“Tác phẩm hay đích đến và giải pháp” đó là chủ đề cuộc hội thảo do Liên chi hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc cùng với Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức vào sáng ngày 7/9/ 2018, tại nhà khách đoàn 16 – Bộ Quốc Phòng, khu du lịch Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.
“Tác phẩm hay đích đến và giải pháp” đó là chủ đề cuộc hội thảo do Liên chi hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc cùng với Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức vào sáng ngày 7/9/ 2018, tại nhà khách đoàn 16 – Bộ Quốc Phòng, khu du lịch Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên. Tới dự buổi hội thảo có ông Trịnh Việt Hùng, Phó chủ tịch tỉnh Thái Nguyên, đại diện Ban tuyên giáo, Hội văn học nghệ thuật tỉnhThái Nguyên… Về phía hội nhà văn Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng hơn 100 nhà văn đến từ các tỉnh phía Bắc.
Thế nào là tác phẩm hay xem ra đây là câu hỏi khó tìm được câu trả lời khi mà giá trị nghệ thuật của văn chương dường như không bị đóng khung bởi một khuôn thước nào. Tuy nhiên không vì mục đích để tìm ra câu trả lời chính xác thế nào là tác phẩm hay, cuộc hội thảo nhằm để các nhà văn cùng bày tỏ quan điểm của mình về đời sống sáng tác văn học của mình của địa phương, của đất nước một cách chân thực nhất hướng tới cho sự ra đời các tác phẩm có chất lượng.
Với hơn 20 bản tham luận và ý kiến trong hội thảo, hầu hết đều đề cập đến điều kiện quan trọng nhất để cho ra đời một tác tác phẩm văn học hay, đó chính là tài năng của nhà văn. Trong bài tham luận của mình nhà văn Đình Kính có nêu: “… Có ba yếu tố làm nên tác phẩm hay, một là tài năng, hai là tài năng, ba là tài năng. Tài năng là yếu tố đầu tiên của nhà văn để có tác phẩm hay. Không có tài năng thì không thể viết ra tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao… Tài năng là thứ trời cho… Người cầm bút tự trọng và có nhân cách là gắng lao động hết mình, vét đến cùng kiệt, vét tới tận đáy thứ mà trời đã cho ấy. Làm được vậy tức là vừa biểu thị sự tôn trọng các trang viết của mình, tôn trọng văn chương, tôn trọng người đọc… Tài năng của nhà văn là nội lực có tính quyết định sự hay của tác phẩm”. Cũng đánh giá cao yếu tố tài năng của người cầm bút, nhà văn Trần Nhuận Minh nói nếu không có tài năng thì sẽ không có gì cả tuy nhiên có tài năng cũng chưa chắc đã viết ra tác phẩm hay, và ông tin: “Văn chương vẫn có cái định luật Acsimet dành riêng cho nó, cứ cúi mặt xuống đất vì những nỗi niềm không bao giờ nguôi ngoai với nhân dân, với con người. Tác phẩm hay sẽ đến với anh vào lúc có khi chính anh cũng không nhận ra. Và cứ thế nó lặng lẽ sống thay anh, sau khi anh đã chết ”. Nhà văn Tống Ngọc Hân thì đặt vấn đề một tác phẩm hay phải thỏa mãn độc giả chứ không phải thỏa mãn người viết. Chị cũng đã đưa ra 3 yếu tố cho là cần thiết của một nhà văn để có một tác phẩm hay, đó là tài năng, vốn văn và sự dũng cảm của người cầm bút.
Nhà thơ Lò Cao Nhum thì đề cao yếu tố văn hóa vùng miền trong mỗi tác phẩm văn học. Tác phẩm văn chương phải chứa đựng hồn cốt của mảnh đất mà anh đang sinh sống, phản ánh được đời sống tinh thần của những phận người đang sống quanh anh một cách chân thực nhất mang đậm bản sắc của mảnh đất và con người nơi ấy. Đặc biệt với các nhà văn người dân tộc thiểu số lại càng phải ý thức rõ hơn về điều này. Nhà văn Lộc Bích Kiệm khi đưa ra một số đề xuất để có tác phẩm văn học hay cũng đề cập đến vấn đề này: “Thế mạnh vùng miền nằm trong chính khả năng của nhà văn… Đây chính là nơi các nhà văn được sinh ra, lớn lên, sống gắn bó, hiểu tiếng nói, biết phong tục, yêu lịch sử, trọng văn hóa của đồng bào mình. Viết về quê hương xứ sở bằng sự hiểu biết và trách nhiệm sẽ giúp nhà văn có được những tác phẩm hay”.
Nhà văn Vũ Xuân Tửu đề cao việc trau dồi tri thức trải nghiệm đời sống để có một phông văn hóa cần thiết khi viết văn có như vậy mới chuyển tải tư tưởng của tác phẩm đến người đọc một cách hiệu quả nhất: “… Tôi xác định hai điều: Một là ngòi bút luôn hướng về dân. Hai là viết văn phải có văn. Có người bảo nếu suy ra là có đủ cả tính tư tưởng và nghệ thuật rồi… Tác phẩm văn chương có khi chỉ đề cập đến chuyện của một bản làng mà có tầm vóc quốc gia, thế giới, viết về một con người mà có sức khái quát cả cộng đồng và nhân loại. Nên nói chuyện tính tư tưởng trong tác phẩm văn học không phải chuyện đao to búa lớn, nhưng dù là gì cũng nhất thiết phải chuyển tải tinh thần văn hóa nhân văn sâu sắc”. Nhà văn Vũ Xuân Tửu cũng đã xác định được đích của một tác phẩm văn chương hay, khi nói: “Khi cầm bút nhà văn đã xác địnhvà quá trình sáng tác cũng là quá trình tâm sự cùng bạn đọc. Nếu nhà văn không xác định được bạn đọc thì tác phẩm sẽ rất bâng quơ, như thể ném hòn đá vào nơi vô định chẳng biết đi đâu, để làm gì”
Nhà văn Nguyễn Đình Minh đến từ Hải Phòng lại đề cao tính tự do trong sáng tạo nghệ thuật: “Cái khó của nhà văn chân chính là song hành giữa viết văn và hành đạo. Cái khổ của trái tim nhà văn thiên lương là luôn rung cảm thật trước những bất hạnh, muốn xóa nỗi đau người. Đây là điều cốt tử tạo ra cái chân cái thiện của văn chương, là miền khí quyển trái tim của nghệ sĩ. Do vậy nếu có một bức rào cản, một áp lực, một mệnh lệnh… trái tim nghệ sĩ sẽ ngừng đập, hoặc chỉ trở thành trái tim công dân đập theo một định chế. Bởi trái tim vốn chỉ nhận mệnh lệnh của chính nó. Sự tự do sẽ đạt được nếu các nhà quản lý thật sự chia sẻ với nhà văn trong việc phân biệt hai khái niệm phản biện tích cực cho xã hội phát triển và chống đối xã hội. Cho nên bằng một cách nào đó Hội Nhà văn Việt Nam, mà vị trí trước hết thuộc những nhà văn lãnh đạo, những nhà văn danh tiếng và cộng đồng nhà văn, bằng bản lĩnh của mình trong các không gian thời gian có thể thực hiện tham mưu biện giải với các cơ quan chức năng nhà nước giải quyết được vấn đề trao quyền tự do cao hơn cho nhà văn, giải tỏa những vùng cấm mà hiện còn trói buộc”.
Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã lên phát biểu tổng kết cuộc hội thảo với nhiều ý kiến sâu sắc được các nhà văn quan tâm và đánh giá cao. Tác phẩm hay cần phải hướng đến đời sống của nhân dân, vận mệnh của dân tộc. Chính vì vậy trước khi có tác phẩm hay đòi hỏi người cầm bút phải có nhân cách. Một yếu tố vô cùng quan trọng của người cầm bút mà trong bất kì hội thảo văn học nào cũng có thể nhắc đến tưởng như sáo tưởng như thừa nhưng thực chất nó đang bị thiếu trong xã hội hiện nay và ngay cả trong những người cầm bút. Nhà văn trước hết phải là những con người nhân văn có như vậy mới mong sáng tạo ra tác phẩm văn học có tính thặng dư tình người. Chỉ có tình yêu thương, tính người mới mang lại cho đời sống những giá trị sống đích thực, mới làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Để đề cao tình người, người dân Ai xơ Len có câu ngạn ngữ: “càng nhiều tình thương càng ít sợ hãi”
Lao động của nhà văn không phải là viết ra những con chữ vô bổ, vô hồn chính vì vậy lao động của nhà văn không phải viết nhiều hay viết ít mà anh viết cái gì viết cho ai và nó đem lại lợi ích gì cho cuộc đời này. Nhà văn phải là người biết lắng mình tận đáy của xã hội để phản ánh trung thực đời sống ấy. Tác phẩm văn học phải có tính khái quát con người thời đại mình một cách có nghệ thuật nhất
Hội thảo: “Tác phẩm hay – đích đến và giải pháp” là cuộc hội thảo rất bổ ích nhăm giúp các nhà văn cùng nhìn nhận về một vấn đề mà bất cứ người cầm bút nào cũng quan tâm. Tác phẩm hay vừa là ham muốn vừa là trách nhiệm của mỗi nhà văn.
Theo: Báo Văn nghệ online