Hương sắc từ những nụ “hoa giấu mặt”- Lương Kim Phương

Vốn mạnh về sáng tạo tứ thơ nên ở thể thơ kiệm lời, đòi hỏi sự súc tích này, Mai Văn Phấn, như một người làm vườn tinh tế đã tự mình ươm tìm ra những nụ hoa lạ, đẹp, ngát hương, li ti mà không hề bị khuất lẫn trong muôn ngàn hương sắc.

(Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng)


(Đọc tập thơ hoa giấu mặt của Mai Văn Phấn -Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Theo mùi hương

Quanh núi

Gặp những triền đá sắc

(M.V.P)

 

Trên lộ trình cách tân của mình, Mai Văn Phấn vừa là một lữ hành mải miết, vừa là một người thơ đắm đuối. Sau khi đã băng qua các khu rừng thơ cách tân như: Tượng trưng, Siêu thực, Tân hình thức, Hậu hiện đại… anh đã rẽ sang một hướng khác, đưa thơ mình trở về với suối nguồn cảm xúc giản dị, tự nhiên. Vì thế, vừa mới hạ cánh từ Bầu trời không mái che (Nxb Hội Nhà văn, 2010), Mai Văn Phấn, như một sự ngừng lắng cần thiết, đã thể nghiệm loại thơ giản ước với tập thơ hoa giấu mặt – tập thơ thứ 11 của anh. Từ những bài thơ dài phóng khoáng miên man giàu hình ảnh và cảm xúc, bỗng dưng tìm đến sự lắng đọng, tinh chất theo một khuôn thức định hình sẽ là một cuộc mạo hiểm, rất dễ dẫn đến thất bại. Nhưng rất mừng, Mai Văn Phấn đã khá vững vàng với sự đổi thay này.

hoa giấu mặt gồm 198 bài thơ theo thể ba câu. Đây có thể coi như là một trong những dị thể của thơ Haiku, một thể thơ có nguồn gốc từ xứ sở hoa anh đào. Vốn mạnh về sáng tạo tứ thơ nên ở thể thơ kiệm lời, đòi hỏi sự súc tích này, Mai Văn Phấn, như một người làm vườn tinh tế đã tự mình ươm tìm ra những nụ hoa lạ, đẹp, ngát hương, li ti mà không hề bị khuất lẫn trong muôn ngàn hương sắc.

Trong cuộc hạnh ngộ với thể thơ ba câu, Mai Văn Phấn đã thẩm thấu được sự tinh giản mà thâm trầm đậm Thiền tính. Đặc biệt, thơ anh đã toát lên được vẻ đẹp của sự chậm rãi, nhẹ nhàng, thanh thoát (thơ Haiku gọi đó là cảm thức ca-ru-mi), điều mà ở các tập thơ trước, anh vẫn ngóng chờ. Tuy đặt ra thức ba câu cho một bài nhưng Mai Văn Phấn đã không quy định số từ, âm tiết và lệ thuộc vào quý ngữ như thơ Haiku Nhật Bản. Thơ ba câu của Mai Văn Phấn linh hoạt và có những bài tối giản từ đến đến bất ngờ, thậm chí chỉ có 5-7 âm tiết (Đời đầy hiểm hoạ, Hai mùa, Sự thật, Thầy cúng, Bất lực, Lên chùa Đồng, Con mắt nghiêng số 7, số 27, số 38, số 43, 57, 89… ). Như một sự ủ nén tinh tế, công phu, những bài thơ ngắn mà vẫn khiến người đọc trào dâng trong ý thức nhiều liên tưởng sâu xa. Mỗi bài thơ như một câu chuyện ngụ ngôn thâm trầm, triết lý.

hoa giấu mặt được Mai Văn Phấn trưng cất trong một nguồn thi cảm trong trẻo, thanh sạch tới từng con chữ. Không phải ngẫu nhiên, thời gian nghệ thuật trong hoa giấu mặt chủ yếu diễn ra vào ban mai và đêm tối, đó là những khoảng lặng để ngẫm suy và thu nhận, thụ cảm và tái sinh. Hừng đông đến, tâm trạng nhân vật trữ tình cũng đầy những mới mẻ, tinh khôi khi phát hiện ra những chim non há mỏ hớp những đám mây, bóng cây cổ thụ chợt như bấy bớt, lắng nghe trong thác đổ, vượn hú, côn trùng kêu là tiếng ngân vang của kí ức vọng về, nhấp một chén trà để thấy            chút nắng trên tán lá còn ướt, ngậm ngụm nước cũng phải khẽ khàng chỉ sợ con ong rời nhuỵ hoa… (Ngày mới, Tiếng chuông, Ban mai thanh sạch, Bình minh, Yên tĩnh, Sáng sớm ở quê ngoại). Rồi bất chợt những đêm trăng được tan loãng cùng tiếng dệt chiếu trên sông, được lặng lẽ bên chiếc đèn dầu để nghiệm ra một điều “Những con thiêu thân/ Đang thế mạng thay ta”(Hãy im lặng), được nhìn thấy dải Ngân Hà lấp lánh tụ lại dưới gốc cây (Con đom đóm kể lại), kéo chăn đắp trong đêm mưa lớn mà chỉ thương còn sót lại đám lá  “Run rẩy ngoài cửa sổ” (Trời rét).

Những thi ảnh mỏng manh, dịu nhẹ được phát hiện trong mỗi khoảnh khắc đốn ngộ của sat-na đều là sự tương giao của ánh sáng, âm thanh, đường nét.     Khác biệt với hệ thống hình ảnh đồ sộ, với những chuyển động gấp gáp và riết nóng trong Bầu trời không mái che, ở hoa giấu mặt, nhà thơ chỉ phác ra những họa tiết giản dị mà tinh tế len vào lòng người đọc. Đâu đây một làn hương thoảng, một hơi thở nhẹ, bước chân người đẹp lướt qua, gợn mây mềm, một cuống rễ bé nhỏ, chiếc gai thu mình, lưỡi câu vào ánh trăng, đôi lá mầm xuân, con sâu róm bất động, đọt chuối non tơ, con cá và tiếng gõ phàng… Nó vừa gợi một không gian làng quê Việt thanh sạch, êm đềm vừa là một thế giới Thiền mở ra nhiều suy tư về cõi chúng sinh đơn sơ, tao nhã mà u huyền, tịch mịch. Bằng sự thụ cảm của linh giác và cả tinh thần nhập thế, tưởng như Mai Văn Phấn định đưa người đọc tới một thể thơ cổ điển, nhưng hóa ra lại là một thể thơ mang màu sắc hiện đại. Nếu Kahlil Gibran, nhà thơ Mỹ gốc Liban đầu thế kỷ 20, cho rằng sứ mệnh của nghệ thuật là làm xuất hiện cái chưa hề quen thuộc từ cái quen thuộc nhất, thì Mai Văn Phấn đã làm được điều này.

Nếu làm được như cổ nhân dọn mình trước khi đọc thơ, để thưởng thức một tuyệt thú tao nhã, có lẽ đọc hoa giấu mặt, độc giả cũng có thể được dẫn vào một không gian dịu mát cho dù là giữa buổi trưa mùa nắng oi ả, chói chang. Hoặc đọc hoa giấu mặt vào những đêm trăng thanh tĩnh, thử “nín thở nghe lũ dơi/ Len qua chiếc lồng ánh sáng“, ta sẽ được suy nghiệm nhiều hơn cho cuộc sống quanh mình về sự biến ảo vô thường của cõi người. Mỗi bài thơ ở đây là một văn bản có cấu trúc mở. Giống như lối vẽ tranh thủy mặc cổ điển của Trung Quốc và Nhật, họa sĩ đã sử dụng cả khoảng trắng của giấy để tham dự vào không gian bức tranh. Đó là điều phân biệt giữa tài năng và sự thông minh của các họa sư với các họa gia bình thường. Wolfgang Iser, nhà phê bình văn học Đức, gọi văn bản có cấu trúc mở là kiểu văn bản có kết cấu vẫy gọi. Nó đòi hỏi người đọc không chỉ biết tiếp nhận, thưởng thức mà còn tự mình kiến tạo lớp nghĩa mới cho tác phẩm. Ở đây, Mai Văn Phấn đã cố gắng tiết chế cảm xúc thông thường, đồng thời với sự cô nén, anh đã tạo ra được những khoảng lặng trong văn bản mang tính đa chiều, theo lối quốc họa Nhật như đã nói trên kia. Người đọc không bị cuốn theo luồng cảm xúc ào ạt và sự chồng lấn của một khối lượng hình tượng lớn như ở “Bầu trời không mái che” và một số tập thơ trước. Mai Văn Phấn để người đọc tự đi tìm cái Đẹp ẩn giấu lặng lẽ cho riêng mình như tinh thần bài thơ chủ điểm của tập: “Theo mùi hương / Quanh núi / Gặp những triền đá sắc” (Tìm hoa). Phải chăng, hành trình đến với cái Đẹp đâu có giản đơn, dễ dàng, cũng đầy đau đớn với những ảo tưởng và ngộ nhận, những cách ngăn và vô cảm bủa vây.

hoa giấu mặt có sự tổng hoà của nhiều nguồn cảm hứng, đề tài khác nhau: thiên nhiên, tình yêu, thế sự, hư vô và cái chết… Tất cả đều được tinh lọc qua lăng kính của một cái nhìn lặng lẽ suy nghiệm. Tĩnh lặng đến mê man, vừa như khám phá lần đầu tiên, lại vừa như suy tưởng lần sau cùng. Viết về thiên nhiên, cái Tôi chủ thể run rẩy tựa phím đàn với nhiều âm vực, chạm vào đâu cũng thành thơ cả. Đánh thức con nhện nước còn ngái ngủ trên cánh hoa sen giữa mặt đầm thơm ngát, nghe tiếng chim rơi mặt nước mơ hồ con cá nhảy đớp muỗi, rón rén dưới lũ sẻ nâu làm tổ trên mái, gom ánh trăng đã vỡ còn sót lại trên thân cây, ngửa mặt đón chờ một hạt mưa xuân, trú mưa dưới cành hoa đại trắng, vùi chân vào đất ẩm (Giấc mơ con nhện, Bình minh, Tỉnh, Làm tổ, Con mắt nghiêng số 52, số 77…). Trở về và kiếm tìm cái Đẹp ở thiên nhiên, Mai Văn Phấn đã làm tái sinh trẻ hoá những điều tưởng như bình dị, lại như thấy thêm hàm ơn thiên nhiên đã thanh tẩy, gột rửa cho tâm hồn con người sau những va đập hỗn độn của cuộc đời. Còn viết về tình yêu, cái mạnh mẽ, cuồng dại, ào ạt cháy nồng của cảm hứng yêu trong Bầu trời không mái che đã nhường chỗ cho những suy tư trầm tĩnh về Kiếp trước, về sự Gặp gỡ đầy nhân duyên trong hoa giấu mặt:Anh là đám cỏ lan ra lối đi/ Em đi hài đỏ/ Giẫm lên anh phải không”. Thấp thoáng đi về hình bóng một người con gái với váy đỏ, hài đỏ thoảng qua như một “gợn mây mềm” mà đầy sức ám ảnh, khiến những vần thơ bay lên. Rồi từng dòng sông nhỏ cũng sẽ chảy qua (*) chỉ còn lại chàng thi sĩ bên bờ gió và cây Thơ lay động cuộc đời.

Triết lí về thế sự, những bài thơ ba câu của Mai Văn Phấn là những phát hiện khá tinh tế bằng sự quan sát, tích luỹ kinh nghiệm sống, sự tổng hợp của tri thức triết học, văn hoá và dự cảm thính nhạy. Đọc mà như nghe nhà thơ đang kể cho ta những câu chuyện ngụ ngôn giản dị mà lại đầy day dứt: “Gió/ Điềm nhiên thổi/ Giữa con thú và cái bẫy” (Thế đấy), “Cọng rác/ Trôi nhanh hơn/ Dòng nước” (Sự thật)… Những sự thật hiển nhiên dù ta muốn chối bỏ thì vẫn cứ tồn tại như thế.  Nhiều bài thơ trong hoa giấu mặt hiện lên bức tranh đời sống, dấu ấn của thời cuộc nhiều biến động không ngừng ngay cả với những thứ tưởng đã nằm trong vòng kiểm soát: “Vẫn chìa khoá ấy/ Hôm nay/ Không thể mở” (Con mắt nghiêng số 86), của những sự vứt bỏ, lãng quên: “Bức tường sáng/ Chổi quét/ Ngâm trong thùng dầu“(Con mắt nghiêng số 87), của những hiểm hoạ đang rình rập: “Con diệc / Non / Mẹ đâu” (Đời đầy hiểm hoạ), của những hỗn loạn tàn khốc với đủ hạng người có say tỉnh, giả điên, ngu dại: “Con ngựa giậm chân bật móng/ Kẻ giả điên chém nát mặt đường/ Con chó ăn nốt phần bả còn lại” (Con mắt nghiêng số 62). Mai Văn Phấn đã làm được điều này nhờ tình huống thơ đặt ra kích thích trí tưởng của người đọc. Khi thuật lại một hiện tượng, nhà thơ hạn chế sự can thiệp cảm tính chủ quan bởi bản thân những hình ảnh và tình huống ấy đã nói lên tất cả. “Vực thẳm dạy lùm cây/Bám vào vách đá/ Ngây dại trổ hoa” (Con mắt nghiêng số 71). Đây là một trong những bài thơ hay trong triết lí về thế sự của Mai Văn Phấn ở tập thơ này. Ngây dại để được bám vào vách đá, để sinh tồn. Hay khi cheo leo, chênh vênh giữa sự sống và cái chết, giữa huỷ diệt và sinh tồn như thế, bản năng sống càng bật lên mãnh liệt. Hay là trong tàn khốc, đớn đau, cái Đẹp vẫn thăng hoa và nở sáng?

Ám ảnh về thế giới hư vô, về cõi tâm linh cũng tìm được những biểu tượng mới trong hoa giấu mặt. Nơi cõi Thiền ấy, sự vật nào cũng trở nên từ bi, “đều nói lời của Phật“, nhiễm vào mình Phật tính, cởi bỏ phiền luỵ trần gian: kìa bóng trăng cúi xuống bên tượng Phật,  hoa cửa đền thơm hơn nơi khác, con diệc lò dò trong tiếng mõ, con cá muốn dự phần cơm cúng vừa chia, con cuốn chiếu bò đi nơi khác khi nghe tiếng cầu kinh, mặt trời trở nên dịu mát lúc hạ huyệt, tiếng chuông mang màu cỏ non trong lễ cầu siêu chân linh… Những hình ảnh mang Phật tính ấy khiến ta liên tưởng tới những câu thơ của Chu Mạnh Trinh trong bài Hương Sơn phong cảnh ca: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lững lờ khe Yến cá nghe kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”.

Suy nghiệm về sự sống và cái chết, tình yêu và tự do, thiên nhiên và cõi Thiền, những đề tài quen thuộc và vĩnh hằng được Mai Văn Phấn ủ kín trong những bài thơ ba câu nhỏ gọn ấy.

Song, dẫu là cấu trúc mở thì ít nhiều đã là thơ ba câu dù muốn hay không, dù ý thức hay vô thức, người viết vẫn bị nệ vào cái khuôn sẵn có. Do vậy, một số bài trong tập thơ này còn bị lặp ý, trùng hình ảnh, hoặc tứ thơ còn nhẹ, ảnh hưởng tới sự thăng thoát. Và thêm nữa, có lẽ cũng nên băn khoăn một điều:  Có thể, với sự thành công ở những bài thơ ba câu, với sự thuần thục tài tình để có được nhiều bài thơ không thua kém gì “Hai-ku Nhật”, e rằng tác giả – Thi sĩ sẽ bị chênh vênh giữa ranh giới nghệ sĩ và nghệ nhân. Cho dù là nghệ nhân có đôi tay vàng, thì liệu đó có phải là một trong những đích cần đến của người làm thơ? Có nên tự làm khó mình, tự xoay xở trong cái khuôn của các nhà thơ cổ điển, cho dù đó là những khuôn vàng thước ngọc.

Tuy nhiên, với một trữ lượng sáng tạo dồi dào và tài năng như thế, thiết nghĩ, sau khi đã có một thoáng dừng bên thung sâu vắng lặng, vốc lên những ngụm nước suối nguồn lắng trong để ươm tìm những nụ hoa giấu mặt, Mai Văn Phấn sẽ lại tiếp tục đi tìm những ngã rẽ mới và thành công mới trên con đường Thơ còn nhiều vẫy gọi phía trước.

 

Hải Phòng, những ngày cuối tháng 6/ 2012

L.K.P

_____________________________

(*): ý của Trịnh Công Sơn

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder