Với một tập truyện và bốn tập thơ. Với sự khiêm nhường, những mong, coi thơ mình chỉ giống như chút sắc hương, góp vào cái đa diện, đa hương vị, sắc màu trong mảnh “vườn-lớn-thi-ca-đất-nước”, Hậu Cốc Ngang và “Góp xanh cho lá” thơ anh, khẳng định sự đặn đầy niềm quý yêu nơi góc lòng người đọc.
Với một tập truyện và bốn tập thơ. Với sự khiêm nhường, những mong, coi thơ mình chỉ giống như chút sắc hương, góp vào cái đa diện, đa hương vị, sắc màu trong mảnh “vườn-lớn-thi-ca-đất-nước”, Hậu Cốc Ngang và “Góp xanh cho lá” thơ anh, khẳng định sự đặn đầy niềm quý yêu nơi góc lòng người đọc.
Với Hậu Cốc Ngang, tôi ấn tượng và đem lòng yêu người thơ này từ buổi vừa đỗ giải đầu cuộc thi : “Thơ Lục bát” về Tổ quốc và Đạo Pháp, năm 2013.
Thật không thể nghi ngờ gì nữa. “Muốn biết ai đó có thực sự là thi sĩ hay không? Xin hãy đọc đôi ba câu lục bát của họ.” Bởi, lục bát là lửa thử vàng. Là “cửa ải” không dễ vượt qua cho ai đó, cầm bút non tay !
Có thể nói, Với lục bát. Với Hậu Cốc Ngang, nhà thơ này giống như cánh diều bay trong chiều lộng gió hay mảnh thuyền tình trôi êm xanh, trôi mải miết trên dòng chảy giữa đôi bờ mát tươi và vang động…
Ở ba phía : cõi Trời, cõi Đất và cõi Người. Ở mọi đối thoại, va đập, dễ thấy, dọc hành trình, Hậu Cốc Ngang đã thực sự đốt mình, để rồi, trong đốm cháy bập bùng than lửa, thơ anh là cảm xúc bùng nổ. Là ngôn ngữ lung linh. Là thi ảnh, thi liệu, đã biến cái là nó, đã khác nó, đã bay cao, bay xa hơn nó. Và, “Nó” đã vang lên trong vệt loang, trong cái lay động khác thường.
Với tâm thế luôn biết ơn và thương cảm, trong Mẹ tôi con gái đồng chiêm, (Bài thơ được giải) Hậu Cốc Ngang đã mở hết cánh cửa hồn mình mà xót thương dáng mẹ trên mảnh đất đồng chiêm đầy nhọc nhằn, lầm lụi từ những câu thơ như được đẻ ra từ nỗi thắt se, huyết mạch :
Lưng chưa ngả, đêm đã tàn
Vốc ngày lên, khó nhọc tràn kẽ tay
Hay :
Mùa đi theo nước vơi đầy
Vẹo lưng bạc ánh trăng gầy ngoài sân
Quả tình, hình ảnh người mẹ vẹo lưng bạc ánh trăng gầy ngoài sân kia ngỡ đâu chỉ còn là thơ nữa, mà đấy là cả nỗi niềm nặng sâu, không dễ có ở cái cảm, cái nhìn mà ai đó mang con tim hời hợt.
Với Mẹ là vậy. Với bạn lính thân yêu đã nằm lại nơi chiến trường cô lạnh, Hậu Cốc Ngang lại tìm ra lát cắt lấp lánh ở thơ, ở “Hai con cù,” để từ điểm sáng này, người viết bám theo nó mà gợi, mà liên tưởng, mà ngẫm… Về ký ức tươi xanh, về thân phận, về thế thái, nhân tình…
Và, đây là cảnh huống của một đôi bạn lính : “Chúng mình níu cỏ mà xanh/ Lớn cùng cây lúa, vại sành, rạ rơm … Bây giờ bạn hy sinh, bỏ lại khoảng trời xa trống vắng. “Bỏ khăng lăn lóc mặt đê/ Bỏ con cù ném tái tê vào chiều …” Để, rốt cuộc, “Bạn ơi, đồng đội ta ơi…” tháng ngày dài chỉ còn là kỷ niệm trong tiếng than, tiếng nấc, trong cõi lòng thi sĩ trước cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm, biến cải : “Mày nằm giữ tuổi trẻ trai/ Tao đầu bạc trắng giữ hai con cù …!…”
Là người lính khoác lên mình “áo trận” từ những năm kháng chiến chống Mỹ, Hậu Cốc Ngang quê “Kinh kỳ Phố Hiến.” Anh sinh ra trên đất Thăng Long, Hà Nội. Đi qua tuổi thơ, đi qua trận mạc, rồi bươn trải với thời gian khá dài trên quê hương Bình Thuận. Vào nửa chiều, nắng xế, Hậu Cốc Ngang lại buộc mình cùng gia đình, sống, gắn bó với đất nắng Sài Gòn.
Đầu xuân 1999, cách đây 16 năm, Hậu Cốc Ngang đã cho ra mắt tập thơ đầu tay “Sau dấu chân mình.” Rồi nối tiếp, từ 2004 đến 2006, hai tập thơ “Lục bát hai mùa,” và “Đồng dao vỗ cánh” (thơ viết cho thiếu nhi) cùng tập truyện ngắn “Nắng mùa thu” đã được xuất bản. Tập thơ “Góp xanh cho lá,” tập sách thứ năm này, là sự nối dài của cuộc tìm mình, của bước phát triển, bước đắp dầy niềm tin yêu của một cây bút trước đông đảo công chúng, bạn viết.
Trên ba mươi năm cầm bút, với biên độ mở của thời gian, biên độ mở của những trang văn đã đủ độ để chính người viết mở mắt mà nhìn thấy những gì là thế nào? Của gian lao, của buồn vui? Của cái Hay, cái Đẹp? Cái sở trường, sở đoản? Của tấm gương soi mình, nhận diện chân dung chính mình, trong cái nghiệt ngã của công cuộc đãi cát tìm vàng, công cuộc lao động, sáng tạo nghệ thuật.
Một cảm nhận, trước thế giới bộn bề hiện thực, trên mỗi trang viết, Hậu Cốc Ngang luôn ý thức tìm lấy ở tảng đá cuộc đời, tảng đá lòng anh cái chớp sáng, cái cảm rung, cái chất say, cái da diết, đượm nồng qua vía hồn thi sĩ. Một “cái Có” của người thơ này là khả năng nhập hòa, làm mờ đi ranh giới giữa cái cụ thể, cái nhất niệm, để phía thiên thu ngân lên trong nét chảy rộng dài. Hồn thơ này. Lục bát kia, cơ sở ấy, sẽ dẫn Hậu Cốc Ngang, dẫn người thơ ấy càng đi, càng dồi dào sinh lực.
Bởi vậy, dù viết về Mẹ. Về bạn. Về Em. Về nỗi “Nhớ Hà Nội, Nhớ quê.” Hay viết về em bé đánh giầy. Về những đứa trẻ bới rác … Ở phía nhìn nào, thơ Hậu cũng dội lên nỗi trở trăn, se thắt. Trái tim anh dễ mong manh, vang chấn. Bởi, cái hồn nhiên, ngơ ngác, cái tinh tế trong mỗi câu thơ khi gặp thoáng thiên nhiên, với cái linh, cái cảm thế này : “Rát đồng trời nổi gió hanh/ Run tay nhận cái mong manh cầm hờ…” Đấy là, khi nghe trong “Chiều quê” : “Chuông chùa chợt diết da ngân/ Vài vuông nắng nhỏ níu chân gọi chiều…” Đấy là, khi gặp cảnh huống : “ Đất gồng lưng, buổi nổi nênh/ Lại thương cây cũng bấp bênh phận mình…” Đấy là, khi gặp người gội nắng dầm mưa trên cánh đồng muối trắng : “Bợt tay cào muối giữa trời/ Chắt chiu lắm, chỉ vừa nồi cơm con …” Đấy là, khi gặp người nông dân trong hai sương, một nắng : “Oằn lưng dưới vực trên đèo/ Anh không rũ nổi cái nghèo khỏi vai…” Đấy là, khi đứng nhìn dáng mẹ trong chiều quê mịt mùng, xa lắc : “Có khi mẹ gánh cơn giông/ Chạy ngang về phía chẳng mong có người…” v.v…
Phải nói, ở nhiều bài lục bát, thơ Hậu Cốc Ngang khá ấn tượng ở những câu thơ cô đặc. Thơ giàu thi liệu. Thơ với hình ảnh lung linh ở khả năng khái quát hóa, “cá thể hóa.” Thơ ấn tượng. Thơ dễ ghim sâu nơi cõi lòng ta nhớ. Ví như, khi mô tả cái trực giác, cái ngắm nhìn, anh viết : “Nắng chênh chao tiếng chim gù / Cúc quỳ làm mắt em như nhuốm vàng…” Hoặc, khi viết về “Người đàn bà gánh biển”: “Một vai bầm gánh nỗi mình/ Còn vai kia gánh bình minh vào bờ…” Hoặc tự cảm về chính mình trong nhận thức, tự thức : “ Tôi đi tìm tuổi dại khờ/ Biết đau vẫn cứ làm ngơ mà cười…”
Trong bước chuyển tiếp của thơ, của cuộc đời, tuổi tác, sau 4 tập thơ lần lượt trình làng, có thể thấy, thơ “Góp xanh cho lá,” thơ Hậu Cốc Ngang đã né đi cái hồn nhiên, chầm vập. Cái ôm đồm, tạo dựng những bức tranh thuộc về ngoại giới. Thơ đi vào mạch ngầm, thơ của chiều sâu ngẫm ngợi. Ở vệt chìm và lắng sâu này, Hậu Cốc Ngang cũng có những câu thơ đáng nhớ, khi anh gặp một “Em bé đánh giầy” : “ Đường trần nắng rát mưa trơn/ Oằn lưng tráp gỗ dày hơn phận mình…” Hoặc những đêm không ngủ, ngồi độc thoại cùng cảnh vật quanh mình : “ Có khi ngoài rặng tre ngà/ Nghe thấp thỏm, tiếng vạc già nấc đêm…” Hoặc : “Sao đành lấy héo, bỏ tươi/ Để cho môi nở nụ cười đớn đau…” Và, : “Nhúm vài nhúm, hạt buồn rơi/ Mang gieo xanh những ngọn đồi tương tư …”
Ở một mảng khác, viết cho thiếu nhi, thơ Hậu Cốc Ngang cũng có riêng một tập. Thơ đem đến cho các em một trực giác giàu có, sinh động. Thơ tươi non, ngộ nghĩnh, thơ có từ cái gốc, cái cốt lõi nhất của hồn thơ.
Với văn xuôi, truyện ngắn của Hậu Cốc Ngang thường bám chặt những truyện có chuyện. Truyện giàu tình tiết. Truyện hấp dẫn ở sự kiện, ở kết cấu và vấn đề đặt ra, gợi nhiều suy ngẫm.
Ở “Góp xanh cho lá,” ở Hậu Cốc Ngang, khi nhà thơ muốn đổi khác mình, đổi khác hình thức, thể loại, những mong, tạo nên cái đa dạng, đa chiều. Song, có điều, ở không ít bài thơ tự do, lấy ý, lấy hình, lấy cái nghĩ là cái gốc coi trọng, người đọc ngỡ như đang gặp một Hậu Cốc Ngang nào khác. Nó bặt dấu một miền trời vời vợi ánh trăng sao. Thơ Hậu bỗng cứng. Rời. Và, Tĩnh. Nó giống như bước đi gập ghềnh, buổi cái duyên coi chừng, phút nhạt phai nhan sắc.
Với một tập truyện và bốn tập thơ. Với sự khiêm nhường, những mong, coi thơ mình chỉ giống như chút sắc hương, góp vào cái đa diện, đa hương vị, sắc màu trong mảnh “vườn-lớn-thi-ca-đất-nước,” Hậu Cốc Ngang và “Góp xanh cho lá,” thơ anh, khẳng định sự đặn đầy niềm quý yêu nơi góc lòng người đọc.
Hải Phòng, ngày Lập thu – 2015
K.C