Nhà văn Alexander Nikolaevich Karlyukevich, đồng thời là nhà phê bình văn học, nhà báo, nhà sử học, từng là tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản Văn học. Hiện ông là Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Cộng hòa Bê-la-rút. Vừa qua, ông đã có cuộc phỏng vấn, đối thoại với nhà thơ Mai Văn Phấn về những vấn đề văn học đương đại Việt Nam. (Bài phỏng vấn đã đăng trên báo Văn học “Созвучие”[1] của Bê-la-rút, 9/2019). VHP trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài phỏng vấn này.
– Ales Karlyukevich: Những lĩnh vực chủ đề chính mà các nhà văn Việt Nam đương đại quan tâm là gì?
– MVP: Cảm ơn Nhà văn Ales Karlyukevich đã mở đầu bằng câu hỏi có phạm trù rất rộng. Vậy xin lan man thế này, đất nước chúng tôi đang đi tới sánh vai cùng các nước trong khu vực hội nhập thế giới. Hiện tại chúng tôi vẫn chịu ảnh hưởng tàn dư của những cuộc chiến tranh liên miên, tàn khốc trong quá khứ, và, cũng giống như các nước có diện tích nhỏ, Việt Nam còn chịu tác động mạnh bởi áp lực của thế giới đa cực, của mặt tích cực cũng như tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa. Hiện tại trên biển Đông vẫn thường xuyên có nhiều tàu chiến, tàu thăm dò, giàn khoan của Trung Quốc xâm lấn hải phận, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lịch sử cho thấy, số phận dân tộc tác động trực tiếp lên số phận từng công dân nước Việt. Cũng như thế giới nội tâm của mỗi con người là đơn vị cơ bản kết tinh thành giá trị, sức mạnh tinh thần của dân tộc chúng tôi. Các nhà văn đương đại Việt Nam đã và đang khắc họa muôn mặt của đời sống này, cả bề nổi đến tầng sâu của dòng chảy dữ dằn ấy.
– Ales Karlyukevich: Cơ sở của văn học Việt Nam hiện nay là gì? Văn xuôi, thơ hay văn học tư liệu?
– Mai Văn Phấn (MVP): Cả ba hình thái văn học như ngài vừa nêu đều phát triển mạnh mẽ ở đây. Nhưng văn xuôi luôn là cỗ máy cái trong guồng máy văn học khổng lồ. Do đặc thù của thể loại như ngài đã biết, văn xuôi cho phép nhà văn mở rộng hết cỡ biên độ không gian và thời gian, lý giải lịch sử và hiện tại một cách xác đáng nhất, đồng thời dự báo được những điều sẽ tới.
– Ales Karlyukevich: Số lượng ấn hành trong xuất bản sách Việt. Có bao nhiêu sách văn xuôi? Bao nhiêu thơ? Khác với số lượng ấn hành sách được xuất bản vào cuối thế kỷ 20 như thế nào?
– MVP: Tôi không thể tổng hợp được mỗi năm có bao nhiêu đầu sách văn xuôi hoặc thơ đã ấn hành. Theo tổng kết của Cục Xuất bản VN đã công bố trên báo chí, năm 2018 có gần 32 nghìn cuốn sách với hơn 390 triệu bản đã được xuất bản, tăng 20,6% về số cuốn, tăng 24,7% về số bản in so với năm 2017. Như vậy, mỗi năm số lượng đầu sách đã tăng nhiều so với năm trước cùng kỳ, và dĩ nhiên, tăng cách biệt so với số lượng sách ấn hành vào cuối thế kỷ 20. Hiện tại một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành phố Sách, con đường Sách riêng. Từ 2014 Thủ tướng chính phủ VN đã chọn ngày 21 tháng Tư là “Ngày sách Việt Nam” hàng năm.
– Ales Karlyukevich: Việc trẻ em đọc sách có vấn đề không? Trẻ em có chuyển sang đọc sách trực tuyến không?
– MVP: Người Việt Nam chúng tôi có truyền thống yêu quý sách vở. Từ xa xưa vào các dịp lễ tết, sinh nhật, hay khai giảng năm học mới, người lớn thường tặng sách bút cho trẻ nhỏ với ước mong chúng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và sớm thâu nạp được thật nhiều kiến thức. Trẻ em chúng tôi cũng thường xuyên đọc sách trực tuyến. Nhưng tôi rất lo lắng khi chúng bị hút vào những truyện tranh chữ nhỏ, nhất là truyện tranhcủa Nhật bản. Xin nói thêm rằng, các con cháu của tôi hiện đều đã cận rất sớm.
– Ales Karlyukevich: Văn học thiếu nhi phát triển tích cực như thế nào?
– MVP: Các nhà văn chúng tôi có lẽ viết chậm hơn sự mong đợi và nhu cầu của thiếu nhi. Cá biệt, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có hơn 50 đầu sách cho bạn đọc nhỏ tuổi. Sách của ông được dịch sang một số ngôn ngữ châu Á, như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Các nhà xuất bản của chúng tôi đã năng động tìm dịch những tác phẩm viết cho thiếu nhi từ khắp các châu lục. Tuy vậy, mỗi gia đình đều ý thức xây dựng một tủ sách dân tộc Việt, gồm các truyện lịch sử, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện dân gian và hiện đại, ca dao, tục ngữ… để giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, xứ sở.
– Ales Karlyukevich: Độc giả đọc sách được dịch có phổ biến không?
– MVP: Bạn đọc ở đây thường xuyên sưu tầm sách văn học dịch. Có lẽ không có tác phẩm có hương sắc nào trên thế giới lại không được dịch ở Việt Nam. Ngoài các nhà xuất bản, ở đây xuất hiện các công ty kinh doanh sách của tư nhân. Họ là những đơn vị năng động và nhạy bén với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, số người đọc được trực tiếp các văn bản gốc bằng tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Pháp cũng khá nhiều, nhất là tầng lớp trí thức.
– Ales Karlyukevich: Sự liên kết giữa văn học Việt Nam với văn học Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ mạnh đến mức nào?
MVP: Sự liên kết giữa văn học Việt Nam với văn học các nước như ngài vừa nhắc cũng tương tự như sự liên kết với văn học Nga, Bê-la-rút và các nước Âu Mỹ. Những nhà xuất bản, những đơn vị kinh doanh sách và các dịch giả đã làm việc rất năng động và chuyên nghiệp. Có lẽ họ đã “phủ sóng” khắp toàn cầu trong lĩnh vực chọn lựa sách cho bạn đọc VN.
– Ales Karlyukevich: Văn học Nga hiện nay có được dịch và xuất bản không?
– MVP: Trong những năm chiến tranh, văn học các nước Xô Viết (Liên Xô cũ), trong đó có văn học Nga chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam. Với bạn đọc nhỏ tuổi, những cuốn sách như, “Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn” của Nikolay Nosov có phần minh họa của họa sĩ Aleksey Laptev, “Bác sĩ Aibôlít” của Coocnây Trucốpxki, “Chiếc Chìa Khoá Vàng” của Alexey Tônxtoi, “Ông già Khốt ta bít” của Lazar Lagin, “Timur và đồng đội” của Arkady Gaidar, “Vitya Maleyev ở nhà và ở trường” của Nikolai Nosov… đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ Việt Nam trong suốt những năm 1970-1980 và cho đến tận bây giờ. Sau khi Liên Xô tan rã, sự liên kết giữa văn học của chúng tôi với văn học Nga bị gián đoạn, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây văn học Nga đã trở lại Việt Nam. Ví dụ, trong năm 2016, 2017 và 2018 những tác phẩm của các nhà văn Nga được bạn đọc ở đây đón nhận nồng nhiệt như, “Nhật ký mẹ chồng”, “Vợ, người tình và quý ông hoàn hảo” của Maria Metlitskaya; “Ra đời” của Aleksei Varlamov. Chính phủ Nga đã tài trợ cho việc dịch thuật và xuất bản sách vào Việt Nam, như tuyển tập truyện vừa “Kinh nghiệm tình ái” gồm 6 tác phẩm đoạt giải thưởng quốc gia Liên bang Nga về văn học nghệ thuật trong hơn 10 năm qua; Tuyển tập truyện ngắn “Đôi cánh” ấn hành năm 2017; tiểu thuyết “Thành phố Khurramabad” của Andrey Volos, giải thưởng quốc gia Liên bang Nga; truyện vừa “Con gái Ivan, mẹ Ivan” của Valentin Rasputin – một trong những nhà văn lớn của văn học Nga đương đại v.v.
– Ales Karlyukevich: Ở Việt Nam có biết đến Vasilia Bykova, Svetlana Aleksievich và các nhà văn người Bê-la-rút khác không?
– MVP: Từ những năm 80 của thế kỷ trước, hai tác phẩm “Thuỳ dương nguyên thuỷ” và “Đội săn của quốc vương Stakh” của nhà văn Vladimir Korotkevich đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Sách của nhà văn Vasilia Bykova cũng được dịch và xuất bản. Đặc biệt mấy năm gần đây, tác phẩm của nữ văn sĩ đoạt giải Nobel 2015 Svetlana Alexievich đã được xuất bản với số lượng lớn, được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận, như “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”, “Những nhân chứng cuối cùng”. Đặc biệt “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” được dịch lại lần thứ hai từ nguyên bản không bị cắt xén và được tái bản nhiều lần.
– Ales Karlyukevich: Ở Việt Nam có duy trì hệ thống hỗ trợ của nhà nước cho việc xuất bản sách không?
– MVP: Hệ thống hỗ trợ của nhà nước cho việc xuất bản sách được duy trì thường xuyên. Các nhà xuất bản và các đơn vị kinh doanh sách cũng hỗ trợ đắc lực cho việc xuất bản. Hội Nhà văn VN và các Hội Nhà văn địa phương thường hỗ trợ cho các tác giả, như cung cấp tài chính, bố trí nơi ăn nghỉ, đi lại để các nhà văn thâm nhập thực tế sáng tác.
– Ales Karlyukevich: Có hệ thống giải thưởng văn học nào không?
– MVP: Có khá nhiều giải thưởng văn học ở các cấp độ khác nhau. Nhà nước có giải thưởng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó là “Giải thưởng Nhà nước”. Hội Nhà văn VN và các Hội Nhà văn địa phương đều có giải thưởng hàng năm. Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố có giải thưởng hàng năm hoặc từ 3 đến 5 năm một lần. Ngoài ra còn có các cuộc thi văn học của các tờ báo và tạp chí văn học.
– Ales Karlyukevich: Tác phẩm nào trong văn học đương đại Việt Nam hiện được đọc nhiều nhất?
– MVP: Việc đọc tác phẩm văn học nương theo từng khuynh hướng sáng tác, phân hóa theo từng thế hệ bạn đọc. Mỗi nhóm bạn đọc thường chọn cho mình tác phẩm mà họ yêu thích. Những người trẻ thường tìm đến những tác phẩm khác với thế hệ đi trước. Nếu lấy phiếu thăm dò xã hội, chắc khó có thể tìm ra một nhà văn đương đại mà mọi thế hệ đều yêu thích. Tôi cho đây là tín hiệu tốt lành của một đời sống văn học dân chủ và tự do. Nhân đây tôi cũng muốn đưa ra đáp số cho câu hỏi của ngài. Theo tôi, tác phẩm của các nhà văn có xu hướng cách tân, thâu nạp được những tinh hoa của thi pháp trên thế giới, kết hợp nhuần nguyễn với bản sắc dân tộc Việt sẽ được bạn trẻ hào hứng đón nhận. Thế hệ trẻ dĩ nhiên là chủ nhân của đất nước này.
– Ales Karlyukevich: Cảm ơn nhà thơ MVP!
Bản tiếng Nga tại đây:
[1] “Созвучие” là tổ chức Văn học và Báo chí của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (viết tắt: SNG). SNG – Tiếng Nga: Содружество Независимых Государств, viết tắt: СНГ; tiếng Anh: Commonwealth of Independent States, viết tắt: CIS. Tổ chức “Созвучие” được Nhà xuất bản “Звязда” (Ngôi sao) tại thủ đô Minx-cơ đề xướng thành lập năm 2013 dưới sự hỗ trợ của Bộ Thông tin Cộng hòa Bê-la-rut. “Созвучие”đã xuất bản nhiều tác phẩm cổ điển và đương thời của các nước SNG: Azerbaijan, Armenia, Bê-la-rut, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine. Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) là tổ chức liên minh các quốc gia – thành viên cũ của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, đã lần lượt tách ra để trở thành các nước độc lập sau khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa châu Âu sụp đổ vào năm 1990. SNG được thành lập theo Hiệp ước kí ngày 8/12/1991 tại Minx-cơ (Bê-la-rut) giữa các nước Bê-la-rut, Nga, Ukraina. Đến 21.12.1991, các nước Azecbaijan, Acmênia, Kazăcxtan, Kiaghixtan, Mônđôva, Tatjikixtan, Tuôcmênixtan, Uzơbêkixtan đã gia nhập SNG và sau đó là Gruzia, nâng số thành viên lên 12.