Từ khi loài người tạo ra nền văn chương cho đến nay thì các thể loại như kịch, tiểu thuyết, thơ… chỉ tính các tác giả nổi tiếng ở tầm thế giới được độc giả các quốc gia đua nhau tìm đọc, các bộ từ điển Bách khoa toàn thư của nhân loại nhắc đến cũng phải kể đến con số hàng triệu. Còn thể loại truyện ngụ ngôn thì đốt đuốc tìm khắp gầm trời này số lượng tác giả đếm chưa đủ mười đầu ngón tay và riêng tôi chỉ biết con số cực kì khiêm tốn. Đó là Aesop (Hy Lạp), Ddabriuss (Syrye), Phedrô (La Mã)… Ba vị này thuộc thời cổ đại, và đến thế kỉ 17 ở nước Pháp mới nẩy sinh La Phông Ten. Tại sao vậy ?
Cắt nghĩa nguyên nhân của sự hiếm hoi các nhà viết chuyện ngụ ngôn trên văn đàn thế giới chỉ có thể căn cứ bằng tác phẩm của thể loại này. Ngụ ngôn là một thể loại văn chương khó tính với nhiều yêu cầu khắt khe. Chuyện kể phải ngắn gọn, hóm hỉnh, có tình có lý mà phải chuyển tải được những thông điệp thuộc hàng chân lý song lại cực kì đơn giản. Loại chuyện này chỉ có thể được rút ra từ bộ óc kinh lịch, từng trải, dạn dầy và rất thông minh. Để bao hàm được từng ấy yếu tố trong một chuyện ngụ ngôn hấp dẫn, có thông điệp, lời nhắn gửi, dậy khôn và được người đọc chấp không phải là dễ.
Trong số ít ỏi các tác giả truyện ngụ ngôn đó thì Aesop được xếp hàng đầu không chỉ vì ông là cổ nhất – Cuộc đời nhà văn ngụ ngôn thiên tài này tồn tại trong khoảng 620- 560 trước Công nguyên. Có số phận lạ lùng nhất – Ông xuất thân là một nô lệ. Ông có lượng tác phẩm ngụ ngôn nhiều nhất trong các nhà ngụ ngôn mà loài người biết được, số lượng ngụ ngôn của ông lên đến con số gần 500 truyện, mà đa phần các chuyện của ông đều bật ra từ cuộc sống, quay trở lại cuộc sống mà sau này không ít nhà ngụ ngôn kế thừa. Sự kế thừa này nhiều nhất ở La Phông Ten.
Nói như các nhà lý luận hiện nay thì môi trường sản sinh và quyết định sự phản ảnh của tác phẩm. Luận cứ này làm ta nhớ đến chủ nô lệ của Aesop là Xanthus ở đảo Samos – một hòn đảo của Hy lạp cổ – một vị lãnh chúa biết phục thiện, trọng tài đã trả tự do cho Aesop. Đây cũng là thời trị vì của vua Croesus giầu sang và quyền lực nhất cùng với bà vợ yêu xinh đẹp. Thời này cũng là thời Solon nhà hiền triết lừng danh người đã đưa ra câu nói nổi tiếng ”hạnh phúc vật chất thật bấp bênh nếu con người có một nội tâm không thanh thản”. Được chứng kiến một xã hội nhiều va đập giữa trí tuệ với quyền lực mà thắng lợi cuối cùng thuộc về trí tuệ. Sự lên voi xuống chó như vua Croerus từ ngai vàng thành một kẻ bị thiêu sống rồi thoát chết trong gang tấc vì nhắc lại lời nhà hiền triết Salon, rồi cuộc sống khổ sở của kiếp nô lệ, luôn bị đè nén, hành hạ bởi những kẻ có quyền, việc đấu trí giữa nô lệ và chủ nô… Nên truyện ngụ ngôn của Aesop bằng phương tiện đặc trưng của thể loại đã phản ảnh sâu sắc xã hội Hy lạp cổ để từ đó rút ra những bài học sâu sắc và thấm thía cho con người đương đại và mai sau. Ý nghĩa lớn lao đó của ngụ ngôn Aesop không chỉ làm người bình dân cảm nhận được mà còn tạo ra sự khâm phục cho các triết gia vĩ đại cỡ Socrate, Aristốt… Cha đẻ của của triết học duy tâm và triết học duy vật.
Còn riêng tôi, đến hôm nay đọc bản dịch của nhà thơ – dịch giả (Nguyễn) Ngọc Châu tôi chợt ngộ ra một điều. Hóa ra trong hơn nửa thế kỉ nay, tôi đã trực tiếp chiêm nghiệm, và rút ra cũng như tôi được nghe, được khuyên không ít điều hay, lẽ phải là đều từ gián tiếp hoặc trực tiếp những thông điệp từ chuyện ngụ ngôn của Aesop. Tôi xin trích gần hết câu chuyện “chó sói và cừu” rất nổi tiếng và đã trở thành sự hiện hữu trong suy tư cũng như trong thực tế cuộc sống để khẳng định một quy luật hiển nhiên tồn tại trên mặt đất ta đang sống – Cái mạnh, sự vô lương luôn đè nén, bắt nạt cái yếu, sự lương thiện. Sói già bắt gặp cừu non đang lang thang, hoạnh họe.
– Thằng kia, tưởng trốn đi đâu
Năm ngoái mày hỗn với tao cực kì…
– Dạ, thưa cụ!.. – Cừu kia rủn bước
– Năm ngoái con… chưa được sinh ra!
– Được rồi, chuyện ấy cho qua
Thế mày gặm cỏ đồng ta bao lần?!
– Con chưa… Cừu bội phần luống cuống
– Thằng lưu manh! Mày uống giếng tao…
Cừu non lạy như tế sao
Cố giãi bày Cừu mẹ bao mọi bề
Bàu sữa mẹ thỏa thuê nó bú
Chưa bao giờ ăn cỏ, uống gì…
Bất chấp mọi sự thật hiển nhiên sói vẫn ăn thịt cừu và ngụ ngôn rút ra kết luận:
Mới biết đừng tranh điều hay dở
Với cường quyền đè cổ dân đen
Một khi đuối lí mà xem
Luật gì chúng cũng chẳng thèm lưu tâm.
Một trong những đặc trưng lớn nhất của truyện ngụ ngôn là nhân cách hóa con vật, đồ vật. Với Aesop thì có thể nói gần hết nhân vật của ngụ ngôn Aesop là động vật. Chính vì thế nên người đọc mới thấy lại những con vật thân quen quanh cuộc sống như thỏ và rùa, kiến và châu chấu, đại bàng và diều hâu, dê non và sói, quạ và cừu, quạ xám muốn làm chim ưng… Và cái tài của Aesop là những con vật này mang đầy đủ tính chất muông thú của nó nhưng lại chuyển tải những điều phát sinh từ cuộc sống con người một cách khá hợp lý… Có một số truyện ngụ ngôn được Aesop mô tả song trùng giữa người và vật như chàng đánh cá và cây sáo, lão nông và con cò, lũ trộm và con gà trống, hai con la và bọn cướp, anh lính kèn tù binh… Nhưng cũng bằng tài năng của mình Aesop làm cho các nhân vật khác loài trở nên bình đẳng và hợp lý để nói lên những điều cần nói về sự vật và cuộc sống mà tác giả muốn đưa ra. Và cái tài của dịch giả – Thi sĩ Ngọc Châu là anh đã dịch, đã chuyển tải được trọn vẹn cốt chuyện, cùng những thông điệp một cách rõ ràng, hợp lý và nhất là dễ hiểu.
Người đọc Việt Nam bị hấp dẫn qua những tình tiết câu chuyện và bị thuyết phục bởi những thông điệp của Aesop một cách dễ dàng và trót lọt chính nhờ bản dịch tài hoa của Ngọc Châu. Anh tỏ ra cao tay khi chọn thể song thát lục bát (đến 99%) để dịch ngụ ngôn của Aesop. Đây chính là thể loại thơ đã làm nên bản dịch thiên tài “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm, cùng nhiều truyện nôm khuyết danh. Nhờ thể thơ phổ cập này, truyện ngụ ngôn của Aesop trở nên quen thuộc và dễ nhớ, dễ đọc. Cũng bằng cách dịch uyển chuyển qua thể thơ này nên chuyện ngụ ngôn của Aesop qua bản dịch của Ngọc Châu còn có hơi hướng cổ tích. Chính tính bình dân này đã thêm một lần khiến độc giả Việt Nam – nhất là người đọc trẻ tuổi không ngỡ ngàng, xa lạ khi đọc một tác giả đã cách họ hơn 2000 năm.
Chú dê non đứng trên chóp mái
Xa đoạn đường nguy hại thường khi
Thấy bên dưới Sói đang đi
Tức thì rủa xả, sợ gì Sói râu.
(dê non và sói)
Ngay cả khi Ngọc Châu dùng thể thơ năm chữ thì sự tôn trọng vần và chọn những từ phổ cập-đời thường để chuyển ngữ cũng làm người đọc bắt nhịp được câu chuyện cổ mà vẫn mang tính hiện đại, phổ cập. Xin được trích trọn chuyện Quạ và Cừu làm thí dụ điển hình:
Một anh Quạ khó chơi
Bỗng hạ cánh xuống ngồi
Coi lưng Cừu như ghế
Rõ ràng không thích thế
Nhưng Cừu cứ phải mang
Vị khách bất lịch sự
Đi dọc rồi đi ngang
Mãi sau mới hấm hứ
“Sao ngươi không ngồi thử
lên lưng lão Chó xồm?
Lông ngươi sẽ tiêu luôn
Da biến thành sa mạc
Răng lão Xồm như dao
Cho ngươi kêu quang quác!”
Quạ điềm nhiên đối đáp
“Ta coi thường bọn mềm
Ta chịu lép bọn cứng
Trước tên nào nên đứng
Trước kẻ nào phải quì
Nên trăm năm trôi đi
Vẫn sống vui yên ổn” !!!
Tóm lại với một vốn ngoại ngữ thành thạo, cộng thêm bản ngã của một nhà thơ nên bản dịch của Dịch giả – thi sĩ Ngọc Châu đã biến tác phẩm ngụ ngôn kinh điển của Aesop thành một tác phẩm truyện – thơ hấp dẫn . Chắc chắn khi đọc tác phẩm này người đọc ít nhiều sẽ cảm nhận được những thông điệp sâu sắc nhưng cực kì giản dị, những bài học về lẽ sống, về nhân sinh quan của cổ nhân truyền lại đặng từ đó giúp chúng ta sống tốt hơn, đẹp hơn.
Quỳnh Mai 6/12/2018
N.H