Hoa gắm: Truyện ngắn – Bùi Thị Như Lan

Tôi nhẹ nhàng nâng từng cánh hoa gắm đậu trên thảm lá khô. Những cánh hoa hình trái tim mỏng manh, bé bỏng ấy đã đến lúc rời đài hoa để quả non nhinh nhính, tròn trĩnh bằng hạt ngô rụt rè hé mắt. Như ước hẹn với đất trời, với tôi, mỗi độ xuân sang, trời lây phây rắc bụi nước là cây gắm trổ hoa.

Thật lạ! Gắm không ra nhiều hoa. Giữa ngút ngàn lá xanh màu diệp lục, gắm khe khẽ cựa mình, tách vỏ, trên thân cây xù xì, nâu thẫm chợt bừng sáng một chùm lửa hồng lung linh, tỏa hương thơm dìu dịu ướp đẫm khoảng rừng ven sông Nậm Tháy.

Qua xuân, sang hạ, những cánh hoa ảo diệu khẽ khàng bay xuống ngồi trong lòng đám lá dưới mặt đất. Để rồi, tôi nâng niu từng cánh hoa, thả vào trong thuyền trúc to bằng sáu bàn tay chụm lại, mang về treo trên vách liếp trong gian buồng nhỏ nhoi, trống trải. Con thuyền trúc có cái mũi vểnh lên như đầu rồng ấy, anh Dầm đan nó trước ngày xa tôi. Anh bảo thuyền anh chọn bến bờ tôi để neo đậu, lúc nào nhớ anh, nhìn vào lòng thuyền anh sẽ về. Là anh nói thế để tôi yên lòng thôi. Anh đi rồi, ngày ngày tôi mê mải ngắm thuyền. Chớp mắt, mở mắt mà sao không thấy bóng hình anh? Con thuyền uống mồ hôi, ngậm nước mắt của tôi giờ khoác áo vàng óng, lòng thuyền ăm ắp những cánh hoa. Dường như hoa gắm đọc được đầu tôi nghĩ gì, nó không biết héo tàn, cánh hoa luôn sáng lên màu hồng ấm áp, mặc cho thời gian dần trôi.

Vào cái lúc thằng Sáng con tôi mới tắm nắng trời được năm năm, đêm đêm trong tiếng gió hú, tôi nghe ngàn vạn giọng lao xao từ lòng thuyền ngân lên. Lúc êm ái du dương, lúc thủ thỉ thì thầm, lúc ngân nga thánh thót, lúc lại như tiếng trách hờn giận dỗi… và từ trong hư không vắng lặng, có cả tiếng thở dài trầm buồn của những cánh hoa. Tiếng thở thẳm sâu ấy như nhịp thở dồn nén trong ngực tôi, nó làm tâm hồn tôi đau nhức nhối như có hàng trăm con dao cứa cắt. Trái tim tôi thổn thức, lòng tôi nóng bừng bừng và tôi bật khóc tức tưởi. Nước mắt tôi lã chã chảy xuống người thằng Sáng, nó giật mình ôm chầm lấy tôi. Trong ánh trăng bàng bạc đổ tràn qua cửa, nó cuống cuồng đưa đôi tay bụ bẫm gạt nước trên mắt tôi rồi thủ thỉ:

– Mé, ai làm mé đau?

Tôi nấc nghẹn:

– Không ai làm mé đau, mé bị cái bụi làm mắt mé chảy nước thôi.

Thằng Sáng dụi đầu vào ngực tôi, thì thầm:

– Mé đừng thế, con sợ…

Tôi ôm siết con, cắn môi ghìm tiếng nấc, nuốt nỗi đau vào sâu trong bụng. Thằng Sáng còn bé quá, nó làm sao biết cái khổ của hai mé con. Nhiều hôm có việc phải đi ra ngoài, đôi mắt đen tròn có hàng mi dày ngợp của tôi thường dán xuống vạt cỏ mày mạy ở mép đường để tránh cái nhìn của người bản. Mường trên, mường dưới, bản cao, bản thấp, mỗi khi có đám vui, đám buồn, mẹ con tôi có đến cũng chỉ dám đứng dưới gầm sàn hay dưới sân thôi. Tôi không muốn thằng Sáng phải nghe những lời nói có gai mọc. Tôi sợ con phải nhìn, phải chịu trăm, ngàn ánh mắt lạnh lùng, diễu cợt và xoi mói. Không đến nhà đám thì không được. Đến rồi về nghĩ càng khổ nhiều. Đấy là một nhẽ thôi, tôi còn có nỗi sợ lớn hơn, đó là sợ phải chạm mặt với mẹ anh Dầm. Bà chối bỏ tôi, không nhận là dâu con họ Hoàng, tôi cam chịu số phận. Còn thằng Sáng, nó có tội tình gì đâu? Nó là giọt máu nhỏ nhoi của anh Dầm đấy thôi. Có lẽ nào bà không nhận cháu? Tôi thương con quá đi. Con tôi có họ nội mà sao vẫn phải mang họ ngoại?

Hình như, từ sau cái lần gặp mẹ anh, lúc thằng Sáng còn nằm trong bụng tôi, mỗi khi nghĩ đến, tôi vẫn thấy ngực mình nghẹt thở, cái chân run rẩy muốn ngã khuỵu xuống, bụng như xé ra thành trăm ngả, mắt túa ngàn mảnh vỡ kỳ quoái…

Chiều tháng tư, một luồng gió chợt ào qua kéo mây che nắng. Tôi nín thở hồi hộp bước lên sàn nhà anh Dầm. Ngôi nhà to nhất vùng này là của tộc trưởng họ Hoàng, một dòng họ nổi tiếng giàu có và uy quyền. Tôi đến đây không phải nhờ vả mà để nói với gia đình anh, đứa trẻ tôi mang trong người là dòng máu của dòng họ Hoàng, là mầm sống nhỏ nhoi của anh và tôi. Tôi thu hết can đảm để mà nói. Cho đến giờ tôi cũng không nhớ nổi mình đã nói những chuyện gì để mẹ anh bỗng nhiên nổi giận. Bà quắc mắt nhìn tôi, cái nhìn sắc lạnh đầy âm khí rồi cất lời chì chiết:

– Mây à, mày mang lửa độc về đốt nhà tao đấy ư? Thằng Dầm nó đi xa lâu rồi, nó có ở nhà đâu mà đổ vạ cho nó? Thôi khắc làm, khắc chịu, đừng mang tai vạ đến nhà tao.

Đầu tôi bỗng trở nên mụ mị, choáng váng, thời khắc như ngừng trôi. Ngực tôi ứ nghẹn. Tôi bỗng nấc lên. Nấc khan nghẹn ngào mà không rơi nước mắt. Thì ra, trước đau đớn mắt tôi đã không biết chảy nước. Có tiếng chị dâu anh Dầm thì thầm bên tai tôi: “Mây à, về đi, sao lại ra nông nỗi này?” Rồi như để an ủi, chị kéo tay tôi đi ra ngõ, sau lưng tôi, mẹ anh vội vã vốc gạo, muối ném theo và cài lá lên cửa nhà.

Ngày ấy, người tôi gầy rộc đi, xanh mướt. Nếu tôi không có mẹ, chắc hẳn tôi đã gục ngã vì đau khổ và tuyệt vọng. Mẹ không một lời trách mắng tôi. Tấm lòng bao dung, độ lượng từng nếm trải mất mát của mẹ đã truyền choi tôi sinh khí, sức lực để tôi trụ vững trước cuộc đời nghiệt ngã. Mẹ bảo tôi đừng có mà ủ ê, buồn khổ, phải cố mà ăn để đứa bé trong bụng nó hỏe, nó lớn lên mạnh mẽ như cái cây mọc trên đá, chờ ngày bố nó trở về…

Thế mà, mẹ cũng không ở với tôi được lâu. Năm thằng Sáng lẫm chẫm bước đi thì mẹ tôi bị trúng gió, người mẹ tím tái như ăn phải quả độc, mẹ chỉ kịp dặn tôi cố nuôi thằng Sáng thành người rồi bỏ tôi và cháu ra đi. Một lần nữa cái mắt tôi lại không đổ ra nước, tôi oằn người lại rồi sụp xuống thi thể mẹ trong đau đớn đến tận cùng.

Tôi ngồi thừ ra dưới gốc cây gắm bao lâu rồi cũng không biết nữa. Tôi chưa muốn về nhà. Ở đây, giữa chốn rừng hoang sơ đầy ắp ngàn chim ríu rít, tôi tha hồ nhìn gió chạy nhảy, nô đùa. Gió ve vuốt, mơn man lá gắm, gió vấn vít cành phách đang trổ hoa vàng làm bụi phấn bay phiêu diêu. Gió còn lăn lộn, ngấu nghiến túm lấy cây gắm mà đu vít rồi bất chợt lồng lên bứt lá bay lả tả…

Tôi âm thầm ngắm gió mà nhớ thằng Sáng da diết. Nó giống cha nó ngày trước, cũng chọn mùa hoa gắm mà ra đi, cái chân khỏe theo con gió bay xa tới tận chân trời, góc bể. Tôi muốn níu kéo mà không thể, muốn trì hoãn bước chân của anh, của con trai nhưng không giữ nổi. Cái hôm thằng Sáng lên đường nhập ngũ, nó xúng xính trong bộ quần áo màu xanh còn thơm mùi vải ấy sao giống anh đến thế? Giống như tạc vậy. Cũng gương mặt chữ điền vuông vức với vầng trán rộng có mớ tóc lòa xòa rủ xuống, đến đôi mắt to cương nghị luôn nhìn thẳng và cái mệng trễ ra chưa nói đã như cười. Lúc ấy tôi giật mình thảng thốt, ngỡ ngàng và nhớ cha thằng Sáng da diết.

Mới đấy mà thằng Sáng đã đi được hai mùa hoa gắm rồi. Cách đây mấy hôm, tôi nhận được thư nó. Trong thư nó kể nhiều chuyện lắm. Nó đi ra khỏi hẻm núi, cánh rừng thì mắt tự sáng ra vì nhìn thấy nhiều cái hay, việc tốt. Nó còn khoe được đơn vị cho đi học ôn văn hóa thi vào Học viện Chính trị. Ây dà, cái học viện ấy ở đâu, to bằng nào thì tôi không biết. Nhưng, tôi tin vào sự lựa chọn đường đi của con. Lúc học xong phổ thông nó bảo, con muốn trở thành người lính như cha ngày xưa, sau này về đi học đại học chưa muộn. Giờ thì nó ở mãi bộ đội rồi. Nó thích thì tôi cũng không ngăn nó. Quanh năm tôi không ra khỏi rừng thì cái ý nghĩ cũng hẹp như khe núi thôi, tôi có biết nhiều đâu mà góp ý cho con. Thằng Sáng nói trong thư, vài tháng nữa nó sẽ về thăm tôi, nó nhớ nhà, nhớ núi lắm rồi. Tôi cũng không biết có phải nó an ủi tôi hay không mà gần cuối dòng chữ nó viết: “…Mé à, có lẽ mé sẽ ngạc nhiên khi con nói điều này, thủ trưởng của con trước ở cùng đơn vị chiến đấu với cha. Con được nghe nhiều chuyện về cha lắm đấy. Nhưng, trang giấy này nhỏ quá, con không kể nổi chuyện, hẹn mé ngày con trở về, con sẽ nói nhiều. Có điều, con rất tự hào về cha…

Ui chao! Cái thằng nó muốn giấu tôi chuyện về cha nó hay sao mà nói nửa kín, nửa hở để tôi nóng bụng thế này? Nó biết những gì thế? Chuyện lành hay chuyện dữ? Tôi mong nó về quá thôi. Sự linh cảm của người đàn bà mách bảo cho tôi có chuyện hệ trọng lắm thì phải. Tôi muốn nói lại với con lời ao ước của anh năm nào, nhưng cứ nấn ná mãi lại thôi. Ừ! Cái lúc chia tay anh dưới cây gắm này, anh từng thì thầm: “…Giá như mình có con…”. Mà đến lúc có con rồi thì anh đi biền biệt, đi mãi không trở về. Tôi vẫn không nguôi hy vọng rằng cái giấy báo anh hy sinh là nhầm lẫn với ai đó thôi. Anh Dầm của tôi vẫn còn sống, một ngày nào đó anh sẽ trở về với mẹ con tôi, để thằng Sáng được gọi lên tiếng “cha” mà từ bé nó hằng khao khát, để cho tôi có cột chắc mà dựa vào, để họ Hoàng nhà anh ghi tên nó vào trong gia phả. Bao năm nay rồi, con tôi chỉ là đứa cháu hờ, đứa trẻ bị bỏ quên, không được họ Hoàng để mắt đến.

Buổi chiều, trước hôm thằng Sáng lên đường nhập ngũ, nó loay hoay làm luôn tay, hết việc nọ đến việc kia, chốc chốc lại đưa tay quệt ngang mắt. Tôi muốn nói với con nhiều lời trước lúc nó vuột khỏi tầm mắt của tôi, mà tôi không sao nói nổi. Cứ quẩn quanh, chần chừ, dắn đo mãi rồi tôi cũng phải nói cái chuyện khó nói. Tôi bảo con:

– Cái chân mày, ngày mai đi xa lâu đấy, mé muốn mày sang Nà Thảy chào bà nội với các bác bên ấy cho phải con à.

Thằng Sáng đưa đôi mắt đỏ như ráng chiều, ầng ậng nước nhìn tôi lắc đầu:

– Nhà bên ấy không vui khi nhìn mặt con.

– Con nghĩ không đúng rồi. Cái đường hay đi thì quang, không đi thì cỏ mọc tốt. Ông mất rồi thì đã đành, còn bà có lúc sẽ nghĩ lại thôi.

Con tôi chớp chớp mắt nghẹn lời:

– Biết bao giờ thì bà nghĩ tốt cho mé con mình đây? Năm nào cũng thế, cái tết đến, con mang bánh sang thắp hương trên ban thờ, bà cũng lườm nguýt. Phận con rơi tủi lắm.

Tôi an ủi:

– Bà già rồi, con nghĩ làm gì. Các bác trai, bác dâu bên ấy tốt với con lắm đấy.

Xẩm tối, thằng Sáng dắt ngựa trong chuồng ra, leo lên lưng ngựa phóng như bay về phía Nà Thảy. Nó đi mãi đến nửa đêm, lúc sương rơi lộp độp trên mái nhà mới về. Ôm ngang lưng tôi, nó thầm thì:

– Con sang chào, bà nội nhìn con mãi rồi thở dài không nói gì.

Tôi bảo con thế là tốt rồi và vội giục nó đi ngủ lấy sức mai còn đi xa. Nó lăn ngay ra cạnh bếp mà ngủ, không biết nó mơ gì mà cái miệng cười tủm tỉm suốt đêm ấy.

Sáng sớm thì nó đi. Tôi thấy hẫng hụt và trống vắng. Cái chỗ nó ngồi bao năm nay trên phản gỗ giờ trống hơ, trống hoải. Trước đây, mâm cơm dọn ra chỉ có rau thôi cũng thấy ấm áp bởi tiếng cười trong vắt của nó. Giờ thì một mình tôi, một bát, một đũa, miếng cơm nghẹn đắng trong cổ. Nhưng phải cố chịu thôi. Tôi không muốn mình là cái dây gai trói buộc cuộc đời rộng dài của con. Trước mắt nó, qua hết dãy núi lớn, núi bé là tới đường bằng rộng lớn rồi.

Chiều nhập nhoạng tối tôi mới trở về nhà. Tôi biết đêm nay, giữa hương gắm nồng nàn, tôi sẽ thao thức, bồn chồn nhớ anh, nhớ con đến quặn thắt bụng thôi. Có lẽ suốt cuộc đời, từ lúc gặp anh đến giờ, trong tôi chưa bao giờ nguôi phấp phỏng, lo lắng, bứt dứt và giằng xé cồn cào.

*

* *

Tôi mải miết ngược sông Nậm Tháy, bản Nà Mạy của tôi đã ở sau lưng vài dặm đường, còn chừng mấy sải chân là đến rừng Phây Dú rồi, sao cái chân tôi muốn ríu lại? Bước đi nặng như dính chặt xuống đường đá. Bao lần tôi đến đây gặp anh, chưa một lần tôi đếm bước chân như hôm nay. Không hiểu sao tôi lại làm thế. Tôi đã đi ngàn bước chân rồi, sao vẫn quay lại đếm một…hai…ba? Tôi muốn kéo thời gian trùng lại, dài ra để đừng tới ngày mai. Tôi sợ ngày mai biết bao. Tôi sợ phải xa anh, xa bao lâu thì tôi không biết. Anh như con thú đủ lớn chạy khỏi cánh rừng, còn tôi giống như gốc cây để con thú dừng chân lấy sức mà thôi.

Mải nghĩ lung tung mà tôi vẫn không quên lẩm bẩm con số vô hồn một… hai…ba… Lẽ ra, tôi đã về làm dâu họ Hoàng nhà anh cách đây hơn mùa cây gắm trổ hoa. Nhưng, ông trời không thương thì tôi đành chịu vậy. Tôi không dám cạy miệng trách giận ai, chỉ tại số tôi không tốt thôi.

… Tháng chín, mặt trời đánh lửa trên đỉnh núi Khau Khiên chia nắng xuống rừng, đuổi sương trên mặt lá. Người bản rộn rịp rủ nhau sang nhà tôi. Hôm nay nhà tôi có chuyện vui mà. Ở đây là thế, cái bản nhỏ của tôi với vài chục nóc nhà sàn ôm chân núi Khau Khiên giống như bầy nấm đầm ấm sau trận mưa trồi lên trên dải đất, có vui cùng hưởng, có buồn cùng chia. Mẹ tôi hết đi ra lại đi vào, chạy lên, chạy xuống cầu thang, giục tụi con gái nhanh tay pha nước chè đắng, bày bánh mật, bánh khảo ra đĩa. Sắp tới giờ khách ở Nà Thảy tới rồi. Khách là ai thì cả bản đã biết. Người già vẫn rỉ tai nhau: “Cái con Mây đi bên thằng Dầm như đôi chim noộc thúa đẹp bộ lông, khéo giọng hót”. Mọi người mừng cho mẹ tôi khéo chọn được con rể tốt.

Đêm qua, vào cái lúc gió đập vách phên ầm ầm thì tôi đang khâu chăn, cái chăn của người con gái mang về nhà chồng làm dâu. Tôi chợt nghe tiếng thở dài sâu hun hút nhưng rất nhẹ của mẹ. Tiếng thở cố ghìm nén lại như có cái gai đang mọc trong ngực. Mẹ bỗng chép miệng:

– Mây à, nhà họ khác nhà mình, mày không khéo ăn, ở thì khổ.

Tôi ấp úng:

– Con…con nhớ lời mé dạy từ bé mà.

Mẹ xa xót:

– Cái bụng mé như có lũ kiến vàng nó đốt con à. Giá như mày là con trai thì tốt…

Mẹ bỏ dở câu nói rồi chốc chốc lại thở dài, thả cái buồn vào bóng đêm. Trời thu lành lạnh mà khuôn mặt hiền hậu của mẹ lấm tấm những giọt mồ hôi. Thì ra bấy lâu nay tôi không biết, không nghĩ đến cái khổ tâm cào cấu bụng mẹ. Thảo nào độ này mẹ hay nhìn tôi thế. Tôi có hỏi, mẹ chỉ cười, nụ cười heo hon mà không trả lời. Mẹ không muốn cái đầu tôi phải nghĩ đấy thôi. Cha tôi hy sinh ở mặt trận Quảng Trị hồi tôi mới hơn chục tuổi. Nhà có hai mẹ con, tôi đi lấy chồng rồi thì ai trông nom mẹ? Tôi bỗng lo quá đi thôi. Tôi sợ có điều gì đó sẽ đến với mẹ. Mẹ đã già, bước chân đi không còn nhanh nhẹn nữa, thời gian bào mòn vóc dáng, hình hài mẹ tôi rồi.

Chao ôi! Dưới quầng sáng lúc tỏ, khi mờ của lửa bếp, trong hương củi mần tang thơm đượm, khuôn mặt mẹ buồn đến nao lòng. Mẹ rọi cái nhìn tới một nơi nào đó xa xăm, vô định trong bóng đêm như tìm kiếm, như mong chờ… Ánh nhìn ấy nói cho tôi biết tâm can mẹ đang bị vò xé. Người tôi bỗng run lên, bải hoải, rã rời và khắc khoải trước ánh mắt vời vợi đầy bí ẩn của mẹ. Tôi định nói điều gì đó với mẹ mà không thể mở miệng được. Mắt tôi cay nồng, rưng rưng và tấy bỏng…

Vào cái lúc mặt trời chín đỏ rời ngọn Khau Khiên, nhả nắng chéo tán lá thì khách nhà trai đến làm lễ dạm hỏi, xin “lá số” của tôi. Rượu chum lớn, chum bé được rót ra, mọi người cùng nâng bát chúc đôi trẻ mau đến ngày làm lễ “hợp hôn”. Đúng cái lúc đang vui thì bát nhang trên ban thờ cha tôi bốc cháy bùng bùng, tỏa ra làn khói trắng tựa khối mây lớn. Chuyện này lạ quá đi thôi. Ở vùng này có bao giờ trong đám vui bát nhang tự hóa đâu? Ai nấy đưa mắt nhìn nhau, muốn nói với nhau những ý nghĩ lộn xộn trong đầu mà không sao dám nói. Nói ra nhỡ các thần phạt thì khổ đời mình, khổ cả đời con, đời cháu thôi. Tự dưng mọi người thấy lạnh từ trong bụng lạnh ra, người run lên cầm cập như bị rét. Thế này thì không ở lại chia vui nữa. Bát rượu đầu chưa hết mà người bản đã về rồi. Họ tộc hai bên ngại ngần nhìn nhau, chuyện nọ, chuyện kia bỗng thấy nhạt như nước mưa. Chưa mặn mà, đằm thắm đã phải nói lời giã từ rồi. Nhà trai lấy xong “lá số” của tôi đã lục tục ra về. Nhà tôi vừa đông vui thế mà giờ vắng ngắt. Mẹ tôi chốc chốc lại buông tiếng thở dài. Ngoài trời, tắt nắng tự bao giờ. Mây đen ùn ùn vần vũ. Gió giật phên liếp rầm rầm, rồi cơn dông đột ngột kéo nước đổ xuống. Gió mưa bứt quả trám trong vườn rơi xuống đất lộp độp.

Chuyện tưởng thế là thôi, nào ngờ bên nhà trai cho ông mối sang đánh tiếng, nhà trai mời thầy tào làm lễ, thầy phán các thần chưa ưng cho hai bạn trẻ làm lễ “hợp hôn”. Đám cưới phải để lại vài năm chờ ý trời ưng thuận. Từ nay, năm nào nhà gái cũng phải cúng thần, mang theo hình nhân thế mệnh lễ tạ, may ra hai người mới được về ở cùng nhà.

Họ Hoàng nói thế là không muốn đón tôi về làm dâu rồi. Trong tôi dâng lên nỗi buồn tê tái, ăm ắp sự hụt hẫng. Cái đau buồn như vón cục trong lòng tôi. Vật vã. Nhức buốt. Đầu óc tôi như đang tan chảy theo dòng nước mắt. Tôi khóc cho phận mình và khóc cả phần anh nữa.

Tôi đã đến bìa rừng Phây Dú, cái miệng thôi không đếm bước chân nữa. Nhưng mỗi bước chân của tôi là mỗi run lên, đến cái độ chân không bước nổi nữa thì mắt tôi vấp vào mắt anh. Anh đứng dưới gốc gắm già từ lúc nào và đang đặt cái nhìn vào tôi. Ánh nhìn của anh hôm nay lạ lắm. Vẫn là đôi mắt cháy lên ngọn lửa yêu thương nhưng sao đau đáu, khắc khoải, chới với và xa xót thế? Mắt tôi chìm vào mắt anh. Lồng ngực trinh trắng của tôi rung lên từng chập, từng hồi. Bất chợt, từ đâu đó trên vòm lá cất lên tiếng khắc khoải của con chim đa đa lạc bầy. Tôi giật mình thảng thốt, cơ thể mềm mại, yếu đuối của tôi như đổ vào người anh. Anh ôm siết tôi vào lòng, đặt nụ hôn miên man, bất tận lên khuôn mặt tôi. Đôi mắt đen huyền của tôi bắt lửa trong mắt anh cháy lên. Dưới nền lá rừng ngai ngái, nồng nồng, khuôn ngực tròn đầy, căng cứng của tôi nâng anh lên chơi vơi và dịu dàng dìm anh xuống. Giây phút nồng nàn ấy, hạnh phúc như dội ngấm vào hai người rồi lan tỏa từng đường gân, thớ thịt, mạch máu… Tôi và anh tan mềm vào nhau khi bóng chiều chạng vạng, trong tiếng chim khắc khoải gióng mãi vào thinh không vắng lặng.

*

* *

Chiều muộn, vạt nắng lẩn vào đám mây rồi trốn xuống bụng núi, sương mù dâng lên tỏa hơi ẩm ướt, lành lạnh. Tôi đưa mắt trĩu nặng cái buồn xuống con đường gập ghềnh đá giáp bờ Nậm Tháy. Dường như trên con đường ấy còn phảng phất hơi ấm của đôi bàn chân cha con thằng Sáng. Ừ, đã vài mùa trăng trôi qua, sao thằng Sáng không về như đã hẹn với tôi? Không biết nó làm gì mà lâu thế? Hay là cái chân nó quen đi đất bằng, không muốn mài trên đá nữa?

Miệng tôi chợt đắng ngắt. Bây giờ chuyện đã qua lâu rồi, cuộc đời tôi cũng bước sang ranh giới của sự héo hon tàn phai. Tôi đang cận kề chơi vơi như chiếc lá già sắp nhuốm màu vàng, thì mới thấy được sự chờ mong đằng đẵng với biết bao hy vọng của tôi, theo thời gian sao mà nhanh đến thế? Vừa qua một tiếng thở dài đã hơn hai mươi mùa con lũ trôi.

Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn nhớ cái cảm giác vừa vui buồn, vừa lo sợ, lại vừa như cồn cào lúc biết trong bụng tôi có giọt máu, mầm sống nhỏ nhoi đang lớn dần lên. Dẫu biết rằng gia đình anh ruồng bỏ, biết rằng người bản xì xầm cười chê, hắt hỉu, tôi vẫn thấy tràn trề hạnh phúc. Cái hạnh phúc lần đầu tôi được làm mẹ sao như bồng bềnh trên mây, lại như mênh mang trên sóng nước.

Tôi biết cỏ cây, dòng sông, mặt đất và núi rừng đã thấu hiểu và nhìn thấy hết cuộc sống lênh đênh, buồn nhiều hơn vui của hai mẹ con tôi. Trong tôi không nguôi ngoai niềm hy vọng, một ngày nào đó anh Dầm sẽ trở về và bù đắp mảnh đời hụt hẫng, thiệt thòi của tôi. Từ một nơi xa lắc, anh vẫn thủ thỉ tâm sự với tôi đấy thôi. Tiếng anh chìm trong tiếng gió, hòa vào âm hưởng rì rầm, miên man của sông núi, lời anh ấm áp nối dài thương nhớ.

Hình như có tiếng vó ngựa đang phi dồn dập trên đường đá, lại có cả tiếng lục lạc “leng…reng…reng…” trên cổ ngựa nữa thì phải. Mắt tôi căng ra trong bóng hoàng hôn chạng vạng. Kia rồi! Trên mình con ngựa nâu có bóng người đang cúi rạp, giật cương cho ngựa tung vó phi như bay lên nhà tôi. Ai vào cuối ngày thế này? Tôi chợt quýnh quáng, lập cập bước xuống cầu thang rồi sững lại trước cổng. Dường như thằng Sáng con tôi về thì phải. mà nó mượn ngựa ở đâu thế? Đầu tôi chợt ù đi khi tiếng vó ngựa đang tới gần. Tôi đứng dựa lưng vào cổng mà thở cho đến khi thằng Sáng nhảy từ trên lưng ngựa xuống, ôm chầm lấy tôi nó bảo:

– Mé, con nhớ mé, con đã về.

Tôi đưa đôi tay gầy guộc như cành lá khô mà ve vuốt con. Thằng Sáng của tôi vạm vỡ, rắn rỏi, chững chạc quá. Nó ăn cơm bộ đội có khác. Người nó chắc như cột nghiến lâu năm. Phải cái nó đen quá, như thể vừa chui từ than ra. Nó xuýt xoa:

– Mé gầy đi nhiều đấy.

– Ừ, Mé nhớ con quá Sáng à, mà sao mày đi lâu thế? Không muốn về nhà nữa hay sao?

Nó lắc đầu, đôi mắt ngân ngấn nước, giọng nói lạc đi:

– Mé, con thi đỗ Học viện Chính trị rồi. Con cùng thủ trưởng của con, bạn của cha vào trong Tây Ninh tìm mộ cha. Con mang hài cốt cha về.

Tôi run rẩy, choáng váng. Dường như đá đang sụt lở dưới chân. Trời đất quay cuồng. Mắt tôi khô như suối cạn. Tôi không còn nước mắt để chảy nữa.

Bên tôi, thằng Sáng thủ thỉ, nó nhắc tôi hãy vững vàng như bao năm vừa trôi qua. Nó nói, cha đã về rồi, mé đừng để cha đau lòng khi nhìn mé tiều tụy, đau đớn đến nhường này. Nó níu vạt áo, giục tôi:

– Mé, con đưa mé xuống ủy ban xã, cha đang nằm ở đấy. Xã nhà làm lễ truy điệu cha. Bà nội cùng các bác và dân bản đêm nay làm lễ nhập ma để hồn cha về với tổ tiên. Hai mé con mình đi thôi kẻo muộn…

Đêm vời vợi. Thăm thẳm. Sâu lắng.

Hương trầm ngút ngát. Cô tịch.

Gió nhè nhẹ, cuốn làn khói mỏng manh bay lên thinh không vằng vặc ánh trăng vàng.

Từ trên vòm trời, bỗng có quầng mây lớn tựa cánh buồm chở đoàn quân bồng súng, kiêu hùng, uy nghiêm đang nhẹ lướt… Tôi biết anh Dầm của tôi cùng đồng đội đã trở về.

Bỗng dưng nước mắt tôi trào ra. Bất giác, tôi nghe tiếng thằng Sáng thầm gọi: “Cha ơi!”.

B.T.N.L

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder