Những mùa nhãn chín đi qua cuộc đời tôi là cả những khoảnh khắc nhớ nhung, thích thú đến khó quên. Tuy nhiên, ngần ấy mùa hoa nhãn trổ bông cũng luôn đem đến cho tâm hồn tôi những phút trải lòng bâng khuâng, nhẹ nhõm với mùi thơm thoang thoảng ngất ngây. Đôi ba bài thơ tôi làm tả khung cảnh vườn nhãn toả hương dưới đêm trăng sáng luôn là những kỷ niệm đẹp, lung linh đọng mãi trong nhật ký cuộc đời…
Những mùa nhãn chín đi qua cuộc đời tôi là cả những khoảnh khắc nhớ nhung, thích thú đến khó quên. Tuy nhiên, ngần ấy mùa hoa nhãn trổ bông cũng luôn đem đến cho tâm hồn tôi những phút trải lòng bâng khuâng, nhẹ nhõm với mùi thơm thoang thoảng ngất ngây. Đôi ba bài thơ tôi làm tả khung cảnh vườn nhãn toả hương dưới đêm trăng sáng luôn là những kỷ niệm đẹp, lung linh đọng mãi trong nhật ký cuộc đời…
Với mỗi người, hình ảnh quê hương tuổi thơ luôn mang đến nỗi nhớ, cảm xúc, kỷ niệm và những hình ảnh rất riêng biệt. Với ai đó, hình bóng quê nhà có thể là luỹ tre làng thân thương, con đê, cánh đồng lúa rập rờn, cây đa, bến nước, con đò… Cũng có người thì quê hương là những triền đồi thoai thoả, những cánh rừng bạt ngàn với thung sâu và suối chảy róc rách, hay những cồn cát vàng óng ả sát biển khơi… Với quê hương tuổi thơ tôi thì luôn chất chứa hình ảnh của những vườn nhãn toả ngát hương thơm lúc cây trổ bông và khi đơm trái ngọt ngào.
Tôi sinh ra trên một vùng quê trồng nhãn nổi tiếng, vì vậy mà ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời mẹ đã à ơi ru tôi bằng những lời ru ngọt ngào như trái nhãn lồng chín mọng.
Mẹ kể rằng, nhiều trưa hè oi ả, hay những đêm nóng nực đến chảy mồ hôi và uớt như tắm, mẹ vẫn thường ẵm tôi ra nằm võng nơi vườn nhãn. Không chỉ trẻ nhỏ, vườn nhãn còn là nơi thường lui tới hóng mát của thanh niên, người lớn và cả những ông già bà cả trong xóm. Không khí thoáng đãng, những tán nhãn xoè rộng râm mát trong khu vườn đã chở che cho tôi suốt cả những năm tháng ấu thơ.
Ở xóm tôi hầu như nhà ai cũng trồng nhãn, hộ ít cũng dăm bảy cây, nhà nhiều thì trồng cả vài ba chục cây. Nhà tôi có tới gần trăm cây nhãn cổ thụ mà ông bà nội tôi đã trồng chúng cả gần trăm năm nay. Những cây nhãn ấy cũng sần sùi, cũng già nua theo năm tháng nhưng chúng vẫn đều đều cho những chùm quả ngọt ngào để nuôi sống ông bà, bố mẹ và cả anh chị em chúng tôi ăn học nên người. Nhà tôi không có ruộng đất nông nghiệp nên thay vì phải bươn chải ngoài đồng lúa, ruộng khoai, ngô tuổi thơ tôi hầu như chỉ quanh quẩn bên vườn nhãn. Khi còn bé xíu tôi đã được ông, bà, bố, mẹ huấn luyện công việc bê rổ đi nhặt cỏ quanh gốc nhãn.
Lớn lên chút nữa, một số việc như xới đất quanh gốc và xách nước tưới cây tôi đã phải làm thường xuyên, nhất là những dịp trời nắng quá nhiều, đất khô cằn nên cả nhà phải tưới cây từ sáng tới tối mịt mới được ngơi nghỉ ăn cơm. Vườn nhãn nhà tôi cách xa một cái áo làng tới mấy trăm mét, vì thế với việc xách cả trăm thùng tương đương với vài trăm lượt đi lại nhiều khi khiến đôi chân, cả tay mỏi giã rời. Những khi chăm bón và tưới nhãn vất vả như vậy, nội tôi thường động viên bằng một phần thưởng gì đó đại loại như: “Cố làm chăm chỉ nay mai nhãn đến mùa thu hoạch ông bảo bố mẹ mày mua cho quần áo mới.”, hay có lần ông bảo: “Gắng lên, mai này nhãn được mùa ông thưởng cho một chuyến lên thành phố thăm quan…”. Nhận được những lời động viên với các “phần thưởng” như thế tôi càng quên mệt mỏi để giúp ông bà, bố mẹ làm các công việc chăm bón, tưới tắm cho vườn nhãn.
Thực ra công việc chăm bón, tắm tưới cho nhãn không vất vả như làm các công việc đồng áng, mà một năm chỉ có độ vài đợt nắng nhiều mới phải đầu tư cồn sức tưới nhiều nước mà thôi. Dịp nhãn chuẩn bị ra hoa, và lúc bắt đầu trổ bông cũng là lúc phải bón thúc cho cây bằng phân lân, phân chuồng để cây có sức nuôi hoa, nuôi quả. Công việc này diễn ra trong khoảng 1 tuần và thường là người lớn làm chứ trẻ con chúng tôi hầu như không phải động chạm tới.
Vất vả nhất, nhưng cũng vui nhất có lẽ vẫn là mùa thu hoạch nhãn tới. Nhà nào nhà nấy đều tất bật với công việc hái nhãn để bán. Nhà tôi, vì trồng nhiều, vườn rộng nên việc hái nhãn còn phải thuê mướn thêm nhân công ở ngoài tỉnh mới kịp. Nhãn bẻ tới đâu, đưa xuống đất và được thương lái đến mua ngay mang đi các tỉnh thành tiêu thụ. Năm tôi học tới cấp 2 đã trở thành lao động chính trong nhà. Vì ông bà tôi già rồi nên việc leo cây hay chỉ đạo thợ làm thuê trẩy nhãn tôi đều đảm đương hết. Bố mẹ tôi lo cân nhãn và giúp thương lái đóng thùng.
Những năm tôi lớn hơn, vì phải học nhiều nên khi đến mùa tôi cũng không thể giúp bố mẹ hái nhãn được. Những lúc như vậy, nhà tôi thường bán vo cho thương lái theo kiểu ước lượng, bán cả cây để họ tự hái lấy mà mình không phải động đến. Việc bán nhãn như vậy nhà mình có thể thiệt hơn nhưng được cái đỡ vất vả…
Mùa nhãn chín tới trẻ con trong làng là sướng nhất vì đứa nào cũng được thoả thích ăn nhãn no nê. Tôi từng bị bố mẹ mắng nên dỗi không ăn cơm, và trưa ấy tôi leo tít lên một cây nhãn để hái ăn đến no rồi tụt xuống gốc cây ngủ ngon lành. Chỉ đến khi bố mẹ đi tìm lấy roi quất mạnh vào mông mới choàng tỉnh giấc…
Những mùa nhãn chín đi qua cuộc đời tôi là cả những khoảnh khắc nhớ nhung, thích thú đến khó quên. Tuy nhiên, ngần ấy mùa hoa nhãn trổ bông cũng luôn đem đến cho tâm hồn tôi những phút trải lòng bâng khuâng, nhẹ nhõm với mùi thơm thoang thoảng ngất ngây. Đôi ba bài thơ tôi làm tả khung cảnh vườn nhãn toả hương dưới đêm trăng sáng luôn là những kỷ niệm đẹp, lung linh đọng mãi trong nhật ký cuộc đời…
Tính tới nay đã là cả chục mùa nhãn qua đi tôi không được tận mắt chứng kiến khung cảnh làng quê vào vụ, và cũng không được trực tiếp trèo lên cây để thưởng thức hương vị tươi rói của những trái nhãn vườn nhà, song bao giờ cũng vậy, mẹ tôi vẫn là người rất chu đáo nên bao giờ bà cũng nhờ người hái những chùm nhãn chín nhất, trên những cây nhãn ngon nhất vườn để đóng thùng gửi lên thành phố cho con thưởng thức cũng như thết đãi bạn bè. Những khi ngồi quây quần ăn nhãn cùng bè bạn như vậy, ký ức và hình bóng quê nhà với hương nhãn lan toả lại bao trùm xung quanh…
N T H