Cái quan trọng nhất đó là tác giả bài thơ đã hoà tâm hồn mình reo vang ngợi ca vẻ đẹp lý tưởng của tình yêu lứa đôi bay qua cõi chết, một tình yêu đất nước sáng ngời và rừng rực cháy thắp lên như một đức tin chiến thắng.
Nhà thơ Bùi Công Minh sinh 1947 ở thành phố Đà Nẵng, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 1967, nhiều năm sống và làm việc tại Hà Nội. Từ 1992, ông về sống và làm việc tại Đà Nẵng. Ông từng trải qua nhiều công việc: dạy học, phục vụ trong quân đội, làm công tác quản lý; hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tháng 12.2012.
Tác phẩm thơ đã xuất bản: Ngày và đêm (thơ, NXB Quân đội nhân dân, 1994); Lặng lẽ mình, (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1996); Gió mặn – Lời yêu (thơ, in chung với Ngô Liên Hương, NXB Đà Nẵng, 2007); Động và Tĩnh (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2012).
Nhưng khi nhắc tới Bùi Công Minh, các đọc giả, thính giả (Đặc biệt các thế hệ thày cô giáo) thường nhớ tới ca khúc “Hành khúc ngày và đêm”; Đến bây giờ vẫn còn những người ít biết tên thật của bài thơ được phổ nhạc này có tựa đề “Ngày và đêm”. Bài thơ được viết trong hoàn cảnh đặc biệt. Đó là thời điểm mà Tác giả sắp tốt nghiệp Khoa Văn Ðại học Sư phạm Hà Nội, năm 1967. Bắt đầu tứ thơ ngân lên từ câu chuyện tình có thật: cô bạn học cùng lớp Bùi Thị Huân đã xúc động đọc cho các bạn nghe bức thư của người yêu khi ấy đang ở chiến trường, một bức thư chứa chan tâm sự về một tình yêu cách trở bởi thời gian và không gian.chiến tranh…
Đem ấy, dưới ánh đèn dầu, Bùi Công Minh đã viết bài thơ này, như sẻ chia như tự chép những rung ngân của lòng mình về tình yêu lứa đôi trong cuộc chiến khốc liệt, vẫn hướng về nhau và cùng nhau thuỷ chung như mối tình chiến sỹ đè bẹp sự bạo tàn. Sau này, năm 1974, bài thơ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu phổ nhạc. Ngày và đêm hầu như được giữ nguyên trọn vẹn và gọn ghẽ trong nhạc phẩm “Hành khúc ngày và đêm”. Chỉ riêng câu cuối, để cho câu nhạc hoàn chỉnh hơn, nhạc sỹ có thêm câu “Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau”.
Và qua làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam, âm nhạc đã chắp cánh cho bài thơ bay xa, đặc biệt nó luôn vang lên trong mỗi mái trường dù thời gian đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
Ngày và đêm
Rất dài và rất xa
Là những ngày mong nhớ
Nơi cháy lên ngọn lửa
Là trái tim yêu thương
Anh đang mùa hành quân
Pháo lăn dài chiến dịch
Bồi hồi đêm xuất kích
Chờ nghe tiếng pháo ran
Ngôi sao như mắt anh
Trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở
Cho ánh sao bay vào
Ngày và đêm xa nhau
Đâu chỉ dài và nhớ
Thời gian trong cách trở
Vẫn cháy ngời tình yêu
Pháo anh trên đồi cao
Nã vào đầu giặc Mỹ
Bục giảng dưới hầm sâu
Em cũng là chiến sỹ
Cái chết cúi gục đầu
Cuộc đời xanh tươi trẻ
Ngày đêm ta bên nhau
Những đêm ngày chiến đấu.
BCM
Theo hồi ức của Bùi Công Minh thời còn tại ngũ, ông vẫn tham gia hát bài hát này cùng với đồng đội; và hầu như trong số những người lính ấy không hề biết ông chính là tác giả phần ca từ. Do bài hát chỉ được nghe qua đài và chép tay “tam sao thất bản” nên nhạc thì đúng mà lời thì nhiều chỗ không đúng; và ông đã chép lại cho họ. Khi chép xong, tất cả ngạc nhiên vì đó là bài thơ ngũ ngôn. Khi các chàng lính hỏi vì sao biết bài thơ rõ vậy, ông chỉ trả lời ông biết tác giả bài thơ đó là một thày giáo.
Bài thơ Ngày và đêm của nhà thơ Bùi Công Minh trở thành cái “thương hiệu” riêng của ông, cho dù hiện tại ông có tới 4 tập thơ đã xuất bản. Cái gì đã làm lên sức sống của bài thơ phổ nhạc này? Âm nhạc hay? tất nhiên rồi, đề tài về nhà trường? chưa hẳn! Cái quan trọng nhất đó là tác giả bài thơ đã hoà tâm hồn mình reo vang ngợi ca vẻ đẹp lý tưởng của tình yêu lứa đôi bay qua cõi chết, một tình yêu đất nước sáng ngời và rừng rực cháy thắp lên như một đức tin chiến thắng khi Tổ quốc đang quằn quại đớn đau trong thảm hoạ xâm lăng.
Nguyễn Đình Minh giới thiệu
Tư liệu tham khảo từ tài liệu Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội 1