Vanhaiphong – Chiến tranh bây giờ chỉ còn vang lên trong những bài lịch sử; màu xanh bình yên và sự sôi động của cuộc sống đã làm dịu vợi những buồn thương thời quá vãng. Nhưng nỗi đau mất mát, niềm tiếc thương những đồng đội, đồng chí, người thân… luôn lay thức trái tim những người đi qua cuộc chiến.
Nhân ngày 27/7, ngày tri ân các anh hùng liệt sỹ, các thương binh đã để lại một phàn xương máu nơi chiến trường, chuyên mục trân trọng giới thiệu bài thơ “Phan Thiết có anh tôi” của Nhà thơ Hữu Thỉnh.
HỮU THỈNH
Phan Thiết có anh tôi
Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi
Chính ở đây anh thấy biển lần đầu
Qua cửa hầm
Sau những ngày vượt dốc
Biển thì rộng căn hầm quá chật
Khẽ trở mình cát để trắng hai vai
Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi
Tim anh đập không sao ghìm lại được
Gió nồng nàn hơi nước
Biển như một con tầu sắp sửa kéo còi đi.
Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya
Những người lính mở đường đi lấy nước
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ
Mặt anh còn cách nước một vài gang
Anh ở đây mà em mãi đi tìm
Em hy vọng để lấy đà vượt dốc
Tân Cảnh
Sa Thầy
Đắc Pét
Đắc Tô
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe
Cánh rừng kia trận mạc còn kia
Vài bước nữa thì tới đường Số Một
Vài bước nữa
Thế mà
Không thể khác
Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi
Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì
Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng
Anh chưa biết đã tan cơn báo động
Chưa biết tin nhà chưa nhận ra em
Không nằm trong nghĩa trang
Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ
Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình
Đồi ở đây cũng là con của mẹ
Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em.
Ánh đèn khuya Phan Thiết bước vào đêm
Đèn thành phố soi người đi câu cá
Anh không ngủ người đi câu không ngủ
Biển đêm đêm trò chuyện với hai người
Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi.
1974 – 1981
Lời bình của người hâm mộ
“Phan Thiết có anh tôi” được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Hữu Thỉnh. Bài thơ là một lời tâm tình của tác giả gửi đến anh ruột – người lính đã ngã xuống cho sự bình yên của đất nước.
Bài thơ không có những hình ảnh lộng lẫy, bi hùng như “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ”, nhưng những hình ảnh bình dị, những cảm xúc chân thành của con người đã gây xúc động sâu sắc. Những hình ảnh thơ chân thật, sống động như: “Qua cửa hầm/ Sau những ngày vượt dốc/ Biển thì rộng căn hầm quá chật/ Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai”… cho người đọc một hình dung rõ nét về cuộc sống gian khổ, hiểm nguy trong chiến đấu. Người đọc cũng xúc động trước những khát khao rất đỗi bình dị nhưng lại khó trở thành hiện thực của chiến sĩ. Đứng trước biển, người lính đang làm nhiệm vụ thấy lòng mình nao nao, bồn chồn như một “hành khách” sắp bị trễ “chuyến tàu” thiên nhiên tươi đẹp. Trong mắt anh, “biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi”…
Nếu những khổ thơ đầu của bài thơ dành để kể về anh – một người lính, một sự hi sinh thì những khổ sau là phần dành cho những cảm xúc của người em, của tác giả. “Anh ở đây mà em mãi đi tìm/ Em hi vọng để lấy đà vượt dốc/ Tân Cảnh/ Sa Thầy/ Đắc Pét/ Đắc Tô”.
Và trong tâm thế một người lính, đồng đội của anh trai:
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe.
Ở đây, nhà thơ đã có một “kiểu” khóc anh rất riêng mà không giống với bất kì ai, không lẫn với bất kỳ nhà thơ, bài thơ nào khác: “Em một mình đứng khóc ở sau xe”. Em cũng là một người lính, cũng từng xông pha trận mạc, dạn dày sương gió, “đã qua những cơn sốt anh qua, đã gặp trận mưa rừng anh gặp”, thế mà sao bỗng trở nên nhỏ bé, yếu đuối, vụng dại trước sự hi sinh của anh. Từ đấy, người đọc có thể thấu hiểu tình cảm gắn bó sâu sắc giữa hai con người này. Tình yêu thương đó có sức mạnh hóa giải những khoảng cách và nới rộng những tấm lòng. “Cỏ ở đây thành nhang khói nhà mình/ Đồi ở đây cũng là con của mẹ/ Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em”.
Bài thơ khóc anh trai liệt sĩ nhưng cũng chính là khóc cho biết bao liệt sĩ khác. Nhà thơ đã nói lên được tình cảm của muôn triệu con người, những con người mang nỗi đau mất người thân trong chiến tranh.
NGUYỄN THỊ HÒA BÌNH