Mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam tặng CLB Hải Phòng học bức ảnh sao chụp tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” (Đại sĩ Trúc Lâm rời núi). Họa thư “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” dài 3,1m, rộng 0,4m; trong tranh có 82 nhân vật, đủ cả tăng sĩ, nho sĩ và đạo sĩ… GS.TS Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (người dự lễ trao tặng bản sao bức họa thư cho Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Harvard – Hoa Kỳ) cho biết: Bức “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” vẽ nội dung vua Trần Nhân Tông dời núi Vũ Lâm được Trần Giám Như vẽ năm 1363, sau được các doanh họa thời Minh thêm vào lời bình dẫn, tôn vinh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh – Trung Quốc. Bức họa thư bỗng nhiên được nhiều người biết đến là nhờ Công ty đấu giá quốc tế Poly (Bảo Lợi – Bắc Kinh) tổ chức cuộc đấu giá các tinh phẩm thư họa, trong đó có bức Trúc Lâm Đại sĩ (do một công ty ở Bắc Kinh phối hợp với Bảo tàng Liêu Ninh phục chế để triển lãm năm 2006). Tuy là bản phục chế nhưng đã được một người Việt Nam dấu tên mua với giá cao bất ngờ 1,8 triệu USD, gây chấn động, xôn xao dư luận, nhất là đối với các nhà nghiên cứu và giới thương nhân thế giới. Bức tranh “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về, vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón. Họa phầm gồm 2 trường đoạn: trường đoạn thứ nhất mô tả cảnh Ngài đã xuống tóc, ngồi trên kiệu võng đốt trúc, tuổi trạc 50, trán cao, mày dài, ánh mắt sáng ngời thông tuệ, nhân từ. Lúc tọa thiền, mặc áo cổ tràng vạt, tay phải lần tràng hạt, xung quanh có đoàn tùy tùng, kẻ vác lọng tết bằng lá cọ, người gánh theo bộ đồ uống trà, kẻ cầm gậy long trúc, các nhà sư người Hồ mặc áo trật vai, thiền phái Nam tông, có hạc dẫn đường. Theo phía sau là đạo sĩ Lâm Thời Vũ cưỡi “đâu tử” và những người tâm giao của Đại sĩ ở phía sau. Các lão sư người Hồ dung mạo đầu hói, râu quai nón, dáng điệu thanh nhã, khoan thai, người cầm tích trượng, người bưng kim sách…; trường đoạn thứ hai, vẽ quan tứ trụ triều đình đứng tiền trạm, hoàng đế Trần Anh Tông nghênh đón vua cha cùng bách quan, quân lính mang kiệu, lọng, voi ngựa, rước Phật hoàng về kinh đô. Tranh vẽ thể hiện rất rõ về hình ảnh trang phục thời Trần. Hoàng đế Anh Tông nét mặt nghiêm cẩn, dáng vóc đường bệ, buộc khăn trên búi tóc bỏ núi phía sau, áo hoàng bào kép 5 thân tay thụng, cổ tròn hai lớp, quần dài chân đi giày cao cổ. Bách quan mặc áo gấm tía tay thụng, mũ chữ đinh kiểu lục lăng, có tai mũ quấn cong ra sau, đi giầy da. Các quân cẩm y vệ (thân quân) vác bảo kiếm hộ vệ, một đại quan vác thượng phương bảo kiếm đứng hầu. Bức tranh diễn tả phong cảnh thiên nhiên của vùng đất Ninh Bình hùng vĩ bằng nét bút thần diệu, mang đậm phong cách đồ họa Việt.
Về nguồn gốc bức họa thư, có ý kiến cho rằng: Vào giữa thế kỷ XV, nhà Nguyên suy thoái, đại loạn, dân Hán nổi lên chống lại khắp nơi. Từ 1345 có 3 cuộc khởi nghĩa lớn chống lại nhà Nguyên là các cuộc nổi dậy của Trần Hữu Lượng, Trương Hữu Thành và Chu Nguyên Chương. Trần Hữu Lượng nổi lên ở Bái Trạch năm 1354, Sau khi chiếm cứ một vùng Giang Tô, Hồ Quảng (Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông) rộng lớn, bèn sai sứ xin hòa thân với Đại Việt (Toàn thư, tập II, tr 134). Trần Hữu Lượng tự nhận mình là con trai thứ hai Trần Ích Tắc, cháu ruột vua Trần Nhân Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Anh Tông đã sai người lên phía Bắc để dò la xem hư thực.. Việc Trần Hữu Lượng giấu gốc tích, hoàng tộc Việt của mình khi khởi nghĩa được lý giải: Trần Ích Tắc đem gia quyến và quân đội đến đầu hàng nhà Nguyên năm 1295, được phong làm An Nam quốc vương, nhưng việc đưa về nước thất bại. Khi Nguyên Thế Tổ chết (1294) con nối ngôi là Nguyên Thành Tông thấy vai trò lịch sử của Ích Tắc đã hết nên đã hạ chỉ thu hồi ruộng đất đã cấp cho Ích Tắc và đưa toàn bộ gia quyến về Ngạc Châu. Sự thay đổi đột ngột khiến đời sống thiếu thốn, con cái li tán nhưng cha con Ích Tắc vẫn tin vào giấc mộng làm vua. Lúc bấy giờ, giới thầy bùa lan truyền giai thoại: Khi vua Thái Tông sinh Ích Tắc, vị thần ba mắt từ trên trời xuống nói bị thượng đế quở trách, xin thác sinh làm con vua, sau lại trở về phương Bắc. Khi Ích Tắc ra đời, giữa trán có vết lờ mờ hình con mắt, hình dáng giống hệt người trong mộng… (Toàn thư, tập II, tr 55). Sau khởi nghĩa, tháng 6 năm 1360 Trần Hữu Lượng xưng đế, lấy quốc hiệu là Hán, đặt niên hiệu Đại Nghĩa, đóng đô ở Nam Kinh, chiếm cứ một vùng rộng lớn Chiết Giang, Hồ Quảng (Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông). Trần Giám Như ở Hàng Châu thuộc vùng đất của Trần Hữu Lượng nên mới có thể vẽ tranh ca ngợi vua Trần Nhân Tông vị anh hùng đã hai lần chiến thắng giặc Nguyên xâm lược Đại Việt. Năm 1363 Trần Giám Như vẽ bức họa thư “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” nhằm ca ngợi hào khí Đông A (họ Trần) để cổ vũ tinh thần cho quân sĩ của Trần Hữu Lượng. Trần Giám Như là họa sĩ nổi tiếng vẽ chân dung ở Hàng Châu, nhưng giữ kín gốc tích của mình. Theo giới nghiên cứu mỹ thuật cổ Trung Quốc, bức chân dung danh sĩ Lý Tế Hiền nổi tiếng của nước Cao Ly (Triều Tiên) là do Trần Giám Như vẽ vào năm 1319, đời Nguyên Nhân Tông.
Sau khi Trần Hữu Lượng thất bại, bức họa thư “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” là báu vật ngầm truyền trong hậu duệ họ Trần lưu lạc ở Trung Nguyên. Khoảng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), bức tranh được tái xuất với chủ nhân là Trung thư xá nhân Trần Đăng và Giao Chỉ học nhân (nhà sư già người Giao Chỉ) Trần Quang Chỉ, đều là hậu duệ nhà Trần. Đặc biệt, Trần Quang Chỉ đã viết bài tán dưới tranh như sau: “Đại sĩ là con vua Trần Thánh Tông, trước khi sinh, vua cha đã mơ thấy Thượng đế ban cho thanh bảo kiếm. Khi sinh, Vua đẹp đẽ thông thái (mỗi ngày có thể đọc vạn lời), khi lớn lên thông tam giáo nhưng yêu thích đạo phật. Vương thông hiểu lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, các môn đều thấu hiểu đến chỗ uyên bác. Trong việc trị nước, lấy tinh thần nhân ái để giải quyết mọi việc, lấy lòng thành thực đối đãi với bề tôi, coi họ như tay chân, phủ dụ trăm họ như con ruột, nhẹ hình phạt, thuế má, giữ chữ tín trong việc thưởng công, phạt tội. Tuổi hơn 40 thì “siêu nhiên”, bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho thế tử, vào động Vũ Lâm tu đạo, mặc áo sư, rồi làm am trên đỉnh núi Yên Tử ở 6 năm không xuống núi, mặc áo cỏ, ăn lá cây cần khổ tích hạnh chân tu “các độ”. Sau đó trải rộng tính tình ở gò núi đi khắp nơi trong nước, nay các danh sơn thắng cảnh đâu cũng còn lưu dấu vết “trác tích” (tu hành) của người. Bấy giờ có đạo sĩ Lâm Thời Vũ trong nước cùng theo Đại sĩ đi khắp nơi, có lúc viễn du hóa độ lân quốc đến Chiêm Thành, khất thực trong quốc đô. Vua nước đó lấy lễ đón mời, đối đãi hết sức kính cẩn, lại sắm sửa thuyền bè, nghi trượng đầy đủ thân hành tiễn về nước. Sau đem đất hai châu cúng dàng nay là hai châu Thuận, châu Hóa vậy. Đến năm sau, đi không ngồi xe, đầu không đội nón, hình dung khô khan, áo bỏ vai lam lũ, người trong nước gặp không ai biết đấy là vua. Thiền Tông của Đại sĩ vốn từ hậu duệ của Thần Hội đời Đường, trong nước chưa phát triển thiền học rộng, đến Đại sĩ thì tông môn đại hưng thịnh, cho nên dòng áo đen một nước suy tôn là sơ tổ…khi nhập thất ngồi ngay ngắn lặng lẽ mà hóa…khi đốt có thần quang ngũ sắc bốc lên, suốt đêm không tan…người trong nước thấy cảm ứng linh thiêng, khắp nơi các chùa đều thờ phụng cúng dâng, cầu đảo đều ứng nghiệm. Sự tích Đại sĩ đã có sách truyền đăng lục ghi chép, người Giao Chỉ có thể truyền đạt. Tôi nhận thấy bức tranh này, dám biểu đạt một vài điều đại quát dưới tranh, may chi mọi người xem được khiến cho công hạnh của Đại sĩ không bị mai một – Vĩnh lạc năm 18, ngày thượng nguyên năm Canh tý – Người học Phật ở Lô Giang Trần Quang Chỉ – Tích phủ lạy hai lạy kính cẩn ghi…” Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam thì Trần Quang Chỉ là người sở hữu bức tranh cho đến thời điểm năm 1420. Nguyên tác họa phẩm Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ đã từng lưu lạc chìm nổi trong tao loạn cho đến đời Thanh, bức họa được sưu tập và đưa vào lưu giữ trong cung đình. Sau cách mạng Tân Hợi (1911) của Trung Quốc. Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng của nước này thoái vị nhưng vẫn được cho lưu trú trong cung đình 11 năm. Phổ Nghi đã bí mật chuyển hơn ngàn cổ tịch, tác phẩm danh họa, thư pháp, lịch đại… ra khỏi hoàng cung. Bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ là một trong số các họa thư quý đã bị thất thoát khỏi cung khi ấy. Năm 1964, bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ được Dương Nhân Khải thu mua lại và cũng nhân đó được lưu giữ trong Bảo tàng Liêu Ninh (TrungQuốc) cho đến nay.
Trần Phương