Đi tìm giải pháp để có những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao – Lê Quang Trang

Nếu chậm tháo gỡ, đổi mới cách làm thì sự chuyển động mạnh mẽ của thế giới bên ngoài sẽ cướp mất thời cơ của ta, sẽ thu hút những tinh hoa từ mọi nơi, và cả của chính ta, về với họ. Người tài năng, thông minh sẽ biết tìm đâu là bến đỗ để thỏa mãn khát vọng sáng tạo của mình.

(Tham luận tại Hội thảo “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao – Thực trạng và giải pháp”, TP. Hồ Chí Minh, tháng 11/2013)

Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương 5 (khóa VIII) là nghị quyết chuyên đề về văn hóa, nhưng vì khái niệm văn hóa có một nội hàm rộng, cho nên, nội dung của Nghị quyết này đã đề cập nhiều lĩnh vực: từ xây dựng thể chế văn hóa, môi trường văn hóa, phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, đến phát triển thông tin đại chúng, văn hóa các dân tộc, văn hóa tôn giáo, văn hóa đối ngoại…

Là người hoạt động văn học, điều quan tâm nhất của chúng tôi chính là phần thứ hai “Những nhiệm vụ cụ thể”, mà trực tiếp là nhiệm vụ thứ ba, với nội dung cốt lõi là “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”. Có thể nói đây cũng là một nội dung rộng và khó, từ việc đánh giá đúng thực trạng tình hình văn hóa, văn học nghệ thuật của chúng ta, từ đó đề ra những giải pháp thích hợp nhằm thúc đẩy văn học nghệ thuật phát triển. Trong tham luận này chúng tôi xin đi sâu vào vài giải pháp mà chúng tôi cho là cốt tử, và nếu giải quyết tốt, chúng tôi tin là sẽ có chuyển biến tích cực.

1. Xây dựng môi trường phê bình dân chủ và lành mạnh.

Về lý thuyết, ai cũng thấy vai trò quan trọng của lý luận phê bình đối với sáng tác, và nếu như trong lý luận phê bình bao gồm hai thành tố, hai lĩnh vực như quan niệm hiện nay, thì theo ý tôi, hoạt động phê bình tác động vào sáng tác và đời sống thường mạnh mẽ hơn lý luận. Vì thế, quan tâm đến xây dựng một môi trường lành mạnh cho phê bình là việc rất cần được coi trọng.

Làm nghề phê bình khó vì nhiều lẽ, có người bảo như làm dâu trăm họ. Khen, mà khen đúng, cũng chưa hẳn đã vừa lòng tất cả mọi người, huống hồ chê, không chỉ rất dễ mất lòng đối tượng được bàn luận, mà có khi trở thành đổi tượng chỉ trích với những người thiếu thiện chí, thiếu cái nhìn khách quan. Người yếu bóng vía, bị một bài phê bình loại “búa bổ”, có thể sẽ không còn đủ can đảm và say mê tham gia vào hoạt động phê bình, thậm chí bỏ nghề đi tìm việc khác, đường khác dễ sống hơn. Ngay cả những người được coi là “thần kinh vững”, việc bị bôi nhọ trên các cơ quan thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội với những bài phê bình vu khống, chẳng khác nào bị tưới nước bẩn lên đầu, làm mất đi hứng thú và nhuệ khí khi tham gia bàn luận. Vì vậy, rất cần thấy được cả sức mạnh cũng như tác hại của phê bình để xử lý việc này được tốt đẹp. Tôi không muốn liệt kê ra nhiều biểu hiện tiêu cực yếu kém của thực trạng của tình hình phê bình hiện nay, mà chỉ muốn qua thực trạng ấy nêu lên một số phương hướng, giải pháp để hạn chế những tiêu cực trong phê bình, tạo môi trường lành mạnh cho phê bình tích cực phát huy.

Nước ta thuộc truyền thống phương Đông, cho nên, ý thức về dân chủ còn nhiều hạn chế. Vì vậy cần tuyên truyền và từng bước nâng cao tính dân chủ trong sinh hoạt lý luận phê bình, hy vọng mở ra những thói quen và tác động tốt đến đời sống sáng tạo văn học nghệ thuật. Chúng tôi quan niệm rằng: dân chủ trước hết là mọi ý kiến, mọi ý tưởng cần được trình bày trước công chúng. Không nên có sự trấn áp, ngăn cản những tư tưởng khác nhau, đối lập nhau, để các cuộc tranh luận không phải là dựa trên những phỏng đoán, những dữ liệu ảo. Thực hành dân chủ là một việc không dễ. Thông thường, tôi từng chứng kiến khá nhiều trường hợp, khi thấy những ý kiến trái mình, người tranh luận tỏ ra không bằng lòng, nhiều khi nóng giận, sửng cồ, viết bài tranh luận lại với giọng điệu chê bai, vùi dập. Suy ngẫm kỹ, trong những lý do không tạo được tính dân chủ trong tranh luận là thái độ thiếu văn hóa của một số đối tượng tham gia tranh luận. Chưa nghe hết nội dung trình bày, có khi chưa nắm hết vấn đề được đề cập, đã lên tiếng chê người là dốt nát, là bảo thủ, có lúc mượn danh nghĩa khoa học, quy kết cho loại phê bình đó những kém cỏi, xấu xa bằng một thứ ngôn ngữ khó nghe, như đó chỉ là thứ phê bình “kiểm dịch”, phê bình “quan phương”, hay “phê bình chỉ điểm” (ám chỉ một cách làm phê bình lén lút, đê tiện), làm tay chân cho những mưu đồ chính trị thấp hèn…thì không ai còn muốn ngồi bàn bạc cho ra nhẽ. Người tự trọng rất dễ rút lui, thậm chí đi làm việc khác, chứ không muốn nhập cuộc để bị xúc phạm. Dân gian có câu: “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tránh sự va chạm với một sự mù quáng thì đó là một cách xử lý khôn ngoan.

Lành mạnh trước hết là các lập luận của tranh luận đưa ra phải dựa trên một nền tảng khoa học, không tùy tiện suy luận một cách thiếu cơ sở, xuất phát từ các yếu tố ngoài khoa học bởi góc nhìn chủ quan của người viết, hoặc nêu ra những ví dụ nhằm bới móc xúc phạm đời tư. Bác bỏ lý lẽ của người khác khi tranh luận là cần thiết, nhưng không phải bằng cách trấn áp, áp đặt bắt người khác phải theo ý mình. Phong cách hành văn, lời lẽ phản biện, phản bác có thể hài hước, làm cho tác phẩm phê bình sinh động hơn, hấp dẫn hơn, nhưng không vì thế lại phô bày một thái độ trích thượng, chụp mũ, xúc phạm một cách thiếu văn hóa đối với đối tượng đang tranh luận.

Nhứng hiện tượng nêu trên là có thực, và khắc phục tình trạng ấy là yêu cầu bức thiết. Đánh giá đúng những giá trị của sáng tác, gợi mở những hướng đi mới mẻ, khuyến khích những cách tân cần thiết, không chỉ là hoạt động lành mạnh của lý luận phê bình mà còn là một mục tiêu nhằm tạo nên những giá trị sáng tác mới, cổ vũ sự sáng tạo những sản phẩm có giá trị chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội.

2. Vấn đề phát hiện và ứng xử với tài năng

Tôi thường nghĩ, tài năng là của hiếm, rất hiếm. Bậc thiên tài càng hiếm, nhân loại có khi chỉ có một hai ngàn người. Trí tuệ của họ là siêu phàm. Tư duy của họ là siêu đẳng, nhiều khi người bình thường không theo kịp, không nhận thức được, dễ gì đánh giá được sản phẩm mà họ sáng tạo, hay nghĩ đến chuyện điều khiển được họ. Ở cấp độ thấp hơn, ta thường gọi là tài năng (mức độ có thể khác nhau), cũng đã hiếm. Họ không phải như người bình thường.

Con người ai cũng có khát vọng cống hiến năng lực của mình. Người tài khát vọng ấy càng rõ rệt. Muốn tác động đến các đối tượng này phải theo quy luật, nắm quy luật mà tác động, thì mới mong có hiệu quả. Từ góc độ quy luật, hướng tác động có thể phân ra làm hai nhánh:

– Với thiên tài, nhận diện được họ đã là khó. Nhưng quan trọng hơn là ứng xử với họ còn khó gấp nhiều lần. Làm sao lôi kéo, lôi cuốn được họ cho sự nghiệp của chúng ta. Phải tuyệt đối tôn trọng và tin tưởng nơi họ, tạo một môi trường rộng rãi cho sự sáng tạo của họ. Không nên tiếc tiền của, công sức khi chăm lo và tạo điều kiện cho sáng tạo của họ. Với những đối tượng này nên dành sự trọng thị đặc biệt, nhưng ở một phía khác, lại nên có một hình thái quản lý đặc biệt, có quy chế riêng. Tác động duy nhất là hướng sáng tạo của họ về phía lợi ích dân tộc, quốc gia, bên cạnh những lợi ích cho nhân loại. Nếu họ cố tình đi ngược lại, với mục đích xấu, tâm địa xấu, thì nên nghiêm khắc, và khi ấy, hãy dũng cảm loại bỏ như vứt bỏ một thiên tài xấu, độc.

– Những đối tượng được coi là tài năng/năng khiếu trong xã hội có nhiều hơn. Tìm phương thức tác động (chừng nào đó) với họ, chính là công việc của chúng ta. Hệ thống chính trị cần thống nhất về cách nhận diện nhân tài, và những ứng xử cần có và phải có, để hướng tới hiệu quả, lá sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao mà ta mong muốn. Biết phát hiện ra họ, dùng đúng cái tài, cái sở trường của họ, chính là biết khai thác tiềm năng, sức mạnh của đội ngũ. Biết dùng người hay không chính là ở chỗ này. Thực thi việc lãnh đạo, quản lý cũng chính là chỗ này. Người xưa đánh giá người biết sử dụng nhân tài còn tài hơn chính nhân tài là vậy. Tôi nghĩ trong những phẩm chất quan trọng cần có của người lãnh đạo, quản lý chính là trí tuệ và lòng khoan dung. Có trí tuệ thì mới phát hiện được vấn đề để giải quyết và quyết đúng. Có lòng khoan dung thì mới dám hy sinh, không nhỏ nhen, nảy sinh kèn cựa, ghen ghét.

Để khuyến khích sáng tạo, tác động được tới những tài năng/năng khiếu, theo thiển nghĩ cá nhân, có thể diễn ra một số bước sau đây:

– Bước 1: Trước hết cần nhấn mạnh đến vai trò của người quản lý tài năng/năng khiếu, có thể hiểu như là đại diện chủ đầu tư. Khi giao việc cho người tổ chức, quản lý là đặt niềm tin vào đội ngũ này, và cũng cần có cơ chế để kiểm tra. Chính đội ngũ quản lý này giúp xã hội tìm hiểu và phát hiện đúng người, đúng năng lực. Tìm đúng rồi lại cũng cần đầu tư đúng. Lâu nay chúng ta thường bình quân trong mọi chế độ chính sách đối với đầu tư cho sáng tạo. Cách làm này có thể tạo sự yên ổn, ít xáo động. Nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất, thì đó là cách làm ít hiệu quả, vì nó không tạo ra động lực thúc đẩy sáng tạo, mà ở chừng mực nào đó còn tạo ra sức trì kéo vì sự bình quân.

– Bước 2: Chọn được người lại còn phải tìm cho ra phẩm chất, sở trường trong con người ấy. Phải hiểu được họ có yêu thích, có tâm huyết với cái việc định giao phó cho họ hay không. Họ thích việc này mà lại giao việc khác sẽ khó mà hào hứng, rất dễ hỏng việc cho cả hai. Hơn nữa, cùng với tác động theo danh nghĩa chung (như là sự phân công của tổ chức), còn phải đặc biệt chú ý đến phương thức tác động riêng, tác động cá biệt. Nhiều khi sự tác động cá biệt lại có sức khích lệ rất mạnh mẽ.

– Bước 3: Chọn được người rồi phải tạo điều kiện làm việc tương xứng cho họ: (nếu không muốn nói là cần tối đa) từ việc học tập, đầu tư kinh phí, tiếp cận các nguồn thông tin, tiếp xúc hiện thực, nhân vật…Trong đó có hai vấn đề theo tôi là cực kỳ quan trọng: Một là, đưa họ đến với thực tế, sống thực sự với đề tài, với hiện thực cuộc sống, mà chúng ta tin tưởng trao gửi, để họ được hiểu và được bày tỏ tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ một cách thực sự; Hai là, tạo một chân trời tự do rộng mở cho sự sáng tạo của họ. Nhớ lại những năm kháng chiến, việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, cùng nhân dân chiến đấu, đã cung cấp cho người nghệ sĩ vốn sống thực tiễn thật phong phú và rất sâu sắc. Từ đó, hiện thực trong tâm hồn người nghệ sĩ và cảm xúc được tràn ra tác phẩm. Rồi những gợi ý bất chợt, bất ngờ từ đời sống, cũng rất độc đáo. Hiện nay, kinh nghiệm tổ chức sáng tác về đề tài nông nghiệp của Hội nhà văn Trung Quốc cũng có thể cho ta nghiên cứu và học tập. Họ lựa chọn những nhà văn có năng lực, có tâm huyết với tam nông, “hạ phóng” về với cơ sở, không phải “đi thực tế” kiểu  “cưỡi ngựa xem hoa”, mà “sống thực sự”, về làm cán bộ, có khi là phó bí thư, phó chủ tịch một huyện, một xã, để tìm hiểu, giải quyết công việc, qua đó tích lũy vốn sống và viết. Và họ đã có những thành công. Người nghệ sĩ sáng tạo thường dễ xúc động bởi cái đẹp và cái tình, biết làm cho những sợi dây ấy ngân lên trong tâm hồn họ, tôi tin sẽ gặt hái được hiệu quả tốt.

– Bước 4: Khâu nghiệm thu sản phẩm cũng hết sức tế nhị và quan trọng. Việc đánh giá thẩm định phải dựa trên “con mắt xanh” tinh tế, không giống cách thưởng thức hay viết một bài phê bình cho một tác phẩm thông thường. Làm sao thấy hết giá trị của lao động người nghệ sĩ sáng tạo ra. Do đó, từ nghiệm thu đến xuất bản, triển lãm, quảng bá đều quan trọng, và sự trân trọng phải được thấm sâu vào trong mục đích, ứng xử, hành vi. Nếu mọi sự suôn sẻ thì không nói làm gì, nhưng nếu như có sự trục trặc thì càng cần tinh tế trong ứng xử. Tâm trong sáng, trao đổi chân thành, có lý có tình, chắc chắn sẽ có sức thuyết phục, sẽ cho hiệu quả tốt. Thậm chí, khi có sự vênh lệch giữa người nghệ sĩ và người nghiệm thu, hoặc khi gặp phải những lý do xã hội ngoài ý muốn của cả hai, mà tác phẩm có thể chưa công bố ngay, chúng ta vẫn cần điềm tĩnh tìm ra phương cách giải quyết hợp lý, thí dụ việc như mua bản quyền tác phẩm như một tư liệu để nghiên cứu lâu dài, hoặc xuất bản khi có điều kiện.

Quan sát thực tiễn hoạt động văn học nghệ thuật của nước nhà thời gian qua, chúng tôi cho rằng không phải chúng ta không có tài năng, và cũng không phải chúng ta không nghĩ đến phát hiện và chăm sóc, bồi dưỡng nhân tài. Về lý thuyết, quả thật chúng ta rất có ý thức trân trọng đối với người tài. Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một văn bản kêu gọi giới thiệu người tài ra giúp dân giúp nước. Nhiều văn kiện Đảng cũng đề cập chuyện tìm kiếm bồi dưỡng nhân tài, trong đó có cả lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong Nghị quyết 5 của Bộ Chính trị khóa VI, có những nhận định xác đáng, đầy trọng thị “Các nhà hoạt động văn học và nghệ thuật có tài năng được nhân dân quý trọng và có uy tín quốc tế là vốn quý của đất nước, của nhân dân, là lực lượng chủ yếu để xây dựng nền văn hóa văn nghệ xứng đáng của dân tộc” và đề xuất cách ứng xử thật sự nhân văn, nhân tình: “Trân trọng nhân cách, tài năng và sự độc đáo của văn nghệ sĩ, chu đáo, tế nhị, chân tình trong quan hệ, đối xử, có cách làm việc thích hợp với từng cá tính sáng tạo”(*) . Những luận điểm ấy được nêu ra cách đây đã gần 30 năm, là một thái độ cởi mở và đúng đắn. Có người nêu ra lý do kinh tế để băn khoăn, lo ngại thì họ cũng nên biết rằng, từ những năm còn đầy khó khăn sau ngày đất nước vừa giải phóng, mà Báo cáo chính trị tại Đại hội VI (1986) của Đảng đã khẳng định: “Cải tiến chính sách đối với người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp, đãi ngộ xứng đáng lao động nghệ thuật, động viên sáng tạo, khuyến khích tài năng” (những chữ in nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh). Đến Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), năm 1998 lại nhắc lại: “Chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn hóa đòi hỏi tăng nguồn đầu tư thích đáng cho khu vực sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chú trọng đầu tư hỗ trợ cho những tác giả có uy tín cao, những tài năng trẻ, đầu tư cho lực lượng chuyên nghiệp và cả cho phong trào quần chúng. Có chính sách chăm sóc đặc biệt đối với các văn nghệ sĩ cao tuổi tiêu biểu, các mầm non nghệ thuật xuất sắc” (**)

Gần đây nhiều địa phương có chính sách rải “thảm đỏ” mời gọi nhân tài về làm việc và đóng góp với địa phương mình, nhưng xem ra từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách, cho nên, nhân tài chưa được trọng dụng và sử dụng đúng chỗ, tài năng chưa được phát huy, sức sáng tạo chưa được thông thoát, tiềm năng chưa biến thành hiện thực, thành tác phẩm. Tất nhiên khi xem xét vơi từng trường hợp cụ thể, chúng ta cũng nên tính thêm các nguyên nhân khác (như vấn đề đời sống, vấn đề môi trường, vấn đề hợp lý gia đình…), nhưng dẫu sao, nhìn trên bình diện chung, việc ứng xử với nhân tài, từ tìm kiếm, lựa chọn, bồi dưỡng, trọng thị, sử dụng… vẫn là một công việc rất quan trọng, một khâu đặc biệt cần chú ý, mới mong có được những tác phẩm có giá trị cao.

3. Công tác cán bộ của Đảng về văn học nghệ thuật

Công tác cán bộ luôn luôn có vai trò quyết định đối với hiệu quả của mọi hoạt động. Với văn học nghệ thuật, một lĩnh vực quan trọng và tinh tế, càng như vậy.

Trong văn học nghệ thuật cũng lại có một thực tế chúng ta đều thấy, ở mọi cấp độ, dường như thời nào cũng thiếu cán bộ. Trung ương hay địa phương đều có tình trạng này, loại hình nào cũng có tình trạng này. Mỗi lần đại hội, ban lãnh đạo của ngành và bộ phận tổ chức liên quan đều lo lắng, đôn đáo tìm người, mà kết quả là việc bố trí nhân sự sau đó ai cũng thấy là còn bất cập, chưa/ không hợp lý. Và khi bộ máy đi vào hoạt động, khuyết điểm đã bộc lộ, công việc sự vụ có thể trôi chảy, nhưng vấn đề cốt lõi là để ra đời được những tác phẩm giá trị của ngành thì lại không thấy, hoặc chưa đạt mức cao, chỉ ở mức bình bình. Hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ sau, rồi sau nữa, đều lặp lại tình trạng tương tự. Và không chỉ ở một địa bàn, một cấp. Tại sao vậy? Tôi nghĩ chắc là có vấn đề ở khâu này. Giải quyết ách tắc này sẽ khai thông được một dòng chảy quan trọng cho phát triển văn nghệ.

Hơn nữa, muốn có tầm nhìn xa, có sự hiểu biết thấu đáo, rõ ràng là rất cần những trí tuệ lớn, có chuyên môn sâu, được tham dự và giải quyết công việc ở tầm chiến lược, tham gia vào thiết kế chủ trương, đường lối, chính sách. Trong khi đó, nhìn vào công tác cán bộ của Đảng, ta thấy việc bố trí cán bộ ở khâu này cũng còn bất cập. Không có? Chưa tin? Hay chưa quan tâm? Nhìn lui về quá khứ, có nhiều giai đoạn trước đây, các lãnh tụ của Đảng ta cũng chính là các nhà văn hóa lớn. Dù vậy, trong các cấp chiến lược, việc đề cử, sắp xếp những chuyên gia văn hóa văn nghệ vẫn rất được quan tâm. Nhưng nhiều nhiệm kỳ đại hội gần đây, trong cơ quan cấp chiến lược của Đảng Nhà nước chưa thấy (hoặc không thấy) những nhân sự thực sự là chuyên gia về lĩnh vực này. Vì đội ngũ này thiếu năng lực hay có sự e ngại gì đó? Về lý thuyết, Đảng ta đánh gía rất cao vai trò vị trí của văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, trong khi công tác nhân sự lại chưa chứng tỏ điều đó? Với đội ngũ hàng chục ngàn văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều trí tuệ lớn, giàu lý tưởng và tâm huyết, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, từng có nhiều sáng tạo đóng góp cho đời sống tinh thần của dân tộc và nhân loại, không lẽ lại không đủ phẩm chất, năng lực cho việc lãnh đạo chính công việc mà họ am tường, để Đảng phải điều động những cán bộ ít chuyên sâu hơn sang đảm đương thay. Mà ít chuyên sâu thì thường thiếu tự tin hoặc cực đoan trong quyết định, dễ sai sót và khó thuyết phục, nhất là với tầng lớp văn nghệ sĩ vốn được coi là những cá tính đặc biệt. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nhất quán trong chỉ đạo, gặp phức tạp thường là bỏ lửng, vì không dám đi đến tận cùng vấn đề, không đủ năng lực tập hợp lực lượng để đấu tranh phê phán những luận điệu sai trái, lệch lạc.

Tôi từng biết, vấn đề này đã được viết trên báo chí, nêu lên đây đó trong các hội nghị, từng đem hỏi các đồng chí có trách nhiệm ở cấp cao, và tự mình lý giải cho mình bằng nhiều cách, nhưng xem ra, trong sâu thẳm lòng mình còn thấy chưa thông, và thực tế chưa thấy có chuyển biến tích cực. Hy vọng rằng với những quyết định mới trong chủ trương về nhân sự đã bàn trong các Hội nghị Trung ương gần đây, đặc biệt là trong việc chuẩn bị Đại hội XII của Đảng sắp tới, những vấn đề trên đây sẽ có tiến triển tốt đẹp.

*

Trên đây là một số suy nghĩ chung quanh vài giải pháp cần thiết để góp phần tạo ra những tác phẩm có giá trị cao, mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề cập. Thành công đến đâu còn phụ thuộc vào sự tâm huyết, độ quyết liệt của người tổ chức và sự đồng bộ trong các khâu thực hiện. Nếu làm tốt, tôi tin chắc rằng, sẽ tạo một chuyển biến tích cực trong phát triển văn nghệ của ta nói chung và mở ra hướng cho sự ra đời những tác phẩm có giá trị cao như Đảng và nhân dân trông đợi.

Nhìn rộng ra nữa, chúng ta thấy rằng, thế giới của chúng ta đang sống là một thế giới phẳng, với nghĩa là mọi việc, mọi nơi trên hoàn cầu diễn ra đều có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Nếu chúng ta làm tốt, chẳng những khích lệ được sự sáng tạo của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ mà còn thúc đẩy được sự phát triển của văn học nước nhà. Nếu chậm tháo gỡ, đổi mới cách làm thì sự chuyển động mạnh mẽ của thế giới bên ngoài sẽ cướp mất thời cơ của ta, sẽ thu hút những tinh hoa từ mọi nơi, và cả của chính ta, về với họ. Người tài năng, thông minh sẽ biết tìm đâu là bến đỗ để thỏa mãn khát vọng sáng tạo của mình. Khi ấy chất xám bị chảy, bị mất không phải do ép buộc, mua chuộc nữa mà là chảy một cách tự giác. Nhìn sang lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, ta có thể thấy nhiều ví dụ về điều này đã diễn ra. Rất nhiều nhân tài bị mất, dù họ vẫn rất yêu tổ quốc, nhưng vẫn ra đi vì “không đủ điều kiện làm việc”, vì những ứng xử không thích hợp, tìm đến những nơi mà họ có thể thể hiện khát vọng cống hiến tài năng của mình cho nhân loại (nhưng oái oăm thay không ít trường hợp lại là phục vụ cho các thế lực chống lại con người !). Điều đó thật sự đáng lo ngại và nguy hiểm cho những quốc gia không sử dụng tốt tiềm lực con người của đất nước mình, và nguy cơ  “phát triển trung bình” do cạn kiệt nhân tài, mà nhiều nhà trí thức lớn đã cảnh báo với những quốc gia chậm/ đang phát triển là một thực tiễn không tránh khỏi. Biết trước để tránh và đi trước tình hình có lẽ là một trong những khôn ngoan cần thiết.

 

TP. Hồ Chí Minh, tháng 10-2013

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder