Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Ké Nàm” của nhà văn Hoàng Hạc in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.
NHÀ VĂN HOÀNG HẠC
(1932-1999)
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: HOÀNG VĂN HẠC. SINH NGÀY 15 THÁNG 2 NĂM 1932. QUÊ QUÁN: XÃ BÌNH HẠNH, YÊN BÌNH, TUYÊN QUANG. DÂN TỘC: TÀY. MẤT NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 1999 TẠI YÊN BÁI. THAM GIA CÔNG TÁC THÔNG TIN XÃ TỪ NĂM 14 TUỔI. NHỮNG NĂM SAU ĐÓ LÀM CÁN BỘ TY TÀI CHÍNH, CÁN BỘ TỔ CHỨC TỈNH UỶ TUYÊN QUANG, CÁN BỘ TY VĂN HOÁ YÊN BÁI. TỪ NĂM 1977 ĐẾN 1986 LÀ THƯỜNG TRỰC BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP HỘI VĂN NGHỆ HOÀNG LIÊN SƠN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HOÁ – THÔNG TIN TỈNH HOÀNG LIÊN SƠN, UỶ VIÊN UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH HOÀNG LIÊN SƠN, UỶ VIÊN UỶ BAN TRUNG ƯƠNG LIÊN HIỆP VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM.
KÉ NÀM
Từ dạo năm ngoái, ké Nàm nghe người ta nói: “Ở Thác Bà họ làm ghê lắm! Người về như bướm như ong. Suốt đêm, máy điện vang ầm ầm, dây điện bắc qua giữa rừng nứa như dây sắn. Họ đào núi xuống, đắp kín lòng núi. Chẳng lâu nữa, người ta đắp đến sông, là chỗ ta đây thành biển cả!”. Năm mươi tuổi trên đầu ké chưa nghe ai nói đắp được sông!
– Bác không biết đấy, người ta chẳng những đắp được sông làm thuỷ điện, mà còn đào sông mới nữa kia!
– Tao không nói đâu xa, cứ con sông chẩy này, nom nó hèm hẹp vậy thôi, nhưng mùa nước xem: cứ như trời lở không bằng. Bao nhiêu búi lau, cây sung ven sông, nó đào đi dễ như ăn khoai ấy. Đắp được nó à?
Nhưng những chuyện Thác Bà ngày càng nhiều. Trong bản có người cũng không tin đắp được sông, nhưng họ đi tận nơi xem, khi về nói cũng vào nhau hết. Ké Nàm nghĩ băn khoan “Đắp được sông thật à?”…
Ăn tết năm một ngàn chín trăm sáu mốt xong, bỗng có tin xã bên cạnh chuyển đi nơi khác. Mai kia cả huyện ta cũng chuyển”. Ké thấy lo lo…
– Tao muốn đi Thác Bà một chuyến xem thế nào?
Bà Nàm bảo:
– Đi được thì đi, xem người ta làm thế nào!…
Ké Nàm ngẫm nghĩ, rồi bảo:
– Ừ, thế gói cho tao mấy chiếc bánh đi ăn lèng[1]
Ké đi.
Xuống đến dưới ngã ba Đông Lý thì quá bữa cơm trưa một lát. Cái áo chàm bạc màu của ké đã ướt hai bả vai. Ô tô cái ngược cái xuôi, đông như muỗm ruộng tốt. Cái nào cũng toàn chở gỗ, nứa. Mỗi chiếc đi qua, cuốn theo bụi đường mờ mịt. Ké Nàm phải tránh đều. Vừa đi được vài bước lại nghe tiếng “sùm sùm u u” đằng sau, ké ngoái lại, thấy một chiếc to lù lù, chật cả đường. Ké vội bước xuống rãnh, lưng áp vào thành núi, mắt nom không chớp: nó không giống cái ô tô. Nhìn lên ké thấy cao bằng nóc nhà đất. Nhìn xuống, ké thấy bánh xe cao gần bằng đầu. Ké đếm đi đếm lại, thấy có hai mươi bánh. Ké trộm nghĩ “càng chiếc càng to, ô tô cả nước kéo đến đắp sông thật chắc?” Ké mệt cả người mới đến Thác Bà.
Lâu lắm ké không xuống đến đây, bây giờ đến đây như lạc trong rừng. Bên phải là nhà của công trường; dẫy nhà lá lại những nhà ngói, nom nhiều như nấm trứng. Ké dừng lại tìm con đường cũ ven sông có dẫy cây râm, nhưng chẳng thấy đâu. Nhìn những quả núi cạnh đường, trước đi qua còn sợ beo, bây giờ mất hết cả núi. “Tinh những người với nhà!”. Quả núi nào còn cũng “sứt mẻ” hết cả. Ké liền bước theo con đường ven sông, đi về phía có tiếng động ầm ầm như muốn lật cả đất.
Sắp đến đầu Thác Bà, ô tô vẫn cái thổi còi đằng trước, cái thổi còi đằng sau. Ké nhìn: Chiếc nào cũng bám đầy bụi đất. Trên “vách” xe có vẽ con bò rừng đang húc. – “Có người nói xe bò tót, chắc là nó đây rồi!” – Ké thầm nghĩ và tránh vội những chiếc xe ấy. Tránh kịp lại gặp ngay chiếc máy dọn đất lù lù trước mặt. Ké nhảng ra chỗ quang, nom: những sợi dây to bằng ngón tay cái, chạy từ mình nó lên theo cần, đến đầu cần lại luồn xuống: đầu dây treo một cái ngoạm đất to bằng cái bồ ba tạ thóc. Răng nó thưa doãng ra như hai bàn tay sắp chập vào nhau, ké ngắm nghía nó làm việc, thầm nghĩ: Y như là cái bè cất vó ở cửa ngòi! Nhưng mà sao nó khắc cắn lấy đất, lại khắc mang đi đổ. Người chỉ việc ngồi trong râm vặn máy? Sao mà có thứ máy giỏi thế không biết!”. Ké lại ngắm cái máy đào đất: “Gjoò… con tê tê đào đất còn khom lưng, cái này thẳng lưng, khoẻ quá! Mỗi lần húc như bão làm núi lở không bằng, giỏi thật!”…
Ké nom những người lái xe bò tót, ai cũng trẻ cả. Nhìn những người “vặn máy” dọn đất, ké chợt thấy có một người trẻ quá: hai má hồng hào cười hớn hở. Đầu đội cái mũ có mái che đằng trước. “Sao có người trẻ mà giỏi thế chứ lỵ!” Qua cửa xe, ké thoáng thấy hai đuôi tóc đan chéo buông xuống sau vai: “đàn bà à!?… Ố, con gái Dao, giỏi á!?”… Cô gái cúi xuống, “đầu cá” ngoạm lấy đất. Cô gái quay tít cái vòng tròn, mắt nhìn phía trước. “Đầu cá” ngoạm được đất liền quay đi đổ “Phijồ!” xuống lưng xe bò tót, bò tót kêu hừ hừ lao đi. – “Háy gjòo… giỏi thật. Thế làm gì chẳng đắp được sông”.
Ké đứng ngắm cô gái, nhìn các máy làm việc hoa cả mắt. Mãi lâu, ké thấy cổ họng mình khô khô, ké mới sực nhớ ra là khát nước. Ké quay lại, xuôi theo con đường ven sông xuống.
Đến trước cửa đền Thác Bà, ké đứng ngẩn ra như người lạc đường. đang say sưa ngắm dãy nhà chuyên gia dài dằng dặc thì “Pét pét!” – một chiếc xe vận tải kêu đằng sau, Ké né vào gốc cây. Trên xe có hai anh con trai và một cô gái đứng trên toa, tay bám thành xe phía trước. Thoáng thấy ké Nàm, cả ba cùng gọi:
– Bác Nàm?! bác Nàm!…
Ké Nàm ngẩng đầu lên, xe đã chạy khuất. Ké chỉ kịp nhận ra Thìn và Lưu, người con gái là Ngài thì chiếc xe khác đã về lấp. Ké không kịp trả lời, chỉ nghĩ về ba người ấy: “Nghe nói đi công trường, tưởng công trường nào, hoá ra ở đây!”.
Ở bản, anh em xã viên nghỉ giải lao ở nhà ké Vinh. Thấy ké Nàm đi thăm Thác Bà về, họ cười, hú vang như cất vó được con cá to, gọi ké lên nhà hỏi chuyện. Ké lên, thấy bà Nàm và con Lẻn cũng ở đó. Vừa ngồi, lớp trẻ đã tò mò hỏi ké xem việc đắp sông thế nào? Ké biết chán, nhưng ké không nói. Mấy người già hỏi ké xem Thác Bà có gì mới, ké kể không dứt dây dứt sợi. Lo không hiểu, ké bẻ đóm cắm theo kẽ giát trắng lốp, ví những cần trục, máy móc… cho họ xem. Ai cũng gật đầu khen máy giỏi. Một người nói:
– Các anh huyện uỷ và bí thư xã ta dạo này đủ mà muỗi đốt vắt cắn!
Ké Nàm hỏi:
– Để làm gì?
– Tìm bản mới cho ta đấy.
Ké Nàm dứt hết chuyện. “Máy với móc gì, đắp sông thế nhà ta ngập hết còn đâu!”. Chén nước uống dở, ké bỏ đấy về nhà vừa nghĩ “Mấy đời ăn, ở, qua, về, bao nhiêu mồ hôi đổ xuống chỗ này, cố làm nên cơ ngơi để cho con, bây giờ lại để cho nước ngập!”. Ké thấy mềm cả người.
Tối về hai vợ chồng ké ngồi than thở với nhau. Cái đèn dầu để giữa, ánh sáng rọi vào khuôn mặt thuôn thuôn, hơi dài của bà Nàm. Bà cũng lo nghĩ nhiều, nên nét mặt bây giờ đầy vẻ lo lắng. So tuổi thì bà kém ké Nàm hai tuổi, là người chăm công tiếc việc, cái váy lúc nào cũng bằng đầu gối. Mấy năm trước bà còn mặc cái áo dài, mấy năm nay bà thấy nó vướng vướng, bà mặc chiếc áo cánh gụ. Bà đang tính: “Mười chín tuổi thì về đây cùng chồng làm ăn rồi, công sức vun vào mãi mới thành cái cơ ngơi…”. Bà không muốn đi đâu cả, phàn nàn:
– Ở thế chưa được hay sao, còn đi đắp sông cho nước ngập làm gì cơ chứ!
Ké Nàm vẫn nhìn qua cửa sổ. Ké không còn bụng dạ nào kể cho bà nghe chuyện đắp sông nữa.
Sáng nay ké Nàm không đi ruộng nữa, ké ở nhà. Ngồi bám cửa sổ chán, ké đứng dậy, đi xuống chỗ cây cột treo dao: Tay cầm chuôi dao tuốt khỏi vỏ, vỏ chạm vào cột lạch cạch. Trước mắt ké, cây cột bào nhẵn thín, nổi dầu óng ánh. “Toàn cột lõi cả chứ không đâu!”. Ké vỗ bàn tay pạp pạp vào cột: “Còn chắc lắm!”. Ké nhìn suốt ba gian nhà kê rộng thông thống, mỗi lỗ đục, mỗi cây trêm, ké cảm thấy vẫn còn in rõ vân bàn tay mình, mồ hôi mình bám ở đó. Ké nhớ dạo làm nó, theo thuở ma ông cụ trèo núi lại núi, vắt treo ở kẽ chân như trâu đeo mõ. Gặp một cây lý to quá, hai người ôm không khít. Cha con phát gốc cho quang, rồi mỗi người chém một bên. Một ngày không đổ, mặt trời gác núi lại về đi nhờ người. Hôm sau lên ăn ngủ trên đó bốn, năm ngày đỡ nhau làm. Thành cây cột, lại tìm hèo, cọc, bẩy nhả dần trên đá tai mèo xuống.
“Nhà lúc ấy lại đói nữa. Chồng đi núi, vợ ở nhà cho con bú xong mới đi vay từng cụm lúa. Ngày dựng cũng phải đi vay từng con gà, chai rượu… Ba năm mới nên cái nhà để ở. Từ đó về, cứ tám, chín năm bóc mái lợp lại một lần, lại như nhà mới ngay. Bộ cột này hết đời con, đời cháu cũng chưa hỏng được”. Ké vừa nghĩ, vừa bước chân ra cửa. Ống nước lần đổ và thích rào rào. Ké tụ bảo: “Chín chũa vầu thôi, nước đã đến tận sàn rồi. Bây giờ đi, có vác theo cả lần cả nước được đâu!”.
Ké xuống thang, đến bậc cuối cùng thì dừng lại, nhìn khắp gầm sàn, khắp bãi rồi thầm nghĩ: “Chỗ đất này, cha mẹ xưa vừa ăn củ bấu của mài vừa phát ra cho. Mình sinh ở đây, lớn lên ở đây… cha mẹ nằm xuống ở đây, mồ mả còn ở chân núi đó. Đời cha, rồi đời mình, lớn lên, gặp bao nhiêu cay đắng cũng cố cho thành nơi ăn chốn ở…”. Ké đứng ngẩn người ra ở cầu thang, mắt nhìn ra trước nhà không chớp. Cạnh bức rào, con gà trống nghển cổ như nhìn thấy gì lạ. Cạnh đó con gá mái vừa bới rác, vừa kêu quác quác, lũ con xúm trước xúm sau tìm mồi. Ké thong thả bước ra bờ ao, tay chắp sau lưng, ống quần vạt chéo như miệng óng bắng. Ké dừng lại ở bờ ao, nhìn lại căn nhà. Nhà nhìn về hướng nam. Những cây cam, cây quýt trước nhà, mỗi cành mỗi quả từng xâu từng chùm như bông lúa. Ké tính công lao vun trồng nó – “Coi thế thôi, nhưng từ lúc trồng đến lúc ra quả phải bảy năm. Mấy cây này trồng hột mới được lâu năm như vậy, chứ chiết cành trồng thì đã ra trằm gửi chết sạch rồi. Hàng năm cứ mùa cam, cam vàng cả ngọn. Đi đâu về khát nươc cứ việc chòi lấy ăn. Nếu đi thì bỏ hết thôi! Còn vườn mía trước nhà, vườn chuối sau nhà kia nữa. Một cây chuối trồng xuống, đất tốt cũng một năm mới ra buồng… sáu cây mít sau nhà kia toàn mít dai cả. Năm nào cũng sai từ gốc đến ngọn. Đồi vầu san sát sau nhà kia, cây gác bếp nào gẫy, dẫu chuồng lợn nào hỏng, cầm dao ra khỏi nhà chưa đầy một ấm nước sôi, đã lấy được cây về rồi. Hừ, tháng giêng, tháng hai ăn măng dồi ê cả lưỡi, mai kia thì thôi!…” Ké lại nhìn cái ao, đàn cá đang vờn nhau ở vùng cối máy nước. Ké nghĩ “Đi chỗ nào cũng không tốt ở bằng chỗ này. Có phải một năm mà thành đâu! Đời cha mình, lại đời mình đi đêm về hôm thấy cái gì hay cũng mang về trồng, bây giờ thì thứ gì cũng sẵn. Muốn ngọt có ngọt, chua có chua, thơm có thơm cả một cơ ngơi. Ban ngày đi đâu thì đi, xa bao nhiêu, cứ mặt trời gác núi là mình về chỗ này. Gặp vận nạn, cũng săn sóc nhau cho qua khỏi ở đây. Bây giờ mới được sung sướng một tý…”.
Ké Nàm nghĩ ra được một mẹo. Ké tự bảo: “Ai rủ đi quê mới, ta cũng ừ. Còn mẹo ta, ta giữ cho kín. Khi nào nước dâng đến là đâu vào đấy rồi!”. Hai bàn chân ké nhẹ hẳn. Ké bước ra cổng, lên đồi sau nhà tìm cây ngoãm về chống cành cam lên.
*
Ăn tết năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai xong, người nào gặp nhau cũng nói: “Sắp học tập khai hoang chuyển dân để xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà rồi, chuẩn bị đi nhé, đi khai hoang đấy!”.
Lẻn thích quá! A[2] học xong lớp bảy rồi, chẳng qua nhà neo, Lẻn phải thôi học. Thuỷ điện là gì Lẻn biết. Lẻn thích đi khai hoang, nhưng chài[3] không cho đi. Ké muốn theo mẹo ké đặt sẵn trong bụng, nhưng chưa muốn nói ra. Lẻn không thấy chài nói gì, cứ tưởng chài bằng lòng.
Đến tháng năm thì học tập thật. Học xong lại kêu gọi thanh niên đi khai hoang xây dựng bản mới.
Hôm nay ngày ghi tên, Lẻn để yên ăn cơm xong mới nói với chài. Vừa nói, ké Nàm bật mắng luôn:
– Mày đừng có cứng cổ lắm. Còn bé thì tao vỗ vỗ về về, lớn lên mày không nghe tao à, hả!
Bộ râu bẹ móc của ké rung lên:
– … Xung phong! Trong bản còn khối người đấy. Chỉ có mày mới khai hoang nổi à! Mới mở được bản à!
Lẻn ngồi yên lặng ở cửa sổ gian trong, bụng lo ngay ngáy. A thấy phần mình nặng lắm: “Chài ềm ngày một già, mình đang sức ăn sức làm. Tiếng rằng em gái các chị, nhưng bây giờ nên con cả trong nhà rồi. Em còn nhỏ, đang đi học, mình phải lo… Với lại làm công nghiệp ngay chỗ núi rừng mình, chẳng phải xin đi đâu xa…”.
A nghĩ thế, nhưng nói ra chưa hết câu, chài đã mắng át đi. Lẻn cố nhịn. Để chài nói hết, a khẽ nói:
– Nhưng chài à! Bản tuy còn nhiều người thật nhưng họ có phần họ, ta có phần ta. Việc khai hoang này nặng lắm. Con còn trẻ, phải đi làm trước không thì bỏ cho người già à. Với lại đằng nào nhà ta cũng chuyển đi, thế thì con đi cũng như làm cho nhà mình thôi!
Bộ râu bẹ móc của ké Nàm càng rung tợn. Quả găng ở cổ ké cứ chạy lên chạy xuống:
– Chuyển nhà đi! – Ké trừng mắt mắng – ai cho chuyển. Tao già bằng này rồi, công sức tao làm ra cơ ngơi nào thì tao ở đấy, mày giỏi cứ chắp cánh!…
Lẻn ngước nhìn chài thấy có cái gì lạ lạ? A lại cúi xuống cửa sổ. Nom a lúc này mới thật cô đơn! Bộ áo váy chàm may dạo năm ngoái đen nhấp nháy, hôm nay a mặc vào, thắt lưng bó chít mình gọn ghẽ, a định đi ghi tên, nhưng chài mắng thế. Lẻn thấy tủi thân, không tài nào bước xuống thang được. Lòng Lẻn lúc này hỗn độn, nghĩ không vào nhau. “Làm sao bây giờ? Không đi nữa, như thế không nên người thanh niên đâu! Đi, làm sao cho chài bằng lòng?”… Lẻn ngẩng đầu lên: cuối đồng, con đường ven rừng ngập nắng. Các em nhỏ đi một hàng dài. “Chúng đi họp để ngày mai tiễn đoàn khai hoang thế mà mình vẫn ngồi buồn ở đây!”… Bỗng một tốp trai gái chừng chín người đi tới chỗ hướng Lẻn nhìn xuống, một cô gái đưa tay lên miệng làm loa “hú” lên. Lòng Lẻn như thành nước thành dầu. Sao chài lại không cho đi? Phải hỏi:
– Chài à! Chài bảo không chuyển nhà đi, thế nước ngập đến thì làm thế nào?
Ké Nàm lúng túng. Cứ kiểu này, ké phải nói thật cái mẹo của ké mất. Nhưng còn giữ được, ké bảo:
– Nước ngập thì toa sợ à! Cứ ứ lên đến gầm sàn, tao mới lõng mảng đi, cần gì!
Lẻn đang buồn, thấy chài nói vậy, a vừa thương vừa buồn cười cho chài, a hỏi cho bằng ra:
– Nhưng lúc đó chài đi đâu ở mới được?
Ké Nàm không giữ kín với con nữa quay sang bàn. Ké tin rằng nói ra nó sẽ theo:
– Để tao nói cho nghe. Tao ngẫm nghĩ từ năm ngoái rồi. Bây giờ mới vào rừng đào gốc bốc chà thì khó lắm. Đằng nào mình cũng có người chú họ ở bên Buốc Tuyên Quang. Vài ngày nữa tao sang xem. Chỗ ấy sẵn nước ruộng, sang đấy dựa vào chú mà làm ăn…
Lẻn nhìn chài không chớp mắt, vừa thương, vừa giận chài. Cứ kéo co trong đầu mãi thế này thì nhỡ mất. Không đợi chài dứt lời, a tranh nói, tiếng run run như sắp khóc:
– Không được đâu chài à! Ta bỏ bản làng đi lấy một mình sao? Đi thế mai kia mình mất hết mọi cái mình được hưởng ở Thác Bà này còn gì!
Vừa nói, Lẻn vừa đứng dậy lấy cái túi Pác-mạ. Nghe con nói hai tiếng “bỏ bản” ké Nàm thấy đau nhói. Lẻn nói thêm quả quyết:
– Ở trên người ta đã bàn cho hết rồi, chài lại khác nghĩ đi một đường, chỉ tốn công sức. Con đi khai hoang đây!
Ké Nàm bật dậy:
– Thế thì đi đi! Cái giống… – Ké xuống thang Lẻn cũng cài cửa bước xuống thang theo và đi về phía có tiếng trống.
Giá có bà Nàm ở nhà ké còn được vài câu an ủi, nhưng bà đi nhà con gái cả có việc, ké Nàm bỏ mặc nhà đi chơi lang thang. Định đến những nhà thân trong bản, nhưng câu chuyện Thác Bà vừa học tập xong, gặp ai cũng nghe người ta bàn tán về tương lai, không hợp với mình. Ké lên nhà ké Vinh người cùng tổ sản xuất, chỉ kém ké một tuổi. Ké Vinh trước đây nghèo, nhưng từ hoà bình về, được yên ổn làm ăn nên nhà cửa vườn tược, cây quả, ao cá không kém ai, chỉ thua ké Nàm có cái nước lần chảy về sàn.
Từ lâu, hễ nói chuyện làm ăn, nhà cửa… hai ké thường tìm đến nhau. Cái vui, cái buồn cũng tìm đến nhau kể lể. Ké Nàm không uống được rượu, nhưng hôm nay ké và ké Vinh uống rượu suông. Rượu bốc lên mặt, ké Nàm nói đủ mọi thứ chuyện ở bản, than số mình vất vả… Ké Vinh rượu vào mắt cứ chực nhắm lại. Ké ngả mình, thế là ngáy. Không thấy ké Vinh ừ nữa, ké quay nhìn: ké Vinh đã ngủ rồi. Ké Nàm cũng ngả mình luôn. Bao nhiêu cái giận trút ra miệng chắc đã nhẹ người, ké ngủ một giấc đến sáng.
Ở nhà, bà Nàm thu vén mọi thứ cho Lẻn đi khai hoang xong, đang ngồi nghĩ hết việc này đến việc khác. Việc đi bản Buốc bà mới nghe ké Nàm nói qua tai thôi, tưởng sẽ còn bàn, không ngờ hôm qua lại đem ra cãi nhau với con gái – “nhà có phải nhiều người đâu, mới có bốn, mà khác người khác góc! Không biết hôm qua ké nó ngủ đâu!…” Bà ôn lại câu con gái nói tối qua: “… khó bao nhiêu thì khó, còn có bản làng. Con sẽ cố, nhưng chài ềm đừng có bỏ bản!”
– Nó nói phải. Bây giờ đổi đời rồi, con nó biết đường đi trước thế nào, nó qua đâu, mình cũng theo với.
Ké Nàm về, đầu ké váng, miệng khát, ợ còn mùi men. Ké vừa bắc ấm nước lên kiềng, vừa nói với vợ:
– Làm thế nào đây? Ngày kia tôi đi bản Buốc đấy!
Bà Nàm khó nghĩ quá, bảo:
– Thế… con nó đi khai hoang rồi thì sao? Mình đi thế họ chẳng nói cho à!
Ké Nàm nói chắc chắn:
– Nó đi khai hoang cũng được. Đi cho có lệ để người ta khỏi nói. Còn mình đi đâu là chuyện mình, nhà nào có phận nhà ấy lo.
Hai vợ chồng câu đi câu lại, cuối cùng bà Nàm bảo:
– Thôi tuỳ ông. Chỗ nào tốt ăn tốt ở như nơi này thì đi.
Đường từ nhà tới Buốc phải một ngày thật lực, nên ké Nàm chỉ ăn cơm sớm mà không mang gì, chỉ đội cái nón, cái khăn mặt vắt vai như đi ăn cưới.
Nắng tháng năm. Chỉ một lúc, chiếc khăn mặt đã ướt như dúng nước. Ké gập đôi chiếc khăn mặt lại làm quạt, vừa đi. Đến khe Bản Lẹng, ké ngồi nghỉ ở rãnh nước chân núi.
Khe này chảy từ lòng núi xuống, gặp đường cái, chảy tắt theo rãnh đường vào ruộng. Con đường này từ ngoài tới, gặp chỗ khe nước lại chạy trở vào, nom như cái vạy trâu. Ké Nàm ngồi giữa chỗ gập ấy.
Bỗng có tiếng nói lao xao. Từ chỗ ké vừa vào, một đoàn người kéo tới. Đi trước là một lũ con gái người Dao quần trắng, tiếp đó là con trai Kinh, con gái vừa Kinh vừa Dao, có tới sáu chục người. Mỗi người gánh nặng đầy chăn màn, quần áo, cuốc xẻng, rìu dao, bu gà vịt. Nhìn thấy ké, mấy cô gái cất tiếng chào:
– Bác đi đâu về nghỉ đây thế?
Chào xong, đặt gánh xuống nghỉ. Toán đằng sau kéo vào đứng ùn lại trước mặt ké Nàm. Ké Nàm hỏi một cô gái Dao:
– Bọn cháu đi dân công ở đâu đấy?
– Không, chúng cháu đi khai hoang xây dựng động mới đây!
Cô gái béo, hai má phúng phính, đỏ như gấc chín, trả lời ké vậy, rồi quay lại nói gì với các bạn gái bằng tiếng Dao quần trắng. Ké Nàm không hiểu. Chợt cô quay sang mấy anh thanh niên đang ngồi chụm nhau, hỏi:
– Chỗ này nước dâng đến không?
Anh con trai người Kinh trả lời thành thạo:
– Dâng đứt đi chứ lỵ, còn ngập vào trong kia khoảng hai cây số nữa.
Ké Nàm nghĩ thầm: “Thế thì lút quá nóc nhà mình còn gì!”.
Một anh thanh niên ngồi trước mặt khẽ nói:
– Chỗ này được lợi gì mà chả ngập!
– Ơ mày không biết chứ! – Anh con trai Kinh ban nãy nói – từ eo núi này trở vào, mai kia là chỗ ương cá giống đấy. Hôm nọ tớ đi tìm chỗ khai hoang, đã gặp đoàn khảo sát họ cắm cọc cả rồi. Mai kia xem, ca-nô chạy sình sình từ Thác Bà lên, vào tận trước chỗ ta khai hoang ấy. Người ta nghiên cứu cách nuôi cá, xem loại cá nào hợp với biển nhân tạo, đẻ nhiều, chóng lớn là người ta nuôi. Lúc đó sẽ dùng những chiếc tầu để đánh cá.
Một cô gái Kinh tóc bết hai bên má, vừa quạt vừa nói:
– Nhiều cá thế ăn làm sao hết hở giời!
– Vớ vẩn, người ta đặt nhà máy cá hộp ở ngay ven biển ấy, phần nào ăn thì ăn, còn thì đóng hộp xuất khẩu.
Anh thanh niên có bộ răng thưa hào hứng:
– Jiế! Sướng quá, tớ sẽ làm một chân đánh cá ở trên tầu. Ở nhà tớ thường ra sông quăng chài mãi, tớ biết rồi.
– Rồi tớ sẽ ở quả núi ấy!
– Để làm gì?
– Mày không biết à, quả núi ấy rồi nước biển chạy vòng quanh. Trên núi người ta trồng toàn… cam, quýt dứa cho nhà máy hoa quả. Tao lĩnh việc coi vườn cây. Tao học được cách trồng cam của ông cụ tao rồi. Ngày nghỉ, tao sẽ lên chơi trên các nhà nghỉ mát trên đỉnh núi. Sướng bao nhiêu, điện đưa ở Thác Bà lên sáng suốt ngày đêm nhé!
– Mày biết à?!
– Tao còn biết cả chỗ nào lấy được nước biển lên ruộng, chỗ nào đặt được trạm máy kéo nữa kia. Rồi mày xem, tao mà không làm công nhân trồng cây thì tao hoá thành cây cỏ may này.
Toán con gái cùng reo lên chế giễu:
– … Trồng cây hái quả là việc bọn này chứ, chưa chi đã chọn việc, hê… hê…!…
Cười chán, cô gái má đỏ như gấc chín ban nãy giục:
– Thôi, đi làm cho thành động mới đã!
Đoàn người nhấc gánh lên vai. Ké Nàm nhìn theo họ thấy vui vui… Ké lại nhớ đến con Lẻn: “Nó đi khai hoang đúng thật. Chắc nó biết trước rồi!”… Nhưng lại nghĩ đến quê mới, bây giờ mới đào gốc bốc chà, vỡ vạc từng tý một, ké đội nón đứng dậy, thẳng đường đi bản Buốc.
Cơm tối xong, bà Nàm ngồi ở cửa sổ nhai trầu, nghĩ đến chồng: “Đi được bẩy hôm rồi, chẳng biết có được việc gì không?”… chợt có tiếng cạy cổng. Rồi có tiếng ké Nàm:
– Đưa về đây cho một tý lửa!
Bà Nàm hoàn hồn:
– Hu ú… giật cả mình!
Ké Nàm lần vào máng nước rửa chân. Bà Nàm cầm đèn ra soi, vừa hỏi rối rít:
– Thế nào đấy? Có gặp chú Phàn không? Tìm được chỗ nào rồi à?
Ké Nàm vừa mệt vừa đói, hỏi:
– Còn cơm không?
– Chưa ăn cơm đâu à? Chết thôi!…
Ké Nàm ngồi cho lại sức, rồi vừa ăn cơm vừa nói:
– Mình ở đây đi, đến nhà chú Phàn vừa gặp chú ấy cất vó ở ao. Tối hôm ấy lại mổ con gà thiến.
“Khởi đầu câu chuyện tìm chỗ ở, chú thím ai cũng mừng. Được một chỗ, nơi ấy toàn rừng lau, đất bằng. Ở được khoảng năm nhà. Ruộng hợp tác cũng tốt, phát nương cũng tiện. Chú ấy bảo sẽ để cho bốn cây cột lõi”.
– Có phải chỗ trước nhà chú ấy không?
– Chả chỗ ấy còn chỗ nào?
– Chẳng biết bây giờ thế nào, hồi xưa là không có nước đâu.
– Hừ. Cả một con mương, nước chảy ào ào. Ta mà dựng nhà ở đấy là nước qua ngay chân rào đấy.
Bà Nàm vui hẳn lên, nói:
– Thế còn nói gì! Ối… nói ra thành chuyện chê bản mới, nhưng họ dồn ở chỗ con Lẻn bây giờ ấy: đá như đống nâu, nước không đủ tắm giặt.
Lòng dạ ké Nàm nở hẳn ra, bảo:
– Đấy, tao đã biết trước rồi mà! Nói thì con Lẻn không chịu nghe, bây giờ đã biết khổ chưa. Chẳng tháng này, tháng sau cũng bỏ về cho mà xem!
Ké Nàm ăn cơm xong, hai vợ chồng cứ thầm thì mãi. “Ta sẽ cho hai nhà con gái đi cùng, nhà ta nữa là ba. Tìm thêm hai nhà nữa. Nhà ké Vinh và nhà cô em ké Vinh là hợp. Năm nhà sẽ kéo nhau sang Buốc ở làm một nhóm. Tháng chạp, ta sẽ sang đục mấy cây cột ấy. Cốt dựng lên cho thành cái nhà đã, rồi nhờ người kiếm thêm, làm dần. ăn tết xong, về thay cho mẹ Nàm đi ở bên ấy làm nương, mình thì ngả hết đồi vần xuống đem bán. Rồi mỗi lần đi Buốc, gánh theo một gánh đồ nhà, nước ngập đến là cũng thành cơ ngơi rồi. Nghĩ đến đó, bỗng gà gáy sáng.
Đùng một cái, cả bản lại đồn ầm lên báo: “Theo kế hoạch của xã, tháng mười này chuyển đi trước mười bốn nhà. Rồi cứ thế mỗi tháng đi dăm bảy nhà, hết năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba đi nửa xã, hết sáu tư đi hết xã. Còn đằng sau để cho đoàn thu dọn đến làm việc”.
Không thong thả được nữa, ké Nàm vội sang nhà ké Vinh.
Hai ké ngồi dựa lưng vào cửa sổ, cái đèn và khay ấm chén để giữa. Phía tây, mảnh trăng cuối tháng treo trên đầu núi như cái túi trầu.
– Tớ tìm được một chỗ tốt lắm. Đi với nhau đi. Nhưng đừng nói ra cho ai biết nhé! Bản Buốc, chỗ ấy thế này…
Ké Vinh cũng nghe đồn bản mới “đá như đống nâu, nước không đủ tắm giặt”, đang nản, nghe ké Nàm rủ vậy thì xiêu lòng. Suốt đêm, hai người bàn mẹo chuyển nhà đi. Người nói ra, người mở lời đón, câu chuyện cứ xoắn vào như chạc trâu lạt hóp.
Rủ được ké Vinh, ké Nàm thấy hợp ý quá. Tuy vậy về nhà ké tiếc ngẩn người! Nhìn quanh nhà, lòng ké nặng chịch. Ké cố gạt đi “Ai jiốc, tiếc lắm cũng thế thôi. Biết đường lo sớm còn được ăn!”…
Nhưng được vài hôm, ké Nàm còn bí hơn tai kim: Cô gái cả được tin chài rủ đi bản Buốc, liền bế con về nhà.
Chị Nàm đã ba con, chăm việc hợp tác, thấy cái gì sai là nói thẳng, nên được bầu là đại biểu phụ nữ bản. Ké Vinh trông thấy chị Nàm đi qua nhà, đoán biết thế nào tối nay cũng bàn đến việc đi Buốc. Ăn cơm tối xong, ké Vinh vội sang nhà ké Nàm ngay để nghe xem thế nào?
Ké Vinh đến nơi thấy ké Nàm ngồi tựa của sổ gian bàn thờ vẻ mặt nghĩ ngợi. Bà Nàm ngồi cạnh cột bên trong. Chị Nàm ngồi giữa gian quay mặt lên, đứa gái nhỏ nằm trong lòng mút sữa chút chút. Chiếc mỏ vịt đèn loe lửa sáng rực, soi rõ đôi má rám nắng như cơm cháy của chị Nàm. Chị Nàm nói dở câu chuyện.
– Chẳng qua lầm thuỷ điện Thác Bà thì mình phải qua một đoạn khổ, nhưng còn có anh em trong bản đỡ đần nhau. Thác Bà làm xong, mình cũng thành bản thành ruộng, đi lấy một mình vậy rồi chả biết thế nào?!…
Bộ râu bẹ móc ké Nàm rung lên:
– Lại còn thế nào? Tao đến tận nơi xem chẳng hơn. Chú Phàn chú ấy bao cho được thì tao mới đi…
– Thế a á… nhưng khác đi, con thấy nó thế nào ấy. Từ lo làm nhà, đến chuyển đồ đạc, cũng vất vả hơn. Mình đi theo bản, mỗi thứ họ mỗi lo cho. Với lại, khổ sướng cũng cùng ăn ở với nhau từ lâu về rồi….
– Thế đi Buốc là chết cả à? – Ké Nàm phát bực.
– Chẳng chết đâu, nhưng đi lấy một mình mình vậy, mình thấy mình khác không phải với bản. Lúc vận nạn thì nhờ bản bây giờ gặp khó khăn, mình không cùng giúp cho qua, thành ra mình ăn ở không thẳng ấy chứ!
Ké Nàm không biết nói sao cho trúng. Thực ra, hôm nọ bàn với ké Vinh vậy, nhưng không nghĩ đến “cung cách” này? Bà Nàm chăm chú nghe từ nãy, bà thở dài: Khó nghĩ quá! Hôm nọ chồng bàn với, bà cũng thấy phải. Bây giờ con gái nói ra như thế, bà lại thấy phải hơn. Bà suy nghĩ lâu lắm, rồi chợt hỏi chồng:
– Thế hôm nọ đi, riêng nói với chú Phàn, hay gặp những người “làm việc” ở đấy nữa?
Ké Nàm lúng túng thật sự. Ké cáu lên, gắt:
– Chú Phàn bao cho được thì thôi, còn gặp những người làm việc làm gì!
Cả nhà im lặng. Ké Vinh nghĩ thầm: Chẳng ăn thua! Nghe theo lão ké này có khi nồi treo gác bếp lúc nào không biết! Hồi nọ mình đã nhẹ dạ tin không đắp được sông rồi!”… Ké thấy có ngồi nữa cũng không lọt. Muốn ra về, lại sợ mất lòng với trong nhà. Ké nghĩ mãi rồi chợt sờ tay lên tai nói: “Vơ ầy!…, tai nóng quá chắc thằng bé thức không thấy lại tìm rồi!”. Ké đứng dậy xuống thang đi như chạy. Ra khỏi cổng, ké thở đánh “phù”…
Còn lại ké Nàm, cứ kéo co thế mãi. Cho tận hôm sau, con gái về, việc đi bản Buốc hay đi bản mới, cũng chưa đâu vào đâu.
Đã đến tháng mười. Đồng lúa trước nhà ké Nàm chín vàng rực. Trong bản, phần đi khai hoang chưa về phần lại đi làm nhà, người gặt lúa ít hẳn đi gần nửa. Họ làm quên cả ngày nghỉ mà công việc không chạy mấy. Nhiều người thấy vậy, đòi chuyển nhà đi bản mới. Ở đấy lúa đang chín, lúa tẻ tốt bằng lúa nếp ở đây. Họ muốn đi để yên trí làm việc một bản. Xã thấy vậy, phải đề ra kế hoạch chuyển nhà từng tháng, xem tháng nào nhà nào đi, để chia số lao động ở hai bản cho đều.
Hôm nay nhà ké Vinh chuyển. Vì nhà ké neo người làm, ké đi trước để còn định cơ ngơi và tăng thu nhập. Sau cái hôm ở nhà ké Nàm về, ké Vinh nghĩ chán rồi. “Từ đời tổ tiên về làm ăn chẳng đâu vào đâu, nhờ có cách mạng mới ở vững một chỗ. Chính phủ bảo “Kháng chiến nhất định thắng lợi!” – thắng lợi thật. Từ đấy về mới sửa sang vườn tược, cây quả, đào ao, những thứ ấy mới có. Bây giờ Chính phủ bảo làm thuỷ điện, miền núi còn sướng hơn nhiều! – Ta phải đi theo lời nói ấy. Ké nhắn ké Nàm đến chơi nói chuyện, nhưng ké Nàm nghĩ chẳng đâu vào đâu; đi bản Buốc không thành, còn nói chuyện gì nữa! “Cứ buông bốn chân tay ở chỗ này, nước ngập đến sẽ hay, người ta không cho chết đâu mà sợ!”. Ké không sang chơi nhà ké Vinh. Ké Vinh lại nhắn báo ké Nàm: “Tôi không đi Buốc nữa, chuyển nhà đi bản mới thôi”.
Ké Nàm thấy bạn mình sắp đi, càng nóng ruột, lại tò mò muốn biết họ chuyển thế nào? – Sáng nom rõ lá cây, ké sang nhà ké Vinh. Thấy ké Nàm đến ké Vinh mời nước. Muốn nói chuyện quá, nhưng tay không rảnh lúc nào. Ké Nàm đứng xem. Hơn bốn chục người của hợp tác xã ở tại nơi quê mới đã về ngủ đây từ tối qua. Sáng nay dậy họ sắp xếp mọi việc.
Người thì buộc, người thì nhấc đồ nhà vào quang. Cạnh bếp, mấy anh đang bàn nhau mang thế nào để cái chảo khỏi vỡ. Dưới sàn, anh thì vần chiếc cối đá vào quang, anh nhấc cái cối xay… Bà Vinh vừa thắt địu vào mình vừa sụt sịt, hai mắt đỏ như nhót chín. Bà buộc mãi không nổi cái dây địu. Đứa trẻ lên ba cứ quấn lấy cô y tá. Thấy bà Vinh lúng túng mãi cái dây địu cô y tá lại gần khẽ bảo:
– Đưa cháu cõng cho bà ạ! Bà đi xem đồ đạc các cháu còn gì thì mang.
Ké Vinh ít nói hơn mọi hôm. Ké đang nhấc những bát hương ở bàn thờ cho vào đôi dậu, rồi quay lại bóc những tờ hèm bằng giấy đỏ ghi tổ tiên mình, gập lại, cho vào gánh. Xong đâu đấy, ké nhìn khắp nhà như nhắn chào nó. Cái nhà này, Chính phủ đã đền bù cho ké bốn trăm bạc, rồi nó đi đâu, ké không muốn nghĩ nữa. Còn cây quả, vườn tược, ao cá… thì giao lại cho người đàng sau chưa chuyển coi sóc. Ba, bốn năm nữa mới đắp sông. Từ nay đến đấy, thỉnh thoảng ké sẽ quay lại, xem cái gì mang được thì mang…
Ba đứa trẻ, đứa thì xắn quần, đứa nhét váy lên thật cao. Bảo đi quê mới, chúng nó thích hơn đi chợ may áo mới. Ké Vinh nhấc gánh lên vai, chào ké Nàm:
– Thong thả ở lại sau nhé! Lúc nào lên bản mới thì nhớ vào nhà chơi!
Mấy đứa trẻ tranh nhau xuống thang. Một quãng, nó lại quay lại nhìn cha mẹ nó ra chưa. Ké Vinh xuống khỏi thang thấy cái cửa sổ còn mở, ké đặt gánh quay lại hạ tất cả các cửa sổ xuống. Xuống thang, ké nhìn khắp nơi như ghi từng gốc cây, khóm chuối của mình. Ké nhấc gánh lên vai bước ra cổng, đoàn người chuyển gánh bước theo. Họ nói chuyện ồn ào, vui vẻ như đón dâu về nhà mình.
*
Nhà Ké Vinh đi rồi, liền hôm sau lại đi một nhà nữa. Hai nhà, ba nhà, rồi chuyển mãi không thôi.
Bà Nàm đi ruộng, nghe người ta bàn tán, mắt thấy người ta chuyển nhà, bà nóng ruột quá. Lại được tin con gái nhắn chài ềm đi ăn cơm tối, bàn chuyển nhà, bà không thể ngồi yên được nữa. Về nhà bà bảo chồng:
Lúc thì bảo không đắp được sông, đắp được lại vồ chỗ vập chỗ. Bây giờ đấy, người ta chuyển ầm ầm, mình cứ ngồi ở, mai kia làm bạn với Long vương!
Ké Nàm bảo:
– Lại còn vồ vập nữa. Thế mình cũng bàn với được cơ mà, sao lại không nói!
– Nhưng mình là một người chủ nhà, sao không biết ngắm? Tôi không muốn nghe nữa!
Bà xuống thang đi nhà con gái. Ké Nàm ngồi trơ ra. “mình là một người chủ nhà!:” – Câu nói của bà Nàm làm cho lòng ké đổ hồi. “Zìoo… làm ăn ngần này lâu, đến đoạn trường này còn trượt à?” – tai ké gần như ù đi. Trong chớp mắt ké thấy hiện ra người con gái cả đang nói với ké: “Lúc vận nạn thì nhờ bản, bây giờ gặp khó khăn, mình không cùng giúp đỡ cho qua, thành ra mình ăn ở không thẳng!”… Ké nghĩ mãi, rồi tự bảo: “Ừ, đi bản Buốc được, cũng là đi bản mới được. Nhưng… chả biết bản mới làm ăn ra sao?”. Ké lại nhớ đến con Lẻn. “Hơn năm tháng giời nay, chắc nó chịu nhiều vất vả lắm!”. Ké thương con gái. Nghĩ đến bản Buốc, đến lời chú Phàn hứa cho bộ cột, ké lại tiếc bên ấy. Song lại nghĩ: “Bỏ Thác Bà, mai kia họ hưởng mọi tốt đẹp trước mình thì sao? Hài… không được, ta phải đi bản mới xem thế nào!”… Ké nhất định đi xem. Nhưng nghĩ lại thấy thẹn. “Chẳng nhẽ thấy ké Vinh đi rồi, mình mới mò đi theo họ cười cho!”. Bỗng ké chợt nẩy ra: “Ô, thế này!…”
Lúa chín vàng cả cánh đồng bản mới. Đoàn người cười nói râm ran, gặt rào rào như tằm ăn lá. Có đôi trai gái mải chuyện gì, gặt tụt lại đoàn người” như một cái đuôi. Có cô đứng cạnh Lẻn, thấy vậy, mỉm cười mấy lần rồi cất tiếng hát coọi:
“Hứ ơ… ơ hứ… ứ ơi…
“Gió thổi qua ngọn cau
“Mặt ruộng em mọc đuôi thật rồi!”…
Cả mặt ruộng, người ngẩng đầu, người đang lom khom cũng ngoái lại, rồi cười ầm lên. Đôi trai gái thẹn đỏ mặt, cúi gặt cố kết. Lẻn mỉm cười, rồi trở lại nét mặt buồn buồn. A đứng buộc nắm lúa, mắt nhìn cái lán đứng gần lút giữa bãi ngô xanh. Lòng Lẻn nao nao. A nhớ lại những ngày mới đến, cái lán dựng đấy y như cái nón úp giữa rừng. Hơn năm chục người ăn ở trong ấy, mỡ không có, rau không một ngọn, lấy măng về luộc chấm muối ăn. Việc lại nặng. Có anh không chịu nổi, toan bỏ về, Lẻn bảo: “Mày về rồi bỏ cho ai?” Anh ta nghĩ nom dại cả người. Cuối cùng anh ở lại. Không có rau, Lẻn rủ tổ mình trồng rau. Lẻn bàn với anh phụ trách mua lợn về nuôi… Bây giờ bản mới mở rộng được nhiều rồi, ăn uống ngon hơn trước. Nhưng a kế toán kiêm đội trưởng sản xuất này vẫn có cái gì buồn buồn. Càng gần ngày về, a càng thấy bứt dứt, ít nói, ít vui cười hẳn đi. Anh em thấy vậy, vừa thương, vừa khó chịu với Lẻn. Khó chịu vì hàng tháng bầu Lẻn là xuất sắc. Lẻn nhất định không nhận. Còn biểu dương tổ Lẻn khai hoang vượt mức khoán, đoàn kết, thì Lẻn nhận. “Vậy xuất sắc cá nhân sao Lẻn không nhận?” Anh em muốn giận Lẻn, nhưng giận thì giận, Lẻn không nhận là không nhận. A trộm nghĩ: “Có gì to mà xuất sắc! mình mở bản mới, đón thuỷ điện về cho mình. Nhưng ở bản có người chê chỗ này lắm đá, chỗ kia khan nước, làm ăn khó… không muốn lên đây. Chài lại bảo định đi bản Buốc một mình, thế thì nhận xuất sắc về làm gì! Ừ, cứ thi nhau bảo chỗ này làm ăn khó đi, ta sẽ rủ nhau làm cho mà thấy!”… Lẻn đã rủ anh em làm thế thật.
Sắp hết đợt sáu tháng rồi. Tối nay tổng kết, đợi đoàn khác lên thay thì về. Lẻn vừa gặt, vừa nhìn lên phía lán: cánh nương đỗ xanh đen gần kín ngọn. Qua ngọn nương ngô, con mương đã đào gần thông. A nhìn sang eo núi bên phải, thấy nhà ké Vinh, a nghĩ đến nhà mình. A vừa giận vừa thương chài. “Đi học tập có một tối, về nói qua đường khác đi. Già rồi, cố xuống tận Thác Bà xem, ngỡ là gì, lại làm cho cả bản nói ầm lên: “Ké Nàm tin đắp được sông rồi!”… Sáu tháng gần qua, người ta chuyển nhà lên ầm ầm, mà chài chẳng thò lên ngày nào, Thằng Noọng chẳng biết dạo này có về nhà không? Liệu có thi nổi lớp bẩy không?”… Lẻn cứ nghĩ miên man. Quanh Lẻn chợt có tiếng hú ầm lên như tìm măng gặp ngọn. Lẻn ngẩng đầu lên: – “Ơ, chài!”… Lẻn thầm reo trong lòng.
Ké Nàm đang bước lụi khụi theo bờ ruộng đi lên, tay xách con gà thiến, vai đeo túi Pác mạ. Cái mồm thiên hạ có nể gì người già, họ trêu Lẻn:
– Ơ!… miệng bu gà buộc lạt nhuộm phẩm đỏ mày ạ!
– A A… cái anh gì ở bản Buốc đem cho đấy mà!
– Thôi… ta lại mất đi một người kế toán giỏi!…
Ké Nàm đứng lại, nói chuyện với mấy người hơi có tuổi. Ké khen lúa tốt không ngừng miệng. Lúa tốt thật. Chăm bón phân, giữ nước, nên bông nào bông ấy con gà dò kéo không nổi.
Thấy chài đến, Lẻn tươi hẳn lên, nhưng bụng có cái gì lo lo. A bước lại phía chài. Mấy người có tuổi bảo “đưa chài về lán nghỉ đi, đằng nào cũng gần trưa rồi”. Lẻn đến đón lấy túi, chân đặt lên bờ ruộng, mở túi xem: hai ống gạo nếp! Lẻn phàn nàn bảo ở đây khối nếp. Rồi hỏi thằng Noọng dạo này có về không?…
Lẻn khoác túi lên vai, tay xách bu gà, dẫn chài lên lán. Ké Nàm theo sau, đưa mắt nhìn khắp vùng khai hoang. Mặt trời lên khỏi đầu núi một cây sào phơi. Ánh nắng toả xuống sáng rực rỡ. Những hạt sương đọng trên lá hoa mầu đã tan, nom bãi ngô càng xanh đậm, đồng lúa vàng càng vàng sáng. Ké hỏi con gái:
– Chỗ này là ruộng mình à!
– Ừ, suốt từ trước mặt lán này xuống phải cả. Hơn bốn mươi bung[4]. Còn một đồng ở trong kia nữa.
– Bao giờ họ mới lấy lại?
– Lấy lại thế nào, người ta giao cho mình đứt. Bây giờ mới giao cho có hai cánh đồng, cả xã chuyển lên là họ giao cho ba cánh đồng nữa.
– Thế họ lấy gì mà làm?
– Cũng cùng đi khai hoang như ta ấy…
Ké Nàm hơi cúi xuống, mắt chớp chớp. Lẻn quay sang hỏi chuyện trong nhà, câu này chưa xong đã câu khác, nhưng kẻ chỉ trả lời nhát một. Đầu óc ké còn mải nghĩ về thời bây giờ. Ké nghĩ đến lòng tốt của những con người ngày nay. Đời xưa chẳng bao giờ được thế đâu. Thằng nào ác là được. Chỗ mình ở bây giờ, lúc đó ruộng pó mé để lại cho còn hẹp không, nhà lại đông người, không làm thật lực thì không đủ ăn. Tối rồi, mình cùng cha bẩy gốc cây, mế còn mang vại áo đùm gai đi đổ. Tối không nom thấy gì nữa mới theo đom đóm về. Tới nhà ngủ được một giấc, đã phải theo miệng gà gáy đi rồi. Nhà ké Vinh lúc đó cũng vỡ được một miếng cạnh mình, thành nương rồi, chỉ hai năm sau là thành ruộng, thằng Lý Mấn đến gạt miệng dao, đe: “Chỗ này tao đã cắm từ trước rồi, vợ chồng mày sao lại làm thế? Muốn tốt hay muốn xấu thì bảo!” Ké Vinh ức quá. Nhưng phận đàn em phải chịu. Ké bỏ đi nơi khác. Còn mình ở gần thằng Lý Mấn thì thôi… Con vịt mình nhỡ xuống ruộng nó, nó chửi “mày xem con vịt mày quý hơn tao à!”… Nhưng ruộng mình vừa cấy xong, nó tha hồ thả vịt xuống quấy. Nói thì chả dám nói… Cứ như thời ấy mãi thì đến mất cả cái cơ ngơi ấy cho nó. Bây giờ… thật chả gì tốt bằng bây giờ. Người khác xã, lạ, mà cho nhau ruộng, coi nhau còn hơn anh em ruột. Thảo nào, ké Vinh dọn nhà lên đây là phải!”…
– Úi!… – Ké Nàm chợt thấy cánh nương đỗ xanh, quả đen nhẫy cả một loạt mà chưa hái. Ké tiếc, bảo:
– Sao không đỡ nhau mà nhặt đi?
– Nhặt chứ, nhưng ít người quá. Lúa đầu vụ lại cấy nhiều. Gặt hai hôm đã rồi mới phân nhau đi nhặt.
Đến lán, ké dừng lại cửa lán nhìn dẫy giường dài theo hai bên cửa sổ. Lán rộng năm gian. Ké lại đằng sau lán nhìn. Sau lán có một cái kho, bên trái là nhà bếp. Lẻn vui cười với chị trực nhật, vừa cho gà uống nước. Từ nhà bếp lên, ngô tràn bát ngát, cây cao bằng thắt lưng, cây nào cũng béo mập mạp. “Đất mới tốt thật!” – ké thầm nghĩ.
Lẻn xách ấm nước ở dưới bếp lên. Ké Nàm trở vào. Lẻn vừa rót nươc vừa hỏi:
– Chài lên… tìm chỗ ở luôn chứ?
Ké Nàm ngẫm nghĩ khá lâu, nói:
– Để xem xem đã!
– Còn xem cái gì nữa. Lên thì lên trong năm nay, sang giêng trồng cái gì mới kịp vụ. Như mấy nhà lên đây ấy, bây giờ họ ở đâu vào đấy rồi. Ban ngày chỉ biết đi làm thôi.
Bỗng nhiên ké Nàm nóng ruột.
Lẻn lại nói:
– Còn khó khăn, nhưng không chuyển lên đây đỡ nhau, thì bao giờ mới thành bản thành ruộng. Với lại mai kia ở đây có điện có đài trước đấy…
Đoàn người đi gặt kéo về. Câu chuyện cha con ké Nàm dừng lại. Họ hỏi Ké Nàm mỗi người một cách nhưng cách nào cũng hỏi có phải ké lên xem chỗ dựng nhà không, ké chối hết. Ké bảo:
– Bá lên thăm con Lẻn thôi!
Chiều hôm ấy, ké Nàm lần qua giữa nương ngô. Thỉnh thoảng ké lại gặp từng hòn đá nằm ngập nửa mình trong đất. Ké nhìn khắp nương, mấy cái gốc cây cụt thân chồi lên, ngọn ngô còn sàn sát, ké lắc đầu, thở dài: “Còn đủ mà gian nan mới thành ruộng ó”. Đến ven nương chân núi, thấy con mương đào dở ẩn trong cây rừng đỏ hỏn, ké lại thấy yên lòng: “ồ, ra cũng lấy nước về được, bây giờ mới không có thôi”. Ké lại lần trở xuôi. Lá ngô mài vào tay vào chân ké làm ké thấy ngứa ngứa. Nắng chiều dịu dịu. Ké đưa tay phải lên giữa vành nón, nghiêng người nhìn những nhà mới đến, xem họ ăn ở thế nào.
Ké đang ngại gặp ké Vinh, vì thế nào nó cũng nghĩ thầm: “- Chả đi bản Buốc đi! Thấy người ta lên cũng mò theo!”. Ké không muốn gặp. Nhưng đến nhà đầu tiên chính lại là nhà ké Vinh. Ké Vinh vừa đi gánh nước về, gặp ké Nàm thì mừng quá, vì ké đang nhớ bản cũ.
Ké Nàm lên nhà. Nhà ké Vinh một gian hai trái, nhà sàn. Phên vách đâu vào đấy. Gỗ tạp thôi, nhưng nom chắc lắm. Ké Nàm khen, ké Vinh bảo:
– Cũng nhờ anh em tập thể mới được thế. Khác một mình thì, ôi! Chẳng biết có làm nổi túp lều không.
Ké Nàm quay nhìn trước nhà. Cái vườn đã rào. Trong vườn có chín cây chuối đang lên. Theo bức rào chạy vào trong, cứ một cây cam lại một cây chanh chen nhau thành một hàng dài. Ké chợt nhớ đến lời con Lẻn nói “Lên trước còn kịp trồng các thứ”… Ké nhìn trong nhà, thấy có sáu dậu thóc chồng lên nhau, lại còn một thát đầy phơi ngoài sân. Ké Vinh nói:
– Ở đây bây giờ còn nhiều việc khó lắm. Nước còn xa, việc nặng. Nhưng ồi… cứ làm. Với lại càng ngày nó càng thay đổi chứ, thế mãi à!
Ké Nàm bám ngực vào cửa sổ, nhìn xuống cánh đồng xa xa, lòng cứ phân vân, nửa muốn lên, nửa không muốn lên. Ké Vinh nhìn ké Nàm, lòng tự nhiên thấy tha thiết với bạn mình quá, rủ:
– Lên đây chóng một tý, cùng nhau ta mở bản dựng mường ké à. Bọn mình chẳng gì họ cũng gọi ké rồi. Loăng quăng lắm đâm phí sức. Còn khoẻ ta tranh thủ làm. Đời ta chưa trông thấy thì đời con trông thấy, nhỉ ké nhỉ?
Ké Nàm ừ ào. Chợt ké quay lại, hai người thầm thì tâm sự mãi. Mặt trời xuống núi, ké Nàm mới về lán.
Ké Nàm thật khéo gặp may. Tối hôm ấy đoàn khai hoang tổng kết đợt sáu tháng.
Đoàn người ngồi vòng theo cửa sổ, giữa hai dẫy giường là đèn dầu sáng rực. Ké Nàm ngồi dự. Anh phụ trách người rất trẻ, đôi mắt thông minh, khuôn mặt tròn. Anh báo cáo cả đợt. Bao nhiêu cái khó khăn vất vả anh nói ra, rồi vượt ra sao, kết quả đem lại thế nào… Ké Nàm ngồi tựa cửa sổ nghe không biết buồn ngủ. Ké nhớ nhất là chuyện ăn măng luộc chấm muối, thế mà đoàn khai hoang ra được hai mươi mẫu!
Đến lượt Lẻn báo cáo sổ sách. A nói thạo như nước chẩy xuống thác, con số đâu ra đấy: từ công điểm đến các con số về ngô, lúa nương, hoa mầu… Không ai chê vào chỗ nào. Trước mắt ké, bây giờ nó là người làm gốc bảo ban mọi người. Ké cảm thấy nể nể. Ké sung sướng nhất là thấy nó được những tám mươi công. “Chà… nó nên người thế, mà hôm nó đi, mình mắng nó, ngăn nó!…”
Tổng kết xong người ta lại bình bầu. Họ bầu được bẩy cá nhân xuất sắc. Người đầu tiên là Lẻn. Họ vừa khen Lẻn, vừa chê. Khen Lẻn làm ăn giỏi. Đi trước mọi người, khéo bảo ban trong tổ, nên tổ làm vượt mức vỡ hoang… Còn chê Lẻn: Nói cái gì cứ hay nói một nửa, không chịu phê bình thẳng thắn…
Ké Nàm thấy ai cũng quý con gái mình thì mặt mũi sáng lên. Song Lẻn vẫn giữ tật cũ – Lẻn không chịu nhận mình là xuất sắc. Có người bực mình nói Lẻn “Tại sao?”. Lẻn không biết lấy gì mà chối, a nói liều: “Không nhận là không nhận, còn gì!”. Họ dồn Lẻn, Lẻn muốn nói thật, nhưng trước mặt chài, không tiện. A nhìn chài, rồi nói xa xôi: – Bao giờ dọn nhà lên đây rồi mới nhận…
Ké Nàm thấy con gái nói vậy thì bụng như lật ngược lên hết. Ké nhìn ngọn đèn thành hai ngọn. Tai ké như điếc đặc lại. Ké chợt thấy cuộc họp bỗng lặng thinh, mỗi người bất giác châu mặt vào chờ đợi mình. Mình không nói một câu không được. Ké nói bật ra, bảo con gái:
– Người ta bầu thì nhận chứ, còn cứng cổ làm gì?
Tháng chạp mặt trời mọc khỏi ngọn núi đầu bản. Ánh sắng tràn về khắp mọi nơi. Sương tan trên các ngọn cỏ. Ké Nàm đứng ở bờ ao, trông thấy đàn cá ngoi lên tranh nhau đớp một cái lá rụng cong cong trên mặt ao như cái mảng ngóc. Thấy vậy, ké thương hại đàn cá, ké lên sàn, xách điêng cám xuống, quãi một nắm cho cá ăn rồi đứng ngắm. Bà Nàm đứng cạnh đấy chẻ lạt. Ké Nàm nhìn nắm cám vừa quãi xuống, lúc đầu chỉ một nhúm, nhưng rồi nó loang dần, toả khắp mặt ao. Đàn cá thi nhau ngoi lên đớp, đầu đen dầy như gạo trong nia. Ké thầm nghĩ về đàn cá ruộng ấy. Hàng năm cứ xuân đến, nắng non về, là đem chúng mày ra chuôm thả. Đẻ thành cá con rồi, chúng mày đi khắp hai đám ruộng nếp ăn đòng lúa. Lứa nào cũng vậy, chỉ quanh quẩn ở đấy đến lúc lớn. Gặp cơn lũ to, bờ lở thì thật là may cho chúng máy được quẫy đi khắp đồng. Nhưng cũng chỉ đến tháng chín tháng mười, chúng mày lại phải trở lại cái ao chật hẹp này. Muốn đi cũng mắc bờ rồi. Bây giờ tao mang chúng mày theo thì chưa có ao, vét đem làm mắm thì thương chúng mày quá!
Hai mi mắt ké nheo nheo, rồi cả khuôn mặt ké bừng sáng, ké bỗng nghĩ ra một điều hay lắm. Ké quay lại nhìn bà Nàm, bộ râu bẹ móc của ké rung rung. Một lát, ké bảo:
– Em Nàm ạ! Bao nhiêu cây quả vườn tược ta bỏ đi còn chưa tiếc, huống chi là cái ao này, ta để tất lại thôi!
Bà Nàm dừng tay dao, nhìn ké Nàm một lúc lâu rồi nói:
– Nơi mới chưa giồng được gì làm rau, bắt mổ nướng mang theo để ăn không được à!
Ké Nàm mắt không rời đàn cá đang bơi, nói:
– Thương hại nó, ta để tất lại thôi: Mai kia chỗ này thành biển, nó tha hồ quãy đuôi từ đây xuống Thác Bà rồi lại lên…
Viết 1963
Chữa lại 1971
H.H
________
1. Phòng nhỡ đói thì ăn.
2. A: cô
3. Chài: cha
4. Mỗi bung 40 chiếc mạ.