Cần thực hiện nguyên tắc “Một chương trình chuẩn mở, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)”. Phải cho nhiều nhóm tác giả cùng viết SGK…
Thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo” nhưng lãnh đạo thực thi có khi chưa thấy rõ hướng đi. Chẳng phải tìm đâu xa xôi, chúng ta phải nghiêm túc học tập nền giáo dục của các nước tiến bộ thế giới như Nhật, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hàn, Sing, Úc,…
Một nền giáo dục tự chủ, tự do học thuật sẽ bật ra các giá trị sáng tạo không ngừng. Cần thực hiện nguyên tắc “Một chương trình chuẩn mở, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)”. Phải cho nhiều nhóm tác giả cùng viết SGK, trong đó có thể có một nhóm Bộ chọn (Tôi biết, trong nhân dân, có nhiều chuyên gia, nhà giáo tâm huyết với SGK). Tiếp theo, các tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu đánh giá, thẩm định, tự do phát biểu và xếp hạng các bộ SGK. Từ đó, các cơ sở giáo dục có thể tự do lựa chọn bộ SGK có thứ hạng, chất lượng tốt, phù hợp với địa phương, học sinh để giảng dạy. (Riêng việc làm chương trình, GS. Ngô Bảo Châu nhắc lại là cần tiến hành trước khi viết sách, và giao cho 1 nhóm tác giả độc lập, khác với nhóm viết sách xây dựng, nhưng các nhóm này phải ngồi lại thảo luận, phản biện với nhau)
Như thế, cũng là cách ứng dụng thuyết tiến hoá, cạnh tranh sinh tồn của Đác uyn, hay quan điểm toàn diện của C.Mác. Đừng độc tôn hoá SGK sẽ sa đà đọc chép, làm gì cũng phải y chang SGK, tiêu diệt sự sáng tạo thì không bao giờ “đổi mới căn bản và toàn diện” được đâu. Tránh hiện tượng 5, 10 năm nữa lại kêu gọi “đổi mới căn bản và toàn diện” vì cái đổi mới cũ đã lặp lại thất bại.
Đành rằng, viết lại sách thì cũng có cái khang khác, tiến bộ ở góc độ nào đó rồi. Nhưng, cần mạnh mẽ đổi mới phương thức như một “Khoán 10” trong giáo dục, để bung nở sức sáng tạo của đội ngũ chuyên gia và nhà giáo.
S.Q.
(nguồn Trannhuong.com)