Sáng 14-12-2018, tại bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công tác văn học năm 2018. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng các Phó Chủ tịch Hội là nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà văn Nguyễn Trí Huân, chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đông đủ thành viên các Hội đồng chuyên môn và Ban chuyên đề, cùng đại biểu các Chi hội, Liên Chi hội trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam trong cả nước. Hội nghị được đón đoàn đại biểu Hội Nhà văn Rumania do nhà văn Eugen Uricaru – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Rumania, Giám đốc Trung tâm COPYRO – dẫn đầu, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam, đến dự và phát biểu chào mừng.
Tham dự hội nghị, Hội Nhà văn Hải Phòng có nhà thơ Hoài Khánh – Ban văn học Thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Quốc Hùng – Ban văn học Công nhân.
Báo cáo công tác văn học năm 2018, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: Thực hiện chủ trương tăng cường chiều sâu và nâng cao tính chuyên nghiệp của BCH Hội Nhà văn Việt Nam Khóa IX, năm 2018 văn học Việt Nam tiếp tục có những nét khởi sắc đáng mừng; đời sống văn học cởi mở, dân chủ hơn, có nhiều tác phẩm được công bố, trong đó tính dự báo của văn học có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Các lĩnh vực: Văn xuôi, thơ, văn học dịch, lý luận-phê bình văn học… đều có bước phát triển rõ rệt; đặc biệt là chất lượng và số lượng của các sáng tác trẻ ở văn xuôi và sự “nở rộ” của trường ca trong lĩnh vực thơ. Thực tiễn sáng tác cho thấy sự gắn bó giữa nhà văn với đất nước, dân tộc, nhân dân được thể hiện rõ hơn, trách nhiệm hơn.
Năm qua, BCH Hội tiếp tục kiện toàn tổ chức, cái tiến lề lối phương thức hoạt động, bước đầu thu được những kết quả đáng mừng. Nổi bật là các hoạt động đi thực tế sáng tác, tổ chức nhiều trại sáng tác theo từng thể loại, mở nhiều cuộc hội thảo về lý luận-phê bình văn học và công tác công bố tác phẩm, quảng bá văn học được quan tâm hơn trước. Các Liên chi hội khu vực, vùng miền sau khi có quyết định thành lập của BCH Hội, đã nhanh chóng tổ chức đại hội, kiện toàn tổ chức và đi vào hoạt động bước đầu có nền nếp.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã phát biểu bày tỏ sự đồng tình đối với bản báo cáo của Chủ tịch Hội, đồng thời nêu lên nhiều vấn đề trăn trở, quan ngại, như: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ băn khoăn về việc “khống chế”số lượng kết nạp hội vên mới. Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng mong muốn Hội quan tâm hơn việc sáng tác và công bố các tác phẩm viết về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Nhà thơ Trần Thị Thắng mong muốn có một giải thưởng văn học dành cho các cây bút nữ. Dịch giả Thúy Toàn mong muốn các cơ quan báo chí của Hội ở hai miền cần có sự phối hợp đồng đều hơn trong nhiều vấn đề “nổi cộm” của lịch sử văn học. Nhà văn Vũ Hồng đề nghị Hội nghị văn học hằng năm nên luân phiên tổ chức ở các vùng miền để nhà văn cả nước có điều kiện tiếp xúc, giao lưu… Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đề nghị Hội cần có “kênh” riêng quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống các Hội viên có khó khăn và bảo hộ quyền tác giả…
Thay mặt lãnh đạo Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tiếp thu những ý kiến trên đây, giải đáp một số thắc mắc băn khoăn và ghi nhận một số ý kiến sẽ được đưa ra thảo luận thống nhất tại cuộc họp BCH sắp tới. Đồng chí Chủ tịch Hội cũng thông báo một số hoạt động chính trong năm 2019, trong đó có các đợt sinh hoạt văn học chào mừng các sự kiện lớn, như Hội nghị quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ tư dự kiến tổ chức dịp đầu năm; hoạt động kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (1959-2019).
Nguồn vanvn.net