Hoa báo nắng – Truyện ngắn: Mai Hà

 

Cạch. Tiếng cổng sắt mở. Chị ngoái nhìn ra cổng, con gái đi làm về. Dựng chiếc xe giữa sân nó la toáng lên:

– Mẹ ơi, hôm nay con đi trực, mẹ con mình ăn cơm sớm nhé.

– Hôm nay làm đêm hả con?

Nó đi vào bếp, tay ôm ngang người chị, rúc cái mặt vào sau gáy chị làm nũng, rồi ngúng nguẩy đi lên gác, véo von một điệu nhạc vui.

Nhà có hai mẹ con, mâm cơm cũng đơn giản. Con bé  thích nhất món canh cua cà nên ngày nào chị cũng chiều con. Nhìn bát canh cua bốc khói, mùi mướp hương thơm thoang thoảng hấp dẫn, chị chợt nhớ anh cũng rất thích món canh cua cà miền Bắc. Thời gian trôi nhanh quá, đã hai mươi sáu năm trôi qua, tóc chị giờ đã điểm sợi bạc.

– Canh cua ngon quá, cho con xin bát cơm.

Nhìn con ăn ngon lành lòng chị ấm áp. Tội nghiệp con bé! Lớn lên chỉ có một mẹ một con. Chị nợ con một lời hứa.

– Mẹ ơi, con giống mẹ hay giống bố?

– Sao tự nhiên con hỏi vậy?

– Mẹ cứ trả lời con đi.

– Giống mẹ!

Chị trả lời cho qua chuyện.

– Giống nhất là cái gì hả mẹ?

– Cái miệng. Có ai nói con không giống mẹ à?

Con bé ra vẻ bí hiểm, lấy chiếc gương trang điểm ra, ôm cổ chị soi gương mặt hai mẹ con.

– Hôm qua có một bệnh nhân nhập viện vào khoa con. Bác tỉnh dậy đúng lúc con đến tiêm, nhìn con chăm chăm như thể đã quen con rồi. Bác cầm tay con nói: “Con giống một người thân của bác, nhưng lâu lắm rồi bác không được gặp lại”. Tay bác run run, giọng rất xúc động. Con đoán chắc người bạn ấy phải rất quan trọng đối với bác. Có lẽ vì điều kiện nào đó bác ấy không gặp được.

Con bé đang mạch chuyện:

– Nghe nói bác ấy sống ở Đà Lạt ra Bắc công tác, không may bị ốm, đồng nghiệp đưa vào viện, không có người thân nào chăm sóc, mọi việc nhờ cả vào bác sĩ, y tá bệnh viện, mẹ ạ.

– Tội nghiệp, ốm nơi đất khách quê người không có người thân bên cạnh là tủi thân lắm. Con là thầy thuốc, phải chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình. Đó mới là y đức nghề nghiệp con ạ.

Con bé đang mải nhìn chằm chằm vào cái gương trên tay, dường như không chú tâm tới điều chị vừa nói. Nó lẩm nhẩm một mình:

– Mà, bác Khang cũng lạ thật, sao cứ hỏi thăm về bố nhỉ? Còn muốn xin mình một tấm ảnh nữa.

– Con nói về ai vậy?

– Bệnh nhân của con, bác ấy tên là Phùng Minh Khang!

Chị khựng lại trong giây lát, ngẩng lên nhìn con bé. Trong sâu thẳm ký ức chị cái tên đó đã ngủ yên. Chị tự trấn an mình: Có lẽ trùng tên thôi.

* * *

Đến công ty, không hiểu sao chị cứ lởn vởn trong đầu hình ảnh người bệnh nhân con gái kể. Hơi nóng ruột, mong con về sớm. Chốc chốc nhìn ra cổng, rồi lại ngước nhìn đồng hồ. Kia rồi, con bé đã về! Chị đi nhanh ra mở cổng đón con.

– Hôm nay bệnh nhân của con thế nào rồi?

Chị không kìm lòng được buột miệng hỏi con.

– Sao hôm nay mẹ quan tâm tới bệnh nhân của con thế?

Con bé ngạc nhiên trước câu hỏi của chị.

– Ờ, thì thấy con nói người ta không có người thân chăm sóc, mẹ cũng hỏi vậy thôi.

– Mấy hôm nay bác ấy khỏe nhiều rồi, ngày nào tiêm xong cũng muốn con ngồi nói chuyện. Đến bữa con mua giúp bát cháo thịt, bác bảo con: “Ước gì bác cũng có một đứa con gái như cháu”. Tội nghiệp bác ấy mẹ nhỉ?

Chị muốn nghe những điều con vừa nói, nhưng lại không muốn tin vào linh tính của mình. Có lẽ nào người bệnh nhân ấy là anh!

Chị muốn chạy ngay đến viện để mọi điều được sáng tỏ, nhưng có cái gì đó níu chân chị lại. Nếu người đó là anh thì sao? Liệu anh có còn nhớ tới chị không? Nếu còn nghĩ tới chị, ngần ấy năm anh đã đi tìm. Không, chỉ là sự trùng hợp thôi. Có lẽ chị và anh không còn duyên gặp lại. Chị sợ một lần nữa bị thất vọng. Chị tự dặn lòng mình!

* * *

Mấy ngày trôi qua thật chậm. Hôm nay là ngày người bệnh nhân ấy xuất viện. Chị đấu tranh với chính mình. Đã đến lúc con bé phải được biết về cha nó. Có lẽ ông trời đã run rủi cho cha con gặp nhau. Chưa khi nào ý nghĩ cho con chị nhận cha lại mãnh liệt như lúc này. Nhưng, biết đâu anh không muốn nhận thì sao? Đã ngần ấy năm không gặp, biết cuộc sống anh thế nào? Chị hơi hoang mang. Chị cứ ngập ngừng, đi ra đi vào trong nhà. Cuối cùng chị quyết định: Đến bệnh viện!

Chị vào đến cửa khoa, một người đàn ông trạc ngoài năm mươi tuổi, tay xách túi đi ra, dáng vẻ còn yếu lắm, đi bên cạnh là người phụ nữ tuy không trẻ nhưng rất lịch lãm, trí thức. Chị đứng sững! Miệng khô khốc! Lắp bắp không lên lời.

Người đàn ông lướt qua chị, đi về phía chiếc ô tô đậu gần đó. Xe chạy, bỏ lại một lớp bụi mỏng. Chị nhìn theo chiếc xe, hai chân khụy xuống, chới với. Chị bám vội vào cửa xếp.

Minh Khang – Đúng là anh! Anh đã ở rất gần chị nhưng chị không thể gọi tên anh thành lời. Trời ơi!….

* * *

Máy bay đáp xuống sân bay Liên Khương thuộc tỉnh Lâm Đồng. Hành khách chờ lấy đồ quanh chiếc thang máy chạy vòng tròn. Chị kéo chiếc vali ra khỏi cửa an ninh, đưa mắt tìm một chiếc taxi. Chiều Đà Lạt mây mù giăng kín đỉnh núi, mây sà xuống thung lũng phía xa, một cảm giác buồn man mác dâng lên trong lòng chị.

Chị xin đi công tác chuyến này để trở lại Đà Lạt sau 26 năm. Cảnh vật thay đổi nhiều. Thành phố được xây dựng trù phú hơn, qui mô hơn, đã xuất hiện những ngôi nhà cao tầng nơi trung tâm thành phố, những khu biệt thự còn nguyên màu sơn mới.

Chị tản bộ quanh hồ Xuân Hương, tìm kiếm quán cà-phê hẹn hò của lòng chị. Hai mươi sáu năm rồi. Hơn một phần tư thế kỷ chị mới trở lại nơi này. Thời gian đã thay đổi nhiều điều, chỉ có kỷ niệm trong chị còn mới nguyên. Hàng thông xanh thẫm soi bóng xuống lòng hồ, cây cao hơn, cứng cáp hơn trước gió sương. Gió mơn man da thịt, se se lạnh. Chợt rùng mình, chị đưa tay kéo chiếc khăn vừa rớt khỏi vai. Đà Lạt mùa mưa, buồn ảm đạm. Bầu trời xám xịt, gió vi vu thổi qua hàng thông xào xạc. Bất chợt một cơn mưa ào xuống, chị bước vào một quán nhỏ bên hồ. Em gái phục vụ trong quán nhẹ nhàng:

– Chị dùng gì ạ?

– Cho chị một ly nâu đá.

– Dạ!

Người Đà Lạt nói năng nhỏ nhẹ, luôn kèm theo từ “dạ” cuối câu làm người nghe thấy sự lễ phép, khiêm nhường. Quán nhỏ nhưng sạch sẽ. Tiếng nhạc không lời du dương, nét nhạc nhẹ nhàng sâu lắng, đưa tâm hồn người nghe xuôi miền ký ức. Chị lướt qua các đồ vật trang trí trong quán, một giá sách nhỏ đặt ở góc phòng, một cây đàn ghi ta gỗ treo trên tường, vài bài thơ tình khắc trên gỗ treo rải rác. Phong cách bài trí giản dị, không phô trương. Bất giác ánh nhìn dừng lại trước một vật rất quen thuộc: Bản nhạc của Trịnh Công Sơn khắc trên gỗ được treo ở vị trí trang trọng trong quán – “Một cõi đi về.”

Chị sững người trong giây lát, cảnh vật thay đổi nhiều quá, duy chỉ có bản nhạc đó còn sót lại.

* * *

Tốt nghiệp đại học, Trúc không xin được việc làm vì gia đình nghèo không có tiền chạy chọt. Tấm bằng đại học đành gói lại trong góc tủ. Trúc đi học nghề thêu, làm đồ thủ công. Trong một lần lên thăm bà cô ruột bị ốm đang sinh sống tại Đà Lạt, Trúc tới xưởng thêu của cô và rất thích nơi này. Trúc trở thành công nhân xưởng thêu.

Một buổi chiều trên đường về nhà, cơn mưa bất chợt ào xuống, táp vội vào quán cà-phê nhỏ cạnh Hồ Xuân Hương trú mưa. Tay rũ rũ vạt áo cho những giọt nước mưa chưa kịp thấm rơi xuống. Những giọt mưa sối xả, táp vào mặt người đi đường. Anh thanh niên dựng vội chiếc xe, ào vào quán. Những giọt mưa thấm ướt áo sơ mi bó sát người. Trời Đà Lạt có chút mưa làm cho cái lạnh trở nên se sắt hơn. Để mưa khỏi hắt vào người Trúc đứng nép sát vào cây cột. Quán nhỏ, đông người trú làm mọi người xích lại gần lại nhau. Trúc ngước mắt lên, bất chợt chạm ánh mắt anh. Ngại ngùng vội nhìn qua nơi khác. Chợt anh cất tiếng:

– Hình như em làm việc ở xưởng thêu phải không?

– Dạ, sao anh biết?

– Ngày nào anh cũng gặp em đi trên con đường này rồi rẽ vào xưởng thêu.

Trúc hơi chột dạ nhưng thấy vui vui. Một vài câu chuyện bâng quơ làm hai người thấy gần gũi. Cơn mưa bất chợt mau đến cũng mau đi, trả lại cho bầu trời chút ánh nắng cuối ngày trong veo. Tia nắng xiên qua rừng thông, rọi xuống mặt hồ long lanh. Hai người dắt xe ra khỏi quán. Họ quen nhau từ đó.

Anh là giảng viên của trường Cao đẳng Đà Lạt. Cũng như Trúc, anh từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp. Sáng sáng, quán cà-phê nhỏ là nơi họ chờ nhau cùng đi làm. Đường Đà Lạt dốc kề dốc, hai người cùng nhau đạp xe, đường như bằng phẳng hơn, gió như nhẹ hơn, vòng quay bánh xe như nhanh hơn. Họ yêu nhau từ khi nào không rõ.

Tối thứ bảy hàng tuần, anh đưa Trúc tới quán cafe nghe nhạc Trịnh. Ở đây khán giả được tự thể hiện những bản nhạc Trịnh êm đềm sâu lắng. Đêm nào cũng vậy, anh ôm cây ghi ta gỗ, hát tặng Trúc bài: “Một cõi đi về”. Say trong tiếng đàn của anh và biết bao đêm bài hát đã cùng Trúc đi vào giấc ngủ.

Một chiều, Đà Lạt se se trong cái nắng nhàn nhạt. Hoa dã quì nở vàng rực cả quả đồi. Loài hoa có sức sống mãnh liệt. Hoa nở chấm dứt mùa mưa của Đà Lạt gọi nắng về cho trăm hoa đua nở. Có lẽ bởi thế mà dã quì còn được người dân Đà Lạt gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương: Hoa báo nắng!

Anh đưa Trúc lên Đồi Mộng mơ. Ngồi sau xe, quàng tay ôm ngang eo, tựa đầu vào lưng anh, lòng sao xuyến. Gió mơn man trên da thịt. Xiết chặt bàn tay Trúc, nhìn vạt hoa vàng rực bên kia đồi anh nói:

– Mình cưới nhau vào mùa hoa báo nắng nhé.

Đôi má Trúc ửng hồng.

Hai người xây một lâu đài hạnh phúc, nơi đó có những đứa trẻ.

– Em à, sau này em muốn có con trai hay con gái?

– Con trai, em muốn nó giống anh.

– Anh muốn một cô công chúa, giống em cái miệng nói như dỗi.

Đôi mắt say đắm, anh nhẹ nhàng nâng cằm, đặt lên môi Trúc nụ hôn nóng bỏng. Ôm sát Trúc trong lòng, trái tim anh đang lỗi nhịp. Tình yêu long lanh trong mắt. Cảm nhận hạnh phúc lan truyền trên da thịt. Trúc nép vào lòng anh, bé bỏng, yếu đuối. Dường như họ sinh ra là để cho nhau. Một sự kết hợp của tạo hóa…

Một ngày mưa bay bay, Trúc đứng chờ anh đi làm nơi quán cà-phê. Bóng anh xuất hiện đầu con dốc. Có một người con gái ngồi sau đang nhoài người che ô cho anh. Trúc choáng váng, nhưng cũng kịp nhận ra đó là con gái ông hiệu trưởng, nơi anh công tác. Đi ngang quán, anh nhìn qua nơi khác như không hề biết có người đang chờ. Lòng Trúc thắt lại.

* * *

Chiều Đà Lạt, trời u ám. Trúc nhận được tấm thiệp mời đám cưới của anh với con gái ông hiệu trưởng. Lòng đau nhói, rã rời. Nước mắt chảy ngược vào trong, dâng trào nỗi tủi thân, vô vọng. Mất phương hướng đến vô định, Trúc không biết mình phải sống ra sao khi không có anh bên cạnh. Anh là người họa sĩ vẽ những nét đầu tiên lên tâm hồn trong trắng của Trúc. Trúc ngã bệnh!…

Ngày anh cưới vợ cũng là ngày Trúc chia tay Đà Lạt ra Bắc, mang theo giọt máu của anh. Niềm vui Trúc chưa kịp nói với anh.

* * *

Tiếng đàn ghi ta trầm ấm vang lên trong quán nhỏ. Chị sực tỉnh, cúi xuống nhấp một ngụm nhỏ cafe. Vị đắng của cà-phê rươm rướp trong cổ họng. Nếu cà-phê chỉ có vị ngọt, có lẽ không có nhiều người nghiện đến thế. Mưa tạnh. Trời tối. Chị không để ý tới xung quanh mọi người đã đến uống cà-phê và nghe nhạc. Hôm nay là thứ bảy. Tiếng đàn ghi ta réo rắt bản nhạc “Một cõi đi về” sâu lắng, da diết nhưng buồn và cô đơn quá. Chị giật mình. Tiếng đàn rất quen. Anh đó sao? Dụi mắt nhìn lại lần nữa. Đúng là anh!

Tiếng đàn vừa dứt, chị tiến lại gần anh:

– Anh Khang!

Người đàn ông hơi ngạc nhiên khi nghe có người gọi tên mình. Nâng cặp kính cận lên, anh nhìn chị chăm chú. Nét mặt biến sắc, ngỡ ngàng:

– Trúc phải không?

– Em… Trúc đây…

Hai người tản bộ quanh hồ, im lặng trở về với ký ức. Rất lâu, rất lâu sau anh mới mở lời:

– Cuộc sống của Trúc thế nào?

– Em đang sống cùng con gái, cũng ổn. Còn anh?

Anh không trả lời vào câu hỏi của chị:

– Em không sống với chồng? Em đã ly dị?

– Em chưa bao giờ lấy chồng.

Anh không giấu nổi ngạc nhiên, nói như hụt hơi, đứt quãng:

– Vậy, con gái em… Nó… bao nhiêu tuổi?

– Hai mươi lăm.

Chị cúi đầu, bước chậm chậm. Linh tính của người cha mách bảo, anh vội vã quay qua, hai tay nắm chặt vai chị:

– Nó là… con anh? Phải không… Trúc?

Đôi tay anh run lên trên bờ vai chị. Gương mặt anh đau khổ. Chị nhìn thấu niềm ân hận, xót xa, day dứt trong ánh mắt anh. Ngồi thụp xuống, anh ôm đầu khổ sở.

– Trời ơi!…

Rất lâu, rất lâu sau chị dìu anh đứng lên. Anh đau khổ và ân hận:

– Anh… có lỗi với… em và con.

– Mọi chuyện đã qua rồi anh à. Cuộc sống của anh thế nào?

Chị nhìn anh, chờ đợi câu trả lời:

– Nhiều năm qua anh đã đi tìm em. Anh mong gặp lại em nhưng anh luôn sợ khi gặp, em quay lưng lại với anh, sợ ánh mắt lạnh lùng của em. Anh đã sống trong giày vò và ân hận. Anh chỉ biết cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với em.

Anh cúi đầu, tội nghiệp.

– Còn vợ con anh?

Phải một lúc lâu anh mới trả lời câu hỏi của chị, khổ sở:

– Biết nói với em thế nào… Anh… Anh đã thất bại trong hôn nhân.

Hai người lặng lẽ đi bên nhau, nghe thấy tiếng ngập ngừng của hơi thở. Thời gian như dừng lại, se se buồn. Khó khăn lắm anh mới bắt đầu được câu chuyện:

– Anh có lỗi với em, Trúc à. Anh không thể tha thứ cho mình vì sai lầm này. Anh phải trả giá!

– Mọi chuyện đã thành quá khứ rồi, có ân hận cũng không thay đổi được gì anh à. Ngày đó mình quá trẻ, khó tránh khỏi sai lầm.

Anh nhìn chị, gương mặt đầy đau khổ, giọng anh bình tĩnh trở lại:

– Anh lấy vợ được ba năm thì vợ anh đi theo người khác, một Việt kiều. Cô ấy đòi ly dị để được kết hôn với người ta. Sau đó được bảo lãnh ra nước ngoài sinh sống. Từ đó đến nay chưa bao giờ gặp lại.

– Vậy người phụ nữ hôm đón anh ra viện là ai? Em cứ nghĩ…

Gương mặt anh lộ rõ vẻ ngạc nhiên:

– Em ở bệnh viện hôm đó ?

Chị lặng lẽ gật đầu.

– Trời đất! Đó là cô bạn đồng nghiệp đi công tác cùng, qua đón anh rồi ra sân bay về Đà Lạt.

– Vậy à!

Chị chợt thở nhè nhẹ, đưa tay lùa vào mái tóc, cảm giác thư giãn, thoải mái.

– Con anh thì sao?

– Anh không có con.

Anh như sực nhớ ra điều gì, ánh mắt vui hẳn lên:

– Em có mang ảnh con ở đây không?

Chị khẽ gật đầu, mở ví lấy ra tấm ảnh con bé. Cầm bức ảnh tay anh run run. Bất chợt, anh rút trong ví ra một tấm ảnh giống hệt của chị.

– Trời! Con bé làm việc ở bệnh viện? Khi gặp con bé anh đã giật mình, nó giống em như hai giọt nước, nhất là cái miệng. Nhìn con bé anh đã ao ước có được một đứa con gái như nó.

– Con bé đã kể về một bệnh nhân tên Phùng Minh Khang, nói nó giống một người quen cũ. Em đã nghĩ đến anh. Em tới bệnh viện hôm anh xuất viện, đã nhìn thấy anh nhưng…

– Trúc ơi, anh đã tự dằn vặt mình bấy nhiêu năm, đã đến lúc ông trời thương anh, cho anh gặp con đi em.

Giọng anh thảng thốt, ánh mắt van xin chị một ân huệ.

– Em đã hứa với con bé, khi nào con lấy chồng, cha sẽ dắt con đến trước bàn thờ chúa. Cuối năm con lấy chồng.

Anh như vồ lấy bàn tay chị, run run, gấp gáp:

– Cảm ơn… em!

* * *

Tỉnh giấc, chị vươn vai dời khỏi giường, với tay kéo cánh rèm cửa sổ, nhìn ra hồ Xuân Hương. Mặt hồ xanh ngắt, phẳng lặng như một tấm gương lớn. Một cơn mưa bóng mây vừa tạnh, trả lại cho đất trời bầu không khí mát mẻ, trong lành. Xa xa đám mây đen tan biến, vầng mây hồng le lói ánh mặt trời. Đà Lạt vào mùa hoa báo nắng.

M.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder