Hội thảo khoa học “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”

Ngày 15- 5- 2014, tại Hội trường 3D, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ( Hà Nội)  Hội thảo khoa học  “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế” đã chính thức diễn ra…

Ngày 15- 5- 2014, tại Hội trường 3D, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ( Hà Nội)  Hội thảo khoa học  “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế” đã chính thức diễn ra. Hội thảo có sự tham của nhiều chuyên gia văn học hàng đầu của Việt Nam.

Chủ trì phiên khai mạc buổi sáng có GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên  Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều , Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học. 

Tại phiên khai mạc, hội thảo đã nghe các tham luận của PGS . TS Nguyễn Đăng Điệp, GS Trần Đình Sử (Lí luận văn học Việt Nam hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa – triển vọng và thách thức); GS. TS Nguyễn Văn Hạnh (Nhớ lại buổi đầu đổi mới văn hóa văn nghệ); GS Phong Lê (Văn học đổi mới và hội nhập – nhìn từ lực lượng viết).

Sau phiên khai mạc, hội thảo chia thành 2 tiểu ban để làm việc: 

Tiểu ban 1: Đổi mới lý luận và nghiên cứu văn học; với các tham luận đáng chú ý: Phải vận dụng lý luận văn học nước ngoài để nghiên cứu và phát triển lý luận văn học Việt Nam đi từ di sản đến hiện trạng (GS Phương Lựu); Nhìn lại thực trạng nghiên cứu văn học của Việt Nam giai đoạn đương đại ( PGS TS Nguyễn Văn Dân);  Tác động của văn học đến văn hóa đọc của công chúng thời kỳ đổi mới và hội nhập ( PGS. TS Tôn Thảo Miên); Văn học đồng tính ở Việt Nam – từ những hình thức ngụy trang đến các tự thuật tự thú (Trần Ngọc Hiếu)…

Tiểu ban 2: Thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học; với các tham luận đáng chú ý:  Trở lại vấn đề đổi mới văn học hôm nay (GS Nguyễn Đình Chú); Đổi mới và truyền thống trong văn học Việt Nam hiện nay (PGS. TS Đặng Anh Đào);  Dân chủ hóa – xu hướng vận động và thành tựu của văn học Việt Nam thời kì đổi mới (PGS. TS Nguyễn Văn Long); Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn học Việt Nam sau 1975 (PGS. TS La Khắc Hòa);  Hiện tượng “đi” và “về” của các nhà văn đương đại Việt Nam (TS Trần Lê Hoa Tranh); Nhận diện cái khác để hướng đến sự đa dạng của tiểu thuyết (Nhà phê bình Lê Thành Nghị); Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa: Nhiệm vụ  giữ gìn và kiến tạo bản sắc dân tộc (ThS Trần Thiện Khanh)…

Hội thảo làm việc cả ngày. 
(PV)

Chúng  tôi xin đăng tải Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học

của  PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học.

“TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM  HIỆN ĐẠI, NHÂN VĂN, GIÀU BẢN SẮC DÂN TỘC”

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học.

Sau gần ba mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, văn học Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên con đường hiện đại hóa và hội nhập với văn học thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, văn học thời kỳ đổi mới còn nhiều hạn chế, bất cập. Tại sao đã ba mươi năm trôi qua kể từ khi công cuộc đổi mới được chính thức phát động, chúng ta vẫn chưa có những kết tinh nghệ thuật tầm cỡ và những công trình khoa học xã hội và nhân văn bề thế, sâu sắc? Đến nay, câu hỏi bao giờ chúng ta sẽ có những đỉnh cao nghệ thuật không chỉ là trăn trở đối với giới cầm bút mà còn là một mong mỏi chính đáng của người đọc. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiến hành tổng kết thực tiễn văn học đổi mới, phân tích, đánh giá những thành công, hạn chế của văn học ba mươi năm qua, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp phát triển văn học Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Chỉ một khi nhìn lại thấu đáo, chúng ta mới có thể nghĩ tiếp một cách chính xác. Đó cũng là minh triết và logic biện chứng của phát triển. Chúng tôi coi đây chính là chủ đề trung tâm của cuộc hội thảo khoa học này. Quán triệt tinh thần tổng kết thực tiễn văn học đổi mới và tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tôi xin gợi dẫn một số vấn đề để Hội thảo chúng ta cùng quan tâm thảo luận. 

1. Không gian sinh tồn và phát triển của văn học thời kỳ đổi mới

Mặc dù ngay từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, văn học Việt Nam đã có những tín hiệu đổi mới nhưng về cơ bản, khái niệm văn học đổi mới hay văn học thời kỳ đổi mới gắn liền với thời điểm 1986, khi Đảng cộng sản Việt Nam chính thức phát động cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đây là thời điểm có nhiều biến động sâu sắc trong đời sống chính trị và kinh tế thế giới dẫn tới sự tan rã của phe xã hội chủ nghĩa và tiếp đó là sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Trong nước, do bị bao vây cấm vận và sự cản níu của cơ chế quan liêu bao cấp, tư duy duy ý chí và cách thức quản lý lạc hậu, tình hình kinh tế xã hội nước ta có lúc rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, với đường lối đổi mới đúng đắn, Việt Nam đã từng bước vượt qua khủng hoảng, khẳng định được vị thế của một quốc gia phát triển năng động. Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, chính thức bước vào quá trình hội nhập thế giới một cách sâu sắc và toàn diện.

Những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội trên đây cho thấy văn học dân tộc trong ba mươi năm qua tồn tại và phát triển trong một bối cảnh hoàn toàn khác biệt so với văn học trước 1975. Xuất phát từ quan điểm đổi mới và phát triển bền vững, chúng ta cần phải cắt nghĩa, đánh giá văn học thời kỳ đổi mới một cách khách quan, lấy đổi mới làm tư tưởng chủ đạo, lấy hiện đại hóa làm tinh thần cốt lõi của phát triển và hội nhập quốc tế. Để đánh giá văn học thời kỳ đổi mới một cách chính xác, trước hết cần phải phân tích, luận giải một cách sâu sắc tác động của hàng loạt nhân tố: ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến văn học, sự lấn át của văn hóa nghe nhìn và các phương tiện truyền thông hiện đại; sự xâm thực của những tư tưởng văn hóa mới từ bên ngoài trong bối cảnh nhân loại đang sống trong một “thế giới phẳng”; sự thay đổi trong tâm lý, thị hiếu của người tiếp nhận, tình hình xuất bản và phương thức sinh tồn của văn học trong điều kiện internet đã dần thế chỗ các phương thức truyền tải văn hóa truyền thống..

Mặt thuận lợi của văn học thời kỳ đổi mới là tinh thần dân chủ được đề cao, giao lưu văn hóa rộng mở, các thử nghiệm, sáng tạo được khuyến khích, chính sách quản lý văn hóa, văn học đã có nhiều đổi mới đáng chú ý. Quan điểm phát triển chung của Đảng là chú trọng sự phát triển hài hòa, đồng bộ về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa – xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”. Về văn học nghệ thuật, Đảng ta chủ trương tôn trọng tự do sáng tạo, chấp nhận mọi tìm tòi đổi mới. Nghị quyết 05 của Đảng ngày 28 tháng 11 năm 2008 khẳng định: “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính”. Đây chính là hành lang tư tưởng thông thoáng, cởi mở cho hoạt động sáng tạo văn học thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, văn học thời kỳ đổi mới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đáng chú ý là tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và tình trạng thương mại hóa trong văn học; thị phần văn học bị thu hẹp trước sự lên ngôi của văn hóa nghe nhìn; ảnh hưởng của những tư tưởng ngoại lai xa lạ với mỹ cảm truyền thống của dân tộc dẫn đến nguy vong bản văn hóa và sự biến mất bản sắc văn hóa… Mặt khác, thái độ duy kinh tế và xem nhẹ phát triển văn hóa, lối sống thực dụng cũng góp phần gia tăng hội chứng vô cảm của các cá thể hiện đại, dẫn đến chủ nghĩa hư vô trong lối sống cũng như trong thực tiễn sáng tạo văn học. Trong suốt ba mươi năm qua, các yếu tố thuận lợi và khó khăn luôn đan xen tồn tại, đòi hỏi đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật phải nắm bắt được xu thế của thời đại, khơi thức được tinh thần dân tộc và khát vọng đổi mới, kết hợp và phát huy hợp lý sức mạnh nội sinh và ngoại sinh nhằm sáng tạo nên những kết tinh nghệ thuật xuất sắc, tương xứng với vị thế và tầm vóc của dân tộc trong thời đại mới.   

2. Thực trạng văn học thời kỳ đổi mới

2.1 Thành tựu cơ bản

Trong ba mươi năm qua, sáng tác văn học đã thu được nhiều thành tựu đáng chú ý. Thực tiễn văn học thời kỳ đổi mới diễn ra sôi động với nhiều tác phẩm phong phú, hấp dẫn, nhiều khuynh hướng, nhiều cách tân nghệ thuật mới mẻ. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, tôn trọng cá tính sáng tạo và đề cao ý thức cá nhân, giờ đây, nhà văn không còn phải e ngại trước các đề tài nhạy cảm, được tự do lựa chọn phương thức thể hiện, lựa chọn bút pháp, ngôn ngữ biểu đạt… Nhìn một cách tổng thể, có hai hướng đổi mới cơ bản trong văn học Việt Nam ba thập kỷ qua: một là, đổi mới trên nền truyền thống; hai là, đổi mới theo hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây. Tùy vào thể tạng, sở trường cá nhân, mỗi nhà văn có quyền lựa chọn cho mình con đường đổi mới phù hợp nhất.

Nét nổi bật của văn học thời kỳ đổi mới là các nhà văn đã cố gắng biểu đạt tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng trong đời sống và tâm lý con người hiện đại. Phần lớn các cây bút đều có ý thức gắn bó sâu sắc với số phận dân tộc và thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước, vừa chú ý những đề tài có tính thời sự, vừa tiếp tục khai thác các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc từ nhãn quan nghệ thuật hiện đại.

Lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học cũng thu được nhiều thành tựu quan trọng. Một mặt, các nhà nghiên cứu và phê bình văn học đều có ý thức lấy tư tưởng macxit làm tư tưởng chủ đạo, mặt khác, tích cực giới thiệu và vận dụng nhiều lý thuyết hiện đại của thế giới để hiện đại hóa nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Nhiều hướng nghiên cứu mới đã được vận dụng và thu được kết quả tích cực như thi pháp học, phân tâm học, cấu trúc luận, ký hiệu học, lý thuyết diễn ngôn…Việc đánh giá lại những thành quả của văn học kháng chiến cũng được quan tâm đúng mức với thái độ điềm tĩnh khoa học, tránh được những cực đoan và phiến diện, xa rời quan điểm lịch sử. Những đóng góp đáng trân trọng của Tự lực văn đoàn, phong trào Thơ mới,…đã được ghi nhận, nhiều hiện tượng văn học được coi là “có vấn đề” hoặc trước đây chưa được đánh giá thỏa đáng nay đã được đánh giá chính xác hơn. Lực lượng phê bình văn học tuy còn thưa mỏng nhưng đã cập nhật khá tốt thực tiễn văn học sôi động và phức tạp. Văn hóa tranh luận được quan tâm chú ý.

Công tác chỉ đạo, quản lý văn học cũng có nhiều đổi mới hết sức căn bản, tạo động lực cho văn học phát triển. Cuộc nói chuyện giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và giới văn nghệ sĩ năm 1987 là một khích lệ rất lớn đối với khát vọng sáng tạo của văn nghệ sĩ trong cả nước trong buổi đầu đổi mới văn nghệ. Sự đổi mới về tư duy và phương cách lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật qua các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị cũng cho thấy nhận thức đổi mới đã diễn ra đồng bộ từ hai phía, giữa công tác quản lý văn học và thực tiễn hoạt động văn học. Mặt khác, với sự đề cao vai trò, vị thế của người đọc, tinh thần đối thoại trong sáng tác và tiếp nhận cũng được chú ý, kích thích những tìm kiếm mới trong quá trình khám phá chân lý nghệ thuật của nhà văn. Đánh giá về tình hình văn học, nghệ thuật trong khoảng 10 năm (1998 – 2008), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới khẳng định:  “trong bối cảnh tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, trình độ dân trí của nhân dân ta từng bước được nâng cao, nhu cầu văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, các phương tiện truyền bá ngày càng hiện đại, văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước phát triển mới, có những biến đổi sâu sắc, những đặc điểm mới, đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém đan xen nhau”.

Có thể nói về cơ bản, nhận định này không chỉ bao quát được mười năm văn học mà rộng hơn, bao quát được những đặc điểm cơ bản nhất của sự nghiệp đổi mới văn học trong ba mươi năm qua.

Những thành tựu trên đây của văn học thời kỳ đổi mới xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật và ý thức giải phóng cá tính sáng tạo của đội ngũ cầm bút là nguyên nhân đầu tiên làm cho văn học hiện lên trong tính đa dạng (về khuynh hướng, phong cách, giọng điệu, thi pháp nghệ thuật…). Nhà văn đã vượt qua tình trạng “bao cấp tư tưởng” để xác lập tư tưởng nghệ thuật riêng trong thế giới nghệ thuật của mình. Hiện thực đời sống trong văn học không còn là hiện thực “biết trước”, “dâng sẵn” mà là một thứ hiện thực chưa bao giờ hoàn kết, luôn luôn chuyển động, đầy tính bất ngờ. Hành trình sáng tạo của nhà văn chính là quá trình thám hiểm bất tận và kỳ thú, là quá trình đối thoại và tra vấn không ngừng về đời sống và các giá trị nhân sinh. Ra đi từ truyền thống, trở về trên tầm nhìn của tư duy nghệ thuật hiện đại là lựa chọn và ứng xử đầy thông minh của những cây bút dồi dào năng lượng sáng tạo nhất trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đây là nhân tố hết sức quan trọng giúp nhà văn tự đổi mới nhận thức và đổi mới diễn ngôn nghệ thuật, xác lập vị thế tham dự của mình trong tiến trình đổi mới đất nước và đổi mới văn học.

Thứ hai, thành tựu của văn học thời kỳ đổi mới gắn liền với quá trình giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở. Không chỉ trong lĩnh vực sáng tác mà trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình, việc cập nhật, vận dụng những tri thức, phương pháp nghiên cứu hiện đại đã đem lại cho nghiên cứu văn học một nhãn quan mới mẻ, một tinh thần chủ động trong sáng tạo. Tinh thần đối thoại và tranh biện, sự hiện hữu và quyền được cất tiếng nói giữa “dòng chính” và “dòng phụ” đã đem đến cho văn học thời kỳ đổi mới sự đa dạng, độc đáo. Giao lưu văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế cho phép chúng ta tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại, góp phần thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa văn học dân tộc trong ngữ cảnh văn hóa toàn cầu. 

Thứ ba, những thành tựu của văn học thời kỳ đổi mới gắn liền với sự đổi mới về chính sách và công tác quản lý văn học. Nhiều chính sách về văn hóa, nghệ thuật được ban hành kịp thời trong thời gian qua thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với phát triển văn học, cơ chế quản lý văn học đã thông thoáng hơn, chiến lược quảng bá văn học đã được thi triển và bước đầu đạt được kết quả tốt. Đội ngũ quản lý văn nghệ linh hoạt, chủ động hơn trong công tác chỉ đạo văn học, nghệ thuật.

2.2. Hạn chế, bất cập của văn học thời kỳ đổi mới

Nhìn một cách tổng quát, văn học từ 1986 đến nay đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng về cơ bản, đó là giai đoạn nền rộng nhưng thiếu đỉnh. Có thể nói đến một số hạn chế của văn học thời kỳ đổi mới như sau:

Trước hết, tài năng sáng tạo của nhà chưa được phát huy tối đa vì xét đến cùng, tầm vóc của một nền văn học phải được đo ướm bằng thực tế: nền văn học ấy có bao nhiêu tài năng và họ đã sản sinh ra được bao nhiêu kiệt tác? Có lẽ, cái thiếu nhất của văn học Việt Nam chính là các nhà văn chúng ta chưa có được một nền tảng triết học thâm hậu, một trường mỹ học sâu sắc, một nhãn quan nghệ thuật thực sự sắc sảo, riết róng như Lev Tolstoi, Dostoievxki, Kafka hay Nguyễn Du đã từng có. Không ít nhà văn còn quanh quẩn trong những cảm xúc vụn vặt, nhỏ bé, tự bằng lòng với những triết lý đơn giản, bản năng mà chưa chạm được vào lõi trầm của đời sống, chưa “thấu thị” được những tiếng gọi sâu thẳm nhất của đời sống tâm linh và những cơn trở dạ, chuyển động to lớn của lịch sử, chưa thể hiện được một cách thật sinh động, mới mẻ tâm hồn và khát vọng của dân tộc ta trong công cuộc đổi mới đất nước.

Thứ hai, trong thời gian qua, tình trạng thương mại hóa, câu khách hoặc chạy theo các đề tài “thời thượng”, quá chú trọng chức năng giải trí, coi nhẹ giá trị nhân văn và tính phản biện xã hội của nghệ thuật diễn ra khá phổ biến. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “suy tư tưởng” trong văn học. Sự cách tân về phương diện nghệ thuật là hết sức quan trọng để đổi mới văn học, nhưng vẫn còn tình trạng không ít người rơi vào cực đoan, vọng ngoại, đánh rơi bản sắc văn hóa, miêu tả những nếp sinh hoạt xã lạ với mỹ cảm dân tộc. Cũng bởi thế, một số tác phẩm dù được quảng cáo rầm rộ nhưng nhanh chóng bị rơi vào quên lãng bởi yếu tố quan trọng nhất để người đọc nhớ đến tác phẩm là tầm cao tư tưởng và giá trị nghệ thuật chứ không phải những PR tức thời.

Thứ ba, hoạt động quảng bá, giới thiệu văn học (trong và ngoài nước) còn lộn xộn, tự phát. Việc giới thiệu các công trình lý thuyết văn học hiện đại của thế giới còn yếu và thiếu tính đồng bộ. Bên cạnh nhiều công trình vận dụng lý thuyết nghiên cứu mới một cách hiệu quả vẫn còn tình trạng vận dụng thiếu nhuần nhuyễn, chưa thuyết phục. Một số cây bút thể hiện sự thái quá trong tiếp nhận, đề cao quá mức những tư tưởng và trào lưu nghệ thuật thời thượng, xem nhẹ những giá trị nghệ thuật cổ điển, đặc biệt là văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là biểu hiện của sự nóng vội trong tiếp nhận cái mới, thái độ vọng ngoại cực đoan. Phê bình văn học tuy có nhiều cố gắng nhưng còn chậm đổi mới, chưa đáp ứng được nhiệm vụ định hướng dư luận, chưa khai mở được những tư tưởng mỹ học mới.

Thứ tư, mặc dù chúng ta đã có nhiều thay đổi trong nhận thức và phương cách quản lý, nhưng công tác quản lý văn nghệ có lúc chưa sít sao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn học. Có lúc chúng ta buông lỏng, nhưng có lúc lại quá thít chặt với tâm lý e ngại, lo lắng về tính biểu tượng hai mặt của văn học. Một số nhà quản lý văn học chưa thực sự tinh thông nghề nghiệp dẫn tới việc xử lý các vụ việc văn học chưa mềm mại, gây phản ứng của dư luận như trường hợp xử lý Nguyễn Ngọc Tư gần đây. Đầu tư cho hoạt động văn học còn ít và dàn trải, công tác phát hiện và bồi dưỡng tài năng còn yếu, hiện tượng trao tặng giải thưởng văn học có lúc còn bị chi phối bởi những lý do ngoài văn học.

3. Giải pháp, kiến nghị phát triển văn học trong thời kỳ mới

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra đề ra mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam là “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Là bộ phận nhạy cảm nhất của văn hóa, mục tiêu phát tổng quát để phát triển văn học Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo là xây dựng một nền văn học nhân văn, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Đó phải là nền văn học đa dạng, phong phú, thể hiện được cốt cách, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, tôi xin đề xuất một số kiến nghị, giải pháp sau đây để chúng ta rộng đường trao đổi, thảo luận:

Một là, nền văn học Việt Nam phải là nền văn học nhân văn, mang tư tưởng tiến bộ của thời đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm văn nghệ của Đảng làm nền tảng tư tưởng, đồng thời, phát huy cao nhất bản sắc văn hóa, tiếp thu hợp lý tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu có, phong phú thêm cho nền văn học dân tộc.

Hai là, tôn trọng tự do sáng tác của nhà văn, tôn trọng mọi tìm tòi thử nghiệm cá nhân, tránh định kiến hẹp hòi, tránh quy chụp, đặc biệt là quy chụp chính trị. Cần thiết phải tạo lập được môi trường phát triển thuận lợi để nhà văn phát huy cao nhất tài năng và tâm huyết trong sáng tạo nghệ thuật và nâng cao ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới của dân tộc. Tăng cường hơn nữa tính đối thoại vì mục đích truy tầm chân lý, đấu tranh kịp thời với những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức tư tưởng và nghệ thuật.

Ba là, tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa, đẩy mạnh công tác dịch thuật văn học, chủ động giới thiệu tinh hoa văn học nhân loại (cả sáng tác lẫn nghiên cứu lý luận, phê bình) nhằm nâng cao chất lượng và trình độ hội nhập, nâng tầm văn hóa nhà văn và khuyến khích vai trò tích cực của công chúng tiếp nhận. Cần xây dựng và phát triển chiến lược quảng bá văn học hợp lý, nâng cao vị thế và ảnh hưởng của văn học Việt Nam đối với các nước trong khu vực và quốc tế.

Bốn là, cần ban hành kịp thời những chủ trương, chính sách hợp lý về văn học, nghệ thuật, đầu tư thích đáng cho hoạt động văn học, khuyến khích tài năng văn học, khuyến khích tìm tòi đổi mới vì mục tiêu phát triển văn học dân tộc.

Năm là, đẩy mạnh công tác phê bình văn học. Công trình phê bình văn học không chỉ là chuyện khen/ chê, sai/ đúng mà quan trọng hơn là khuyến khích chiều sâu khái quát của phê bình, chú ý đẩy mạnh tính chuyên nghiệp của hoạt động văn học và hoạt động phê bình.

Sáu là, đổi mới phương thức quản lý văn học, có cơ chế quản lý văn học thích hợp, cởi mở. Song song với việc yêu cầu các nhà hoạt động văn học phải nâng cao trình độ văn hóa, trau dồi nghề nghiệp, say mê sáng tạo cần phải có chính sách bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho các nhà quản lý để tránh những hiện tượng bất cập trong đánh giá, thẩm định văn học, cản trở sự phát triển của văn học và tính độc đáo của lĩnh vực sáng tạo các giá trị tinh thần. Giải thưởng văn học của Nhà nước phải tôn vinh đúng tài năng, đúng giá trị nhằm tạo nên thái độ trọng thị tài năng của xã hội, coi tài năng văn học và tài năng trong các lĩnh vực khác là tài sản của quốc gia.

Trên đây là những đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục phát triển văn học Việt Nam trong thời kỳ mới. Hy vọng các nhà khoa học có mặt tại Hội thảo sẽ luận bàn sâu sắc, đầy đủ hơn về các vấn đề mà chúng tôi đã nêu lên trong bản Đề dẫn này.

(nguồn cinet.gov.vn)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder