Hẹn với lòng ta – Nhiều tác giả

BTC cuộc thi sáng tác thơ, ký và ca khúc với chủ đề “Công đoàn Hải Phòng – Một chặng đường lịch sử” vừa tổ chức tổng kết và trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải. Riêng về thơ, BTC đã chọn trao 01 giải nhất, 03 giải nhỉ, 02 giải ba và 05 giải khuyến khích.

VHP trân trọng giới thiệu chùm thơ đoạt giải nhì của tác giả Thi Hoàng, Hồ Anh Tuấn và Đào Nguyên Hiếu..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Tác giả Thi Hoàng

NGƯỜI LÀM SẠCH CON ĐƯỜNG

 

Chị làm sạch con đường thân thương

Sớm tinh sương hay chiều tà xuống

Con đường ai đi về mơ tưởng

Đến công xưởng, cơ quan, về nhà…

 

Địa chỉ nào hẹn với lòng ta

Người dọn sạch quang đường ta đến

Ấm áp nụ cười người thương mến

Môi trường sạch xanh chẳng hững hờ

 

Chợt nghĩ về rác rưởi trong ta

Trong ứng xử hay trong ý nghĩ

Chị quét đường như người gợi ý

Trong sáng lòng người sống với nhau

 

Chị quét đường nhát chổi thưa mau

Ăn kẹo, giấy tôi không nỡ vứt

Những rác rưởi làm đời tối, chật

Chị dọn đi, cho thấy một con đường.

 

 

 

NGƯỜI THỢ CẦU

 

Tân Vũ – Lạch Huyện cây cầu vượt biển

Từ ngực người mở chân trời vươn khơi

Người thợ cầu đầu thế kỷ đây thôi

Hải Phòng tựa vào lưng người thợ đấy

 

Người thợ cầu vừng trán hoà sóng dậy

Chân trụ cầu, gió xiết bên thái dương

Xưa xuyên rừng nay hướng biển mở đường

Thành phố đứng một bên trời vọng sóng

 

Cây cầu vươn xa hoá thành vệt sáng

Thời sự thành thời đại không chừng

Giọt mồ hôi người thợ cầu nồng mặn

Mặn tình người mặn vào lòng đại dương

 

Mắt cá mở to gặp nỗi bàng hoàng

Hiển hiện một cây cầu choáng ngợp

Mơ ước sâu xa mà thành hiện thực

Bàn chân người bước được đến khơi xa

 

Xin chào những người thợ cầu của ta

Tân Vũ – Lạch Huyện ư? Là trán biển

Vầng trán thời mở mang đang tiệm tiến

Chợt tăng tốc vươn xa hoà nhập đây mà.

 

 

 

2.Tác giả Hồ Anh Tuấn

NHỚ CẶP ĐÔI CÔNG NHÂN TRÊN ĐẢO

 

Khi đường xuyên đảo chỉ là con đường cấp phối

Ngày ngày anh lái “Zin ba cầu”( 1) ì ạch vượt đường leo núi

Chị là công nhân giao thông duy tu, bảo dưỡng cung đường

Chặt cành gai, dọn đá, chống sạt lở, mưa tuôn.

 

Yêu nhau ở cung đường này

Đám cưới ở cung đường này

Về hưu ở cung đường này.

 

Anh như chiếc Zin ba cầu lụ khụ

Ì ạch kéo cuộc sống lên cao

Chị như nghệ sĩ múa giữa thương trường đen đỏ

Về hưu vẫn nhớ cái thời:

“Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi

Phu đường vất vả lắm ai ơi”(2).

 

Về hưu chị trao lại một cung đường

Anh trả lại một “khúc cua” xuyên đảo

Cả hai nhận về một “khúc cua mới”

Trông trẻ, trồng rau sạch

Nuôi dưỡng những mầm non tương lai.

 

Trao lại chiếc Zin ba cầu lụ khụ

Con xe vào… bảo tàng, nghỉ ngơi

Trao lại cung đường gập ghềnh hiểm trở

Con đường đã nâng “cấp quốc gia”.

 

Nhiều người biết:

“Cát Bà, vùng bảo tồn sinh quyển thế giới

Tôi biết:

“Cát Bà, vùng bảo tồn nhân phẩm con người”.

 

Hải Phòng, tháng 7/2017

_________
1. Zin ba cầu là loại xe xấu mã nhưng chở hàng rất khoẻ do nước bạn viện trợ, cả đảo chỉ có 3 chiếc.

2. Câu thơ trong “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

 

NGÀY XƯA ƠI, NGƯỜI XƯA ƠI…

 

Ai ngày xưa thương ai, nhớ ai bắc cầu dải yếm(1)

Qua con sông tình yêu khao khát cháy lòng

Qua giấc mơ nay thành huyền thoại

Đôi bờ sông xa đã xích lại gần.

 

Ai ngày xưa thương ai, nhớ ai bắc một cánh hồng(2)

Nâng bàn chân ai nhẹ bước sang sông

Con sông xanh, cánh hồng đỏ thắm

Để câu ca dao rơi trên sóng bềnh bồng.

 

Ngày xưa ơi, người xưa ơi…

Hôm nay anh có cây cầu vắt qua sóng nước mênh mông

Cây cầu anh chở hoa ngát hương thơm

Cây cầu dân sinh bắc vào lòng người bền vững

Cây cầu tình yêu, cây cầu hò hẹn

Em có nao lòng một thuở hoa niên?

 

Ngày xưa ơi, người xưa ơi…

Hôm nay anh có cây cầu tên gọi Tam Giang

Bắc qua dòng sông Tam Bạc Hồng Bàng

Ai lên xe hoa, ai chờ ai, ai tìm bạn

Nhớ chăng câu ca dao chở giấc mơ sang ngang

Nhớ chăng mảnh trăng non và đám mây phượng vĩ

Tà áo sinh viên, bàn tay nghệ sĩ

Bắc cầu vào ngân hà tuổi thơ.

 

Ngày xưa ơi, người xưa ơi…

Cây cầu anh bền vững tấm lòng vàng

Em ở bán cầu Tây ngỡ ngàng về thành phố Cảng

Vớt lên một câu ca dao.

 

Hải Phòng, ngày 7-8/2018.

_________

1. Cao dao: Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm mời chàng sang chơi.

2. Cô kia cắt cỏ bên sông/ Có sang anh ngả cành hồng cho sang.

 

 

 

3. Tác giả Đào Nguyên Hiếu

ANH TÌM VỀ CỘI NGUỒN XƯA

Kính tặng hương hồn Liệt sĩ – Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

 

Một thế kỷ đi qua – Anh còn rất trẻ

Khi giặc Pháp hành hình

Anh hai mươi bốn tuổi xuân.

Bẩy mươi lăm năm đất Mẹ – Hải Phòng ấp ủ Anh

Dù hài cốt anh không còn nguyên vẹn.

Chín mươi năm Cách mạng tháng Mười, như ngày hẹn

Anh lại tìm về nơi cội nguồn xưa.

Anh nhớ Diêm Điền – bến cá hoang sơ

Cùng mái nhà tranh, giếng khơi trong, thuở ấy.

Nhớ quê Mẹ – Cổ Am – Làng dệt vải

Sợi nối đôi bờ sông Hóa chung quê

Tuổi hai mươi, giã từ Mẹ, Anh đi

Theo ánh sao cờ búa liềm chói lọi

“Đường Cách mệnh” – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vẫy gọi.

 

Anh nhập đội hình những người Cộng sản đầu tiên

Nhen nhóm phong trào “Vô sản hóa” bùng lên

Biệt hiệu “Bé Con” làm quân thù khiếp sợ.

“Vạn động công nhân” đi vào từng xóm thợ

Đỉnh núi Bài thơ – tung cờ đỏ búa liềm.

Biệt hiệu “Bé Con” làm Lãnh tụ đầu tiên

Tổ chức Công đoàn, thuở bình minh của Đảng.

Quê Mẹ Hải Phòng – cái nôi phong trào vô sản

Trong những người gieo mầm cách mạng ban đầu đã có tên Anh.

 

Hai mươi bốn tuổi đời mái tóc còn xanh

Chèo lái phong trào “Vô sản hóa” do Anh làm Thuyền trưởng.

Khi ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh dâng trào lên đỉnh điểm

Anh được Đảng giao tiếp lửa, phất cờ.

Giữa đội ngũ Cách mạng điệp trùng rực cháy ước mơ

Người Cộng sản kiên trung đã sa vào tay giặc.

Chúng đưa Anh trở lại Hải Phòng với xiềng, gông, xích sắt

Xử chém Anh hòng lung lạc những mầm xanh vô sản đất này đã hóa rừng thông…

 

Anh Cảnh ơi! Những năm tháng nằm trong lòng đất Mẹ

Anh thấy không

Chỉ hai mươi ba năm sau lời Anh hô trước máy chém bên sông Tam Bạc đã thành hiện thực:

Cả bộ máy xâm lăng khổng lồ và “Học thuyết thực dân” phải nhục!

Tên lính Pháp cuối cùng, cuốn cờ trắng, rời Hải Phòng cút khỏi Việt Nam…

Rồi hôm nay Hai quê(*) lại đón Anh

Ngào ngạt hương trầm, biển người rạo rực.

Dòng Tam Bạc như chung niềm thổn thức

Đưa tiễn Anh về với cội nguồn xưa.
_________
* Liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh là người làng Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Thân mẫu ông là người làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder