng anh đều từ chối không muốn phiền luỵ ai cả. Cứ thế một mình một chiếc thuyền nan, vài tấm lưới rách, anh trôi nổi trên khắp các triền sông không bờ bến.

III
Nguyễn Văn Ba là người em út trong gia đình. Hồi tháng 8-1945 mới 10 tuổi, còn bé đi học chưa biết gì về cách mạng, về du kích cả, em chỉ biết đi học, rồi theo bố mẹ đi tản cư, mỗi khi quân Pháp tấn công càn quét. Sau khi hai anh lớn đi rồi, còn mình em ở nhà, ông bà chỉ còn dồn tình thương chăm sóc thằng con út, quyết tâm cho nó học hành đến nơi đến chốn, chẳng cho đi chơi bời bè bạn hoặc tham gia thiếu niên nhi đồng gì hết. Ông bà thường nghĩ: Thằng lớn coi như bỏ đi, thằng Hai chắc gì còn sống mà về, chỉ còn lại thằng ba, làm chỗ nương tựa tuổi già, nên không muốn cho nó đi đâu hết, học hành rồi ở nhà nuôi bố mẹ. Nhờ sự chăm sóc và định hướng của bố mẹ, ít chơi bời giao du với bạn bè, luôn luôn là học sinh giỏi, chẳng mấy chốc cậu đã học hết cấp 1, cấp 2 rồi hết bậc thành chung, tương đương với cấp 3 bây giờ. Lúc đó ở vùng thôn quê, cái làng Lễ của cậu, cũng chỉ có mình cậu là được học như thế, cậu trở thành người học cao nhất làng, nhất xã lúc bấy giờ.
Khi bé tuy không biết gì, nhưng sống trong gia đình có hai người anh hoạt động, rồi không khí cách mạng sôi nổi khắp làng xã, cậu cũng tham gia nhi đồng cứu quốc, cũng cầm cờ đỏ sao vàng bằng giấy và đi theo đội trống ếch hô vang khẩu hiệu xung quanh làng, cũng nuôi cho cậu mầm mống cách mạng. Rồi dần dần lớn lên, với tri thức học được cậu biết phân biệt được hai phe đối lập, đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa. Cậu quyết theo con đường của anh Hai để gỡ lại danh dự cho gia đình, có người con đi theo giặc. Nhưng tiếc thay sự hăng hái nhiệt tình của cậu không được chấp nhận, cái lý lịch có anh trai phản bội, đầu hàng địch, chặn đứng cậu đi theo con đường cách mạng, không đoàn thể, thanh, thiếu niên nào chấp nhận cậu. Chán nản, buồn rầu, có những lúc cậu tức mình, cay cú muốn làm ngược lại, vậy thì phải làm một cái gì đó ở phe đối lập, miễn là không cầm súng giết người, làm một viên chức quèn cũng được, kiếm đồng lương, cậu là người có học, chả nhẽ lại chịu lép vế hay sao. Nhưng phe đối lập cũng không sử dụng cậu, bởi lẽ cậu có cái lý lịch, anh thứ hai là Việt Minh cộng sản.
Vì thế, cậu ở giữa hai làn gió, ở giữa hai phe, phe nào cũng không chấp nhận cậu, sợ cậu, rồi coi thường cậu và khinh cậu. Cậu bị bỏ rơi giữa hai trào lưu chính trị; rồi đến tình cảm anh em họ hàng bạn bè cũng bỏ rơi, không bên nào dám quan hệ đi lại với cậu và gia đình cậu. Cậu bị cô đơn giữa luỹ tre làng và những người thân của mình.
Bố mẹ chỉ biết an ủi và khuyên cậu: “Cố gắng học hành, rồi ở nhà làm ruộng, trông nom gia đình, hai anh mày đi rồi, chắc gì có ngày về, nếu mày đi nốt thì bố mẹ trông cậy vào ai.”
Chính vì thương bố mẹ anh đã không bỏ nhà đi, để hoặc theo bên này, bên kia, làm một cái gì đó cho xứng đáng với tài trai ở thời đại tao loạn này, anh đành phải ru rú ở nhà làm thân phận con sâu con kiến cho dân làng khinh bỉ? Thương bố mẹ, anh chỉ biết lao vào học hành, sau khi học hết phổ thông trung hoc, anh không đi học đại học vì phải xa nhà, xa bố mẹ, anh đành phải ở nhà làm ruộng và chăm nom bố mẹ.
Nhờ có sức khoẻ, tuổi trẻ hăng hái, và nhờ trí thức, lại không bận bịu vào những việc xã hội, làng xóm, nên chẳng bao lâu anh đã trở thành: “một lão nông tri điền” mặc dầu anh còn rất trẻ, ruộng của anh bao giờ cũng tốt hơn xung quanh, lúa của anh bao giờ cũng nhiều hơn hàng xóm, trâu bò, lợn gà của anh bao giờ cũng béo tốt. Anh lấy vợ, vợ anh cũng là một gia đình hai phe như anh, cũng được học hành, tuy kém anh một cấp; vì thế hai người tâm đầu ý hợp không những trong tình yêu mà cả trong việc làm ăn và sự suy nghĩ về cuộc đời.
Có sức khoẻ, có lao động, có kiến thức, vợ chồng lại đồng lòng, bố mẹ, vợ con lại hoà hợp, nên chẳng bao lâu gia đình anh trở thành một gia đình giầu có trong làng trong xã, bằng chính sức lao động của mình, mà không ai chê trách, bới móc về đường làm ăn được.
Khi người ta đã có một đồng tiền bát gạo hơn người, thì lại có khối kẻ đến cầu thân. Cuộc chiến kéo dài, càng ngày càng làm kiệt quệ nông thôn, nhất là những gia đình có người trực tiếp cầm súng phải đi xa, ở cả hai phe. Cánh Việt Minh đến vận động ủng hộ kháng chiến, phe bảo hoàng đến vận động ủng hộ quốc gia. Anh khéo léo từ chối tất cả hai bên, mà chỉ giúp đỡ những người nghèo khó nhất ở trong làng, bất kỳ là họ ở bên nào. Tuy nhiên việc giúp đỡ cũng phải có chừng mực và kín đáo, kẻo lại gây nên tai hoạ.
Rồi giặc Pháp hoàn toàn thất bại cuộc chiến tranh kết thúc ở miền Bắc, nhũng người lính ở cả hai phe: phe chiến thắng và phe chiến bại, rồi cũng lần lượt trở về gia đình, với quê hương làng xóm. Phe chiến thắng thì phấn khởi, reo mừng, phe chiến bại thì ỉu xìu, như mèo cắt tai, nhưng họ vẫn phải bám lấy đồng quê, xóm làng, chẳng biết đi đâu được. Chỉ những gia đình có người bị hy sinh, bị chết ở cả hai bên là thiệt thòi và khó khăn hơn cả. Dù vui sướng hay đau buồn, thì cũng phải củng cố lại gia đình đã bị chia ly, tàn phá đổ vỡ bởi chiến tranh.
Người ta xây dựng lại làng xóm quê hương và để khôi phục kinh tế, nhân dân vui mừng phấn khởi thực hiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng đề ra đưa nhân dân ta thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến lên ấm no hạnh phúc. Trước hết là cải tạo bộ mặt nông thôn. Phong trào tổ đổi công, rồi hợp tác xã ra đời. Một mâu thuẫn ban đầu diễn ra là đại đa số lực lượng lao động trẻ khoẻ là những người lính trở về, lại không có tay nghề làm ruộng, mới lớn lên họ đã xung phong vào bộ đội, hoặc bị bắt đi lính, người ta chỉ dậy họ cầm súng ở chiến trường, nay họ rời tay súng, cầm tay cầy còn bỡ ngỡ, lúng túng, phải có người hướng dẫn, người chỉ đạo. Đó là những ông già bà cả, có kinh nghiệm nhưng già yếu, đó là những phụ nữ đảm đang xốc vác mọi việc trong thời chiến, nay hoà bình họ phải làm chức năng của người vợ, người mẹ mà chiến tranh đã tước đi cái quyền của họ một thời. Người ta chọn những “Lão nông tri điền” để làm tổ trưởng tổ đội công, rồi những người cầy giỏi làm đội trưởng đội cầy, và những người thực sự có kinh nghiệm làm nông nghiệp để lãnh đạo hướng dẫn bà con từ việc chọn giống, gieo mạ, tưới nước bón phân… làm sao cho phù hợp với đồng đất làng mình và đạt năng suất cao. Ở cái làng Lễ này, hỏi có mấy người làm ăn giỏi như anh Nguyễn Văn Ba. Người lãnh đạo thức thời ở địa phương xã đã biết tận dụng sự hiểu biết và tài năng lao động của anh. Lúc đầu anh chỉ đảm nhận làm tổ trưởng tổ đổi công, rồi anh làm đội trưởng đội cầy, hướng dẫn đào tạo mấy chục thanh niên rời tay súng về, biết cầm cày thành thạo một cách nhanh chóng, rồi đến khâu giống má rất quan trọng, người ta lại điều anh sang đội trưởng đội giống, rồi đội thuỷ lợi, đội phân bón… cứ nơi nào yếu nhất của hợp tác xã, anh lại được điều sang phụ trách, và chỉ một thời gian ngắn anh lại đưa chỗ yếu thành mạnh. Dân làng tín nhiệm về khả năng kỹ thuật nông nghiệp, ngành nghề của anh, họ cảm phục anh về tư cách đạo đức, về tác phong làm việc và về tinh thần hết lòng vì hợp tác xã, vì làng xóm quê hương. Những định kiến về chính trị tự nhiên bị mất hết. Trong đại hội xã viên, anh được bầu vào Ban quản trị, lần lượt được giao phụ trách những chức vụ quan trọng, từ trưởng ban kỹ thuật, trưởng ban kế hoạch, trưởng ban tài vụ, uỷ viên kiểm tra, phó chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm hợp tác xã toàn xã – Anh được kết nạp vào Đảng, rồi được bầu vào Hội đồng nhân dân – của xã của huyện – hợp tác xã của anh chỉ mấy năm sau là hợp tác xã điển hình, ngọn cờ đầu của huyện, được đi báo cáo điển hình ở các nơi, và nhiều đoàn đến thăm quan học tập kinh nghiệm. Anh được bầu làm Bí thư chi bộ cơ sở, rồi Đảng uỷ viên, uỷ viên thường trực. Khi Đảng chủ trương củng cố lại chính quyền các cấp, anh lại được bầu làm chủ tịch uỷ ban nhân dân xã. Rồi hai năm sau nữa trong đại hội Đảng bộ, anh được bầu làm Bí thư Đảng uỷ, người lãnh đạo cao nhất của xã.
Dù là ở cương vị nào, đội trưởng, chủ nhiệm hợp tác xã, Chủ tịch hay Bí thư Đảng uỷ xã, anh vẫn là người gương mẫu lao động, bản thân anh và gia đình anh vẫn là người có công điểm cao nhất và thu hoạch cao nhất bằng sức lực và tài trí của mình, không lợi dụng tham ô công quỹ hay tranh giành vơ vét của nhân dân. Chính vì thế gia đình anh vẫn là gia đình giàu hơn, vững chắc nhất ở cái làng cái xã này.
Bởi vậy anh mới có điều kiện để cưu mang hai ông anh từ 2 chiến tuyến trở về. Anh Ba đã cưu mang anh Cả về lại Sài Gòn sinh sống làm ăn. Còn anh Hai, mãi đến khi anh phấn đấu có đầy đủ chức quyền và tài sản, anh mới có thời gian đi tìm anh Hai đang lang thang trên khắp bến sông. Phải đi lại nhiều lần, hỏi thăm nhiều nơi, hàng tháng trời, anh mới tìm thấy anh Hai và vận động anh trở về quê. Lúc này với cương vị người lãnh đạo xã, việc giải quyết đất đai cho cán bộ, bộ đội về hưu gặp khó khăn, thật hợp tình hợp lý và được mọi người tán thành ủng hộ, rồi chu cấp cho ông anh xây cửa xây nhà, đón vợ con về quê chung sống. Sau đó cái quan trọng nhất là anh Ba dạy cách làm ăn cho anh Hai, đó là việc làm ruộng và làm vườn, cấp vốn ban đầu cho anh chị để có điều kiện làm ăn sinh sống.
Nhờ được sự cưu mang đùm bọc của anh Ba, chỉ mấy năm sau gia đình anh Hai đã ổn định, trả được nợ nần, và nuôi được con cái ăn học đến nơi đến chốn. Anh Hai không còn mặc cảm, thiệt thòi, thấp hèn, thua kém bạn bè, anh đã tham gia công tác xã hội, cùng làng xóm, viết lại truyền thống của địa phương, những trận chiến đấu, những chiến công từ thời chống Pháp, để đem lại niềm tự hào cho quê hương và giáo dục thế hệ trẻ mai sau.

IV
Trong suốt 30 năm chiến tranh trên đất nước ta mấy gia đình còn được toàn vẹn trở về như ba anh em trai nhà Ba Sao. Cái tên là Ba Sao là biệt danh của anh Hai, vì anh giữ quân hàm thượng uý trên ve áo (có ba ngôi sao) từ lúc được phong 1958 đến lúc về hưu 1972. Suốt 14 năm liền, nên anh em đơn vị đặt cho anh, rồi gọi quen mồm thành tên. Bây giờ cái tên ấy còn có thêm một ý nghĩa nữa là ba anh em trai nhà này, dù gió dập sóng vùi hay mây mù che phủ, họ vẫn còn tồn tại trở về nguyên vẹn, như ba ngôi sao nhấp nháy giữa luỹ tre làng Lễ – mà các ông già bà cả, những bậc cha mẹ thường đem chuyện của họ ra kể cho con cháu mình. Những ngày giỗ ngày Tết họ vẫn gặp nhau trong căn nhà hương hoả do người em út gìn giữ, bên nấm mộ của tổ tiên ông bà cha mẹ. Mỗi lần gặp nhau họ lại tranh luận cãi vã nhau gay gắt và bất đồng với nhau về chiến tranh và hoà bình, về phi nghĩa và chính nghĩa. Chẳng bao giờ thống nhất được. Nhưng dẫu sao, gia đình họ vẫn là một gia đình hạnh phúc hiếm có.

L.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder