Theo chương trình thường niên của các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật 10 tỉnh thành phố bao gồm: Hải Phòng, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Ninh Bình (VN 8+2), ngày 30 và 31/08 tại Ninh Bình, nhóm VN 8+2 đã tổ chức Hội thảo “Sáng tác văn học trẻ, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”.
Theo chương trình thường niên của các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật 10 tỉnh thành phố bao gồm: Hải Phòng, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Ninh Bình (VN 8+2), ngày 30 và 31/08 tại Ninh Bình, nhóm VN 8+2 đã tổ chức Hội thảo “Sáng tác văn học trẻ, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”.
Đến dự có Nhà văn Tùng Điển, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT của 10 tỉnh thành phố, 70 thành viên tham dự và phóng viên báo Đài PTTH tỉnh Ninh Bình.
Hội thảo đã nghe 10 tham luận của Hội LHVHNT 10 tỉnh thành phố xoay quanh đề tài sáng tác văn học trẻ. Hầu hết các tham luận đều nêu bật 2 vấn đề mấu chốt của thực trạng hiện tại, đó là kinh phí sáng tác eo hẹp hoặc không có, trừ Hội Liên hiệp VHNT Sơn La đã phấn đấu trả được mức nhuận bút từ 1 triệu đến 1,2 triệu cho một tác phẩm đăng tải trên tạp chí tỉnh. Khó khăn các Hội phải đối mặt là hiện tượng lớp trẻ ngoảnh mặt với văn chương, hiện tượng phổ quát ở 10 đơn vị là “Tre đã già, măng chưa kịp mọc, hoặc không chịu mọc”. Bên cạnh đó, các tham luận cũng tập trung nêu các thành tựu của văn học trẻ địa phương mình và những giải pháp xây dựng đội ngũ. Tuy vậy, hầu như các giải pháp đều tập trung vào diện chứ không chú ý tới việc tập hợp bồi dưỡng có bài bản và thường nhật cho các điểm sáng tinh hoa ví dụ xây dựng kết hợp với các nhà trường, tổ chức trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi… những giải pháp này rất đúng, nhưng đặt trong tình trạng hiện tại như vừa nêu thì hoàn toàn khó thu được kết quả như mong muốn vì nó vẫn mang nặng tính phong trào. Tham luận của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng là tham luận duy nhất đi ngược lại cách làm này. Theo Nhà văn Nguyễn Đình Minh, trưởng ban Văn trẻ (Hội NVHP) phát biểu trong tham luận thì giải pháp của Hải Phòng tập trung cho 1 Câu lạc bộ viết văn trẻ, ở đây chỉ có 24 thành viên có trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, (Được giới thiệu từ các nhà văn và thông qua sáng tác đã in hoặc đạt giải), tổ chức chặt chẽ, được hoạt động thường xuyên, liên kết với nhau thông qua diễn đàn công nghệ thông tin; việc tổ chức học tập mang tính bài bản từ các lớp viết văn phối hợp tổ chức với Hội NVVN. Thiết lập mối quan hệ Thày-trò giữa từng người viết trẻ với các NVVN tại Hải Phòng và Trung ương thường nhật hoặc qua những cuộc giao lưu lớn. Đặc biệt Văn trẻ có trang sáng tác riêng trên Cổng thông tin điện tử Hội NVHP và Tạp chí Cửa Biển, có mối liên hệ kết nghĩa với Báo Người Hà Nội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội… Đây là một tham luận đã được Đoàn Chủ tịch đánh giá cao về sự khác biệt và cho rằng Hải Phòng vẫn luôn là đợn vị để tỉnh bạn học tập.
Nhà văn Tùng Điển phát biểu bày tỏ sự âu lo trước thực trạng người viết trẻ xa lánh văn đàn, nhưng ông cũng thông tin đang có sự trở lại của người viết trẻ qua các cuộc thi gần đây. Ông mong muốn hoạt động giao lưu của các Hội Liên hiệp VHNT của 10 tỉnh thành phố được giữ vững, các lãnh đạo hội cần có tiếng nói với các cơ quan quản lý nhà nước địa phương xây dựng cơ chế giúp đỡ hoạt động của các hội.