Trang vội vã xỏ giày, vơ đồ của mình, rón rén rời khỏi phòng. Anh nghĩ: “Chắc tại tối qua say rượu, mình vào nhầm phòng.” Trang ngước nhìn con số 504 được ghi trước cửa. Anh dụi mắt: “Mình không nhầm! Hay đấy không phải Ngọc Anh? Hoặc Ngọc Anh đổi phòng mà không báo lại cho ban tổ chức biết. Chết cha mình rồi, không khéo Ngọc Anh là nữ thật…
Trang vội vã xỏ giày, vơ đồ của mình, rón rén rời khỏi phòng. Anh nghĩ: “Chắc tại tối qua say rượu, mình vào nhầm phòng.” Trang ngước nhìn con số 504 được ghi trước cửa. Anh dụi mắt: “Mình không nhầm! Hay đấy không phải Ngọc Anh? Hoặc Ngọc Anh đổi phòng mà không báo lại cho ban tổ chức biết. Chết cha mình rồi, không khéo Ngọc Anh là nữ thật.
Đối với Trang, đi hội họp chỉ là cái cớ để gặp gỡ bạn bè. Thường thì khai mạc xong một lúc, Trang đã cùng lũ bạn văn nghệ, kẻ trước người sau, tìm cớ lẻn ra ngoài kiếm một chỗ trò truyện. Còn trong thời gian tham gia các trại viết, anh lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm nơi ở. Ai hỏi lý do, Trang chỉ cười trừ. Ngay bản thân anh còn chẳng hiểu nổi, mình định tìm kiếm điều chi nữa là người ngoài.
Lần này nhận được giấy mời tham gia hội thảo, Trang rời nhà từ sớm. Song mãi hơn chín giờ tối, anh mới có mặt gặp ban tổ chức để nhận phòng. Anh bạn thuộc Hội văn nghệ địa phương, được phân công sắp xếp nơi ở cho các đại biểu, dán mắt vào quyển sổ ghi chép, xoay xoay bút, càu nhàu:
– Sao đến muộn thế?
– Quân đâu cả rồi? Để xếp phải làm việc này.
– Người nhận nhiệm vụ đón khách vướng con nhỏ, không ở lại được, cô ta nhờ mình trực dùm buổi tối. Muộn thế này chắc chẳng còn ai đến nữa, mình đang định khoá sổ về.
Trang cười:
– Đi tuyến lạ, bị nhà xe bán suốt, may còn lần về được đến đây. Mà tôi đã gọi điện đăng ký với ban tổ chức rồi còn gì.
– Giấy mời ghi tên Huyền Trang. Khi đàm thoại lại xưng danh Thị Màu với cái giọng lè nhè, đến thánh mò cũng chẳng nổi. Khổ thân con bé, tra danh sách toét cả mắt cũng không tìm ra người đại biểu mang tên Thị Màu. Ngay như tôi biết ông từ lâu, cũng phải nghĩ chán mới lần ra cái tên được ghi dưới tác phẩm: Phiên toà Thị Màu là Huyền Trang – Anh bạn lật trang dò tiếp – Quái, cô ta đã nhét ông vào đâu nhỉ?
Trang gãi đầu:
– Khó khăn vậy hay sao? Biết thế ngay từ lần trình làng tác phẩm đầu tiên, cứ giữ nguyên tên thày u đặt là anh Cu Tràng cho xong.
– Bút danh đối với nhà văn, nhà báo như các ông có mà mêng mông.
– Chuyện. Nhiều khi một tờ báo in hai, ba bài liền, không ghi thế nghe thiên hạ chửi cho ung thư tai luôn.
– Đây rồi, tác giả Huyền Trang tức Thị Màu ở chung phòng với phóng viên Ngọc Anh của Tạp chí: Thời Mới bên khu B.
– Xa không?
– Ngay bên kia đường, khu nhà ấy mới đưa vào sử dụng, nội thất hiện đại lắm. Ông sang đấy lên phòng 504, Ngọc Anh đã nhận phòng từ chiều rồi. Nghe đâu tay này người trong Nam, lần đầu tiên ra Bắc. Người đã viết bài phê bình tác phẩm của ông.
– Tôi không biết Ngọc Anh! Nhưng thôi, ai cũng được! Cũng chỉ là chỗ để đồ. Mấy đứa đang rủ chốc thuê thuyền thúng đi câu mưc đêm đây. Ông có tham gia không?
Anh bạn lắc đầu, nói tiếp:
– Tôi đã đọc những nhận xét của Ngọc Anh về cuốn tiểu thuyết ông mới ra.
– In ở báo nào?
– Ông chưa coi hay sao? Tay này hóm ra phết. Bài viết có khi đưa ông lên tít mây xanh. Nhưng đôi lúc, không những đảy ông xuống tận đáy sình lầy, mà còn cho bày trâu nhảy Lam Bát Đa trên mặt.
Trang nhún vai:
– Với kẻ luôn luôn làm theo ý mình như tôi, khen chê giống nhau. Ông đã bao giờ thấy tôi nổi khùng vì nhận xét của người khác chưa?
– Không được! Phải có quan điểm của mình chứ. Tôi đọc cho ông nghe thử một đoạn, xem ông có còn chuyện nhỏ như con thỏ mãi được không. Này nhé: “Bằng giọng văn tưng tửng, tác giả đã cho nhân vật chính một cuộc sống bi hài…” Đoạn tiếp theo hắn viết thế nào nhỉ?
Thấy anh bạn nhăn mặt, cố nhớ. Trang vội cắt lời:
– Thôi! Thôi! Mai ông tìm cho tôi mượn là xong. Còn bây giờ tôi phải tranh thủ nghỉ một tẹo. Bị xe nhồi suốt ba trăm cây số, lại nâng lên đặt xuống cả buổi chiều nay. Đầu tiên khi tham gia hội nhậu đã xung phong hát bài: rượu là rượu, bia là bia mà bọn chúng chẳng tha cho. Cuộc chiến giữa bia và rượu đã lan đến toàn cục. Mệt bã cả người, tôi chịu hết nổi rồi.
– Thế để tôi gọi điện thông báo cho lễ tân bên đó. Ông cứ sang, nhớ tìm đúng phòng 504 mà vào.
***
Trang xoay nhẹ nắm đấm, cửa không chốt khoá. Anh rùng mình vì hơi lạnh trong phòng, điều hoà được để mức thấp, nhiệt độ chêch lệch tạo ra hơi nước bám đầy cửa kính. Căn phòng chẳng bật đèn, cửa sổ không kéo rèm. Ánh sáng từ ngoài rọi qua cửa kính, đồ vật trong phòng mờ ảo. Ngọc Anh – người bạn cùng phòng chùm trăn kín đầu. Trang đóng cửa, ấn chốt, rón rén đi lại chiếc giường còn trống. Anh nhẹ nhàng để túi đồ, cởi giày, đặt điện thoại lên bàn, chui vào chăn ngủ.
Mới tang tảng sáng, Trang đã tỉnh giấc. Một phần do thói quen dậy sớm, phần khác tại bia rượu hành, khiến anh khát khô họng, đầu óc váng vất. Muốn nằm rốn thêm một tý cũng chẳng được, Trang tung chăn, bật dậy tìm nước uống.
Sao thế này? Anh sững sờ khi thấy ở giường kế bên, một người phụ nữ đang nằm xoay nghiêng. Mái tóc đen nhánh sổ tung trên chiếc ga trải giường trắng muốt. Trên giá áo, y phục, đồ lót của chị em treo lủng liểng. Cái bàn kê giữa hai giường, đồ trang điểm để đầy trên mặt.
Trang vội vã xỏ giày, vơ đồ của mình, rón rén rời khỏi phòng. Anh nghĩ: “Chắc tại tối qua say rượu, mình vào nhầm phòng.” Trang ngước nhìn con số 504 được ghi trước cửa. Anh dụi mắt: “Mình không nhầm! Hay đấy không phải Ngọc Anh? Hoặc Ngọc Anh đổi phòng mà không báo lại cho ban tổ chức biết. Chết cha mình rồi, không khéo Ngọc Anh là nữ thật. Giống như ngày mình được in báo tác phẩm đầu tiên, nhiều người tưởng tác giả thuộc phái yếu. Dạo đó, thậm chí có chàng còn viết thư làm quen nữa là. Nếu đúng vậy, mình sẽ gặp rắc rối không nhỏ đây. Chẳng nhẽ thằng cha xếp phòng cố tình chơi xỏ. Mình phải tìm hỏi cho ra nhẽ mới đươc. Nếu hắn chối, mình phải làm gì? Mà khi phân phòng hắn cũng có nói – Nếu không phù hợp, ông báo ngay cho tôi biết để sắp xếp lại – Nhưng phải trái để giải quyết điều chi? Không khéo mình lại trở thành giai thoại cười cho các bạn văn nghệ. Lại còn người ta nữa. Có thông cảm cho không? Hay lại bảo – Mình cố tình làm thế. Rồi bù lu, bù loa trách móc. Thôi, kệ, ra biển tắm cái cho thoải mái.
Trang tản bộ trên con đường uốn lượn theo bờ kè. Anh chọn góc khuất để đồ, rồi nhao ngay xuống làn nước xanh ngắt. Trang ngụp lặn, một mình vùng vãy giữa những con sóng. Chán chê, anh gối đầu lên hai tay, nằm dài trên bãi cát, ngắm nhìn những con tàu phía xa xa đang khuất dần dưới đường chân trời. Ý nghĩ về người bạn chung phòng bất chợt quay trở lại: “Cô ta bao nhiêu tuổi? Tính tình ra sao? Dáng người thế nào? Có…?” Bất chợt Trang bật cười vùng dậy, hét toáng nên, rồi lao xuống nước. Không gì khoái bằng được tự do làm điều mình thích. Kể cả đôi lúc, đó chỉ là những việc làm khờ dại.
***
Điện thoại có ba tin nhắn, Trang mở đọc. Anh ngớ người khi thấy màn hình nền khác với chế độ đã cài đặt, và số điện thoại của chính mình hiện ra. Thôi chết rồi, sao thế nhỉ? Chắc chắn sáng vội, mình đã vơ nhầm điện thoại của người ta. Chẳng nhẽ hai cái cùng loaị, chung sơ ri đều để trên mặt bàn. Người ta đang dùng chính máy của Trang, nhắn tin: “Bạn là ai? Có phải tối qua ở chung phòng với tôi? – Bạn cầm nhầm điện thoại rồi! – Phải đổi lại, cho dù hai cái như nhau. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta vẫn phải đổi. Vì cả hai đều cần đến sim của mình, và các số lưu trong danh bạ.”
Trang trả lời: “Xin chào! Có người gọi tôi là Tưng Tửng. Còn bạn tên gì?” Ngay lập tức anh nhận được hồi âm: “Tôi có hộp thư điện tử mang cái tên Lang Thang đấy. Bởi tôi hay – Lang thang với bóng của mình.” – “Chào Lang Thang. Tôi cũng thường – Một mình tranh luận với hình trong gương.”
Cứ như thế họ nói chuyện với nhau bằng tin nhắn:
– Tưng tửng sẽ cóp bi các số có trong danh bạ, sang máy Lang Thang đang sử dụng. Bạn cũng làm ngược lại.
– Sao phải vậy?
– Chúng ta đang dùng lẫn máy của nhau mà.
– Làm vậy tốn ngân lượng lắm.
– Tôi dùng hết bao nhiêu. Lang Thang sài bằng đúng tưng đấy, thế là hoà.
– Máy của đàng ấy sắp hết tiền!
– Tôi sẽ nạp thêm tiền và gửi cho Lang Thang theo chế độ quà tặng.
– Phức tạp như thế để làm gì? Gặp đổi máy là xong.
– Bây giờ biết nhau chưa chắc đã tốt. Thôi để tan hội thảo, trước lúc lên xe ra về, mình sẽ gặp nhau trao đổi vậy! Cứ thế nhé.
Phòng ăn chật cứng người, Trang cầm đĩa ra quầy tự chọn cho mình bữa sáng. Anh bê suất ăn đến để ở phía còn trống của một cái bàn sát góc nhà. Bên đối diện có hai người phụ nữ đang nhỏ to và một cô bé chừng bốn, năm tuổi thờ ơ quan sát đĩa thức ăn. Họ ngừng rì rầm, đưa mắt nhìn anh. Trang lên tiếng làm quen:
– Xin chào!
Người phụ nữ ít tuổi hơn gật đầu đáp lễ. Người còn lại xã giao:
– Anh giờ mới ăn sáng.
Trang nhìn cô bé đang uể oải:
– Buộc tóc vào bé con, không gắp đồ ăn bỏ vào miệng lại kêu: Hôm nay mì tôm có lẫn tóc của ai vậy?
Cô bé nghe Trang nói, ngẩng lên nhìn anh phì cười:
– Dì Ngọc Anh lúc nãy cũng bảo thế. Dưng mà tóc cháu xù, chưa đủ dài như của dì để bay chạm tới đĩa.
Trang liếc nhìn Ngọc Anh, thích thú nghĩ: mình đã tóm dính được người ta rồi. Anh tiếp tục câu chuyện với cô bé:
– Tóc của bé quăn tự nhiên chứ không phải xù.
– Mẹ bảo hồi bé, tóc cháu mọc như lông con nhím. Nên cháu được gọi là Xù.
– Xù ngồi ngay ngắn như thế này thì không sao. Chứ cúi sát đĩa ăn như vừa rồi, chốc phải bảo dì gội đầu cho đấy.
Trang đẩy cốc nước chanh về phía Xù:
– Muốn tóc dài, da trắng giống dì phải uống nhiều nước chanh, ăn nhiều rau.
Xù quay sang Ngọc Anh:
– Phải vậy không dì? Dưng mà mẹ lại bảo tối đi ngủ không được uống nước nhiều. Không thì phải đóng bỉm như em bé.
Mẹ Xù lên tiếng:
– Con ăn mau lên, sắp đến giờ mẹ với dì Ngọc Anh phải đi họp rồi – Người mẹ nhìn Trang – Anh ngồi với cháu cả ngày cũng không hết chuyện. Anh có tham dự hội thảo không?
Trang gật đầu xác nhận:
– Mình đi chơi, gặp gỡ giao lưu với bạn bè là chính. Có biết gì đâu mà hội với lại thảo. Xù chốc cũng lên hội trường đọc tham luận chứ.
– Mẹ cháu nói: Chốc cho cháu đi cùng. Nếu không hư, chiều cho đi tắm biển nữa cơ. Dì Ngọc Anh cũng hứa, sẽ dạy cháu tập bơi.
– Chiều Xù cho chú đi học bơi với nhé.
– Dưng mà chú cũng phải ngoan cơ.
Trang nghéo tay với cô bé:
– Đồng ý! – Anh nghêu ngao hát – Nào ta cùng ngoan ngoan nhé. Nào ta cùng đi bơi bơi nhé. Nào ta cùng…
***
Chiều, khi Trang ra bãi tắm đã thấy Xù nước mắt ngắn, dài đang nức nở:
– Con ứ biết! Bắt đền mẹ đấy.
Trang lên tiếng:
– Đang nhõng nhẽo việc chi vậy.
Mẹ cô bé thanh minh:
– Dì Ngọc Anh bắt cho Xù con chuồn chuồn kim, có nói – Sẽ cho cắn rốn để học bơi cho dễ. Ngoài này gió to quá, vừa bỏ ra chuồn chuồn đã bị gió cuốn mất tích. Xù đang khóc bắt đền. Biết kiếm đâu ra chuồn chuồn bấy giờ.
Trang an ủi:
– Thôi, Xù đừng khóc nữa. Để chú kiếm cho con khác.
Thấy con quấn lấy Trang, mẹ cô bé lên tiếng:
– Tôi giao nó cho anh quản đấy.
Trang đưa mắt nhìn quanh. Bãi biển nơi đây nằm ở góc khuất, mặt trời đứng sau dãy núi, bóng râm đổ dài che kín toàn khu vực, song vẫn lộng gió. Nước cường, sóng biển cuồn cuộn xô bờ sủi bọt trắng xoá, tạo nên những âm thanh vang động. Đám cây trên sườn núi uốn cong mình theo chiều gió. Những dây cờ đuôi nheo bay phần phật. Trang biết muốn thực hiện được lời hứa, phải leo sang sườn núi phía sau bãi tắm. Tiếng Xù gọi khiến Trang quay lại. Cô bé chỉ cho anh một chú cáy xanh bé tẹo, đang bám trên một quả sú bị sóng đánh dạt vào bờ:
– Có con cua trẻ con kìa. Chú bắt cho Xù đi.
Trang cầm con cáy:
– Con này tài thật. Dám bỏ trốn khỏi nhà trẻ, một mình bơi đi chơi – Anh nảy ý định – Dưng mà ai cho nó cắn rốn sẽ bơi cực giỏi đây.
– Vậy chú cho nó cắn rốn Xù đi.
– Xong phải thả nó ra.
– Cháu biết rồi. Sắp đến giờ mẹ nó đón chứ gì?
Trang cười:
– Cháu tài thật. Nào Xù nhắm mắt lại, giơ rốn đây.
Trang cầm con cáy bằng bốn ngón tay dí vào bụng Xù. Anh lấy móng ngón tay út gãi nhè nhẹ vào rốn bé. Xù buồn, toàn thân rung động, uốn éo. Cô bé đang cố nén cười. Khi Trang bảo xong rồi, mở mắt ra, Xù cười phá lên. Trang đưa con cáy cho bé:
– Cháu thả nó ra, rồi đi bơi với chú.
Hai chú cháu nô đùa trong làn nước biển mát lạnh. Lúc Trang cho bé ngồi trên vai lắc lư theo từng con sóng. Khi thả cho Xù bồng bềnh cùng chiếc áo phao. Hoặc cõng bé trên lưng mà bơi. Nhìn hai chú cháu chơi với nhau, mẹ Xù yên tâm tiến về chỗ Ngọc Anh đang giỡn nước một mình.
Lát sau sợ Xù mệt, Trang rủ bé chạy thi. Anh giả vờ vấp, ngã lăn ra cát. Xù tóm được anh cười như nắc nẻ. Hai chú cháu chơi trò đắp cát. Trang lấy về một bó hoa cỏ dại, đưa cho Xù trồng quanh lâu đài cát. Đang mải mê, loay hoay tìm góc chụp toàn cảnh công trình của hai người mới sáng tạo. Tiếng reo của bé Xù khiến Trang ngẩng đầu, nhìn ra biển:
– Mẹ với dì Ngọc Anh đang nhảy kìa.
Trông bộ dạng của hai người phụ nữ, Trang không khỏi phì cười. Chỗ họ đứng nước chỉ trên đầu gối. Nhưng khi những con sóng lướt đến, đỉnh của nó lại cao vượt đầu. Mỗi khi sóng chồm tới, hai người hét to rồi xoay người lại, nhảy cẩng lên tránh nước vỗ mặt. Trang vội hướng ống kính của chiếc máy ảnh kĩ thuật số về phía họ, nháy liên tiếp. Mẹ của Xù mang bộ đồ tắm liền mảnh không sao. Còn Ngọc Anh mặc loại rời, mỗi lần nhảy tay cứ phải giữ chặt cạp quần. Triều lên đến mức cực đại, nước dâng cao vượt qua bờ mom, cuồn cuộn chảy vào bãi trong. Những con sóng đổ bờ với cường độ lớn hơn. Trang gào to nhắc hai người phụ nữ chú ý. Ngọc Anh quay lại vãy anh. Đúng lúc đó một con sóng lừng lững xô tới, Ngọc Anh không kịp làm như mọi lần. Sóng rút, anh thấy Ngọc Anh ngồi thụp xuống, mặt tái mét. Mẹ bé Xù đứng cạnh luống cuống. Nhìn dáng bộ của hai người phụ nữ, Trang chợt hiểu: Ngọc Anh đã bị sóng giật mất bộ đồ tắm biển. Anh bảo Xù ngồi im coi lâu đài cát, còn mình vơ vội chiếc khăn tắm nhào xuống nước, chạy về chỗ Ngọc Anh. Anh quay mặt đưa chiếc khăn tắm cho cô giục:
– Quấn tạm vào rồi lên bờ ngay.
Mặc hai người phụ nữ chưa hoàn hồn sau sự cố vừa trải qua. Trang lấy máy ảnh tua cho Xù xem những tấm hình vừa chụp. Bé reo lên:
– Ảnh của Xù này! Sao mẹ há miệng to thế? Dì Ngọc Anh nè! Cái lưng của ai đây? Dì Ngọc Anh không mặc quần áo coi ngộ ghê.
Nghe tiếng bé Xù hai người phụ nữ quay phắt lại, đòi Trang đưa máy ảnh. Họ cười ngặt nghẽo khi xem những tấm hình. Khuôn mặt tái mép của Ngọc Anh nhanh chóng ửng đỏ.
Mẹ bé Xù chỉ tấm hình nuy của Ngọc Anh nói:
– Phải xoá ngay bức này.
Ngọc Anh phản đối:
– Không được!
– Nhỡ lộ, bị thiên hạ đưa lên mạng thì sao?
– Phải in ra! Tham gia dự thi! – Quay sang phía Trang cô nói tiếp – Anh định đặt tên gì cho tác phẩm này?
Trang cười:
– Điệu nhảy trên sóng.
– Anh phải phóng to, tặng tôi làm kỷ niệm. Đây là một bức ảnh nghệ thuật, không phải lúc nào cũng chụp được.
***
Hội nghị bế mạc, đa số đại biểu ra xe tranh thủ về sớm. Trong số những người ở lại chờ chuyến tàu cao tốc khởi hành vào sáng hôm sau có Ngọc Anh, Trang và mẹ con bé Xù. Buổi tối họ hẹn nhau đi chơi chợ đêm. Song Xù buồn ngủ díp mắt, mẹ phải đưa bé lên phòng. Chỉ còn Trang và Ngọc Anh sánh vai nhau lặng im tản bộ. Hồi lâu họ ghé vào một quán cóc ven đường, gọi hai chén rượu trắng cùng nhâm nhi.
Ngọc Anh lên tiếng:
– Anh có chương trình gì cho đêm nay chưa?
– Định lang thang.
– Cả đêm?
– Mai về thành phố, muốn lang thang cũng chẳng được.
– Tối mai anh đã được ngủ ở nhà. Còn em vẫn vạ vật trên xe.
– Ở chơi ít bữa, rồi đi máy bay vào cho đỡ mệt.
– Sợ phiền.
– Giá Ngọc Anh hát – Không dám đâu – thay cho câu vừa rồi thì hay hơn. Bé Xù cứ khoe: dì Ngọc Anh hát rất hay mà người ta chưa được thưởng thức.
Ngọc Anh bật cười, đấm Trang:
– Hót cũng được đấy.
Trang giơ chén rượu, tưng tửng hát:
– Nào ta cùng chạm cốc nhé! Rồi ta cùng đi chơi nhé!
Ngọc Trang khúc khích, đáp lại:
– Hổng dám đâu! Hổng dám đâu! Em mệt rồi! Em mệt rồi! – Cô ngưng giọng hát, thủ thỉ – Khuya rồi, về thôi.
Trang đưa Ngọc Anh đến khách sạn, nói câu tạm biệt. Anh dúi vào tay cô phong bì đựng tập ảnh mới chụp hồi chiều. Đợi Ngọc Anh vào cầu thang máy bấm nút lên tới nơi, Trang mới quay ra quầy lễ tân lấy đồ gửi. Đang định gọi xe ôm tìm một nhà trọ khác nghỉ tạm qua đêm, chợt điện thoại trong túi rung lên, báo có tin nhắn, Trang vội mở máy.
Tin Ngọc Anh viết: “Lang Thang vẫn ở một mình! Tưng Tửng có dám ngủ cùng phòng hết đêm nay không? Hay lại chạy trốn trước bình minh?”
Kỷ niệm về Cát Bà
T.N.D