– Chồng tôi chết oan, ông Hàm ạ. Người ta nói rằng sở dĩ tôi không lấy chồng nữa vì trông chờ món tiền cứu trợ mà sự hy sinh của chồng tôi đem lại suốt đời cho tôi. Nhưng đã hai người đàn ông đến với tôi. Lần nào chúng tôi tâm tình với nhau, tôi cũng nhìn thấy hoặc là một con bươm bướm hoa đen hoặc một con đom đóm có ánh sáng rất kinh dị. Cả hai người đó đều chết đột ngột. Từ đó, không một người đàn ông nào dám đến với tôi….
– Chồng tôi chết oan, ông Hàm ạ. Người ta nói rằng sở dĩ tôi không lấy chồng nữa vì trông chờ món tiền cứu trợ mà sự hy sinh của chồng tôi đem lại suốt đời cho tôi. Nhưng đã hai người đàn ông đến với tôi. Lần nào chúng tôi tâm tình với nhau, tôi cũng nhìn thấy hoặc là một con bươm bướm hoa đen hoặc một con đom đóm có ánh sáng rất kinh dị. Cả hai người đó đều chết đột ngột. Từ đó, không một người đàn ông nào dám đến với tôi.
“Cốc Xá”. Hai chữ cuối cùng trong nhật ký của Ăng – toan. Đưa cuốn nhật ký cho Hàm, bà Jăc-cơ-lin than thở, giọng nhoà trong gió: “Cốc Xá, dấu chấm cuối cùng cuộc đời chồng tôi”. Hàm nhìn đăm đắm. Từ trang giấy đã còng lưng chịu sức nặng của thời gian, một cơn gió khác thổi hun hút vào đôi mắt Hàm. Em trai anh, Phạm Phan Trung, cũng viết cho anh trong lá thư cuối cùng: “Chiều nay bọn em hành quân về Cốc Xá”. Và cuộc đời em cũng đặt dấu chấm ở Cốc Xá. Ánh mắt anh như bay phiêu diêu trong không gian. Chỗ nào cũng chỉ thấy hai chữ “Cốc Xá”.
– Ngày mai đến Đông Khê, ông hãy giúp tôi đến Cốc Xá, cho tôi đặt chân lên mảnh đất cuối cùng Ăng- toan đã đi trên thế gian này. Ông không từ chối tôi chứ?
Hàm vẫn lật từng trang nhật ký, song không đọc nổi chữ nào, cũng không nghe thấy gì. Đôi mắt chỉ nhìn thấy trang giấy cuối cùng Trung viết. Bà Jăc-cơ-lin tôn trọng phút giây yên lặng của Hàm, giọng bà gần gũi hơn:
– Ăng- toan đã viết nhiều trang nhật ký thơ tặng tôi. Tứ thơ độc đáo, phải không thưa ông?
Không chờ Hàm trả lời, bà đọc luôn:
– … Em là trời cao xanh vời vợi, còn anh – biển sâu không cùng. Ôi! Biết bao giờ cho mặt biển trở thành gương soi, để trời cao xanh kia soi mình trong lòng biển… Để anh và em được gặp nhau…
… Anh thấy bao nhiêu là thương nhớ. Cái yên ắng của buổi trưa biên giới không dụ dỗ được anh vào giấc ngủ. Anh đứng nhìn trời mơ ước. Em ra đứng cửa cho hình hài hiện cả lên mây. Ước sao cơn gió từ nơi ấy đưa hương em ngào ngạt nơi này..
– Những dòng thơ quả có sức nặng. Phải chăng sức nặng đó đã giữ bà ở lại căn nhà ăm ắp kỷ niệm của chồng?
– Bốn mươi ba năm rồi tôi ngủ một mình trên chiếc giường còn tinh khôi ngày cưới. Cưới nhau xong là chia tay. Tôi cứ đợi. Mười hai giờ trưa mỗi ngày, trái tim tôi run lên đợi người phát thư đi qua phố. Mỗi tuần, tôi nhận đều đặn một lá thư đến từ xa xăm. Hôm nào nhận thư lại chỉ là thư của em gái, của bạn bè thì nỗi thất vọng trong lòng dâng đầy hai mắt. Tôi ít viết thư cho người thân, cho bạn bè để họ đừng gây cho tôi nỗi mừng hụt. Bốn mươi ba năm, Ăng- toan vẫn nuôi tôi… Thôi chúng ta về đi. Lần nào họ cũng phải chờ.
Lúc đến Điện Biên, đoàn du khách đi thăm các di tích của chiến trường xưa, đi thăm hầm Đờ Catri. Riêng Jăc-cơ-lin, bà lững thững ra khu nghĩa trang, đọc tên người trên bia. Lạ nhỉ, bà ta trăn trở nỗi niềm gì đây? Hàm để người hướng dẫn địa phương giới thiệu cho khách, còn anh ra với Jăc-cơ-lin.
Cuốn nhật ký đã bắc một nhịp cầu cho hai người xích lại gần nhau.
Hai người sóng bước về xe. Không ai nói thành lời những gì đang xao động trong lòng.
Về phòng riêng, Hàm thư thái ngả mình trên ghế, rút tấm ảnh trong túi ra ngắm nghía, Jăc-cơ-lin cùng anh nâng con chim ghép từ những mảnh sừng óng chuốt mầu huyền, như muốn nâng cho chim hạ cánh thanh thản trên tảng đá bên vách núi. Đôi mắt Jăc-cơ-lin cười đằm thắm, đôi môi nở như hoa tươi. Mái tóc óng ả vẫn dâng đầy xao xuyến như thuở thanh xuân. Anh lật mặt sau bức ảnh, đọc dòng chữ Pháp: “Cet oiseau aura une place d’ honneur dans ma demeure, comme vous avez déjà une dans mon coeur”. (Con chim này sẽ có một vị trí trang trọng trong nơi ở của tôi, cũng như ông đã có một vị trí trang trọng trong trái tim tôi). Hàm nghe như tiếng gió ào ào thổi từ nghĩa trang Điện Biên, nghe như gió thổi tự trong lòng.
Thật là một buổi chiều kỳ diệu. Hàm lững thững trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Qua tuổi sáu mươi rồi, về hưu, anh mong có những ngày sống thanh thản.
Anh dạo phố, nhìn cuộc sống nườm nượp ngược xuôi, nhìn những đôi nam nữ ngồn ngộn sức sống trong lồng ngực, nhìn những ánh đèn nhấp nháy của những cửa hàng đang sống một cuộc đời riêng. Một số bạn bè cùng lứa vừa mới về hưu đã vội tìm việc làm mới. Không hẳn vì nỗi lo kinh tế, mà để bớt đi thời gian cô quạnh. Anh đâu bị cô quạnh. Hàng tuần, anh dạy mấy buổi tiếng Pháp cho các bác sĩ, thế là đủ. Bỗng có tiếng thét giật giọng: “Hàm” Lạ nhỉ. Ở cái tuổi ngoài sáu mươi, ai lại gọi trống không thế. Anh không ngoái đầu, cứ thanh thản bước. Chiếc xe honda dừng chắn bước anh đi: “Phạm Phan Hàm”. Đúng là mình thật rồi. Hàm ngơ ngác nghe giọng nói khá quen:
– Tôi tìm Hàm suốt cả sáng nay… ở nhà, ở trưởng, ở câu lạc bộ… Đâu cũng bảo không biết. Sướng thật.
– Ôi, anh Vân, đại tá Lê Thanh Vân thủ trưởng F351 của tôi. Nghe nói anh làm du lịch khá thành đạt, chúng tôi đang muốn làm một chuyến vòng quanh đất nước.
– Thế thì đi ngay thôi. Này nhé, có một đoàn cựu chiến binh Pháp, những người lính của chiến trường Việt Nam, họ sang du lịch nhân thể thăm lại chiến trường xưa. Cần hướng dẫn viên siêu hạng.
– Anh thiếu gì những cô gái trẻ trung, lịch lãm mà cần đến một gã già nua lang thang này.
– Rồi. Cả những hướng dẫn viên tu nghiệp bên Tây, song họ cứ đòi một cựu binh của cuộc chiến Pháp – Việt năm xưa. Biết đâu lại chẳng có hai người đã cùng ở một mặt trận, ngày xưa là kẻ thù còn hôm nay là bè bạn.
Những ngày dạy học ở Công- gô, Hàm đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm giao tiếp cũng như giới thiệu về Việt Nam. Giờ đây có chuyến đi xuyên Việt, làm sao anh có thể chối từ.
Tay xách cây ghi ta gỗ cũ kỹ, vai khoác chiếc ba-lô con cóc. Hàm lên xe cuối cùng. Anh nhấc chiếc micrô ở chỗ người hướng dẫn, giọng tự nhiên:
– Ở Việt Nam chúng tôi, có một câu ca dao nói về tình bạn: “Nghĩa người tôi bắc lên cân, bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười”. Vàng là thứ vật chất được coi là quý nhất, nhưng đặt lên đĩa cân, nó chỉ nặng chín phần, còn cái ân, cái nghĩa của bạn bè đối với nhau nặng mười phần hơn. Tôi hy vọng sau chuyến đi ngắn ngủi của các bạn, khi chia tay, ta cũng có thể nói với nhau: bên vàng nặng chín, bên ân, bên nghĩa nặng hơn kim cương, bền hơn quá khứ.
– Bravô. Bravô mơ-xia Hàm! (Hoan nghênh ông Hàm)
– Lát nữa, khi các bạn mệt, trên đường, tôi sẽ nói về xuất xứ của câu ca dao và hát tặng các bạn một số bài về tình bạn.
Hàm bắt gặp đôi mắt của người phụ nữ xa lạ, đôi mắt thắm thiết pha một chút bâng khuâng của người lạc lối, còn nụ cười, đôi hàm răng hồn hậu đẹp như một lời chào. Lúc đọc danh sách các thành viên trong đoàn, Hàm để ý cái tên Jăc-cơ-lin, bà ta đi một mình. Một tâm trạng nào đưa bà đi sang đây cùng đoàn cựu chiến binh?
Qua một chặng đường dài, Hàm nhấc micrô, mặt giữ vẻ trang nghiêm của người hành hương để nói về tục hát quan họ của người Kinh Bắc. Đến lúc phải chia tay nhau, họ vừa đi vừa hát. Cho tới bến sông, người ở lại nói với người về: “Nghĩa người tôi bắc lên cân, bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười”. Người về đáp lại: “Đường tôi về những nước cùng non”. Chao ôi, trời mùa xuân, nước sông mùa xuân êm đềm như nước mặt ao lăn tăn gợn sóng, vậy mà người về nhìn đâu cũng thấy mênh mang nước, khiến cho người tiễn không khỏi xôn xao: “Người ơi, người ở đừng về”.
Hàm nhấc cây đàn, hướng về người phụ nữ có cái nhìn bâng khuâng:
– Bạn nào cầm micrô giùm tôi.
Người phụ nữ ấy đứng bật dậy nhận micrô từ tay Hàm, giọng thân thiết:
– Thế này đã vừa chưa, thưa ông?
– Cảm ơn bà Jăc- cơ-lin.
– Ôi, sao ông biết tên tôi?
– Tôi hát bài này tặng riêng bà đấy: “… Người ơi người ở đừng về…”.
Giọng hát của Hàm tuy không mượt mà song chất liệu của dân ca đối với du khách chẳng khác gì họ gặp bông hoa lạ giữa rừng. Những tiếng “bis bis” vang ầm xe… Những lần anh hát trong những ngày hội ở Công-gô, người ta không còn nhớ anh là giáo sư vật lý, họ đều gọi anh là giáo sư âm nhạc.
Rồi cứ thế, qua một chặng đường, du khách lại nhớ Hàm như nhớ tới giờ ăn.
– Ông Hàm ơi, “Người ơi đừng về” thêm một lần nữa, nếu ông vui lòng.
– Xin cảm ơn các bạn, tôi xin tiếp tục cuộc hành trình của người quan họ. Chia tay nhau ở một bên sông, còn lại trong nhau là nỗi nhớ. Khi ra bờ sông ấy, ở đầu sông cũng như ở cuối sông, làn nước lăn tăn dâng lên trong lòng nỗi nhớ. Các bạn có biết không, những người bạn tình ấy đã xuống sông uống một ngụm nước để tưởng như đang được sống bên nhau cho nguôi đi nỗi nhớ.
– Ôi! Nỗi nhớ của các bạn kỳ lạ quá. Uống một ngụm nước sông để vợi đi nỗi nhớ thì độc đáo quá.
– Tôi không tin rằng ông đã từng cầm súng trong cuộc chiến bốn mươi năm trước.
Hàm nở nụ cười duyên:
– Và cả dân tộc tôi cũng thế, bà Jăc-cơ-lin ạ. Thế mà chúng tôi đã phải cầm súng mới đau chứ… Nhưng thôi, đó là quá khứ, còn bây giờ “encore trop jeune à vivre à deux” (Còn rất trẻ để sống chung đôi lứa).
Mỗi lần xe dừng, Hàm đều xuống trước đỡ tay từng người. Jăc-cơ-lin thường xuống sau cùng, đặt lòng bàn tay ấm áp vào tay Hàm. Luồng gió ấm áp của hai lòng bàn tay toả hương nồng nàn của vùng tuyết lạnh hoà với vùng nhiệt đới, đầm ấm tha thiết. Hàm không thể ngờ người thiếu nữ ấy đã ngoài sáu mươi. Nhưng những con số ghi trong danh sách đã nói như vậy. Chồng Jăc-cơ-lin đã chết ở mặt trận Đông Khê hơn bốn mươi năm rồi. Dù lấy chồng khi còn rất trẻ, lúc đó Jăc-cơ-lin cũng phải hai mươi… Bà ta ở vậy nên sang đây đi riêng lẻ. Có lẽ cũng bởi vậy, từ sau khi đến Huế, Jăc-cơ-lin thường đi với Hàm cho đỡ lẻ loi chăng? Hai người cứ tách dần khỏi đoàn, len lỏi qua các khóm cây, qua các gian hàng để kể về Lá thư viết từ cối xay gió, về Lão Gô-ri-ô, về Bản giao hưởng đồng nội, về Những con vật đã biến chất (1)… Lần nào, đoàn xe cũng phải chờ họ lâu.
– Ông Hàm đền bù cho chúng tôi một chuyện vui đi, ông sẵn lòng chứ?
– Rất hân hạnh – Hàm nở nụ cười – Món ăn các bạn vừa dùng trong chợ Đông Ba tên gọi là đậu phụ, một sản phẩm chiết xuất từ những hạt đậu tương. Tôi xin kể các bạn nghe một chuyện tiếu lâm về bánh đậu phụ ấy.
Chuyện này, hồi ở Công-gô, Hàm đã kể nhiều lần. Anh biết kìm hãm sức bật của nút gỡ, giọng anh cứ bình thản như con chim đại bàng lững lờ lượn trên bầu trời để bất thần vụt xuống đoạn kết:
– Chú tiểu khoanh tay lễ phép thưa: “Bạch thầy, đậu phụ làng cắn nhau với đậu phụ chùa ạ” thì đoàn xe tưởng như bị vỡ tung ra vì những tiếng cười. Jăc-cơ-lin lục tìm trong túi một vật gì rồi đứng lên, giọng đầy cảm xúc:
(1) Tên các tác phẩm văn chương Pháp.
– Các bạn ạ, ông Hàm có một vốn hiểu biết khá sâu về văn học Pháp, và chắc ông còn nhớ chú bế Giec-ve trong Những người khốn khổ của Vích-to Huy gô chứ.
– Giăng Vangiăng đã đè chân lên đồng tiền của chú bé Giec-ve mà ông không biết. Sau đó, ông cầm đồng tiền trong tay, giọng thổn thức “Giec-ve”!
Hàm nhìn vào sâu thẳm, đôi mắt ngơ ngác, giọng thổn thức “Giec-ve. Giec-ve” khiến cả đoàn xe lại lặng đi. Jăc-cơ-lin đặt một vật nhỏ vào lòng tay anh:
– Đây là đồng tiền Pháp thời kỳ đó. Tôi xin tặng ông.
– Thưa bà Jăc-cơ-lin quý mến, nếu như trong bóng đá, tôi đã bị dẫn trước “một – không”. Bằng cách nào đây tôi có thể san bằng được tỷ số, thưa bà?
Giây phút san bằng tỷ số đến thật dịu dàng. Khi dừng chân tại khách sạn Đông Hà, mọi người vào bàn ăn, chỉ còn chờ có Hàm. Anh chờ giây phút trang trọng ấy, xuất hiện với con chim ghép bằng sừng óng chuốt màu huyền, giọng trang trọng:
– Thưa quý bà, thưa quý ông. Hôm nay là ngày sinh của bà Jăc-cơ-lin, cho phép tôi được tặng bà một món quà làm kỷ niệm, đó là con đại bàng dũng cảm, con của trời xanh, con của tự do.
– Ôi, Đấng chí cao ôi, ông quả là con người của Chúa!
– Một quả bóng đặt đúng chấm phạt đền.
Jăc-cơ-lin gọi nhà nhiếp ảnh chụp giây phút Hàm trao quà lưu niệm Khuôn mặt rạng rỡ như nắng chiều bỗng phút chốc toả ánh bình minh, Jăc-cơ-lin kéo Hàm đến từng bàn rót rượu. Hai người đi sát bên nhau, gần gũi từng cử chỉ, từng ánh mắt, đến nỗi người phục vụ khách sạn cũng vui vẻ trao một bông hoa: “Xin được chúc mừng ông bà nhân ngày vui”.
Kỷ niệm về bức ảnh với dòng chữ: “Cet oiseau aura une place d’ honneur dans ma demeure comme vous avez de’jà une dans mon coeur” cứ cồn cào như gió thổi da diết ngoài nghãi trang liệt sĩ.
Hoàng hôn trắng. Mầu hoàng hôn biên giới sao lại trắng thế kia. Những tia mặt trời đang trút nỗi lưu luyến cuối cùng của nó qua dẫy núi mờ xa một mầu trắng như sương. Những đụn khói bốc lên từ những mái tranh vắng lặng, bốc từ những đống cỏ hun lũ lượt kéo nhau lên không trung như nô nức rủ nhau đi trẩy hội.
Giọng Jăc-cơ-lin nuột nà:
– Trời sắp tối rồi, ta vẫn còn khả năng đến Cốc Xá chứ?
– Cứ yên tâm, Jăc-cơ-lin ơi. Tôi đã chuẩn bị lều bạt trong ba-lô này, lại cả bánh mì, ba-tê, muối, hạt tiêu, đèn pin, lửa, và khẩu súng săn. Chúng ta cắm trại ở Cốc Xá. Hỡi “cô chủ”, cô có dám ở lại trên núi cao với chàng chăn cừu như trong “Những vì sao” của Anphôngxơ Đôđê không?
Hàm hé miệng nở nụ cười thân thiết, Jăc-cơ-lin cười theo với một chút ngượng ngùng, giọng kiều diễm:
– Ông có trái tim của người lính thực sự rồi. Hết sức dũng cảm.
Hàm vào xóm, lúc sau trở về với một người dân bản. Trên khuôn mặt dày đặc những nếp nhăn của ông ta hiện ra đôi mắt mang màu của rừng núi điềm tĩnh và kín đáo.
Jăc-cơ-lin vận bộ đồ đen, cổ tay áo, gấu váy có ba đường viền đỏ, trước ngực cài bông hoa hồng nhung mầu đỏ chói. Bà chìa tay:
– Tôi rất vinh hạnh được làm quen với ông.
Hàm giới thiệu với Jăc-cơ-lin người dẫn đường địa phương.
– Đây là ông A Lừng, một chiến sĩ du kích đã có mặt trong trận kích chiến ở thung lũng Cốc Xá. Ông sẽ dẫn chúng ta tới bãi chiến trường xưa, và thuật lại cho chúng ta những gì mà ông đã tận mắt chứng kiến.
Câu nói vừa dứt, một luồng gió núi thổi nổi gai ốc trên làn da. Ba người ra khỏi khu nhà nghỉ, hoà dần trong ánh hoàng hôn.
Họ đứng trước thung lũng mầu trắng hoàng hôn. Những đụn khói lũ lượt kéo nhau bay lên. Ánh hoàng hôn từ dưới đáy thung lũng tráng lên khuôn mặt mỗi người một lớp bạc mờ ảo.
– Trận chiến đã diễn ra ở đây chiều tối ngày bảy tháng chín năm một chín năm mươi. Chúng tôi được lệnh phục kích ở thung lũng này. Cơ man là bộ đội chủ lực. Cái thung lũng này hôm nay đã bớt rậm rạp đi nhiều lắm. Còn ngày ấy hùm beo, rắn rết gầm rít ngay cả ban ngày.
– Họ chiến đấu tay không, thưa ông?
– Máu cháy, thây người chồng chất, xô đẩy, chen chúc… Người du kích miêu tả dữ dội quá. Jăc-cơ-lin đến đây có phải để nghe điều đó đâu. Hàm đăm chiêu tóm lược.
– Người thắng, người thua trong trận giáp lá cà ấy, một phần đã kéo nhau lăn cả xuống thung lũng, vì lúc đó trời tối, không làm sao phân biệt được đâu là đường đi, đâu là vực thẳm.
Cả câu: “Thung lũng hun hút và rậm rạp, làm sao mà chui vào các lùm cây hốc đá để tìm cho hết tử thi”, Hàm cũng không dịch. Anh chỉ tóm gọn:
– Và ngày ấy, họ đã nằm chung trong một nấm mồ.
– Có thể đó là lý do vì sao hài cốt của Ăng-toan không đưa về được.
Jăc-cơ-lin lẩm bẩm, rồi quyết định:
– Cho tôi xuống tận đáy thung lũng. Có thể được chứ, thưa ông cựu chiến binh A Lừng?
– Để làm gì thưa bà? – Hàm hoảng hốt hỏi.
– Để chia tay với chồng tôi. Có thể được chứ?
Hàm cất giọng đằm thắm:
– Bà đã tới đây, tấm lòng chân thành của bà đã thấu tới Ăng-toan trên thiên đàng rồi. Tôi mang theo hương đây, cả nến đây. Chúng ta cùng nhau thắp lên để tưởng nhớ những người thân đã vĩnh biệt chúng ta ở chỗ này.
Bó hương khá to của Hàm đưa thêm một đám khói nhập vào đám khói lam chiều hối hả. Hai cây nến đại được thắp trên bờ đá, ngọn lửa lắt lay, dịu dàng như bàn tay vẫy chào. Jăc-cơ-lin đi đi lại lại, bà đứng trước người lão du kích:
– Rất cảm ơn ông đã cho tôi một buổi chiều đầy kỷ niệm.
Người du kích khuất dần trong ánh hoàng hôn. Jăc-cơ-lin tâm sự:
– Chồng tôi chết oan, ông Hàm ạ. Người ta nói rằng sở dĩ tôi không lấy chồng nữa vì trông chờ món tiền cứu trợ mà sự hy sinh của chồng tôi đem lại suốt đời cho tôi. Nhưng đã hai người đàn ông đến với tôi. Lần nào chúng tôi tâm tình với nhau, tôi cũng nhìn thấy hoặc là một con bươm bướm hoa đen hoặc một con đom đóm có ánh sáng rất kinh dị. Cả hai người đó đều chết đột ngột. Từ đó, không một người đàn ông nào dám đến với tôi. Còn bây giờ, tới được đây, tôi thấy lòng thanh thản, tôi cảm thấy Ăng-toan đã tha thứ cho tôi rồi. Ông Hàm ơi, ông ngồi xuống đây, chúng mình đọc lại cuốn nhật ký một lần chót nhé.
– “… Em là trời cao xanh vời vợi…”
– Những dòng thơ quả là có sức nặng…
– Vâng, Ăng-toan ơi, em đốt cuốn nhật ký này cho anh ở nơi anh đã viết những nét bút cuối cùng, và từ chỗ này, anh đi tiếp cuộc đời với em, “vùa giúp” em, vừa che chở cho em, anh nhé.
Jăc-cơ-lin nhặt những cành củi khô, gầy cho cháy thật to rồi đặt cuốn nhật ký lên đó.
– Ông Hàm ơi, ông ngồi xuống đây với tôi nhé. Không có đom đóm, không có bướm hoa đen đâu. Ông xem kìa, ngọn lửa nhẩy múa quanh cuốn nhật ký của Ăng-toan. Những người chết oan họ đang hiện về nhảy múa bên nhau.
Khi đoàn du khách Pháp ghé qua Hải Phòng chờ tầu ra Hạ Long, Hàm thuê hẳn một chiếc xe taxi đến nhà tôi, vẻ mặt hoan hỉ như ngày nào anh nhận vé máy bay đi Công-gô.
– Lâm ơi, mình vừa có chuyến đi xuyên Việt rất “truyện ngắn”.
Đó là chuyện của Hàm: Hoàng Hôn Trắng.
V.H.L