Hình tượng người lính qua thơ sau chiến tranh – Huỳnh Diệu

Vậy là đã sẵn sàng đón nhận hoàn cảnh, thử thách, duy chỉ với một điều là giữ vẹn nguyên phẩm chất người lính năm xưa,

 

Nhiều người trong chúng ta đã từng ấn tượng về những người lính­ của “đoàn binh không mọc tóc” trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, xúc động trước hình ảnh thơ bi tráng: Rải rác biên cương mồ viễn xứ / Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh… Riêng bài thơ Người lính của Đình Cẩn viết năm 1998 thì rất ít người được biết. Đây là những dòng thơ dồn nén cảm xúc, nghiền ngẫm kỉ niệm của một cựu chiến binh từ suốt mấy thập kỷ qua. Tứ thơ hình thành từ tiếng “” trả lời khi được gọi tên điểm danh trong đội hình tiểu đội, trung đội hay một đại đội nào đó trước giờ xuất kích

Tiếng “có” là tôi
Giữa đội hình tiểu đội

Mười hai tiếng “có” là A

Ba mươi sáu tiếng “có” là B

Một trăm hai mươi tiếng “có” là C

Từng khối tiếng “có” hoá quân cờ

Trên bản đồ chiến dịch…

Khổ thơ tiếp theo đưa ra một tình huống: cuộc chiến đấu đang dồn dập, đoàn quân phải đi gấp, người sau cứ nối bước người trước, như “kéo đẩy”. Người lính không thể phá vỡ hàng ngũ dừng lại dù để giải quyết nhu cầu riêng khá bức xúc của mình: “nhặt viên sỏi trong giày”. Chỉ bằng chi tiết giản đơn này, tác giả mô tả được sự chấp nhận hy sinh của cá nhân những người lính vì mục đích chung, lớn lao cho đại cuộc. Đó chính là chân giá trị của người lính Việt Nam:

Tôi đi giữa hai đầu kéo đẩy
Không thể dừng chân nhặt viên sỏi trong giày.

Sự mẫn cảm của trái tim thi sĩ như hoà tan trong cái nhạy bén sắc sảo của người lính để quyết định một phương án đúng cho tình huống: Không thể dừng chân... Đây cũng là một chi tiết nghệ thuật lạ, khá độc đáo trong xây dựng hình tượng thơ về người lính.

Tác giả còn dụng công dồn bút lực cho khổ thơ thứ ba khi nói về sự hy sinh mất mát to lớn của quân đội. Những dòng thơ nhìn lại sau chiến tranh này đã không còn phải né tránh thực tế tổn thất đớn đau đó là tiếng “có” điểm danh dần dần thưa thớt.

Đánh vài trận bữa cơm lơ ngơ thừa bát đũa
Những tiếng “có” ngồi im không muốn xua ruồi

Cả đại đội giờ chỉ còn trung đội
Những tiếng “có” vô danh nằm lại góc rừng.

Cả khổ thơ không có từ nào là hy sinh, chết, buồn đau… vậy mà đủ nói lên tất cả sự bi hùng, nghiệt ngã của chiến tranh. Người nằm lại được nhận diện qua phép trừ (đại đội chỉ còn trung đội), và chi tiết: “Tiếng có vô danh nằm lại góc rừng”. Thật lắng đọng, xót xa, đau đớn!…

Kể từ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (1948) đến bài thơ này của Hà Đình Cẩn (1998) chính là bước tiến dài của sự phát triển thơ ca tiếng Việt. Câu thơ ít dùng từ Hán Việt nên tạo được không khí gần gũi, thân thiết mà không kém phần trang trọng. Bi thương mà cũng lại rất thật, đậm sâu.

Thơ ca đã nói nhiều về những người nằm xuống, những đau buồn, tiếc thương của người ở lại. Ở đây sự phi lý của chiến tranh, giá trị tố cáo chiến tranh còn có thể đề cập qua hình tượng người lính trở về sau chiến tranh. Những ngỡ ngàng buổi đầu sau bao năm dài cầm súng. Những câu thơ tiếp theo của Hà Đình Cẩn vừa thương, vừa tội: Tôi mang tiếng “có” về quê không biết để làm gì.

Một tâm trạng đầy lo lắng trước hoàn cảnh mới bởi người lính cần hoà nhập cộng đồng để xây dựng lại gia đình, đất nước, tránh sao khỏi những ngày đầu bỡ ngỡ vụng về, chưa quên thói quen thường xuyên điểm danh:

Con bỗng gọi
Tôi vô tình thưa “có”

Tôi hoá kẻ dở hơi trong sum họp gia đình.

Sau giây phút ngỡ ngàng ấy người lính xác định lại chính mình:
Tiếng “có” là tôi – người lính
Bỗng nghẹn thèm nghe mẹ gọi tên xưa

Vậy là đã sẵn sàng đón nhận hoàn cảnh, thử thách, duy chỉ với một điều là giữ vẹn nguyên phẩm chất người lính năm xưa, xắn tay vào dựng xây, nối tiếp cả phần cho những người nằm xuống, với tâm nguyện luôn giữ ý chí kiên cường của anh bộ đội.

Lấy tiếng làm điểm tựa cốt lõi xuyên suốt bài thơ và cũng là biểu trưng của người lính, chứng tỏ tác giả đã khai thác được một tứ thơ lạ từ đề tài chiến tranh quen thuộc. Hai câu thơ cuối nêu trên mang tính triết lý, người lính không mong gì hơn được trở lại cuộc sống bình thường, lấy lại thăng bằng, hoà nhập ngay sau bao năm cầm súng: trở về trong vòng tay mẹ, nghe mẹ gọi tên mà không chông chênh, ngớ ngẩn vì thói quen điểm danh thường trực, như lúc còn trong quân ngũ.

Một sự ngạc nhiên thú vị khác khi đọc thơ viết về người lính sau chiến tranh có lẽ nên dành cho bài thơ Ngày hoà bình đầu tiên của Phùng Khắc Bắc – hậu duệ nhiều đời của ông Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, quê hương Bắc Giang. (Phùng Khắc Khoan là người từng phát biểu về thơ: Thơ không phải là cái đền trên hồ mà là cái bóng của nó dưới lòng hồ)

Toàn bài thơ của Phùng Khắc Bắc tập trung vào hình tượng “Cái lỗ thủng”. Những lỗ thủng của mái nhà quê sau ngày hoà bình lập lại. Mái lợp vật chất của bài thơ là sự nghèo nàn, nội thất là tình mẹ con muôn thuở, sau mười năm chiến tranh:

Anh về lại ngôi nhà mình

Sau mười năm chiến tranh

Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng

Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng

Mưa… Mưa… Mưa…

Mưa ngoài trời

Khắp nơi

Mưa ngoài sân

Nhưng cũng mưa cả trong nhà

Sau lời mẹ là lời mưa reo ca…

Cái nghèo được mô tả dưới nhiều góc độ: chiều dài chỗ nằm vừa hai chiếc cột, chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng. Võng không đưa được vì sẽ bị mưa dột ướt, có tiếng mọt làm âm thanh đung đưa thay thế. Mái rạ mục lốm đốm bạc như màu tóc mẹ làm cho ai khi nhìn vội ngoảnh mặt đi ngay, đến đôi chim sẻ đang tâm tình cũng bị hẫng, hốt hoảng bay vù lên:

Nhà dột

Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột

Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng

Mắc võng

Lại mắc võng

Vẫn là cây theo anh từ rừng về làm cột

Võng đưa sẽ ướt

Nhưng đã có con mọt cột làm âm thanh

đung đưa…

… Có phải những viên đạn trong vô hình ý nghĩ

Bắn lúc đêm khuya vào đứa con thơ bé

Đã để những lỗ thủng lốm đốm trên màu tóc mẹ

Như những hạt nắng hạt mưa giọt sót vào đây,

để ai ai cũng phải nhìn và ngoảnh mặt đi ngay…

Và đêm nào mẹ cũng khấn, để phập phồng một

lần tin, một lần vui,

Nhưng tai ác hơn, mái nhà cứ thủng.

Chẳng có lân tinh, na-pan, phốt-pho

Chỉ có mưa nắng

Sự xa vắng

Khiến mái rạ mục, mủn, bạc như màu tóc bạc

Đôi sẻ tự tình bị hẫng, hốt hoảng vù lên,

bụi mù như tro bay…

Chiến tranh đằng đẵng, mẹ chờ đợi héo hon, mái nhà tranh mục ruỗng, thủng lỗ chỗ không vì đạn bom mà do thời gian, sự chờ đợi nặng nề.

Không có trái bom nào rơi trúng mái nhà mẹ,

Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ

Chỉ có đứa con đi xa

Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống

Đã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to

lỗ nhỏ khác nhau

Nắng mưa lọt vào sau

Xuyên

Xối

Những sợi nắng, những sợi mưa nếu có thể nối,

Cũng chỉ dài bằng một sự mong đợi

Và những hạt nắng, hạt mưa nếu đem xếp lại

có thể cao hơn một trái núi.

Mười năm, cũng chỉ thoáng qua…

Mái rạ sẽ không thủng lỗ chỗ nếu con trai được gần bên mẹ, chứ không đi vào chiến tranh.Vượt qua bao nhiêu là mong đợi, yêu thương, giả định của mẹ về sự sống và cả cái chết. Niềm tin, nghị lực, lời nguyện cầu của mẹ làm cho con được sống, bình an trở về. Chiến thắng và niềm vui của mẹ là anh. Cái mái nhà quê đầy những lỗ thủng ấy trở thành cổng trời, thành lâu đài trong mắt mẹ đón con…

Tranh tre nứa lá làm nên mái nghèo, còn thực tế sự rung cảm nghệ thuật và kĩ thuật chứa đựng trong từ ngữ làm nên bài thơ. Tác giả có nhiều kinh nghiệm sáng tác, sử dụng từ ngữ thành thạo: Mưa rơi, mưa dột, mưa đổ… Hình như với ông phải là mưa giọt mới đúng, nó mang ý nghĩa dày vò, vùi giập. Đã dùng bình minh nhập nhoạng cho lúc mẹ đón con về, lại dùng hừng đông chạng vạng cho cơn mưa đón, rất chắc tay mới viết được thế. Mắc võng vào cây cột :“Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột”. Đến liên từ, dây tơ hồng se mọi mối nhân duyên, ông cũng sử dụng một cách khéo léo. Trên đã mắc võng, tiếp theo lại mắc võng, từ lại giao nối hai thời điểm chiến tranh và hoà bình. Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng trong đêm hoà bình đầu tiên. Sự biền ngẫu không nên có nhưng sự đối ngẫu như âm dương, cân đối như sông núi, luật cân đối cân bằng trong thiên nhiên không thể không có trong làm thơ. Như để ghi nhận đức hi sinh của mẹ, ông dựa vào một thành ngữ Ngày xưa chỗ ướt mẹ nằm để mở thêm hiện trường cảm xúc: sau mười năm, vẫn chỗ mưa mẹ đứng. Đứng để cân đối với nằm vẫn để thấy xưa sao nay vậy, số phận, thân phận mẹ không có gì thay đổi… Thơ ông cũng có phú và tỉ, Mẹ vẫn nói đời mình như nắng trận mưa cơn”, một so sánh rất đắt.

Những buổi sớm, nắng xiên nghiêng,

Anh nằm ngửa, mái nhà có mắt nhìn anh

Người lính lần đầu tiên giật mình…

Những sợi nắng xuyên qua nhà mình

Những hạt bụi nhảy múa rung rinh,

Những con đường sáng lên như nắng

Và mỗi người là hạt bụi lung linh

Mẹ vẫn lên nhà, xuống bếp một mình,

Chiến thắng của mẹ là anh

Niềm vui của mẹ là anh,

Nỗi buồn của anh không phải trong chiến tranh…

Thành những mũi tên

Thành những viên đạn,

Bắn tiếp vào anh không gì che chắn

Phải nhận tất cả,

Vẫn anh.

Hôm qua chưa nhận một viên đạn

Hôm nay nhận những lỗ thủng

Anh về quê không mang súng

Vũ khí lúc này hai bàn tay.

Mẹ giục :

– Ăn cơm, con !

Hoà bình trong canh cua, mồng tơi

Và… mùi ổ rơm.

Lỗ thủng của mái rạ, lỗ thủng mười năm của lòng người, hình ảnh của sự nghèo nàn và nỗi đau xa cách giữa hai mẹ con được diễn tả thật sinh động. Ở bài thơ này, tác giả khi đứng về phía mẹ, khi ở phía con, lúc ở chiến trường, khi ở hậu phương, tạo ra những “nắng trận mưa cơn” để hỗ trợ cho chủ thể, thu tóm xưa nay để đón ý lựa lời, đứng xa để khái quát, lại gần để thấy được chi ly, không câu nệ vần điệu, phóng bút theo dòng cảm xúc một cách tự nhiên nhưng không hề lạc đích. Đó là bút pháp Phùng Khắc Bắc mà chúng ta cảm nhận được khi đọc bài thơ này và tập trường ca của ông. Để khóc thương ông, một ngôi sao đã băng quá sớm, khóc vì sự lặng lẽ nhả ngọc phun châu cho đời của ông, khác với nhiều bài thơ bây giờ, không ít người thích làm xiếc trên câu chữ nhưng nội dung sáo rỗng. Ta cũng thương cảm, ngưỡng mộ vì ông là một hậu duệ xứng đáng của Trạng nguyên họ Phùng. Hẳn là Phùng Khắc Bắc, anh Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam đã kịp sửa sang lại mái nhà cho mẹ, nhưng bệnh tật, di chứng của một thời đạn bom cuối cùng cũng cướp ông khỏi tay mẹ và vợ con, giữa thời bình. Những bè bạn văn chương phải vừa nâng mẹ, vừa khóc điếu văn, điếu thơ bên thi hài ông, lần cuối đưa tiễn người lính, nhà văn tài hoa, mà rất mực khiêm tốn, dễ gần, dễ mến.

 

Cả hai bài thơ của Hà Đình Cẩn và Phùng Khắc Bắc đều có cấu tứ mới lạ, chặt chẽ, bố cục mạch lạc, nhiều hình tượng thơ đã tạo được sức rung, mang đến cho bạn đọc một cái nhìn mới, cảm nhận sâu sắc hơn chân giá trị hoà bình. Qua đây giúp ta hiểu thêm nỗi niềm người lính trong buổi giao thời, khi đất nước hồi sinh, để càng trân trọng người lính Việt Nam./.

Huỳnh Diệu

Nguồn Toquoc online

——————

(1) Đài tiếng nói Việt Nam (Ban tổ chức cuộc thi thơ), 2000: Thơ Bốn phương cùng bình. NXB Văn học.

(2) Phùng Khắc Bắc, 1999: tuyển tập thơ và trường ca Phùng Khắc Bắc. Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu. NXB Văn học.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder