Pàng không muốn đợi hai ngày nữa. Nó nhớ mẹ quá. Với lại từ nhà chú, dì về nhà nó chẳng bao xa, hai con dao quăng là cùng. Đã đi học nên cu Pàng cũng biết cách tính đường bằng cây số, có điều khi đi đường mòn xuyên rừng thì làm gì có cột cây số?! Vậy nên nó đành tính theo kiểu người đi rừng, cho mỗi quãng đường phải chuyển con dao quắm đeo ở hông bên này sang hông bên kia cho đỡ mỏi…
Pàng không muốn đợi hai ngày nữa. Nó nhớ mẹ quá. Với lại từ nhà chú, dì về nhà nó chẳng bao xa, hai con dao quăng là cùng. Đã đi học nên cu Pàng cũng biết cách tính đường bằng cây số, có điều khi đi đường mòn xuyên rừng thì làm gì có cột cây số?! Vậy nên nó đành tính theo kiểu người đi rừng, cho mỗi quãng đường phải chuyển con dao quắm đeo ở hông bên này sang hông bên kia cho đỡ mỏi.
4 – GIẾNG ĐÁ
Lúc tỉnh lại Pàng thấy hai tay bị trói giật ra sau lưng, chân cũng bị trói và đang ở một nơi nào đó tối thui.
Nó đang nằm úp sấp trên nền cứng và lạnh như đá, mới khẽ cựa quậy đã đau nhói lên ở trán. Đầu với ngực bị phủ kín, đúng hơn là một chiếc bao đã chụp qua đầu nó cho tới tận ngực, tối đen như mực.
Nhớ ngay đến chuyện vừa rồi bị đẩy vào trong Hang Ma. Giàng ơi, thế ra nó vẫn đang ở trong cái hang ấy, chưa chết nhưng chắc cũng sắp bị làm sao đến nơi. Còn cái lão đeo kính đen, lão ta đâu? Có ở quanh đây không? Pàng định kêu lên hoặc gọi lão nhưng vội mím chặt môi lại.
Mấy năm qua, tuy không phải bỏ học nhưng Pàng vất vả hơn thằng Bình nhiều lắm. Bình nó có mẹ, có bố, đều là cán bộ nhà nước nên tha hồ đọc truyện, đọc sách, xem phim. Nó chỉ có ăn rồi chơi và học thôi, trong khi Pàng phải giúp mẹ mọi việc trong nhà và làm nương.
Hai năm vừa rồi học ở trường Nội trú nhưng hè nào Pàng cũng phải vừa học việc tạc tượng vừa vác hàng thuê ở kho hàng trung chuyển của chú, dì. Thằng bé tích luỹ được khối điều qua những tháng ngày lăn lộn kiếm tiền trợ giúp cho mẹ, đã trở nên ốm yếu sau cái chết đột ngột của cha nó.
Nếu lão đang ở quanh đây thì chỉ tí nữa lão sẽ biết là nó đã tỉnh – Pàng nghĩ – mình phải lắng nghe xem sao đã. Nó hơi ngọ nguậy, khẽ lật người và lại thấy đau nhói ở trán, tuy nhiên phát hiện có một khe sáng từ dưới ngực lọt vào mắt.
Ô, thế ra việc xung quanh tối mò không phải là do nó đang ở trong Hang Ma, nghĩ một tí Pàng phát hiện ra điều ấy và đỡ sợ hơn. Đau là vì ai đó (rõ ràng là một trong những con quỷ) đã nện vào trán nó, bây giờ chắc đang xưng vếu lên như quả ổi trâu, còn tối là do chiếc bao chụp vào đầu có màu đen hay màu sậm. Đúng thế, Pàng ta cọ mũi vào chiếc bao, cố ngửi và biết là bao nhuộm chàm, bằng thứ vải dày lắm nên ánh sáng không thể lọt qua.
Thế ra nó đã được đưa ra ngoài. Vì nếu trong hang thì tối lắm, Pàng thấy thế khi bị đạp bắn vào trong Hang Ma. Ai đưa nó ra? Có phải là lão kính đen chột mắt ấy không? Lão ta đang làm gì, đứng ngồi ở đâu ấy nhỉ?
Nghĩ tới cái đầu lâu ma quái lăn lộc cộc và con rắn từ trong hốc mắt của chiếc sọ người trườn ra ngoài, nó lại run. Nhưng nỗi sợ lúc này đã giảm đi nhiều.
Một tia hi vọng chợt lóe lên: nếu chết ngay như bà lão Tằng nói thì chắc chắn nó đã chết rồi. Nhưng còn nghĩ được như thế này tức là vẫn còn sống…
Nhưng biết đâu mình đang nằm mơ thì sao? Ý nghĩ này khiến cu cậu lại kinh hoảng. Vậy ra nó cũng đã chết rồi, chết như cha nó sau khi bị bọn cướp đánh vào đầu. Nỗi sợ khiến Pàng phải cựa quậy và trán lại đau nhói lên.
Khi chết rồi người ta có còn nằm mơ thấy đau không nhỉ? Chắc là có, vì người chết có biết đau thì bọn quỷ sứ dưới Âm Ti mới đem người có tội ra hành hạ, nhúng họ vào vạc dầu sôi ngùn ngụt như trong phim gì nó đã xem, hoặc bắt đeo vác các loại gông cùm đầy răng nhọn, như răng con hổ, con lang ở trên rừng. Giàng ơi, khéo nó chết thật mất rồi!?
Biết hỏi ai bây giờ? Giá có thằng Bình ở đây thì tốt biết bao. Hè này nó về quê nội ở mãi Hà Đông cơ.
Nhưng Pàng chưa nghe thấy ai nói tới chuyện người chết nằm mơ với suy nghĩ cả. Hy vọng loé lên một chút. Nhưng ngộ không phải nằm mơ mà đang là những sự thực nhìn thấy ở dưới Âm Ti thì sao? Lũ quỷ sứ trói nó vứt ở đây, đợi vào sổ sách gì đấy của Diêm Vương rồi chốc nữa sẽ quăng vào ngục, có khi còn đeo gông hay cùm có gai nhọn vào cổ người chết…Giàng ơi, sao số nó khổ thế nhỉ, cả lúc sống cũng như lúc đã chết!
Thằng bé không thể nào kìm được một tiếng nức trong bi thảm. Dẫu sao Pàng vẫn mong là mình còn sống hơn là đã chết. Hóa ra việc xác minh chuyện mình còn sống hay đã chết chẳng dễ chút nào! Khó hơn nhiều so với việc xác định chiếc bao đang trùm trên đầu nó là bằng vải dày và được nhuộm kĩ bằng nước lá chàm. Thế ra ở dưới Âm Ti bọn quỷ cũng biết dùng cây chàm để nhuộm như người Tày à?!
Dẫu sao thì nó cũng đang bị trói chặt, chẳng thể đi đâu hoặc hỏi ai lúc này. Ai trói nó nhỉ? Quỉ Gió Độc hoặc Thuồng Luồng trong hang, hay lũ quỷ sứ nhan nhản dưới Âm Ti?
À, bà lão Tằng nói hai con quỷ ấy giết người vào hang của chúng ngay tắp lự, quẳng xương người chết đi lung tung để dọa người nào dám bén mảng đến hang chúng nó. Vậy thì trói nó là do quỷ sứ dưới Âm Ti rồi. Ơ, còn lão chột kính đen thì sao? Nếu lão không bị quỷ giết thì cũng có khi chính lão đã trói nó.
Nghĩ ngợi nhiều làm thằng bé thấy không chỉ đau ở trán mà còn đau ở cả bên trong đầu. Nó đâm liều, thôi thì cứ đợi xem tới đây người hay quỷ sứ hành tội nó, khi đó sẽ biết ngay mình đang còn sống hay đã chết.
Tốt nhất là hãy nằm thật im, nằm như con cánh cam vô ý bị lật ngửa bụng lên giời, cố tình giả chết ở một chỗ đang có nhiều nhộn nhạo, chờ xem mọi chuyện tiếp theo ra sao, Pàng quyết định như vậy.
*
* *
Pàng cố gắng nằm như thế khá lâu và nhớ lại nhiều chuyện kể từ ngày cha nó đột ngột mất đi.
Ngày ấy, mẹ nghe lời trăng trối của cha nên bảo với mọi người là cha nó uống rượu say, trượt chân ngã xuống suối. Bị chết do đầu đập vào đá, ngã úp mặt xuống nước mà mẹ con nó không biết ngay. Trong đầu thằng bé không thể nào xoá đi hình ảnh một cái bóng cao, gày khô gày khắt như thằng hình nhân chơi trò lộn cây xà đơn và thằng thấp lùn, tay trái hơi khoèo, có răng vàng hai bên mép.
Pàng đã kể với mẹ nhưng mẹ nó dặn không được nói với ai nữa. Đám tang thật buồn. Mẹ và cha nó đều có rất ít anh em họ hàng. Ai cũng bảo thương thằng Pàng sớm mồ côi bố nhưng chẳng giúp đỡ được gì đáng kể.
– Cha mất sớm rồi, nhưng mẹ vẫn cố cho mày đi học Pàng ạ, có cái chữ vào bụng thì sau mới đỡ khổ. – Mẹ nói với nó thế.
Thế nhưng chưa vào năm học mới thì mẹ đã ốm. Mẹ ốm lâu đến nỗi chẳng còn hạt gạo nào trong nhà, từ cái tủ cha mới mua cho đến con bò, đã có mặt ở nhà từ lúc cu Pàng mới lên bốn tuổi, cũng phải đem bán. May là mẹ con thằng Bình chuyển từ xuôi lên đây, mẹ nó làm hiệu trưởng Trường Tiểu học của xã đã hết lòng giúp đỡ mẹ con nó, tạo mọi điều kiện để Pàng không phải bỏ học.
Vào dịp hè, thấy mẹ nó đã khá lên, dì bảo với mẹ:
– Cho thằng Pàng lên giúp chú nó đếm và ghi số hàng người ta gửi ở nhà mỗi tối. Nhiều thứ lặt vặt lắm, cái đầu mình không nhớ được hết đâu vớ. – Dì nó lấy chồng người Tày nên nói giống kiểu người Tày. – Lúc nào rảnh chú nó sẽ truyền cho nghề đẽo tượng đá.
Mẹ chưa kịp nói thì dì bảo thêm như vậy, cuối cùng mẹ cũng đồng ý.
Thế là từ đấy hè nào Pàng cũng lên ở nhà dì, kể cả khi đã lên học Trường Nội trú. Nó tập ghi tập đếm, được giữ hai quyển sổ và mấy cây bút bi, buổi sáng rỗi rãi cũng theo người ta đi trung chuyển kho, đội hoặc buộc võng đeo ở lưng mấy thứ hàng nhẹ nhàng như kiện thuốc lá, thùng bánh qui bơ… Buổi chiều thì ngồi đục đẽo đá với chú nó. Nhờ thế mà hai mẹ con thoát được cảnh bữa no bữa đói.
Chuyện xảy ra hôm nay bắt đầu từ hai hôm trước đây. Hôm ấy dì bảo:
– Chủ hàng đợt này bị đánh nhiều lắm, cửu vạn lại không có ai thuê vác hàng đâu vớ.
– Cướp đánh các chủ hàng hở dì?
Pàng vội hỏi vì thằng bé vẫn hãi bọn kẻ cướp từ ngày chúng đánh chết cha mình. Có điều mẹ đã dặn không nói với ai nên nó cứ phải im như hạt ngô giống ở trong sọt, về chuyện cha bị chúng đánh chết như thế nào.
– Không phải cướp đánh. Đấy là Hải quan cửa khẩu ngăn chặn buôn lậu – Chú giải thích cho nó rồi quay sang nói với dì:- Vài tháng rộ lên một đợt, rồi đâu lại vào đấy vớ. Này, đợt này rỗi rãi mình để thằng Pàng về chơi với mế nó ít ngày…
– Tôi cũng đang định dẫn nó về chơi với mế. – Dì nó nói xen – Nửa tháng nay tôi không gặp chị Li (đấy là tên mẹ Pàng), dạo này chị ấy đã khá lên nhiều rồi.
– Cũng phải vài hôm nữa mới đi được. – Chú bảo – Mình còn phải tính sổ để thanh toán cho xong đợt hàng này đã.
Pàng không muốn đợi hai ngày nữa. Nó nhớ mẹ quá. Với lại từ nhà chú, dì về nhà nó chẳng bao xa, hai con dao quăng là cùng. Đã đi học nên cu Pàng cũng biết cách tính đường bằng cây số, có điều khi đi đường mòn xuyên rừng thì làm gì có cột cây số?! Vậy nên nó đành tính theo kiểu người đi rừng, cho mỗi quãng đường phải chuyển con dao quắm đeo ở hông bên này sang hông bên kia cho đỡ mỏi.
Đeo một túi đồ của dì gửi về cho mẹ – nhẹ hơn những gói hàng nó vác thuê nhiều – cậu bé tuổi choai choai đi tắt theo con đường mòn nho nhỏ qua rừng. Đã được nửa đường về nhà, khi ló ra khỏi khúc quành thì Pàng nhìn thấy một người đàn ông đeo kính đen chống gậy, đeo ba lô trên lưng. Người ấy đang nhìn phải nhìn trái, có vẻ phân vân với ba ngả rẽ trước mặt, thấy thằng bé ông ta liền ngồi xuống hòn đá ven đường một cách nặng nhọc.
– Cháu đi về đâu đấy? – Ông ta hỏi.
– Về nhà. – Pàng đáp gọn lỏn, nó không thích nói chuyện với người lạ ở giữa rừng từ ngày hai cha con gặp nạn.
– Nhà cháu ở mường nào? – Giọng người đàn ông mềm mỏng, tỏ ra mệt mỏi và hơi nhăn nhó như có chỗ nào đau đớn trong người.
– Mường Mén. – Trả lời xong Pàng bước đi, rẽ sang trái là con đường dẫn về nhà mình.
– Đợi bác một tí, bác cũng về đường ấy. Ối, chân đau thế này làm sao đi được nữa đây! – Người ấy than thở khiến thằng bé mười bốn tuổi phải quay đầu nhìn lại…
N.C