Khi đất biết nói: Truyện ngắn của Đinh Quyền

Mùa gặt vừa đi qua. Lá ải trên đồng mới trắng cánh vạc.Trời chiều, nắng oi, không khí ngột ngạt đến khó thở.Đúng lúc ấy,Trần Khì về làng. “Khì Đất đã về! “Một người làng nhìn thấy hắn từ ô tô bước xuống. Lũ trẻ ùa ra xem. Giá như hồi nào, chắc chúng đã sán lại,vây quanh,đứa níu áo,đứa quàng cổ đu lên,đứa cù vào hông, vào nách cho đến khi hắn gắt lên: “ Nghịch! Nôn ! Bỏ ra. Tiên nhân…”. Rồi hắn gỡ từng đứa ra,nâng lên, đặt xuống.Chúng cười thích thú. Hắn cũng cười khì khì.Rồi chúng tranh nhau hỏi: “Anh Khì ơi ! Anh có thích lấy vợkhông? “. “ Có chứ! “. Hắn lại cười tít mắt đi trước, lũ trẻ theo sau hát đồng ca: “ Anh Khì cũng tốt/ Chị Na cũng xinh / Hai bên rập rình / Lại muốn lấy nhau…”.Nhưng hôm nay trông hắn dữ tợn,chúng sợ không dám đến gần: Mái tóc xù ra trùm xuống tận vai ôm lấy khuôn mặt to bè. Đôi mắt gườm gườm dưới cặp lông mày mũi mắc.Bộ ngực nổi rõ những tảng thịt thây lẩy mầu đồng hun phanh ra, trên có hình xăm quả tim bị thanh kiếm xiên chéo. Cặp đùi bó chặt trong ống quần bò. Cánh tay chắc nịch đánh nhịp dứt khoát, vung vẩy theo chân bước…

Hắn đi xồng xộc qua cổng làng đến quán bà Dần thì ghé vào. Vừa ngồi phịch xuống ghế,cầm ngay cái cốc,giơ lên, rồi chỉ vào chai rượu. Chủ quán hiểu ý trao tay. Hắn rót ra tợp một hớp, rót tiếp hai cốc đưa cho hai người ngồi cạnh: “ Uống đi. Ngon đấy! “, Đoạn, tự mở lọ thủy tinh,lấy ra một vốc lạc rangđặt lên bàn, lấy tiếp mấy gói nữa đưa cho đứa lớn nhất trong đám trẻ con đứng ngoài nhìn vào: “ Ăn đi! Chia nhau cho đều.”.Cái kiểu cách ăn mặc,đi đứng, nói năng của hắn khác hẳn hồi còn ở nhà, khiện người ta thấy là lạ. Một người dò hỏi làm thân:

-Ở trên ấy làm ăn thế nào?

-Cũng tạm được.

-Sao lại về? Ở nhà được lâu không?

-À , về để chơi. Xong việc thì đi.

Tiếng “ để “ chơi ” đầy vẻ gây sự, thách thức, khiến người yếu bóng vía nghe rờn rợn.

Ngồi một lát, Khì trả tiền rồi đứng dậy đi thẳng về phía gốc muỗm. Hắn không còn nhớ đã gặp ai, nói gì trên đoạn đường ấy.Sau một ngày, bụng đói, ngồi trên ô tô mệt lử, hơi men thấm dần, đôi mắt díp lại, bên tai như có tiếng trống gõ. Hắn cần một chỗ nằm. xó xỉnh nào cũng được, miễn là tấm lưng được ngả xuống.

Khì choàng dậy trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê. “ Ta đang ở đâu thế này?“.Cổ họng rát bỏng, nhắc cần có nước ngay, hắn với bình tông nước đem theo dọc đường tu một hơi. Nước lạnh vào người làm hắn tỉnh hẳn và nhận ra mình đang ở giữa ngôi nhà cách đây mấy năm từ đó ra đi vào một đêm tối trời. Không gian trống trải, mùi hôi mốc bốc lên, màng nhện giăng kín mái rạ, Chiếc giường tre, bàn thờ phủ kín bụi bặm.Vạt nắng chiều cuối cùng còn rớt lại vàng úa một góc sân. Tự nhiên hắn thấy mình trơ trọi, cô đơn với nỗi buồn tê tái.Ngót bốn mươi tuổi, hắn thèm khát một mái ấm gia đình. Nhưng giờ thì trắng tay: Vợ con: Không. Của cải: Không. Chỗ nương thân: Không nốt.Mất hết, mất hết rồi! Chẳng còn gì ngoài ngôi nhà rách nát này. Hắn càng nghĩ càng thương mình càng hận kẻ đã đẩy hăn nên nông nỗi này.

Bố hắn mất từ khi hắn chưa đầy năm tuổi. Ông là công nhân Xi măng, ngã xuống trên ụ pháo cao xạ trực chiến bảo vệ nhà máy trong một trận bom. Mẹ hắn, một người đàn bà nhân hậu, tần tảo, lặng lẽ nuôi chị em hắn bằng số thóc ít ỏi được chia theo công điểm hằng vụ và giỏ cua, mẻ ốc mò được ngoài đồng. Ba năm sau, bà bị bệnh laochết dưới trạm xá vì đói trong bưa ăn hằng ngày nhường nhịn cho con và làm lụng quá sức. Sau khi chị gái lấy chồng, hắn sống độc thận Nhà hắn ở cạnh nhà chủ nhiệm Cự, chỉ cách một hàng dậu thưa nên hắn thường xuyên lui tới: Khi vay bát gạo, khixin týlửa,có khi chỉ sang hút nhờ điếu thuốc lào.Tạo hóa dù bất công đến mấy cúng biết dành cho kẻ bất hạnh một đặc ân.Hắntuy thiệt thòi vì nghèo,và thiếu thốn tình thương nhưng được bù đắp lại bằng thân hình khỏe mạnh: Mới mười bẩy tuổi mà sức vóc đã như một một lực điền thực thụ. Mọi việc cày bừa, gặt hái, nhổ mạ, gánh phân… hắn làm phăng phăng,.Nhà ông Cự vốn neo người. Ông làm chủ nhiệm khoác túi đi tối ngày; bà mới chưa đầy năm mươi nhưng đau ốm quanh năm, người khô đét như con mèo đi kiết. Việc đồng, việc nhà dồn cả vào Na, cô con gái út đang học cấp II, .Gia cảnh ấy dĩ nhiên ông rất cần đến một người như hắn.Mới đầu chỉ là những việc việc lặt vặt, chốc lat: Bắt hộ con lợn, đánh giúp đống rơm… Sau dần hắn thành lao động đắc lực gánh vác mọi việc khó khăn, nặng nhọc. Tính hắn thật thà, chịu khó. Có cơm bảo ăn, thì ăn; có việc bảo làm, thì làm.Là người nắm toàn quyền thu chi chia phát tiền của trong họp tác xã, khách khứa ra vào, bàn bạc, xin xỏ, nhờ vả hằng ngày tấp nập, Ông tối kỵ kẻ tò mò, bép xép.Hắn hợp với ý ông: Chuyện đâu biết đó, không hề hé răng để lọt ra ngoài. Bởi thế ông coi hắn như người trong nhà, tin cậy giao cho đi làm những việc chỉ có ông và hắn biết. Người thương, quý hắn nhất là bà Cự.Là bởi, ngày trước bà cùng cảnh ngộ mồ côi bố từ khi còn bé và cơ hàn như hắn.Lạinữa,bà thường nghĩ thầm, nếu không nhờ có hắn thì Na, cô con gái ruộu của bà sẽ tối mắt, tối mũi vì công việc chắc không thể mỏng mày hay hạt như thế kia.Nhiều lúc nhìn hai đứa trục lúa, rê thóc ngoài sân, bà nhớ đến câu ca: “ Sinh con mà gả chồng gần / Có bát canh cần nó cũng đem cho”.Nhà bà cái ăn, cái mặc không thiếu. Bà chả thèm nhạt gì bát canh cần, nhưng nếu Na luôn ở cạnh bà để mẹ con ngày đêm thủ thỉ, nó thường ngày cơm cháo giặt giũ, thuốc thang  cho bà khi váng mình sốt mẩy thì còn gì bằng. Lựa lúc vắng người, bà đã đem ý định, ướm lời với ông. Nghe xong, ông nghiêm giọng gạt phắt: “ Đàn bà, biết gì” Bà im bặt. Rồi mấy hôm sau thấy ông cho Khì một bộ quần áo mới con trai gửi từ đơn vị về ông mặc không vừa và báo tin đã xin cho hắn vào đội thủy lợi chuyên của xã, một công việc vừa được nhiều công điểm vừa được ăn no. Hắn cười hỉ hả, rồi thu xếp khăn gói lên đường. Bà không hiểu ý tứ ra sao, chỉ mơ hồ nghĩ rằng ông là người biết điều và đức độ: Hắn có công làm giúp, ông trả công hậu hỹ; hắn cần việc làm ổn định, ông giúp cho.

Đội thủy lợi đa phần là nữ, công việc nặng nhọc, lấm láp nên rất cần đàn ông. Có được thêm Khì, ông đội trưởng mừng như vớ được vàng.Hắn có thể lặn chòm chọp suốt ngày mà không biết mệt. Hòn đất to như cối đá, hai người khiêng ì ạch, hắn xăm xắn chạy lại: “ Để tôi “ bốc lên vai chạy phăm phăm. Sức hắn đánh mỗi bữa hết bơ gạo bẩy lạng,nhưng đến bữa ăn, thấy mọi người lao bát tới tấp, chỉ trong nháy mắt rá cơm đã vơi, tuy mới được ba bát, hắn buông đũa vuột bụng đứng dậy. Nghĩa là hắn đã no, anh chị em cứ việc ăn tiếp. Tính nết hắn như vậy nên cả đội ai cũng quý mến. Mấy cô chưa chồng tranh nhau nhận hắn là “ người yêu “. Cô nào hỏi“ Anh có yêu em không?”, Hắn cũng gật đầu: “ Có chứ “. Rồi hắn cười khì khì. Cái tên Khì Đất thay tên Trần Văn Nhu bố mẹ đặt cho hắn có từ dạo ấy.

Làm thủy lợi, lên công trường theo mùa vụ. Hết việc thì lại về làng. Câu “ Hiền giả hóa ngu ” không đúng với hắn. Hắn tuy hiền lành nhưng không ngu đến nỗi quên ơn ông chủ nhiệm. Vậy nên vừa về là hắn đã mải móng sang nhà ông ngay. Đúng lúc trời kéo cơn mưa. Hắn cầm vội cái trang kéo thóc. Bất ngờ Na giằng lại:

-Không khiến nữa. Đi biền biệt chẳng còn nhớ đến ai.

Hắn ngớ người, nói một câu rất ngô nghê:

-Có chứ,Nhớ đội thủy lợi của tôi ý mà. Vui lắm!.

Na nguýt hắn một cái thật dài, bĩu môi:

-Nhớ thì đi mà “ có chứ” với “ người yêu ”. Người ta không rỗi hơi nữa..

Thì ra hắn vô tâm. Từng ấy ngày hắn ở công trường vác đất, chưa bao giờ hắn nghĩ có người ở nhà trộm thương, thầm nhớ!

Na không đẹp bằng nhiều cô gái trong làng nhưng khuôn mặt trái xoan, đôi mắt lúng liếng và má lũm đồng tiền. Hắn chợt nhớ ra đôi mắt ấy đã có lần liếc hắn khi hai đưa đi xe rạ trên đường làng  nghe lũ trẻ con chạy theo nổi dàn đồng ca: “ Anh Khì cũng tốt/ Chị Na cũng xinh / Hai bên rập rình…”

Cũng phải thôi. Thời chiến tranh, trai làng theo nhau ra trận. Con gái ế ềnh. Nhiều cô nhan sắc,đảm đang cũng không kiếm nổi tấm chồng vừa đôi phải lứa, quá tuổi lỡ thì đành vơ vội anh chàng xấu trai, có tật. Na nhiều đêm lăn ra, lăn vào tơ tưởng nhớ câu chúng bạn nửa đùa, nửa thật: “ Đứa nào mà lấy được anh chàng Khì Đất thì sướng một đời “. Bởi thế xa Khì mấy ngày nàng thấy trong lòng nao nao nhơ nhớ.

Chạy xong sân thóc, trời tối dần. Gió nổi lành lạnh rồi mưa nặng hạt.Mẹ kêu đau lưng đi nằm. Bố vẫn chưa về. Hai đứa chạy mưa vào bếp đốt rơm sưởi ấm. Ánh lửa bập bùng rồi lụi dần. Chỉ còn tiếng thì thầm: “ Giận à “. “ Ai thèm giận “.” Ngồi xê ra! Cứ sán vào người ta”.“ Cho ấm mà hì hì“.” Kìa ! Dơ, bỏ tay ra.Ai trông thấy thì chết “…

Có tiếng hắng giọng. Rồi tiếng líp xa đạp vọng vào rõ dần. Ông Cự bấm đèn pin soi vào bếp. Chẳng nói chẳng rằng,ông bực bội đi thắng lên nhà. Na lấm lét vào buồng mẹ. Khì đẩy cửa sau chuồn thẳng. Đang nằm vật ra giường, ông bật dậy rít điếu thuốc lào rồi đi ra đi vào; “ Hừ! Cái thằng này,.. Thế mà láo”

Vẻ mặt sợ sệt, lo lắng,Khì ngồi cạnh mép phản.Ông Cự cầm tờ giấy đọc rành rọt từng câu rồi sẵng giọng:

-Tôi thương anh mà anh không biết giữ mình. Anh dại thì anh chết. Việc lẽ ra phải làm kín đáo,sao lại để bảo vệ bắt được,lập biên bản rồi ký vào? .Mấy vụ trộm xấy ra tháng trước còn chưa tìm ra. Đây là vụ tày đình. Có trời mà gỡ được..

Hắn giật thót mình, nhớ ra hồi chiều có hai công an huyện về làng, ngước mắt nhìn ông như van xin cầu cứu. Ông tỏ vẻ thương hại, mở cho hắn con đường thoát :

– Giờ chỉ còn cách tạm lánh xa khỏi làng

Hắn càng hoảng hốt. Đi khỏi làng ?. Biết đi đâu bây giờ?

Lại một lần nữa, ông ban cho hắn thêm một đặc ân:

– Thôi thì nghĩ đến cái tình cái nghĩa, tôi lại phải nhúng tay vào giúp anh. Ông đưa cho hắn một phong thư và một tờ giấy có vẽ đường đi và địa chỉ rồi dặn rằng: Cứ theo đó mà đến Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.Ở đấy có ông Cảnh,em ruột ông đi vùng kinh tế mới. Ông Cảnh đọc thư sẽ nể lời ông mà tạo cho hắn nơi ăn chốn ở, việc làm. Lòng tốt của ông còn vượt xa sức tưởng tượng của hắn: Ông trao cho hắn một tập tiền để tầu xe, ăn đường và chi tiêu phòng khi chẳng may đauốm..

Hắn đội ơn ông lắm lắm nhưng chẳng biết nên nói thế nào, chỉ chào ông rồi vâng, dạ ra về. Đêm ấy, hắn trốn khỏi làng.

 

Khì Đất lên nhà ông Cảnh đúng lúc đang làm nhà, cần người và cần tiền. Số tiền ông Cự đưa cho,sau khi trừ chi tiêu đi đường, còn lại, hắn trao cả cho ông không thiếu một đồng. Ngày ngày hắn giúp ông bê gạch, đánh vữa vừa khỏe vừa nhanh. Cánh thợ ai cũng khen nhờ có hắn giúp sức, công việc gọn gàng, ngôi nhà khánh thành rút ngắn  thời gian và đúng như ý chủ. Và cũng vì thế, ông đối xử với hắn tử tế, Hắn càng vững chân.

Nhà ông ở gần thị trấn, người tứ sứ hợp lại, cuộc sống xã hội hỗn tạp, nhốn nháo, chuyện trộm cắp, cãi cọ, đánh đấm xẩy ra như cơm bữa. Phải là tay cứng cựa mới trụ được nơi này. Hắn là thằng nhà quê hiền như đất, mới lần đầu đặt chân đến làm sao hiểu nổi. Một chiều đi chặt nứa về, trên đường gặp hai thanh niên chặn lại bắt nộp bó nứa và tịch thu con dạo.Hắn sợ toan bỏ chạy, ngay lập tức Cánh, con trai cả ông Cảnh tiến lên,cởi phăng áo ngoài. Sau vài câu thách thức, Cánh xông lên thế tiến, thế lui, tay đấm, chân đá nhanh như cắt. Một thằng lộn cổ xuống vệ đường còn một thằng bỏ chạy thục mạng. Trong khi hai bên ẩu đả, hắn chỉ luống cuống chạy vòng ngoài can “ Thôi! Thôi mà…” Thấy vết máu, hắn hoa cả mắt: “ Chết rồi! Đánh đau quá ”, xuýt xoa thương kẻ bị đòn.

“ Đánh bỏ mẹ chúng nó đi! Mình phải sống cho lương thiện, đừng xâm phạm đến ai. Nhưng đã làm thằng người thì bị kẻ nào ức hiếp phải biết tự vệ,” Nghe con về kể lại,ông Cảnh bực bội bảo thế. Đó là bài học vỡ lòng dạy hắn vào đời. Hắn hỏi Cánh:

-Học võ có khó không? “

-Dễ thôi, nếu anh thích học, tôi dẫn sang thầy dậy. .

Hắn đồng ý ngay. Từ hôm ấy, tối nào hắn cũng theo Cánh đi học võ.

Thật thần kỳ, môn võ thuật có phép mầu nhiệm, không chỉ tăng cường thể lực mà còn thay đổi được cả bản  tính con người. Vẻnhút nhát, khờ khạotự nhiên biến mất,Hắn bạo dạn tinh nhanh,hẳn lên. Ra đường,mắt nhìn thẳng,biết phán đoán,cử chỉ dứt khoát, nói năng rành rọt và nhất là không còn biết sợ là gì.

Bây giờ thì hắn có thể đi một mình: đến bến tầu, bãi xe, nhà ga nhận đủ thú việc bốc vác,, thồ hàng, đội than…kiếm sống. Chất gốc gác nhà quêđã thấm sâu vào máu thịt hòa quyên với tính hiệp sỹ tạo cho hắn tính cách trái ngược trong một con người. Hắn sẵn lòng vác hộ một cụ già bao tải sắn khô lên tầu không lấy tiền nhưng nhất định không chịu bớt hai nghìn đồng tiền công của mấy mụ buôn; rút năm nghìn bạc cho bé ăn xin,mua bông gạc băng bó cho người bị ngã xe, nhưng cũng sẵn sàng đánh hộc máu bọn gây gổ đe dọa tranh việc của hắn.Chỉ qua mấy thế võ: Linh sư khai khẩu, Bạch mã hiến đề, Độc hành thiên lý.., những nhát chém tay như dao phát thạch, những cú đá lộn mề gà hắn diễn thử, những tay anh chị trong các băng nhóm biết ngay về môn võ thuật hắn là con nhà nòi nên kiềng mặt, lánh xa. Nhờ vậy hắn luôn sẵn việc và kiếm ra tiền.Thỉnh thoảng hắn lại đem về một khoản kha khá gửi ông Cảnh giữ hộ.

Một hôm tình cờ gặp Đai, người cùng làng ở bến xe khách, hắn kéo vào quán rượu.Đại cho Hắn Biết tin nhà: Na đã lấy chồng, Trước khi cưới một tuần cô nhẩy xuống sông tự tử, may mà có người kịp vớt lên.Trong cơn mê sảng ở khoa cấp cứu Na gọi tên hắn mấy lần. Ông Cự đã chuyển sang làm chủ tịch xã, xây cho con gái ngôi nhà to đẹp nhất làng. Đại tỏ ra hối hận vì đêm ấy đã theo lệnh ông phục bắt hắn vác cây luồng ở nhà trẻ và lập biên bản. Thì ra, bây giờ hắn mới hiểu,ông ta bảo mấy cây luồng làm nhà trẻ còn thừa cho hắn mang về sửa lại ngôi nhà hắn đang ở sắp bị đổ, nhưng lại dặn phải lấy vào ban đêm khuya vắng, đề phòng ai biết sinh ra suy bì sẽ gây khó cho ông, chinh là mưu kế đưa hắn vào bẫy. Hắn mím môi, mặt đỏ phừng phừng“ Chà” một tiếng rồi dằn mạnh cái cốc xuống bàn, đứng phắt dậy đi xồng xộc về nhà ông Cảnh. Ông đọc cho hắn nghe lá thư của ông Cự gửi lên viết rằng bảo hắn gửi trả số tiền ông cho hắn vay và dặn hắn cứ ở trên này, chớ có về làng sẽ bị công an bắt. “ Vậy thì càng phải về” . Hắn dứt khoát. Hôm sau chào ông Cảnh rồi  khăn gói ra bến ô tô từ mờ sáng.

Bà Cự lo lắng, hỏi chồng:

– Đã đến cơ sự này, giờ ông định tính sao?

Ông gắt:

-Không phải lo nghĩ vớ vẩn. Thằng nhãi nhép. Nếu nó gây sự làm mất an ninh tôi cho gô cổ lại..

Câu này ông đã nhắc bắn tin nhiều lần để răn đe hù dọa những người có mưu đồ chống lại ông, cũng là để trấn an bà và trấn an cả chính minh trong lúc đang bối rối. Thực tình ông cũng đang lo đến tóp cả người.Năm nay ông đúng tuổi năm mươi ba. Năm hạn.Tai họa dồn dập từ bốn phía ập tới.Đơn tố cáo gửi đi khắp nơi. Đoàn thanh tra nằm ở xã đã hai tháng nay vẫn chưa rút.Ngôi trường mới xây,vết nứt to dần có nguy cơ đổ sập.Ông gặp chủ thầu yêu cầu có phương án khắc phục, hắn cười tỉnh khô: “ “Ông ăn dầy thế, còn tiền đâu mà mua đủ vật liệu làm đúng yêu cầu kỹ thuật.”.Ông nhắc đến hợp đồng và luật đấu thầu, hắn rút ngay cuốn sổ chìa ra : “ Đây ! Luật nào cũng không bằng luật này. Có ghi đủ ngày tháng từng đợt ông nhận tiền và vật liệu làm nhà cho ông đấy. Nếu cần thì cùng ra đối chứng”.Ông chua xót nhận ra sự ngược đời: Một thằng thợ xây, dám đe dọa người đứng đầu một xã. Thế mà ông sợ. Bởi sợ nên ông ngày đêm dồn sức che chắn, chống đỡ bằng mọi mưu kế thật khôn khéo, tinh vi. Những đầu mối vừa hé lộ đã bị ông vít chặt nên, ông Trưởng đoàn Thanh tra đã phải thốt lên: “ Các vụ việc lớn, còn rất khó kết luận”. Bây giờ Khì Đất về làng, một đầu mối lớn nhất lại bật ra.Những việc mờ ám chỉ một mình ông và hắn biết, Chỉ cần hắn hé miệng là con thuyền đang tròng trành trước gió to sóng cả có nguy cơ chìm hẳn. Ông tự trách mình là thằng ngu.Cái kế đẩy hắn đi khỏi làng để gả con Na cho con trai ông Giám đốc Công ty Thương mại êm thấm, để Na dựa vào sự giầu sang và thế lực nhà chồng mà sung sướng suốt đời; để đoàn thanh tra phải bó tay vì không tìm đâu ra chứng cớ hóa ra lại là hạ sách. Gíanhư,ngày ấy ông nhận hắn làm con nuôi mang sức lực trời phú suốt đời tận tụy phục dịch ông. Gía như ông máy công an tạm giam hắn vài ngày rồi đích thân lên xin cho hắn được tha về để hắn mãi mãi biết ơn ông, không khi nào giám cam tâm hại người đã cưu mang cứu giúp. Cứ tưởng hắn là thằng ngú ngơ, sẽ bị rắn cắn, hổ vồ,chết dập nơi xó rừng, ai dè hắn vẫn lành lặn trở về mà lại về làng ngay khi ông đang khốn đốn.Cứ nghe qua mấy câu hắn nói ở quán bà Dần, việc hắn tu tập đám thanh niên dậy võ,đủ biết từ một thằng vác đất hiền lành cuộc đời lang bạt đã biến hắn thành một kẻ bất trị..Lúc đầu ông đã nghĩ đến trị hắn bằng cách đe dọa. Tại một cuộc họp cán bộ toàn xã, ông nhấn mạnh: “Tình hình an ninh trên địa bàn gần đây có những diễn biến phức tạp.Một vài đối tượng có tiền án, tiền sự tụ tập thanh niên dậy võ vẽ,học đòi đấm đá tạo ra tâm lý bạo lực trong lớp trẻ…” .Nhị, Bí thư Xã đoàn đứng lên phản bác ngay: Phong trào rèn luyện thân thể đang được toàn Đoàn phát động.Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đang tuyên truyền khuyến khích học môn võ dân tộc .. “.Nghĩa là kế ấy không thành, cũng xem thế đủ biết cái uy của ông cũng đã giảm xút nhiều lắm. Ông cũng đã nghĩ đến việc dùng mưu lấy độc trị độc. Những nhìn mặt những thằng đầu bò trong làng xã này chẳng đứa nào thù hận gì hắn. Chúng còn đang hùa nhau nói xấu ông. Kể cả kế cho người theo dõi nếu thấy chúng vi phạm điều gì thì mượn cớ trừng trị cũng không thành nốt. Bởi cứ đúng mười giờ là chúng bảo nhau giải tán. Những vụ bắt trộm con gà, buồng chuối trong xóm cũng không hề xẩy ra. Vậy thì chỉ còn cách thu nạp hắn để dùng. Biết đâu trong cơn nguy biến này hắn lại là kể đắc dụng.

Ông bảo bà vờ sang nhà hắn tìm con gà kiếm cớ gặp hắn thăm dò.Hắn tiếp chuyện bà vui vẻ, thân tình. Hắn bảo luôn nhớ ơn bà đã đối xử tốt với hắn khi còn ở nhà và biếu bà một miếng cao hổ cốt.Nhưng khi bà kể cho hắn nghe về những nối khổ ải, buồn phiền ông đang phải gánh chịu thì hắn lại cười, tỉnh bơ, tặc lưỡi: “ Đấy là quả báo “.Rồi hắn di gót chân xoay mạnh xuống nền nhà. Rõ ràng là hắn đang uất hận, Vậy là chỉ còn cách duy nhất là theo dõi hành tung của hắn để chủ động kịp thời ứng phó.

Hắn về đã nửa tháng,nhưng không mấy khi ở nhà. Chị hắn thấy em về mua sắm đủ  thức ăn, vật dụng từ nồi niêu bát đĩa đến cân gạo, mớ rau, con cá. Nhưng thi thoảng mới thấy bếp nhà hắn đỏ lửa.Chẳng hiểu hắn đi đâu làm gì. Cứ tối tối hắn lại về cùng đám trai làng tập võ cách chỗ ông nằm chừng hơn ba chục mét. Chỉ sợ bất thần chúng ập sang, tối nào ông cũng khóa chặt cổng, chốt cửatừ khi mới nhọ mặt. Thế nhưng ngủ vẫn không yên giấc, cứ nghe thấy tiếng động là ông lại bật dậy, tay cầm đèn pin, ẩn vào sau tủ đứng. Sau nhiều ngày đêm thắc thỏm, mất ăn, mất ngủ,đầu óc ông nặng trịch, chân tay bải hoải, đôi mắt trũng sâu,thể trạng suy sụp trông thấy.Cuối cùng để được yên thân, ông chuyển nhà ra ở với con gái mãi tận cuối làng. Nhưng chỉ được mấy hôm lại thấy hắn lảng vảng ngày vài ba lượt ngoài cổng nơi ông “sơ tán “.Nghe đâu hắn ra ở cùng ông Hạnh trước đây là bạn nối khố của bố hắn hiện đang sống độc thân, chăm sóc khi đang bị ốm. Có phải vậy không hay đấy chỉ là cái cớ để tiện bàn bạc, tiếp sức cho ông Hạnh, người đang tố cao ông chiếm đoạt đất đai, biển thủ của công từ ba năm trước?.Nhà ông Hạnh cách nhà Na chỉ chừng mươi mét, cùng đi chung ngõ. Cái dáng đi lừ lừ, lừng lững,thỉnh thoảng lại hắt hơi, hắng giọng như trêu ngươi, nắn gân thử chơi ấy bảo ông yên tâm làm sao được?.Hay là trời cố ý xui khiến hắn cố tình đày đọa ông đây? .Hai mối lo từ phía hắn đến với ông bất cứ lúc nào: Hoặc hắn động tay, động chân, hoặc hắn mở miệng. Đã có lúc ông toan chủ động tìm gặp hắnđể thanh toán nợ nần một lần cho xong. Dù hắn có trút căm giận lên ông bằng những lời thóa mạ, xỉ nhục, hay cùng lắm là có tát, có thụi, có đấm đá ông vài ba cái rồi tha cho ông, để ông để ông được sống thanh thản thì ông cũng cam lòng.Nhưng xem ý cứ trông thấy ông từ xa là hắn lảng tránh. Hắn không thèm nhìn mặt ông vì oán hận, khinh bỉ hay đang mưu toan làm một điều gì bí ẩn?.Nỗi khổ này đeo bám ông biết đến bao giờ?

Nhà ông Cự hôm nay bỗng lại sinh chuyện: Thạnh, chồng Na thua bạc, say rụôu về đánh vợ sưng mày tím mặt. Na khóc lóc van xin dưới bếp. “Tao sẽ tống khứ bố con mày ra khỏi nhà này. Đây là nhà mang tên tao,là của tao,tao có quyền bán. Hiểu chưa?”.Thạnh cố nói to cho bố vợ đang ở nhà trên nghe thấy.Ông cắn răng im lặng trước lời quát tháo chửi bới của thằng con rể bất nhân.

Đúng lúc ấy Khì Đất bước vào. đi thẳng vào phòng ông Cự đang ngồi. Ông cố giấu vẻ lúng túng,cười gượng, nói to để át tiếng khóc dưới nhà và hình như cũng cố trấn tĩnh trong giây phut hoảng loạn:

-Nghe anh về, sao không thấy sang chơi?Trông dạo này khỏe mạnh, cứng cáp hẳn ra. Ngồi uống nước.

-Phải cứng chứ! Không phải sang chơi mà gặp ông có việc.

Mới nghe câu hắn nói đầu tiên, ông đã giật mình không còn tin lại có thể bật ra từ miệng Khì Đất hiền lành hồi còn ở nhà.Ông lại cười, tiếng cười như muốn xoa dụi đối phương:

-Thì có việc gì, cứ bình tĩnh ta cùng bàn bạc.

Bằng tiếng “ta “ ông đã muốn cho hắn biết ông nâng hắn lên bậc ngang hàng tỏ tình thân thiện may chăng hắn vì thế mà giảm đi sự bức xúc đang dồn nén trong lòng.

Nhưng hắn vẫn quyết liệt:.

-Không phải bàn. Ông viết thư lên dặn tôi cứ ở Sơn Dương lâu dài, nếu về sẽ bị bặt. Giờ tôi về cho ông báo công an bắt.Tôi sẽ khai với họ lý do vì sao?

– À, Tưởng gì chứ việc ấy thì anh yên tâm đã có tôi lo liệu .Dù sao thì cũng là tình cảm láng giềng.

Điên tiết, hắn nói như quát:

-Đến bây giờ mà ông còn giở giọng giả nhân, giả nghĩa. Có cần tôi gọi ngay thằng Đại đến đây không?

Như bị một cái tát choáng váng, ông gục xuống, nét mặt tái nhợt.

Hắn vẫn không ngồi xuống ghế, chắp tay sau lưng đi mấy bước trong phòng. Ông liếc nhìn hình như dưới áo hắn có khúc côn hay cái chuôi dao.

Ông hạ giọng chậm rải của kể thú tội::

-Tôi có lỗi với anh. Sau việc ấy tôi ân hận lắm. Chỉ mong gặp anh để.. Thôi thì anh bỏ qua, cho tôi xin…

Hắn cười khinh bỉ. Hiệp sỹ sẵn sàng quyết tử khi giao đấu để giành phần thắng, nhưng khi đối thủ đã ngã ngựa thì lại thu kiếm dắt dậy .Tâm trạng hắn lúc này là thế.

-Thôi. Nói chuyện khác: Phần đất ưu tiên gia đình liệt sỹ được cấp của tôi đâu? Sao lại là nơi xây ngôi nhà này:

Ông trả lời thều thào như người đứt hơi:

-Có.Hồi ấy anh có được tiêu chuẩn cấp một lô đất. Nhưng anh đi vắng, trong khi vợ chồng Na lại cần làm nhà nhưng thiếu tiền mua đất. Nên tôi tạm mượn .đợi khi anh về sẽ mua trả sau…

-Thiếu tiền? Thế cái gì đây – Hắn ném vào mặt ông lá thư,ông viết cho ông bạn là Giấm đốc Ngân hàng tỉnh Thái Bình ngày nào sai hắn và Na mang ba chục triệu nhờ gửi giúp. Nhưng khi sang ông giám đốc đi vắng,,cán bộ ngân hàng bảo có tiền cứ gửi không cần thư, Na cầm về lộn mặt sau viết cho hắn mấy câu thơ tình, hắn vẫn giữ làm kỷniệm.Hắn tiếp tục ra đòn

– Ông sai tôi chở xi măng sắt thép xây trường gửi ở nhà ai để xây nhà, ông, hẳn còn nhớ chứ? Đây.

Hắn ném tiếp cuốn sổ bìa đã sờn, trong đó có ghi ngày tháng,số lượng từng loại gửi nhà nào mà tại cuộc họp khi ông Hạnh nêu ra đã bị ông bác bỏ vì không có bằng chứng.

Đoan, hắn tiện lại nhìn thẳng vào mặt ông, nói như ra lệnh:

-Tôi yêu cầu ông, trong vòng một tháng phải rỡ ngay ngôi nhà này trả lại đất tôi. Nếu quá hạn thì đừng có trách..

Dứt câu hắn quay ngoắt bước thẳng. Ông nhìn theo cái dáng đi đứt khoạt, dõng dạc của hắn rồi cất tiềng thở dài., .

Làng ông Cự dạo này xôn sao những lời bàn tán. Có người bảo Khì Đất khi mới về dữ tợn là thế mà cuối cùng lại bị “ ma bắt mất hồn…”.Chứng cơ là tối hôm nọ thấy hắn ngồi rầm rì với cô Na ở sân nhà ông Hạnh. trai chưa vợ, gái chê chồng, khi hứng lên tránh sao được chuyện tý táy sờ mó….Có người bác ngay: Đấy chẳng qua là do ông Cự bày mưu ” Mỹ nhân kế ” chứ hắn chả thèm. Nếu hắn chịu giải hòa thì đã không gặp đoàn thanh tra cung cấp thêm nhiều nhân chứng vật chứng bấy lâu được giấu kín,.Có người khen Khì Đất tẩm ngầm tầm ngầm thế mà đấm chết voi. Có người lại bảo còn lâu ông Cự mới “ chết” .Ông tuy không khỏe như voi nhưng có thừa mưu mẹo. Những ngày gần đây, thấy ông thường đến nhà riêng các vị có chức, có quyền. Tài chạy chọt của ông xã này ai không biết tiếng.Lại có người quả quyết phen này ông chỉ còn cách chạy vào nhà tù.

Mấy người thân tín hỏi Khì Đất” Có tiếp tục “ chơi ” nữa không? “. Hắn bảo : “ Đã nói ngay từ hôm về làng: Xong việc thì mới đi, Sao còn phải hỏi.”

Có lúc cao hứng, hắn khoe với chúng bạn rằng: “Nay mai sẽ dậy cho bọn trẻ con trong làng mấy miếng võ để biết tự vệ.” Nói rồi hắn thích chí cười khì khì, trông chẳng khác ngày nào ở trên công trường vác đất. /.

Đ.Q

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder