Sinh thời Nhà văn Tào Mạt vẫn vọng cái nhìn kính ngưỡng nghiêm cẩn vào Hội Nhà văn. Ông coi đấy là nơi sang trọng nhất. Mãi tới thập kỷ 90, khi đã thành tác gia, nhà viết kịch – Nghệ sĩ Nhân dân nổi tiếng, ông mới rón rén đến hỏi thầy Đặng Thai Mai:
– Con viết đơn xin vào Hội được chưa?
– Anh vào được rồi đấy!
Nói thế mới hiểu Hội Nhà văn sang trọng như thế nào!..Sinh thời Nhà văn Tào Mạt vẫn vọng cái nhìn kính ngưỡng nghiêm cẩn vào Hội Nhà văn. Ông coi đấy là nơi sang trọng nhất. Mãi tới thập kỷ 90, khi đã thành tác gia, nhà viết kịch – Nghệ sĩ Nhân dân nổi tiếng, ông mới rón rén đến hỏi thầy Đặng Thai Mai:
– Con viết đơn xin vào Hội được chưa?
– Anh vào được rồi đấy!
Nói thế mới hiểu Hội Nhà văn sang trọng như thế nào!
Đã là nhà văn, thì phải hết sức giữ mình trên mọi phương diện, kẻo để mang tiếng đến Hội. Điều duy nhất nhà văn có được là câu chữ. Bởi vậy tiếng nói của mình trước công chúng và bạn đọc là tiếng nói trong sáng của lương tâm trong sạch. Sự trong sáng, tiếng nói của lương tâm trong sạch không có cái mới cái cũ. “Đổi mới” là yêu cầu tự thân của lao động sáng tạo, mục đích của nó là để “Giải phóng tiềm năng sáng tạo”. Văn chương dù “tô hồng” hay “bôi đen” đều là xuyên tạc sự thật. Nhân vật xuất hiện trong tác phẩm dù là “Ai” chăng nữa cũng chỉ là nhân vật. Cái chính là người viết phải để cho nhân vật của mình mang một khuôn mặt chân thực, sâu sắc, hướng thiện, làm cho người đọc xúc động hướng về chính nghĩa.
Không phải bây giờ mới đến lúc chúng ta cần đến những gương mặt trẻ. Thế hệ đi trước chúng ta đã từng lập danh, lập nghiệp từ khi còn rất trẻ. Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, thậm chí Trần Đăng Khoa cũng chẳng đã thành danh từ khi còn rất trẻ đó sao. Nhưng Hội ta là một Hội sáng tạo, nên sẽ luôn phải đi tiên phong trong việc không để lãng phí tài năng trí tuệ tuổi trẻ. Đây cũng là yêu cầu của Đảng. Tại Hội nghị TW 9, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh phải: “lấy con người làm trung tâm”. Đấy là câu nói không mới, nhưng nó lại rất phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn Cách mạng hiện nay. Con người là “tinh hoa”, lớp người trước đã “tinh hoa”, lớp người sau lại càng “tinh hoa” hơn, nhưng cần phải đan bện lấy nhau. Phải đón nhận sự “tinh hoa” của lớp trẻ bằng tình cảm chân tình và cởi mở. Nhưng ngược lại, lớp trẻ cũng cần có sự tôn trọng trí tuệ và kinh nghiệm của lớp người đi trước. Lớp trẻ có bản lĩnh của mình. Bởi họ có bản lĩnh nên họ muốn được sinh hoạt trong một tổ chức thực sự dân chủ. Bởi dân chủ là phẩm chất của thể chế chính trị của chúng ta, không gì có thể thay thế được. Dân chủ, trước hết là sự tôn trọng tiếng nói của mọi lớp người trong một cộng đồng .
Vòng tay lớn của giới nhà văn hãy nắm chặt lấy nhau tìm lấy sự công bằng, lương thiện của giới mình, minh bạch trong đúng sai, có chính kiến trước tác phẩm của bạn bè và biết lắng nghe nhau. Hơn thế nữa, biết yêu thương và đồng cảm sẽ tạo nên sức mạnh của Hội. Muốn vậy, chúng ta cần bầu ra Ban Chấp hành mới, có đủ năng lực thực hiện “chiến lược con người”. Đó phải là “một thủ lĩnh tập thể” vững mạnh và đoàn kết và có phẩm chất đa dạng. Dù các anh chị đứng cùng hàng, nhưng không thể có những khuôn mặt hao hao giống nhau, mỗi cá nhân phải có diện mạo và cái tôi riêng, song vẫn thống nhất trong nhiệm vụ bảo vệ tôn chỉ mục đích của tổ chức Hội. Hội viên ý thức được quyền hạn và trách nhiệm của mình thì nhất định sẽ tìm được sự chính xác về nhân sự. Khi sử dụng lá phiếu, chúng ta phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và phải coi đó là sự mặc cả với lương tâm của người cầm bút.
Nhà văn chúng ta quá nghèo về vật chất, nhưng giàu về tinh thần và đạo lý.
Chi hội Nhà văn các địa phương vẫn vịn vai nhau đi và viết, giữ vững ngòi bút của mình trước cuộc đời giông gió. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có viết vào sổ tay của tôi: “Chúng ta là nhà văn, không có gì ngoài trái tim và cây bút cùng vợ con. Chúng ta có chúng ta, sống trong nhau và sống trong dân tộc”. Ngày 9 tháng 6 năm 2010, nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết: “Lại thêm một dịp gặp anh, những cuộc gặp của chúng mình thưa vắng dần theo các kỳ Đại hội Nhà văn. Nhưng chúng ta luôn gặp nhau trong ý nghĩ chung, và trách nhiệm nhà văn là lòng mong muốn có một xã hội, một đất nước tốt đẹp”.
Đại hội lần này tôi cảm thấy đã thưa vắng đi nhiều, người vì bệnh tật, ốm đau, phần thì già yếu, phần vì lý do khác không đi được, nhưng ai cũng muốn đến Đại hội để gặp bạn bè, gặp hơi thở cuộc sống văn học, gặp các anh chị trong Ban Chấp hành Hội khóa trước, suốt một nhiệm kỳ đem tình thương và trách nhiệm cao cả của mình đến với các nhà văn cả nước. Đấy là đòi hỏi chính đáng.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn là thủ lĩnh tập thể về tinh thần và vật chất của Hội viên, chúng tôi đâu chỉ cần miếng bánh ngọt chia đều hàng năm. Những vị đầu lĩnh phải biết bảo vệ phẩm chất chính trị và lẽ phải cho Hội viên mình. Hội viên sống ở những địa phương xa xôi, thiếu thông tin lại càng cần tới sự bảo trợ, hỗ trợ kịp thời của Hội Nhà văn Việt Nam, của số 9 Nguyễn Đình Chiểu.
Thường từ xưa đến nay, chúng tôi phải dựa vào Hội Văn nghệ tỉnh. Giờ đâu còn như trước, không tìm thấy gương mặt sáng giá để nương tựa cho đứa con tinh thần. Chúng tôi trông chờ ở sự lãnh đạo của địa phương, nhưng mấy khi được “vời”, thường thì các anh bận và ít ai biết đến sự lặng lẽ khổ cực, sáng tạo của nhà văn cho nền văn hóa cao cả của dân tộc, nhiều vị vẫn nghĩ rằng sáng tác là việc riêng của mỗi nhà văn… Trở thành nhà văn đã khó, giữ được nhân cách của nhà văn còn khó hơn nhiều, đôi khi phải nhường chỗ cho sự tầm thường, phải chấp nhận sự thua thiệt.
Tôi mong sao Đại hội lần thứ IX của chúng ta thật ấm áp. Chúng ta hãy giữ bằng được sự sang trọng trong giới nhà văn. Hãy giữ bằng được sự tôn nghiêm của tổ chức Hội. Sự sang trọng và nghiêm cẩn của Hội Nhà văn phải được thể hiện trong việc xét tặng các giải thưởng, sang trọng trong việc kết nạp Hội viên, sang trọng trong đối thoại và tranh luận. Đó là điều tôi hy vọng.
V.B.C