Hành trình thơ Thy Nguyên qua tác phẩm “Người dưng” hay những lời ru bập bênh – Tuấn Anh

Trong ca dao nói về yêu và ghét của ông cha ta ngày xưa “ Yêu nhau yêu cả đường đi/Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”, và nhìn ở mọi góc độ, yêu và ghét đều xoay quanh cái trục nhân tình thế thái và cái trục là phái đẹp, bởi đàn bà là trung tâm của sự nan giải, có tính phức tạp về nội hàm, mà loài người đã phải tốn rất nhiều lời cùng bút lực cho vấn đề đó. Đàn bà sinh ra để yêu và yêu là bản năng để đi tới sinh tồn, một phần của máu thịt.Trong phạm trù thơ của Thy Nguyên( Phạm Thúy Nga), chị cũng nói về đàn bà nhưng là đàn bà cũ mà chị tự nhận. Quan niệm về thơ của chị có lẽ cũng khác, chị làm thơ về tiếng thở dài, về cuộc đời đen, đỏ ( nói kĩ hơn là sự cay nghiệt). Người đọc thơ của chị có cảm giác như thấy có vị tỏi, hành, mắm, muối và cả ớt…trộn lẫn vào nhau, những thứ gia vị ấy nếu, ở mức độ vừa phải, có thể sẽ hấp dẫn, kích thích…nhưng trong thơ chị những thứ gia vị ấy rất nhiều, đặc quánh, có lúc sền sệt như kem dưỡng da, nhưng lỡ bôi lên thì bỏng cả một khoảng mặt. Những ngữ nghĩa của từ, hình ảnh của câu thơ đan chéo nhau, làm người đọc có phần dè dặt (xem xét) trong cách hoán dụ của chị.

Những câu thơ thuần túy về tình yêu của chị đôi khi cũng rân rấn như một sự buông bỏ:“Anh ban ơn nụ cười trên môi em từ hai mảnh vỡ/Những hình khối hôn nhân ló rạng nở bung”(Nói với anh).

Ý niệm tình yêu trong thơ, được chị khai thác ở phần hai của câu ca dao kia là cái ghét. Và cái ghét cũng có khu biệt, có góc độ có đặc thù nũng nịu rất riêng và rất khó chia sẻ. Thế giới hiển thị trong khu vườn thơ của chị có giọng nói âm âm, có tiếng gõ cửa, có tiếng cào xé, nghe xa xa có cả tiếng thút thít nho nhỏ lẫn trong những tiếng cành cây gẫy va đập lại.

Người dưng, thực ra có phải là người thực mà có hai lần chị đã gọi thành tên? Chị có hai bài viết riêng cho người dưng là:Người dưng” và “Thư cho vợ mới với người dưng”. Và cái danh từ người dưng chị đã gọi nó trong hai bài là: bài “T.S.T.P” (trang 74),  “Mưa thành giai nhân”.Người dưng rất có thể bằng xương, bằng thịt hiện hữu đủ các cung bậc cảm xúc dồn nén, đau thắt?

“Anh uống rượu từ thành cốc

Son uống rượu từ môi em

Anh uống mải mê từ trái nhà

Để bậc thềm mọc rêu ngày tết”

(Uống rượu)

T.S.T.P có thể là mã số, là kí hiệu, là địa chỉ hay là danh từ chỉ tên? T.S.T.P cũng được đặt riêng cho hai tiêu đề về thơ cùng tên (trang 74& 95)…Và một sự trùng hợp kì lạ nữa, chị cũng có hai bài Một mình ( trang 49 & 87).Gấp tập sách, tôi vẫn không hiểu ý đò của chị liệu có phải là ngẫu nhiêu hay cố tình? Người dưng đã làm chị thổn thức, có sức lay động, một sự trỗi dậy để Thy Nguyên say và yêu đến nỗi bây giờ chị lại ghét…Và những hành, tỏi ngày ấy giờ tung tóe ra, mùi vị cũng bị lẫn lộn làm người đọc nhiều lúc thấy cay cay, chua chua.Những tác động thuận nghịch của tình yêu, ở mọi thời đều giống nhau họ cũng đa tình, cũng galang, thậm chí cũng có khóc vì tình.

“Không khí này

Vỉa hè này

Bụi thổi vào đâu trên ve áo anh

Không cắt nhau bởi một đường thẳng

Ta cắt nhau bằng ý nghĩ

Hạt giống của ngôn từ

Anh gieo vào bài thơ một người phụ nữ khác”

( Một mình – Trang 49).

Thực trạng cho những người đàn bà tuổi bốn mươi ngày nay khác với ngày xưa rất nhiều, họ có tâm thế, vị thế và sự yêu đương cũng căng đầy các sắc tố của giới tính, họ không giống như các cụ ngày xưa “gái ba mươi đã toan về già”.Thy Nguyên tuổi 1981(Tân dậu), chị hiểu rõ vềthể trạng của mình cũng như các chỉ số mà ở lứa tuổi của chị đang sở hữu. Sự thách thức hay sự trỗi dậy của người đàn bà cũ khi họyêu, vẫn yêu say đắm, nếu không dám nói là cuồng nhiệt, những màu sắc, hình hài làm nên tình yêu họ thuộc, biết cách pha chế cho hương vị có mùi thơm, họ bạo dạn và bản lĩnh hơn, bởi họ là người bà cũ. Đàn bà cũ họ vẫn đẹp, họ có quyền tự hào những thứ tồn tại trong họ. Đây nhé, ta thử xem Thy Nguyên tả về nét đẹp của giới mình:

Mẹ choàng tỉnh sau một giấc ngủ dài

Chào ngày mới trong con bằng môi ngoan thánh thiện

Ngôi nhà của mình có thêm những bông hoa li ti trước ngực

Con và em xếp lại thành khuông

(Viết cho ngày con trở thành thiếu nữ)

Ngọn nguồn hành vi của con người là nét đẹp phổ quát có tính văn hóa mà thế giới  đã trao riêng cho các chị, nét đẹp thầm kín được dựng lên mà Thy Nguyên giật mình nhận ra sau một ngày, bởi bông hoa li ti bỏ quên sau chiếc áo ngực.

“Ai thả xuống dòng sông duyên

Cho mình một lần chồng vợ

Xum xuê tán lá

Lũ chim ríu rít bay về”

(Mưa thành giai nhân)

Sự đoàn tụ của vợ, chồng đó là khởi thủy của hạnh phúc, khởi thủy của hy vọng, khởi thủy của sự an lành, thế nhưng đọc câu thơ của Thy Nguyên, tôi nghe thấy phía sau câu thơ là lũ chim đang cãi nhau, đang vặt lá, bẻ cành. Ở phía sau câu thơ ấy là một sự không bình yên, bởi sự đong đếm hàng ngày mà chị gắt hái được là:“Em đuổi nắng tắm mải mê dâu bể/Lượm nhặt về toàn hao dại hoa mua”(Con hẻm&gói mùa đông bắc). Khi người đàn bà mơ mộng thì họ hát và hát rồi thì lại ru, tiếng hát của họ có thể hơi bị lõe ra do những đặc thù về cách lấy hơi chưa chuẩn, do âm lượng chưa đủ, vì không được học, hoặc những lời ru bập bênh nhiều khi còn sai cả âm tiết về ngữ nghĩa, hộ gửi vào đấy nỗi niềm của mình bằng cách nói ví von, ẩn dụ. Trong thơ Thy Nguyên, sự ẩn dụ mà chị tự nhận là ngoa dụ “Con se sẻ cũ ướt mèm/Lại lầm ngoa dụ lại len lén già”.  Do tính chất của ngoa dụ ( nói quá), nên nhiều khi các hình ảnh biểu đạt bị tác giả đẩy lên lệch sang một trạng thái khác, làm người đọc thơ chị bị ngỡ ngàng.

Khi nói về Anh ( người dưng), chị viết:

“Có nhiều người đến trong ngày anh chết

Rất nhiều người qua lại lúc anh đau

Chỉ có một con đường phía sau

Cạch cửa sổ ngày anh nằm đợi chết”

Vì chị rất yêu người dưng và đây là bằng chứng:

“Cúi xin lượng chút đau thay/Tiễn anh về với cỏ cây luân hối” (Nói với chị), để tái hợp.Nếu không yêu, chị mong anh luân hồi để làm gì? Chả lẽ những phúc phận mà con người khi cầu ở các đấng nguyền linh là những oan nghiệp, là những tái tê…? Chi viết cho chị, chị cũng cài vào đấy những hi vọng : “Cha sẽ đi qua ngã tư và những cột đèn/ Mang theo nụ cười con và dáng hình đất nước” (Nín đi con).

Trong 71 bài, có 22 bài chị viết cho anh, 2 bài cho con cũng thấp thoáng có anh ( bố đẻ của con ), 33 bài chi viết về cuộc đời chị ( thiếu anh ), còn 10 bài chị viết cho mẹ ( thương mẹ một mình),cũng giống như chị, ở vậy một mình. Trong số bài viết cho mẹ, tôi thấy cánh cò trắng vương giả vẫn bay, đang chấp chới trong ngậm ngùi của những giã rêu mọt, kiến.Đau khổ có phải là tội? Nghèo túng có phải là tội mà phận người cứ long đong trồi lên như nắng sớm “ thấy khuông cửa mọt mối rơi/gốc xoài lũ kiến ngỏ lời cưới nhau” ( Mẹ và khuông cửa). Mười bài viết cho mẹ, đủ để thấy tình mẫu tử tràn đầy. Khi những giọt nước mắt mà con biết muốn rơi xuống được, thì đó là những con người may mắn, còn có những con mắt mở trân trân, tấy đỏ, chỉ mong có một giọt nước thật nhỏ, để làm dịu đi cái khóe mắt đang căng phồng…Ở 10 bài viết cho mẹ, tôi thấy có gì đó gần giống ( cũng như chị) về một sự nhân bản đang hiện hữu.

Đọc đến đây ta càng hiểu thêm, chị yêu người dưng đến nhường nào, cả sau những lớp vỏ ngôn ngữ rối rắm mà chị ngoa dụ và cách nói “ngược” của người con gái “ghét” là… “yêu”, “không” là… “có”, và ở câu ca dao kia đối với Thy Nguyên chỉ dùng có một nửa…mà thôi.

Bắt đầu từ tập Sân người (2010), trong 9 năm, tính ra một năm rưỡi Thy Nguyên cho ra một tập thơ. Những câu thơ lần đầu còn chập chững , đến Cầm mưa (2013) thì réo rắt hơn, Phố đông người (2014), Ga nổi( 2015) thì lúc ấy chính chị đang ồn ào của tâm thế. Những câu thơ tùy hứng được buông ra như để giải tỏa những mạch nước đang ứ đọng trong con người chị. Đến Đời đá (2017), thì mọi ngọn nguồn của chị đã buông tỏa và tạo thành dòng theo mê cung của tâm thức. Tính miên khởi được bồi lắng lại để chị khẳng định vị giới của mình.

“Có khi bóng nắng làm mùa thu chậm đến

Mẹ đi qua những ngã rẽ trơn tay

Phố nhắn gì mẹ không nhớ nữa

Chỉ thấy con trong nghi lễ đời mình”

(Viết ngày con gái trở thành thiếu nữ)

Người dưng, tập thơ thứ sáu (nhà xuất bản Hội Nhà văn), chị lại đổi là tên Thy Nguyên (Phạm Thúy Nga), điều đó có thể chị còn mang thêm một ước mơ khác,  ngoài vấn đề về thi pháp cũng như sự tiếp nhận văn bản, tôi không dám đi sâu vào đời tư của chị, nhưng về mặt ước vọng, tôi đoán rằng, chị vẫn đang làm bằng mọi cách để cho kết quả sẽ khác. Cách gọi tên hoặc đặt tiêu đề cho tập thơ, chỉ là một phần của ý thức trong dòng chảy của tâm thức đang bộn bề mà hoài nghi, đang lắng đọng mà ồn ào, sự cắt nghĩa về mặt số học cũng không cho ta về sự phân định rạch ròi của cái phần nổi, khi cái tâm vẫn không ngừng trôi chảy ở những tầng chìm.

Hành trình thơ Thy Nguyên từ Sân người đến Người dưng vẫn dùng một bút pháp của sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như một thực trạng cho những giải pháp mà chị theo đuổi. Trong số hai mười hai (22) bài thơ lục bát trong  tập thơ 71 bài ( chiếm 1/3), điều đó chứng tỏ, những vần thơ truyền thống vẫn là ma lực truyền cảm và có một sức hút đều đặn chảy dài trong chị.

Thy Nguyên là con cả trong gia đình, là mẹ của hai đứa con gái, chị là mẹ và cũng là bố của hai đứa con của mình, đã có lần chị nói rõ trong bài thơ “ Bốn người đàn ông đi lạc “ trước đây. Nhìn lên trên, một mẹ già, nhìn xuống dưới hai đứa con thơ ngây( toàn đàn bà), nhiều lúc tự hỏi, sự gắng gượng, sự trì hoãn liệu có phải là những toa thuốc để lòng chị được an. Đọc thơ chị, tôi thấy chị đang cố níu kéo cho hạnh phúc được trở về cho sự đoàn tụ mẹ mẹ con con, bởi, chị sợ nó đổ và kéo đi theo nhiều thứ khác.

Hành trình ở người dưng là hành trình dài, không khái niệm, không điểm dừng, những tiếng kêu tưởng như vô vọng trong không trung, đi và đến, được và mất có lẽ chỉ còn lờ mờ ở đường biên của sự nhìn nhận còn đang khắc khoải.Cuộc cờ hay cuộc người có lẽ với Thy Nguyên vẫn là một câu hỏi.

TUẤN ANH

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder