Huấn luyện – Hồi kí của Ngọc Châu

Vanhaiphong: Kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN ban biên tập đăng một số truyện ngắn  và hồi kí của các nhà văn HP đã và đang phục vụ trong quân ngũ. Đầu tiên giới thiệu lại hồi ki Huấn Luyện của cựu thiếu tá Hải quân Ngọc Châu (đã đăng báo Quân đội Nhân dân ba kì liền vào năm 2006…)

Vanhaiphong: Kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN ban biên tập đăng một số truyện ngắn  và hồi kí của các nhà văn HP đã và đang phục vụ trong quân ngũ. Đầu tiên giới thiệu lại hồi ki Huấn Luyện của cựu thiếu tá Hải quân Ngọc Châu (đã đăng báo Quân đội Nhân dân ba kì liền vào năm 2006…)

– Hoàn ơi! Tao chết mất. Không thể nào chịu được nữa rồi! – Khoảng  khuỵ chân định ngồi xuống nhưng rồi hắn ngã dúi xuống cỏ, quăng cây gỗ lăn long lóc, tấm thân cao một mét bẩy nhăm vật ngửa ra sườn đồi, mồm ngáp ngáp như con cá trê bị kéo lên khỏi mặt nước.

”Tên này đói quá thật” – Nhìn tư thế thảm hại của hắn tôi nghĩ bụng rồi cũng đặt cây gỗ trên vai mình xuống đất. Chẳng kịp nghĩ ngợi gì, đi ngay xuống đám  ruộng trồng dưa định bụng kiếm một quả cho hắn nhá tạm. Xuống đến nơi thì hoá ra không phải ruộng dưa mà là ruộng trồng bí đao, toàn những quả còn bé như những trái mướp.  Tôi sững lại nhưng khi ngó quanh không thấy bóng một chủ nhân nào quanh đó, liền cúi xuống vặt đại hai quả bí non đem lên. Thằng cha khổng lồ chân đất sét chộp vội lấy một quả, hắn gõ vào mỏm đá cho vỡ làm đôi rồi cứ thế dùng bộ răng bàn cuốc mà thao tác nhanh không tả được!

Không biết mùi vị của bí đao non khi ăn sống ra sao, nhưng hiệu quả không thua gì  trái đào tiên của Tây Vương Mẫu! Sau khi cạp nhẵn quả thứ nhất với già nửa quả thứ hai thì Khoảng ngồi lên được, sau đó lom khom đứng lên, cuối cùng hắn lại có thể vác cây gỗ củi lên vai như truớc, đi một lèo về doanh trại còn nhanh hơn cả tôi và Nam. Lúc này hắn lại là  tay “xế – lô” đã nâng chiếc cối đá lỗ kềnh càng lên khỏi đầu để khoe mẽ trước mặt Chính uỷ sư đoàn,  hôm ông ta đến thăm và nói chuyện với D65 chúng tôi với câu nói: ”Đây là hình tượng thần Atlax* mang cả trái đất trên vai, nhưng tôi nghĩ có lẽ cũng không nặng nề bằng nhiệm vụ của chính uỷ, khi phải huấn luyện một đơn vị toàn những tay dài lưng tốn vải thành một đội quân thiện chiến và kỉ luật!”

Tôi và Nam há hốc mồm vì chưa bao giờ thấy ai thốt ra được một câu nịnh có cánh đến thế!

Cứ cách hai chủ nhật chúng tôi lại bị trưng dụng nửa ngày nghỉ vào việc lên rừng kiếm củi cho nhà bếp của đại đội, và việc tay Khoảng bị đói quá như trường hợp trên đã thành chuyện thường ngày ở huyện. Cũng là phải lẽ vì tính theo trọng lượng cơ thể thì hắn cần có suất ăn bằng một phẩy năm lần suất của tôi, trong khi chúng tôi  cũng đã vét đĩa theo cả hai trục tung hoành, cuối cùng còn làm một đường contour – nghĩa là đường bao – cho trọn vẹn  chữ điền (đã lính thì phải tráng, người xưa nói thế mà!), vậy nên mọi hy vọng ăn nhờ vào khẩu phần người khác đều bằng không.

Nhưng một lần ăn trộm bí cho hắn cũng là quá đủ, phải nghĩ cách gì  xoay xở nếu không thì chết lây cho cả hai thằng khác trong tổ “tam tam” (giá cứ gọi là tổ ba người sẽ dễ hiểu biết bao nhưng Ta-vá-rit-sơ – tiếng Nga nghĩa là” đồng chí”, một từ thông dụng vào thời đó – chính trị viên đại đội quê gốc Thái Lọ, vẫn tự hào về việc tử  vi ba đời đều có hình chiếc muôi múc cháo, lúc nào cũng dùng từ này coi như  thuật ngữ kinh điển chính thống của chủ nghĩa Mác-Lê, nên chúng tôi cũng đành gọi theo vị này cho chung ngôn ngữ). Theo lời chính trị viên thì “tổ tam tam là đơn vị nhỏ nhất,  cơ bản nhất trong quân đội, ví như nguyên tử hay phân tử gì đó là đơn vị cơ bản tạo thành mọi vật. Về chuyện nguyên tử với phân tử thì các đồng chí giỏi hơn tôi, nhưng tổ tam tam mà yếu thì tiểu đội cũng yếu rồi đâm ra trung đội cũng yếu, đại đội với tiểu đoàn cũng yếu.. “

Đến đây thì  tay Khoảng có ý kiến xen ngang:

– Suy rộng nữa là làm yếu quân đội, có thể dẫn đến tổ quốc suy vong! Vậy nên lúc bình thời cũng như lúc xung trận cả ba người phải như một, lúc nào cũng phải rất chi là mạnh, các đồng chí rõ chưa ?

– Rõ! – Cả tôi và Nam đều đáp rất dõng dạc, vì theo kinh nghiệm đó là cách tốt nhất để chấm dứt những giải thích dài dòng văn tự của ta-vá-rít-sơ này.

Mặc dù  không được tuyến tính cho lắm theo trình tự, nhưng  để mọi người dễ hình dung ngữ cảnh, tôi thấy cần phải thêm mấy lời phi lộ như sau: Đó là vào mùa hè năm 1972, là lúc chiến cuộc dữ dội nhất trước khi hội nghị Paris được kí kết, nên mọi thành phần tạm hoãn, tạm miễn nghĩa vụ quân sự  cho đến lúc đó đều được động viên.  Hầu hết các chàng tuổi trẻ hoặc tuổi sồn sồn, thuộc dòng hào kiệt hay không hào kiệt, nếu gia đình chưa có ai đi bộ đội cũng đều phải xếp bút nghiên theo việc đao cung, vậy nên chúng tôi trở thành tân binh  của F304B – Sư đoàn huấn luyện đóng ở loanh quanh đâu đó trong phạm vi tỉnh Bắc Thái. Tiểu đoàn chúng tôi mang mã số 65 – gọi tắt là D65 – nên mỗi khi có ai hỏi “Các đồng chí thuộc D nào đấy?” bọn này  thường đáp “Dê cụ đây!

Tôi chỉ biết được thế vì từ điểm giao quân, tất cả đã lên tàu hoả vào lúc 11 giờ đêm, trưa hôm sau đoàn tàu quân sự dừng ở giữa miền đồi núi hoang dã toàn lau sậy, xuống tàu được lệnh tiếp tục hành quân bộ theo những con đường mòn xuyên rừng xuyên núi, đến chiều hôm sau mới tới địa điểm này. Tôi mù tịt về việc mình đã đi qua những đâu và hiện giờ đang ở nơi đâu.

Lần đầu phải hành quân theo đội hình, các anh binh bét mệt đến mức không còn tí năng lượng dư nào cho chiếc lưỡi hoạt động, cứ im thin thít chẳng  muốn thăm hỏi chuyện trò gì, chỉ mong sao có lệnh được nghỉ ngơi mươi phút. Mấy lần tôi định quăng đi cây đàn ghi ta đã gắn bó với mình hàng chục năm trời, may có tay chuẩn uý thuộc khung huấn luyện đẫ mang giúp nó hộ tôi, sau tôi được biết tên cậu ta là Khuê, cũng là cái tên duy nhất của bộ khung huấn luyện mà tôi còn nhớ được cho đến ngày nay. Dọc đường chỉ thấy toàn lau sậy, một vài lối mòn với rừng thưa lác đác những “co mậy đông” khá to theo cách gọi của mấy người dân tộc kiếm củi, ban đầu tôi cứ nghĩ  là tên loài gỗ đó, nhưng sau khi thấy tay Khoảng hỏi loại cây nào họ cũng đều đáp vậy mới biết chính họ cũng không biết tên, còn nghĩa  của “co mậy đông” là “cây gỗ rừng!”

“Dê cụ” có hơn 300 tân binh, đều là giảng viên đại học, kĩ sư mới  tốt nghiệp chưa kịp rời trường và sinh viên từ năm thứ  hai đến năm cuối, nên tuổi tác chênh lệch nhau kha khá. Chỉ số IQ và lượng tri thức cóp nhặt được trong đầu mỗi anh binh nhì cũng không đồng đều như các đợt tuyển quân thông thường. Tôi phải xin lỗi bạn đọc vì thỉnh thoảng có xen vào vài từ tiếng Nga và các ví von dùng hình tượng văn học trong thần thoại Hy – La thịnh hành vào thời đó, vì đối với bọn có vài ba xâu chữ vắt vai bao giờ cũng thích dùng những từ  nhập ngoại là lạ, tỉ như bây giờ ta vẫn nghe những tên “Gala cười” hoặc “Video clip” đâm thành quen tai, trong khi hoàn toàn có thể dùng những từ tiếng Việt rất chuẩn xác để thay thế, nhưng nếu cố tránh không dùng tôi e sẽ không tái hiện được không khí của một thời chiến  tranh ấy. Một thời đạn bom chết chóc mà người ta vẫn yêu những câu thơ của Xi – mô – nôp* “Em ơi em cứ đợi, dù tuyết rơi gió nổi, dù nắng cháy em ơi. Bạn cũ đã quên rồi, đợi anh hoài em nhé!” và dù đạn đã lên nòng chờ địch vẫn thấy rất đẹp cảnh  “đầu súng trăng treo“.

Cả ba trong tổ “tam tam” của chúng tôi đều thuộc lò “Đại học Xây dựng”, Nam đang là cán bộ giảng dạy, hắn với tôi cùng học phổ thông với nhau, nhưng do tôi đi làm công nhân mấy năm nên khi vào năm thứ nhất trường Đại học Xây dựng thì hắn đã bắt đầu giảng cho chúng tôi về môn toán cao cấp. Tôi vừa tốt nghiệp xong, nhà trường giữ lại làm phụ giảng trong thời gian đầu, còn tay Khoảng đang học năm thứ ba mặc dù hắn cùng vào năm thứ nhất với tôi. Trước đó hắn có thâm niên bốn năm tài xế, chữ  nghĩa học được ở phổ thông trung học đã bị lực li tâm của vô – lăng làm văng đi nhiều, vậy nên mới bị lưu ban hai năm liền. Xét theo luân lý của Khổng Tử “kẻ sĩ sau một  tháng sôi kinh nấu sử khi gặp nhau phải trọng nhau thêm một bậc”, hoặc theo trình độ đào tạo thì xếp thứ tự sẽ phải là Nam – Hoàn – Khoảng. Nhưng thực tế thì chẳng biết mèo nào cắn mỉu mào, sau này chúng tôi còn thấy khối lần, hai tay nhiều chữ hơn bị thằng cha Khoảng vo viên bỏ túi  rất ngon lành.

Nói chung xoay xở kiểu gì cũng phải dựa vào dân ở chung quanh, mà việc dân vận ở đây không phải dễ dàng vì các xóm dân cư đều ở khá xa khu doanh trại tạm bợ của đơn vị huấn luyện. Hơn nữa trước chúng tôi đã có mấy khoá tân binh  huấn luyện ở đây, mỗi khoá như  vậy tân binh nào cũng vài ba lần có nhiệm vụ vào nhà dân xin tre, xin củi hoặc mượn mõ các thứ tạp nham về dùng cho  công việc đột xuất của đơn vị. Việc xảy ra quá thường xuyên nên lòng tốt của người ta cũng phải giảm dần, ban đầu chắc đúng là “quân với dân như cá với nuớc” còn bây giờ  “Nước” chả mặn mà gì khi thấy “Cá” thập thò ở cổng vườn nhà họ. Tuy nhiên vẫn còn hy vọng vì ngay sau quả đối khá cao ở phía sau doanh trại tôi đã nhìn thấy có mấy mái nhà, sau hàng  tre thấp thoáng dây phơi có những thứ ‘chuyên dùng” cho phái yếu. Coi như là đã có bột, chỉ cần làm sao trổ tài gột nên chút hồ là được, cùng lắm thì đem hai bộ com- lê kỉ niệm thời còn giảng dạy của Nam và tôi, vào đổi chác lấy chất bột gì đó để nhồi vào bụng, tránh những cơn giảm huyết áp đột ngột do dạ dày quá lép, như lần tay Khoảng phải cạp mấy quả bí non.

Sau hôm lấy củi bắt đầu một tuần tập hành quân xa với đầy đủ đồ lề, vũ khí. Tiểu đoàn đã được Chính trị viên lên lớp về những  khó khăn thực tế của cuộc hành quân bộ dọc đường Trường Sơn mà chúng tôi sẽ phải đương đầu ngay sau đợt luyện quân này. “Trách nhiệm của chúng tôi là đưa các đồng chí với sứt mẻ không đáng kể vào bổ xung cho lực lượng của chúng ta ở tiền phương, vậy nên một giọt mồ hôi đổ ở đây sẽ bớt đi một giọt máu cho chính các đồng chí trong cuộc hành quân sắp tới”- Ông ta nói vậy và chúng tôi cũng nhận thấy không có lí do gì để phản bác.

– Kiểm tra lại tất cả các trang bị. Không được để thứ gì lỏng lẻo! Toàn tiểu đội nghe rõ chưa!? – Tiểu đội trưởng nhắc nhở.

– Rõ!

– Nghiêm! Đằng sau quay! Tất cả chạy đều. – Chạy!- Mệnh lệnh này tiếp theo mệnh lệnh thứ nhất hai phút sau đó.

Theo đội hình trung đội hành quân, mười hai binh bét của tiểu đội chúng tôi với ba lô con cóc chứa đầy cát, xẻng cán gập, bi đông nước, súng tiểu liên AK 47 hoặc nòng dài CKC, thêm hai quả lựu đạn đeo ở thắt lưng bắt đầu chạy lên đồi theo  hạ sĩ Tiểu đội truởng dẫn đầu, áp đuôi là binh nhất tiểu đội phó. Được khoảng hai mươi mét thì có tiếng leng keng vang lên. Không quay đầu lại, Tiểu đội truởng nói to:

– Đồng chí nào  đánh rơi xẻng quay lại nhặt ngay, nhặt xong bám sát ở phía sau đội hình. Khẩn trương!

Chiếc xẻng rơi là của Nam, chạy ngay trước tôi. “Giáo sư” luống cuống tạt ngang để ra khỏi hàng, báng cây CKC của tay hậu đậu này đập  vào chiếc bi đông của tôi đeo ở sườn bên phải. Thêm hai tiếng bịch bịch nữa (tiếng bịch thứ hai là lúc chiếc bi đông rơi xuống đất rồi lăn long lóc).

– Đồng chí nào đánh rơi bi đông, quay lại nhặt ngay. Sau khi nhặt bám sát phía sau đội hình! – Vẫn là tiếng dõng dạc của  hạ sĩ Tiểu đội truởng và hắn cũng không quay đầu lại, tiếp tục duy trì đúng tốc độ chạy ban đầu.

Tôi vừa tạt ngang thì đã gặp tiểu đội phó. Cậu binh nhất má còn hoi sữa này dúi đồng thời chiếc bi đông vào tay tôi và xẻng vào tay Nam. Cả hai không có thời giờ dừng lại để gài buộc xẻng và bi đông vào vị trí cũ, cứ  tay xách nách mang thở hào hển cố chạy theo đội hình tiểu đội cho đến tận đỉnh đồi mới có lệnh dừng. Tôi mệt tưởng chết, còn “giáo sư” Nam nếu không có  tiểu đội phó hỗ trợ đùn đẩy đằng sau lưng chắc hẳn đã lăn quay ra sườn đồi, mặc dù biết rằng làm thế cả tổ tam tam sẽ phải chạy bù lên đồi một lần nữa sau buổi tập, vì đó là nghiêm lệnh của chính trị viên tiểu đoàn huấn luyện.

– Bọn mình bây giờ đúng là trạch bỏ giỏ cua, tha hồ cho cán bộ khung đe nẹt, hoạnh hoẹ, áp dụng mọi thứ kỷ luật khắc nghiệt nhất. – Khoảng làu bàu, hắn  ấm ức về chuyện một tay binh nhất văn hoá lớp bốn cũng có quyền ra lệnh cho mình làm cái này cái nọ – Ngay hồi tớ còn làm xế – lô thì chưa cần cầm đến  chiếc ma – ni – ven bọn nhãi  như thế này cũng đã phải  nhảy điệu cô – tếch ra ngoài tầm với ngay tức khắc – Con hùm bụng rỗng đang nhớ lúc làm chúa rừng xanh!

– Tranh thủ mà nghỉ đi, ếch chết tại miệng! – Nam bảo.

– Chết ở đây thế quái nào được. Sau khi đi khỏi đây đứa nào chết mới chết!

– Tiếp tục hành quân sau ba phút nữa. Toàn trung đội chuẩn bị – tiếng chuẩn uý Khuê – trung đội phó từ phía trên vang xuống.

– Tiểu đội kiểm tra trang bị, chuẩn bị hành quân – Lệnh của tiểu đội trưởng. Cậu ta chạy xuống xem xét lại cách đeo buộc trang bị của toàn đội hình, đặc biệt là của Nam và của tôi.

– Trung đội hành tiến! Bước!

Mãi đến bốn giờ chiều hôm đó D65 mới quay về đến doanh trại. Bữa trưa ăn dã ngoại dưới rừng bạch đàn, do tổ cấp dưỡng (nhưng hình như ai cũng thích đùa gọi mấy cô lính này là tổ cấp dê!) đi đường tắt đón sẵn. Nghỉ ngơi, tắm rửa xúm xít xung quanh mấy cái giếng phải kéo hơn chục sải mới thấy chiếc gầu xuất hiện. Ăn cơm chiều lúc năm giờ rưỡi, đúng bảy giờ tối toàn đại đội đã phải nghiêm chỉnh ngồi ở lán lớn nghe cán bộ huấn thị và đọc báo cho đến chín giờ, rồi đúng mười giờ toàn quân  phải tắt hết đèn đóm, lên sạp nằm im như cá ướp muối.

Để rèn luyện được thói quen này chúng tôi đã phải trả giá bằng ba cuộc báo động: khi thấy có tiếng ồn ào, thậm chí tiếng lào xào sau muời giờ đêm, lập tức trực ban trung đội nổi còi báo động. Thế là cả trung đội (hai lần đầu còn là cả đại đội) nháo nhào chồm dậy nai nịt, đeo vác đồ đạc trang bị chạy một vòng quanh đồi mới có lệnh báo yên. Trước khi được vào ngủ trở lại, đại đội cho biết đó là hình thức vừa là nhắc nhở vừa là rèn luyện, để các đồng chí tân binh hiểu rằng kỉ luật là sức mạnh của quân đội và thời kì huấn luyện là giai đoạn phải áp dụng kỉ luật thép để rèn bản lĩnh.

“Bản lĩnh cái thổ tả!” – tôi nghe Khoảng xế – lô làu bàu ở sau lưng.

Tôi đặc biệt được anh em trong đại đội tín nhiệm trong việc đọc báo, “hữu xạ tự nhiên hương” mà. Trước đó có một vài cậu cũng xung phong hay được chính trị viên chỉ định lên đọc báo, vì  ai cũng muốn được nghỉ sớm nên các tay này thường nằn nèo hay tự động bỏ bớt bài không đọc. Thái Lọ  rất nghiêm khắc về giờ giấc, thấy còn sớm là lập tức có bài hoặc tài liệu gì đó để đọc bổ xung cho đúng chín giờ mới nghỉ, có hôm còn vượt quá giờ mấy phút.

“Đã béo lại khéo ghẹo mỡ!” – Khoảng  bực bội thốt ra, chẳng hiểu hắn phê phán ai. Tôi đọc thì báo nào, tin gì cũng rành rọt trơn tru, quan trọng nữa là hết sớm được mười lăm phút. Đã mang sẵn vẻ hài lòng trên mặt, mười lăm phút còn lại trước chín giờ Thái Lọ không biết làm gì, nói gì nữa nên thường xuê xoa cho đơn vị giải tán sớm đôi chút so với qui định. Tất  nhiên chính trị viên thấy tôi đọc hết các bài đã đánh dấu mà chưa hết giờ, lần sau thế nào cũng thêm vào một vài bài,  nhưng thêm thì thêm tình hình cũng không thay đổi. Mẹo của tôi rất đơn giản: đánh dấu ít bài thì đọc chậm, nhiều bài thì tăng tốc độ cho tương ứng. Còn một bí mật nữa có lẽ vượt quá tầm kinh nghiệm của Ta-vá-rít-sơ này nhưng tôi giữ kín.

Một hôm họp tổ tam tam Khoảng bảo:

– Nam này, đừng tưởng tay Hoàn chỉ biết mơ mộng với cây ghi ta thôi nhá! Nhiều mẹo lắm đấy. Riêng vụ đọc báo hắn luôn luôn bỏ phần giữa của từng đoạn một, chỉ dõng dạc mấy câu đầu tiên với mấy dòng cuối thôi. Thái Lọ có chồng ghế mà ngồi cho cao hơn nữa cũng chẳng vượt được tầm mưu mẹo của Ghi-ta-rí-sờ-tờ (“tay chơi ghi ta”- tiếng Nga) này đâu. Lão có nghe kịp nội dung đâu mà biết các bài báo đã được đọc theo kiểu nhảy cóc!

– Kệ hắn, có thế thì mới có thêm ít phút để hắn chơi ghi ta cho mà nghe. Nói chung thì  có ai để ý đến nội dung, chỉ thấy đọc xong các bài là khoái rồi. – Nam nói.

– Nhưng cậu nếu thấy cần nghiên cứu thì bảo hắn mượn báo về cho mà đọc. Hoàn nó mượn thì  ta-vá-rít-sơ Thái Lọ đá-đa (“đồng ý” – tiếng Nga) ngay – Nam nói thêm với vẻ tỉnh khô.

– Mốc xì! – Khoảng nhăn mũi. Kể cũng lạ, tay Khoảng này đã rời vô lăng vào truờng đại học năm năm rồi mà ngôn từ  vẫn đặc giọng xế – lô!

Tuy vậy tôi và Nam cũng không phải vào xóm sau đồi để thực thi dân vận vì  mấy cô binh nhất ở tổ “cấp dê” tỏ ý khá quan tâm đến nhóm này. Chẳng gì thì nhóm ba tên của chúng tôi trông cũng được mắt hơn các tổ khác. Tôi được nhiều người của trường Xây Dựng hồi đó biết đến, do cây đàn ghi ta chơi độc tấu đã gần chục năm. Nam có tư thế trí thức đàng hoàng, quí tộc kiểu Bá tước Pie Pê-du-khốp – một nhân vật tốt bụng, hăng hái giúp đỡ mọi người nhưng ngây thơ đến độ hơi ngô nghê trong tiểu thuyết “Chiến tranh và Hoà bình ” của Lep  Tôn-xơ-tôi. Còn Khoảng cao to, đẹp trai, biết xốc vác khi cần thiết, đôi khi cũng khá lém lỉnh trong những pha nịnh đầm mang sắc thái ái tình cải lương mùi mẫn.

Huấn luyện được non tháng thì  tổ “cấp dê” biết hết tên bọn này. Khi có đôi chút giờ rảnh (thường chỉ mươi, mười lăm phút) chúng tôi cũng hay giúp họ nhặt rau, bổ củi, dạy các nàng  để cùng hát với nhau những bài “nhạc xanh” của các nước  Đông và Bắc Âu thịnh hành hồi đó. Thông thường thì cán bộ khung (từ binh nhất nấu ăn đến thiếu uý chính trị viên đại đội) có sinh hoạt riêng, luôn giữ một khoảng cách nhất định với tân binh, có lẽ để dễ duy  trì kỉ luật trong nhiệm vụ huấn luyện.

Mấy cô lính ở tổ cấp dưỡng  chan hoà hơn. Cô tiểu đội trưởng có giọng hát khá tốt, bảo chính trị viên cũng muốn khi kết thúc huấn luyện có được một vài tiết mục văn nghệ để tham gia với tiểu đoàn, sư đoàn nên tôi không thấy ai nhắc nhở gì về những chuyện thì thụt giữa tổ tam tam chúng tôi với họ. Từ đó mỗi khi có việc phải tốn nhiều ca – lo, trước khi đi các nàng thường dúi cho ít lương khô hay củ khoai, mẩu sắn (chủ yếu chúng tôi giành cho Khoảng, còn tôi và Nam tuy cũng đói nhưng chưa bao giờ thấy đói đến mức không thể chịu đựng).

Đang trong tuần tập xạ kích, bắn súng trường CKC và tiểu liên AK. Thành tích nói chung là đạt và giỏi vì từ năm đầu tiên vào đại học, chúng tôi đã có một đợt tập quân sự nghiêm túc tại nhà trường. Hai loại vũ khí đơn giản này “không là con bu – gi cụt gì ” theo ngôn ngữ của Khoảng xế-lô, nhưng thành tích chung của tổ  tam tam không khá vì “Bá tước” Nam không thể nào điểm xạ được theo kiểu đều đặn hai viên đạn một lần trên cây AK. Mọi cố gắng đều vô hiệu, chàng Pie  An – nam – mít  này vẫn bị “tắc cú”, nghĩa là bắn ra chỉ có một viên hoặc “dòn tan pháo tép” cỡ bốn năm viên một lần nhấn cò. Tuy nhiên đại đội trưởng và chính trị viên đều có vẻ phởn phơ vì trường hợp hãn hữu này thì đại đội nào cũng có. Qua hơn tháng huấn luyện quan hệ giữa khung và lính mới cũng đã có phần tiệm cận, khác xa với cảm giác hôm đầu tiên khi nghe đại đội  huấn thị :

– Nhiệm vụ của chúng tôi là trong một thời gian ngắn huấn luyện các đồng chí thành những chiến sĩ có kỉ luật, biết cách đánh thắng giặc để cứu nước, bổ xung kịp thời cho chiến truờng. Tất cả những gì ngoài nhiệm vụ đó ra đều không được chấp nhận. Những đồ đạc cá nhân không phục vụ chiến đấu đều phải tinh giản tối đa, ví dụ như những thứ kia, (ta-vá-rít-sơ sĩ quan chỉ vào mấy quyển sách dày cộp không hiểu là  từ điển hay toán học cao cấp  của Nam và một cậu khác), phải quẳng bỏ. Các đồng chí  không được phép nói tiếng Tây.  Nga hay Tàu gì cũng vậy! Tôi nhắc lại không đồng chí nào được dùng tiếng nước ngoài để phản đối hoặc nói xấu cán bộ…

Đang ở môi truờng bắt buộc phải tranh thủ mọi thời gian để học tập nghiên cứu, rơi vào tình thế này đúng là “trạch bỏ giỏ cua” không sai!

– Thôi thì xếp bút nghiên theo việc đao cung, đó là tiền định rồi! – Vào giờ nghỉ sau cơm chiều, trước sinh hoạt tối Nam ngậm ngùi quăng cuốn sách tiếng Nga dày cộp  xuống con kênh chảy xiết.

– Cái ông này, tôi đang định đem nó vào xóm đổi lấy cân lạc để chủ nhật này nhờ tổ “cấp dê” làm kẹo. Phí của giời, mười đời không có! – Khoảng tiếc rẻ. Cha này rất thực dụng, chắc hắn chưa bao giờ cảm thấy khoé mắt cay cay vì một nguyên nhân  lãng đãng gì. Nếu thấy có hiện tuợng “đỏ con mắt bên phải, nháy con mắt bên trái” thì trăm phần trăm là hắn vừa chấm nhầm phải đĩa mù tạt mà thôi!

Tôi ngó theo cuốn sách, nghĩ tới cây ghi ta của mình, chắc rồi cũng phải theo phương án của xế – lô, cũng may là mấy lần tập di chuyển nơi đóng quân, tay Khuê – chuẩn uý trung đội phó – đều nhẹ nhàng đón nó ở vai tôi đem đi đâu đấy, sáng hôm sau cây đàn lại được treo vào cột lán cạnh vị trí tôi nằm như cũ.

Vật bất li thân của Nam đã mất tăm dưới dòng kênh. Nghe nói con kênh này đào từ đời nhà Lê hay nhà Mạc gì đó, dài lắm, mà đến bây giờ vẫn cấp tháo nước với lưu tốc lý tưởng. Thật đáng nể các cụ tổ ngày xưa trong việc đo dẫn cao độ thuỷ chuẩn. Sau các cụ hàng mấy trăm năm, có máy kinh vĩ, trắc đạc hẳn hoi với những vị cử nhân  tốt nghiệp  Đại học Xây dựng – Thuỷ lợi mà vẫn có những  “con kênh ta đào không thấy nước chảy qua!”

Buổi chiều tôi thường đem cây đàn ra chơi. Ngồi bên tôi là Nam và mấy cậu khác cùng đại đội. Xa xa có mấy cô gái trong tổ nuôi quân, họ cũng nghe nhưng thường giữ một khoảng cách, chỉ vào những phút tập văn nghệ hiếm hoi mới cười đùa vòi vĩnh, hoặc trêu cợt tôi và Nam  mà thôi.

Đôi khi rảnh rỗi trung đội phó Khuê cũng đến đứng cùng nhóm nghe đàn. Đó là một sĩ quan trẻ chỉ độ hai mươi hai mốt – tôi đoán thế – kém chúng tôi đến bốn năm tuổi mà đã được phong chuẩn uý sĩ quan trong khi các thiếu uý, trung uý cấp đại đội, tiểu đoàn đều cỡ đầu ba trở lên. Tôi thấy mến cậu ta, không chỉ vì chuyện cây đàn mà thực sự cảm thấy phong cách của người sĩ quan phải như thế, dù rằng tôi còn  hết sức xa lạ với nghiệp nhà binh. Kĩ thuật tác chiến cá nhân nào của Khuê cũng giỏi, cậu ta hướng dẫn các thao tác rất rạch ròi, động tác dứt khoát, dễ làm theo. Riêng về môn võ thể dục thì hết chê, vì có cố gắng và khéo léo đến đâu các tân binh và cả các cán bộ khung khác cũng chỉ thuộc và thực hiện được từng động tác rời rạc, trong khi trung đội phó Khuê nối tất cả các động tác lại thành một bài võ, đẹp, uyển chuyển và mạnh mẽ như  Mai hoa quyền của các nữ hiệp trong phái võ Nga Mi bên Tầu. Nếu số phận tránh cho người sĩ quan trẻ này khỏi đường tên mũi đạn, chắc là cậu ta sẽ tiến xa trong binh nghiệp. – Tôi thầm nghĩ.

Giai điệu xanh của dòng Đa – nuýp gợi nhớ những ngày thanh bình bên con sông Ngụ, nơi sinh viên sơ tán với những cô thôn nữ ra sông gánh nước. Nam đang nhè nhẹ hát theo bằng giọng nam trung khá gợi cảm của hắn: “Yêu người thiếu nữ  bên sông chèo đò, yêu vì đôi mắt em không phai mờ, cho dòng sông xanh lặng trôi lững lờ“. Tôi biết “Giáo sư” đang nhớ tới cô bạn là sinh viên năm thứ ba khoa Cảng, trước đây chàng nàng vẫn thường quấn quít.

Chuyển sang “Du kích sông Thao” với dòng chảy dặt dìu của “Hồng Hà mênh mông đưa nước tới chân làng quê”. Sang đến phần hành khúc dồn dập của các du kích quân thì Nam đứng lên, có vẻ không thích đoạn này. Nhưng “Bá tước Pie” chợt bảo tôi:

– Hoàn này, mấy hôm nay tay Khoảng thường lẩn đâu ấy nhỉ? Hắn có bảo với cậu là đi đâu không ?

Theo qui định thì lúc sinh hoạt, luyện tập hay nghỉ ngơi về nguyên tắc tổ ba người đều phải luôn luôn cùng có mặt để quản lý và giúp đỡ lẫn nhau. Dạo này xế – lô thường hay lảng đi đâu đó nhưng lúc ăn cơm hay sinh hoạt tối bao giờ cũng xuất hiện đúng giờ. Chỗ “đâu đó”  của hắn tôi  thừa biết, nhưng vì chưa có trục trặc gì nên cũng không có ý kiến.

Đó chính là  khu nhà tranh ở sau quả đồi phía sau trại huấn luyện, trong đó có một bà cụ, chị con dâu là vợ bộ đội đã ba năm nay không có tin tức của chồng, và cô út xinh xắn tên là Thoan đang học cao đẳng Sư phạm về nghỉ hè.

Cả ba chúng tôi đã vài lần vào trong đó mượn quanh gánh đi lấy gạo, ban đầu còn định gạ đổi chác mấy thứ đồ dân sự mang đi từ lúc chưa lĩnh quân trang để giải quyết vấn đề dạ dày cho tay Khoảng, nhưng sau có sự quan tâm của tổ nuôi quân nên vấn đề đó không phải đặt ra. Trong những ngày chủ nhật hiếm hoi chúng tôi cũng thường vào đó luộc khoai, nướng sắn, tán tỉnh cho vui trong khi Khoảng trổ thần lực Hec-quyn* để lập kì công bổ củi. Hai chị em cô Thoan đều quí chúng tôi vì thấy phong thái khác với những đợt huấn luyện truớc đây, khi hiểu rõ hơn họ càng có phần thương và trọng. Sau này Thoan cũng hay qua chơi với tổ nuôi quân, giúp họ nhặt rau, chia thức ăn vào các chiếc đĩa kim loại ba bốn ngăn quân dụng. Giữa màu vàng cứt ngựa, chiếc áo hoa lẻ loi nổi lên như bông hải đường  nở sớm giữa mùa đông tàn lụi.

Khoảng mết em Thoan nên tuyên bố với tôi sẽ săn đón với “một trăm phần trăm năng lượng giành cho liu-bốp *”. Hắn biết Nam có mối tình để lại ở  năm thứ ba khoa Thuỷ lợi – Cảng nên chỉ ngại sự tham gia của tôi mà thôi. Tôi bảo “Nu, pa-ga-di!*” nhưng hắn đâu biết khi chia tay với cô bạn  thân nhất ở ga Hương Canh, bước lên đoàn tầu quân sự tôi đã quyết định khoá mọi ngăn tim và vứt chìa khoá xuống sông. Sau chiến tranh nếu còn sống thì sẽ có ngày một cô chép vàng, hoặc nàng mè ranh lửng lơ nào đó ngậm chiếc chìa khoá ấy trong mồm, diễu qua mắt mình để đòi tiền chuộc, còn nếu số phận chỉ định phải là vật hiến tế thì cứ coi là tiền định.

Vài tuần nay tôi không vào khu nhà tranh có hai trái tim vàng ấy nữa, vì một lần vào mượn đôi thùng gánh nước vô tình đã gặp Quế – cô chị dâu của Thoan – đang tắm trong chiếc nhà tắm quây không được kín đáo cho lắm. Phải nói Quế là người đàn bà đẹp, hừng hực sức sống, trông rất bắt mắt đối với đàn ông. “Trông nàng lúc nào cũng tơn tớn, nếu chồng mà ở nhà thì đội tuyển này phải thi đấu cả trận lượt đi lẫn trận lượt về cùng  ngày, không kể  hiệp phụ, phạt đền luân lưu và những phút đá bù giờ”- đó là nhận xét của Khoảng xế – lô. Tôi đứng chết trân, rất muốn xem chút nữa vì cho đến lúc đó chưa hề biết người đàn bà không mặc quần áo như thế nào, nhưng lòng tự trọng – không, tính rát gái và sợ người ta nhìn thấy hành vi của mình thì đúng hơn – đã khiến tôi giật lùi một bước rồi từ từ quay lui. Hình như  Quế có biết là tôi sang nhưng giả vờ  không nhìn thấy.

Quanh con đường mòn về doanh trại, tôi thấy tiếc rẻ nhưng những chuyện như thế này tôi đã biết từ hồi còn là sinh viên ở khu sơ tán. Vợ lính vắng chồng lâu ngày tránh sao được những phút yếu lòng, thằng đàn ông nào vô lương tâm cứ cố đấm sẽ dễ có khả năng được ăn xôi.

– Thôi, mình dính vào làm gì, quên đi cho khoẻ – Lúc ấy tôi đã cố xổ toẹt vụ việc nhưng quả thật đêm hôm đó, thân hình hồng hào đầy đặn với bao nhiêu bí hiểm của người phụ nữ cứ hành hạ mãi tôi trong giấc ngủ.

Trước kẻng ăn chiều Khoảng đã có mặt ở doanh trại. Mấy hôm nay hắn có vẻ phởn, khác với vài tuần trước lúc nào cũng đăm đăm toan tính. Đó là lúc chính trị viên tiểu đoàn thông báo “quân ta chiến thắng ở Quảng Trị, quân nguỵ phải rút chạy sâu vào phía trong, giới tuyến đã bị xoá. Tình hình sắp tới sẽ có nhiều chuyển biến, chiến công đang chờ đón các đồng chí…”

– Sắp tới chỗ ấy sẽ là cái cối xay thịt đấy, các “thày” ạ, Thiệu đang tuyên bố sẽ tái chiếm bằng được Quảng Trị – Khoảng nói với tôi và Nam – Cối xay nó không phân biệt thịt thuộc nguồn nào đâu. Mọi vì sao rồi sẽ biến mất trong hố đen vũ trụ.

Tôi nhìn  Nam  nhún vai.

– Cái gì phải đến nó sẽ đến. Lo, chẳng lo răng bò vẫn trắng – Nam nói.

– Tuỳ các ông, nhưng  nghĩ mẹo phòng thân vẫn hơn.

Hôm nay Khoảng có vẻ hớn hở, sau bữa chiều hắn khoe với tôi và Nam:

– Chiều nay bà cụ nhân thể đi thăm dì dà gì đó đã đưa em Thoan lên truờng. Em nhận lời đợi tôi về, nàng bảo chỉ cần anh còn sống trở về, què cụt gì em cũng nuôi được.

– Các bà đầm được sinh ra từ chiếc xương suờn của A-đam, không biết đàn bà  An  Nam sinh ra từ cái gì  nhỉ? – Nam hỏi tôi.

– Nếu có dịp cậu thử hỏi cô sinh viên năm thứ ba của cậu xem nàng trả lời ra sao – Tôi đáp.

Tôi nói dấm dớ vậy mà thiêng!… Ngay hôm sau Nam đã có cơ hội nhưng hắn lại không hỏi được.

Hôm đó tiểu đội phân công tôi và Nam đi lấy gạo. Gạo mua hay lĩnh (tôi cũng không rõ) ở một kho lương thực quốc doanh, cách chỗ đóng quân khoảng dăm sáu cây số. Như trên đã nói, hồi ấy và ngay cả bây giờ tôi cũng không biết đường đi lối lại ở khu vực luyện quân ra sao, giờ đây chỉ có thể nói ang áng, vì về sau lúc chúng tôi được xe của Hải quân về đón đi đột ngột, cũng vào ban đêm. Việc đầu tiên là phải xoay xở thứ gì để đựng gạo, xưa nay đơn vị chỉ giao việc rồi tân binh phải tự kiếm ra thứ gì đó để có thể hoàn thành nhiệm vụ, đa phần là vào  mượn trong dân.

Những lần đầu tổ tôi thường bỏ quân trang ra ngoài đem ba lô đi đựng tất  tật cả gạo lẫn muối, nhưng chả tên nào nghĩ đến chuyện giặt ba lô nên bây giờ chiếc nào cũng bị chuột nhắt thăm hỏi, bỏ củ khoai tây vào cũng rơi đừng nói là gạo. Tôi không muốn vào nhà Quế nên bảo Nam vào trong đó,  mượn quang gánh và hai chiếc thúng to rồi sẽ thay nhau gánh từng đoạn.

Nam đi ngay, chẳng bao giờ chối việc. Có điều “Bá tước Pie Pê-du-khốp” không có duyên với các công  chuyện của “nông nô” nên  chẳng lần nào hắn hoàn thành được những việc tương tự. Đã có còi tập họp đội đi lấy gạo do một cán bộ khung dẫn đường, Nam cuống lên nhưng tôi kéo tay hắn bảo cứ đi, đã có cách.

Kho gạo có vẻ thuộc về  một thị trấn huyện nhưng đang trong giai đoạn sơ tán nên tiêu điều, không có gì đáng để tâm. Tôi cởi quần dài túm hai đầu ống rồi nhồi vào vừa đủ hai mươi cân gạo, “bao gạo” hình củ nhân sâm này khoác qua cổ tôi như một thằng cu con chễm chệ trên vai ông bố, đi lại thoải mái có điều phải diện theo “thời trang Táo công” mà thôi. Không còn cách nào khác nên “Bá tước” cũng đành theo mốt của tôi làm tay cán bộ khung  phải vừa buồn cười vừa … phục.

Rời kho được hai cây số thì có ba cô gái trên hai chiếc xe đạp đi ngược chiều. Tôi kéo Nam đi ra lề cỏ, quay mặt ngắm mây cho khỏi ngượng nhưng “Bá tước” tự dưng cuống lên, “Nhung đấy!”- hắn nói như thể có báo động  khẩn cấp máy bay địch.

Hơi bị đông vấn đề rồi đây- Tôi nghĩ. Chắc chắn là cô sinh viên năm thứ ba của  “giáo sư” lên thăm chàng, có thể đã đến doanh trại nhưng biết là đi lấy gạo nên ra đón trên đường này. Tình thế thật là bi hài. Hồi còn ở trường tôi chỉ biết loáng thoáng chuyện của họ, thực tâm không chú ý lắm, nhưng những ngày vừa qua đôi lúc Nam có nói chuyện về nàng với tôi. Đó là một cô nàng xinh đẹp, con nhà giàu (nhà có một hiệu ảnh lớn khá nổi tiếng), rất thông minh, nhậy cảm. Tuy tính tình nhõng nhẽo, có chút đỏng đảnh do gia đình cưng từ nhỏ nhưng  rất hợp gam với “Bá tước”. Nếu vẫn là cán bộ giảng dạy ở trường đại học thì chuyện hai dòng suối ấy nhập thành sông sẽ êm đềm như con sông Ngụ, chẳng bao giờ phải nổi lên một cù lao nhỏ. Nhưng từ ngày bị thần Arex * điểm danh tình hình nghe chừng không được xuôi chèo mát mái cho lắm.

Ba cô gái đi qua tốp binh nhì lếch thếch (nhưng chẳng vì thế mà các chàng binh bét này không có mấy lời trêu chọc). Nam quay mặt đi vì có lẽ trong sách thánh hiền chưa có trường hợp nào, ghi rằng giáo sư có thể mặc quần xà lỏn giao tiếp với học trò nữ (đấy là suy nghĩ của “Bá tước Pie”, nếu là tôi thì cứ phớt tỉnh Ăng – lê coi như tình cờ gặp bạn trên bãi biển là xong!). Tôi tuy quay mặt ra ngoài ruộng nhưng vẫn quan sát thấy là họ nhận ra Nam. Cô đi một mình dừng lại chống chân xuống đường nói gì đó, còn hất đầu về phía chúng tôi nhưng cô ngồi trên gạc – ba – ga hất tay ra hiệu đi thẳng, lưỡng lự vài phút rồi cả ba cô đi khuất sau quãng đường cong.

Đinh ninh rằng các cô ngượng chưa muốn gặp nên tôi và Nam quên rằng mình đang phải vác hai mươi kí gạo trên vai, cả hai phi nước mã hồi về doanh trại truớc “đại quân” đến mười lăm phút. Khi họ về đến nơi chúng tôi đã đàng hoàng trong bộ quân phục có hai miếng tiết – quân hàm của binh nhì – trên ve áo.

– Các anh ơi, hơn tiếng trước đây có ba chị đi xe đạp đến hỏi anh Nam, chúng em đã chỉ  đường cho họ đi đón các anh. Các anh không gặp các chị ấy à? – Hạ sĩ  Thuần  trong tổ “cấp dê” từ trong bếp gọi với ra.

– Chắc các bạn ấy sắp về đến đây rồi, nhớ cho thêm ba suất khách nhá! – Tôi đáp thay Nam vì “Bá tuớc” đang hết sức bồn chồn.

Tuy nhiên họ không quay lại, lí do gì về sau chắc Nam cũng biết nhưng không kể cho tôi nghe, chỉ thấy sau đó ít hôm hắn bảo “Tớ lại vứt thêm một thứ nữa xuống kênh Nhà Mạc rồi”.

Tôi bắt tay hắn: “Tớ còn vứt thứ ấy trước khi biết có kênh Nhà Mạc. Những gì đang xảy ra đều là tiền định, quên đi cho khoẻ!”

Cả tiểu đoàn chuyển sang ăn chế độ bồi dưỡng trước khi vào chiến trường, “cấp dê” suốt ngày nháo nhào bận bịu, hương bếp bốc ra đã có vẻ tửu quán, không thanh tịnh  mùi “đại táo” như xưa.

-“Ăn cơm mắm cáy thì ngáy khò khò, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy“- Khoảng lẩm bẩm khi thấy lính tráng hồ hởi như trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được ngày giỗ ông.

“Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”– Tôi cũng bắt chước hắn dẫn ra một câu thành ngữ  An Nam nhưng với dáng vẻ rất Ăng-gờ-lâu  Xác-xông (dân Anh gốc)

Hai tuần cuối  của đợt huấn luyện đầy ắp những sự kiện giật gân (sự thực là như vậy, tôi hoàn toàn không có ý sắp xếp để hy vọng câu độc giả đọc cho đến cùng, câu chuyện về một đề tài đã có nhiều nhà văn nổi tiếng khai thác như thế này). Trong khi chúng tôi bắt đầu ăn chế độ bồi dưỡng thì tình hình chiến trường nóng lên từng ngày, công việc “tái chiếm Quảng Trị” của Thiệu bắt đầu. Mật độ các cuộc không kích Bắc Việt  tăng lên rõ rệt, hầu như ngày nào chúng tôi cũng nhìn thấy trên đầu mình có máy bay tiêm kích, cường kích bay qua. Có hôm là những cuộc không chiến giữa ta và địch, hôm thì tên lửa ta bay cao tít đuổi theo chúng để lại những vệt trắng như các mũi tên bạc của nữ thần Artêmix* ngang dọc trên bàu trời. Ban ngày chúng tôi thường phải vào rừng cây để học các kĩ năng tác chiến, tránh việc máy bay địch bắn hoặc bỏ bom bừa bãi xuống khu lán trại.

Hôm đó là tối thứ bảy nhưng đại đội yêu cầu không được rời doanh trại quá ba trăm mét đề phòng có báo động chuyển quân. Khoảng hơn mười  giờ đêm, tôi vừa  ngủ say thì đủ mọi  thứ tiếng động nổi lên đột ngột: còi báo động của trung đội, kẻng sơ tán ra khỏi doanh trại của tiểu đoàn, tiếng súng cao xạ, tiếng bom lẫn lộn nhưng hoảng nhất (tôi phải thú nhận là đã thực sự hoảng hốt đêm hôm đó) là những vật thể đỏ, to và dài như ống bương bay lừ lừ sát sạt trên khu trại. Chúng toả ánh sáng màu da cam ma quái  như cả không gian đang bốc cháy hoặc chúng tôi vừa rơi vào tâm điểm của núi lửa bất ngờ tung ra phún thạch. Theo bản năng tôi chỉ kịp vớ khẩu súng AK của mình lăn ngay xuống đất, rồi theo chiến hào mới đào từ nhà ngủ toả ra đỉnh đồi để thoát đi, chiếc chăn chiên còn quấn theo người lằng nhăng mãi tôi mới đạp ra được.

Cảnh tượng hy hữu đó chỉ xảy ra trong khoảng ba bốn phút nhưng tiếng súng và bom vẫn tiếp tục lải rải. Tôi đã lên đạn cây AK nhưng chẳng biết bắn gì hay bắn ai, thời gian vừa rồi tiểu đoàn chỉ phổ biến lệnh sơ tán nhanh khỏi doanh trại và bắn máy bay bằng mọi loại súng có thể phòng không, nếu chúng công kích bất ngờ. Sau khi  bình tĩnh lại tôi quan sát chung quanh rồi di động theo chiến hào về phía có đồng đội. Tôi gặp “Bá tước”, thấy hắn cũng đã bình tĩnh nhưng không có súng trong tay. Nam thú nhận vì vội và hoảng quá nên cứ theo mọi người nhào đại ra ngoài, quên không mang súng, hắn định vào lán để lấy súng ra nhưng tôi giữ lại bảo chờ xem sao đã, cả hai cùng tìm Khoảng nhưng hắn không ở đấy. Nam nói có lẽ đã vào kia và hất đầu về phía khu nhà tranh của chị em cô Thoan.

Khoảng mười phút sau chuẩn uý Khuê thông báo lệnh của tiểu đoàn  qua loa pin cầm tay “Bộ đội tiếp tục ở ngoài hào đề phòng máy bay địch. Vừa rồi là tên lửa tầm thấp của ta mới được Liên Xô trang bị, bí mật cơ động đến bố trí đón lõng địch ở đây từ chiều hôm qua. Ta đã tiêu diệt được hai chiếc F4 trong trận này. Trong khi đơn vị tên lửa di chuyển đi vị trí khác, bộ đội sẵn sàng đánh địch bằng súng bộ binh nếu máy bay địch quay lại”.

Đợi Nam vào lán lấy súng đem ra, tôi nói với Nam là đi gọi Khoảng rồi theo con đường mòn mờ sáng ánh trăng vào khu nhà không còn xa chỗ tôi đang đứng. Cửa ngôi nhà tranh hé mở, tôi không vào mà từ ngoài quan sát qua cửa sổ. Thật không thể tin được mắt mình lúc đó: một thân hình đàn ông cao to (tôi nhận ngay ra đó là Khoảng xế – lô) đang hùng hục bên trên người đàn bà loã thể, mặc cho chị ta dãy dụa tìm cách thoát ra hắn vẫn  như con nhân dương* tận hưởng khoái lạc trên thân xác người thiếu nữ là vật hiến tế.  Máu dồn lên mặt nhưng chợt nghĩ dẫu sao cũng là chuyện của hai người nên tôi không lên tiếng, nhưng ngay đó tôi thấy người đàn bà vùng được một tay đang bị đè xuống phản quờ quạng với lên đầu giường, chị ta (chính là Quế) rút ra được chiếc quạt giấy gọng tre cật khá dài vụt như điên dại vào kẻ đang chiếm hữu mình với tiếng hổn hển:

– Mày có thôi ngay đi không. Tao sẽ ra báo cáo…

– Thôi đi nào, để yên nào, tôi không cho ai biết  đâu mà ngại.

– Tao thách mày đấy. Mày… mày…

Tôi đằng hắng một tiếng, thấy con nhân dương vội bật dậy liền quay người về doanh trại, vẫn còn nghe thấy tiếng nức nở sau lưng : – Đồ khốn nạn! Mày còn mặt mũi nào nhìn thấy con Thoan nữa…

Sau lưng tôi, cách một quãng Khoảng xế – lô đang tập tễnh bước theo. Mấy ngày liền tôi không thể nhìn được mặt hắn còn hắn cũng phấp phỏng lo sợ. Tôi không có thói quen báo cáo báo cầy những chuyện như vậy còn Quế cũng không ra, có thể cô ta xấu hổ hoặc lo ngại điều gì. Thấy Nam có vẻ ngạc nhiên về việc Khoảng trở nên ít nói, ngoài giờ luyện tập sinh hoạt tôi thường mượn bàn cờ về chơi vài ván vì “Bá tuớc” cũng rất ham môn này. Dần dần tôi bình thản trở lại, coi như mình bắt buộc phải cộng sinh với một con nhân dương mà thôi.

Kĩ thuật tác chiến chúng tôi học cuối cùng là các môn lựu đạn, bộc phá và thủ pháo. Đã xong môn ném lựu đạn không có sự cố gì. Môn này cũng đã được học từ thời còn là sinh viên, tôi vẫn còn nhớ lần một tiểu thư của lớp Thuỷ lợi vung tay ném,  nhưng trái lựu đạn đã rút kíp đáng lẽ bay về phía truớc chí ít cũng phải mười lăm mét không hiểu sao lại văng sang bên phải, chỗ đặt bàn của Ban Giám khảo làm các quan chức này phải nhảy vội xuống hố ở gần đó như  đàn ếch ộp, còn cô bé thì  may mắn được trợ giáo đứng gần ôm lấy cùng lăn xuống hố đào sẵn ở sau lưng thí sinh. Tất cả cùng hút chết nên sau đó Ban huấn luyện phải tạm dừng kiểm tra cho đào các hố  cá nhân ngay bên dưới mỗi bàn giám khảo!

Môn bộc phá chỉ cần không phải là người bẩm sinh quá nhát, thì châm lửa vào đầu dây cháy chậm một lần là ăn ngay và có thể rút ra khá xa tầm sát thương rồi bộc phá mới nổ, kĩ thuật cột buộc thuốc nổ và ngòi nổ không có gì đặc biệt.  Riêng với thủ pháo phải hết sức lưu ý việc đặt kíp nổ sao cho khi ném đi chiếc kíp đã bị kích sẽ bay đi cùng với quả thủ pháo. Sơ ý một chút là kíp nổ tụt ra ngoài khối thuốc, lưu lại trong tay người ném cùng với đoạn dây giật và sẽ xảy ra thương vong. Tiểu đội truởng và tổ truởng tổ ba người có trách nhiệm phải kiểm tra kĩ xem lỗ giành cho kíp đã khoét đủ độ sâu và chuẩn xác chưa, sao cho sau khi hai mảnh của khúc gỗ tròn xẻ dọc được kẹp lại  buộc chặt vào nhau thành chuôi quả thủ pháo, thì kíp nằm gọn gàng đúng trong lỗ do mình khoét.

Trước hôm thực hành thủ pháo thật chúng tôi đã kiểm tra lẫn nhau xem hai mảnh gỗ kẹp giữ kíp đồng thời là chuôi  thủ pháo đã được gia công ra sao và cảm thấy yên tâm nhưng không hiểu sao sự cố lại xảy ra chính với Khoảng xế – lô.

Hôm ném thủ pháo thật tôi thấy hắn rất bồn chồn, chẳng lẽ thằng cha đã có linh cảm? Hắn cứ thấp thỏm muốn tranh ném trước Nam rồi trước tôi nhưng cuối cùng, sau khi cả hai chúng tôi đã ném nổ ngon lành, hắn mới ngập ngừng bước lên vị trí xuất phát, vẻ lóng ngóng khác với mọi ngày. Trung đội phó Khuê chỉ huy buổi tập hô:

– Đồng chí Khoảng chuẩn bị thủ pháo… Ném!

Khoảng vung tay khá mạnh, thủ pháo bay đi nhưng có vật gì kêu xì xì  còn treo lại ở đầu sợi giây giật đang quấn ở ngón tay của hắn. Chết rồi, kíp nổ đã tuột ra không bay đi cùng với khối thuốc. Xế – lô cuống lên, hắn vung cánh tay xoay lắc cho sợi giây văng ra nhưng chiếc kíp lại quấn vào sát bàn tay phải. Mọi người đứng gần đấy đều kinh hãi quay vội đi để tránh kíp nổ văng vào mắt, chỉ riêng chuẩn uý Khuê xông tới. Trung đội phó nhanh như cắt móc được tay vào đoạn giây giật thật mạnh. Giây đứt rời nhưng đồng thời chiếc kíp cũng nổ một tiếng rất đanh.

Chúng tôi xô đến khi thấy cả hai đều loạng choạng, máu me toe toét. Khoảng bị cụt hai phần ba ngón út và ngón giữa tay phải cũng bị thương, tôi thấy một đoạn giây còn thắt quanh ngón trỏ nhưng ngón đó lại không việc gì, nhưng còn bị một vết thương ở cánh tay trái. Trung đội phó Khuê bị thương vào mu bàn tay phải và má, hai chỗ đều bị khoét lỗ bằng đồng xu, may không sâu lắm.

Tổ cứu thương lập tức băng và tiêm kháng sinh cho cả hai người. Một  số đồng chí ở trung đội thực hành bãi bên cạnh cũng chạy sang hỏi han, trong khi đó tôi chợt nhìn thấy quả thủ pháo không nổ của Khoảng liền nhặt lên, cho vào chiếc ba lô lộn ngược đựng phụ kiện tập của tiểu đội. Phải nửa giờ sau việc thực hành thủ pháo mới có thể tiếp tục như cũ.

Đêm ấy tôi cứ nghĩ ngợi về truờng hợp bị thương của Khoảng, có cái gì đó không bình thường. Sáng hôm sau trong lúc Nam đi cùng Khoảng sang gian giành cho  quân y để thay băng tôi tò mò tách đôi chuôi quả thủ pháo không nổ ra xem xét.

Tôi phát hiện thấy chỗ lỗ khoét dành cho kíp có một lớp giấy đệm vào, vì thế mà kíp nổ nằm nổi giữa hai mảnh gỗ, nên mới có thể tuột ra ngoài theo rãnh giành cho sợi dây giật. Sao lại thế được nhỉ ? Có bàn tay phá hoại hoặc thù hằn cá nhân gì ở đây chăng?

“Bá tước” đã về, tôi nháy hắn cùng ra khu “cầu cạn” trao đổi với nhau về phát hiện vừa rồi. Nam hiểu ngay vấn đề, theo hắn chắc đấy  là chủ tâm của xế – lô vì đã có lần trong câu chuyện vui về khám nghĩa vụ, Khoảng có kể về trường hợp một người họ hàng nào đó bị đá đè nát các ngón của bàn tay phải, vẫn hăng hái xung phong đi bộ đội. Tay công an hộ tịch phụ trách khu vực rất hoan nghênh và cho biết là ở một số nước người ta hay thiết kế ngược với nước mình, ví dụ xe ô tô lại để tay lái sang bên phải, vũ khí của họ ngắm bằng mắt trái nên người nào thuận tay trái thì sử dụng rất tuyệt vời. Nghe nói họ đã viện trợ cho ta đánh Mỹ bằng những vũ khí đặc biệt ấy, rất chi là tối tân!

Nam bảo Khoảng còn cười hê hê kể rằng thằng chả hôm ấy sợ vãi đái, không biết là tay hộ tịch lỡm mình. “Hà hà! Thịt gà, đàn bà, cua bể phải dùng tay thì mới ngon, các cụ bảo thế. Dùng tay nào cũng vẫn ngon nhưng bắn súng mà thiếu ngón tay phải thì làm sao mà ngon được, đúng không các thày?” – Đó là câu kết luận của hắn.

Thôi rồi, khỏi phải suy lý gì thêm. Cao đàm này chắc chắn không do Mao Tôn Cương* tiên sinh đưa ra mà made in* Khoảng xế – lô chính hiệu! Một trong những cách xoay xở để không bị hút vào hố đen vũ trụ – Tôi nghĩ.

Hơn nửa tháng sau thì đợt ăn bồi dưỡng kết thúc. Vết thương trên má chuẩn uý Khuê đã khỏi. Xem chừng tay sĩ quan trẻ này không bị xấu giai đi chút nào mà trông càng có vẻ phong sương hoành tráng, giới thuyền quyên chắc chắn coi hắn là đấng truợng phu lý tưởng- Nam nhận xét như vậy. Bàn tay của Khoảng cũng đã lành, không ai lăn tăn gì về vụ việc của hắn, chỉ có tiểu đoàn trưởng phải thêm một lần rút kinh nghiệm và nhắc nhở chung trong yêu cầu về  an toàn tập luyện đồng thời biểu dương tinh thần dũng cảm vì đồng đội của chuẩn uý Khuê. Hôm ấy nếu Khuê chậm chút nữa khả năng Khoản sẽ mất cả bàn tay phải.

Toàn tiểu đoàn có hai ngày để chuẩn bị hành quân xa, chúng tôi được phong binh nhất và tôi được chỉ định là một trong những tiểu đội trưởng hành quân vì hầu hết bộ khung sẽ ở lại trại nhận tân binh mới.

Bất ngờ vẫn chưa hết. Hôm xuất quân, vào lúc năm giờ ba mươi sáng chúng tôi đã tập hợp đầy đủ ngoài bãi thì bỗng nhiên có hai chiếc mô – tô – ba chở một trung tá và ba đại uý tiến thẳng vào bãi. Sau mươi phút trao đổi với Ban chỉ huy tiểu đoàn huấn luyện, vị trung tá mới đến tiến ra trước hàng quân tuyên bố Bộ Quốc Phòng yêu cầu một số tân binh có tên dưới đây tham gia một nhiệm vụ đặc biệt. Đồng chí nào được đọc tên khẩn trương xếp thành hàng năm sau lưng đồng chí đại uý đã đứng sẵn làm chuẩn, để sau đó tiểu đoàn xuất quân đúng theo lịch trình. Ông ta sẽ đích thân phổ biến nhiệm vụ cho những người được chỉ định và toán này sẽ đi sau các đồng chí khác một chút.

Tôi, Nam với dăm cậu khác cùng  lò Xây dựng và khoảng bốn chục người nữa ở các trường khác có tên trong danh sách đó. Chúng tôi bước ra, lòng hồi hộp không biết là có chuyện gì. Hơn hai trăm năm chục chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn dồn lại hàng  rồi bắt đầu lên đường. Tôi nhìn thấy Khoảng ở xa xa định chạy ra chia tay nhau nhưng một đại uý cản tôi lại. Trong lòng tự dưng thấy thương hắn lẻ loi, đôi lúc thằng cha đáng ghét thật nhưng dù sao cũng chia ngọt xẻ bùi với nhau trong những ngày đầu tiên của cuộc sống biến động này. Quay nhìn “Bá tuớc” thấy hắn cũng có vẻ gì đó bùi ngùi dù chưa biết sắp tới đây sẽ ra sao.

Nhóm thuộc danh sách gọi ra, sau đó lại tiếp tục bị phân chia. Vị thiếu tá của Bộ Quốc Phòng cho biết những người trong danh sách đều là các kĩ sư đã hoàn tất việc đào tạo chuyên môn tại các truờng đại học nên được phân đi các quân binh chủng thực hiện những nhiệm vụ kĩ thuật quốc phòng. Ông ta nói rõ nhiệm vụ của chúng tôi rất quan trọng và không kém hiểm nguy, có thể phải chấp nhận hiểm nguy hơn các anh em khác.

Tôi, Nam và tám người nữa được phân về Hải quân, đa phần là kĩ sư xây dựng công trình Cảng, những người khác là kĩ sư vô tuyến, máy tầu… Hôm ấy chúng tôi không đi ngay mà từng toán một được các quân binh chủng đưa xe về đón đi lải rải trong vài ngày.

Tối hôm ấy, lúc tôi và Nam ăn xong đang rửa bát trong bếp thì hạ sĩ Thuần, cô gái xinh xắn bầu bĩnh, tổ trưởng tổ nuôi quân bỗng dưng gọi “Anh Nam!”. Cô đưa vào tay Nam một cục vuông vuông bọc kĩ bằng giấy báo, bên ngoài cùng là chiếc khăn quàng phụ nữ.  Nam tò mò mở hết các lớp giấy, hoá ra bên trong là cuốn “Toán học cao cấp” tiếng Nga, chính là cuốn sách “Bá tước” đã vứt xuống kênh Nhà Mạc hồi nào. Hai chúng tôi đều ngạc nhiên quay sang cô gái, không hiểu sao mắt cô  rưng rưng, cô sụt sịt:

– Hôm ấy thấy anh vứt quyển sách đi em vừa thương vừa tiếc…Em đang giặt áo vội chạy theo bờ kênh, may là nó mắc lại ở cánh phai cách chỗ ấy khá xa. Sách bị ướt, em đã dùng ca nước nóng là cho anh mấy lần nhưng vẫn chưa hết các nếp nhăn. Hôm nay em nghĩ rằng anh lại cần đến nó…

Trông cảnh cả chàng cả nàng đều cảm động cũng hay hay, tôi bảo Nam:

– Chúc mừng “châu về Hợp Phố*” nhá! Này, cậu lật bên trong mà xem, tớ đoán là thứ  cậu vứt thêm xuống kênh cũng gói ghém cả trong đó đấy!

Sau đó tôi đánh bài chuồn cho họ tự nhiên hơn. Chí ít cũng là cách tôi đền cho hắn về vụ đưa ra sáng kiến mặc “thời trang Táo công” để lấy quần dài đựng gạo hôm nào.

Thưa bạn đọc! Tôi định viết  thêm phần vĩ thanh để nói đôi điều nữa về những nhân vật trên sau chiến tranh, nào là chuyện tôi đến thăm “Bá tuớc Pie” thấy phu nhân của hắn chính là hạ sĩ Thuần ngày nào, chuyện Khoảng xế – lô không những chui qua hố đen không việc gì mà còn suýt trở thành anh hùng quân đội, rồi nói tí ti về vụ chuộc chìa khoá của tôi chẳng hạn, nhưng tôi e bạn đọc đã hết kiên nhẫn nên xin  được chấm hết câu chuyện về những ngày huấn luyện rất đáng ghi nhớ đối với những ai đã là tân binh của “dê cụ” – D65 ngày đó.,.

N. C

Ghi chú:

Atlax *:  Vị thần bị thần Dớt (Thượng đế) trừng phạt bắt phải vác trên vai mình cả bầu trời mãi mãi.( thần thoại Hy Lạp)

Xi-mô-nôp*: Nhà thơ Nga đã viết bài “Đợi anh về” được Tố Hữu dịch  sang tiếng Việt

Hec-quyn*: Dũng sĩ đã lập 12 kì công trong thần thoại La mã.

liu-bốp * : Ái tình (tiếng Nga)

Nu, pa-ga-di* : “Này, cứ để xem”  hoặc “Hãy đợi đấy!” (  tiếng Nga)

Arex* : Thần Chiến tranh ( thần thoại Hy lạp)

Ăng-gờ-lâu  Xác-xông*: dân Anh chính gốc

Artêmix *: Nữ thần săn bắn( thần thoại Hy Lạp)

Nhân dương* : quái vật mình người đầu dê  (thần thoại Hy Lạp)

Mao Tôn Cương* : nhà trí giả có các bình luận cho từng chương hồi của Truyện Tam Quốc diễn nghĩa.

made in* : sản xuất bởi../  mang nhãn hiệu. ..(tiếng Anh)

Châu về Hợp Phố*: Vật mất đi tìm về chủ cũ hoặc điều tốt đẹp lại trở lại như xưa với một nơi nào đó (theo điển cố Trung Hoa).

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder